SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA

NHÂN NGÀY THẾ GIỚI TRUYỀN GIÁO NĂM 2001
“Tình thương Chúa đời đời con ca tụng” (Tv 89 [88], 2)

Anh chị em thân mến,

1. Với niềm vui sâu xa, chúng ta đã cử hành Đại Năm Thánh cứu chuộc, là thời gian ân sủng dành cho toàn thể Giáo hội. Lòng thương xót của Thiên Chúa mà mỗi Kitô hữu cảm nghiệm được, thúc đẩy chúng ta “ra khơi”, bằng sự ghi nhớ biết ơn trong quá khứ, sống say mê trong hiện tại và mở ra với sự tin tưởng trong tương lai, trong sự xác tín rằng “Đức Giêsu Kitô vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay, và như vậy mãi đến đến muôn đời” (Dt 13, 8; x. Tông thư Hướng đến ngàn năm mới, số 1). Sự thúc đẩy hướng đến tương lai, được soi sáng bởi niềm hy vọng, phải là nền tảng cho hành động của toàn thể Giáo hội trong kỷ nguyên mới.

Đó chính là sứ điệp mà tôi muốn gửi đến từng người tín hữu nhân Ngày Thế giới Truyền giáo sẽ được tổ chức vào ngày 21 tháng 10 tới đây.

2. Đúng vậy, đã đến lúc chúng ta phải hướng về phía trước và ngắm nhìn dung nhan của Chúa Giêsu (x. Dt 12, 2). Chúa Thánh Thần mời gọi chúng ta “hướng tới một tương lai đang chờ đón chúng ta” (Tông thư Hướng tới ngàn năm mới, số 3), để làm chứng và tuyên xưng Đức Kitô, nhằm ca ngợi những “việc lạ lùng” mà Chúa đã thực hiện cho chúng ta “tình thương Chúa, đời đời con ca tụng” (Tv 89 [88], 2; SĐD, 2). Nhân dịp Ngày Thế giới Truyền giáo năm ngoái, tôi đã nhắc là sự dấn thân truyền giáo phát sinh từ việc ngắm nhìn khao khát Chúa Giêsu. Người tín hữu chiêm ngắm Chúa Giêsu Kitô, thì không thể không bị lôi cuốn bởi ánh sáng của Ngài (x. Tông huấn Đời sống thánh hiến, số 14) để dấn thân làm chứng lòng tin của mình vào Chúa Kitô, Đấng cứu chuộc duy nhất của loài người.

Việc chiêm ngắm dung nhan của Chúa gợi lên trong các môn đệ của Ngài một sự “chiêm ngắm” cả khuôn mặt những người nam người nữ trong thời đại này: nghĩa là Thiên Chúa muốn đồng hoá “với anh chị em bé nhỏ nhất của Ngài” (x. Mt 25, 40.45). Việc chiêm ngưỡng Chúa Giêsu, “nhà rao giảng đầu tiên và vĩ đại nhất” (Tông huấn Loan báo Tin Mừng, số 7), sẽ biến chúng ta thành những người rao giảng. Ngài làm cho chúng ta nhận biết ý muốn của Ngài, là trao ban sự sống đời đời cho những ai Chúa Cha đã trao phó cho Ngài (x. Ga 17, 2). Vì Thiên Chúa muốn cho “tất cả mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý” (1 Tm 2,4), và Đức Giêsu nhận biết ý muốn của Chúa Cha là, Ngài còn được sai đi để loan báo Nước Thiên Chúa cho những thành khác, “vì Tôi được sai đi cốt để làm việc đó” (Lc 4, 43).

