SỐNG CHIỀU KÍCH HOÁN CẢI VÌ MỘT HỘI THÁNH HIỆP HÀNH

An Bình, C.Ss.R.

Một Hội Thánh hiệp hành

Như đã biết, chủ đề của Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ XVI (THĐGM XVI) là hướng tới một Hội Thánh hiệp hành: hiệp thông, tham gia và sứ vụ. Ngoài sự mới mẻ của hạn từ “Chiesa sinodale – Hội Thánh hiệp hành”, nghĩa là “mọi thành phần trong Hội Thánh bước đi cùng nhau trên cùng một con đường”[1], thì các hạn từ còn lại xem ra quá quen thuộc với người Kitô hữu. Nhưng vì quá quen thuộc nên chúng ta dễ dàng tầm thường hóa chúng. Thiết nghĩ, để tránh việc biến những hạn từ này thành câu “khẩu hiệu” quen thuộc hay trở thành những câu chữ trên mặt giấy, chúng ta được mời gọi phải làm rõ mục đích của Thượng Hội đồng hơn là cố gắng giải thích chủ đề của Thượng Hội đồng. Chính ĐTC Phanxicô khẳng định, Thượng Hội đồng không phải để tạo ra các tài liệu, mà là để “gieo mầm ước mơ, làm sống lại tính ngôn sứ và tầm nhìn, làm trổ sinh niềm hy vọng, khơi dậy niềm tin, băng bó các vết thương, cùng nhau kiến tạo tương quan, đánh thức bình minh hy vọng, học hỏi lẫn nhau và tạo ra những hiệu ứng tích cực giúp khai mở trí tuệ, sưởi ấm trái tim, phục hồi sức mạnh đôi tay”[2]. Như vậy, Hội Thánh hiệp hành là một Hội Thánh “cùng nhau hành động, cùng nhau bước đi” chứ không phải “cùng nhau tìm hiểu ý nghĩa các hạn từ”. Những câu hỏi được đặt ra và phải cùng nhau trả lời là: Làm sao để có được một Hội Thánh hiệp hành? Làm sao để thực hành tính hiệp thông, tham gia và sứ vụ? Chứ không phải giải thích và học hỏi tính hiệp hành, tính hiệp thông, tính tham gia và sứ vụ là gì?

Theo đó, ý định của Thượng Hội đồng là đặt Hội Thánh trong tình trạng lên đường, một Hội Thánh ở trạng thái “chuyển động”, chứ không phải “đứng yên”. Hay nói cách khác, một Hội Thánh mà trong đó, mọi thành phần cùng nắm tay, cùng bước đi, trên cùng một con đường như chính hạn từ “hiệp hành” định nghĩa. Hiệp hành không phải là đi trên cùng một con đường hiểu theo nghĩa kẻ trước người sau và giữa những người lữ hành không quen biết nhau, không liên hệ đến nhau và không thuộc về nhau. Nhưng hiệp hành nghĩa là tôi biết rõ người bên cạnh tôi là ai, hoàn cảnh của người đó như thế nào? Tôi cũng biết mối liên hệ và ràng buộc giữa tôi và những người đồng hành với tôi. Trong hành trình cùng nhau đó, mọi người đóng vai là những người lữ hành, không phân biệt tư tế thừa tác (phẩm trật) hay tư tế phổ quát, trí thức hay bình dân, giàu sang hay nghèo khổ, lành mạnh hay bệnh tật, cao niên hay mới sinh và đảm bảo rằng mọi người được tôn trọng phẩm giá như nhau và không một ai bị bỏ lại phía sau. Hơn thế nữa, trên quãng đường cùng đi giữa những người lữ hành phải làm phát sinh sự quan tâm, nâng đỡ, đối thoại, đồng cảm, thấu hiểu và bình đẳng với nhau.

