SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA

NHÂN NGÀY THẾ GIỚI TRUYỀN GIÁO NĂM 1963
Tiếp tục công trình cứu độ của Chúa Kitô ở giữa loài người

Hiền Huynh đáng kính và các con thân mến,

Từ giây phút đầu tiên, nhờ sự vâng phục khiêm tốn và tin tưởng vào những dấu chỉ tôn kính Chúa, chúng tôi đã đảm nhận vinh dự nặng nề của Sứ vụ Tông Đồ Trưởng, tự phát có một sức thúc đẩy nơi thâm tâm chúng tôi để tuyên bố trước sự hiện diện của toàn thế giới về bổn phận thiết yếu và cấp bách của chúng tôi, là đẩy mạnh sự nhiệt tâm chăm lo mở rộng Nước Chúa.

Và trong sứ điệp đầu tiên của chúng tôi, chúng tôi vui mừng chào thăm các nhà truyền giáo như “con ngươi trong mắt chúng tôi” (Sứ điệp Qui fausto die, “Báo Roma” ngày 23 tháng 6 năm 1963), những nhà truyền giáo, những người đại diện làm chứng liên tiếp, hùng hồn và chắc chắn, theo thánh ý Thiên Chúa, Đấng sáng lập để truyền bá ánh sáng và phúc lành của Tin Mừng cho mọi dân tộc (x. Mt 28, 19-20; Mc 16, 15-16), Đấng luôn hiện diện sống động trong Giáo hội của Người.

Hãy mau làm cho Danh Chúa và ân sủng của Đức Kitô được rạng ngời khắp mặt đất, để mọi lời tuyên xưng chỉ có Người là Chúa, chỉ có Người là Đấng cứu độ muôn dân mà tôn vinh Thiên Chúa Cha (x. Phil 2,11); Hãy đem lại hoà bình và ơn cứu độ cho toàn thể nhân loại mà Thiên Chúa đã ban từ một người duy nhất để họ được ở trên mặt đất (Cv 17, 26); Đây chẳng phải là sứ mạng và hoạt động thường xuyên của Giáo hội sao? “Sứ mạng” này xác định và giới hạn lãnh vực rộng lớn, trong đó, Giáo huấn được mở rộng và hoạt động của Giáo hội được hướng tới, là tiếp tục công trình cứu độ của Chúa Kitô ở giữa loài người.

Thiên Chúa dành riêng một số người được tuyển chọn nhờ ơn gọi đặc biệt để sai họ đi đến những nẻo đường khó khăn đầy hiểm nguy trên thế giới và cùng với sự trợ giúp an ủi của Người, họ có thể đương đầu với những khó khăn phức tạp hơn (x. Phil. 4, 13). Nhưng đàng sau những tổ chức họ gặp nơi tiền đồn của Giáo hội, họ phải gắn kết với tất cả những người đã lãnh nhận hồng ân đức tin một cách chặt chẽ. Công việc trước hết mà các đoàn thể được mời gọi là cầu nguyện với Chủ mùa gặt (Mt 9, 38) để Người dủ thương sai nhiều thợ gặt thiện chí đến làm việc trong cánh đồng của Người (Mt 9, 38); hơn nữa, còn là việc cung cấp cho những người được tuyển chọn làm công tác truyền giáo những trợ giúp cần thiết, để họ dấn thân một cách thanh thản và nhanh chóng trong công việc đầy khó khăn của họ. Biết bao nhu cầu của họ cũng như những gì họ nhận được từ những người hảo tâm, thì chúng tôi cũng có cơ hội để nhận xét về con người. Bằng trí nhớ sống động, chúng tôi muốn nhắc đến những chuyến tông du mà chúng tôi đã thực hiện vào năm ngoái, trong đó, chúng tôi đã đến thăm nhiều giáo điểm truyền giáo tại miền Nam Châu Phi và nhiều nơi ở trung tâm miền Tây Châu Phi, đã ghi nhận những nhu cầu to lớn, đồng thời còn cho thấy một ấn tượng tuyệt vời về đời sống thịnh vượng của họ.

Toàn thế giới Công giáo nhận biết và trân quí các Hội Giáo hoàng Truyền giáo, các Hội đề nghị tổ chức và đánh giá lòng quảng đại của các tín hữu ủng hộ cho các sứ giả Tin Mừng: đứng đầu và chủ yếu trong tất cả các Hội là Hội Truyền Bá Đức Tin, bên cạnh đó còn có các Hội khác như Hội Thánh Nhi và Hội Thánh Phêrô Tông đồ dành cho các giáo sĩ bản xứ của các nước mở ra với Tin Mừng. Cốt cán của các Hội này là Hiệp Hội Giáo hoàng Truyền giáo của các Giáo sĩ, vì thông qua các Linh mục, tất cả các tín hữu được nuôi dưỡng tinh thần truyền giáo.

