PHÚC ÂM HÓA GIA ĐÌNH TRƯỚC CÁC THÁCH THỨC MỤC VỤ TRONG THẾ GIỚI HÔM NAY

Bản tiếng Anh: Synod of Bishops, Pastoral Challenges to the Family in the Context of Evangelization, Preparatory Document, Vatican City 2013.
 Chuyển ngữ: Lm. Đaminh Ngô Quang Tuyên

I. GIA ĐÌNH VÀ PHÚC ÂM HÓA

Sứ mạng rao giảng Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo, được Chúa Giêsu uỷ thác cho các môn đệ, đã được Hội Thánh tiếp tục qua suốt lịch sử. Cuộc khủng hoảng xã hội và thiêng liêng được thấy rõ trên thế giới hôm nay đang trở thành một thách thức mục vụ trong sứ mạng phúc âm hóa của Hội Thánh liên quan đến gia đình, tế bào sống của xã hội và của cộng đoàn Hội Thánh. Việc rao giảng Tin Mừng về Gia Đình chưa bao giờ cấp bách và cần thiết như trong bối cảnh hôm nay. Tầm quan trọng của chủ đề này được phản ánh qua việc Đức Thánh Cha đã quyết định triệu tập một Thượng Hội Đồng Giám Mục (THĐGM) với một lộ trình làm việc gồm hai giai đoạn: thứ nhất, một Đại Hội Đặc Biệt vào năm 2014 nhằm xác định vấn đề (status quaestionis) và thu thập các kinh nghiệm và đề nghị của các giám mục trong việc rao giảng và sống Tin Mừng về Gia Đình một cách đáng tin; và thứ hai, một Đại Hội Thường Kỳ năm 2015 để tìm ra những đường hướng chăm sóc mục vụ cho con người và gia đình.

Các thách thức cho gia đình trong thế giới hôm nay

Các mối quan tâm mà chỉ ít năm trước đây chưa từng được nghe nói tới thì hôm nay đã xuất hiện do các tình hình khác nhau, từ tình trạng sống chung không hôn nhân, cho đến các cuộc kết hôn giữa những người đồng tính được phép nhận con nuôi. Nhiều hoàn cảnh mới đòi hỏi sự chú ý và quan tâm mục vụ của Hội Thánh gồm: hôn nhân hỗn hợp hay khác đạo; mẹ/cha đơn thân nuôi con; chế độ đa hôn; hôn nhân kèm theo điều kiện quà cưới, đôi khi được hiểu như là tiền mua người phụ nữ; một văn hóa hôn nhân không ràng buộc và cho rằng sợi dây hôn nhân chỉ là tạm thời; các hình thức nữ quyền cực đoan trái với giáo huấn của Hội Thánh; tình trạng di dân và khuynh hướng muốn định nghĩa lại chính khái niệm về gia đình; chủ nghĩa đa nguyên tương đối trong quan niệm về hôn nhân; ảnh hưởng của truyền thông về văn hóa bình dân trong cách hiểu về đời sống hôn nhân và gia đình; các trào lưu tư tưởng nổi trội trong các đề nghị về tư pháp làm giảm giá trị của tính bền vững và trung thành trong giao ước hôn nhân; việc thực hành hình thức người mẹ thay thế (đẻ thuê) ngày càng gia tăng; và các cách cắt nghĩa mới về những gì được coi là quyền con người. Trong Hội Thánh, có những dấu hiệu suy giảm hay mất hoàn toàn lòng tin vào tính bí tích của hôn nhân và sức mạnh chữa lành của bí tích Sám Hối.

Do đó chúng ta có thể dễ dàng hiểu được tính cấp bách của THĐGM trong việc đối diện với những thách thức này... Có rất nhiều kỳ vọng liên quan đến các quyết định của THĐGM về việc chăm sóc mục vụ cho các gia đình. Ngoài tính chất cần thiết và cấp bách của các vấn đề thiết thân với gia đình này, các quyết định của THĐGM còn là một cách diễn tả đức ái đối với những người được giao phó cho các giám mục chăm sóc và đối với toàn thể loài người.

