PHÁT TRIỂN HAY BĂNG HOẠI?
Tác giả: Hồng y
Gerhard Ludwig Müller
Người dịch: Thiên
Triệu
Từ: firstthings.com
WHĐ (29.9.2020) – Có thể có những thay đổi tận gốc
(paradigm shift) trong việc giải thích kho tàng đức tin không?
Khi phê bình Tông huấn Niềm vui của tình yêu (Amoris laetitia) của Đức Giáo hoàng
Phanxicô, một vài người đã thúc đẩy những lập trường đi ngược lại giáo huấn thường
xuyên của Hội Thánh Công Giáo, bằng cách không chấp nhận ngoại tình luôn luôn
là tội trọng khách quan, hoặc bằng cách làm cho toàn bộ nhiệm cục bí tích phải
tùy thuộc vào dự trạng chủ quan của người ta. Họ tìm cách biện minh cho lập trường
của mình bằng cách nhấn mạnh rằng qua các thời đại, đã có sự phát triển giáo
thuyết dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, một sự kiện mà Hội Thánh vẫn luôn
thừa nhận. Để củng cố lập trường của mình, họ thường nại đến những văn bản của
Đức hồng y John Henry Newman, cách riêng trong tác phẩm nổi tiếng của ngài, Essays on the Development of Christian
Doctrine (1845). Quả thật, những luận cứ của Newman rất đáng xem xét, vì những
luận cứ đó sẽ giúp chúng ta hiểu có thể chấp nhận loại phát triển nào trong những
vấn đề Tông huấn Niềm vui của tình yêu đặt
ra.
Khi Newman bắt đầu
viết cuốn Essays, ngài vẫn còn ở
trong Giáo hội Anh Giáo. Tuy nhiên, trước khi hoàn thành tác phẩm này, ngài đã
bỏ Giáo hội Anh Giáo để bước vào mối hiệp thông trọn vẹn với Hội Thánh Công
Giáo. Xét như một người thuộc Anh Giáo, ngài đã là một trong những người khởi
xướng phong trào Oxford. Phong trào này nhắm mục đích hiệp nhất các Kitô hữu bằng
cách kêu gọi Kitô hữu thuộc các Giáo hội trở về với những truyền thống lâu đời
nhất của Hội Thánh, như được chứa đựng trong Kinh Thánh và trong những văn bản
của các Giáo phụ. Newman là một chuyên viên về Giáo phụ học, và lúc đầu ngài
nghi ngờ về những giáo huấn được phát triển sau này trong thời Trung Cổ. Chính
những giáo huấn này trong thời gian dài đã khiến ngài không muốn trở lại với Hội
Thánh Rôma. Đối với ngài, xem ra những giáo huấn đó không tương hợp với những
nguyên lý căn bản của Kitô giáo, hoặc ít ra không phát xuất từ Kinh Thánh và những
truyền thống cổ xưa nhất của các Giáo phụ. Đối với ngài, việc người Công Giáo
tôn kính Đức Trinh Nữ Maria và các thánh xem ra đi ngược lại ý tưởng Đức Kitô
là Đấng trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và nhân loại. Những ví dụ khác mà
Newman cho rằng chỉ có bên Công Giáo, không dựa trên Kinh Thánh và các Giáo phụ
là: quyền tối thượng của Giáo hoàng, giáo thuyết về biến bản thể, đặc tính hy tế
của Thánh Lễ, luyện ngục, ân xá, lời khấn dòng, bí tích Truyền chức thánh. Đây
cũng là những vấn đề chính gây tranh cãi thời Cải Cách.
Lúc đầu Newman
coi Anh Giáo như nẻo đường trung dung (via media), giữa một bên là Cải Cách
hoàn toàn chối bỏ truyền thống, và một bên là Công Giáo tuyệt đối hóa truyền thống.
