SỰ CÁM DỖ: NHỮNG CÁCH THỨC TẤN CÔNG THƯỜNG DÙNG CỦA MA QUỶ ĐỐI
VỚI CHÚNG TA
Tác giả: Kathleen Beckman
Chuyển ngữ: Anthony Lai
Từ: catholicexchange.com
WHĐ (16.11.2020) – Cám dỗ là phương thức hoạt động thường dùng của ma quỷ (x. 1Ga
3,8-10). Satan là tên cám dỗ (1Tx 3,5), và như cách nó đã gây ra Sự sa ngã, nó
vẫn không ngừng xúi giục chúng ta khước từ ân sủng của Thiên Chúa và phạm tội.
Cám dỗ xảy ra với tất cả mọi người.
Không phải tất cả mọi cơn cám dỗ đều phát sinh bởi
tác động của ma quỷ. Từ nguyên tội mà phát sinh những yếu đuối trong các khả
năng của chúng ta. Chúng ta có thể nuôi dưỡng một thói quen tội lỗi mà không cần
đến sự tác động của ma quỷ. Xác thịt và thế gian mang đến vô vàn cơn cám dỗ.
Các nhà trừ quỷ dạy rằng ma quỷ không thể
đọc được ý nghĩ của chúng ta, nhưng thông qua việc quan sát hành vi của
chúng ta, nó có thể biết được những yếu đuối bên trong chúng ta.
Ma quỷ cám dỗ chúng ta phạm tội bằng nhiều cách
thức: dối trá, buộc tội, nghi ngờ, dụ dỗ, xúi giục. Những điều
này khiến cho chúng ta bất an và dẫn đưa chúng ta vào những hoàn cảnh dễ phạm
những mối tội đầu: kiêu ngạo, tham lam, thù hằn, đố kỵ, dâm dục, phàm ăn, và lười
biếng.
Trong cuốn sách nổi tiếng “The Devil You Don’t Know” (tạm dịch: Những điều bạn chưa biết về ma
quỷ), cha Louis Cameli trình bày rõ ràng bốn chiến lược thường gặp và phổ biến
của ma quỷ: sự dối trá, sự chia rẽ, việc đánh lạc hướng, và sự chán nản. Theo
kinh nghiệm của tôi, chúng ta có thể bổ sung vào danh sách ấy: sự xa cách, sự
tàn phá, sự bất phục tùng, và lòng dạ gian dối. Dưới đây, tôi sẽ giải thích những chiến lược trên của ma quỷ.
Mục tiêu của việc cám dỗ là lôi kéo chúng ta phạm
tội. Nếu chúng ta phạm tội thì trách nhiệm là của chúng ta, chứ không phải của
ma quỷ, bởi vì ân sủng luôn đủ để chúng ta tránh xa dịp tội. Bằng cách chống lại
và chê ghét những thủ đoạn cám dỗ sau đây, chúng ta sẽ tránh xa dịp tội.
Sự buộc tội
Ma quỷ là kẻ tố cáo các Kitô hữu (x. Kh 12,10).
Nó đe dọa chúng ta: “Mày là kẻ thua cuộc, bất hảo, và vô dụng. Hãy nhìn những
gì mà mày đã làm kìa – mày hủy hoại hôn nhân của mày (hoặc gia đình hoặc sự
nghiệp của mày). Mày là một kẻ thất bại.”
Trong các cuộc hôn nhân mà một trong hai người
phối ngẫu có mối quan hệ ngoại tình, thì ma quỷ có thể buộc tội người phối ngẫu
chung thủy rằng: “Chính mày đã khiến cho người bạn đời của mày ngoại tình.” Hoặc
nếu con cái trở thành tội phạm, thì cơn cám dỗ có thể là: “Mày là một người cha
(người mẹ) thất bại.”
Đây là lý do tại sao thánh Inhaxiô hướng dẫn
chúng ta nên đưa những cơn cám dỗ ra ánh sáng thông qua việc cầu nguyện, xưng tội, hay linh hướng.
Sự khiêu khích
Trong sách Gióp, chúng ta có được một minh họa về
việc ma quỷ đã cám dỗ ông Gióp bỏ cuộc như thế nào trong cơn khốn khổ đến tuyệt
vọng hoàn toàn. Trong hoàn cảnh ấy, vợ của ông Gióp chính là kẻ phát ngôn của
quỷ dữ: “Hãy nguyền rủa Thiên Chúa và chết đi cho rồi!” (G 2,9).