II. GIÁO HUẤN CỦA TIN MỪNG VÀ CỦA HỘI THÁNH VỀ GIA ĐÌNH

Tin mừng về tình yêu của Thiên Chúa phải được công bố cho tất cả những ai đang cụ thể sống kinh nghiệm của đời sống lứa đôi và của sự kết hợp mang đến cho họ món quà là các con cái, đó là cộng đồng gia đình. Các giáo huấn về niềm tin vào hôn nhân phải được trình bày một cách mạch lạc và hiệu quả, để niềm tin này có thể đạt thấu trái tim và biến đổi họ tuân theo thánh ý Thiên Chúa được tỏ lộ nơi Đức Giêsu Kitô.

Việc trích dẫn các nguồn Kinh Thánh về hôn nhân và gia đình trong tài liệu này chỉ là những tham khảo cơ bản. Đối với các trích dẫn từ Huấn Quyền cũng thế, chúng được giới hạn vào tính chất phổ quát, gồm cả một số văn kiện của Hội Đồng Giáo Hoàng về Gia Đình. Mỗi giám mục tham dự THĐGM sẽ tuỳ nghi trích dẫn các tài liệu từ các Hội Đồng Giám Mục riêng của họ.

Trong mọi thời đại và trong nhiều nền văn hóa khác nhau, giáo huấn của các vị Chủ Chăn vẫn luôn luôn rõ ràng và không thiếu những chứng tá cụ thể của các tín hữu, nam cũng như nữ; trong những hoàn cảnh rất khác biệt, họ đã sống Tin Mừng gia đình như một hồng ân vô giá cho đời sống của họ và con cái họ. Mục đích của THĐGM này là muốn thông truyền sứ điệp này một cách rõ ràng và sâu sắc hơn, với hi vọng “kho tàng mặc khải được uỷ thác cho Hội Thánh ngày càng đổ đầy tâm hồn mỗi người hơn” (DV 26).

Giáo huấn Kinh Thánh về hôn nhân và gia đình: Kế hoạch của Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa và Cứu Chuộc

Vẻ đẹp của sứ điệp Kinh Thánh về gia đình bắt nguồn từ việc sáng tạo người đàn ông và người đàn bà, cả hai được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa và giống Thiên Chúa (x. St 1,24-31; 2, 4-25). Được kết hợp bởi sợi dây bí tích, những người kết hôn trải nghiệm vẻ đẹp của tình yêu, tình phụ tử, tình mẫu tử, và phẩm giá cao cả là dự phần vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa.

Trong món quà của sự kết hợp vợ chồng, họ đảm nhận trách nhiệm giáo dục những người khác cho tương lai của nhân loại. Qua việc truyền sinh, người nam và người nữ hoàn thành trong đức tin ơn gọi làm những người cộng tác với Thiên Chúa trong việc bảo vệ mọi loài thọ tạo và phát triển gia đình nhân loại.

Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nhận định trong Familiaris Consortio: “Thiên Chúa đã dựng nên con người giống hình ảnh Thiên Chúa (x. St 1,26, 27): bằng tình yêu, Người cho họ hiện hữu và đồng thời kêu gọi họ sống cho tình yêu. Thiên Chúa là tình yêu (x. 1 Ga 4,8) và trong Người, Người sống mầu nhiệm hiệp thông yêu thương giữa Ba ngôi. Khi dựng nên loài người giống hình ảnh Người và tiếp tục bảo tồn loài người, Thiên Chúa ghi tạc vào nhân tính của người nam và người nữ một ơn gọi, kèm theo khả năng và trách nhiệm, đó là ơn gọi yêu thương và hiệp thông (Gaudium et spes, 12). Vì vậy tình yêu là ơn gọi cơ bản và bẩm sinh của mỗi con người” (FC, 11).

Kế hoạch của Thiên Chúa Tạo Hóa bị tội nguyên tổ phá hỏng (x. St 3,1-24), nhưng đã được mặc khải trong lịch sử qua các sự kiện của dân được chọn cho tới lúc thời gian viên mãn, khi Con Thiên Chúa xuống thế làm người, thì không những ý định cứu rỗi của Thiên Chúa được xác nhận, mà ơn cứu độ cũng được ban theo ý định ấy.

