SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA

NHÂN NGÀY THẾ GIỚI TRUYỀN GIÁO NĂM 1991
Tình yêu mời gọi và tình yêu sai đi

Anh chị em thân mến!

Thánh Gioan tông đồ nói: “Thiên Chúa là Tình yêu”: tình yêu mời gọi và tình yêu sai đi. Thật vậy, như chúng ta đã biết, Chúa Cha là “nguồn mạch tình yêu”, từ đó, làm phát sinh sứ mạng của Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Sứ mạng này, đặc biệt trong ngày lễ Ngũ Tuần – ngày đại lễ mà tôi muốn nói với anh chị em Sứ Điệp cho Ngày Thế giới Truyền giáo – đã được trao cho các Tông đồ: nhờ sự tuôn đổ của Thánh Thần Tình yêu, Giáo hội xuất hiện một cách công khai cho thế giới và bắt đầu sứ mạng loan báo và thông truyền cho loài người ơn cứu độ mà Thiên Chúa ban cho họ trong Con Một của Người, mời gọi họ tham dự vào sự sống của Người và yêu thương nhau.

Sứ mạng loan truyền tình yêu của Thiên Chúa cho loài người – đối với từng người nam và người nữ - và tình yêu của con người hướng về Thiên Chúa và hướng về nhau, đã được Chúa Kitô uỷ thác cho Giáo hội vẫn chưa được hoàn tất, nhưng mới chỉ là bước khởi đầu. Ghi nhận này nhắc nhở tôi gửi tới mọi thành phần trong Giáo hội lời mời gọi đặc biệt với thông sứ điệp “Sứ vụ Đấng Cứu Độ” và bây giờ tôi hướng về họ một lần nữa để họ xem lời kêu đó như một lời kêu gọi mới đối với truyền giáo mới và làm cho nó trở thành một lý do để dấn thân mục vụ và giáo lý được rõ ràng hơn.

1. Được thánh hiến và được sai đi cho một sứ mạng

Tất cả chúng ta, những chi thể của Giáo hội, dù có những cách thức khác nhau, đều được thúc đẩy trong cùng một Thánh Thần, được thánh hiến để được sai đi: nhờ bí tích Rửa Tội, chúng ta được uỷ thác cùng một sứ mạng của Giáo hội. Tất cả chúng ta được kêu gọi và có bổn phận phải loan báo Tin Mừng, và sứ mạng nòng cốt này đều giống nhau cho mọi Kitô hữu, phải trở thành một “nỗi lo lắng” thực sự và quan tâm thường xuyên trong đời sống hằng ngày của chúng ta.

Thật đẹp và khích lệ biết bao khi nhớ lại cộng đoàn các tín hữu đầu tiên, khi họ mở ra với thế giới, nơi lần đầu tiên họ nhìn thế giới với cặp mắt mới: đó là cái nhìn của người đã hiểu rằng tình yêu Thiên Chúa phải đưa đến sự phục vụ vì lợi ích của anh em. Ký ức về kinh nghiệm của họ nhắc tôi một lần nữa ý tưởng trọng tâm của thông điệp gần đây là: “sứ mạng làm thay đổi Giáo hội, gia tăng đức tin và căn tính của người Kitô hữu, đã tạo ra sự nhiệt tình và những động lực mới. Đức tin được tăng cường nhờ sự trao ban!”. Đúng vậy, sứ mạng cống hiến cho chúng ta một cơ hội đặc biệt để làm cho hiền thê của Chúa Kitô tươi đẹp hơn; đồng thời cho chúng ta một kinh nghiệm đức tin để đổi đời và củng cố đời sống Kitô hữu, bởi vì chính nó được trao ban.

Nhưng đức tin làm thay đổi cuộc sống và sứ mạng củng cố đức tin không thể là những kho tàng bị ẩn giấu hay những kinh nghiệm độc quyền của các tín hữu bị cô lập. Không có gì khác hơn sứ mạng của một tín hữu đóng kín với chính mình: nếu đức tin của họ vững chắc, thì họ được lớn lên và phải được mở ra cho một sứ mạng.

Lãnh vực đầu tiên để phát triển song song của đức tin và truyền giáo chính là cộng đoàn gia đình. Vào thời điểm mà dường như mọi thứ đang góp phần làm tan rã tế bào xã hội cơ bản này, thì cần phải dấn thân để cộng đoàn gia đình có thể trở thành hoặc trở nên một cộng đoàn đầu tiên về đức tin, hiểu theo nghĩa không chỉ về việc thủ đắc, nhưng còn về sự lớn lên của gia đình, về ân sủng và do đó, về sứ mạng nữa. Đó chính là lúc mà cha mẹ và vợ chồng đảm nhận như là nhiệm vụ thiết yếu về tình trạng và ơn gọi của họ để truyền giáo cho con cái của họ và truyền giáo cho nhau, như thế, mọi thành viên trong gia đình thực sự có thể trong mọi hoàn cảnh – đặc biệt trong những thử thách đau khổ, bệnh tật hay tuổi già – đều tiếp nhận Tin Mừng. Đây chính là hình thức giáo dục không thể thay thế cho truyền giáo và chuẩn bị tự nhiên cho các ơn gọi truyền giáo có thể có, mà hầu như luôn tìm thấy cái nôi ơn gọi từ gia đình.

