SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA
NHÂN NGÀY THẾ GIỚI TRUYỀN GIÁO NĂM 2002
Anh chị em thân mến,
1. Sứ mạng truyền giáo của Giáo hội cốt yếu là
loan truyền tình yêu, lòng thương xót và sự tha thứ của Thiên Chúa, đã được mạc
khải cho nhân loại qua đời sống, cái chết và sự phục sinh của Đức Giêsu Kitô,
Chúa chúng ta. Đó chính là việc công bố Tin Mừng rằng Thiên Chúa yêu chúng ta,
và muốn tất cả chúng ta hiệp nhất nơi lòng thương xót của Ngài, Ngài tha thứ
cho chúng ta và mời gọi chúng ta, tới lượt mình, cũng phải tha thứ cho người
khác ngay cả những xúc phạm nặng nề nhất. Đây chính là lời hoà giải được trao
cho chúng ta như thánh Phaolô nói, “Thiên Chúa đã cho thế gian được hoà giải
với Người. Người không còn chấp tội nhân loại nữa, và giao cho chúng tôi công bố
lời hoà giải” (2 Cr 5, 19). Những lời này vang vọng và là lời kêu xin thống
thiết nhất từ con tim của Chúa Kitô trên Thánh giá: “Lạy Cha, xin tha cho
chúng, vì chúng không biết việc chúng làm” (Lc 23, 34).
Do đó bản tóm lược nội dung căn bản của Ngày
Thế giới Truyền giáo mà chúng ta sẽ cử hành vào ngày Chúa Nhật 20 tháng 10 sắp
tới với chủ đề đáng chú ý đó là “Truyền giáo là công bố về sự tha thứ”.
Có thể nói về một biến cố, dù nó được lặp lại hàng năm, nhưng nó không mất đi ý
nghĩa đặc biệt và tầm quan trọng của nó trong thời gian kế tiếp, bởi vì truyền
giáo là lời đáp trả của chúng ta với lệnh truyền tối cao của Đức Giêsu: “Anh
em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ… dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy
đã truyền cho anh em” (Mt 28, 19-20).
2. Bước vào thiên niên kỷ thứ ba của Kitô
giáo, bổn phận truyền giáo đòi hỏi một sự khẩn cấp hơn, bởi vì như tôi đã nói
trong thông điệp Sứ vụ Đấng Cứu Độ: “Số những người chưa biết Đức Kitô
và chưa gia nhập Giáo hội vẫn không ngừng gia tăng, thậm chí đã tăng gấp đôi từ
sau Công đồng. Khi ta lưu ý đến số người đông đảo đó, được Chúa Cha yêu thương
và gửi Con mình cho họ, sứ vụ truyền giáo của Giáo hội quả là khẩn cấp” (RM số
3).
Cùng với vị tông đồ và nhà truyền giáo vĩ đại
là thánh Phaolô, chúng tôi muốn lặp lại: “Đối với tôi, rao giảng Tin Mừng
không phải là lý do để tự hào, mà đó là một sự cần thiết buộc tôi phải làm: khốn
thân tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng… đó là một nhiệm vụ mà Thiên Chúa
giao phó cho tôi” (1Cr 9, 16-17). Chỉ có tình yêu của Thiên Chúa, thì khả
năng hiệp nhất con người thuộc mọi chủng tộc và văn hoá mới có thể chữa lành mọi
chia rẽ, mọi xung đột do ý thức hệ, những chênh lệch về kinh tế và bạo lực còn
đang áp bức nhân loại.
Chúng ta biết, các cuộc chiến tranh và các cuộc
cách mạng khủng khiếp đã gây đổ máu trong những thế kỷ trước, và các cuộc xung
đột, tiếc thay vẫn tiếp tục gây đau khổ cho thế giới gần như một bệnh dịch. Đồng
thời, chúng ta không thể phủ nhận niềm khát khao của đông đảo những người nam
và người nữ, dù sống trong cảnh nghèo khó cùng cực về tinh thần và vật chất, họ
trải qua một cơn khát lớn lao về Thiên
Chúa và về lòng thương xót của Người. Lời mời
gọi loan báo Tin Mừng của Chúa, còn hiệu lực cho đến ngày nay, thậm chí, còn cấp
bách hơn bao giờ hết.
3. Trong tông thư “Mở đầu Ngàn Năm Mới”,
tôi đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc chiêm ngắm khuôn mặt của Đức Kitô
đau khổ và vinh quang. Trọng tâm thông điệp Kitô giáo là loan báo mầu nhiệm vượt
qua của Đức Kitô, Đấng chịu đóng đinh và đã sống lại. Khuôn mặt đau khổ của Đấng
chịu đóng đinh “dẫn chúng ta đến gần khía cạnh nghịch lý nhất trong mầu nhiệm của
Người, khi nó được bày tỏ trong giờ sau hết, giờ của Thập giá” (số 25). Trên Thập
giá, Thiên Chúa đã mạc khải trọn vẹn tình yêu của Người cho chúng ta. Thập giá
chính là chìa khoá dẫn chúng ta đến với “lẽ khôn ngoan, nhưng không phải là
lẽ khôn ngoan của thế gian, cũng không phải của các thủ lãnh thế gian này”, nhưng
là “sự khôn ngoan mầu nhiệm của Thiên Chúa đã được giữ bí mật” (1 Cr
2,6.7).