Tuy nhiên việc nghiên cứu các Giáo phụ đã giúp Newman nhận ra rằng đã có sự
phát triển giáo thuyết trong thời gian Kitô giáo chưa bị phân chia. Sự cần thiết
phát triển đó phát xuất từ bản tính của mặc khải là mặc khải có tính lịch sử.
Đó là hệ quả của sự hiện diện của Lời thần linh trong ngôn ngữ nhân loại và sự
hiểu biết của con người. Các Công đồng trong 8 thế kỷ đầu tiên đã hình thành
tín điều Ba Ngôi về Thiên Chúa duy nhất trong ba ngôi vị, và tín điều Kitô học
về ngôi hiệp, sự hiệp nhất của hai bản tính nơi Ngôi vị thần linh của Đức Kitô.
Những định nghĩa này là kết quả của sự phát triển lâu dài và khó khăn. Tương tự
như thế, các tín điều về tội Tổ tông và tính nhưng không tuyệt đối của ân sủng
phát xuất từ những công trình trí thức vĩ đại của các Giáo phụ, qua đó các ngài
đã thành công trong việc bảo vệ Hội Thánh khỏi sự hủy hoại của những lạc giáo
như Ảo thân thuyết, Ariô (Arianism), Nhất tính (Monophysitism), và Pêlagiô
(Pelagianism). Nếu những lạc giáo này thắng thế, có lẽ Kitô giáo đã bị hủy diệt.
Cách thế chống lại các lạc giáo rõ ràng là phải tìm ra những công thức mới diễn
tả đức tin, chẳng hạn tuyên bố chống lại Apollonarianism liên quan đến mầu nhiệm
Nhập Thể và việc Ngôi Lời vĩnh cửu đảm nhận trọn vẹn bản tính nhân loại: “Điều
không được đảm nhận thì không được cứu độ”.
Dĩ nhiên, nói đến
sự phát triển giáo thuyết không có nghĩa là giải thích Kitô giáo lịch sử theo thuyết
duy tâm, duy lịch sử, hoặc duy tân của Đức. Những người cổ vũ các chủ thuyết
trên nghĩ về Thiên Chúa, hay Tuyệt Đối, như là “tiên thiên siêu nghiệm”, nghĩa
là như điều kiện cần thiết chủ quan của lý trí và kinh nghiệm nơi chúng ta, có
trước kinh nghiệm của chúng ta nhưng không bao giờ có thể là đối tượng của kinh
nghiệm. Cũng vậy, Tuyệt Đối là điều kiện của tư tưởng và ngôn ngữ nơi chúng ta,
nhưng Tuyệt Đối đó lại không thể diễn tả bằng ngôn ngữ và ý niệm. Theo cách tiếp
cận này, mọi tín điều của đức tin Công Giáo chỉ là những công thức tạm thời để
diễn đạt cảm thức tôn giáo không ngừng thay đổi, được tìm thấy trong ý thức tập
thể của Hội Thánh. Do đó, cả những công thức mà chúng ta gọi là tín điều cũng ở
trong sự vận hành này và vì vậy có thể thay đổi. Theo lý thuyết này, những công
thức giáo thuyết nhắm mục đích hiệp nhất tín hữu với Đấng Tuyệt Đối, chứ tự nó
không thực sự diễn tả chân lý mặc khải. Theo đó, có lẽ chúng ta không thực sự
tin vào Thiên Chúa nhưng là tin vào những hiện tượng của trí tưởng tượng và những
âm vang của nó trong ngôn ngữ. Thế nhưng, khi nói đến sự phát triển giáo thuyết,
Newman – và cùng với ngài là cả Hội Thánh – không nghĩ về sự phát triển theo
thuyết duy tâm như vừa trình bày. Cách hiểu đó đi ngược lại sự viên mãn của
chân lý hiện diện nơi con người lịch sử là Đức Giêsu Kitô, Ngôi Lời nhập thể.
