SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA

NHÂN NGÀY THẾ GIỚI TRUYỀN GIÁO NĂM 1965
Thông truyền ánh sáng chân lý bằng lửa tình yêu

Hiền Huynh đáng kính và các con thân mến,

Bằng cả tấm lòng, chúng tôi muốn đích thân gửi đến anh chị em lời kêu gọi dành cho “Ngày Thế giới Truyền giáo”, vừa để góp phần một lần nữa sự cộng tác nhiệt tình của chúng tôi trong sự diễn tả căn tính truyền giáo, bản chất của Giáo hội thánh thiện của Chúa Kitô, được công bố kết quả tuyệt đối trong những ngày này từ Công đồng chung, vừa để đáp lại hai tiếng gọi mà chúng tôi cảm thấy có bổn phận phải đón nhận: một tiếng nói từ trời, một tiếng nói từ đất.

Tiếng vang từ trời – và mỗi ngày chúng ta ý thức hơn về nó – một tiếng nói trang nghiêm, cảnh báo của Chúa: “cứ lấy hết gân cổ mà kêu lên, đừng kìm hãm, kêu lớn tiếng lên như tù và” (Is 58,1), như ngôn sứ Isaia đã được sai đi, không phải để khiển trách, nhưng là để mở rộng, để công bố, để làm cho niềm vui luôn được rạng rỡ, niềm vui Tin Mừng mà Đức Giêsu Đấng Cứu độ đã mang đến cho trái đất, được trao cho Giáo Hội của Người, đặc biệt cho chúng tôi, mà Người đã đặt trên Toà Chân lý: “Đấng tự mạc khải là Thiên Chúa”. Thiên Chúa tự tỏ mình! Thiên Chúa biểu lộ Người là Cha của mọi người, kể cả những người chưa được nhận biết Người. Người yêu họ, quan tâm đến họ, và muốn họ nên một với Người trong hạnh phúc vĩnh cửu của Người.

Thông điệp của tình yêu và hoà bình, sự tin cậy của ơn cứu độ này chúng tôi muốn công bố lớn tiếng với lòng mong ước sẽ đến với tất cả con cái của chúng tôi - những người đã lãnh nhận hồng ân nhận biết Thiên Chúa là Cha, Đấng ngự trên trời.

Nhưng một tiếng nói khác dường như khiến chúng tôi phải đón nhận và làm chúng tôi bối rối, nó thúc đẩy chúng tôi cân nhắc về sự thiếu sót của chúng tôi và khiến chúng tôi ước ao cho toàn thể Giáo hội của Chúa hiệp nhất với chúng tôi cách toàn tâm toàn ý, để đưa ra câu trả lời đầy đủ, thích đáng và hiệu quả: đó là sự lo lắng và van xin đến từ mặt đất; các dân tộc mong muốn một cuộc chiến thắng về tình bác ái huynh đệ, về hoà bình và trong việc nhìn nhận người Cha chung là chính Thiên Chúa. “Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha” (Ga 14, 8).

Chúng tôi nghe tiếng nói này mạnh mẽ, hùng hồn, nài nỉ ngay cả khi không diễn tả bằng lời trong các cuộc hành trình sứ vụ tông đồ của chúng tôi tại Palestin, Ấn Độ và tại các tổ chức Liên Hiệp quốc. Chúng tôi đã nghe tiếng nói đó và chúng tôi đã được nhắc nhở chỉ mình Đức Giêsu Kitô là “Vua hoà bình”. Chúng tôi đã nghe tiếng nói đó và chúng tôi được nhắc nhở về lời cầu xin mà một số anh em dân ngoại từng nói với vị tông đồ Philiphê rằng: “Chúng tôi muốn được gặp ông Giêsu” (Ga 12, 21).

Vì vậy chúng tôi phải nhanh chóng đưa ra câu trả lời khẩn cầu cùng Chúa là Chúa tể trời đất, được mạc khải trong Đức Giêsu Cứu độ, vì chỉ một mình Người là ánh sáng thật chiếu soi mọi người. Và ai thấy Người là thấy Chúa Cha! Dường như không có giây phút nào hạnh phúc và hy vọng hơn cho sự phát triển truyền giáo lớn lao của Giáo hội: sự mong đợi của các dân tộc là mối bận tâm hơn bao giờ hết; sự đau buồn của mọi thời đại và các mối đe doạ về hoà bình cho thấy thời đại của Thiên Chúa đã gần.