Được đặt tên là các Hội Giáo Hoàng, bởi vì họ thuộc về Toà Thánh (Pio XI, Tự sắc “Romanorum Pontificum”, ngày 3 tháng 5 năm 1922, A.A.S. XIV (1922) trang 321-330; Thông điệp “Rerum Ecclesiae” ngày 28 tháng 2 năm 1926, A.A.S. XVIII (1926) trang 65-83), mặc dù các Hội đó không loại trừ những sáng kiến khác nhằm hỗ trợ cho các sứ vụ và cho các mục đích cụ thể, tất cả rõ ràng là vượt qua chúng như một biều hiện trực tiếp về sự quan tâm của vị Mục tử tối cao của Thiên Chúa đối với tất cả các Giáo hội (x. 2Cor 11,28). Thực tế, các Hội Giáo Hoàng nhân danh chúng tôi cung cấp một chương trình phổ quát với tầm nhìn tổng thể về các nhu cầu đa dạng nhất, để giúp đỡ về tinh thần cũng như vật chất cho các xứ truyền giáo.

Người ta nhận xét rằng, trong thời đại của chúng ta, ranh giới càng ngày càng trở nên khó khăn hơn để thắt chặt giữa người này với người kia, bởi vì mọi vấn đề quan trọng hầu như tự động lấy đi những chiều kích của thế giới. Nhưng người Kitô hữu đã biết được bài học từ nơi Thầy chí thánh của mình, rằng Đấng ban hơi thở hoàn vũ kết thân với từng người cũng chính là Đấng ở dưới gầm trời này. Được dậy dỗ về sự khao khát và được thúc đẩy về đức ái truyền giáo phổ quát mở rộng cho hết thảy mọi người và ôm ấp hết mọi người, các Kitô hữu phải sẵn sàng mọi nơi mọi lúc để đáp lại lời mời gọi đặc biệt này và để cộng tác với những sáng kiến còn bị hạn chế.

Vì vậy, theo gương của các vị tiền nhiệm của chúng tôi, (Pio XII, Thông điệp “Những người công bố Tin Mừng” ngày 2 tháng 6 năm 1951, A.A.S. XLIII (1951) trang 497528; Gioan XXIII, thông điệp “Princeps Pastorum “ ngày 28 tháng 11 năm 1959, A.A.S. LI (1959) trang 833- 864; Thư gửi Đức Hồng Y Agagianian, Giám đốc Thánh Bộ Truyền bá Đức tin ngày 3 tháng 5 năm 1962, A.A.S. LIV (1962) trang 429-434; Thư gửi Đức Hồng Y Gerlier nhân dịp Đại Hội Truyền giáo Thế giới ngày 20 tháng 3 năm 1962, A.A.S. LIV (1962) trang 382-385) chúng tôi muốn khuyên nhủ các Hiền Huynh đáng kính trong hàng Giám mục của chúng tôi, các giáo sĩ trong giáo phận và dòng tu quí mến, những người sống đời thánh hiến qua các hình thức khác nhau hiến dâng chính mình cho lợi ích cao cả của Nước Trời, cho tất cả các tín hữu mà Thiên Chúa đã uỷ thác cho chúng tôi chăm sóc. Mỗi người, tuỳ theo trách nhiệm và công việc của mình, với tinh thần đức tin được soi sáng bởi đức ái, cộng tác trong mức độ rộng lớn hơn cho phép mỗi người tham gia vào sự phát triển của các Hội Giáo hoàng Truyền giáo, mà theo ý muốn của Toà Thánh, các Hội này phải được thiết lập ở mỗi giáo phận của mỗi quốc gia, nơi Giám đốc của các quốc gia và các giáo phận của các Hội này cộng tác với Thánh Bộ - những người dâng hiến một cách quảng đại về năng lực và sự nhiệt tình của họ. Vì vậy, chúng tôi rất vui mừng nhân cơ hội này gửi tới họ, đặc biệt là lời chúc mừng và sự khích lệ của một người cha.

Từ chân trời của trái đất sẽ vang lên, hoà với tiếng nói của chúng tôi, một ca đoàn cầu nguyện liên lỉ, để thực hiện mầu nhiệm theo thánh ý Chúa một cách hữu hình, Đấng muốn đưa mọi người tới thủ lãnh duy nhất là Đức Kitô (Ep 1, 10), và con số những người ở xa sẽ trở nên “những người ở gần nhờ máu Đức Giêsu Kitô” (Ep 2, 12-13); làm triển nở khắp nơi bằng những phương thế diễn tả cụ thể là đức ái nhiệt thành và tích cực, làm cho mọi Kitô hữu có thể hiểu được các chiều kích tình yêu của Chúa Kitô, “được tràn đầy tất cả sự viên mãn của Thiên Chúa” (Ep 3, 17-19).

Xin các Thiên Thần ở trên trời triệu tập ca đoàn hoàn vũ để cầu nguyện, chiêm ngắm ý nghĩa, những công việc khó khăn để mở mang Nước Chúa Kitô – với những gì được đổi mới, được mời gọi cử hành trong Ngày Thế giới Truyền giáo – và đang được tỏ bày cùng Thiên Chúa. Ở đó, cũng sẽ tuôn đổ muôn hồng ân và sự an ủi trên trời mà chúng tôi coi như bảo chứng của Phép lành Toà Thánh.

Vatican, ngày 19 tháng 10 năm 1963.

PHAOLÔ II

Chuyển ngữ: Ủy Ban Loan Báo Tin Mừng

WHĐ (19.10.1963)