Một môi trường khác cũng không kém phần quan trọng, đó là cộng đoàn giáo xứ, hoặc cộng đoàn Giáo hội cơ bản, nghĩa là qua sự phục vụ của các mục tử và các linh hoạt viên cống hiến cho các tín hữu một sự nuôi dưỡng về đức tin, ra đi tìm kiếm những người rời xa Giáo hội và những người chưa nhận biết Chúa, có như thế mới hoàn thành được sứ mạng. Không một cộng đoàn Kitô hữu nào trung thành với bổn phận của mình, nếu không truyền giáo: hoặc nó là một cộng đoàn truyền giáo, hoặc thậm chí nó không phải là một cộng đoàn Kitô hữu, vì nó không có hai chiều kích của cùng một thực tại, như đã được định nghĩa bởi Bí Tích Rửa tội và các Bí Tích khác. Ngày nay, sứ mạng còn được hiểu theo nghĩa đặc biệt của lời loan báo Tin Mừng đầu tiên cho những ai chưa là Kitô hữu, họ đang gõ cửa các cộng đoàn Kitô hữu cổ xưa và trở nên hơn thế nữa “sứ mạng giữa chúng ta”, một sự dấn thân như vậy trong mỗi cộng đoàn rất là cần thiết.

Một lý do để hy vọng, để đáp ứng những đòi hỏi mới trong sứ vụ ngày nay, cũng là các phong trào và các nhóm của Giáo hội, mà Chúa khơi dậy trong Giáo hội, để việc phục vụ truyền giáo của Giáo hội quảng đại hơn, đúng lúc và hiệu quả.

2. Cộng tác trong hoạt động truyền giáo của Giáo hội thế nào

Nếu tất cả các thành phần trong Giáo hội được thánh hiến cho sứ mạng, thì tất cả đều có trách nhiệm đem Chúa Kitô đến cho thế giới ngang qua sự dấn thân của từng cá nhân. Sự tham gia vào bổn phận này được gọi là “sự cộng tác truyền giáo” và cơ bản, tất yếu, phải có một đời sống thánh thiện: chỉ khi người đó sống kết hợp với Chúa Kitô, như cành nho gắn liền với thân nho, thì người đó sinh nhiều hoa trái. Người Kitô hữu, sống đức tin của mình và tuân giữ lệnh truyền tình yêu, mở rộng ranh giới hoạt động của mình để ôm trọn tất cả mọi người qua sự cộng tác tinh thần, thực hành cầu nguyện, hy sinh và làm chứng, điều này cho phép để công bố Đấng bảo trợ các xứ truyền giáo là thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, người chưa bao giờ được sai đi truyền giáo.

Cầu nguyện phải đồng hành với hành trình và công việc của các nhà truyền giáo, để việc công bố Lời Chúa có thể được thực hiện một cách hiệu quả nhờ Ân Sủng của Thiên Chúa. Hy sinh, chấp nhận với đức tin và chịu đau khổ với Chúa Kitô, có giá trị cứu độ. Nếu hy sinh của các nhà truyền giáo được chia sẻ và được nâng đỡ bởi các tín hữu, thì mỗi đau khổ tinh thần và thể xác của họ có thể trở thành truyền giáo, nếu họ biết dâng đau khổ của mình cho Chúa Giêsu và Chúa Cha. Chứng tá về đời sống Kitô hữu là một lời rao giảng âm thầm nhưng hiệu quả của Lời Chúa. Con người ngày nay dường như thờ ơ với việc tìm kiếm Đấng tuyệt đối, nhưng thực ra họ cảm thấy cần, bị cuốn hút và bị ảnh hưởng bởi các thánh là những người tiết lộ Đấng ấy qua cuộc sống của họ.

Sự cộng tác tinh thần trong công cuộc truyền giáo trước hết phải hướng tới việc đẩy mạnh các ơn gọi truyền giáo. Vì vậy, một lần nữa, tôi muốn nói với các bạn trẻ trong thời đại của chúng ta, để mời gọi họ nói “vâng” nếu Thiên Chúa gọi họ đi theo Ngài trong ơn gọi truyền giáo.

Không có sự lựa chọn nào triệt để và dũng cảm hơn điều này: hãy bỏ tất cả để chú tâm vào việc cứu rỗi những anh chị em còn chưa nhận được món quà vô giá về niềm tin vào Chúa Kitô.

Ngày Thế giới Truyền giáo liên kết tất cả mọi con cái của Giáo hội không chỉ trong lời cầu nguyện, nhưng còn bằng sự dấn thân liên kết và chia sẻ giúp đỡ những của cải vật chất cho sứ vụ đến với muôn dân. Sự dấn thân này tương ứng với thực trạng cần thiết mà rất nhiều người và nhiều dân tộc trên trái đất tìm đến. Họ là anh em chị em, họ cần mọi thứ, họ sống chủ yếu trong các quốc gia được coi là phía Nam của thế giới, trùng với các miền truyền giáo. Vì vậy, các mục tử và các nhà truyền giáo cần các phương tiện khẩn cấp, không chỉ vì công việc loan báo Tin Mừng – chắc chắn trước hết và cũng rất khó nhọc – mà còn giúp nhiều nhu cầu vật chất và tinh thần thông qua các chương trình thăng tiến con người luôn đi đôi với từng sứ mạng.

