TÔNG HIẾN PASCITE GREGEM
DEI
ĐỨC ÁI MỤC TỬ VÀ SỰ HỢP TÌNH HỢP LÝ CỦA GIÁO LUẬT
Lm. Giuse Huỳnh
Văn Sỹ
Đại diện Tư pháp
Giáo phận Qui Nhơn
Mục lục 1.2 Ý nghĩa của việc canh tân hình luật 3.3 Các phương dược hình sự và việc sám hối 4.14 Tội phạm dâm ô đối với đối tượng đặc biệt |
1. NHẬN XÉT CHUNG
1.1 Mục đích canh tân hình luật
Những năm gần
đây nhiều khoản luật trong bộ giáo luật 1983 đã được canh tân[1], đặc biệt vào ngày
23.05.2021 Đức Giáo Hoàng Phanxicô ban hành tông hiến “Pascite Gregem Dei”, qua đó quyển VI đã được sửa đổi cho phù hợp với
hoàn cảnh và có thêm những chế tài xử phạt một số vi phạm hình sự mới. Theo
Tông hiến, sự thay đổi quyển VI vừa đem lại những tiêu chí khách quan khi áp dụng
hình phạt, vừa nhắc nhở trách nhiệm nơi các mục tử trong việc thực thi bác ái
và nghiêm túc giữ gìn kỷ luật, tức là xoa dịu các vết thương và tránh các điều
xấu nghiêm trọng. Hơn nữa, việc canh tân này còn nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng
rộng lớn hơn nơi các cộng đoàn muốn tái lập công lý, sửa phạt tội nhân và sửa
chữa những vụ việc tai tiếng. Bản văn quyển VI canh tân đã có hiệu lực vào
08.12.2021.
Quyển VI của bộ
giáo luật 1983 đem lại những cải cách đáng kể so với bộ luật 1917, chẳng hạn bố
cục với tên gọi và phân chia sắp xếp hợp luận lý, số hình phạt ít đi;
có tính mục vụ nhiều hơn; chú ý bảo vệ quyền lợi tín hữu[2].Tuy nhiên cùng với thời gian
và những hoàn cảnh lịch sử thay đổi, có nhiều điều của quyển VI không đáp ứng với
những nhu cầu do hoàn cảnh đặt ra, nên Giáo Hội thầy cần có sự cải cách. Tông
hiến Pascite Gregem Dei cho
ta thấy một sự cải cách về hình luật (Quyển VI) chính yếu là nhằm để tránh các
điều nghiêm trọng hơn và để xoa dịu các tổn thương do tội phạm gây ra.
1.2 Ý nghĩa của việc canh tân hình
luật
Nhờ sự canh tân
này, mà các mục tử có “một công cụ cứu độ
và sửa chữa uyển chuyển hơn, cần được sử dụng cách có ý thức và với đức ái mục
tử để tránh những điều xấu nghiêm trọng hơn và xoa dịu các vết thương do sự yếu
đuối của con người gây nên” (Pascite
Gregem Dei).
Hơn nữa, Quyển
VI được canh tân đã nêu rõ các khía cạnh nền tảng của hình luật và “mang lại cho các đấng bản quyền và các thẩm
phán những tiêu chí khách quan để xác định áp dụng hình phạt thích hợp nhất
trong một trường hợp cụ thể” (Pascite
Gregem Dei), giảm bớt sự tùy tiện, duy trì sự thống nhất trong Giáo Hội khi
áp dụng hình phạt.
Tông hiến cũng
nhắc nhở trách nhiệm của Giám mục và Bề trên cộng đoàn trong việc áp dụng áp dụng
hình luật cách cụ thể. “Việc thiếu nhận
thức về mối tương quan mật thiết tồn tại trong Giáo Hội giữa việc thực thi đức
ái và việc nại đến - khi hoàn cảnh và công lý đòi hỏi – kỷ luật trừng phạt”
là nguồn gốc của nhiều chểnh mảng trong quá khứ. Nói cách khác cần phải áp dụng
hình phạt khi cần.
Sau cùng Tông hiến
đặc biệt lưu ý rằng “Đức ái đòi hỏi các vị chủ chăn phải nại đến hệ thống hình
sự thường xuyên khi cần thiết, bằng việc quan tâm đến ba mục đích cần thiết
hình luật trong cộng đoàn Giáo hội, tức là tái lập những đòi hỏi của công lý, sửa
phạt tội nhân và sửa chữa những vụ tai tiếng”.
Quyển VI được
canh tân có nhiều thay đổi đáng kể. Quyển VI mới canh tân cũng giữ con số 89 điều
luật (từ 1311 đến 1399). Tuy nhiên trong số đó có những tu chính quan trọng: 63
điều đã được sửa đổi (71%), 9 điều khác được di chuyển, (10%) trong khi chỉ có
17 điều không thay đổi (19%) so với Quyển VI trước khi canh tân.
Nói chung, bản
văn mới có nhiều thay đổi về nội dung đối với luật hiện hành, đưa ra những hình
phạt cho một số tội phạm mới. Về mặt kỹ thuật, cũng có những cải thiện, đặc biệt
là liên quan đến các khía cạnh cơ bản của luật hình sự, như quyền bào chữa, thời
hiệu tố tụng hình sự, xác định chính xác hơn hình phạt bằng cách đưa ra các
tiêu chí khách quan khi thêm hình phạt, giảm bớt sự tùy tiện của người có quyền
quyết định và nhờ đó tạo sự thống nhất của Giáo Hội trong việc áp dụng các hình
phạt[3].
Quyển VI được
canh tân theo Tông hiến mới giữ lại hình thức và cấu trúc như cũ[4].