Đích điểm cuối cùng của Thượng Hội đồng là làm cho Hội Thánh tiến gần hơn tới chiều kích viên mãn của mình. Với những người lữ hành, hành trang họ mang theo là nhu yếu phẩm cần thiết để duy trì hành trình. Thì cũng vậy, tiến trình Thượng Hội đồng cần phải chuẩn bị cho mình hành trang cần thiết để đảm bảo rằng, mọi người đều có thể đạt tới đích điểm cuối cùng. Hành trang đó không gì khác hơn đó là đời sống cầu nguyện. Vì, ngang qua cầu nguyện, chúng ta mời và cho phép Đức Kitô cùng đi với chúng ta và đặt Ngài vào vị trí Người Dẫn Đường. Và do đó, trong hành trình “hiệp hành” giữa tôi và bạn, hay giữa hai đối tượng bất kỳ, không chỉ có hai người cùng đi mà là ba: tôi, bạn và Đức Kitô. Nếu chúng ta không cho phép Đức Kitô “hiệp hành” với chúng ta, coi chừng chúng ta đang đi chệch hướng. Đó cũng là tiến trình của Thượng Hội đồng hướng tới, chúng ta bước đi cùng nhau và cùng với Đức Kitô trên cùng một con đường.

Thiết nghĩ, để bước vào tiến trình của Thượng Hội đồng và hiện thực hóa chủ đề mà Thượng Hội đồng đã đề nghị, thì lời mời gọi đầu tiên dành cho mọi thành phần Dân Chúa là lời mời gọi hoán cải: hoán cải để trở về với con người thật của mình; hoán cải để quyết tâm thay đổi đời sống; hoán cải để mở ra một hướng đi và thiết lập mối tương quan mới; hoán cải để có cảm thức thuộc về nhau và hoán cải để cùng nhau sống sự hiệp thông, tham gia và sứ vụ trong Hội Thánh.

Hoán cải là gì?

Ba nhà đạo sĩ trong câu chuyện Tin Mừng (x. Mt 2,1-12) sẽ chỉ cho chúng ta câu trả lời hoàn hảo: hoán cải là thay đổi lối đi. Thật vậy, sau khi được thỏa mãn khao khát gặp gỡ Vua Dân Do Thái, các ông tiến dâng cho Ngài những gì quý giá nhất và sau đó đã đi lối khác mà trở về quê hương mình (x. Mt 2,12). Một điểm đáng chú ý, các ông không thể tự mình thay đổi lối đi, nhưng cần có sự tác động và sự chỉ dẫn của Thiên Chúa. Như vậy, hoán cải luôn là một đòi hỏi kép, một đàng chính chủ thể dấn thân gặp gỡ Thiên Chúa và đàng khác là biến đổi đời sống. Chúng ta chỉ chắc chắn mình đã gặp gỡ Đức Kitô khi hướng đi của cuộc đời: suy nghĩ, hành động, lối sống, tâm trí và con tim của chúng ta được biến đổi.

Tại sao phải hoán cải?