Cử hành Ngày Truyền giáo là một sự thôi thúc quan phòng để khởi động cả hai cơ cấu bác ái và thực hành bác ái hiệu quả từ cá nhân đến cộng đoàn: Ngày Thế giới Truyền giáo “là một thời điểm quan trọng trong đời sống của Giáo hội, để hướng dẫn làm thế nào để trao ban: trong việc cử hành thánh lễ, nghĩa là như một sự dâng hiến cho Thiên Chúa, và cho tất cả các xứ truyền giáo trên thế giới”.

3. Sự linh hoạt của các Hội Giáo hoàng Truyền giáo

Trong kế hoạch cộng tác truyền giáo năng động, liên quan đến tất cả các con cái của Giáo hội, tôi muốn tái khẳng định công việc đặc biệt và trách nhiệm cụ thể thích hợp đối với các Hội Giáo hoàng Truyền giáo như tôi cũng đã nhắc trong thông điệp trên.

Có tất cả bốn Hội: Hội Truyền bá Đức Tin, Hội thánh Phêrô tông đồ, Hội thánh Nhi và Hiệp hội Truyền giáo. Các Hội này có chung một mục đích đẩy mạnh tinh thần truyền giáo trong Dân Chúa. Các Hội này là ký ức về sự phổ quát trong các Giáo hội địa phương.

Đặc biệt, tôi muốn nhắc đến Hiệp hội Truyền giáo nhân dịp kỷ niệm 75 năm ngày thành lập. Hiệp hội có công thực hiện một nỗ lực liên tục để nâng cao nhận thức cho các Linh mục, các Tu sĩ nam nữ và các linh hoạt viên của các Cộng đoàn Kitô giáo, để ý tưởng truyền giáo được chuyển thành hình thức chăm sóc mục vụ và giáo lý truyền giáo thích hợp.

Các Hiệp hội Truyền giáo trước hết phải áp dụng những gì tôi đã khẳng định trong Thông điệp: “Các Giáo hội địa phương nên đưa linh hoạt truyền giáo như yếu tố then chốt của việc chăm sóc mục vụ thông thường trong các giáo xứ, các hiệp hội và các nhóm, đặc biệt là những người trẻ”. Các Hiệp hội Truyền giáo sẽ là tác nhân chính trong nhiệm vụ quan trọng này, trong việc linh hoạt, trong huấn luyện truyền giáo và trong việc tổ chức bác ái nhằm hỗ trợ cho các xứ truyền giáo.

Nhưng, sau khi nhắc lại hoạt động của các Hội này, cũng như sự cam kết thường xuyên cho sứ vụ, tôi không thể ngưng huấn từ của tôi mà không hướng đến các nhà truyền giáo nam và nữ, các Linh mục Tu sĩ nam nữ và giáo dân đang hoạt động khắp nơi trên thế giới – một lời cám ơn và khích lệ trực tiếp và thương mến, để họ kiên trì với niềm tin trong hoạt động truyền giáo của họ, ngay cả khi sự hoàn thành của họ có thể trả bằng những hy sinh lớn lao hơn bao gồm cả mạng sống.

Các nhà thừa sai thân mến! Suy tư và tình cảm của tôi luôn đồng hành với anh chị em cùng với lòng biết ơn của toàn thể Hội Thánh. Anh chị em không chỉ là niềm hy vọng sống động của Giáo hội, với tư cách là nhân chứng thực hiện sứ mạng hoàn vũ của mình trong cùng hành động, mà anh chị em còn là dấu chỉ đáng tin và hữu hình về tình yêu của Thiên Chúa, Đấng đã gọi mọi người, đã thánh hiến và sai chúng ta đi, nhưng đối với anh chị em, Ngài đã trao cho anh chị em một sự sai đi đặc biệt: một hồng ân cá nhân về ơn gọi đến với muôn dân; và nhân danh Ngài, cũng như vị đại diện của Ngài, tôi chúc lành cho anh chị em và mang anh chị em vào lòng. Cùng với anh chị em, tôi chúc lành cho tất cả những ai với tình yêu và lòng quảng đại tham dự vào công việc tông đồ truyền giáo của anh chị em và thăng tiến toàn bộ con người.

Xin Đức Maria, Nữ vương các thánh Tông đồ, hướng dẫn và trợ giúp những bước chân của anh chị em – những nhà truyền giáo – và của những ai, trong bất cứ hình thức nào, cộng tác với sứ mạng phổ quát của Giáo hội.

Vatican, ngày 19 tháng 05 năm 1991, Lễ trọng kính Đức Chúa Thánh Thần, năm thứ mười ba triều đại Giáo Hoàng.

GIOAN PHAOLÔ II

Chuyển ngữ: Ủy Ban Loan Báo Tin Mừng

WHĐ (19.05.1991)