Trong gia đình, chúng ta có thể xúi giục nhau một
cách tinh vi hay trắng trợn. Một đứa trẻ có thể ngấm ngầm phá hoại sự tín nhiệm
của bố mẹ bằng cách xúi giục anh chị em của mình vi phạm những quy tắc của bố mẹ.
Một thành viên trong gia đình có thể lôi kéo các thành viên khác sử dụng chất cấm,
hoặc xem những nội dung khiêu dâm, hoặc trộm cắp hay nói dối. Truyền hình có thể
được sử dụng để kích động sự nổi loạn chống lại gia đình và cả Thiên Chúa.
Sự dối trá
Satan ‘ngay từ đầu đã là tên sát nhân,… là kẻ nói
dối và là cha của sự gian dối, là tên chuyên mê hoặc toàn thể nhân loại.’ Bởi
nó mà tội lỗi và sự chết đã xâm nhập thế gian, và khi nó bị đánh bại hoàn toàn
thì mọi thụ tạo ‘sẽ được giải thoát khỏi sự hư hỏng của tội lỗi và sự chết’
(GLHTCG, số 2852)
Ma quỷ lừa dối con người bằng những lời hứa hão
huyền: “Ngươi sẽ được nên như Đức Chúa” (St
3,5). Chiến thuật của ma quỷ chính là bóp méo sự thật: điều tốt lành thì bị khiến
trông như có vẻ xấu xa, còn cái xấu xa thì trông như có vẻ tốt lành. Đúng và
sai bị đảo lộn.
Trong Kinh Thánh, thánh Phêrô chú tâm phân biệt
giữa sự thật và sự dối trá, hơn là giữa điếu tốt và điều xấu. Ngài
nhấn mạnh rằng các môn đệ của Chúa Kitô cần được “củng cố vững vàng” trong sự
thật (x. 2Pr 1,12) để được che chở khỏi ma quỷ, cha của mọi sự dối trá.
Sự nghi ngờ
Cám dỗ dẫn đến việc mất đức tin có thể là những
nghi ngờ từ âm thầm đến dữ dội về chính bản thân, về Thiên Chúa, Giáo Hội, v.v…
Như chúng ta biết, trong Kinh Thánh, đức tin lay động lòng trắc ẩn của Thiên
Chúa và mang đến một sự chở che.
Mất đức tin là một tình trạng nguy hiểm của tâm
hồn, điều mà cần phải cầu nguyện để được chữa lành. Đôi khi, gốc rễ của việc mất
đức tin là do bởi lời dối trá của ma quỷ. “Thưa anh em, hãy đề phòng, đừng để
người nào trong anh em có lòng dạ xấu xa chối bỏ đức tin mà lìa xa Thiên Chúa hằng
sống.” (Dt 3,12)
Sự chia rẽ
“Bất cứ nước nào tự chia rẽ, thì sẽ điêu tàn. Bất cứ thành nào hay nhà
nào tự chia rẽ, thì sẽ không tồn tại.” (Mt 12,25). Ma quỷ liên tục cố gắng chia rẽ các
cặp vợ chồng, con cái, các đại gia đình, các đồng nghiệp, và cả Giáo Hội. Hạt
giống của sự bất hòa được gieo vào cuộc sống của chúng ta. Hãy phân định rõ nguồn
gốc của sự chia rẽ. Hãy củng cố sự hiệp nhất trong gia đình, đừng gây chia rẽ.
Hãy cẩn thận trong những mối tương quan yêu
thích với những người khiến bạn xa cách gia đình hay xa cách Thiên Chúa và Giáo
Hội. Cách riêng, tôi luôn luôn gần gũi với những thành viên trong gia đình, những
người có tư tưởng đối lập trong chính trị, kinh doanh, và tôn giáo. Họ hiểu rằng
tôi yêu Đức Kitô và Giáo Hội. Chúng tôi được liên kết bởi niềm mong muốn điều tốt
cho nhau, bởi mối dây gia đình, và chính những khoảng thời gian hạnh phúc và
đau buồn là điều đã gắn kết chúng tôi. Tình yêu tạo nên sự hiệp nhất.
