GIẢI ĐÁP THẮC MẮC CHO NGƯỜI TRẺ CÔNG GIÁO
Bài 55: SỐNG CHIỀU SÂU
Hỏi: Sinh
viên chúng con muốn đi sâu, tìm hiểu sâu hơn về đời sống thiêng liêng, cũng như
đi sâu vào đời sống xã hội một cách đúng đắn nhất. Chúng con phải làm sao?
Trả lời:
Bạn thân mến,
Câu hỏi của bạn làm tôi ấn tượng bởi những
tính từ mạnh mẽ như “sâu” (3 lần), “đúng đắn nhất,” đi kèm những động từ thể hiện
sự quyết liệt như “đi (sâu)”, “tìm hiểu (sâu).” Hẳn là trong lòng bạn đang dấy
lên một thao thức muốn được sống cuộc đời thật đầy đủ ý nghĩa. Bạn đang muốn dấn
thân trọn vẹn cho niềm tin lý tưởng của mình.
Thật ra không chỉ những sinh viên như bạn, tất
cả mọi người nói chung đều có khao khát đó. Tuy nhiên, khác với những người có
tâm hồn già nua, người trẻ thường năng động và nhạy bén hơn trước những điều mới
lạ. Các bạn mong muốn được học hỏi thêm để hoàn thiện mình, dễ dàng mở lòng ra
đón nhận điều hay lẽ phải, nhiệt tình mạnh mẽ dấn thân đấu tranh cho những gì
mình tin tưởng.
Là sinh viên, bạn có thuận lợi là được cung cấp
khí cụ tri thức, được đào tạo trong môi trường học đường. Bạn có nhiều cơ hội
vươn tới những chân trời mới, không chỉ là kiến thức, nghề nghiệp hay tiền bạc,
mà còn là nhân cách, lẽ sống và lý tưởng của đời người. Phía trước bạn là một
tương lai dài với những cánh cửa đang dần được mở ra, chờ đợi bạn bước tới.
Tương lai đó hứa hẹn nhiều điều tốt đẹp nhưng cũng đầy cạm bẫy, rủi ro.
Do vậy bạn muốn tìm ra cho mình một chìa khóa
vạn năng để có thể bước qua những cánh cửa tương lai ấy một cách tự tin và vững
vàng. Theo như từ ngữ bạn sử dụng trong câu hỏi đặt ra, tôi nghĩ rằng hành
trang bạn cần không phải cụ thể là cái này hay cái kia, mà là cách tiếp cận có
“chiều sâu” trong mọi thứ: từ đời sống thiêng liêng (tương quan với Thiên Chúa)
cho đến đời sống xã hội (tương quan với tha nhân).
Nói cách khác, bạn không cầu xin những bữa ăn
được dọn sẵn nhưng bạn cần ai đó chỉ cho bạn nguyên tắc nấu nướng. Điều ấy giúp
bạn có khả năng biến tấu tất cả mọi gia vị đắng cay mặn ngọt mà cuộc đời gửi đến
cho mình thành những món ăn ngon, hoặc chí ít là dùng được. Nếu không hiểu nhầm
ý của bạn thì tôi gọi nguyên tắc đó chính là “chiều sâu.”
Bạn đủ khôn ngoan để nhận ra hậu quả của một lối
sống hời hợt. Đó là lối sống chỉ tìm kiếm những giá trị vật chất hay danh vọng
chóng qua ở đời này, không có chiều sâu nội tâm và nhất là không hề thao thức về
chiều kích thiêng liêng. Những người sống như vậy rất dễ bị bầm dập trước sóng
gió cuộc đời. Vì cái họ theo đuổi không bao giờ đủ để đem lại cho họ hạnh phúc
và bình an đích thực.
Ví dụ, rất nhiều nhà có điều kiện nhưng con
cái hư hỏng, thay vì chăm chỉ học hành đầu tư cho tương lai thì chúng lại sống
buông thả, hưởng thụ, ỷ lại cha mẹ. Các em nghĩ rằng sống như vậy là sung sướng
hạnh phúc nhưng đâu biết rằng đó là con đường dẫn đến ngõ cụt. Không chỉ có người
trẻ mà người lớn cũng lâm vào tình trạng này. Nhiều người thay vì chăm chỉ làm ăn,
vun đắp mái ấm gia đình, chăm sóc con cái hay giúp đỡ người khác thì lại chiều
theo thú vui xác thịt, tiêu xài phung phí để rồi khi biết nhận ra sai lầm của
mình thì đã quá muộn màng. Theo suy tính khôn khéo của con người, họ được coi
là những người nghĩ ngắn mà không nghĩ dài, hiểu cạn chứ không sâu, thấy gần mà
chẳng thấy xa.
Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa của những biểu
hiện trên chính là một đời sống thiếu nền tảng, không có mục đích hay định hướng
cuộc đời. Lỗi của họ không phải là do tìm kiếm vật chất hay danh vọng, nhưng là
vì không biết dùng chúng như thế nào để vun đắp cho cuộc sống mình thêm ý nghĩa
và để có thể tìm thấy hạnh phúc đích thực. Cái nền tảng hay định hướng cuộc sống
mà người ta đang cần đó vượt lên trên những gì họ có thể sở hữu ở đời này. Con
người được đặt trong tương quan với Đấng siêu việt, quy hướng mọi sự về Thiên
Chúa. Đó mới là cùng đích của đời mình.
Bạn đủ trưởng thành để hiểu rằng dù có muốn
thì bạn cũng không thể né tránh cuộc đời. Cách duy nhất là bạn phải can đảm bước
tới đối diện những thử thách xảy đến với mình. Vì thế nên bạn mới thao thức về
một đời sống có “chiều sâu,” vì cái sâu hơn thì chắc chắn sẽ bám chắc hơn, dù
là trong lĩnh vực nào đi nữa. Bạn khao khát tìm cái sâu vì nghĩ rằng cái hiện tại
vẫn chưa đủ sâu, chưa đủ vững chắc. Mà như thế nào là sâu? Như thế nào là cạn?
Đâu là thước đo?
Suy cho cùng thì “chiều sâu” mà bạn đề cập tới
dường như không có giới hạn. Bạn càng đi sâu thì càng thấy những chân trời mới
được mở ra mời gọi bạn khám phá. Nhất là bạn ở trong chiều sâu của mối tương
quan với Thiên Chúa và tha nhân. Bạn sẽ không bao giờ đi đến tận cùng của “chiều
sâu” mà bạn muốn. Tuy vậy khao khát ấy nâng bạn lên cao. Để rồi từ đó bạn sẽ
nhìn về cuộc đời và nhìn về con người trong xã hội với con mắt khác:
- Bạn sẽ có được một
cái nhìn bao quát hơn về mọi biến cố xảy đến trong cuộc đời theo kế hoạch của
Thiên Chúa. Để rồi bạn không chán nản thất vọng mỗi khi gặp điều không may.
- Bạn sẽ thấy được
tất cả mọi người đều đáng yêu mến và trân trọng. Họ và bạn là anh chị em của
nhau trong Chúa.
- Bạn sẽ bao dung
hơn với lầm lỗi của người khác, vì bạn nhận thấy mình cũng bao lần vấp ngã
nhưng được Chúa thứ tha.
- Thêm vào đó, bạn
sẽ không còn coi mình hay bất cứ tạo vật nào khác là trung tâm của vũ trụ nữa,
nhưng biết quy hướng mọi sự về Thiên Chúa.
Bởi vì “chiều sâu” này chính là thái độ sống của
bạn. Nó là đôi mắt bạn nhìn về thế giới này. Thái độ này xâm nhập tất cả, chiếm
trọn tất cả mọi chiều kích trong cuộc sống bạn. Do đó, khi bạn chỉ ra hai lĩnh
vực mà bạn muốn sống có “chiều sâu” là đời sống thiêng liêng và đời sống xã hội,
tức là bạn cũng đang hướng đến chiều sâu trong tất cả mọi sự rồi. Thực ra hai mảng
này không thể dễ dàng tách rời nhau như bạn nghĩ. Không phải cứ thiêng liêng là
hướng lên trời, còn xã hội là sống dưới đất.
Là tín hữu, bạn được mời gọi phải hội nhất hay
kết nối toàn bộ mọi chi tiết trong đời sống của bạn với Chúa. Nghĩa là bạn để
Thiên Chúa chiếm trọn con người trong bất cứ hoàn cảnh nào. Nói cách khác, bạn
phải sống thiêng liêng trong lòng xã hội, và sống đời sống xã hội một cách
thiêng liêng. Mọi tư tưởng, lời nói và hành động của bạn đều phản chiếu chiều
sâu thiêng liêng. Khi đó dường như không còn ranh giới giữa đời sống thiêng
liêng và đời sống xã hội nữa.
Dù có nhận biết và tin vào Thiên Chúa hay
không, đời sống của mỗi người đều mang chiều kích thiêng liêng. Đời sống của
con người không thể tách rời khỏi mối tương quan với Thiên Chúa. Tất cả mọi người
đều là con cái Thiên Chúa và đều được Chúa yêu thương. Do đó, nơi mỗi người đều
có một khao khát sâu thẳm là được tìm về với cội nguồn và cùng đích của đời
mình.
Hành trình tìm kiếm có thể được gọi theo ngôn
từ của bạn là hướng về “chiều sâu.” Chỉ trong sâu thẳm nội tâm thì con người mới
nhận ra ý nghĩa đích thực của đời mình, biết xác định những gì đáng để tìm kiếm.
Tôi là ai? Tôi từ đâu tới? Tôi sống trên đời này để làm gì? Rồi cuộc đời tôi sẽ
đi về đâu?...