Một vấn đề nền tảng
trong triết học hiện đại là mối tương quan giữa chân lý và lịch sử. Trong thời
tính của nó, xem ra lịch sử là nơi diễn ra những gì chóng qua, hay thay đổi, bất
tất, đang khi đó chân lý vượt trên thời gian, luôn vững chắc và chỉ có trong
lãnh vực thần linh. Như thế, chân lý không bao giờ hoàn toàn ở trong tầm với của
con người hữu hạn, vốn có thể tiến tới gần hơn nhưng không bao giờ ôm trọn được
chân lý. Ngược lại, thần học Kitô giáo không khởi đi bằng câu hỏi làm thế nào -
trong những điều kiện của hiện hữu lịch sử - có thể nhận biết chân lý, nhưng
Kitô giáo khởi đi với sự kiện là Thiên Chúa tự-mặc-khải chính mình trong thời
gian. Mầu nhiệm Nhập Thể không phải là một ý tưởng nhằm giúp chúng ta nắm được
ý nghĩa về Chúa Giêsu qua những ý niệm. Đúng hơn, Nhập Thể là một sự kiện, hành động của Thiên Chúa trong
lịch sử. Suy nghĩ về điều đó, Hội Thánh từ từ ý thức hơn về tất cả những gì mà
biến cố này (Nhập Thể) hàm chứa và giả định. Sự hiểu biết đức tin (intellectus
fidei) giả thiết sự lắng nghe của đức tin (auditus fidei). Chúa Giêsu xuất hiện
trong “sự viên mãn của thời gian” (x. Mc 1,15; Gal 4,4). Trong “sự viên mãn của
thời gian”, Thiên Chúa đã sai Con của Ngài, sinh bởi Đức Trinh Nữ Maria, vào
trong thế giới và trong lịch sử, để hoàn tất công trình cứu độ, giao hòa chúng
ta với Thiên Chúa, một lần cho tất cả, và hướng tư tưởng, hành động của chúng
ta đến chân lý và sự thiện của Thiên Chúa.
Liên quan đến bản
chất của các công thức đức tin, chúng ta không thể thêm thắt hoặc rút bớt bất cứ
điều gì. Tuy nhiên, trong những nỗ lực của Hội Thánh để chống lại các lạc thuyết
và để hiểu biết sâu xa hơn các chân lý mặc khải, có thể có sự tăng trưởng trong
các công thức đức tin. Chẳng hạn, filioque
– nghĩa là định nghĩa đức tin rằng Chúa Thánh Thần nhiệm xuất từ Chúa Cha và Chúa Con – điều này không thêm bất cứ
điều gì vào niềm tin Ba Ngôi. Công thức này chỉ cung cấp cách diễn tả rõ ràng
hơn về một chân lý đã được nhận biết, tức là Thánh Thần không phải là Người Con
thứ hai của Thiên Chúa. Sự phát triển giáo thuyết theo nghĩa đó quy chiếu về tiến
trình qua đó Hội Thánh, trong ý thức đức tin của mình, được hiểu biết sâu hơn về
mặt nhận thức sự tự mặc khải của Thiên Chúa. Theo Thánh Tôma Aquinô, mọi công
thức đức tin “đã được chứa đựng cách mặc nhiên trong một vài điều căn bản của đức
tin, ví dụ sự hiện hữu của Thiên Chúa và sự quan phòng của Ngài” (Summa theologiae, II-II, 1,7). Phát triển
giáo thuyết là điều có thể, bởi lẽ mọi chân lý mặc khải đều liên kết với nhau
trong chân lý duy nhất của Thiên Chúa, và những chân lý ẩn tàng có thể được làm
sáng tỏ hơn. Nói cho cùng, những công thức giáo thuyết tự nó không phải là đối
tượng của hành vi đức tin. Đúng hơn, đức tin của các tín hữu quy chiếu về chính
thực tại Thiên Chúa và chân lý của Ngài trong Đức Kitô. Như Thánh Tôma diễn tả:
“Hành động (tin) của người tín hữu không kết thúc ở một mệnh đề nhưng là một sự
vật (thực tại)” (Summa theologiae,
II-II, 1,2). Tuy nhiên, trái ngược với chủ trương của thuyết duy tân, các công
thức đức tin thực sự quy về sự nhận biết Thiên Chúa, chứ không chỉ là những diễn
đạt ý thức chủ quan của chúng ta về Thiên Chúa.