Ma quỷ khơi mào và làm tăng những chia rẽ trong
các gia đình. Hãy loại bỏ bầu khí chia rẽ. Ma quỷ chính là thần khí của sự chia
rẽ: chúng nghe điều chúng ta nói. Biết làm chủ miệng lưỡi sẽ mang đến những giá
trị lớn lao trong gia đình. Đồng thời, sự trong sáng của tâm hồn sẽ bảo vệ
chúng ta khỏi sự khinh suất, những phán xét khắc nghiệt.
Việc đánh lạc hướng
“Vậy anh em phải đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say
sưa, lo lắng sự đời” (Lc 21,34). Trong một vài trường hợp, chúng tôi
đã ghi nhận cách mà ma quỷ ngấm ngầm phá hoại sự tốt đẹp của hôn nhân và gia
đình; đó là cám dỗ trong việc theo đuổi những sự thế gian (nghiện công việc),
hoặc nghiện ngập (khiêu dâm, rượu chè, v.v…) khiến cho một người xao lãng trách
nhiệm đối với gia đình.
Ma quỷ cố gắng phá hoại lời mời gọi, thời điểm
hay kế hoạch của Thiên Chúa dành cho các gia đình. Nó biết chắc rằng những người
tốt lành sẽ không bị cám dỗ bởi sự dữ hiển nhiên, nên nó thường cám dỗ chúng ta
chọn lựa điều tốt ít hơn hay cái lợi trước mắt. Việc đánh lạc hướng của ma quỷ
có thể ngăn cản chúng ta hoàn thành sứ mạng của mình, phương hại đến những người
thân yêu của chúng ta.
Sự xa cách
Những cám dỗ nảy sinh khiến bạn xa cách Thiên Chúa, gia đình, bạn bè, và cộng đồng. Những cám dỗ này cũng xảy đến với những tâm hồn bị bỏ rơi (rằng: “Tôi không được yêu thương, bị loại trừ, và cô đơn”). Sự khác biệt giữa những cám dỗ về sự xa cách và sự chia rẽ là bạn có thể có thiện cảm với một người (không bị chia rẽ), nhưng bạn vẫn bị cám dỗ tự cô lập bản thân, thoát ly, mang mặt nạ, che giấu tình trạng thực sự của bản thân, và xa lánh cộng đồng.
Bằng việc tự xa rời các mối tương quan yêu
thương, bạn có thể tạo ra khoảng trống và ma quỷ cố gắng để lấp đầy nó.
Sự tàn phá
“Kẻ trộm chỉ đến để ăn trộm, giết hại và phá hủy. Phần tôi, tôi đến để
cho chiên được sống và sống dồi dào.” (Ga 10,10). Sự cám dỗ của ma quỷ nhằm mục đích
phá hủy các gia đình, các cuộc hôn nhân, tình bạn thiêng liêng, các công việc tốt
lành và các ý hướng ngay lành. Một số trường hợp, các tu sĩ nam nữ, những người
sống ơn gọi của họ trong một thời gian, đã bị ma quỷ tấn công đến nỗi phải rời
bỏ ơn gọi ấy.
Sự không vâng phục
“Anh em đã chết vì những sa ngã và tội lỗi của anh em. Xưa
kia anh em đã sống trong đó, theo trào lưu của thế gian này, theo tên thủ lãnh
nắm giữ quyền lực trên không trung, tên ác thần hiện đang hoạt động trên những
kẻ không vâng phục.” (Ep 2,1-2)
Nói ma quỷ cám dỗ chúng ta không vâng phục là
chưa đủ. Sự không vâng phục và sự kiêu ngạo giống như hai mặt của một đồng xu vậy.
Hãy cẩn thận khi bạn bị cám dỗ không vâng phục
thẩm quyền hợp pháp và chính đáng như: các giới răn của Chúa và các giáo huấn
luân lý của Giáo Hội. Việc không vâng phục sẽ khiến cho nhiều linh hồn xa rời Giáo
Hội mà sa vào những điều tà thuật hay ma quỷ.
