NHÂN NGÀY THẾ GIỚI TRUYỀN GIÁO NĂM 2020
“Dạ con đây, xin hãy sai con” (Is 6,8)
Anh chị em thân mến,
Tôi muốn diễn tả lòng biết ơn Thiên Chúa về sự dấn thân của toàn thể Giáo hội đã sống Tháng Truyền Giáo Ngoại thường vào tháng mười năm ngoái. Tôi tin chắc rằng nó đã góp phần thúc đẩy sự hoán cải truyền giáo trong nhiều cộng đoàn, trên con đường được vạch ra từ chủ đề “Được rửa tội và được sai đi: Hội Thánh Chúa Kitô thi hành sứ mạng trong thế giới”.
Trong năm nay, được đánh dấu bởi những đau khổ và những thử thách do đại dịch Covid 19 gây ra, hành trình truyền giáo này của toàn thể Giáo hội vẫn tiếp tục dưới ánh sáng của lời mà chúng ta gặp thấy trong trình thuật ơn gọi của ngôn sứ Isaia: “Dạ con đây, xin hãy sai con” (Is 6, 8). Đó là câu trả lời luôn luôn mới cho câu hỏi của Chúa: “Ta sẽ sai ai đây?”. Lời kêu gọi này xuất phát từ con tim của Chúa, từ lòng thương xót của Người, đang chất vấn cả Giáo hội và nhân loại trong cuộc khủng hoảng thế giới hiện nay. “Cũng như các môn đệ trong Tin Mừng, chúng ta bị rơi vào một trận cuồng phong bất ngờ. Chúng ta nhận ra rằng chúng ta đang ở trên cùng một con thuyền, tất cả đều mong manh và mất phương hướng, nhưng đồng thời lại quan trọng và cần thiết, tất cả được kêu gọi để cùng chèo chống, tất cả đều cần sự an ủi lẫn nhau. Trên con thuyền này… tất cả chúng ta đều ở đó. Cũng như các môn đệ thời xưa, cùng một giọng nói trong đau khổ rằng: “chúng tôi chết mất” (c. 38), nên chúng ta cũng nhận ra rằng chúng ta không thể tự tiến bước, mà chỉ có thể cùng nhau tiến bước” (Suy niệm tại Quảng trường thánh Phêrô, ngày 27 tháng 5 năm 2020). Chúng ta thực sự sợ hãi, mất phương hướng và hoảng sợ. Sự đau đớn và cái chết làm cho chúng ta cảm nghiệm về sự mong manh của thân phận con người, nhưng đồng thời nhắc nhở chúng ta một khát vọng mạnh mẽ của cuộc sống và sự giải thoát khỏi sự dữ. Trong bối cảnh này, lời kêu gọi truyền giáo, mời gọi ra khỏi chính mình vì yêu mến Thiên Chúa và tha nhân được trình bày như một cơ hội để chia sẻ, phục vụ và khẩn cầu. Sứ vụ mà Thiên Chúa trao cho mỗi người, ngang qua cái tôi sợ hãi và khép kín đến cái tôi được tìm thấy và được đổi mới từ ân ban của chính mình.
Trong hy tế thập giá, nơi mà Chúa Giêsu hoàn tất sứ mạng của mình (x. Gv 19,28-30), Thiên Chúa mạc khải tình yêu của Ngài dành cho mỗi người và cho tất cả mọi người (x. Gv 19,26-27). Và Ngài xin chúng ta phải sẵn sàng để được sai đi, bởi vì Ngài là Tình yêu trong sự chuyển động không ngừng của truyền giáo, luôn ra khỏi chính mình để trao ban sự sống. Vì yêu thương con người, Chúa Cha đã sai Chúa Con là Đức Giêsu (x. Gv 3,16). Chúa Giêsu là nhà truyền giáo của Chúa Cha: đời sống và sứ vụ của Ngài luôn vâng phục theo ý Chúa Cha (x. Gv 4,34; 6,38; 8,12-30; Eb 10,5-10). Đến lượt Chúa Giêsu, chịu đóng đinh và sống lại vì chúng ta, lôi kéo chúng ta vào trong sự chuyển động yêu thương của Ngài, và cùng với Thánh Thần, Đấng làm cho Giáo hội hoạt động, cũng làm cho chúng ta trở thành môn đệ của Chúa Kitô và sai chúng ta đi truyền giáo cho thế giới và các dân tộc.