Lý do sâu xa nhất
để bảo tồn căn tính của Mặc khải trong sự liên tục của đời sống Hội Thánh là ở
mầu nhiệm Ngôi hiệp, tức là sự kết hợp hai bản tính nhân loại và thần linh
trong Ngôi vị thần linh duy nhất là Đức Giêsu Kitô. Những lời Người nói để mặc
khải chương trình cứu độ của Thiên Chúa cho chúng ta qua trung gian ngôn ngữ
nhân loại (x. Ga 3,34; 6,68), những lời ấy được liên kết với nhau trong ngôi vị
của LỜI duy nhất, Lời là Thiên Chúa và đã thành xác phàm (x. Ga 1,14). Lời
Thiên Chúa đến với chúng ta qua việc rao giảng của con người (x. 1Tes 2,13); hiện
diện qua lời con người, với từ ngữ và văn phạm của nó. Do đó, có thể và cần thiết
phải lớn lên, cá nhân cũng như cộng đoàn, trong sự hiểu biết về mặc khải đã được
ban cho chúng ta trong Đức Kitô, một lần thay cho tất cả. Rõ ràng là thần học
Công giáo đã nhận biết sự kiện và nhu cầu của việc phát triển tín điều. Xét như
là tôn giáo của Lời nhập thể, tôn giáo của Đấng Thiên Chúa tự mặc khải mình
trong lịch sử, Kitô giáo phải giữ vững giáo thuyết đức tin trong tiến trình
liên tục, qua đó Hội Thánh ngày càng hiểu sâu sắc hơn các mầu nhiệm đức tin. Nguyên
lý này nội tại trong chính mặc khải. Như Đức hồng y Newman diễn tả: “Sự thực hiện
từ đầu đến cuối nguyên lý phát triển nơi các chân lý mặc khải, (sự kiện đó) là
luận cứ bênh vực sự đồng nhất giữa Kitô giáo Rôma và Kitô giáo thời sơ khai”.
Bây giờ chúng ta
đi tới câu hỏi chính mà Newman muốn trả lời trong Essays, cuốn sách nổi tiếng của ngài. Vì mặc khải là sự thông ban
chính mình của Thiên Chúa qua trung gian là hiện hữu lịch sử của Đức Kitô và Hội
Thánh của Người, nên chúng ta cần có những tiêu chuẩn để nhận biết sự khác biệt
giữa một bên là sự phát triển đích thực của giáo thuyết và một bên là điều mà
Newman gọi là sự băng hoại. Phát triển có nghĩa là tăng trưởng trong sự hiểu biết
những thực tại thiêng liêng và thần học, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần
(x. Hiến chế Mặc Khải, số 8). Sự tăng
trưởng này không xảy ra vì bất cứ nhu cầu tự nhiên nào, cũng chẳng liên quan gì
đến niềm tin vào sự tiến bộ. Thật vậy, cũng như trong đời sống thiêng liêng cá
nhân, sự sống có thể thoái hóa. Sự ù lì nguy hiểm có thể xảy ra trong Hội
Thánh, chẳng hạn khi các nhà thần học tài năng hoặc những tổ chức khoa học
không được thúc đẩy đủ, hoặc khi các Giám mục được bổ nhiệm lại là những người
không được trang bị tốt cho nhiệm vụ quan trọng là giảng dạy (x. Hiến chế Giáo hội, số 25). Các Giám mục không thuộc
về vùng biên nhưng là ở trung tâm của sự chính thống.