Quyển VI canh
tân có tựa đề “De poenalibus sanctionibus
in Ecclesia” (Chế tài hình sự trong Giáo Hội) và cũng được chia thành hai
phần như trước: Phần I: Tội phạm và hình phạt nói chung (đ. 1311-1363) và phần
II: Hình phạt cho từng tội phạm (đ. 1364-1399). Cấu trúc của quyển VI sau khi
đã canh tân vẫn giữ nguyên như cũ với cùng 89 khoản luật nhưng nội dung lại được
thay đổi nhiều.
2. ĐẶC ĐIỂM HÌNH LUẬT CANH
TÂN CỦA GIÁO HỘI
2.1. Nội dung rõ ràng và chính xác
hơn
Quyển VI trong bộ
giáo luật canh tân có 89 điều (1311-1399) so với 220 điều trong bộ luật
1917, và giữ nguyên như trong giáo luật 1983. Có nhiều lý do cho việc rút
gọn nầy so với giáo luật 1917[5], và hiện nay quyển VI mới
canh tân có đưa thêm một số tội danh khác cũng như định rõ một số tội khác cho
chính xác và rõ ràng hơn.
Trước hết, những
tội đặc biệt nổi lên trong những năm gần đây đã được đưa vào bộ luật, như truyền
chức cho phụ nữ, về bí tích Hòa giải và bí tích Thánh thể.
Một số tội phạm
trong bộ luật 1917 trước đây không đưa vào bộ luật 1983 thì giờ đây cũng đã được
đưa trở lại. Ví dụ, tham nhũng, ban bí tích cho những người bị cấm, sự che
giấu của người có thẩm quyền về các trường hợp bất hợp luật hoặc các vạ của các
ứng viên lên chức thánh. Ngoài ra, một số tội danh mới cũng được đưa thêm vào,
chẳng hạn như không tố giác tội phạm, từ bỏ chức vụ bất hợp pháp, sai trái
trong việc chuyển nhượng và quản trị tài sản của Giáo Hội…
Tội lạm dụng
tình dục trẻ em được quy về tội chống lại nhân phẩm con người (cũng như tội phá
thai và giết người cũng xếp vào loại này) chứ không coi là tội vi phạm nghĩa vụ
của giáo sĩ. Tội này còn có thể quy trách đối với tu sĩ hay giáo dân có chức vụ
trong Giáo Hội khi lạm dụng quyền lực hay dùng bạo lực vi phạm kể cả đối với
người trưởng thành.
2.2. Dung hòa tính mục vụ và
kỷ luật
Khác với xã hội,
một điểm nổi bật của nền pháp chế của Giáo Hội là dung hòa giữa công lý với
lòng nhân từ theo hình ảnh của Thiên Chúa. Trong Giáo Hội, việc sử dụng những
biện pháp hình sự là một “chuyện cực chẳng đã”.
Trong quyển VI rất
nhiều điều khoản có tính mục vụ. Tính mục vụ ở đây muốn nói là ưu tiên cứu rỗi
các linh hồn, lợi ích thiêng liêng cho người tín hữu. Đây là điểm thể hiện khá
rõ trong các tiêu chí đặt ra khi canh tân quyển VI lần này[6].
Nhiều khoản luật mới nhấn mạnh khía cạnh bảo vệ cộng đồng, sửa chữa tai tiếng
và bồi thường thiệt hại (xem đ. 1311§2). Giáo luật khuyên nếu cần áp dụng
hình phạt thì phải làm với sự hợp tình hợp lý theo giáo luật như điều 1311§2
khẳng định. Sự hợp tình hợp lý nầy
được đề cập khá nhiều trong nhiều khoản luật.
Điều 1311 là khoản
luật mới được thêm vào trong đó nhằm nhấn mạnh đến ý nghĩa, mục đích và tinh thần
của chế tài nói chung trong Giáo Hội. Khoản luật này nhấn mạnh người mục tử
cần có đời sống gương mẫu, có lòng đức ái mục tử, và trước khi áp dụng hình phạt
phải dùng những biện pháp khác (răn đe, khiển trách, cảnh báo, cảnh giác). Việc
áp dụng hình phạt là điều cực chẳng đã và hết sức cần thiết vì sự ngoan cố của
đương sự. Khi dùng biện pháp chế tài cũng phải luôn áp dụng với sự hợp tình hợp
lý của giáo luật. Sự hợp tình hợp lý có thể được diễn tả qua cách nói như “xử phạt trong những giới hạn vừa phải”,
“tùy theo thẩm định khôn ngoan của...”
(đ. 1346); hình phạt phải giải thích chặt chẽ và áp dụng luật nào có lợi cho
đương sự (đ. 1313-1314).
Có nhiều khoản
luật nói lên tinh thần của đức ái mục tử đi đôi sự hợp tình hợp lý theo giáo luật
khi áp dụng hình luật. Điều 1315§1 đã cho thẩm quyền ban hành luật hình sự,
không phân biệt nhà lập pháp cấp trên hay cấp dưới, được quyền thêm những hình
phạt thích hợp vào luật Chúa nhằm để củng cố luật Chúa. Hạn từ "thích hợp"
như một sự nhắc nhở người có thẩm quyền trước khi thêm hình phạt vào luật Chúa
cần cân nhắc về con người, hoàn cảnh và nội dung tương ứng giữa hình phạt và luật
Chúa. Luật Chúa thì không phải là luật hình sự nên việc thêm hình phạt vào luật
Chúa là để củng cố việc tuân giữ với đức tin và lòng yêu mến, bảo vệ kỷ cương
và sự thánh thiêng của luật Chúa chứ không phải biến luật Chúa thành một loại
hình luật.
Điều 1319§2 quy
chiếu về những gì đã đề cập ở các đ. 1317-1318 và khuyên chỉ nên dùng mệnh lệnh
hình sự khi thực sự cần thiết và không còn cách khác để giữ gìn kỷ cương và bảo
vệ sự thánh thiêng trong đời sống Giáo Hội.
