SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA
NHÂN NGÀY THẾ GIỚI TRUYỀN GIÁO NĂM 2005

“Truyền Giáo: Tấm bánh bẻ ra cho sự sống của thế giới”

Anh chị em thân mến,

1. Ngày Thế giới Truyền giáo  năm nay qui hướng về Bí tích Thánh Thể, vì thế giúp chúng ta hiểu rõ hơn ý nghĩa “hy tế thánh thể” của cuộc đời chúng ta, khi sống lại bầu khí của Phòng Tiệc Ly trong buổi chiều trước cuộc khổ nạn, lúc Đức Giêsu hiến ban chính mình ngài cho thế giới: “trong đêm bị nộp, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng tạ ơn, rồi bẻ ra và nói: “Anh em cầm lấy mà ăn, đây là mình Thầy, hiến tế vì anh em; anh em hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” (1 Cr 11, 23-24).

Trong tông thư mới đây “Mane nobiscum Domine” (Lạy Thầy xin ở lại cùng chúng con), tôi đã mời gọi anh chị em chiêm ngắm Đức Giêsu, “tấm bánh bẻ ra” cho toàn thể nhân loại. Noi gương Ngài, chúng ta cũng hãy trao hiến cuộc đời mình cho anh chị em, đặc biệt là những người thiếu thốn nhất. Bí tích Thánh Thể mang “dấu chỉ của tính phổ quát”, tiên báo dưới hình thái bí tích điều sẽ xảy đến “khi mà tất cả những ai tham dự bản tính nhân loại, một khi đã được tái sinh trong Chúa Kitô nhờ Chúa Thánh Thần và cùng nhau mặc lấy vinh quang Thiên Chúa, sẽ có thể nói: “Lạy Cha chúng con” (Ad Gentes số 7). Như thế, trong khi giúp ta hiểu cách trọn vẹn ý nghĩa của việc truyền giáo, bí tích Thánh Thể thúc bách mỗi tín hữu, và đặc biệt là các nhà truyền giáo, trở nên “tấm bánh bẻ ra cho sự sống của thế giới”.

Nhân loại cần đến Đức Kitô “tấm bánh bẻ ra”

2. Trong thời đại chúng ta hiện nay, xã hội con người dường như bị bao trùm bởi những bóng đêm dầy đặc, rồi lại bị chấn động bởi các biến cố bi thảm và đảo lộn bởi các thảm hoạ thiên nhiên. Thế nhưng, cũng như “trong đêm ngài bị nộp” (1 Cr 11, 23), Đức Giêsu hôm nay vẫn “bẻ bánh” (x. Mt 26, 26) cho chúng ta, và trong các cử hành thánh thể, Ngài hiến ban chính mình cho tất cả, dưới dấu chỉ bí tích của tình yêu Ngài. Đó là lý do vì sao tôi đã nhắc nhở anh chị em, “bí tích Thánh Thể không chỉ là một biểu lộ sự hiệp thông trong đời sống Giáo hội, mà còn là một kế hoạch liên đới cho toàn nhân loại” (Mane nobiscum Domine, số 27); bí tích Thánh Thể là “bánh bởi Trời”, bánh ban sự sống vĩnh cửu (x. Ga 6, 33) và mở rộng tâm hồn con người ra với niềm hy vọng lớn lao.

Chính Đấng Cứu Thế, Đấng đã từng chạnh lòng thương khi nhìn thấy đám đông, “vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt” (Mt 9, 36), qua sự hiện diện nơi bí tích Thánh Thể, tiếp tục bày tỏ lòng thương xót đối với nhân loại nghèo khó và đau khổ, dọc theo dòng thời gian.

Chính trong danh Ngài mà những người hoạt động mục vụ cũng như các nhà truyền giáo đã rong ruổi trên những nẻo đường xa lạ, hầu mang “tấm bánh” cứu độ đến cho mọi người. Họ được thôi thúc bởi niềm xác tín rằng, một khi kết hiệp với Đức Kitô, “là trung tâm không chỉ đối với lịch sử của Giáo hội mà còn của cả lịch sử nhân loại” (x. Ep 1, 10; Col 1, 15-20) (Mane nobiscum Domine, số 6), thì có thể đáp ứng được những mong mỏi thâm sâu nhất của tâm hồn con người. Chỉ có Đức Giêsu mới có thể thoả mãn sự đói khát tình thương và công lý của nhân loại; chỉ có Ngài mới cho mỗi người được dự phần vào sự sống đời đời: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời” (Ga 6, 51).

