Quan điểm của Kitô giáo về nhân vị

10/12/2020


QUAN ĐIỂM CỦA KITÔ GIÁO VỀ NHÂN VỊ

Hồng Y Gerhard Ludwig Muller
Tuấn Việt dịch

WHĐ (10.12.2020) – Gerhard Ludwig Muller giữ ghế giáo sư Thần học Tín lý tại Đại học Ludwig-Maximilian Munich từ năm 1986 đến 2002. Ngài được Giáo hoàng Gioan Phaolô II bổ nhiệm làm Giám mục Regensburg vào năm 2002, và trở thành thành viên của Bộ giáo dục Công giáo và Hội đồng Giáo hoàng cổ võ sự hiệp nhất Kitô hữu vào năm 2012. Ngài thành lập Học viện Giáo hoàng Benedict XVI vào năm 2008 để tập hợp và xuất bản toàn bộ các công trình của Joseph Ratzinger. Ngài được Giáo hoàng Phanxicô vinh thăng Hồng y vào năm 2014 và giữ chức Tổng trưởng Bộ giáo lý Đức tin từ năm 2012 đến 2017.

Với Hiến chế Mục vụ Giáo hội trong thế giới ngày nay Gaudium et Spes, Công đồng Vatican II đã hình thành nên “Đại Hiến chương” (Magna Carta) về sự phát triển con người toàn vẹn. Giáo hội nhận thấy chính mình là một phần của nhân loại, có sự nối kết chặt chẽ với “vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay” (số 1). Không gì có thể tách bạn ra khỏi “những vấn đề trào lưu hiện nay của thế giới, về chỗ đứng và vai trò của con người trong vũ trụ, về ý nghĩa của những cố gắng cá nhân cũng như tập thể, và sau hết về cùng đích của thực tại và nhân loại” (số 3).

Con Thiên Chúa, Đấng “đã làm người vì chúng ta và để cứu rỗi chúng ta,” là con người nguyên mẫu cho toàn thể nhân loại. Giáo hội cũng vậy, như Dietrich Bonhoeffer đã tuyên bố: “là Giáo hội tới mức là Giáo hội cho toàn thể nhân loại.” Sau khi giải thích nguồn gốc, căn tính và sứ mạng của Giáo hội trong Hiến chế Tín lý về Giáo hội Lumen Gentium, các Nghị phụ đã trình bày về việc phục vụ ơn cứu độ của Giáo hội đối với sự phát triển nhân vị toàn vẹn trong Hiến chế Gaudium et Spes.

“Nhân vị phải được tôn trọng; xã hội loài người phải được canh tân. Do đó, điểm cốt yếu trong tất cả phần trình bày của chúng tôi là chính con người toàn diện và trọn vẹn, thể xác và linh hồn, tình cảm và lương tri, trí khôn và ý chí” (số 3). Do đó, trọng tâm của công đồng là “thế giới loài người; ... thế giới ấy là sân khấu của lịch sử nhân loại và thừa hưởng những cố gắng, thất bại và thắng lợi của nhân loại; người Kitô hữu nhận ra thế giới ấy đã được tác thành và bảo trì bởi tình yêu của Đấng Tạo Hóa; thế giới ấy đã rơi vào ách nô lệ tội lỗi, nhưng nhờ Chúa Kitô chịu đóng đinh và sống lại mà bẻ gãy uy quyền Thần Dữ, nhờ đó thế giới được giải thoát để thay hình đổi dạng theo dự định của Thiên Chúa mà tiến tới sự viên mãn của nó” (số 2).

1. Những vấn đề khẩn cấp nhất hiện nay

Đây là chủ đề thường được người ta luận bàn trong thế giới hiện đại. Giáo hội dấn thân với tất cả những người thiện chí để cùng nhau tìm ra giải pháp cho những vấn đề khẩn cấp nhất hiện nay: phẩm giá bất khả xâm phạm của sự sống mỗi người, công bằng xã hội, hòa bình giữa các quốc gia, cuộc chiến chống lại các lực lượng vũ trang và chính quyền hủy diệt và kẻ thù của nhân loại.