Cần lưu ý đến những
hoàn cảnh miễn hình (đ. 1323) và hoàn cảnh giảm khinh (đ. 1324), trong đó khoản
luật canh tân đã thêm khả năng có thể áp dụng những hình phạt nhẹ hơn, hoặc
áp dụng việc sám hối với mục đích giúp người vi phạm sửa mình hay sửa chữa
gương xấu. Luật cũng cho phép luật địa phương được ấn định những tình tiết
tha hình phạt, giảm hình phạt (đ. 1327).
Đ. 1328 ấn định
nếu tội chưa hoàn thành thì sẽ không bị phạt như tội phạm đã hoàn thành.
Hơn nữa, còn có
những biện pháp hình sự khác (không phải là các hình phạt hình sự nghiêm khắc với
những thủ tục phức tạp) như khuyến cáo, khiển trách, mệnh lệnh, giám sát, cảnh
giác cũng được đưa vào quyển VI nhằm giúp các mục tử chọn lựa và áp dụng để
ngăn ngừa tội phạm hay sửa chữa kịp thời để tránh tội phạm trở nên nghiêm trọng
hơn, gây ra tai tiếng nặng hơn.
2.3. Bảo vệ quyền lợi tín hữu
Có hai nguyên
tắc chính để bảo vệ quyền lợi người tín hữu.
- Nguyên tắc
hình luật phải được giải thích theo nghĩa chặt: đây là nguyên tắc nhằm
bảo vệ quyền lợi người dân (đ. 18); cấm không được áp dụng sự loại suy khi áp
dụng hình phạt (đ. 19). Ngoài ra, đ. 1313 khẳng định: §1 Nếu luật được thay đổi sau khi tội đã phạm
thì phải áp dụng luật nào lợi hơn cho phạm nhân. §2. Nếu luật sau bãi bỏ một luật, hay chỉ bãi bỏ
một hình phạt, thì hình phạt này chấm dứt tức khắc.
- Nguyên tắc “nulla poena sine lege” (không phạt nếu
không có luật cấm). Theo điều 221§3 các tín hữu có chỉ có thể bị phạt theo quy
tắc luật định. Nguyên tắc đã được các nền pháp chế dân chủ chấp nhận. Nguyên tắc
này vừa để tránh sự độc đoán của nhà cầm quyền, và cần hiểu “luật” theo nghĩa
chặt, tức là phải do thẩm quyền lập pháp ra luật hình sự.
Theo nguyên tắc
này, điều 1321§1 đã khẳng định: Bất
cứ ai cũng đều được coi là vô tội cho tới khi bị chứng minh ngược lại. Đây
là một cách nói được giáo luật lấy lại của nguyên tắc chung vừa nêu trên, “nulla poena sine lege”, theo nền pháp chế
hiện đại[7]. Nguyên tắc này liên quan đến
sự quy trách hình sự, theo đó người có thẩm quyền không được thực hiện tùy tiện
hay theo cảm tính nhưng đó là một sự quy trách có cơ sở pháp lý dựa trên luật lệ
đã định và những sự kiện có thể minh chứng để đương sự phải chịu trách nhiệm.
Đây là một
nguyên tắc tiến bộ trong một xã hội dân chủ vừa nhằm tránh sự độc đoán của người
có quyền hành và đồng thời bảo vệ các đương sự, những người liên quan. Điều
1321§1 là một sự thay đổi nhỏ trong canh tân hình luật lần này nhưng rất đáng kể
trong giáo luật hiện hành về hình luật[8].
3. CHẾ TÀI THEO GIÁO LUẬT
3.1 Ý nghĩa chế tài của Giáo Hội
Hình phạt đã có
khá sớm từ những cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi (ví dụ, Mt 18 và 1Cr 5). Do tự bản
chất của Giáo Hội, các tác giả Tân Ước và các giáo phụ không chỉ coi hình phạt
như một cách để trừng phạt kẻ phạm pháp, nhưng trước hết coi đó là một phản ứng
tự vệ đối với kẻ đã làm hoen ố sự thánh thiện của Giáo Hội.
Giáo Hội thánh
thiện nhưng lại gồm những con người yếu đuối tội lỗi (1Ga 1,8). Sự phạm
pháp vừa làm xáo trộn trật tự, vừa đi ngược với bản tính thánh thiện của
người tín hữu và cộng đoàn. Tương tự như Giáo Hội vừa thánh thiện vừa yếu đuối
tội lỗi[9], hình luật trong Giáo Hội vừa
thể hiện sự nghiêm khắc do ý thức về ơn cứu rỗi và sự thánh thiện, vừa có sự
uyển chuyển khoan hồng do ý thức về thân phận tội lỗi yếu đuối của con người.
Giáo Hội có bản
chất chính yếu là một thực thể tinh thần, bác ái và có mục đích siêu
nhiên, đem lại ơn cứu rỗi cho con người. Theo đó, có người cho rằng Giáo Hội
không cần hình luật như xã hội mà chỉ cần có một kỷ luật tối thiểu; vậy
chế tài trong Giáo Hội là đi ngược với đức tin chân chính với sự xác
tín sâu xa và sự tự do.
Tuy nhiên Giáo
Hội không thể không có chế tài vì nếu không có thể gây ra bất ổn,
thiếu kỷ cương; hủy bỏ các giá trị và hiệu lực của bộ giáo luật. Quyền
cưỡng chế của Giáo Hội không ngược với bản chất Giáo Hội và sự tự
do gắn liền với đức tin. Thực vậy Giáo Hội lữ hành vừa là thực thể
tinh thần vừa là thực thể ngoại tại và xã hội nữa. Do đó Giáo Hội
cần có một hệ thống pháp chế đầy đủ dù để phục vụ cho khía cạnh
tinh thần và cho việc mục vụ.