Cùng với Đức Kitô, Giáo hội trở nên “tấm bánh bẻ ra”

3. Khi cử hành bí tích Thánh Thể, đặc biệt là vào Chúa Nhật, tức là ngày của Chúa, cộng đoàn Giáo hội cảm nghiệm giá trị cuộc gặp gỡ với Đức Kitô phục sinh trong ánh sáng đức tin, và ngày càng ý thức rằng, hy tế Thánh Thể là “cho muôn người” (Mt 26, 28). Nếu chúng ta được nuôi dưỡng bởi Mình và Máu Đức Kitô chịu đóng đinh và đã phục sinh, thì chúng ta không thể giữ “quà tặng” đó cho riêng mình. Trái lại, cần phải chia sẻ món quà đó. Niềm say mê yêu mến đức Kitô sẽ dẫn đến việc can đảm loan báo đức Kitô, và qua chứng từ tử đạo, lời loan báo trở thành lễ dâng trọn vẹn của tình yêu dành cho Thiên Chúa và cho anh em. Bí tích Thánh Thể lôi cuốn chúng ta quảng đại loan báo Tin Mừng và tích cực dấn thân xây dựng một xã hội ngay chính và huynh đệ hơn.

Tôi hết lòng mong muốn Năm Thánh Thể sẽ thúc đẩy mọi cộng đồng Kitô hữu, qua các hoạt động huynh đệ, chiến đấu “chống lại hình thức này hay hình thức khác của sự nghèo khó, vốn đầy dẫy trong thế giới chúng ta” (Mane nobiscum Domine, số 28). Bởi lẽ, “chính ở tình thương lẫn nhau, và nhất là sự quan tâm lo lắng cho những ai đang sống trong nghèo khổ, mà người ta nhận ra chúng ta là những môn đệ đích thực của Đức Kitô” (x. Ga 13, 35; Mt 25, 31-46). “Đó là tiêu chuẩn chứng tỏ tính xác thực của những cử hành Thánh Thể của chúng ta” (Mane nobiscum Domine, số 28).

Các nhà truyền giáo, “tấm bánh bẻ ra” cho sự sống của thế giới

4. Hôm nay đây, Đức Kitô cũng truyền cho các môn đệ của Ngài: “chính anh em hãy cho họ ăn” (Mt 14, 16). Nhân danh Ngài, các nhà truyền giáo lên đường đến với bao vùng đất trên thế giới, để loan báo và làm chứng cho Tin Mừng. Qua các hoạt động của mình, họ lại làm vang lên lời của Đấng Cứu Thế: “Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ” (Ga 6, 35); cả họ cũng trở nên “tấm bánh bẻ ra” cho anh em, và đôi khi đi đến chỗ hy sinh chính mạng sống mình.

Có biết bao nhà truyền giáo tử đạo trong thời đại chúng ta! Gương của họ lôi kéo biết bao bạn trẻ trên con đường trung tín với Đức Kitô cách anh hùng! Giáo hội đang cần đến nhiều người nam nữ sẵn sàng hiến thân trọn vẹn cho chính nghĩa cao cả của Tin Mừng.

Ngày Thế giới Truyền giáo là dịp rất thuận lợi để chúng ta ý thức rằng, việc tham gia vào sứ mạng rao giảng Tin Mừng là một đòi hỏi khẩn thiết, một sứ mạng mà các cộng đoàn địa phương và rất nhiều tổ chức Giáo hội, đặc biệt là các Hội Giáo hoàng Truyền giáo và các tổ chức truyền giáo đã dấn thân đảm nhận. Sứ mạng đó không những cần đến sự cầu nguyện, hy sinh, mà còn cả những nâng đỡ vật chất, cụ thể. Nhân dịp này, tôi cũng muốn biểu dương sự phục vụ quí báu mà các Hội Giáo hoàng Truyền giáo mang lại, và tôi kêu mời anh chị em hãy nâng đỡ họ qua sự hợp tác quảng đại về tinh thần cũng như vật chất.

Xin Đức Trinh Nữ, Mẹ Thiên Chúa, giúp chúng ta sống lại kinh nghiệm Phòng Tiệc Ly, để các cộng đồng Giáo hội của chúng ta trở nên đích thực là “Công giáo”, nghĩa là những cộng đoàn mà trong đó, “linh đạo truyền giáo”, hiểu như là “sự hiệp thông mật thiết với Đức Kitô” (Redemptoris missio, số 88), được liên kết chặt chẽ với “linh đạo thánh thể”, mà khuôn mẫu là Đức Maria, “người nữ thánh thể” (Ecclesia de Eucharistia, số 53), những cộng đoàn biết mở lòng trước tiếng nói của Thánh Thần cũng như trước các nhu cầu của nhân loại, những cộng đoàn trong đó các tín hữu, nhất là các nhà truyền giáo, không ngần ngại trở nên “tấm bánh bẻ ra cho sự sống của thế giới”.

Tôi gửi đến tất cả anh chị em Phép lành của tôi.

Vatican, ngày 22 tháng 02 năm 2005. Lễ kính Ngai Toà Thánh Phêrô.

GIOAN PHAOLÔ II

Chuyển ngữ: Ủy Ban Loan Báo Tin Mừng

WHĐ (01.10.2005)