Con Thiên Chúa, Ngôi Lời nhập thể (x. Ga 1,14) trong lòng Mẹ Đồng Trinh, đã sống và lớn lên trong gia đình Nadarét và đã dự tiệc cưới tại Cana, tại đây Người đã tăng thêm tầm quan trọng cho tiệc cưới bằng “dấu lạ” đầu tiên của Người (x. ga 2,1-11). Người vui vẻ đến thăm gia đình các môn đệ Người (x. Mc 1,29-31; 2,13-17) và Người an ủi gia đình các bạn thân thiết của Người tại Bêtania (x. Lc 10,38-42; Ga 11,1-44).

Đức Giêsu Kitô khôi phục vẻ đẹp của hôn nhân bằng cách công bố một lần nữa kế hoạch của Thiên Chúa mà sự cứng lòng của con người đã chối bỏ, cả trong truyền thống dân Ítraen (x. Mt 5,31-32; 19,3-12; Mc 10,1-12; Lc 16,18). Trở lại với lúc nguyên thủy, Đức Giêsu dạy về sự duy nhất và trung thành của vợ chồng, bác bỏ tục rẫy vợ và ngoại tình.

Chính qua vẻ đẹp tuyệt vời của tình yêu nhân loại, Đức Giêsu khẳng định phẩm giá nguyên thuỷ của tình yêu hôn nhân giữa người nam và người nữ - thứ tình yêu tuyệt vời đã được sách Diễm Ca ca tụng, cũng như sợi dây hôn nhân đã được bảo vệ bởi các ngôn sứ như Hôsê (x. Hs 1,2; 3:3) và Malakhi (x. Ml 2,13-16).

Giáo huấn của Hội Thánh về Gia Đình

Ngay từ thời Hội Thánh sơ khởi, gia đình đã được coi là “Hội Thánh tại gia” (xem GLHTCG, 1655): Trong các thư tông đồ của Tân Ước, gia đình nhân loại thời xưa được nhìn nhận là nơi gắn kết yêu thương sâu xa giữa vợ và chồng, giữa cha mẹ và con cái, và giữa người giàu và người nghèo (x. Ep 5,21-6,9; Cl 3,18-4,1;1 Tm 2,8-14; Tt 2,1-10; 1 Pr 2,13-3,7; cũng xem Thư Philêmon). Cách riêng, thư Êphêsô nhìn nhận tình yêu phu phụ như là “mầu nhiệm cao cả,” làm cho tình yêu của Đức Kitô và Hội Thánh hiện diện trong thế giới (x. Ep 5,31-32).

Trải qua các thế kỷ, đặc biệt từ thời cận đại tới hôm nay, Hội Thánh không ngừng dạy và khai triển giáo huấn của mình về gia đình và hôn nhân, nền tảng của gia đình. Công Đồng Vaticanô II đã đưa ra một trong những cách diễn tả cao đẹp nhất về gia đình trong Hiến Chế Mục Vụ Gaudium et Spes: khi đề cập đến một số vấn đề bức bách thời nay, Công Đồng đã dành hẳn một chương cho việc đề cao phẩm giá của hôn nhân và gia đình, khi Công Đồng mô tả giá trị của nó cho việc tạo thành xã hội: “Như thế, gia đình trở thành nền tảng của xã hội vì là nơi mà nhiều thế hệ gặp gỡ và giúp nhau nên khôn ngoan đầy đủ hơn cũng như giúp nhau hòa hợp những quyền lợi cá nhân với những đòi hỏi khác của cuộc sống xã hội” (GS, 52). Một điểm gây ấn tượng đặc biệt là Công Đồng kêu gọi các cặp vợ chồng phát triển trong đời sống đức tin của mình một linh đạo lấy Đức Kitô làm trung tâm: “Chính các đôi vợ chồng, được tạo thành giống hình ảnh Thiên Chúa và được phú ban phẩm giá đích thực của các nhân vị, hãy kết hợp trong tình tương thân tương ái, đồng tâm hiệp ý và thánh hóa lẫn nhau, để trong khi theo Chúa Kitô là nguyên lý sự sống, bằng những niềm vui và những hy sinh trong bậc sống và bằng tình yêu chung thủy, họ trở nên chứng nhân của mầu nhiệm tình thương mà Chúa đã tỏ ra cho thế giới qua sự chết và sự sống lại của Người” (GS, 52).

Sau Công Đồng Vaticanô II, các đấng kế vị Thánh Phêrô đã làm giàu thêm cho giáo huấn này về hôn nhân và gia đình, đặc biệt Đức Giáo Hoàng Phaolô VI với Thông Điệp Humanae vitae [Sự Sống Con Người], trong đó ngài cống hiến các nguyên tắc và hướng dẫn cụ thể. Sau đó, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong Tông Huấn Familiaris consortio đã cố gắng nhấn mạnh kế hoạch của Thiên Chúa trong các sự thật cơ bản về tình yêu hôn nhân và gia đình: “‘Nơi' duy nhất làm cho sự trao hiến ấy có thể thực hiện được với trọn cả sự thật của nó chính là hôn nhân, nghĩa là khế ước tình yêu hôn phối, hay nói cách khác, là sự chọn lựa có ý thức và tự do nhờ đó mà người nam và người nữ chấp nhận sống chung và chia sẻ tình yêu như chính Thiên Chúa đã muốn (cf.GS, 48), và cũng chỉ dưới ánh sáng này, sự chọn lựa kia mới bày tỏ tất cả ý nghĩa đích thực của nó. Định chế hôn nhân không phải là một sự can thiệp ngang ngược của xã hội và quyền bính, cũng không phải là sự áp đặt một hình thức từ bên ngoài, định chế ấy là một đòi hỏi tự bên trong khế ước tình yêu hôn phối, được xác định công khai như khế ước duy nhất và tuyệt đối để nhờ đó đôi bạn có thể sống trung thành trọn vẹn với ý định của Thiên Chúa Tạo Hoá. Sự trung thành này, thay vì giảm thiểu tự do của nhân vị, lại giúp cho tự do ấy khỏi rơi vào những thái độ chủ quan và những chủ trương tương đối và làm cho nó được tham dự vào sự khôn ngoan của Thiên Chúa Sáng Tạo (FC, 11).

Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo tập hợp tất cả các khía cạnh nền tảng của giáo huấn này: “Hôn ước mà nhờ đó người nam và người nữ tạo nên một cộng đồng sự sống và tình yêu, đã được Đấng Sáng Tạo thiết lập và phú cho những luật riêng. Tự bản chất, hôn nhân hướng đến thiện ích của đôi vợ chồng, việc sinh sản và giáo dục con cái. Hôn nhân giữa những người đã chịu phép thánh tẩy được Chúa Kitô nâng lên hàng bí tích [x. GS 48,1; CIC 1055, 1]” (GLHTCG, 1660).

Giáo lý trình bày trong Sách Giáo Lý này đụng đến cả các nguyên tắc thần học và các hành vi đạo đức, được khai triển dưới hai tựa đề riêng biệt: Bí Tích Hôn Nhân (các số 1601-1658) và Điều Răn Thứ Sáu (các số 2331-2391). Các đoạn này của sách Giáo Lý cung cấp cho chúng ta một sự hiểu biết cập nhật về giáo lý đức tin, một sự hiểu biết hỗ trợ cho hoạt động của Hội Thánh trước những thách thức của thế giới hiện đại. Khi thi hành sứ vụ mục vụ, Hội Thánh tìm được sự soi sáng trong sự thật về hôn nhân được nhìn như một phần kế hoạch của Thiên Chúa, Đấng đã dựng nên người nam và người nữ, và khi thời gian viên mãn, trong Đức Giêsu, đã mặc khải trong Đức Giêsu sự hoàn hảo của tình yêu phu phụ được nâng lên bậc bí tích. Hôn nhân Kitô giáo đặt nền trên sự đồng thuận cũng đem lại những hiệu quả của nó là các lợi ích và các nghĩa vụ của vợ chồng. Đồng thời, nó cũng không thoát khỏi các hậu quả của tội (x. St 3,1- 24), làm tổn thương sâu xa và thậm chí phương hại tới sự cao trọng của bí tích.