Chế tài có
nền tảng từ Thánh Kinh (xem Mt 18,18; Mt 28, 18-20; Ga 20, 21; Ga
21,15-17). Điều nầy đã được xác nhận rõ ràng nơi các ứng xử của
thánh Phaolô đối với tín hữu ở Côrintô, 1Cr 5,1-5[10].
Đức Giáo
Hoàng Gioan Phaolô II, trong tông hiến Sacrae Disciplinae Leges (Các luật lệ của kỷ luật
thánh) khi ban hành bộ giáo luật đã nói về bản chất luật lệ và ý
nghĩa trong Giáo Hội rõ ràng[11]. Khoản luật mới được đưa
thêm vào ở khởi đầu quyển VI có lẽ muốn khẳng định mạnh mẽ về vai trò và sự
cần thiết của hình luật Giáo Hội. Để bảo vệ quyền của các tín hữu
đồng thời khuyến khích và giữ gìn công ích, và xét như một điều
kiện không thể thiếu được để phát triển trọn vẹn con người Kitô hữu,
Giáo Hội đã ban hành luật hình sự… Nó được coi là một dụng cụ của
sự hiệp thông, nghĩa là một phương tiện bù đắp lại việc thiếu thiện
hảo của cá nhân và tìm công ích. Những thiếu sót nầy thể hiện trong
những hành vi của một số tín hữu gây ra gương mù gương xấu và tội ác[12].
3.2 Các hình thức chế tài trong
Giáo Hội
Trong Giáo Hội,
hình thức chế tài chính yếu là hai loại hình phạt: dược hình (còn gọi là vạ) và
thục hình. Dược hình gồm vạ tuyệt thông, vạ cấm chế và vạ huyền chức. Còn thục
hình thì gồm một số chính yếu được giáo luật nêu ra mà thôi. Bên cạnh đó còn có
các biện pháp hình sự khác mà Giáo luật nêu ra là phương dược hình sự và sám hối.
3.2.1. Các loại dược hình (còn gọi là vạ)
- Vạ tuyệt thông, điều 1331:
§1. Cấm người bị vạ tuyệt thông:
10 Cử hành
hiến tế Thánh Thể và các bí tích khác;
20 Lãnh nhận
các bí tích;
30 Cử hành
các á bí tích và những nghi lễ phụng vụ khác;
40 Dự phần
một cách chủ động trong những cử hành nói trên;
50 Thi hành
các giáo vụ, nhiệm vụ, thừa tác vụ và công việc của Giáo hội;
60 Thực hiện
những hành vi lãnh đạo.
§2. Nếu vạ tuyệt thông hậu kết đã bị tuyên kết
hay vạ tuyệt thông tiền kết đã bị tuyên bố, phạm nhân:
10 phải bị
loại ra, nếu muốn hành động nghịch lại quy định của §1,10- 40,
hoặc hành động phụng vụ phải bị đình chỉ, trừ khi có một lý do nghiêm trọng chống
lại điều đó;
20 thực hiện
vô hiệu những hành vi lãnh đạo mà chiếu theo quy tắc của §1,60 đương
sự không được phép làm;
30 bị cấm
hưởng những đặc ân đã được ban cho trước đây;
40 không được
nhận thù lao sở hữu được thuần túy nhờ tước vị trong Giáo hội;
50 không có
khả năng nhận giáo vụ, nhiệm vụ, thừa tác vụ, chức năng, quyền lợi, đặc ân hoặc
tước hiệu danh dự.
- Vạ cấm chế, điều 1332:
§1. Người bị vạ cấm chế thì bị
ràng buộc bởi những điều cấm được nói đến ở điều 1331§1,10-40;
§2. Tuy nhiên, luật hay mệnh lệnh
có thể ấn định sự cấm chế ở mức cấm phạm nhân ở một vài hành động nào được nói ở
điều 1331§1,10-40, hay một vài quyền nào khác.
§3. Trong trường hợp bị cấm chế,
cũng phải giữ quy định của điều 1331§2,10.
- Vạ huyền chức, điều 1333:
§1. Vạ huyền chức cấm:
10 tất cả
hoặc một vài hành vi thuộc quyền thánh chức;
20 tất cả
hoặc một vài hành vi thuộc quyền lãnh đạo;
30 thi hành
tất cả hoặc một số quyền lợi hay nghĩa vụ gắn liền với giáo vụ.
§2. Trong luật hay trong mệnh lệnh có thể ấn định
rằng, sau khi án lệnh hay sắc lệnh đã được tuyên kết hay đã được tuyên bố, người
bị vạ huyền chức không thể thực hiện cách thành sự những hành vi lãnh đạo.
§3. Lệnh cấm không bao giờ chi phối:
10 những
giáo vụ hay quyền lãnh đạo nào không thuộc quyền bính của vị Bề Trên thiết lập
hình phạt;
20 quyền cư
trú, nếu phạm nhân có quyền ấy do bởi giáo vụ;
30 quyền quản trị những tài sản thuộc giáo vụ của chính người bị vạ huyền chức, nếu hình phạt là tiền kết.
§4. Vạ huyền chức cấm nhận lợi lộc, lương bổng, trợ cấp, hay bất cứ các thứ khác tương tự, và bao gồm nghĩa vụ phải trả lại bất cứ những gì đã nhận được cách bất hợp pháp, dù là ngay tình.
3.2.2 Một số hình phạt thục tội nói chung
Điều 1336§1. Thục hình có thể chi
phối một phạm nhân hoặc suốt đời hoặc trong một thời gian được ấn định trước,
hoặc trong một thời gian vô hạn, ngoài những hình phạt mà luật có thể đặt ra;
thục hình gồm những loại liệt kê trong những §§2-5.