“Sứ vụ mà ‘Giáo hội đi ra’ không phải là một chương trình, hay một ý định đạt được do nỗ lực của ý chí. Chính Chúa Kitô làm cho Giáo hội ra khỏi chính mình. Trong sứ vụ loan báo Tin Mừng, chính Thánh Thần sẽ lay động, thúc đẩy và đưa anh chị em đi” (Không có Ngài chúng con không thể làm gì được LEV-San Paolo, 2019, 16-17). Thiên Chúa luôn yêu chúng ta trước, và với tình yêu này, Thiên Chúa gặp gỡ và mời gọi chúng ta. Ơn gọi mỗi người chúng ta xuất phát từ việc chúng ta là con cái của Thiên Chúa trong Hội Thánh, là gia đình của Ngài, là anh em chị em trong đức ái mà Chúa Giêsu đã làm chứng cho chúng ta. Tuy nhiên, tất cả mọi người đều có phẩm giá, đặt nền tảng trên ơn gọi thần linh để trở thành con cái của Người, và để trở nên đúng như con người của họ luôn có trong trái tim của Chúa nhờ bí tích rửa tội và sự tự do của đức tin.
Được tiếp nhận một cách nhưng không, sự sống đặt ra lời mời gọi mặc nhiên nào đó để bước vào sự năng động cho đi chính mình: hạt giống sẽ trổ hoa nơi người được rửa tội như lời đáp trả của tình yêu trong hôn nhân, hoặc trong sự khiết tịnh vì Nước Trời. Sự sống con người được sinh ra từ tình yêu của Thiên Chúa, lớn lên trong tình yêu và hướng đến tình yêu. Không ai bị loại trừ khỏi tình yêu của Thiên Chúa, và trong hy tế thánh thiện của Chúa Giêsu, người Con trên thập giá, Thiên Chúa đã chiến thắng tội lỗi và sự chết (x. Rm 8, 31-39). Đối với Thiên Chúa, sự ác – thậm chí là tội lỗi – cũng trở thành một thách đố để yêu mến và yêu mến hơn nữa (x. Mt 5, 38-48; Lc 23, 33-34). Vì vậy, trong mầu nhiệm Vượt qua, lòng thương xót của Chúa chữa lành vết thương nguyên tổ của nhân loại và tuôn đổ xuống cho toàn thể vũ trụ. Giáo hội, bí tích phổ quát của tình yêu Thiên Chúa cho nhân loại, tiếp tục sứ mạng của Chúa Giêsu trong lịch sử và sai chúng ta đi khắp nơi, để qua chứng tá đức tin và việc loan báo Tin Mừng, Thiên Chúa tiếp tục biểu lộ tình yêu của người và có thể đụng chạm, biến đổi con tim, tâm trí, thể xác, xã hội và văn hoá ở mọi nơi mọi thời.
Truyền giáo là lời đáp trả tự do và ý thức cho lời mời gọi của Chúa. Nhưng chúng ta chỉ có thể nhận thức được tiếng gọi này khi chúng ta sống mối tương quan cá vị tình yêu với Chúa Giêsu đang sống trong Giáo hội của Người. Chúng ta tự hỏi: chúng ta đã sẵn sàng để tiếp nhận sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong đời sống của chúng ta, để lắng nghe tiếng gọi truyền giáo, dù là tiếng gọi trong đời sống hôn nhân hay đời sống thánh hiến hoặc đời sống Linh mục, nói chung trong mọi trường hợp của cuộc sống đời thường chưa? Chúng ta có sẵn sàng để được sai đi khắp nơi để làm chứng niềm tin của chúng ta vào Chúa Cha giàu lòng thương xót, để loan báo Tin Mừng về ơn cứu độ của Chúa Giêsu Kitô, và để chia sẻ sự sống thần linh của Chúa Thánh Thần bằng cách xây dựng Hội Thánh chưa? Như Đức Maria, mẹ của Chúa Giêsu, chúng ta có sẵn sàng phục vụ theo ý muốn của Thiên Chúa chưa (x. Lc 1, 38)? Sự sẵn sàng bên trong là vô cùng quan trọng để có thể trả lời cho Thiên Chúa: “Lạy Chúa, này con đây, xin hãy sai con đi!” (x. Is 6, 8). Và điều này không phải trong trừu tượng, nhưng trong ngày hôm nay của Giáo hội và của lịch sử.