Cây Thập giá, nơi khuôn mặt vinh quang của Đấng
Sống lại đã được toả sáng, dẫn chúng ta đến sự viên mãn của đời sống Kitô hữu
và tình yêu hoàn hảo, bởi vì Thập giá mặc khải rằng Thiên Chúa muốn chia sẻ cuộc
sống, tình thương và sự thánh thiện của Người với nhân loại. Dưới ánh sáng của
mầu nhiệm này, Giáo hội nhớ đến lời của Chúa: “Anh em hãy nên hoàn thiện,
như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5, 48), Giáo hội hiểu rõ rằng
sứ mạng của mình sẽ trở nên vô nghĩa nếu không dẫn đến sự viên mãn của đời sống
Kitô hữu, nghĩa là đến tình yêu và sự thánh thiện trọn hảo. Khi chiêm ngắm Thập
giá, chúng ta học cách sống khiêm nhường và tha thứ, hoà bình và hiệp thông.
Đây chính là kinh nghiệm của thánh Phaolô: “Tôi là người đang bị tù vì Chúa,
tôi khuyên nhủ anh em, hãy sống cho xứng với ơn kêu gọi mà Thiên Chúa đã ban
cho anh em. Anh em hãy ăn ở thật khiêm tốn, hiền từ và nhẫn nại; hãy lấy tình
bác ái mà chịu đựng lẫn nhau. Anh em hãy tha thiết duy trì sự hiệp nhất mà Thần
Khí đem lại, bằng cách ăn ở thuận hoà, gắn bó với nhau” (Eph 4, 1-3). Và với
giáo đoàn Colosê, ngài còn thêm: “Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển
chọn, thánh hiến và yêu thương. Vì thế, anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu,
khiêm nhu, hiền hoà và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong
anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh
em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau. Trên mọi đức tính, anh
em phải có lòng bác ái, đó là mối dây liên kết tuyệt hảo. Ước gì ơn bình an của
Đức Kitô điều khiển tâm hồn anh em, vì trong một thân thể duy nhất, anh em được
kêu gọi đến hưởng ơn bình an đó” (Col 3, 12-15).
4. Anh chị em thân mến, tiếng kêu của Đức
Giêsu trên thập giá (x. Mt 27,46) không phải là tiếng kêu khước từ đau khổ của
một người tuyệt vọng, nhưng là lời cầu nguyện của Chúa Con, Đấng hiến mạng sống
mình cho Chúa Cha để cứu độ mọi người. Từ thập giá, Đức Giêsu chỉ ra những điều
kiện có thể thực hành sự tha thứ. Đối với lòng thù hận, đã đưa những kẻ bắt Người
và đóng đinh Người vào thập giá, Người đáp lại bằng cách cầu nguyện cho họ. Người
không chỉ tha thứ cho họ, mà còn tiếp tục yêu thương họ, mong muốn sự tốt lành
cho họ, và vì thế Người chuyển cầu cho họ. Cái chết của Người trở nên hiện thực
của Tình yêu.
Đứng trước mầu nhiệm lớn lao của thập giá,
chúng ta chỉ biết phủ phục tôn thờ. “Để đem con người tới thánh nhan Chúa
Cha, Đức Giêsu không chỉ mang lấy gương mặt của con người, mà còn mang trên
mình “gương mặt” của tội lỗi.
“Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện
thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Người” (2 Cor 5, 21) (Tông huấn “Mở đầu ngàn năm mới”, số 25). Từ sự
tha thứ tuyệt đối của Đức Kitô, ngay cả cho những kẻ bách hại Ngài, khai mở cho
chúng ta sự công chính mới của Nước Thiên Chúa.
Trong bữa tiệc ly, Đấng Cứu Chuộc đã nói với
các tông đồ rằng: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới, là anh anh em hãy
yêu thương nhau như thầy đã yêu thương anh em. Mọi người sẽ nhận biết anh em là
môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13,
3435).
5. Đức Kitô phục sinh đã ban bình an cho các
môn đệ của Người. Trung thành với lệnh truyền của Chúa, Giáo hội vẫn tiếp tục
loan báo và truyền bá sự bình an. Qua công cuộc loan báo Tin Mừng, các tín hữu
giúp mọi người nhận biết chúng ta là anh em, và lữ khách nào đang sống trên mặt
đất, dù đi trên những con đường khác nhau, tất cả chúng ta đều hướng tới cùng một
quê hương mà Thiên Chúa, qua những con đường chỉ mình Người biết, không ngừng
chỉ ra cho chúng ta. Con đường chính của truyền giáo là đối thoại chân thành (x.
AG 7, NA 2); một cuộc đối thoại “không bắt nguồn từ một chiến lược hay lợi ích
cá nhân” (RM 56), cũng không phải là cùng đích. Trái lại, đối thoại với người
khác với lòng kính trọng và thấu hiểu, bằng cách xác định những nguyên tắc mà
ta tin và công bố bằng tình yêu những chân lý đức tin sâu sa nhất đó là niềm
vui, niềm hy vọng và ý nghĩa của cuộc sống. Xét cho cùng, đối thoại là thực hiện
một sự thúc đẩy tinh thần dẫn đến môt sự “thanh luyện và sám hối bên trong, nếu
được thực hiện với sự ngoan ngoãn theo sự hướng dẫn của Thánh Thần, sẽ mang lại
nhiều hoa trái thiêng liêng” (RM 56). Việc dấn thân vào cuộc đối thoại trong
thái độ lắng nghe và tôn trọng là điều không thể thiếu trong việc làm chứng thực
sự về tình yêu cứu độ của Thiên Chúa.
Cuộc đối thoại này được liên kết chặt chẽ với
thái độ sẵn sàng tha thứ, vì người tha thứ mở lòng mình với người khác, có khả
năng yêu thương, hiểu biết anh em mình bằng cách sống hoà hợp với họ. Mặt khác,
việc thực hành sự tha thứ, theo gương Đức Giêsu, thách thức và mở lòng, sẽ chữa
lành các vết thương của tội lỗi và chia rẽ, và tạo ra một sự hiệp thông đích thực.
6. Với việc cử hành Ngày Thế giới Truyền giáo,
mọi người đều có cơ hội nhìn lại chính mình với những đòi hỏi tình yêu vô bờ của
Thiên Chúa. Tình yêu đòi hỏi đức tin; tình yêu mời gọi chúng ta đặt hết niềm
tin tưởng vào Người. “Không có đức tin, thì không thể làm đẹp lòng Thiên
Chúa, vì ai đến gần Thiên Chúa, thì phải tin là có Thiên Chúa và tin Người là Đấng
ban phần thưởng cho những ai tìm kiếm Người” (Dt 11,6).
Trong dịp kỷ niệm hàng năm này, chúng ta được
mời gọi cầu nguyện cách sốt sắng cho công cuộc truyền giáo và cộng tác bằng mọi
phương thế vào hoạt động truyền giáo của Giáo hội trên toàn thế toàn thế giới để
xây dựng Nước Thiên Chúa, “một Vương quốc vĩnh cửu và vô biên: vương quốc của sự
thật và sự sống, vương quốc của ân sủng và sự thánh thiện, vương quốc của công
lý, tình thương và hoà bình” (Kinh tiền tụng lễ Chúa Kitô, Vua vũ trụ).
Trước hết, chúng ta được mời gọi làm chứng bằng cuộc sống gắn bó trọn vẹn với Đức
Kitô và Tin Mừng của Người.
Đúng vậy, chúng ta không bao giờ hổ thẹn về
Tin Mừng và không bao giờ sợ hãi khi xưng mình là Kitô hữu, bằng cách che dấu đức
tin của mình. Trái lại, chúng ta cần tiếp tục rao giảng, mở rộng không gian cho
việc công bố ơn cứu độ, bởi vì Đức Giêsu đã hứa sẽ ở cùng chúng ta cho đến tận
thế và Người luôn ở giữa các môn đệ của mình.
Ngày Thế giới Truyền giáo, một ngày lễ thực sự
đặc biệt về truyền giáo, giúp chúng ta khám phá tốt hơn giá trị của ơn gọi
riêng và ơn gọi cộng đoàn. Hơn nữa, nó thúc đẩy chúng ta đến giúp “những anh em
bé nhỏ nhất” (x. Mt 25, 40) ngang qua các nhà truyền giáo đang rải rác khắp nơi
trên thế giới. Đây là công việc của các Hội Giáo hoàng Truyền giáo, luôn sẵn
sàng phục vụ công cuộc truyền giáo của Giáo hội, bảo đảm cho những người bé mọn
rằng họ không thiếu người chia sẻ với họ tấm bánh Lời Chúa, và tiếp tục mang đến
cho họ món quà là tình yêu vô tận tuôn trào từ trái tim của Đấng Cứu Độ.
Anh chị em thân mến! Chúng tôi trao sự dấn
thân loan báo Tin Mừng, cũng như toàn bộ mọi hoạt động truyền giáo của Giáo hội
cho rất thánh Đức Trinh nữ Maria, Nữ vương của công cuộc truyền giáo. Xin Mẹ đồng
hành với chúng ta trên con đường khám phá, loan báo và làm chứng cho Tình
thương của Thiên Chúa, Đấng tha thứ và ban tặng sự bình an cho nhân loại.
Với những tâm tình này, tôi vui mừng ban Phép
lành
Toà Thánh cho các nhà truyền giáo khắp nơi
trên toàn thế giới, cho những người đồng hành với họ bằng lời cầu nguyện và trợ
giúp huynh đệ, cho các cộng đoàn Kitô hữu đã hiện diện từ lâu hoặc mới thiết lập,
và khẩn cầu cho tất cả anh chị em luôn được sự che chở của Chúa.
Vatican, ngày 19
tháng 5 năm 2002. Đại lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống.
GIÁO HOÀNG GIOAN
PHAOLÔ II
Chuyển ngữ: Ủy Ban Loan Báo Tin Mừng