SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA

NHÂN NGÀY THẾ GIỚI TRUYỀN GIÁO NĂM 1989
Giáo sĩ địa phương, nguồn hy vọng của Giáo hội Truyền giáo

Anh chị em thân mến!

Sứ mạng của Giáo hội khởi đầu vào Lễ Hiện Xuống. Lời loan báo về Đấng Phục Sinh mà các Tông đồ đã nói cho đám đông hành hương tập trung tại Giêrusalem được nghe và đón nhận bằng nhiều ngôn ngữ và văn hoá khác nhau mà họ là những người đại diện, cho thấy cách nào đó về sự phổ quát của Dân mới của Thiên Chúa. Chính trong tinh thần và trong ân sủng của Lễ Hiện Xuống, luôn là nguồn phong phú của ơn gọi truyền giáo và sứ mạng truyền giáo của Giáo hội, mà tôi gửi tới anh chị em sứ điệp này nhân Ngày Thế giới Truyền giáo.

Việc cử hành của ngày này, được hiến thánh bằng việc cầu nguyện, dạy giáo lý và quyên góp sự trợ giúp cho các xứ truyền giáo, kêu gọi toàn thể Giáo hội có bổn phận phải đi khắp thế gian rao giảng Tin Mừng. Ước gì ngày kỷ niệm này mang lại cho toàn thể Dân Chúa, các mục tử và mọi tín hữu, một sự đổi mới tràn ngập ân sủng của Chúa Thánh Thần, đó chính là Thánh Thần của truyền giáo, mà ngày nay Ngài phải tiếp tục công trình cứu độ, đã được khơi nguồn từ sự hy sinh của Đấng bị treo trên thập giá. Chúa Giêsu đã uỷ thác sứ mạng này cho Giáo hội; nhưng “Chúa Thánh Thần vẫn là tác nhân chính siêu việt để thực hiện công trình này theo tinh thần của con người và trong lịch sử thế giới” (DV số 42).

1. Giáo sĩ địa phương, nguồn hy vọng của Giáo hội Truyền giáo

Công đồng Vaticano II nhắc nhớ rằng (x. LG số 9) Thiên Chúa không muốn thánh hoá và cứu độ con người cách riêng rẽ, thiếu liên kết, nhưng Ngài muốn qui tụ họ thành một dân tộc: một dân tộc cứu độ có Đức Kitô là đầu và một dân được triệu tập trong Giáo hội. Điều này tồn tại trong các cộng đoàn địa phương, được trao phó cho sự chăm sóc và hướng dẫn của các mục tử, mà những người cai quản, phải thực thi chức vụ của Chúa Kitô mục tử và thủ lãnh (x. LG 28). Thẩm quyền và sứ mạng của họ là rao giảng Tin Mừng, thánh hoá và cai quản Dân Thiên Chúa.

Việc loan báo Tin Mừng được các tông đồ thực hiện sau lễ Hiện Xuống đã làm sống động một cộng đoàn chịu phép rửa, qua đó họ đặt ra những người lãnh đạo, bảo đảm sự hiệp nhất và huấn luyện trong đức tin của từng thành viên, cử hành Thánh thể, hiệp thông với các tông đồ và các cộng đoàn Kitô hữu khác.

Điều các tông đồ đã làm đầu tiên đó là bành trướng Giáo hội trong thế giới, và vẫn còn tiếp tục cho đến nay thông qua Phúc âm hoá truyền giáo: Thật vậy, "để gieo trồng Giáo hội và phát triển cộng đoàn Kitô giáo, cần phải có nhiều thừa tác vụ khác nhau: trong các thừa tác vụ đó, có chức Linh mục, phó tế, giảng viên giáo lý” (AG số 15).