Bất cứ ai nhắm tới mục đích cũng phải hiểu rõ những phương tiện để đạt được mục đích ấy. Mục đích tốt không thể được dùng để biện minh cho những phương tiện vô luân. Khi ý nghĩa cuộc sống và mục đích của lịch sử được hiểu theo chủ nghĩa cộng sản (tạo ra thiên đàng tại thế), hay theo chủ nghĩa công lợi (mức độ hạnh phúc cao nhất dành cho nhiều người nhất), hay theo chủ nghĩa xã hội Darwin (nhìn nhận sự tồn tại của những gì tốt nhất), hay chủ nghĩa đế quốc (sự thống trị của một quốc gia trên các dân tộc khác), hay chủ nghĩa tư bản buông thả (tàn phá các tài nguyên thế giới và phẩm giá người lao động vì lợi ích của sự phồn thịnh), đó là những phương tiện được dùng gây xâm hại phẩm giá con người và ngăn cản sự phát triển con người toàn vẹn.

Lịch sử cho thấy rằng hạt nhân của cuộc sống và sự phát triển con người hệ tại ở việc nhận biết Thiên Chúa như là nguyên thủy và cùng đích của muôn loài. Toàn bộ phạm vi lịch sử nhân loại chính là Triều Đại Thiên Chúa ở trên trời và dưới thế.

Chúng ta không thể giải thích một cách suy đoán Vương Quốc Thiên Chúa hay tự tạo ra nó với chính đôi tay và bằng sức lực của chính chúng ta. Vương Quốc Thiên Chúa là một hồng ân, và hồng ân mang Thần Khí vào thế giới, Thần Khí nhân hậu thánh hóa và trợ giúp, Thần Khí hiểu biết và yêu thương thay đổi tâm hồn chúng ta và đưa tự do vào các mối tương quan nhân vị. Thần Khí trao ban các nhân đức đối thần: tin, cậy và mến, và các nhân đức trụ: khôn ngoan, công bằng, dũng cảm và tiết độ, cũng như các ân sủng và đặc sủng khác, được trao ban cho chúng ta để mưu cầu lợi ích cho người khác, để làm cho chúng ta trở nên những cộng tác viên của Thiên Chúa trong việc biểu lộ Vương Quốc của Ngài. Vương Quốc Thiên Chúa đã bắt đầu trong thời gian và trong thế giới này, khi Giáo hội, với sự xuất hiện của Đấng Cứu Thế, đảm nhận sứ mạng trong Thần Khí, “loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn, công bố sự giải thoát cho kẻ bị giam cầm, đem lại ánh sáng cho người mù, trả lại tự do cho những người bị áp bức, và công bố một năm hồng ân của Đức Chúa” (Lc 4, 18-19). Trong tinh thần Bát Phúc của Bài giảng trên Núi, chúng ta phải phục vụ những anh chị em đang đau khổ của chúng ta về mặt thể xác lẫn thiêng liêng, và nhận ra Đức Kitô nơi họ.

2. Kitô giáo toàn vẹn

Kitô giáo không thể bị rút gọn vào việc thích nghi các sứ điệp của Đức Kitô chỉ bao gồm nội tâm, yêu thương người thân cận, và việc bác ái riêng lẻ. Vương quốc Thiên Chúa không chỉ ở trên và ở ngoài thế giới này, cũng không chỉ cứu giúp thế giới này như là một tổ chức phi chính phủ mang tính xã hội và nhân đạo thuần túy.