Trong Tin Mừng, thánh sử Mác-cô thuật lại cho chúng ta việc Đức Giêsu chữa lành người bị bại tay (Mc 3,1-6). Chúng ta thấy gì nơi những người Pha-ri-sêu? “Họ rình xem Đức Giêsu có chữa người ấy trong ngày sa-bát không để tố cáo Người” (c.2). Nghĩa là họ không hướng ánh nhìn vào người đang chịu đau khổ đang hiện diện trước mặt, mà họ tập trung vào hành động và lời nói của Đức Giêsu để bắt bẻ Người. Chúng ta cũng có thể là những người “Pha-ri-sêu thời đại mới”, nếu chúng ta không có cái nhìn của Đức Giêsu, tức là cái nhìn hướng đến nỗi đau của người khác. Trong tiến trình Thượng Hội đồng, nếu chưa có sự hoán cải, nghĩa là chưa thay đổi toàn bộ con người mình cả về cách suy nghĩ lẫn hành động, cả về lối sống lẫn con tim, chúng ta có nguy cơ trở thành những “Pha-ri-sêu khác”. Khi đó, trong sự gặp gỡ, lắng nghe, thay vì để thấu hiểu và đồng cảm lẫn nhau, chúng ta lại biến chúng thành cơ hội để chỉ trích và lên án những lầm lỗi, những thiếu sót và thậm chí cả tội lỗi của nhau. Hệ quả là phân định chỉ dừng lại ở việc “rút kinh nghiệm” chứ không phải là tìm một hướng đi mới cho hành trình của Hội Thánh dưới sự tác động của Chúa Thánh Thần. Nhưng thay vào đó, nếu có sự hoán cải, thì trong những cuộc gặp gỡ, lắng nghe và phân định, chúng ta sẽ mang lấy cái nhìn của Đức Giêsu. Chúng ta tập trung vào những thương tích, những gánh nặng, những khổ đau của nhau, không bỏ rơi nhưng cam kết đồng hành với nhau. Lẽ dĩ nhiên, chúng ta không thể lãng quên quá khứ, nó là một phần tất yếu của cuộc sống, nhưng thay vì nhìn về quá khứ để than vãn, trách móc và nuối tiếc chúng ta hãy nghĩ về tương lai trong sự quyết tâm cùng nhau thay đổi. Hoán cải là để tìm về lại với con người thật của mình, trong sự mỏng giòn, yếu đuối, nhưng riêng biệt, không lặp lại. Chỉ khi nào chúng ta kinh nghiệm được sự bất toàn, sự giới hạn và cả tội lỗi của mình, chúng ta mới hy vọng có một con tim biết chạnh thương trước nỗi đau của người khác. Như vậy, nhờ sự hoán cải chúng ra dễ dàng cảm thông, chia sẻ, sẵn sàng gánh lấy trách nhiệm cùng nhau và tìm cách chữa lành những vết thương cho nhau.

Nếu như chưa có sự hoán cải mà đã đi vào sự hiệp thông, sự tham gia và sứ vụ thì chúng ta cũng có nguy cơ rơi vào tình trạng bi đát mà Tin Mừng cảnh báo: “Rượu mới mà đổ vào bầu da cũ thì rượu sẽ làm nứt bầu, rượu sẽ chảy ra và bầu cũng hư. Nhưng rượu mới thì phải đổ vào bầu da mới” (x. Lc 5, 37-38). Tinh thần của Thượng Hội đồng được ví nhưng một “làn gió” mới mẻ và tươi mát thổi vào đời sống của Hội Thánh, để canh tân Thân Thể Mầu Nhiệm của Đức Kitô. Hội Thánh không phải là một tổ chức hành chính, nhưng là một cơ cấu có phẩm trật, nơi đó mỗi người Kitô hữu là một chi thể, và mọi chi thể dính dự và liên đới với nhau. Công Đồng Vatican II xác định: “Trong Hội Thánh, mọi người bình đẳng với nhau về phẩm giá nhưng mỗi người có bổn phận khác nhau tùy theo bậc sống của mình” (LG, #32). Phẩm trật sinh ra trong Hội Thánh là để phục vụ và giữ gìn, chứ không phải để quản trị hiểu theo nghĩa trần thế. Giờ đây, Hội Thánh với sự đa dạng nhưng duy nhất của mình cùng nắm tay nhau bước đi trên cùng một con đường – con đường mang tên Giêsu. Điều đó cũng có nghĩa là giờ đây không còn chuyện “của tôi”, chuyện “của bạn”, chuyện “của anh ta”, chuyện “của họ”, chuyện “của Giáo Hoàng, của các giám mục, của các linh mục” nhưng là chuyện “của chúng ta”. Hội Thánh là của mỗi chúng ta, những người đã được chịu Phép Rửa trong Đức Kitô. Hội Thánh không thuộc về con người cách thuần túy, nhưng thuộc về chính Đức Kitô, Đấng là Đầu và là Người Dẫn Đường. Vì thế, chúng ta không được “thay thế”, nghĩa là làm mọi sự hoàn toàn theo ý riêng của mình, vai trò dẫn dắt Hội Thánh, nhưng hãy để Thần Khí của hướng dẫn và hành động trong chúng ta. Điều cần thiết là chúng ta cần có sự nhạy bén và khôn ngoan để lắng nghe sự mách bảo của Ngài. Vì thế, tinh thần mới mẻ đó của Thượng Hội đồng không thể được thổi vào những tâm hồn vẫn còn ở lại mãi trong con người cũ của mình, nhưng phải là những con người đã được hoán cải, nghĩa là đã được đổi mới tâm trí và con tim. “Rượu mới” đã sẵn sàng thì đòi hỏi “bình” cũng phải mới. Khi được đổi mới, người ta mới sẵn sàng đi vào sự hiệp thông, tham gia và sứ vụ một cách tích cực và hứng khởi. Vì cái tôi và con người cũ đã bị bỏ lại sau lưng, giờ đây tôi chỉ hướng về phía trước, chỉ nghĩ về cái chung – cái của chúng ta, với một tinh thần lạc quan và xây dựng, tràn đầy niềm vui và hy vọng. Hoán cải để có được cảm thức thuộc về. Tôi không chỉ thuộc về gia đình tôi, giáo xứ tôi, hội dòng tôi mà giờ đây tôi và bạn thuộc về Hội Thánh của chúng ta, cũng là Hội Thánh của Đức Kitô. Trong đó, mỗi người là một thành phần không thể thay thế.