Hoa trái của việc chiêm ngắm “những con người bé nhỏ nhất” là khám phá và tìm kiếm Thiên Chúa nơi mỗi con người, kể cả trong cách bí ẩn đối với chúng ta, bởi vì Người đã dựng nên họ và yêu thương họ. Đó là điều mà các môn đệ đầu tiên đã khám phá ra: “thưa Thầy, mọi người đang tìm thầy đấy” (Mc 1, 37). Và “những người Hy Lạp”, đại diện cho các thế hệ tương lai, van xin rằng “chúng tôi muốn được gặp ông Giêsu” (Ga 12, 21). Phải, Chúa Kitô là ánh sáng thật chiếu soi mọi người, là Đấng đã đến thế gian này (x. Ga 1, 9): mọi người tìm kiếm Người “cách dò dẫm” (Cv 17, 27), họ được thúc đẩy bởi sự lôi cuốn bên trong mà họ không biết rõ nguồn gốc. Nguồn gốc đó được ẩn giấu trong trái tim của Chúa, nơi rung động một ý muốn cứu chuộc phổ quát. Thiên Chúa muốn chúng ta làm chứng và loan truyền điều đó. Để đạt được mục đích này, Ngài che chở chúng ta như trong ngày hiện xuống mới bằng ngọn lửa của Thánh Thần, bằng tình yêu và sự hiện diện của Ngài: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28, 20).

3. Do đó hoa quả của Đại Năm Thánh cũng là thái độ mà Thiên Chúa đòi hỏi mỗi Kitô hữu nhìn về tương lai với đức tin và niềm hy vọng. Chúng ta vinh dự được Chúa tín nhiệm và mời gọi chúng ta đến phục vụ là do lòng thương xót của Người (x. 1Tm 1, 12.13). Lời kêu gọi không giành riêng cho một số người, nhưng là cho tất cả mọi người, mỗi người tuỳ hoàn cảnh sống riêng của mình. Trong tông thư “Khởi đầu ngàn năm mới” tôi đã viết về vấn đề này: “Sự say mê này không thể không khơi lên trong Giáo hội một tinh thần truyền giáo mới, công việc này không chỉ dành riêng cho một số người "chuyên biệt", nhưng liên quan trách nhiệm của mọi thành phần Dân Chúa. Ai đã thực sự gặp gỡ Đức Kitô, thì không thể giữ Người lại cho riêng mình, mà phải loan báo Người. Cần có lòng nhiệt thành tông đồ mới, mà các cộng đoàn và các tổ chức Kitô giáo phải sống như một sự cam kết hằng ngày… Đề nghị của Chúa Kitô phải được tất cả đón nhận với sự tin tưởng. Lời đó muốn nói với những người trưởng thành, với các gia đình, với người trẻ, với trẻ em, mà không bao giờ giấu giếm những yêu cầu căn bản nhất của sứ điệp Tin Mừng, nhưng đáp ứng những nhu cầu của mỗi người trong những gì liên quan đến tính nhạy cảm và ngôn ngữ, theo gương thánh Phaolô, ngài khẳng định: "Tôi đã trở nên tất cả cho mọi người, để bằng mọi cách cứu được một số người" (1 Cr 9, 22) (n. 40).

Cách riêng, lời mời gọi truyền giáo mang tính cấp bách nếu chúng ta nhìn vào phần lớn nhân loại vẫn còn chưa biết hoặc chưa nhận ra Chúa Kitô. Đúng vậy, anh chị em thân mến, sứ vụ “đến với muôn dân” ngày nay có tầm quan trọng hơn bao giờ hết. Tôi luôn ghi nhớ trong tim mình hình ảnh nhân loại mà tôi đã có dịp chiêm ngắm trong những chuyến tông du của tôi: đó chính là dung nhan của Chúa Kitô phản chiếu trên gương mặt của những người nghèo và những người đau khổ; dung nhan của Chúa Kitô còn chiếu sáng nơi những người đang sống như “những con chiên không người chăn” (Mc 6, 34). Mỗi người, nam cũng như nữ, đều có quyền được dạy cho biết “nhiều điều” (SĐD).

Trước thực tại hiển nhiên về sự mỏng dòn và bất lực của con người, cám dỗ của chúng ta là từ chối con người, đó cũng là cám dỗ của người tông đồ. Ngược lại, chính lúc này đây, khi đặt mình nhìn ngắm dung nhan của Đấng được yêu mến, mỗi người chúng ta cần nghe lại lời của Đức Giêsu: “Họ không cần phải đi đâu cả: chính anh em hãy cho họ ăn” (x.Mt 14, 16; Mc 6, 37). Như vậy, người ta cảm nghiệm cùng một lúc về sự yếu đuối của con người và về ân sủng của Thiên Chúa. Ý thức sự mong manh không thể tránh khỏi, là dấu cho thấy chúng ta sâu sắc, chúng ta cần phải cảm tạ Chúa vì những gì Người đã làm cho chúng ta và vì những gì Người sẽ thực hiện nhờ ân sủng của Người.