§2. Buộc:
10 Phải cư
ngụ tại một nơi hay một địa hạt nhất định.
20 Phải nộp
phạt hay nộp một số tiền cho các mục đích của Giáo hội, theo như những quy định
được Hội đồng Giám mục ấn định.
§3. Cấm:
10 Không được
cư ngụ tại một nơi hay một địa hạt nhất định
20 Không được
thi hành, ở khắp mọi nơi, hay trong một nơi hay một địa hạt nhất định hay bên
ngoài địa hạt, tất cả hay một số giáo vụ, nhiệm vụ, thừa tác vụ hay chức năng
hoặc chỉ một công việc gắn liền với giáo vụ hay một số nhiệm vụ…
30 Không được
thi hành tất cả hay một số hành vi thuộc thánh chức.
40 Không được
thi hành tất cả hay một số hành vi thuộc quyền lãnh đạo.
50 Không được
áp dụng một số quyền lợi hay đặc ân hay sử dụng phù hiệu hay tước vị.
60 Không được
hưởng quyền ứng cử hoặc bầu cử theo giáo luật và tham dự với quyền bỏ phiếu
trong các ban cố vấn hay trong các hiệp đoàn thuộc Giáo hội.
70 Không được
mang áo giáo sĩ hay tu sĩ.
§4. Tước bỏ:
10 Tất cả
hay một số giáo vụ, nhiệm vụ, thừa tác vụ hoặc chức năng hay chỉ một vài công
việc gắn liền với giáo vụ hoặc nhiệm vụ;
20 Năng quyền
(facultas) giải tội hay năng quyền thuyết giảng;
30 Quyền
(potestas) lãnh đạo thụ uỷ;
40 Một số
quyền lợi (ius) hay đặc quyền (privilegium), hay phù hiệu (insigne) hay
tước vị (titulus);
50 Toàn bộ
lương bổng hay một phần, tuỳ theo quy luật do Hội đồng Giám mục ấn định, trừ những
gì quy định ở điều 1350§1
§5. Sa thải khỏi bậc giáo sĩ.
3.2.3 Một số hình phạt thục tội đối với giáo sĩ - tu
sĩ
§1. Hình phạt cấm cư ngụ tại một nơi hay một địa
hạt nhất định có thể áp dụng cho các giáo sĩ hoặc các tu sĩ, còn hình phạt buộc
cư ngụ có thể áp dụng đối với các giáo sĩ triều và, trong giới hạn của hiến
pháp, đối với các tu sĩ.
§2. Để tuyên phạt buộc cư ngụ tại một nơi hay trong một địa hạt nhất
định, cần phải có sự chấp thuận của Đấng Bản quyền địa phương nơi ấy, trừ trường
hợp đó là một nhà định cho việc đền tội hay sửa mình dành cho giáo sĩ ngay cả
ngoài giáo phận.
- Tước quyền lợi, điều 1338:
§l. Những hình phạt thục tội
được nói đến ở điều 1336 không bao giờ áp dụng đối với những quyền bính, giáo vụ,
nhiệm vụ, quyền lợi, đặc ân, năng quyền, ân huệ, danh hiệu, phù hiệu nào không ở
dưới quyền bính của vị bề trên thiết lập hình phạt.
§2. Không thể phạt tước đoạt
quyền thánh chức được, nhưng chỉ có thể cấm thi hành chức ấy hay cấm một vài
hành vi của chức ấy; cũng vậy, không thể ra phạt tước đoạt bằng cấp học vị được.
§3. Đối với những điều cấm được
nói đến ở điều 1336§3, phải tuân giữ quy tắc về các vạ, được nói đến ở điều
1335§2.
§4. Chỉ có các hình phạt thục
tội nói đến như lệnh cấm ở điều 1336§3, mới có thể là hình phạt tiền kết hay những
hình phạt khác phải được ấn định bằng luật hay bằng mệnh lệnh.
§5. Các lệnh cấm nói ở điều
1336§3, không bao giờ được đặt thành hình phạt vô hiệu hóa.
3.3 Các phương dược hình sự và việc
sám hối
Theo điều
1312§3, bên cạnh dược hình và thục hình, còn có những phương dược hình sự (đ.
1339) đặc biệt là để ngăn ngừa tội phạm, và việc sám hối (đ. 1340) là
để thay thế hay gia tăng một hình phạt.
3.3.1 Các phương dược hình sự
- Cảnh cáo- đ. 1339§1: Người nào sống trong dịp sắp thực hiện một tội
phạm, hoặc bị nghi ngờ nghiêm trọng là đã thực hiện một tội phạm sau khi được
điều tra kỹ lưỡng, thì Đấng Bản Quyền có thể đích thân hay nhờ người khác cảnh
cáo người ấy.
- Khiển trách - đ. 1339§2: Theo cách thức thích
hợp với hoàn cảnh riêng của con người và sự kiện, Đấng Bản quyền cũng có thể
khiển trách người nào đã gây ra một gương xấu hoặc đã làm xáo trộn trật tự cách
nghiêm trọng do lối ứng xử của họ.
- Ra lệnh hình sự - đ. 1339§4: Nếu, một hay nhiều lần,
việc cảnh cáo hay sửa chữa đều vô ích, hay nếu không thể mong chờ có được kết
quả nào, thì Bản quyền phải ra một mệnh lệnh hình sự, trong đó phải đặt ra cách
chính xác, điều gì phải làm hay phải tránh.