Những tiêu chuẩn
mà Newman đưa ra thật hữu ích để giúp chúng ta thấy nên đọc thế nào Tông huấn Amoris laetitia của Đức Giáo hoàng
Phanxicô. Hai tiêu chuẩn đầu tiên là “sự bảo tồn loại hình” và “tính liên tục của
các nguyên lý”. Có nghĩa là phải bảo đảm sự vững bền của cấu trúc nền tảng của
đức tin. Những nguyên lý và loại hình này ngăn cản chúng ta đừng nói đến “sự
thay đổi tận gốc” (paradigm shift) liên quan đến hình thái hiện hữu và hiện diện
của Hội Thánh trong thế giới. Chương VIII trong Tông huấn Amoris laetitia đã là đối tượng của những cách giải thích khác
nhau, và trong bối cảnh đó, một vài người nói đến “sự thay đổi tận gốc”, điều
đó xem ra như lại rơi vào cách giải thích đức tin Công giáo theo hướng của thuyết
duy tân và duy chủ thể. Vào năm 1962, Thomas Kuhn là người đã giới thiệu một ý
tưởng gây tranh cãi nhưng cũng gây ảnh hưởng lớn trong cuộc tranh luận về triết
lý khoa học, đó là “paradigm shift”. Trong bối cảnh đó, từ ngữ này mang một nội
dung rõ ràng và thiên về kỹ thuật. Thế nhưng ở ngoài bối cảnh đó, từ ngữ này
cũng được sử dụng thường xuyên để nói đến sự thay đổi căn bản trong những hình
thái tư duy và ứng xử xã hội (vì thế ở đây xin tạm dịch paradigm shift là sự
thay đổi tận gốc). Với các Kitô hữu thì sao? “Đức Kitô hôm qua, hôm nay và mãi
mãi chỉ là một” (Dt 13,8). Đây chính là paradigm (mô hình) của chúng ta, và
chúng ta sẽ không tráo đổi lấy bất cứ mô hình nào khác, “vì không ai có thể đặt
nền móng nào khác ngoài nền móng đã đặt sẵn là Đức Giêsu Kitô” (1Cr 3,11).
Để chống lại thuyết
Ngộ đạo vốn muốn tỏ ra mình là quan trọng bằng cách cung cấp những mặc khải và
thị kiến mới, Thánh Irênê viết: “Hãy biết rằng Đức Kitô đã đem đến tất cả sự mới
mẻ bằng cách đem đến chính mình Người”. Trong hậu bán thế kỷ II, Thánh Irênê đã
đưa ra những nguyên lý căn bản của đức tin Công giáo khi ngài đáp trả những
thách thức của thuyết Ngộ đạo. Trước hết, mặc khải cần được đón nhận như một sự
kiện lịch sử. Mặc khải này được chứa đựng trong kho tàng đức tin – tức là giáo
huấn của các Tông đồ - và kho tàng đó, trong tất cả chân lý và sự toàn vẹn, đã
được trao cho Hội Thánh để gìn giữ và giải thích cách trung thành. Phương pháp
riêng để giải thích mặc khải đòi hỏi sự làm việc chung của ba nguyên lý: Kinh
Thánh, Truyền thống tông đồ, và sự kế nhiệm tông đồ của các Giám mục Công giáo.
Hội Thánh Rôma nói chung và các Giám mục nói riêng không chấp nhận thuyết Ngộ đạo
vì nó đưa ra một nguyên lý giải thích mới, qua đó làm cho giáo huấn Hội Thánh
đi theo một hướng đi hoàn toàn khác. Thực vậy, Thánh Irênê so sánh giáo thuyết
Kitô như một bức mosaic, ở đó các viên đá được sắp xếp để tạo hình vị Vua. Theo
ngài, thuyết Ngộ đạo cũng dùng cùng những viên đá đó nhưng lại thay đổi thứ tự.
Hậu quả là thay vì tạo hình vị Vua, nó lại tạo hình con cáo, kẻ lường gạt. Hóa
ra người ta có thể phạm tội chống lại đức tin Công giáo không chỉ khi chối từ một
vài nội dung đức tin, nhưng còn bằng cách thay đổi những nguyên lý chính trong
nhận thức đức tin.