Những ai cần hoán cải?

ĐTC Phanxicô nhận định: “Bước đi cùng nhau, cả Giáo dân, Mục tử, Giám mục Rôma, là một ý niệm dễ diễn tả bằng lời, nhưng không dễ để đưa ra thực hành”[3]. Do đó, để có thể cùng nhau hiệp hành một cách tự do thì mọi thành phần dân Chúa, từ Giáo Hoàng đến giáo dân, ở cấp độ cá nhân hay tập thể, đều được mời gọi hoán cải. Mỗi cá nhân được mời gọi duyệt xét và làm mới lại mối tương quan của mình với Thiên Chúa, với tha nhân, với vũ trụ vạn vật và với chính mình. Mỗi gia đình, hội đoàn, giáo xứ, cộng đoàn dòng tu cũng hoán cải về chính ơn gọi, bổn và sứ vụ của mình. Và cuối cùng, mỗi vị mục tử được giao trách nhiệm chăm sóc và gìn giữ Hội Thánh cũng cần phải hoán cải vai trò mục tử của mình.

Làm sao để hoán cải?

Như đã nói ở trên, hoán cải luôn là một đòi hỏi kép: gặp gỡ Thiên Chúa và biến đổi chính mình. Bước đầu tiên của việc hoán cải là mỗi người, mỗi cộng đoàn, mỗi giáo xứ, mỗi giáo phận và toàn thể Hội Thánh phải đích thân gặp gỡ Thiên Chúa. Hãy để cho Đức Kitô đụng chạm vào những “vết thương” của chúng ta và cho phép Ngài chữa lành chúng. Mẹ Hội Thánh cung cấp nhiều cách thế khác nhau giúp con cái mình được gặp gỡ  Thiên Chúa, nhưng cách hữu hiệu nhất là Lời của Ngài và các bí tích, đặc biệt là bí tích Thánh Thể. Bởi vì, Lời Chúa thì có khả năng chất vấn, thức tỉnh và làm biến đổi lương tâm; Lời Chúa thì có sức mạnh giúp chúng ta vượt qua những cám dỗ của thế gian và xác thịt; Lời Chúa là kim chỉ nam cho những suy nghĩ và hành động của chúng ta. Còn bí tích Thánh Thể, không những Ngài là Thần Lương nuôi dưỡng xác hồn, nhưng Ngài còn sẵn sàng lắng nghe và chuyện trò với con người. Ngài ở bên cạnh ta, Ngài ở trong ta ngay cả trong những hoàn cảnh bi thương, đau khổ nhất. Vì vậy, chúng ta cần chạy đến với Ngài để được Ngài hướng dẫn và chở che.