- Giám sát - đ.1339§5: Nếu tầm mức nghiêm trọng đòi hỏi, và nhất là
trong trường hợp có ai đó ở trong mối nguy rơi vào tội phạm, thì Bản quyền, kể
cả ngoài những hình phạt áp đặt theo quy tắc luật hay tuyên bố qua một án lệnh
hay một sắc lệnh, phải đặt người ấy vào một biện pháp canh chừng nhất định qua
một sắc lệnh riêng.
Lưu ý: lưu
giữ chứng từ (đ. 1339§3): Phải luôn luôn giữ lại chứng từ chắc chắn về việc cảnh cáo hay
khiển trách, ít là bằng một tài liệu nào đó được giữ trong văn khố mật của Tòa
giám mục.
3.3.2 Việc sám hối (có
tính hình sự)
Điều 1340:
§1. Việc sám hối có thể bị áp đặt ở tòa ngoài hệ
tại việc thực hiện một việc tôn giáo, đạo đức, hay bác ái;
§2. Không bao giờ được áp đặt một việc sám hối
công khai cho một sự vi phạm kín đáo;
§3. Theo sự khôn ngoan của mình, Đấng Bản Quyền
có thể thêm những việc sám hối vào dược hình cảnh cáo hay khiển trách.
4. MỘT SỐ TỘI DANH MỚI CANH
TÂN
Như đã nói trên,
qua Tông hiến Pascite Gregem Dei,
quyển VI giáo luật được canh tân trong đó có đưa thêm vào một số tội danh mới.
Sau đây chúng ta sẽ điểm qua một số tội danh này.
4.1 Bất tuân mệnh lệnh
Điều 1371§1. Người nào không vâng theo lệnh truyền hoặc lệnh cấm
hợp pháp của Tông Toà, của Bản quyền hay của Bề trên, và vẫn ngoan cố không
vâng phục sau khi đã bị cảnh cáo, thì phải bị phạt, tuỳ theo mức nghiêm trọng của
sự việc, bằng một vạ hay bằng một sự tước bỏ giáo vụ hay bằng những hình phạt
khác được nói tới ở điều 1336§§2-4.
Đây là sự bất
tuân về phương diện kỷ luật, khác với bất tuân huấn quyền về đạo lý (đ. 1365).
Đó là người không vâng lời Tòa Thánh, Đấng Bản quyền, bề trên khi họ truyền phải
làm hay cấm một điều gì hợp lệ (đ. 273). Tuy nhiên cần có sự cảnh cáo trước đó
đối với đương sự.
Một yếu tố
quan trọng cấu thành tội phạm là đương sự ngoan cố, không rút lại những
sai trái và không chịu thay đổi hành vi dù đã được cảnh cáo trước
đó.
Hình phạt bắt
buộc nhưng xác định.
Điều 696 dự liệu trường hợp một thành viên dòng tu có thể bị
sa thải vì những lý do nghiêm trọng, bên ngoài, có thể quy trách, được chứng
minh theo pháp lý, như ngoan cố không tuân giữ những quy định hợp pháp của Bề
Trên trong vấn đề quan trọng; sinh gương xấu trầm trọng do cách xử sự sai lỗi của
thành viên; ngoan cố ủng hộ hay truyền bá các học thuyết đã bị huấn quyền Giáo
Hội kết án; công khai tán đồng ý thức hệ nhiễm thuyết duy vật hay vô thần. Quy
định nầy cũng áp dụng đối với tu đoàn tông đồ (đ. 746).
4.2 Không chấp hành hình phạt
Điều 1371§2. Ai vi phạm các nghĩa vụ mà một hình phạt đã
áp đặt cho người ấy, thì phải chịu các hình phạt nói tới ở điều 1336§§2-4.
Nghĩa vụ (obligatio) ở đây muốn nói tới điều bó buộc
phải giữ do luật hay mệnh lệnh đặt ra.
Ở đây người vi
phạm đã cố ý không chấp hành hình phạt. Các hình phạt đã bị tuyên kết hay tuyên
bố áp dụng đối với người vi phạm thì buộc họ phải chấp hành (dựa theo bản án
hay quyết định).
Sự không chấp
hành các hình phạt sẽ làm cho tội phạm có thể trở nên nặng hơn và phải chịu
thêm các hình phạt thục tội theo đ. 1336§2-4.
4.3 Thề gian
Điều 1371§3. Người nào thề gian khi quả quyết hay hứa một
điều gì đó trước nhà chức trách Giáo Hội, thì người ấy phải chịu hình phạt
thích đáng.
Thề là kêu cầu
danh Chúa làm chứng cho chân lý, chỉ có thể tuyên thệ trong sự thật, trong sự
suy xét và trong công lý (đ. 1199§1). Thề là kêu cầu danh Chúa chứng giám cho một
lời khai hay một lời hứa. Thề gian là khi quả quyết một điều không đúng với sự
thực, hoặc là lỗi lời thề. Theo đ.1368, thề gian xảy ra trước mặt tư nhân hay
chính quyền dân sự không thành tội phạm mà chỉ là tội luân lý, và chỉ trở thành
tội hình sự khi xảy ra trước mặt giáo quyền.
Đây là hình phạt
bắt buộc, nhưng bất định.
4.4 Cố ý làm lộ bí mật Giáo Hoàng
Rôma
Điều 1371§4. Người nào vi phạm việc buộc phải giữ bí mật
giáo hoàng, người ấy phải chịu những hình phạt được nói tới ở điều 1336 §§2-4.
Giáo Hoàng Rôma
là một nhân vật có vai trò quan trọng và có tầm ảnh hưởng đặc biệt không chỉ đối
với Giáo hội công giáo mà cả trên bình diện quốc tế. Bộ giáo luật dành khá nhiều
khoản luật nói về Giáo Hoàng Rôma. Làm lộ bí mật của Đức Giáo hoàng có thể tổn
hại đến thanh danh Giáo Hội.
Hình phạt là bắt
buộc và loại thục tội tại đ. 1336§2-4.
4.5 Không ra quyết định thi hành bản
án
Điều 1371§5. Người nào không tuân thủ việc buộc phải thực
hiện một bản án thi hành hay một sắc lệnh hình sự thi hành, người ấy phải chịu
phạt với một hình phạt thích đáng, ngay cả một vạ.
Khác với điều
1371§2 nói về việc tội nhân không chấp hành các hình phạt đã ra, ở đây đ.
1371§5 bàn về việc người có trách nhiệm trong thẩm quyền của mình cố ý không ra
quyết định thi hành bản án hay không thi hành quyết định thi hành bản án hoặc sắc
lệnh hình sự[13]. Khi không giữ quy định này,
có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu lực của bản án hay sắc lệnh hình sự.
Hình phạt là bắt
buộc và không xác định.
4.6 Không thông tri về tội phạm
Điều 1371§6. Người nào bỏ qua việc thông tri những ghi nhận
về một tội phạm, mà giáo luật buộc phải thông tri, thì người ấy phải bị phạt
theo qui tắc của điều 1336§§2-4, và thêm các hình phạt khác, tuỳ theo mức
nghiêm trọng của tội phạm.
Đây là một tội
danh mới, có lẽ du nhập từ dân luật tương tự như che giấu và không khai báo, từ
chối hoặc trốn tránh không cung cấp sự thật theo luật buộc.
Theo quy định
giáo luật, chỉ buộc thông tri những ghi nhận, tức là biết đúng và rõ (không chỉ
nghe tin đồn đoán) về tội phạm nào mà giáo luật nói minh nhiên buộc phải thông
tri thôi. Việc thông tri phải tuân giữ theo luật định, như thông tri cho ai, tội
phạm nào và khi nào thông tri, thông tri bằng phương tiện nào… Giáo luật không
quy định chi tiết có lẽ sẽ tùy theo luật địa phương quy định.
Hình phạt là bắt
buộc và loại thục tội xác định theo đ. 1336§2-4 và có thể gia trọng bằng hình
phạt khác, tùy hoàn cảnh.
4.7 Sai phạm trong quản trị
tài sản của Giáo Hội
Ðiều 1376:
§1. Phải bị phạt với những
hình phạt ở điều 1336§§2-4, và vẫn phải giữ bó buộc bồi thường thiệt hại:
10 Người
nào lấy cắp tài sản thuộc Giáo hội hay cản trở việc thu nhận những hoa lợi;
20 Người
nào mà không có sự tham khảo ý kiến, sự đồng ý hoặc cho phép theo quy định, hoặc
không thỏa mãn yêu cầu khác do pháp luật áp đặt về tính hữu hiệu hoặc hợp pháp,
mà chuyển nhượng những của cải thuộc giáo hội hoặc thực hiện một hành vi quản
trị trên chúng.
§2. Phải chịu hình phạt thích
đáng, không loại trừ bị tước bỏ giáo vụ, vẫn phải giữ bó buộc bồi thường thiệt
hại:
10 Người
nào do lỗi nghiêm trọng của mình phạm đến tội nói tới ở §1,20;
20 Người
nào được nhận thấy, theo cách thức khác, là đã chểnh mảng nghiêm trọng trong quản
trị tài sản của Giáo hội.
Tài sản của
Giáo Hội là những tài sản thuộc về Giáo Hội toàn cầu, hay một pháp
nhân công của Giáo Hội (đ. 1257§1), ví dụ như Hội đồng Giám mục, giáo phận,
giáo xứ, chủng viện, Dòng tu. Những tài sản đó phải được sử dụng vào
những mục tiêu của Giáo Hội (thờ phượng; trợ cấp hàng giáo sĩ; bác
ái, tông đồ, đ. 1254§2).
Việc đánh cắp
hay cản trở thu hoa lợi làm thiệt hại đến Giáo Hội phải bị trừng phạt.
Việc thủ đắc,
quản trị và chuyển nhượng tài sản của Giáo Hội phải theo định giáo
luật, cách riêng là phải hội đủ những điều kiện (theo luật chung hoặc
luật riêng) về sự hữu hiệu và hợp pháp (đ. 1291-1295). Sự vi phạm
những quy định đó có thể trở thành tội phạm vì đã gây ra thiệt hại cho
pháp nhân công của Giáo Hội.
Có thể nói đây
là những điểm mới trong hình luật tu chính về những tội trong việc quản trị tài
sản của Giáo Hội. Điều luật này dường như nhắm trực tiếp nhiều hơn tới các Giám
mục hoặc cha xứ là những người thường đưa ra những quyết định về tài sản mà
không theo các thủ tục cần thiết theo giáo luật[14].
4.8 Hối lộ - tham
nhũng
Ðiều 1377 §1. Ai biếu hay hứa bất cứ điều gì để đạt được một
hành động hay một sự bỏ qua bất hợp pháp từ những người đang thi hành giáo vụ
hay một nhiệm vụ trong Giáo hội, thì phải bị phạt với một hình phạt thích đáng
theo quy tắc của điều 1336 §§2-4; cũng vậy, người mà nhận những tặng phẩm và những
lời hứa đó cũng phải bị phạt tương xứng với độ nghiêm trọng của tội phạm, không
loại trừ việc bị tước bỏ giáo vụ, vẫn giữ nguyên bó buộc phải bồi thường thiệt
hại.
§2. Ai, trong khi thi hành chức vụ hay một nhiệm vụ,
đòi một dâng cúng ngoài những gì ấn định, hoặc đòi thêm số tiền, hoặc cái gì đó
có lợi cho mình, thì phải bị phạt với số tiền bồi thường tương xứng hay với những
hình phạt khác, không loại trừ việc bị tước bỏ chức vụ, vẫn giữ nguyên bó buộc
phải bồi thường thiệt hại.