4. Trong trường hợp này, làm sao không nhắc tới các vị thừa sai, các Linh mục, các Tu sĩ nam nữ và giáo dân, những người đã lấy sứ vụ đến với muôn dân làm lẽ sống của mình? Bằng chính cuộc sống của mình, các anh chị em đã không ngừng công bố “ân sủng của Thiên Chúa” (Tv 89). Không ít lần sự “không ngừng” này đã đi đến chỗ đổ máu, khiến cho nhiều người đã trở thành những “chứng nhân đức tin” trong thế kỷ này! Cũng chính nhờ sự dâng hiến quảng đại của các anh chị em mà Nước Thiên Chúa có thể rộng mở. Chúng ta hãy biết ơn và cầu nguyện cho họ. Gương sáng của các anh chị em là sự thúc đẩy và nâng đỡ mọi Kitô hữu để các tín hữu can đảm nhìn thấy mình “được ngần ấy nhân chứng đức tin như đám mây bao quanh” (Dt 12, 1), bằng chính đời sống và lời nói của họ các chứng nhân này đã làm và hiện đang làm vang dội Tin Mừng trên mọi lục địa.

Đúng vậy, thưa anh chị em, chúng ta không thể im lặng về điều mà chúng ta đã thấy và đã nghe (x. Cv 4, 20). Chúng ta đã thấy công trình của Chúa Thánh Thần và vinh quang Thiên Chúa thể hiện trong sự yếu đuối (x. 2Cr 12, 1; 1Cr 1). Ngày nay cũng vậy, nhiều người nam và người nữ, nhờ sự dâng hiến và hy sinh, họ biểu lộ một cách hùng hồn tình yêu của Chúa. Nhờ họ, chúng ta đã lãnh nhận đức tin và được thúc đẩy, đến lượt mình, trở thành những người loan báo và những chứng nhân của Mầu Nhiệm.

5. Truyền giáo là “loan báo niềm vui ân sủng cho tất cả mọi người, được ban tặng cho mọi người nhưng hết sức tôn trọng tự do của mỗi người, đó chính là ơn ban mạc khải của Thiên Chúa Tình yêu, Đấng “đã yêu thế gian, đến nỗi đã ban Con Một của Người” (Ga 3,16)… Do đó, Giáo hội không thể từ chối hoạt động truyền giáo của mình đối với các dân tộc và công việc đầu tiên là loan báo rằng: chính trong Chúa Kitô, Đấng “là Đường, là sự Thật, và sự Sống (Ga 14, 6), mà con người được ơn cứu độ” (Tông thư Novo millennio ineunte, 56). Đó là lời mời gọi tất cả mọi người, một sự kêu gọi khẩn cấp cần được đáp ứng cách mau mắn và quảng đại. Cần phải ra đi! Cần nhanh chóng lên đường không chậm trễ, như Đức Maria, Mẹ của Chúa Giêsu. Cũng như các mục tử tỉnh thức nhờ lời loan báo đầu tiên của Sứ Thần; như bà Maria Madalêna nhìn thấy Chúa Phục sinh. “Đầu ngàn năm mới này, bước đi của chúng ta phải mau lẹ khi đi lại những con đường của thế giới… Chúa Kitô phục sinh hẹn gặp chúng ta tại nhà Tiệc ly, nơi mà buổi chiều “ngày thứ nhất trong tuần” (Ga 20, 19) Người đã hiện ra với các môn đệ để “thổi hơi” trên các ông và ban cho các ông hồng ân sự sống của Thánh Thần và đẩy các ông vào cuộc mạo hiểm lớn lao để rao giảng Tin Mừng” (số 58).

6. Anh chị em thân mến! Sứ vụ đòi hỏi chúng ta phải cầu nguyện và dấn thân cách cụ thể. Có rất nhiều nhu cầu mà việc truyền bá rộng rãi của Tin Mừng đòi hỏi.