Sau khi đã gặp gỡ được Chúa, chúng ta hãy can đảm làm theo sự chỉ dẫn của Ngài, như ba nhà đạo sĩ, hãy “bước sang lối khác mà đi”, đừng trở về lối mòn trước đây nữa. Nghĩa là sẵn sàng khước từ những thói quen không phù hợp với tinh thần Tin Mừng và can đảm nhận lấy những nhiệm vụ mới mà Đức Kitô mời gọi.

Thay lời kết

Chính Đức Giêsu, ngay sau khi công khai sứ vụ rao giảng, điều đầu tiên Ngài hướng đến dân chúng là lời mời gọi sám hối, thay đổi đời sống và tin vào Tin Mừng (x. Mc 1, 15). Cũng vậy, Hội Thánh đang khởi đầu tiến trình hiện thực hóa THĐGM XVI, lời mời gọi hoán cải vẫn rất quan trọng và mang tính cấp thiết đối với mọi người. Hoán cải để hiểu nhau, hoán cải để đón nhận nhau và hoán cải để bước đi cùng nhau. Khi có sự hoán cải thì Thượng Hội đồng không là nơi để bày tỏ chính kiến của cá nhân và tìm kiếm sự đồng thuận của số đông, nhưng là nơi thánh ý của Thiên Chúa được thực hiện. Hay nói theo ngôn ngữ của linh mục Luigi Maria Epicoco:“Thượng Hội đồng không dành cho những người bỏ phiếu hay biểu lộ ý kiến, nhưng là nơi dành cho những người chuyên cần cầu nguyện”[4]. Đức Hồng Y Grech, Tổng thư ký THĐGM, trong một bài phỏng vấn với báo Vatican News cũng bày tỏ: “Tôi mơ về thời điểm chúng ta sẽ không cần bỏ phiếu trong Thượng Hội đồng nữa, bởi vì chúng ta có thể hiểu nhau mà không cần tới đa số hay thiểu số”[5]. Khi chúng ta nghĩ về một Thượng Hội đồng không cần bỏ phiếu, thì cũng đồng nghĩa mỗi nghị viên đã được gặp Chúa, đã được hoán cải và được hướng dẫn bởi một Thần Khí duy nhất. Ước mong sao trong thời gian diễn ra Thượng Hội đồng, mọi thành phần Dân Chúa ý thức đầy trách nhiệm về căn tính và ơn gọi của mình, can đảm làm một cuộc hoán cải tận căn để cùng nắm tay nhau, cùng bước bên nhau trên Con Đường Giêsu tiến về quê hương vĩnh cửu.

WHĐ (22.01.2022)



[1] x. Ủy ban Thần học quốc tế, Tính hiệp hành trong đời sống và sứ vụ của Hội Thánh, các số 3-5.

[2] ĐTC Phanxicô, Diễn từ khai mạc Thượng Hội đồng về giới trẻ năm 2018, https://www.vatican.va/content/francesco/it/speeches/2018/october/documents/papa-francesco_20181003_apertura-sinodo.html

[3] ĐTC Phanxicô, Diễn từ kỷ niệm 50 năm thành lập Thượng Hội đồng giám mục, https://www.vatican.va/content/francesco/it/speeches/2015/october/documents/papa-francesco_20151017_50-anniversario-sinodo.html

[4] Luigi Maria Epicoco, Bài viết trên báo Quan Sát Viên Roma, https://www.osservatoreromano.va/it/news/2021-10/quo-230/il-sinodo-e-dei-poeti-e-di-chi-prega.html

[5] Đức Hồng y Grech, Trả lời phỏng vấn với báo Vatican News, https://www.vaticannews.va/it/vaticano/news/2021-09/sinodo-vescovi-grech-intervista-documento-preparatorio.html