Sự đáp trả cụ thể, sống động, mở ra với sự mong chờ của các dân tộc chính là câu trả lời của vị tông đồ truyền giáo như đã nói. Tâm tình của chúng tôi, sự ngưỡng mộ của chúng tôi, lòng biết ơn của chúng tôi hướng tới anh chị em, hỡi các nhà truyền giáo, các Linh mục, các Tu sĩ nam nữ và giáo dân – những tông đồ của Nước Thiên Chúa, đã đáp trả lời mời gọi cao cả, từ bỏ gia đình, nhà cửa, quê hương xứ sở để trở thành những người loan báo tình phụ tử của Thiên Chúa, của Chúa Kitô, của mầu nhiệm cứu độ trong Chúa Thánh Thần, Đấng đang hoạt động trong Giáo hội. Chúng tôi muốn thể hiện tấm gương của anh chị em cho toàn thể thế giới, tán dương sứ mạng cao cả của anh chị em, được thúc đẩy bởi tình yêu, được thêu dệt bằng hy sinh, được nuôi dưỡng bằng đức tin cho tới khi bị sát tế, để tất cả các Kitô hữu hiệp thông với anh chị em bằng lời cầu nguyện và sự cộng tác.

Tuy nhiên, ánh sáng của Đức tin và Chân lý được mạc khải sẽ không chiếu sáng trên mặt đất, cũng như các dân tộc không thể nhận biết và đón nhận tình phụ tử của Thiên Chúa, nếu tất cả các Kitô hữu, thân thể sống động và không tách rời

Chúa Kitô, không tham gia vào công việc trực tiếp và khẩn cấp của các sứ giả Tin Mừng, khó khăn vì ít ỏi, hạn chế và thiếu thốn, không tương xứng với những nhu cầu của Nước Thiên Chúa, không ủng hộ, liên kết trong sự hiểu biết và cảm thông trong hoạt động. Thật vậy, các thợ làm vườn nho - những cánh tay đắc lực của Nước Thiên Chúa - có thể làm được gì, nếu đàng sau họ, thân thể của Giáo hội đang trì trệ và thờ ơ?

Vì vậy, lời kêu gọi của chúng tôi tới toàn thể Kitô hữu càng trở nên mãnh liệt hơn, cấp bách hơn, thuyết phục hơn, bởi vì mọi con cái của Chúa, những người đã ở trong nhà Cha, hãy nhớ đến những anh em còn ở ngoài, và họ hiệp thông với chúng ta trong lời cầu nguyện và trong việc thực hành đức ái đoàn kết huynh đệ.

Trước hết, họ hiệp nhất bằng lời cầu nguyện, vì chính Chúa Giêsu đã dạy chúng ta cầu nguyện: “Anh em hãy xin chủ ruộng sai thợ đi gặt lúa trong ruộng mình” (Mt 9, 38) và “Không có thầy anh em không thể làm gì được” (Ga 15,5). Việc loan báo Tin Mừng là công việc của Ân sủng và Ân sủng có được là nhờ cầu nguyện với lòng khiêm nhường.

Còn trong các công việc bác ái. Dĩ nhiên trước chiều kích bao la của vấn đề truyền giáo, nhân loại càng rộng lớn bao nhiêu càng phức tạp bấy nhiêu, vừa gia tăng số những người ngoài Kitô giáo, vừa có những cản trở của chủ nghĩa quốc gia, của tình trạng dửng dưng tôn giáo, và của thuyết tương đối đạo đức, vừa thiếu các thợ gặt và các phương tiện tông đồ, làm cho bổn phận hiện diện trực tiếp trở nên trầm trọng và khẩn cấp hơn, đồng thời đến hiệu lực của Giáo hội trên toàn thế giới.