Hiểu được điều Thiên Chúa đang nói với chúng ta trong thời đại dịch này cũng trở thành một thách đố cho sứ mạng của Giáo hội. Bệnh tật, đau khổ, sợ hãi, bị bỏ rơi, đang thách thức chúng ta. Sự nghèo khó của những người chết một mình, những người bị bỏ rơi, những người mất việc làm và tiền lương, người không có nhà cửa và thức ăn đang cật vấn chúng ta. Việc buộc phải cách ly xã hội, chúng ta được mời gọi để tái khám phá rằng chúng ta cần những mối tương quan xã hội, và cũng cần những tương quan hiệp thông với Thiên Chúa. Đối lại với ngờ vực và thờ ơ, tình trạng này làm chúng ta phải chú ý hơn đến cách chúng ta sống mối tương quan với người khác. Và lời cầu nguyện, qua đó Thiên Chúa chạm đến và lay động tâm hồn chúng ta, mở lòng chúng ta trước những nhu cầu về tình thương, phẩm giá và tự do của anh chị em chúng ta, cũng như trách nhiệm của chúng ta trong việc chăm sóc cho tất cả tạo vật. Việc không thể tập trung để cử hành Thánh Thể khiến chúng ta phải chia sẻ tình trạng của rất nhiều cộng đoàn Kitô hữu không thể cử hành Thánh lễ mỗi Chúa Nhật. Trong hoàn cảnh này, câu hỏi mà Chúa đặt ra là: “Ta sẽ sai ai đây?”, một lần nữa được gửi đến cho chúng ta và chờ đợi nơi chúng ta một sự đáp trả quảng đại và tin tưởng: “Dạ, con đây, xin hãy sai con!” (Is 6, 8). Thiên Chúa tiếp tục tìm kiếm những người để Ngài sai đi vào thế giới và đến với muôn dân để làm chứng về tình yêu của Người, về ơn cứu độ của Người khỏi tội lỗi và sự chết, sự giải thoát của Ngài khỏi sự dữ (x. Mt 9, 35-38; Lc 10, 1-12).
Cử hành Ngày Thế giới Truyền giáo cũng có nghĩa là tái khẳng định cách cầu nguyện, suy tư và giúp đỡ vật chất qua sự dâng cúng của anh chị em là cơ hội để tham dự một cách sống động vào sứ mạng của Chúa Giêsu trong Giáo hội của Người. Việc bác ái được thể hiện qua sự lạc quyên của các buổi cử hành phụng vụ ngày Chúa Nhật thứ ba trong tháng Mười, nhằm mục đích hỗ trợ công cuộc truyền giáo của các Hội Giáo hoàng Truyền giáo nhân danh tôi, để đáp ứng những nhu cầu về tinh thần và vật chất cho các dân tộc và cho các Giáo hội trên toàn thế giới vì ơn cứu độ của mọi người.
Xin Đức Trinh nữ Maria, Ngôi sao truyền giáo và là Đấng an ủi những người sầu khổ, người môn đệ truyền giáo của chính Con mẹ là Chúa Giêsu, tiếp tục cầu bầu và nâng đỡ chúng ta.
Roma, Vương cung Thánh đường Laterano, ngày 31 tháng 5 năm 2020, Đại lễ Ngũ Tuần.
PHANXICÔ
Bản dịch của Ủy ban Loan báo Tin mừng
WHĐ (17.10.2020)