Ở đây chúng ta có
thể nghĩ đến cuộc cải cách của Tin Lành. Nguyên lý mới của họ là Sola Scriptura – Chỉ Kinh Thánh mà thôi.
Nguyên lý mới này đã khiến giáo thuyết đức tin Công giáo, như đã phát triển đến
thế kỷ 16, bị thay đổi tận gốc. Sự hiểu biết nền tảng về Kitô giáo biến thành
cái gì đó hoàn toàn khác. Ơn cứu độ được đạt tới chỉ nhờ đức tin mà thôi – sola fide, đến nỗi mỗi tín hữu không còn
cần đến sự trợ giúp của trung gian Hội Thánh. Hậu quả là các nhà cải cách đã rũ
bỏ tận căn những tín điều liên quan đến bảy bí tích và cơ cấu giám mục, giáo
hoàng trong Hội Thánh. Nếu hiểu theo nghĩa này thì không thể có paradigm shift
(thay đổi tận gốc) trong đức tin Công giáo. Bất cứ ai nói đến cuộc cách mạng
Copernic trong thần học luân lý, biến sự vi phạm trực tiếp những điều răn của
Thiên Chúa thành quyết định đáng khen của lương tâm, thì hiển nhiên người đó đã
nói nghịch lại đức tin Công giáo. Luân lý hoàn cảnh vẫn là lý thuyết luân lý
sai lầm, kể cả nếu người ta cho rằng có thể tìm thấy trong Tông huấn Niềm vui của tình yêu.
Ngoài những vấn đề
về tội trọng khách quan, những đề nghị giải thích lại giáo thuyết Công giáo
trong ánh sáng Tông huấn Niềm vui của
tình yêu còn chạm đến nhiệm cục bí tích mà ngày nay người ta cho rằng tùy
thuộc dự trạng chủ quan của mỗi tín hữu trước mặt Chúa. Ở đây chúng ta cần nhắc
lại rằng không có thẩm quyền nào trong Hội Thánh có thể coi thường trật tự của
ân sủng qua trung gian bí tích, ân sủng đó dựa trên những tương quan cụ thể mà
chúng ta sống về mặt xác thể. Do đó, một người Công giáo không thể lãnh nhận
các bí tích cách xứng hợp nếu người đó không quyết tâm giã từ lối sống đối nghịch
với những giáo huấn của Đức Kitô. Thật vậy, đối với Newman, nguyên lý bí tích nằm
trong những nguyên lý trung tâm của Kitô giáo, không thể thay đổi.
Thế còn những ghi
nhận khác mà Newman liệt kê để phân biệt sự phát triển đích thực với sự băng hoại
hay suy đồi thì sao? Có một vài ghi nhận đáng được xem xét để soi sáng cho cuộc
tranh luận hiện nay. Chúng ta có thể xem ghi nhận thứ ba mà Newman gọi là “Sức
sáp nhập” (Power of assimilation). Theo Newman, sự phát triển đích thực diễn ra
khi Kitô giáo có thể sáp nhập môi trường chung quanh, hướng dẫn và thay đổi văn
hóa của nó. Ngược lại, sự băng hoại xảy ra khi môi trường sáp nhập Kitô giáo
theo nó. Như vậy, một paradigm shift (thay đổi tận gốc), qua đó Hội Thánh chạy
theo những tiêu chuẩn của xã hội hiện đại và bị nó sáp nhập, thì đâu phải là
phát triển nhưng là băng hoại.