Lòng kính sợ Thiên Chúa và trách nhiệm với thế giới được nối kết một cách bất khả phân ly trong Đức Kitô, Đấng không phải đến thế gian này để giải thoát chúng ta ra khỏi thế gian, nhưng dẫn đưa con người và thế giới đi đến cùng đích thực sự của mình theo kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Thật ra, con người, trong mức độ là một thụ tạo, trong tất cả hiện hữu của mình, đứng trước Thiên Chúa Đấng Tạo Hóa, Đấng Cứu Độ, và Đấng hoàn thiện con người. Nhưng rõ ràng với tất cả những giới hạn của một loài phải chết, nhân vị có thể đánh mất ân sủng, thất bại về mặt luân lý, và không thể tự cứu chuộc mình. Tất cả những thiện hảo và giàu có phù du của thế giới này không thể thỏa mãn ước muốn vô hạn về hạnh phúc trong tâm hồn con người. Tất cả mọi kiến thức và tư tưởng bắt nguồn từ lý trí giới hạn của chúng ta sẽ không bao giờ có thể mạc khải mầu nhiệm hữu thể. Thậm chí những hành động vị tha nhất cũng trở thành vô nghĩa “nếu không có đức ái” (1Cr 13, 1) và nếu cùng đích của chúng không phải ở trong tình yêu mà Thiên Chúa đã “đổ vào lòng chúng ta nhờ Thần Khí” (Rm 5,5).

Như vậy, lý trí nhân loại chúng ta phải luôn được xem xét trong bối cảnh được đức tin siêu nhiên soi sáng, để chúng ta hiểu đúng về tự do.

3. Những giới hạn của Ý thức hệ và Tính hiện đại

Các ý thức hệ chính trị mà chúng ta trải qua và chịu đựng trong thế kỉ hai mươi và dưới vẻ ngụy trang, tiếp tục được quan tâm hôm nay với sự phát triển của các loại chế độ độc tài, với sức mạnh tuyệt đối của một người trên những người khác. Đằng sau chủ nghĩa độc tài là nỗ lực hiểu rõ, trong tư tưởng và hành động, về những khía cạnh nền tảng của nhân loại, về nhân vị trong thế giới, và lấy một thụ tạo nhân tạo thay cho thụ tạo của Thiên Chúa. Các nhà độc tài cho mình khôn ngoan hơn và có khả năng hơn Thiên Chúa. Chương trình của chế độ độc tài là một chủ nghĩa nhân bản và chống lại Thiên Chúa. Đây là một dự án trái ngược với sự phát triển con người toàn vẹn mà Giáo hội công bố cho Thế giới nơi Tin Mừng của Đức Kitô. Quan điểm của Giáo hội được thiết lập trong một tổng hợp của tạo dựng và cứu độ, của đức tin và lý trí, của ân sủng và tự do, của sự tròn đầy hiệu lực thần thiêng và sự cộng tác của con người đích thực trong việc hiện thực hóa ý muốn cứu độ phổ quát của Thiên Chúa.

Chúng ta cũng nhận thấy những hình thức mới của chủ nghĩa thực dân, với mục đích là hiện đại hóa nhưng thực chất là áp đặt một hình ảnh méo mó về nhân vị, đó là cái xã hội được gọi là thịnh vượng (x. Populorum Progressio số 52).

Tiêu chuẩn cho một xã hội thịnh vượng như vậy phải chú ý đến các quốc gia của thế giới đang phát triển chứ không chỉ ở Châu Âu và Bắc Mỹ. Mặt khác còn có vấn đề phủ nhận các nền văn hóa khác như là không đúng và không thật.

4. Hình ảnh về Nhân Vị

Sự khác biệt giữa sự phát triển toàn vẹn với quan điểm phát triển về mặt xã hội, vật chất, kinh tế và chính trị và một sự phát triển cực đoan với các chương trình về sự tự cứu độ hệ tại ở hình ảnh về nhân vị trong nhân học.

Nhân vị về căn bản là một thụ tạo của Thiên Chúa và không phải là sản phẩm ngẫu nhiên mù quáng và vấn đề tùy hứng hay kết cấu của các kĩ sư xã hội.

Về thực chất, nhân vị phát xuất từ ý niệm rằng Thiên Chúa đã cho con người phát triển trong bối cảnh thời gian và lịch sử. Bằng hiểu biết và ý chí, con người phản ánh và trình bày chân lý và sự thiện hảo của Thiên Chúa trong thế giới. Như vậy nhân vị phát triển thông qua suy tư và làm việc, thông qua thái độ thiêng liêng và xác tín luân lý. Do đó, con người ngay từ đầu là hữu thể văn hóa, khoa học và nghệ thuật lý thuyết và thực hành. Nếu không có nguyên tội, con người phát triển toàn vẹn; tuy nhiên, sau đó và nhờ ơn cứu độ trong Đức Kitô, con người vẫn còn phải chiến đấu chống lại sức mạnh hủy diệt và tội lỗi.

Từ Mạc Khải chúng ta biết rằng Thiên Chúa đã tạo dựng con người trong tình trạng toàn vẹn. Người ta đã hiểu lầm khi xem tình trạng nguyên thủy của bản chất toàn vẹn như là một câu chuyện cổ tích hay như một truyền thuyết, ở thời hoang sơ của lịch sử nhân loại. Đúng ra, công trình tạo dựng cho thấy nguồn gốc và bản chất của loài thụ tạo trong ý định của Thiên Chúa như là khởi thủy và cùng đích của toàn bộ nhân tính. Do đó Thiên Chúa là thước đo và quy luật cho việc làm người đích thực. Nhân vị, được tạo dựng theo hình ảnh và giống Thiên Chúa, tham dự và biểu trưng chân lý cốt yếu và sự thiện hảo của Thiên Chúa. “Thiên Chúa nhìn những gì Ngài đã làm ra, và thấy nó tốt đẹp” (St 1, 31).

Tất cả những ai làm điều tốt - thậm chí người đó không nhận ra Thiên Chúa một cách minh nhiên - đều là trung gian sự tốt lành của Thiên Chúa. Con người tôn vinh Thiên Chúa và làm cho sự thiện hảo của Thiên Chúa được tỏ lộ nơi công việc tốt lành của họ. Như vậy, chúng ta có thể cộng tác với những người thiện chí khác để làm những công việc tốt lành cho nhân loại; chúng ta có thể học từ triết học, từ khoa học và từ những người không phải là Kitô hữu. Ví dụ, nếu chúng ta học về Aristotle và Mahatma Gandhi, sẽ là sai lầm khi phân chia một cách thái quá các Kitô hữu với phần còn lại của nhân loại, thậm chí quả quyết rằng “tất cả các phẩm tính của dân ngoại là suy đồi, và kiến thức của họ là sai lầm và dối trá.” Ân sủng và tự nhiên, đức tin và lý trí, phải được phân biệt chứ không tách biệt, để nhờ đó, tương quan giữa Giáo hội và trần thế, giữa tôn giáo và xã hội, được xác định bởi sự cộng tác vì công ích, chứ không phải bởi đối đầu. Do đó, Gaudium et Spes nói về sự giúp đỡ mà Giáo hội nhận được từ thế giới (số 44), sau khi giải thích về những gì Giáo hội đem lại cho thế giới.

5. Đương đầu với sự dữ

Tuy nhiên, từ Mạc Khải chúng ta cũng biết nguồn gốc của sự dữ. Malum không phát xuất từ sự khiếm khuyết của công trình tạo dựng hay từ một Thiên Chúa hiểm độc, nhưng từ hành vi cự tuyệt của con người trong tương quan với Thiên Chúa. Với nguyên tội của Adam và những hậu quả của nó, sự rạn nứt đi vào mối tương quan giữa Thiên Chúa và con người, đi vào mối tương quan giữa các nhân vị, giữa con người với thế giới động vật và môi trường, và đi vào vai trò của nó trong lịch sử. Sự sinh sôi nảy nở của sự dữ thể lý chỉ là một cách thể hiện của sự dữ luân lý. Chúng ta không thể tách biệt chính mình với thung lũng nước mắt này. Không ai có thể tự mình quyết định trở thành người cứu độ người thân cận mình. Tất cả mọi thử nghiệm tạo ra một tình trạng lý tưởng trong hệ thống triết học và các phương tiện quyền lực chính trị đã thất bại thảm hại và chỉ để lại những thảm họa khi bừng tỉnh. Cũng không có một tiến trình hoàn hảo dành cho việc tối ưu hóa sự hiện hữu con người, bởi vì khả năng lạm dụng luôn song hành với tiến trình khoa học. Các mạng lưới xã hội có thể được sử dụng một cách xây dựng hoặc hủy hoại. Cấy ghép cơ quan cứu người nhưng cũng đem lại những nguy cơ tội ác chống lại con người thông qua buôn bán cơ quan. Những tiến bộ kĩ thuật luôn là con dao hai lưỡi. Việc chọn lựa tốt và xấu không còn được đánh giá nữa, tất cả vì lợi ích của tiến bộ và nhân danh tiến bộ. Khi tinh thần con người đặt ra vấn đề chân lý hữu thể và giá trị luân lý của một hành vi, nó sẽ tránh dựa trên quan điểm - với sự lựa chọn được đặt trên một nền tảng vững chắc: cậy dựa vào Thiên Chúa như là nguồn gốc và cùng đích của nhân vị.

Chỉ Đấng Tạo Hóa mới có thể là Đấng Cứu Độ. Vượt ra ngoài thế giới ảo tưởng của nhân loại, Đức Kitô mang đến thế giới Vương Quốc Thiên Chúa. Chỉ nơi Thiên Chúa ngự trị bằng tình yêu thì nhân vị mới có thể thực sự được tự do. Trong Phép Rửa chúng ta trở thành thụ tạo mới, được trang bị để cộng tác vào công trình của Thiên Chúa, với tất cả sức mạnh, tài năng của chúng ta, và những đặc sủng tinh thần và hợp tác, để cuối cùng, chương trình theo ý định cứu độ của Thiên Chúa được hoàn tất trong trời mới đất mới. “Vì chúng ta là tác phẩm của Thiên Chúa, chúng ta được dựng nên trong Đức Kitô Giêsu, để sống mà thực hiện công trình tốt đẹp Thiên Chúa đã chuẩn bị cho chúng ta” (Ep 2, 10). Việc công chính hóa tội nhân mang đến một sự phục hồi nhân vị toàn vẹn, giờ đây được đón nhận như là con Thiên Chúa. Khi đó, tất cả chúng ta được kêu gọi để vượt qua thế giới cũ của tội lỗi, ích kỉ, và thù hận ở bên trong mỗi người lẫn trong thế giới.

Thay vì phá hủy, chúng ta mong muốn đóng góp vào sự phát triển Triều Đại Thiên Chúa bằng cách xây dựng, cho dù thất bại và thất vọng. Đức Kitô đã thiết lập Triều Đại Thiên Chúa, mặc dù còn ẩn tàng; nếu còn trung thành với Đức Kitô, Giáo hội được ủy thác nhiệm vụ loan báo Tin Mừng, làm trung gian ân sủng của Thần Khí thông qua các bí tích, và hỗ trợ vào chương trình cứu độ toàn diện của Thiên Chúa, bằng cách tham dự vào sự phát triển toàn diện nhân vị. Mỗi nhân vị, trong chính bản thân của mình, là một cùng đích, và mỗi người không bao giờ được phép đối xử với người khác như là những phương tiện cho một mục đích nào đó thấp hơn mục đích thực hiện ý định của Thiên Chúa đối với từng người cụ thể. Kitô giáo chiến đấu chống lại sự dữ thể lý và luân lý và đóng góp một cách tích cực vào các điều kiện của một sự sống phù hợp với phẩm giá nhân vị. Căn bản của phẩm giá này là quyền cư trú, lương thực, áo quần cũng như quyền làm việc kiếm sống cho chính mình và cho gia đình, và làm việc để phát triển và thăng tiến về các khả năng và nhờ đó đóng góp vào việc đào sâu nhận thức về căn tính riêng của con người. Vì mỗi nhân vị là một hữu thể thiêng liêng và hoàn toàn được tự do, con người được kêu gọi tham dự vào đời sống chính trị, xã hội và các thực tại trần thế, và quyền tự trị thích đáng của con người được nhìn nhận bởi Giáo hội và huấn quyền.

Hiến chế Mục vụ về Giáo hội trong thế giới ngày nay đã ngỏ lời với tất cả - thậm chí với những người vô thần - với mục đích trình bày cho người thiện chí một cuộc đối thoại chân thành về các chủ đề quan trọng nhất liên quan đến chiến tranh và hòa bình, sự phát triển của vũ khí hiện đại và khả năng tiêu diệt toàn thể nhân loại, và những khả năng không thể tin được của khoa học và kĩ thuật có thể đem lại cho gia đình nhân loại một tương lai mới về nhân phẩm.

Có thể chúng ta không chú ý, trong khi ngày càng có nhiều người đói khát, bị tước mất các quyền lợi, bị bắt làm nô lệ, trong khi làn sóng người tị nạn đi vào các cửa biển Châu Âu và biên giới Mỹ tăng cao, và trong khi nguy cơ và thách thức của toàn cầu hóa cũng đang xảy ra.

Giáo hội tham gia vào thế giới hiện tại không chỉ như là một nhóm vận động hành lang (lobby) chỉ nhắm đến những gì nó quan tâm. Toàn bộ Gaudium et Spes hướng về phẩm giá nhân vị, cộng đồng nhân loại, và ý nghĩa tối hậu của hữu thể và hành vi nhân linh; Hiến chế “đặt nền tảng cho sự tương quan giữa Giáo hội và thế giới cũng như nền tảng cho cuộc đối thoại giữa đôi bên” (số 40), không chỉ đem lại đối thoại, nhưng còn cộng tác “nhằm thiết lập một tình huynh đệ đại đồng” (số 3). Trích dẫn từ phần kết luận của Hiến chế như sau:

“Trong khi trung thành gắn bó với Phúc Âm và thừa hưởng những năng lực của Phúc Âm, cũng như liên kết với mọi người yêu chuộng và thực hiện công bình, người Kitô hữu nhận lãnh một sứ mệnh lớn lao phải chu toàn ở trần gian này và phải trả lẽ với Đấng sẽ phán xét mọi người trong ngày sau hết. Không phải những ai nói “lạy Chúa, lạy Chúa” sẽ được vào nước trời, nhưng chỉ có những ai thực hiện ý Chúa Cha và can đảm làm việc. Thực thế, Chúa Cha muốn chúng ta nhìn nhận Chúa Kitô là anh cả trong tất cả mọi người và yêu mến Người cách cụ thể bằng lời nói cũng như bằng việc làm. Như vậy, chúng ta làm nhân chứng cho Chân Lý và truyền thông cho kẻ khác mầu nhiệm tình yêu của Chúa Cha trên trời. Nhờ đó, mọi người trên khắp địa cầu sẽ thấy nảy sinh một niềm hy vọng mãnh liệt, đó là ân huệ của Chúa Thánh Thần, để sau cùng được hưởng hòa bình và hạnh phúc tuyệt vời trong quê hương rạng ngời vinh quang Chúa” (số 93).

Trích Tập san Hiệp Thông / HĐGM VN, Số 104 (Tháng 1 & 2 năm 2018)

LỊCH PHỤNG VỤ