Trong sứ điệp này, trước hết, tôi muốn nhấn mạnh đến sự cần thiết và giá trị về sự hiện diện của hàng giáo sĩ địa phương trong các cộng đoàn Kitô trẻ. Những sự kiện về việc hình thành và phát triển hàng giáo sĩ địa phương đánh dấu một chặng đường loan báo Tin Mừng. Trước hết là các Đức Thánh Cha Roma, trong trách nhiệm mục tử của Giáo hội hoàn vũ, các ngài phải lo lắng bởi vì, cùng với việc gửi các nhà truyền giáo, các cộng đoàn sơ khai thuộc các nước truyền giáo, được cung cấp càng sớm càng tốt với các Linh mục địa phương và các Giám mục địa phương. Điều này được đẩy mạnh cách đặc biệt bởi các Đức Thánh Cha trong thế kỷ này, khởi đầu là Đức Thánh Cha Bênêđictô XV trong tông thư “Maximum Illud” (mà chúng ta mừng kỷ niệm 60 năm) cho biết: “Bất cứ ai chịu trách nhiệm về truyền giáo, phải đặc biệt quan tâm tới việc bảo đảm đào tạo các ứng sinh cho thừa tác vụ thánh. Hi vọng lớn nhất của các Giáo hội tân lập hệ tại ở điều này” (7).

Sự phong phú của các giáo sĩ địa phương trở thành lời khen của chính các nhà truyền giáo mà với sự kiên nhẫn và kiên trì bền bỉ, đôi khi phải đổ máu, họ đã làm việc và chịu đựng để hình thành nên những cộng đoàn Kitô hữu mới, cố gắng làm cho hoa trái đáng quí của các ơn gọi Linh mục, Tu sĩ và truyền giáo nở hoa từ các gia đình. Giờ đây họ vui vẻ làm việc trong sự hiệp thông và trở thành những cộng tác viên của các Linh mục, các Giám mục địa phương, dù biết rằng “nguyên nhân phổ quát của Nước Thiên Chúa liên kết cách chặt chẽ các sứ giả Tin Mừng khác nhau để sự cộng tác luôn cần thiết và chắc chắn hiệu quả.... và sự phối hợp hài hoà của họ còn là và phải là gương mẫu diễn tả sự hiệp thông trong Giáo hội”. (Bài Giáo lý của Đức Phaolô VI, XI [1973] 738).

Với Công đồng Vaticano II, một giai đoạn mới được mở ra trong lịch sử luôn hấp dẫn về hoạt động truyền giáo. Kể từ đó, do bản chất của Giáo hội là truyền giáo và mỗi Giáo hội địa phương được mời gọi để tái tạo chính hình ảnh của Giáo hội hoàn vũ, kể cả những Giáo hội mới cũng được mời gọi “tham gia vào công cuộc truyền giáo phổ quát của Giáo hội càng sớm càng tốt, bằng cách sai chính những nhà truyền giáo của mình đi rao giảng Tin Mừng khắp nơi trên hoàn cầu, dù mình còn thiếu giáo sĩ. Thực vậy, mối thông hiệp cùng toàn thể Giáo hội kể như là hoàn tất khi chính các Giáo hội trẻ trung cũng tích cực tham gia và hoạt động truyền giáo nơi các dân tộc khác” (AG 20). Và từ tinh thần truyền giáo này, các Linh mục trước hết phải trở nên linh hoạt, sẵn sàng bắt đầu hoạt động truyền giáo không chỉ trong giáo phận của mình, mà còn hoạt động bên ngoài nữa, nếu được sai đi bởi Đức Giám mục.

2. Hội Thánh Phêrô Tông đồ: từ một trăm năm phục vụ cho hàng giáo phẩm

Năm nay đánh dấu một trăm năm ngày thành lập Hội Giáo hoàng Thánh Phêrô Tông đồ: như Hội Truyền bá Đức tin đã được sinh ra từ trái tim nồng cháy của Paolina Jaricot thế nào, thì tình yêu và sự hy sinh của hai người phụ nữ kia là Stefania và Giovanna Bigard, mẹ và con gái bà, cũng bắt đầu sáng kiến truyền giáo cơ bản này như vậy. Một tia sáng được thắp lên từ bức thư của Đức cha Gousin, Giám mục giáo phận Nagasaki, viết ngày 1 tháng 6 năm 1889 gửi cho dân Bigard, từng là ân nhân và cộng tác viên của Đức cha, về việc buộc phải từ chối những người trẻ muốn trở thành Linh mục vào chủng viện vì thiếu các phương tiện cần thiết để huấn luyện họ. Các phụ nữ Bigard đã nhận ra ý muốn của Thiên Chúa qua lời mời gọi của bức thư, một lời mời gọi làm thay đổi hoàn toàn cuộc sống của họ. Do đó, họ trở thành những người khất thực không mệt mỏi để giúp cho những người khao khát muốn trở thành Linh mục mà tại các quốc gia truyền giáo đang gõ cửa nhiều hơn ở chủng viện. Hai người phụ nữ quảng đại này gặp nhiều khó khăn về mọi mặt, nhưng họ không từ bỏ cam kết đã đảm nhận; họ bảo đảm trung thành cho đến chết và vui mừng khi thấy Hội được Toà Thánh chấp thuận và chúc lành.