Không ai có thể tìm ra câu trả lời rốt ráo cho
những câu hỏi trên. Đó sẽ mãi là nỗi khắc khoải khôn nguôi của phận người.
Chính vì chưa tìm thấy lời giải đáp thỏa mãn nên con người tiếp tục thao thức,
tiếp tục tìm kiếm, tiếp tục đi vào “chiều sâu.” Vì được đặt trong tương quan với
Thiên Chúa nên dù con người có giới hạn nhưng vẫn luôn được mời gọi đắm mình
trong “chiều sâu” của Thiên Chúa là Đấng không bị giới hạn.
Xét từ thái độ đức tin, con người bước vào
tương quan với Thiên Chúa ở các cấp độ “chiều sâu” khác nhau. Có người không
tin có Chúa (vô thần). Có người tin có Chúa nhưng không phó thác đời mình cho
Chúa. Có người khác nữa không chỉ tin có Chúa mà còn tin nơi Chúa. Tuy nhiên,
khi nói tới “chiều sâu” là chúng ra đang nhìn ở khía cạnh con người, chứ thật
ra ở trong Thiên Chúa thì mọi sự đều mang lấy chiều sâu của Ngài. Nghĩa là tất
cả mọi tạo vật đều được bao bọc bởi tình yêu của Thiên Chúa. Ngay cả người sống
tương quan với Chúa đang ở mức thấp nhất là vô tín thì họ vẫn được Thiên Chúa
yêu thương và tìm cách mời gọi đi vào “chiều sâu” với Ngài trong hoàn cảnh sống
của họ.
Như vậy, một đời sống gắn kết Thiên Chúa trong
tương quan tình yêu mang lại cho bạn đôi mắt biết nhìn nhận mọi sự vật, sự việc
với “chiều sâu.” Đó cũng chính là yếu tố nền tảng để bạn đi sâu vào đời sống
thiêng liêng cũng như đời sống xã hội. “Chiều sâu” này trước hết phải có tác dụng
nơi chính bản thân bạn.
Một người sống với Thiên Chúa trong chiều sâu
thiêng liêng thì không thể không trổ sinh những hoa trái tốt đẹp trong cách họ
tương quan với tha nhân cũng như với những tạo vật khác. Trong tương quan với
tha nhân, một người yêu mến Chúa phải là người yêu mến tất cả mọi người. Cũng vậy,
người yêu mến Chúa cũng phải là mẫu gương trong việc bảo vệ môi trường. Vì đó
chính là ngôi nhà chung do Thiên Chúa dựng nên cho vạn vật sinh sống.
Tin nơi Chúa không phải là một quan niệm hay
nhận thức mà phải là một lối sống. Nói cách khác, tin nơi Chúa là sống nơi
Chúa, với Chúa và cho Chúa. Chúng ta có thể nhận thấy các cấp độ của “chiều
sâu” thiêng liêng, đỉnh cao nhất là “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà
là Đức Ki–tô sống trong tôi.” (Gl 2,20). Hiểu theo nghĩa như vậy thì sống có
chiều sâu cũng đồng nghĩa với việc hoán cải, thay đổi đời sống của mình để ngày
càng gắn kết mật thiết với Thiên Chúa hơn.
Nếu bạn cần một mẫu gương về chủ đề này: đó
chính là Đức Giêsu. Trong tương quan với Thiên Chúa, Ngài với Chúa Cha là một.
Đó là sự kết hợp không thể nào “sâu” hơn được nữa! Chúng ta không phải là người
ngoài cuộc trong mối tương quan tình yêu ấy. Như Chúa Giêsu đã chỉ ra một con
đường và chính Ngài là con đường để chúng ta đi vào chiều sâu với Thiên
Chúa:“Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha
Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy.” (Ga 14,23).
Chính sự gắn kết mật thiết với Chúa Cha chính
là nguồn động lực và sức mạnh để Chúa Giêsu dấn thân sâu vào đời sống xã hội.
Chúa Giêsu sống dấn thân trong xã hội không chỉ để hòa mình vào trong đó, nhưng
còn là để soi chiếu cho mọi người thấy giá trị Nước Trời. Đó là nơi những gì nhỏ
bé tầm thường, nơi những con người bị xã hội đối xử ghẻ lạnh. Chúa Giêsu mạnh mẽ
lên án thói giả hình. Ngài ra tay bảo vệ kẻ cô thân cô thế, bênh vực người
nghèo, chữa lành bệnh tật thể xác và tâm hồn những người cần Ngài giúp đỡ.
Ước gì chúng ta ngày càng tiến gần hơn đến một
đời sống có chiều sâu. Mỗi ngày giống Chúa Giêsu một chút.
(Trích Giải Đáp Thắc Mắc cho người trẻ Công giáo, Tập 3, Nxb Tôn Giáo, 2020)
Đọc thêm: