Pierre Teilhard de Chardin (1881-1955) và cảnh vực thần linh

24/08/2021


PIERRE TEILHARD DE CHARDIN (1881-1955) VÀ CẢNH VỰC THẦN LINH

Cao Viết Tuấn giới thiệu (*)

Mục lục

1. Dẫn nhập. 1

2. Công việc và thờ phượng. 3

3. Hướng đến điểm omega. 5

4. Công việc và lao nhọc. 6

5. Bài ca của lòng tri ân. 8

6. Công nhân, người cải cách, đồng-sáng tạo


WHĐ (19.8.2021) - Càng nhìn sâu vào bên trong chính bản thân con, con càng ý thức rõ ràng hơn về chân lý này là: không ai có thể đặt ngón tay bé nhỏ của mình để cố gắng thực thi một nhiệm vụ dù nhỏ bé nhất, nếu người đó không được thúc đẩy bởi ít nhiều xác tín rằng: theo một cách thức nào đó, người ấy đang đóng góp, thậm chí cách gián tiếp, vào việc xây dựng một cái gì đó trường tồn - nói cách khác, xây dựng công trình của Ngài, Lạy Chúa! (Bài ca Vũ trụ)

Lạy Chúa! Khi năm tháng trôi qua, con càng nhận thấy rõ ràng hơn, trong chính bản thân con và nơi những người xung quanh con, mối bận tâm thầm kín nhất của con người thời đại đó là đấu tranh để sở hữu thế giới hơn là tìm các phương thế để thoát ra khỏi thế giới. (Bài ca Vũ trụ)

Người ta không thể không ngạc nhiên (khi quan chiêm bằng một tâm trí sáng suốt và không sáo mòn) về sự quan phòng kì diệu của Đức Kitô trong việc thúc đẩy con người nhận ra tầm quan trọng của việc yêu thương nhau. (Bài ca Vũ trụ)

... chúng ta phải cố gắng hết sức vì Đức Kitô; chúng ta phải hy vọng hoàn toàn nhờ Đức Kitô. Nihil intentatum: đó là thái độ Kitô hữu thực sự. Phân chia không có nghĩa là phá hủy mà là tạo dựng vượt mức (supercreation). Chúng ta phải luôn biết rằng: Nhập thể vẫn còn cần đến những tiềm năng của thế giới. Chúng ta phải luôn luôn hy vọng về sự hiệp nhất ngày một gia tăng của nhân loại. (Bài ca Vũ trụ)

1. Dẫn nhập

Công việc là một yếu tố thiết yếu trong kiếp nhân sinh. Khác với sự nhàn rỗi hoàn toàn, nghĩa là tự phát và không có mục đích, công việc cần phải có kế hoạch, có mục đích, có tính toán để đem lại kết quả. Nhưng, quả thật, không mấy dễ dàng để có được những quan điểm đúng đắn và những thái độ lành mạnh đối với công việc. Những mâu thuẫn trong nền văn hóa của chúng ta và sự hiểu lầm về các giá trị tôn giáo, cùng với những khuynh hướng tiêu cực của chúng ta, có thể dễ dàng bóp méo phương pháp tiếp cận của chúng ta đối với những hoạt động của đời sống đã được lập kế hoạch và hứa hẹn nhiều triển vọng. Chẳng hạn, công việc đôi khi có thể bị xem như là những hoạt động không quan trọng, nhưng đôi khi lại được thần thánh hóa. Người Kitô hữu thường ra công gắng sức trong việc liên hệ công việc của họ với đức tin, làm sao để dung hòa công việc với đức tin cũng như tìm ra ý nghĩa của công việc trong đời sống đức tin. Khi đối diện với những khó khăn, chúng ta cần một linh đạo cho công việc, điều này sẽ giúp chúng ta hòa nhập một cách trọn vẹn công việc lao động hằng ngày với toàn bộ đời sống con người.

Là nhà cổ sinh vật học, là tu sĩ dòng Tên và đồng thời cũng là một người nhìn xa trông rộng, Pierre Teilhard de Chardin (1881-1955) đã viết về những vấn đề này một cách rất sâu sắc. Các tác phẩm của ngài, đặc biệt là tác phẩm kinh điển Cảnh vực Thần linh (Le divin milieu), đã cung cấp cho chúng ta một thứ khuôn mẫu Kitô hữu. Những tư tưởng lớn lao vốn đã có ảnh hưởng rất lớn trong việc phát triển một linh đạo cho công việc toàn nhập của ngài được xem như phát xuất từ những cảm nghiệm tôn giáo sâu sắc ngài đã trải qua.

Teilhard sinh năm 1881. Vào năm lên 5 hay 6 tuổi, Teilhard đã trải qua một biến cố hãi hùng đẩy ngài tới gần kề cái chết, khi ngài vô ý để mái tóc của mình gần lửa và mái tóc bắt lửa, bùng cháy. Trong cuộc sống, ngài luôn thao thức tìm kiếm những giá trị trường tồn, và điều này đã dẫn ngài đến với dòng Tên và chịu chức linh mục vào năm 1911. Trong suốt cuộc đời, ngài luôn làm việc cật lực để xây dựng vương quốc vĩnh cửu. Trong thời gian diễn ra Thế chiến I, khi ngài tham gia tải thương trên chiến trường, một loạt những cảm nghiệm thần bí rất mãnh liệt đã đem lại cho Teilhard một ý nghĩa mang chiều kích vũ trụ về sự duy nhất của toàn thế giới, điều này thấm nhuần trong các tác phẩm sau đó của ngài.

Sau chiến tranh, ngài trở lại nghiên cứu và hoàn tất đề tài luận án tiến sĩ chuyên ngành địa chất học vào năm 1922. Với văn bằng tiến sĩ địa chất học này, ngài bước vào sự nghiệp khoa học, bao gồm: giảng dạy tại Học viện Công giáo Paris từ năm 1920 đến năm 1923, khảo sát thực tế tại Trung Quốc từ năm 1925-1946, và làm việc với tư cách cố vấn nghiên cứu tại Hoa Kì từ năm 1951 cho đến khi ngài qua đời vào Lễ Phục Sinh năm 1955. Ngoài rất nhiều bài viết mang tính khoa học đã được xuất bản, Teilhard còn biên soạn nhiều tác phẩm khác trình bày rõ ràng quan điểm tôn giáo của ngài về một vũ trụ toàn nhập và đang tiến hóa.

Thật không may là một số công trình của ngài, như Hiện tượng Con người, được đánh giá là một kiệt tác; Cảnh vực Thần linh, một tác phẩm kinh điển, và các bài viết khác của ngài chỉ được xuất bản sau khi ngài qua đời. Những khó khăn, hạn chế, thậm chí đau đớn ngài đã gặp phải trong việc bảo vệ và xuất bản tư tưởng của mình đã giúp ngài có cơ hội chắt lọc, làm chín muồi tư tưởng của ngài. Các tác phẩm của Teilhard sau này đều nổi tiếng, có ảnh hưởng mạnh mẽ trên các thần học gia, khoa học gia, các tác giả và cả các nhà hoạt động chính trị.

Một thần học gia và cũng là chuyên viên thần học nổi tiếng của Công đồng chung Vatican II, Henri de Lubac, trong một bài tham luận có tựa đề “Hai phận sự Hiến chế Gaudium et Spes đặt ra cho các thần học gia”, đã dành một đoạn khá dài để nhắc đến tên tuổi và tư tưởng của Teilhard de Chardin, và khẳng định “có lẽ chẳng táo bạo chút nào khi nghĩ rằng cha đã có một ảnh hưởng, ít là gián tiếp và bàng bạc, trên một số định hướng của Công đồng”. [...]. “Trong vấn đề trầm trọng chúng ta quan tâm, Pierre Teilhard đã có công đặt ra với những từ ngữ có tính thôi thúc câu hỏi về ý nghĩa của thế giới này, và qua đó, về ý nghĩa của hành động con người” (trong Théologie d'aujourd'hui et de demain, Ed. Du Cerf, 1967, trg. 57).

Ngày nay, có thể nhiều người cho rằng quan điểm của ngài về thế giới quả quá lạc quan và tổng hợp về tôn giáo và khoa học của ngài còn nhiều điểm chưa chín muồi, thậm chí khả nghi. Tuy nhiên, các đề nghị của nền linh đạo đương đại chịu ảnh hưởng tư tưởng của ngài trong việc xây dựng thế giới, ngược lại, cũng cho thấy tư tưởng của ngài vẫn còn đang được khám phá, hứa hẹn đem lại nhiều hữu ích và giá trị. Chúng ta sẽ cố gắng tìm hiểu tư tưởng của ngài dưới hai chủ đề: ý nghĩa khách quan công việc của chúng ta và ý nghĩa nhân vị trong toàn bộ công việc lao động.

2. Công việc và thờ phượng

Nhiều người đã đặt câu hỏi: liệu rằng việc nấu ăn, bán hàng, siết bu-lông, hay dạy học, vv., những việc làm nhàm chán và cứ lặp đi lặp lại một cách dường như vô nghĩa, có ý nghĩa gì trong vũ trụ bao la này? Rồi còn những trường hợp khá rắc rối như một thanh niên đã bỏ công việc buôn bán đầy hứa hẹn mình đang làm, vì anh thấy nó chẳng còn mấy quan trọng khi anh bắt đầu quan tâm đến vấn đề công bằng xã hội. Ngay cả những người đang làm những công việc có vẻ hấp dẫn đôi khi cũng tự đặt câu hỏi: tất cả sức lực và thời gian bỏ ra cho công việc liệu có đáng hay không?

Tiếc thay, một vài quan niệm về đạo đức của người Kitô hữu cũng góp phần gây ra vấn nạn này. Việc quá chú trọng đến đời sống trên thiên đàng có thể dẫn đến hậu quả là hoạt động con người trên trái đất này bị hạ giá. Teilhard nghĩ rằng khoảng 90% các Kitô hữu trong thời đại của ngài xem công việc như là một “gánh nặng thiêng liêng”, như một cái gì khiến họ tách ra khỏi mối tương quan thân mật với Thiên Chúa. Ngài nhận thấy có sự xung đột mạnh mẽ trong tâm hồn nhiều tín hữu, những người vốn nghi ngờ về đời sống này vì họ không hòa nhập được niềm tin vào Thiên Chúa với sự quan tâm đến thế giới này. Họ không thể tìm thấy được sự nối kết hữu cơ thực sự giữa việc thờ phượng của họ trong ngày Chúa Nhật và các công việc khác trong những ngày còn lại. Theo quan điểm của Teilhard, giải pháp truyền thống cho việc thánh hóa những nỗ lực trong đời sống hằng ngày thông qua kinh nguyện và ý hướng ngay lành là hữu ích nhưng chưa đủ, bởi vì giải pháp này vẫn còn xem công việc thường ngày như là một cái gì tự thân là vô nghĩa và gây hại cho đời sống thiêng liêng.

Teilhard đã trải nghiệm trong tâm hồn ngài sự xung đột giữa tình yêu Thiên Chúa và tình yêu thế giới với những nỗ lực của con người. Bởi khí chất, ngài là người con của thế giới. Trong thời thơ ấu ở Auvergne (Pháp), ngài đã phát triển một tình yêu to lớn đối với lịch sử tự nhiên và một vùng đất đầy sỏi đá gần làng quê của ngài. Cha của ngài đã mang đến cho ngài niềm đam mê ban đầu đối với các ngành khoa học, là điều mà ngài theo đuổi trong suốt quãng đời học vấn của ngài. Bằng cách nối kết nghiên cứu khoa học với những trực cảm thần bí của ngài, Teilhard đã có được cái nhìn toàn diện về thế giới mà ngài rất yêu mến. Thông qua quá trình tiến hóa, vật chất dần dần được tổ chức thành những cấu trúc ngày càng phức tạp hơn. Và theo quy luật phức tạp-ý thức (complexity-consciousness) được Teilhard xây dựng, vật chất càng phức tạp, thì ý thức sẽ thể hiện ra.

Như vậy, đối với ngài, thế giới là một tổng thể hợp nhất, và di chuyển, theo hướng không thể đảo ngược, đến sự thiêng liêng hơn và một ngày nào đó sẽ đạt tới đỉnh điểm trong một trung tâm ý thức được cá vị hóa. Mục đích của toàn bộ quá trình tiến hóa này, được Teilhard gọi là “điểm Omega”, điểm này luôn hiện diện trong thế giới như là nguồn của năng lực yêu thương cung cấp nhiên liệu cho toàn bộ quá trình. Là một người con rất tận tụy của thế giới, Teilhard tin vào thế giới đang tiến hóa này và dấn thân quảng bá quan điểm này về vẻ đẹp hữu cơ của nó.

Chịu ảnh hưởng rất lớn từ một gia đình Công giáo có niềm tin vững mạnh, và từ đời sống đạo đức của cộng đoàn, Teilhard còn là một người con của thiên đàng. Ngài đã quyết định trở thành một linh mục Dòng Tên, và không để tình yêu thế giới và lòng đam mê khoa học của ngài hủy hoại niềm tin Kitô giáo của mình. Ngài cần một trọng tâm hội tụ vũ trụ cá vị và một hệ thống biểu tượng tôn giáo để hướng dẫn và làm phong phú đức tin của mình trong một thế giới đang tiến hóa. Luận văn tuyệt vời của ngài, Tôi tin như thế nào, nguyên bản được viết vào năm 1934, mô tả cuộc đấu tranh của ngài để đạt được quan điểm toàn nhập này.

Lúc đầu, ngài cảm thấy bị thôi thúc phải bác bỏ giáo lý Công giáo cổ truyền như đang được giảng dạy trong các trường học và được thực hành bởi người Kitô hữu bình dân. Trong khi giáo huấn Kitô giáo về thiên đàng và sự kết hợp cá vị sau cùng với Thiên Chúa đã thu hút ngài, thì lòng đạo đức bình dân xem nhẹ đời sống trong thế giới vật chất và coi khinh lao động của con người lại hoàn toàn đối lập với quan điểm của ngài về “ý nghĩa của thế giới”. Ngài không thể dung hòa những khát vọng sâu thẳm nhất của ngài với thứ linh đạo Kitô giáo này.

Thất vọng về cái nhìn của thứ giáo lý cổ truyền này, Teilhard tìm cách mở rộng nghiên cứu của mình về hệ thống biểu tượng các tôn giáo Đông Phương. Ý nghĩa huyền bí của sự hiệp nhất tối hậu của vũ trụ xem ra chiếm ưu thế lớn ở Đông Phương, và điều này, thoạt đầu đã có sức hấp dẫn rất mạnh mẽ đối với ngài bởi vì nó phù hợp với ý nghĩa vũ trụ của chính ngài. Tuy nhiên, sau những nghiên cứu sâu hơn, ngài nhận ra rằng không thể chấp nhận một giáo thuyết chủ trương cá nhân sẽ hòa tan vào toàn thể, vì nếu như vậy thì mọi nỗ lực cũng như toàn bộ đời sống của con người cuối cùng đều trở nên vô nghĩa.

Tiếp theo con đường tìm hiểu, ngài đi tới chủ nghĩa nhân bản đương đại, trong đó có cả chủ nghĩa Marx. Ngài bị thu hút bởi mối quan tâm của chủ nghĩa này đối với việc xây dựng thế giới thông qua nghiên cứu khoa học, và nhân tính hóa thế giới bằng việc chinh phục không gian và thời gian. Nhưng rồi ngài lại thất vọng trước việc các trường phái chủ nghĩa nhân bản phủ nhận chiều kích thiêng liêng của đời sống con người, đặc biệt, sự hướng đến sự siêu việt và bất tử của con người. Ngài không thể chấp nhận một thế giới quan chủ trương đóng kín dự phóng con người trong chính nó.

3. Hướng đến điểm omega

Những giới hạn căn bản của những thế giới quan khác đã đưa Teilhard trở về với cội rễ Kitô giáo và tới khoảnh khắc “eureka” vĩ đại trong đời sống của ngài. Khi đọc Thánh Kinh theo quan điểm đức tin Kitô giáo về thế giới, ngài được tiếp xúc với những bản văn của thánh Phaolô (Rm 8, 19-23, Cl 1, 15-20 và Ep 1, 9-23) nói về Đức Kitô của vũ trụ, nghĩa là trung tâm của vũ trụ, mục đích của sự năng động của thế giới vật chất và là Đấng giao hòa mọi thứ trong thế giới và trên trời. Chúa của vũ trụ, Đấng hiện diện trong thế giới, đang nâng lên và lôi kéo tất cả để cuối cùng đi đến chỗ kết hợp với chính Ngài. Tinh thần của Chúa Kitô Phục Sinh cho chúng ta có quyền chia sẻ nhiệm vụ vĩ đại này trong việc xây dựng thế giới và mở rộng vương quốc. Thật vậy, sẽ có một trời mới và đất mới, được xây dựng trong và nhờ Đức Kitô của vũ trụ.

Trong điều mà chính Teilhard gọi là “biến cố vĩ đại” của cuộc đời ngài, ngài hiểu được rằng Đức Kitô của vũ trụ được tuyên xưng bởi niềm tin Kitô giáo có thể được đồng nhất với Điểm Omega theo như phân tích của ngài về những gì quá trình tiến hóa gợi lên. Trọng tâm được cá vị hóa của vũ trụ hội tụ, trong ý nghĩa chân thực sâu xa nhất, chính là Đức Giêsu Kitô, Chúa Phục Sinh. Quan niệm khoa học của Teilhard về thế giới tương đồng với quan niệm xác thực về Đức Kitô như được trình bày trong Tân Ước. Do đó, ngài vẫn có thể là người con đầy nhiệt thành của trái đất và cũng là người con tận tụy của thiên đàng. Ngài đã tìm ra chìa khóa để hòa hợp khoa học với tôn giáo. Một quan niệm năng động về thế giới đang tiến hóa hướng về sự thiêng liêng hóa ở mức cao hơn có thể được hòa nhập vào trong niềm tin về Chúa Kitô Phục Sinh, là Đấng đã lôi kéo mọi sự đến với Ngài.

Sau khám phá vĩ đại này, Teilhard đã dành quãng đời còn lại của mình để tái tinh luyện, áp dụng và quảng bá quan điểm tôn giáo của ngài về thế giới. Ngài trình bày cách rõ ràng cái nhìn tích cực của ngài về nỗ lực của con người trong thế giới, bao gồm các tư tưởng cốt yếu của linh đạo về lao động. Công việc lao động hàng ngày của chúng ta đều có ý nghĩa và chứa đựng một giá trị, một giá trị nội tại chứ không chỉ nhờ kinh nguyện và ý hướng ngay lành. Thông qua tất cả những hành động tốt lành, chúng ta thực sự trở thành những khí cụ, những cánh tay nối dài sống động của quyền năng sáng tạo của Thiên Chúa. Công trình tạo dựng không phải là một biến cố đã hoàn tất một lần cho tất cả và bởi một mình Thiên Chúa, mà là một tiến trình đang diễn ra, trong đó chúng ta được cộng tác với Thiên Chúa trong việc đưa thế giới này đi đến sự viên mãn của nó. Do đó, mọi công việc chân chính đều có ý nghĩa nội tại và trường cửu, bởi vì nó cộng tác vào hoạt động sáng tạo của Tạo Hóa.

Cách hiểu của Teilhard về Nhập Thể cũng đưa đến một cách hiểu đầy đủ hơn về giá trị nội tại của công việc. Sự hiện diện của Ngôi Lời Nhập Thể thấm nhập vào tận cốt lõi của thế giới vật chất. Như Teilhard đã nhấn mạnh trong “Bài ca vật chất” rất đẹp của ngài, thế giới vật chất không phải là một mớ hỗn độn những sức mạnh phàm tục, nhưng là một cảnh vực thần linh, được vận hành với một năng lực sáng tạo và “được thấm nhuần cuộc sống bởi Lời Nhập Thể” (Bài ca vũ trụ, trang 69-70).

Như vậy, công việc của chúng ta trong thế giới không đơn thuần là một trò chơi giải trí, mà là một nỗ lực để giải phóng tiềm năng thiêng liêng của vật chất. Nhập Thể sẽ hoàn tất chỉ khi toàn bộ sức mạnh sáng tạo ở trong vật chất được giải phóng và được kết hợp với Đức Kitô vũ trụ. Tất cả mọi hoạt động của chúng ta, gồm cả những công việc tay chân thầm lặng nhất, đều góp phần xây dựng Thân Thể Đức Kitô, công việc xây dựng này sẽ đạt tới đỉnh điểm viên mãn của nó vào lúc tận thế. Có một sự kết nối hữu cơ giữa lao động của chúng ta với việc xây dựng vương quốc Thiên Chúa mà Lời Nhập Thể đã đến để thiết lập. Tóm lại, lối giải thích thần học về tạo dựng và nhập thể của Teilhard đã nhấn mạnh đến thiện ích căn bản và giá trị tối hậu của mọi nỗ lực của con người.

Nhận thức được nhu cầu chuyển tải quan niệm tôn giáo của mình sang một linh đạo thực tế hơn, Teilhard đã tập trung vào sự nối kết mật thiết giữa phụng vụ và đời sống thường ngày. Theo ngài, các Kitô hữu cần phải xem việc phục vụ Giáo hội, cũng như cuộc sống trong thế giới, là những cơ hội liên tục để được chìm đắm trong sự hiện diện của Thiên Chúa. Một đời sống cầu nguyện lành mạnh tạo điều kiện cho mỗi tín hữu có được những nối kết rõ ràng giữa công việc lao động hằng ngày của họ với công trình cứu độ của Đức Kitô. Đời sống bí tích của Giáo hội giúp thần hóa người tín hữu, đồng thời cũng sai phái họ đi thần hóa thế giới.

Trong một lần đi thực tế, Teilhard lâm vào hoàn cảnh một mình trong một nơi hoang vắng, không có bánh, không có rượu để dâng Thánh Lễ. Ý thức một cách đặc biệt về sự hiện diện của Đức Kitô trong vũ trụ, ngài đã dâng “Thánh Lễ trên thế giới”, trong đó, trái đất là bàn thờ, và mọi lao công và đau khổ của con người trên thế giới là bánh và rượu để thánh hiến. Từ hình ảnh này, ngài khuyên các Kitô hữu hãy hiến dâng công việc của họ như Linh mục dâng hiến bánh và rượu trong thánh lễ. Đối với ngài, sự nối kết nội tại này sẽ hình thành nên thái độ của chúng ta: “Ngay đôi bàn tay nhào trộn bột, cũng là đôi bàn tay thánh hiến bánh, Tấm Bánh vĩ đại và mang tầm vóc vũ trụ cần phải được chuẩn bị và cầm lấy trong tinh thần thờ phượng” (trích dẫn theo bản tiếng Anh, The Divine Milieu, trang 67).

Teilhard nhận ra rằng khi các tín hữu tham gia chuẩn bị Bánh vũ trụ bởi lao tác của họ, họ sẽ hiểu rõ hơn ai hết giá trị nội tại công việc của họ và sẽ dấn thân vào việc thần hóa thế giới. Các tín hữu này có thể chứng minh cho người khác hiểu rằng “nhờ Tạo dựng và hơn nữa, qua Nhập Thể, không có gì là trần tục đối với những ai biết cách quan sát” (sđd., trang 66). Tóm lại, đóng góp hàng đầu của Teilhard vào một linh đạo lao động là mời gọi mọi người nhận ra ý nghĩa nội tại của những nỗ lực của con người bằng con mắt đức tin.

4. Công việc và lao nhọc

Công việc của con người có thể được phân tích, không chỉ từ cái nhìn về ý nghĩa khách quan, nhưng còn từ cái nhìn về ý nghĩa chủ quan của nó nữa. Một linh đạo về lao động phải phù hợp với sự phát triển cá nhân như là việc xây dựng thế giới. Trong nền văn hóa của chúng ta, người lao động có những phản ứng rất khác nhau về công việc hàng ngày của họ. Phần đông người lao động mô tả công việc của họ như là một điều lặp đi lặp lại, nhàm chán, và tù túng. Họ ngại làm việc và mong mau tới giờ tan sở. Nghề nghiệp của họ không kích thích trí tưởng tượng, không gợi lên cảm xúc, và không đòi hỏi trí thông minh của họ. Họ cảm thấy giống như một thứ mắt xích vô hồn trong một cỗ máy công nghiệp vĩ đại, hay giống như những cơ quan trong bộ máy hành chính cồng kềnh. Họ cảm thấy ngày nghỉ cuối tuần như là thời gian được giải thoát, và rất ngán ngẩm khi phải trở lại với những công việc buồn tẻ vào ngày đầu tuần. Đối với họ, công việc không khác hơn một gánh nặng chẳng đem lại một chút vui thích nào.