Một trăm năm sau kể từ khi thành lập, Hội đã gìn giữ toàn vẹn giá trị của nó theo mục đích ban đầu được đặt ra đó là: “nhằm nâng cao nhận thức người Kitô hữu về vấn đề đào tạo hàng giáo sĩ địa phương trong các xứ truyền giáo và mời gọi họ cộng tác trong tinh thần cũng như vật chất để chuẩn bị cho các ứng sinh lãnh chức thừa tác Linh mục” ("Quy chế của Hội Giáo hoàng Truyền giáo", số 15).

Hội thánh Phêrô tông đồ mà tôi muốn nhắc tới và muốn giới thiệu trong sứ điệp này đã đóng góp một phần lớn cho sự phát triển của hàng giáo sĩ địa phương và còn tiếp tục đóng vai trò quan trọng, nhờ những người trợ giúp mà Hội cung cấp các chủng sinh cho các Giáo hội trẻ, các nhà huấn luyện và các trung tâm nghiên cứu cao hơn có thể đón nhận và chuẩn bị đầy đủ hơn các ơn gọi bản xứ nhằm dấn thân cho việc tông đồ.

Trong khi chân thành cảm ơn những người mà qua lời cầu nguyện và sự dâng cúng của họ, tham gia vào các chương trình của Hội, tôi cũng mời gọi tất cả mọi người ca ngợi Chúa vì những điều kỳ diệu Người đã thực hiện bằng cách dùng Stefania và Giovanna Bigard, những người thánh hiến bản thân cho mục đích truyền giáo bằng sự trao ban hoàn toàn. Như tôi đã viết trong tông thư “Phẩm giá người nữ”: “tôi cảm ơn vì tất cả những biểu hiện “thiên tài” của người nữ đã xuất hiện trong suốt dọc dài lịch sử” (số 31), tôi không thể không ca ngợi Thiên Chúa vì những hoa trái của Tin Mừng và sự thánh thiện trưởng thành của Hội đã bắt đầu từ những người nữ Bigard.

3. Mọi thành phần trong Giáo hội phải dấn thân cổ võ ơn gọi Linh mục và ơn gọi truyền giáo để loan báo Tin Mừng.

Hội thánh Phêrô tông đồ mời gọi sáng kiến không thể thay thế, được dành riêng cho hàng giáo sĩ trong sứ mạng rao giảng Tin Mừng. Về việc phục vụ mục vụ của mình, các cộng đoàn Kitô hữu cần được hướng dẫn về đời sống đức tin và phát huy tinh thần truyền giáo.

Thách đố quan trọng nhất mà sứ mạng phổ quát đặt ra cho toàn thể Giáo hội là ơn gọi trong những cách diễn đạt khác nhau, qua đó họ có thể nhận ra, nghĩa là trong đời sống của Linh mục, Tu sĩ và giáo dân. “Muốn Phúc-âm-hóa các dân tộc, cần phải có các tông đồ. Muốn thế, tất cả chúng ta, bắt nguồn từ các gia đình Công giáo, chúng ta phải ý thức trách nhiệm của chúng ta là tìm cách làm nẩy nở và chín mùi ơn kêu gọi, đặc biệt ơn thừa sai, bằng lời cầu nguyện, theo lời Chúa Giêsu dạy: “Lúa chín đầy đồng, thợ gặt lại ít. Chúng con hãy cầu xin chủ sai thêm thợ gặt (Mt 9, 37-38)” (Tông huấn Christifideles Laici”, số 35).