Lòng dạ gian dối
“Điều gì "có" thì phải nói "có", "không" thì phải nói "không"; thêm thắt điều gì là do ác quỷ.” (Mt 5,37). Lòng dạ gian dối nghĩa là sống hai lòng, giả tạo, thiếu kiên định. Chúng ta đều biết rõ rằng một số chính trị gia tự xưng là người Công giáo trong khi lại xây dựng luật cho các mục đích chống Công giáo. Trong một số trường hợp ở gia đình, cạm bẫy của ma quỷ nằm ở chính sự gian dối của người chồng hoặc người vợ mà có cuộc sống hai mặt (ví dụ như việc có quan hệ ngoài hôn nhân).
Ma quỷ quan sát thấy các Kitô hữu cầu nguyện sốt
sắng vào buổi sáng trong nhà thờ, nhưng khi về nhà hoặc đi làm thì họ lại hành
động hoàn toàn trái ngược.
Sự chán nản
Từ acedia có
nguồn gốc từ một từ trong tiếng Hy Lạp, về cơ bản có nghĩa là “Tôi không quan
tâm”. Sự thờ ơ đối với Thiên Chúa và đời sống thiêng liêng đến từ sự mệt mỏi, bị
đè nén, hay thất vọng là cám dỗ thường gặp. Các Giáo phụ ẩn tu gọi nó là “ôn thần
lúc ban trưa”. Sự chán nản làm suy giảm niềm tin, cậy, mến, niềm vui, lòng quảng
đại, và sự phân định.
Các Giáo phụ dạy rằng sự chán nản là điều nguy
hiểm nhất trong mọi cơn cám dỗ bởi vì nó cản trở sự thăng tiến của chúng ta hướng
về cùng đích là được ở bên Thiên Chúa và đạt được sự sống vĩnh cửu. Nhiều trường
hợp chữa lành bắt đầu từ sự chán nản tê liệt lâu năm.
Sự chán nản không có chỗ trong tâm hồn của chúng
ta. Mỗi người thân yêu của chúng ta phải được hưởng lợi từ sự động viên. Ma quỷ
mang đến sự chán nản đủ khiến con người rơi vào một nơi tối tăm. Hãy loại bỏ những
lời nói và hành động gây chán nản nơi giáo hội địa phương.
Trên đây là một phần danh sách các hoạt động cám dỗ thường gặp của ma quỷ. Lần tới, chúng ta sẽ chuyển sang những hoạt động khác thường mà ma quỷ sử dụng để tấn công chúng ta.
________
Ghi chú: Tác giả Kathleen Beckman, LHS (Lady of the Order of the Holy Sepulcher of Jerusalem, thành viên nữ Dòng Hiệp sĩ Mộ Thánh Giêrusalem) là Chủ tịch và Đồng sáng lập của Quỹ Cầu nguyện cho Linh mục ( www.foundationforpriests.org), một hoạt động tông đồ quốc tế về cầu nguyện và giảng dạy giáo lý vì sự thánh thiện của các linh mục. Kathleen đã phục vụ Giáo hội trong 25 năm với tư cách là nhà truyền bá Tin mừng Công giáo, là một tác giả, điều hành các khóa tĩnh tâm theo hình thức linh thao của thánh Inhaxiô và là linh hướng, người dẫn chương trình phát thanh và nhà văn. Trong giáo phận của mình, cô phục vụ với tư cách là giáo dân điều phối mục vụ trừ quỷ và cứu thoát sau khi cô hoàn thành các khóa học về giải thoát khỏi sự dữ tại Chủng viện Mundelein và ở Rôma. Cô là thành viên ban cố vấn của Magnificat, một Mục vụ dành cho Phụ nữ Công giáo, và của Viện Giáo Hoàng Lêô XIII. Thường được giới thiệu trên các phương tiện truyền thông Công giáo - Đài phát thanh và truyền hình EWTN, Đài phát thanh Maria, và Kênh Công giáo - cô nhiệt thành rao giảng niềm vui Tin mừng. Sophia Institute Press đã xuất bản các cuốn sách của cô: Cầu nguyện cho các linh mục: Lời Kêu gọi Khẩn cấp về Việc Cứu rỗi các Linh hồn; Lòng Thương Xót Chữa lành của Thiên Chúa; Tìm Lối đến Ơn Tha thứ, Sự Bình an và Niềm vui cho Bạn; và Khi Phụ nữ cầu nguyện: Mười một Phụ nữ Công giáo nói về Sức mạnh của Cầu nguyện.