Đối lại, chúng ta cũng có thể bắt gặp những người yêu thích công việc mình đang làm và bị công việc thu hút. Công việc đem lại cho họ sự thỏa mãn, bởi vì nó có một ý nghĩa vượt lên trên việc kiếm tiền và được nối kết với những mục đích của xã hội như một tổng thể. Công việc lao động hàng ngày của họ, thường đầy những thách đố nhưng lại rất hào hứng, đóng vai trò của chất xúc tác cho những phát triển khác. Đối với họ, công việc là một ơn gọi đòi hỏi một đời sống cống hiến. Họ có thể là những công nhân tận tụy làm công việc của mình với một quan điểm đúng đắn và vẫn duy trì những mối tương quan lành mạnh với gia đình và bè bạn. Tuy nhiên, cũng có những con người tham công tiếc việc, quá say mê công việc của họ đến nỗi bỏ mặc các khía cạnh khác trong đời sống kể cả các mối tương quan giữa con người với con người.

Giữa hai thái cực này, nhiều người nhận thấy công việc của họ là sự pha trộn giữa lao nhọc vất vả với những hoạt động có liên quan đến sự tự do, trí thông minh và óc sáng tạo làm họ hài lòng. Những con người này, có lúc vùi mình trong công việc, nhưng cũng có những lúc nhàn hạ, thoải mái.

Cá nhân, cũng như xã hội, sẽ hưởng lợi hơn nếu biết cách biến những công việc nặng nhọc thành công việc đem lại sự thỏa mãn. Tiến trình hướng đến mục đích này đòi hỏi những thay đổi mang tính cơ cấu xã hội và sự cải thiện thái độ nền tảng từ phía người công nhân. Teilhard đã có một số lời khuyên thực tế về việc cải cách xã hội, ngài cũng đưa ra những quan điểm hữu ích nhằm cải thiện thái độ của chúng ta đối với công việc của mình.

Chúng ta có thể khám phá ra ý nghĩa nhân vị to lớn hơn trong công việc của chúng ta bằng cách ý thức hơn về sự hiện diện của Thiên Chúa trong mọi hoạt động của chúng ta. Các tác phẩm của Teilhard đặc biệt hữu ích trong việc định hình nhận thức của chúng ta về sự hiện diện thần thiêng. Theo quan điểm của ngài, Thiên Chúa không phải là một kiến trúc sư xây dựng một vũ trụ tĩnh lặng, và Ngài đang ở một nơi xa xôi nào đó, nhưng đúng hơn, Ngài chính là sức mạnh nội tại giúp duy trì và hướng dẫn thế giới đang tiến hóa này. Đức Kitô vũ trụ không chỉ là mục tiêu sau cùng của vũ trụ hội tụ, nhưng còn là năng lực luôn luôn hiện diện để tiếp năng lượng cho sự chuyển động của lịch sử đi đến cùng đích tối hậu của nó. Tình yêu không phải là một quan niệm trừu tượng nhưng là một năng lực vũ trụ lôi kéo chúng ta đi đến hiệp nhất với trung tâm của vũ trụ. Ngọn lửa thần thiêng bùng cháy ở trung tâm trái đất, kết hợp, soi sáng và sưởi ấm mọi khía cạnh của đời sống con người.

5. Bài ca của lòng tri ân

Từ quan điểm thần học này, rõ ràng chúng ta không lao động đơn độc trong việc xây dựng thế giới, nhưng luôn luôn trong sự cộng tác với Chúa vũ trụ. Trong khi làm việc, chúng ta khám phá “sự liên kết chặt chẽ giữa Thiên Chúa và thế giới”. Thiên Chúa chờ đợi chúng ta trong mỗi giây phút của cuộc sống hằng ngày. Ngài ở ngay đầu bút của tôi, nơi mỗi nhát cuốc, nơi mỗi mũi kim của tôi, nơi trái tim của tôi, nơi suy nghĩ của tôi (The Divine Milieu, trang 64). Khi công việc khiến chúng ta đau đớn, mệt mỏi, kiệt sức, chúng ta có thể đồng cảm với Đức Kitô chịu đóng đinh, Đấng đã trung thành cho đến chết. Khi công việc đem lại niềm vui và sự vui thỏa cho chúng ta, chúng ta có thể đồng cảm với Đức Kitô Phục Sinh, Đấng là nguồn của mọi hồng ân thiện hảo. Đó là Tin Mừng, bởi vì sự hiện diện của Thiên Chúa không dập tắt các hoạt động của chúng ta, nhưng theo cách nói của Teilhard, thổi bùng sinh khí vào hoạt động của chúng ta, đem lại cho nó sự thánh thiện và ý nghĩa trọn vẹn.

Kinh nguyện là phương pháp tốt nhất để nuôi dưỡng một nhận thức sâu sắc về sự hiện diện của Thiên Chúa trong mọi hoạt động của chúng ta. Vượt ra khỏi thực tại trần thế để đi vào thực tại thiên đàng, kinh nguyện làm cho chúng ta đạt tới những chân lý được ẩn giấu và những quyền năng huyền nhiệm giúp nâng đỡ sự sống trên trái đất này. Nếu công việc của chúng ta nhàm chán và buồn tẻ, cầu nguyện trở nên một lời nguyện hiến tế và cầu xin ơn kiên nhẫn. Nếu công việc làm chúng ta vui vẻ và hài lòng, cầu nguyện sẽ trở nên bài ca tri ân. Trong cầu nguyện, chúng ta nhận biết cách sâu xa rằng Đức Giêsu Kitô thợ là người tiếp tục soi sáng và tiếp thêm nghị lực cho công việc lao động hàng ngày của chúng ta. Kinh nguyện làm cho chúng ta càng ý thức hơn sự hiện diện thần thiêng, cung cấp tiêu điểm quy tụ cho thế giới với những công việc dao động giữa hoạt động buồn chán và thác loạn. Teilhard còn nhấn mạnh thêm rằng việc suy niệm Thánh Kinh sẽ nuôi dưỡng và hướng dẫn đời sống cầu nguyện của chúng ta. Ngài tìm thấy nguồn phong phú đặc biệt trong các thư của thánh Phaolô, người đã dạy chúng ta rằng mọi hoạt động của con người, bao gồm những hoạt động nhỏ bé nhất, đều là những hành động làm vinh danh Chúa. Giáo thuyết này khuyến khích chúng ta tiếp cận công việc của chúng ta trong tinh thần đức tin, xác tín rằng Thiên Chúa có thể được tìm thấy trong mọi hoạt động chân chính của chúng ta.

Đối với Teilhard, đời sống Kitô hữu trong thế giới cũng đòi hỏi sự gắn bó với tinh thần vô tư lợi. Điều này thôi thúc chúng ta hết lòng chăm lo phát triển cá nhân cũng như toàn thế giới. Chúng ta có thể đóng góp phần riêng của mình trong việc xây dựng Thân Thể Đức Kitô chỉ khi các tài năng của chúng ta được phát triển và các kĩ năng được nâng cao. Khi đó, công việc của chúng ta sẽ đóng vai trò là một chất xúc tác cho sự phát triển bản thân. Công việc có thể lôi kéo chúng ta ra khỏi sự ích kỉ và lười biếng bằng cách đặt ra các mục tiêu mới, những dự phóng mới. Nó có thể giải phóng các khả năng tiềm tàng và thúc đẩy chúng ta đạt tới được những tri thức mới, những kĩ năng mới. Lao động chân chính có thể dạy chúng ta biết chấp nhận những hạn chế của mình và đem lại cho chúng ta những niềm vui thỏa trong đời sống. Sự gắn bó thích đáng với công việc bao gồm việc quan tâm đến nghề nghiệp cũng như đến hoa trái cá nhân và xã hội từ công việc của chúng ta. Công Đồng Vatican II xem ra gián tiếp tán thành quan điểm này của Teilhard khi kêu gọi người Kitô hữu “hãy nỗ lực để trung thành chu toàn những bổn phận trần thế, và luôn luôn hành động theo tinh thần Tin Mừng” (Hiến Chế Mục Vụ, Gaudium et Spes, số 43).

Theo Teilhard, sự gắn bó với công việc đích thực là thành phần của một tổng hợp to lớn hơn, bao gồm sự từ bỏ và tinh thần vô tư. Công việc, bởi chính bản chất của nó, tách chúng ta ra khỏi sự nghỉ ngơi thoải mái ù lì của sự quy chiếu về bản thân mình và đặt chúng ta trước những thách đố của các hoạt động. Công nhân, những người nỗ lực để đạt tới những tiêu chuẩn cao phải từ bỏ sự lười biếng và cẩu thả. Người dấn thân vào một công việc quan trọng phải sẵn sàng tự hiến chính mình. Những người lao động nặng nhọc thường không có cơ hội phát triển bản thân. Những người không nhận ra ý nghĩa từ nghề nghiệp của mình thường cảm thấy bị hạ giá bởi sự đánh mất lòng tự trọng. Công việc luôn đòi hỏi sự từ bỏ chính mình. Trong khi người Kitô hữu được kêu gọi chiến đấu chống lại tất cả những khuynh hướng phi nhân bản liên quan đến công việc, chúng ta cũng nhận thức được rằng công việc vẫn là công việc và thập giá là yếu tố không thể tránh được trong hoạt động của con người.

Theo quan điểm của Teilhard, sự vô tư và sự gắn bó không loại trừ lẫn nhau, chúng cũng không đơn giản là đứng bên cạnh nhau. Đúng hơn, chúng có tương quan biện chứng với nhau giống như hai nhịp trong hơi thở của chúng ta. Trong nỗ lực của con người lành mạnh, sự đối lập bên ngoài giữa tự hiến và tự hoàn thiện mình biến mất cách lạ lùng. Trong mọi nỗ lực của mình, chúng ta được tự do nỗ lực hết mình để tự hiện thực chính mình cùng với toàn bộ nỗ lực được thay thế để phục vụ Thiên Chúa, Đấng đem lại ý nghĩa sâu sắc hơn cho mọi công việc của chúng ta. Sự từ bỏ không phải là kết thúc trong chính nó, nhưng là phương tiện để thanh luyện bản thân chúng ta để chúng ta có thể làm việc như những công nhân linh hoạt, nhiệt thành xây dựng vương quốc Thiên Chúa. Người Kitô hữu phải làm việc với sự quan tâm và đam mê để xây dựng trần gian, trong khi luôn mở ra với công việc to lớn hơn được thực hiện bởi Thiên Chúa. Thập giá Đức Kitô mạc khải cho thấy rằng sự biến đổi tối hậu bản thân và công việc của chúng ta nằm ngoài thời gian và lịch sử. Chân lý căn bản này không hạ thấp giá trị những nỗ lực trên trần gian của chúng ta, nhưng đem lại cho chúng ý nghĩa tối hậu bằng cách liên kết chúng với công việc của Đức Kitô vũ trụ, Đấng không bị cản trở bởi cái chết. Đối với Teilhard, thập giá không phải là biểu tượng về sự giới hạn và sự kìm hãm, nhưng là lời mời gọi mạo hiểu “cố gắng hết sức - để hoàn tất”, để làm việc với sự nhiệt thành và tình yêu thương để xây dựng trần thế và Thân thể Đức Kitô.

6. Công nhân, người cải cách, đồng-sáng tạo

Nhiều người Kitô hữu, ý thức về sự áp bức và bất công trên thế giới, cho rằng quan niệm của Teilhard là quá lạc quan và đặt ra nghi vấn về sự thỏa đáng của những phân tích của ngài về công việc. Thật vậy, hầu hết con người ở các nước đang phát triển không thể nhận ra chính họ trong những trình bày lạc quan của Teilhard. Những người thất nghiệp, và những ai đấu tranh cho cải cách xã hội sẽ khó tìm thấy những trợ giúp thực tiễn trong các tác phẩm của ngài. Đối với những người theo chủ nghĩa duy thực khách quan, những tuyên bố hùng hồn của Teilhard về công việc có vẻ như không tưởng, thiếu thực tế.

Tuy nhiên, Teilhard cũng đã đưa ra những lời khuyên và những quan niệm có giá trị cho những cá nhân nào đang nỗ lực tìm ra ý nghĩa cho công việc của họ. Ngài nhắc nhở những người lao động vất vả cần phải nhận ra rằng công việc của họ có giá trị thực sự, bởi vì nó cùng đóng góp vào việc xây dựng Thân Thể Đức Kitô. Nhãn quan của ngài gợi ra những chỉ dẫn trực tiếp cho những ai cảm thấy rằng công việc của họ nặng nhọc: hãy cố gắng biến lao nhọc của bạn bằng cách có được thái độ tích cực về nó; qua đó, hãy học biết giá trị của sự trung tín, kiên nhẫn và chịu đựng, hãy cầu nguyện để bạn có thể nhận ra Thiên Chúa ở giữa những nhiệm vụ buồn chán của bạn; hãy kết hợp lao nhọc của bạn với thập giá Đức Kitô, là người biến đổi đau khổ của cuộc đời.

Hơn nữa, chính những cuộc chiến đấu trong cuộc đời của Teilhard cũng nhắc nhở các Kitô đang cố gắng dung hòa tình yêu Thiên Chúa và niềm hăng say với công việc rằng tất cả mọi lao động chân thành giúp tạo ra cảnh vực thần linh và như vậy đem họ đến gần Thiên Chúa hơn. Ngài kêu gọi những người quá say mê công việc tiêu diệt các ngẫu tượng mà họ đã tạo ra bằng cách đặt công việc của họ vào trong bối cảnh tình yêu Thiên Chúa và người thân cận. Cuối cùng, Teilhard de Chardin mời gọi tất cả chúng ta cùng trợ giúp trong việc kiến tạo một linh đạo làm việc cụ thể. Đối với nhiệm vụ này, ngài cung cấp một nhãn quan rộng lớn và được trình bày trong những hình ảnh ấn tượng: Điểm Omega và Đức Kitô vũ trụ, thánh lễ trên [bàn thờ] thế giới và Bánh vũ trụ, Thiên Chúa ở nơi đầu xẻng, nơi đầu bút, thập giá biến đổi đau khổ và giải phóng năng lực. Trên hết, con người nổi tiếng đầy can đảm và đức tin can trường này đã đem lại cho chúng ta sự khích lệ và hy vọng với việc khẳng định đầy thuyết phục rằng: mọi nỗ lực của chúng ta sẽ nhân tính hóa công việc lao động của chúng ta, chúng có ý nghĩa, giá trị và tầm quan trọng nội tại và trường tồn.

(*): Chủ yếu dựa vào bài: Pierre Teilhard de Chardin — Developing a Spirituality of Work của James J. Bacik, đăng trong Contemporary Theologians, The Mercier xuất bản năm 1992, trang 209-219

Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGM VN, Số 83 (Tháng 7 & 8 năm 2014)

LỊCH PHỤNG VỤ