Năm nay, chúng ta mừng 75 năm thành lập Ngày Thế giới Truyền giáo do Đức Thánh Cha Pio XI, người chấp nhận thỉnh nguyện của Hội Giáo hoàng Truyền giáo cho “thiết lập một ngày cầu nguyện và cổ động cho các xứ truyền giáo” được cử hành trong một ngày trong tất cả các giáo phận, giáo xứ, các viện thuộc thế giới Công giáo… để xin sự đóng góp nhỏ mọn cho các xứ truyền giáo” (Thánh bộ Nghi Lễ: Thiết lập Ngày Thế giới Truyền giáo, 14/04/1926; AAS 19 (1927), trang 23tt). Kể từ đó, Ngày Truyền Giáo tạo ra một dịp đặc biệt để nhắc nhở toàn thể Dân Chúa về hiệu lực vĩnh viễn của việc sai đi truyền giáo, bởi vì “mọi hoạt động truyền giáo liên quan tới tất cả mọi người Kitô giáo, tất cả các giáo phận, giáo xứ, các tổ chức và các đoàn thể trong Giáo hội ” (RM 2). Đồng thời đây còn là dịp thuận lợi để nhắc lại rằng “các việc truyền giáo chẳng những xin đóng góp, mà còn xin chia sẻ vào công việc giảng dạy và bác ái đối với người nghèo. Tất cả những gì chúng ta nhận được nơi Thiên Chúa – sự sống cũng như của cải vật chất – không thuộc về chúng ta” (RM 81). Ngày Thế giới Truyền giáo có tầm quan trọng trong đời sống của Giáo hội, “bởi vì nó dạy cách cho đi, như một lễ vật dâng lên Thiên Chúa, trong việc cử hành Thánh Thể và cho tất cả mọi việc truyền giáo trên thế giới” (RM 81). Ước gì việc kỷ niệm này là một cơ hội để suy tư về sự cần thiết phải nỗ lực chung nhiều hơn trong việc thúc đẩy tinh thần truyền giáo và trong việc mua sắm viện trợ vật chất cần thiết mà các nhà truyền giáo cần.

7. Trong bài giảng kết thúc Năm Thánh ngày 6 tháng giêng năm 2001, tôi đã nói: “Cần phải khởi đi từ Chúa Kitô, với sự hăng say của ngày lễ Hiện Xuống và lòng nhiệt thành đổi mới. Khởi đi từ Người, trước hết, bằng một sự dấn thân nên thánh mỗi ngày, chìm đắm trong thái độ cầu nguyện và lắng nghe Lời Chúa. Khởi đi từ Ngài nhằm làm chứng cho Tình yêu” (s.8).

Do đó:

Hãy khởi sự từ Đức Kitô, hỡi người đã tìm gặp được lòng thương xót của Chúa.

Hãy khởi sự từ Đức Kitô, hỡi người đã tha thứ và đã lãnh nhận được ơn tha thứ.

Hãy khởi sự từ Đức Kitô, hỡi người biết đến sự đau đớn và khổ cực.

Hãy khởi sự từ Đức Kitô, hỡi người bị cám dỗ sống khô khan nguội lạnh: năm ân sủng là thời gian kéo dài vô tận.

Hãy khởi sự từ Đức Kitô, hỡi Giáo hội của ngàn năm mới.

Hãy cất tiếng hát và hãy bước đi! (x. Những nghi thức kết thúc Thánh Lễ Chúa Hiển Linh 2001).

Lạy Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ của Giáo hội, Ngôi sao sáng của công cuộc Truyền giáo, xin Mẹ luôn đồng hành với chúng con trên con đường này như Mẹ đã từng ở với các môn đệ trong ngày lễ Ngũ Tuần. Chúng ta hãy nhìn lên Mẹ với lòng tin tưởng, để nhờ lời chuyển cầu của Mẹ, Thiên Chúa ban cho chúng ta được ơn bền đỗ trong bổn phận truyền giáo, liên quan đến toàn thể cộng đoàn Giáo hội.

Với những tâm tình trên, tôi ban Phép lành Toà Thánh cho toàn thể anh chị em.

Vatican, ngày 3 tháng 6 năm 2001, Đại lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống.

GIOAN PHAOLÔ II

Chuyển ngữ: Ủy Ban Loan Báo Tin Mừng

WHĐ (01.10.2001)