Thông điệp mới đây của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Lumen fidei, nói đến gia đình trong bối cảnh sự suy tư về cách mà đức tin cho thấy “các mối dây ràng buộc giữa những con người với nhau có thể vững chắc thế nào khi Thiên Chúa hiện diện giữa họ” (LF, 50). “Gia đình chính là khung cảnh đầu tiên trong đó đức tin soi sáng cho thành đô con người. Chúng ta nghĩ ngay đến sự kết hợp bền vững của người nam và người nữ trong hôn nhân. Sự kết hợp này khởi sinh từ tình yêu của cả hai, như dấu chỉ và sự hiện diện của chính tình yêu Thiên Chúa, từ thái độ hiểu biết và đón nhận sự thiện hảo nơi những khác biệt phái tính, nhờ đó vợ chồng trở thành một thân xác (x. St 2,24), có thể sinh ra một đời sống mới, tỏ lộ sự thiện hảo, khôn ngoan và kế hoạch yêu thương của Tạo Hóa. Được đặt nền trên tình yêu này, người nam và người nữ có thể đoan hứa trao cho nhau tình yêu hỗ tương trong một cử chỉ can dự đến toàn thể đời sống và nhắc đến nhiều dấu chỉ của đức tin. Việc đoan hứa yêu thương suốt đời là điều có thể thực hiện được khi chúng ta nhận ra một kế hoạch lớn hơn những dự định riêng của chúng ta, một kế hoạch sẽ nâng đỡ và cho phép chúng ta trao phó cả tương lai cho người chúng ta yêu thương” (LF, 52). “Đức tin không phải là nơi ẩn náu của những kẻ nhát gan, nhưng là nhân tố làm triển nở cuộc sống. Đức tin giúp chúng ta nhận ra một tiếng gọi tuyệt vời, tiếng gọi đến với tình yêu, và bảo đảm rằng tình yêu ấy thật đáng tin, đáng được tiếp nhận, vì được đặt nền trên sự trung thành của Thiên Chúa, vốn mạnh mẽ hơn sự yếu đuối của chúng ta” (LF, 53).

III. CÂU HỎI

1. Phổ biến các giáo huấn của Kinh Thánh và của Hội Thánh về gia đình

a) Các giáo huấn của Hội Thánh Công Giáo về giá trị của gia đình có trong Kinh Thánh, Gaudium et spes, Familiaris consortio và các tài liệu hậu công đồng khác của Huấn Quyền được người thời nay hiểu như thế nào? Chúng ta cống hiến cho các tín hữu của chúng ta sự đào luyện gì liên quan đến giáo huấn của Hội Thánh về đời sống gia đình?

b) Trong trường hợp của các tín hữu biết giáo huấn của Hội Thánh, họ có chấp nhận hoàn toàn không, hay họ gặp khó khăn khi áp dụng các giáo huấn ấy trong thực hành? Nếu thế, đó là những khó khăn nào?

c) Giáo huấn của Hội Thánh được phổ biến rộng rãi như thế nào trong các chương trình mục vụ ở cấp quốc gia, giáo phận và giáo xứ? Loại huấn giáo nào về gia đình được cống hiến?

d) Giáo huấn này trên thực tế được chấp nhận, bị bác bỏ và/hay bị phê bình trong các khu vực ngoài Giáo Hội, ở mức độ nào - và đặc biệt về những khía cạnh nào?

2. Hôn nhân theo Luật Tự Nhiên

a) Ý tưởng về luật tự nhiên có vị trí nào trong các lĩnh vực văn hóa của xã hội: trong các tổ chức, trong các giới giáo dục, học thuật và dân chúng nói chung? Thảo luận về nền tảng tự nhiên của gia đình dựa trên những ý tưởng nhân học nào?

b) Nói chung, ý tưởng về luật tự nhiên trong sự kết hợp giữa một người nam và một người nữ có được những người đã rửa tội chấp nhận đúng theo ý nghĩa của nó không?

c) Lý thuyết và thực hành của luật tự nhiên trong sự kết hợp giữa người nam và người nữ bị thách thức như thế nào trong sự hình thành của một gia đình? Nó được đề nghị và phát triển như thế nào trong các tổ chức dân sự và giáo hội?

d) Trong những trường hợp mà những người Công Giáo không sống đạo hay những người tự xưng là không tin mà yêu cầu cử hành hôn phối, vấn đề mục vụ này được xử lý như thế nào?

3. Chăm sóc mục vụ gia đình trong việc phúc âm hoá

a) Trong những thập niên qua đã có những kinh nghiệm gì liên quan đến việc chuẩn bị hôn nhân? Có những cố gắng nào để kích thích nhiệm vụ rao giảng Tin Mừng cho cặp đôi và cho gia đình? Làm thế nào có thể khơi dậy sự ý thức về gia đình như là “Hội Thánh tại gia”?

b) Bạn đã thành công thế nào khi đề nghị trong gia đình một cách cầu nguyện có khả năng đương đầu với những phức tạp của đời sống và văn hóa hôm nay?

c) Trong tình trạng khủng hoảng thế hệ hiện nay, các gia đình Kitô giáo đã có thể chu toàn ơn gọi thông truyền đức tin như thế nào?

d) Các giáo hội và các phong trào tại địa phương về linh đạo gia đình đã có thể tạo ra các cách thức hành động mẫu mực bằng cách nào?

e) Các cặp đôi và các gia đình có thể có những đóng góp cụ thể nào cho việc truyền bá một ý tưởng đáng tin và toàn vẹn về lứa đôi và gia đình Kitô giáo hôm nay?

f) Giáo hội đã có sự chăm sóc mục vụ nào để nâng đỡ các cặp đôi đang được chuẩn bị và những cặp đôi trong hoàn cảnh khủng hoảng?

4. Chăm sóc mục vụ trong các tình huống hôn nhân khó khăn

a) Tình trạng sống chung như vợ chồng (sống thử) có phải là một thực tế mục vụ trong giáo hội địa phương của bạn không? Bạn có thể đưa ra một tỷ lệ phỏng chừng không?

b) Có các sự kết hợp vợ chồng nào không được nhìn nhận bởi luật tôn giáo hay luật dân sự không? Bạn có số liệu thống kê đáng tin cậy nào không?

c)  Các cặp vợ chồng ly thân và các cặp ly hôn rồi tái hôn có phải là một thực tế trong giáo hội địa phương của bạn không? Bạn có thể cho một tỷ lệ phỏng chừng không? Bạn xử lý tình hình này thế nào trong các chương trình mục vụ của bạn?

d) Trong tất cả các trường hợp kể trên, những tín hữu đã rửa tội sống trong tình trạng rối luật này thế nào? Họ có tỏ ra dửng dưng không? Hay họ cảm thấy bị tẩy chay hay đau khổ vì không thể lãnh các bí tích?

e) Những cặp đôi đã ly hôn rồi tái hôn đặt ra cho giáo hội những câu hỏi nào về bí tích Thánh Thể và bí tích Hòa Giải? Trong số những người ở trong tình cảnh này, có bao nhiêu người xin lãnh nhận các bí tích này?

f)  Liệu việc đơn giản hóa thủ tục giáo luật bằng cách nhìn nhận việc tuyên bố sợi dây hôn nhân vô hiệu có là một đóng góp tích cực để giải quyết các vấn đề của những người liên quan không? Nếu có, nó sẽ được thực hiện dưới hình thức nào?

g) Có một sứ vụ nào để chăm lo cho các trường hợp này không? Hãy mô tả sứ vụ mục vụ này. Các chương trình như thế được thực hiện ở cấp quốc gia hay giáo phận? Lòng thương xót của Thiên Chúa được rao giảng thế nào cho những cặp đôi ly thân và những cặp ly hôn rồi tái hôn, và giáo hội thực hành việc nâng đỡ họ như thế nào trong hành trình đức tin của họ?

5. Các cuộc kết hợp giữa những người đồng tính

a) Tại quốc gia của bạn có luật nào nhìn nhận các cuộc kết hợp dân sự cho những người đồng tính và coi nó một cách nào đó cũng giống như hôn nhân không?

b) Các giáo hội địa phương có thái độ gì đối với Nhà Nước trong vai trò là người cổ vũ các cuộc kết hợp giữa những người đồng tính, và đối với những người có liên quan trong kiểu kết hợp này?

c) Có thể dành sự chú ý mục vụ nào cho những người đã chọn sống các kiểu kết hợp đồng tính này?

d) Trong trường hợp các cuộc kết hợp của những người đồng tính đã nhận con nuôi, có thể làm gì để chăm sóc mục vụ cho họ trong lĩnh vực thông truyền đức tin?

6. Giáo dục các trẻ em trong các cuộc hôn nhân trái luật

a) Có thể ước tính một tỷ lệ các trẻ em và thiếu niên trong các trường hợp này, so với các trẻ em sinh ra và nuôi dưỡng trong các gia đình truyền thống không?

b) Cha mẹ các trẻ em trong các tình huống này sống đạo thế nào? Họ yêu cầu giáo hội điều gì? Họ chỉ xin lãnh nhận bí tích thôi, hay họ cũng muốn học giáo lý và được dạy dỗ về tôn giáo nói chung?

c) Giáo hội địa phương thử làm cách nào để đáp ứng các nhu cầu của các cha mẹ các trẻ em này trong việc cung cấp cho chúng một nền giáo dục Kitô giáo?

d) Việc thực hành bí tích trong các trường hợp này thế nào: chuẩn bị, ban bí tích và đồng hành giúp đỡ?

7. Sự cởi mở của cặp vợ chồng đối với sự sống

a) Các Kitô hữu hôm nay có sự hiểu biết gì về các lời dạy của Humanae vitae về vai trò làm cha mẹ có trách nhiệm? Họ có biết cách đánh giá về mặt đạo đức các phương pháp khác nhau của kế hoạch hóa gia đình không?

b) Giáo huấn đạo đức này có được chấp nhận không? Đa số các cặp vợ chồng gặp vấn đề gì khó khăn nhất trong việc chấp nhận giáo huấn này?

c) Các giáo hội địa phương khuyến khích các phương pháp tự nhiên nào để giúp các cặp vợ chồng thực hành giáo huấn của Humanae vitae?

d) Bạn có kinh nghiệm gì về đề tài này trong việc thực hành bí tích Sám Hối và tham dự Thánh Thể?

e) Về vấn đề này, bạn thấy có những khác biệt gì giữa giáo huấn của giáo hội và nền giáo dục của xã hội?

f)  Bằng cách nào có thể cổ vũ một thái độ cởi mở hơn của các cặp vợ chồng đối với việc sinh con cái? Bằng cách nào có thể cổ vũ việc gia tăng sinh con?

8. Mối tương quan giữa gia đình và nhân vị

a) Đức Giêsu Kitô mặc khải mầu nhiệm và ơn gọi của nhân vị. Làm thế nào gia đình có thể là một nơi ưu việt để điều này có thể xảy ra?

b) Những tình huống khủng hoảng nào trong gia đình hôm nay có thể cản trở một người gặp Đức Kitô?

c) Nhiều cuộc khủng hoảng đức tin mà người ta trải nghiệm có thể ảnh hưởng tới đời sống gia đình ở mức nào?

9. Các thách thức và đề nghị khác

Theo bạn, có những thách thức hay đề nghị nào khác liên quan đến các đề tài trong các câu hỏi trên mà bạn thấy là cấp bách và ích lợi để thảo luận?

WHĐ (27.12.2020)
Trích Tập san Hiệp Thông / HĐGM VN, Số 104 (Tháng 1 & 2 năm 2018)