Ở ghi nhận thứ
tư, Newman nói đến sự cần thiết của một “diễn trình hợp lý” trong những bước
phát triển. Để có được sự phát triển lành mạnh, cần phải tiến hành trong sự
liên tục hợp lý với những giáo huấn trong quá khứ. Thử hỏi có bất cứ sự liên tục
hợp lý nào giữa Tông huấn về Gia đình Familiaris
Consortio, số 84 – dạy rằng người đã ly dị nay sống trong cuộc hôn nhân mới
phải quyết tâm sống tiết dục, nếu không, họ không được lãnh nhận các bí tích –
và sự thay đổi kỷ luật mà một vài người đang đề nghị chăng? Chỉ có hai chọn lựa.
Hoặc người ta có thể minh nhiên khước từ tính vững chắc của Familiaris Consortio, số 84, như thế là
chối từ ghi nhận thứ sáu của Newman về “Hoạt động bảo tồn quá khứ”. Hoặc người
ta cố gắng chứng minh rằng Familiaris
Consortio, số 84 đã mặc nhiên tiên
liệu sự đảo ngược kỷ luật trước đây được giảng dạy cách minh nhiên. Thế nhưng nếu đọc văn bản của Thánh Gioan Phaolô cách
nghiêm túc thì thấy suy nghĩ đó đã vi phạm những luật căn bản về luận lý, chẳng
hạn nguyên lý không-mâu-thuẫn.
Khi “sự thay đổi
mục vụ” trở thành một từ ngữ được một vài người dùng để diễn đạt kế hoạch của họ
là gạt sang một bên những giáo huấn của Hội Thánh, cứ như thể giáo thuyết là sự
cản trở đối với việc chăm sóc mục vụ, thì lên tiếng chống lại họ là một bổn phận
của lương tâm. Thánh Hiêrônimô, Augustinô, Tôma Aquinô và nhiều vị thế giá khác
đã xem sự kiện xảy ra ở Antiôkia mang ý nghĩa mẫu mực. Ở đó, Phaolô công khai
chống lại Phêrô là “đã không thẳng thắn về chân lý Phúc Âm” (Gal 2,14), do cách
ứng xử không rõ ràng của Phêrô. Điều quan trọng cần nhắc lại là Đức Giáo hoàng,
xét như một “cá nhân riêng tư” (Hiến chế Giáo
hội, số 25) hoặc như một người anh em giữa các anh em, không thể lấy nền thần
học và cách sống riêng của mình hoặc linh đạo của hội dòng mình để áp dụng cho
toàn thể Hội Thánh. Vâng phục hiểu như lời khấn dòng thì khác với sự vâng phục
đức tin mà mọi tín hữu Công giáo phải có đối với mặc khải và trung gian Hội
Thánh. Các Giám mục bị buộc phải vâng lời Đức Giáo hoàng do quyền tối thượng về
pháp lý chứ không do lời khấn hứa cá nhân. Nhiệm vụ của Giáo hoàng và Giám mục
là để phục vụ việc duy trì sự hiệp nhất đức tin và hiệp thông. Do đó một trong
những nhiệm vụ đầu tiên của Giáo hoàng và các Giám mục là phải ngăn ngừa sự cực
đoan và não trạng phe nhóm.
Tất cả những điều
này có nghĩa là trong việc thi hành tác vụ giảng dạy, sẽ không đủ nếu Huấn quyền
chỉ nại đến quyền pháp lý và kỷ luật, như thể các giáo huấn chẳng là gì khác
hơn chuyện theo chủ nghĩa duy thực nghiệm về mặt lề luật và giáo huấn. Đúng
hơn, Huấn quyền phải tìm cách trình bày cho thuyết phục, chỉ cho thấy việc
trình bày đức tin của mình được kết nối và liên tục với tất cả Truyền thống ra
sao. Thẩm quyền giáo huấn của một vị Giáo hoàng dựa trên tính liên tục của ngài
với các giáo huấn của những vị Giáo hoàng trước. Thật vậy, nếu một Giáo hoàng
có quyền xóa bỏ những giáo huấn bó buộc của các vị tiền nhiệm, kể cả nếu ngài
có quyền giải thích lại Kinh Thánh ngược lại với ý nghĩa hiển nhiên của Kinh
Thánh, thì rồi tất cả những quyết định của ngài về mặt giáo thuyết cũng có thể
bị vị kế nhiệm xóa bỏ, rồi vị kế nhiệm sau đó cũng lại có thể xóa bỏ hoặc lấy lại
tất cả những gì ngài thích. Khi đó chúng ta không còn chứng kiến sự phát triển
giáo thuyết nữa, nhưng chứng kiến cảnh tượng đau đớn vì con thuyền Phêrô bị mắc
cạn trên bãi biển.
Gần đây có những
nhóm Giám mục hoặc các Hội đồng giám mục riêng lẻ đã ra những hướng dẫn về việc
lãnh nhận các bí tích. Để những hướng dẫn này được chính thống, sẽ không đủ nếu
họ chỉ tuyên bố là nó phù hợp với những ý định của Đức Giáo hoàng trong Tông huấn
Niềm vui của tình yêu, Amoris laetitia.
Những hướng dẫn đó chỉ chính thống nếu phù hợp với các lời của Đức Kitô, được bảo
tồn trong kho tàng đức tin. Cũng thế, khi các Hồng y, Giám mục, Linh mục và
Giáo dân xin Đức Giáo hoàng làm sáng tỏ về những vấn đề này, thì điều họ yêu cầu
không phải là làm sáng tỏ ý kiến của Giáo hoàng, nhưng họ tìm sự sáng tỏ về
tính liên tục giữa giáo huấn của Amoris
laetitia với toàn bộ Truyền thống.
Những ai tìm cách
thích nghi sứ điệp Tin Mừng với não trạng của thế gian này, rồi nại đến thế giá
của Đức hồng y Newman, xin hãy xem xét lại điều ngài nói về tính liên tục của Hội
Thánh. Theo Newman, có thể nhận diện Hội Thánh đích thực qua đường lối không
thay đổi, nơi đó nhân loại nhận ra Hội Thánh qua các thế kỷ, kể cả giữa những
phát triển. Như Newman nói, trong mắt nhìn của nhân loại, Hội Thánh là “sự hiệp
thông tôn giáo tin rằng được Thiên Chúa thực hiện và coi tất cả những thực thể
tôn giáo khác là lạc giáo và vô tín; đó là một thân thể được tổ chức chặt chẽ,
kỷ luật cao”. Sự hiệp thông này “trải rộng khắp thế giới; có thể yếu hoặc không
đáng kể nơi này nơi khác, nhưng xét về toàn thể, sự hiệp thông đó mạnh mẽ nhờ
tính liên tục của nó”. Sự hiệp thông đó là “kẻ thù tự nhiên của các chính quyền
bên ngoài; sự hiệp thông đó bao trùm và cương quyết, hướng đến việc định hình lại
xã hội; nó phá bỏ lề luật, phân chia các gia đình. Sự hiệp thông đó bị coi là
mê tín dị đoan, bị cáo buộc những tội ác điên rồ nhất; bị giới trí thức của thời
đại khinh bỉ”. Và Newman kết luận: “Nhưng có một sự hiệp thông như thế đó. Hãy
đặt bức tranh mô tả này trước mặt Pliny hoặc Julian, trước Frederick II hoặc
Guizot[1]… Họ
sẽ nhận ra ngay sự mô tả đó muốn nói đến cái gì, không cần hỏi han chi”. Ngày
nay Newman có thể tìm thấy sự hiệp thông đó ở đâu?
Trích Tập san Hiệp Thông / HĐGM VN, Số 108 (Tháng 9 & 10 năm 2018)
[1] Pliny (23-79): Tác giả người Rôma, viết cuốn
Naturalis Historia (Lịch sử tự nhiên), được coi như mô hình cho Từ điển bách
khoa (Encyclopedia) sau này. Julian: Hoàng đế Rôma từ năm 361-363.
Frederick
II: Hoàng đế Rôma (1194-1250).
Guizot
(1787-1874): Sử gia và chính khách người Pháp.