Nhưng điều đó cũng rõ ràng khi sự hiện diện cứu độ của Giáo hội, để có thể đạt được kết quả nhanh chóng, buộc phải có sự hợp nhất trong cộng tác của tất cả các thành viên trong Giáo hội, nghĩa là của tất cả các tín hữu, chung quanh vị mục tử duy nhất mà Thiên Chúa đã đặt làm đầu Giáo hội, để qua cái nhìn đồng nhất về tất cả các nhu cầu của Giáo hội truyền giáo, Người có thể đáp ứng kịp thời sự hỗ trợ cần thiết cho mọi miền trên toàn thế giới.

Ai cũng biết Giáo hội thường thông truyền ánh sáng chân lý bằng lửa tình yêu, và các việc bác ái là những con đường dễ dàng hơn để diễn tả Thiên Chúa là tình yêu. Vì thế, bất cứ nơi nào được mở rộng, thì Giáo hội Công giáo hiện diện qua những việc bác ái cả về vật chất lẫn tinh thần; các trường học, trường mẫu giáo, các bệnh viện; và cả ngày nay, tình yêu Thiên Chúa vẫn còn thắp lên qua việc tôn vinh hình ảnh Người, hữu hình trong mỗi tạo vật, và các hoạt động của lòng thương xót.

Vì vậy, nếu Giáo hội ngày nay, cùng với sự cộng tác của tất cả các tín hữu Công giáo, hợp nhất với Đức Thánh Cha trong việc hỗ trợ các Hội Giáo hoàng Truyền giáo, có thể nhân rộng một cách đáng kể các công việc bác ái truyền giáo, cũng như công việc truyền bá đức tin trong thế giới cũng sẽ gia tăng không thể sánh được.

Vậy trong khi chúng tôi khen ngợi và chúc lành cho mọi sáng kiến cộng tác truyền giáo, chúng tôi không thể không bày tỏ lòng biết ơn đặc biệt đến tất cả các con, những người thấu hiểu tầm quan trọng của sự hiệp thông liên đới của tất cả các cuộc viện trợ được tập hợp nơi người Cha chung, chúng đặc biệt nâng đỡ các Hội Truyền giáo của chúng tôi mà chính chúng tôi đã giới thiệu và khuyến nghị trong sứ điệp gửi cho “Ngày Thế giới Truyền giáo” năm 1963.

Bằng sự dâng tặng của họ, họ trao cho Toà Thánh khả năng để thực hiện một văn phòng thường trực “praeses caritatis” (do một trong những người thuộc tổ chức bác ái phụ trách), mà thánh Inhaxiô thành Antiochia chỉ ra từ thế kỷ đầu tiên của Kitô giáo như Hiệu Toà của thánh Phêrô, nền tảng và là thủ lãnh của toàn thể Giáo hội.

Vậy một lần nữa, chúng tôi đề nghị các Hội Giáo hoàng Truyền giáo cũng như các Hiệp hội thực hiện tốt sự hiệp nhất cộng tác giữa các tín hữu với Đức Thánh Cha. Các Hội là công trình của Giáo hội và các Anh em đáng kính của chúng tôi trong hàng Giám mục, cùng chia sẻ trách nhiệm với chúng tôi trong việc cứu rỗi các linh hồn, các Ngài cũng xem các Hội như của chính các Ngài và tổ chức các Hội đó cách hiệu quả trong giáo phận của các Ngài, thông qua Hiệp Hội Giáo hoàng Truyền giáo của các giáo sĩ, cũng là linh hồn của các Ngài.

Với tấm lòng biết ơn tới những ai lắng nghe lời mời gọi của chúng tôi, chúng tôi đặc biệt ưu ái ban Phép lành Tòa Thánh cho Anh em đáng kính và đoàn chiên đã được trao phó cho anh em, cho mỗi thành viên thuộc giáo sĩ địa phương quí mến, cho các nhà truyền giáo, các Dòng tu và các ân nhân, nhất là những ai yêu mến và ủng hộ với lòng hảo tâm tuỳ theo lương tâm và khả năng của họ cho các Hội Giáo hoàng Truyền giáo quý mến của chúng tôi.

Vatican, ngày 23 tháng 10 năm 1965.

PHAOLÔ II

Chuyển ngữ: Ủy Ban Loan Báo Tin Mừng

WHĐ (23.10.1965)