Về tình trạng hiện tại – như tôi đã nhắc trong cùng tông thư về ơn gọi và sứ mạng của người giáo dân rằng: liên quan đến bổn phận loan báo Tin Mừng, mỗi môn đệ của Chúa phải cảm thấy mình được mời gọi là người đầu tiên: “Khốn cho tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng!” (1 Cr 9,16). Nhiệm vụ này, các tín hữu giáo dân sống và dấn thân bởi các bí tích khai tâm Kitô giáo và các ân huệ của Chúa Thánh Thần (x. Christifideles Laici, số 33).

Nhìn vào sự tham gia của giáo dân trong sứ mạng phổ quát của Giáo hội, chẳng phải lý do vì niềm vui và hy vọng mà thực tế hai trong bốn Hội Giáo hoàng Truyền giáo, tức là Hội Truyền bá Đức tin, Và Hội Thánh Phêrô tông đồ, đã được thiết lập bởi các giáo dân, đúng hơn là bởi những phụ nữ nhiệt thành đối với Nước Thiên Chúa sao?

4. Phục vụ thường xuyên cho sự linh hoạt và sự thiết lập các Hội Giáo hoàng Truyền giáo

Mặc dù đã nhấn mạnh về Hội của thánh Phêrô tông đồ, nhân dịp kỷ niệm một trăm năm ngày thành lập, tôi không thể kết thúc sứ điệp mà không đề cập đến Bộ truyền giáo: Hội Truyền bá đức tin, Hội Thánh Nhi, Hiệp hội Truyền giáo các Linh mục, Tu sĩ nam nữ, những Hội phục vụ cho Đức Thánh Cha và tất cả các Giáo hội địa phương.

Mặc dù các Hội thực hiện các hoạt động riêng biệt, nhưng có chung một mục đích: thúc đẩy và duy trì sự sống động trong Dân Thiên Chúa – các mục tử và tín hữu – một tinh thần truyền giáo mãnh liệt biến thành lời cam kết cho các ơn gọi truyền giáo để hỗ trợ cho tất cả các xứ truyền giáo trên thế giới, để đáp ứng các nhu cầu ngày càng tăng nhờ sự đóng góp quảng đại của tất cả các Kitô hữu.

Trong ngày đức ái phổ quát này, Đức Thánh Cha trở thành tiếng nói của tất cả những người nghèo trên thế giới; nhất là tiếng nói của các nhà truyền giáo, sẵn sàng mở rộng bàn tay cho các anh chị em tín hữu và những người thiện chí.

Các nhà truyền giáo đã tung gieo lời loan báo Tin Mừng cho các tiền đồn về sứ mạng, thậm chí ngay cả trong thời đại của chúng ta, sứ mạng còn gặp nhiều khó khăn, thử thách đòi phải có chứng tá trổi vượt về ân sủng của đời sống cá nhân. Vì lý do này, nhân danh toàn thể Giáo hội, tôi gửi đến anh chị em lời động viên trìu mến của tôi, để trong mọi hoạt động tông đồ của họ, họ cảm thấy được đồng hành và được nâng đỡ bởi sự hiện diện của Chúa Phục Sinh, nhờ quyền năng Thánh Thần của Người và tình liên đới của cộng đoàn các tín hữu.

Tất cả các môn đệ của Chúa hãy nhớ rằng Đức Trinh Nữ Maria, nữ vương các thánh tông đồ và mẹ của mọi dân tộc, là mẫu gương và là người nâng đỡ họ trong việc dấn thân truyền giáo. Tôi uỷ thác cho Mẹ mọi hoạt động truyền giáo của Giáo hội và tất cả những ai thánh hiến đời sống của mình, để Nước Thiên Chúa được loan báo và Giáo hội được vun trồng trong trái tim của thế giới.

Đối với các nhà truyền giáo và các cộng sự viên của họ, những ai tham gia vào công cuộc truyền giáo của Giáo hội bằng bất kỳ hình thức nào, tôi ưu ái ban Phép Lành Tông Đồ như bảo chứng ân sủng của Thiên Chúa và dấu chỉ của sự trìu mến và lòng biết ơn của tôi.

Vatican, ngày 14 tháng 05 năm 1989,năm thứ 11 triều đại Giáo Hoàng.

GIOAN PHAOLÔ II

Chuyển ngữ: Ủy Ban Loan Báo Tin Mừng

WHĐ (14.05.1989)