Tội phạm được cấu
thành do những yếu tố sau đây:
- Biếu hay hứa:
tặng phẩm đưa ngay tại chỗ hoặc sẽ đưa sau. Việc tặng quà tự nó là tốt vì nó biểu
lộ sự biết ơn nhưng sẽ trở thành tội phạm khi nó nhằm tới một mục tiêu xấu.
- Một người dựa
vào chức vụ đang giữ để đòi hỏi cách nào đó (trực tiếp, gián tiếp, gây áp lực,...)
những tặng phẩm hay tiền bạc để có lợi cho mình.
- Mục tiêu phạm
pháp: nhân viên Giáo Hội hoặc là phải làm một điều gì bất hợp pháp hay là làm
ngơ trước sự phạm pháp hoặc kiếm chác lợi lộc riêng cho mình. “Nhân viên Giáo hội”
là người có quyền hay là người đang giữ một giáo vụ nào (đ. 145§1). Ví dụ, thư
ký nhận quà để thêm bớt chi tiết trong biên bản của buổi họp thì đã có thể
mắc tội này. Ngay khi biếu và nhận quà là đã phạm tội. Dù người nhận quà nhưng
không làm theo ý muốn của người đưa quà đã xin thì vẫn có tội; cũng vậy, người
biếu quà cũng đã có tội phạm lúc đó dù chẳng được gì.
Hình phạt bắt buộc nhưng bất định, dành cho kẻ hối lộ cũng như người nhận hối lộ.
4.9 Lạm dụng - chểnh mảng chức vụ
Ðiều 1378 §1. Người nào, không kể những trường hợp mà luật đã dự
liệu, lạm dụng quyền bính, chức vụ, nhiệm vụ Giáo hội, thì phải bị phạt tuỳ
theo mức nghiêm trọng của hành vi đã làm hay đã bỏ qua, không loại trừ việc bị
tước bỏ chức vụ hay nhiệm vụ, vẫn giữ nguyên bó buộc bồi thường thiệt hại.
§2. Người nào, vì chểnh mảng tắc trách, đã thực hiện
hay bỏ qua cách bất hợp luật một hành vi thuộc quyền bính, chức vụ hay nhiệm vụ
của Giáo hội, khiến gây nên thiệt hại cho người khác hay gây gương xấu, thì phải
bị phạt với hình phạt thích đáng, theo qui tắc của điều 1336§§2-4, vẫn giữ
nguyên bó buộc phải bồi thường thiệt hại.
Đây là quy định
có tính tổng quát, chế tài hết các hình thức phạm pháp khi thi hành các nhiệm
vụ cai quản.
- Lạm dụng quyền
hành hay chức vụ: do hành động đã làm hay do bỏ sót việc phải làm.
- Chểnh mảng với
bổn phận: Theo đ. 1321§1, nói chung luật không phạt người vi phạm do “lỗi lầm”
(chểnh mảng, cẩu thả, thiếu cẩn thận). Tuy nhiên khi “vì sơ xuất có lỗi” mà đã
hành động trái luật hay đã bỏ sót không chịu làm theo bổn phận, gây thiệt hại
hay gây cớ vấp phạm thì sự chểnh mảng trở nên tội phạm.
Hình phạt vì lạm
dụng có tính bắt buộc, nhưng bất định, tùy theo mức độ tội phạm. Nếu nghiêm trọng,
đương sự có thể bị truất chức. Tuy nhiên, nếu đương sự đã bị phạt theo hình luật
hay mệnh lệnh dành cho một tội phạm đó thì sẽ không bị phạt theo quy định này lần
nữa.
Hình phạt dành
cho sự chểnh mảng có tính cách bắt buộc và xác định (thục tội, đ. 1336§2-4).
4.10 Cử hành bí
tích trái quy định
Điều 1379:
§1. Bị hình phạt cấm chế tiền
kết, hoặc nếu là giáo sĩ thì bị cả hình phạt huyền chức:
10 Người
nào không có chức tư tế mà dám cử hành phụng vụ Thánh thể;
20 Người
nào, ngoài trường hợp nói tới ở điều 1384, không thể ban thành sự xá giải bí
tích, mà lại dám ban xá giải hay nghe xưng tội bí tích.
§2. Trong những trường hợp nói
tới ở §1, tùy theo mức độ nghiêm trọng của tội phạm, có thể thêm những hình phạt
khác, không loại trừ vạ tuyệt thông.
§3. Người nào đã dám truyền chức
thánh cho một người nữ, thì người đó và cả người nữ mà đã dám lãnh nhận chức
thánh bị vạ tuyệt thông tiền kết dành riêng cho Tông Toà; ngoài ra, giáo sĩ còn
có thể bị phạt sa thải khỏi hàng giáo sĩ.
§4. Người nào chủ ý ban bí
tích cho người bị cấm lãnh nhận, thì người ấy phải bị phạt huyền chức; có thể
thêm vào những hình phạt nói tới ở điều 1336 §§2-4.
§5. Ngoài những trường hợp nói
tới ở §§1-4 và ở điều 1384, người nào giả bộ ban bí tích, thì phải bị phạt với
một hình phạt thích đáng.
Điều 1379 kể những loại tội phạm liên quan tới việc cử hành các bí
tích, đặc biệt nhấn mạnh bí tích giải tội và bí tích Thánh Thể và truyền
chức thánh.
Theo đ. 900, chỉ
ai có chức tư tế mới có thể cử hành thánh lễ. Không phải Giám mục hay linh mục
mà cử hành thánh lễ thì hành vi sẽ vô hiệu và cấu thành tội phạm (đ. 1379§1,10).
- Hình phạt cấm
chế tiền kết (đ. 1379§1). Có thể tăng thêm những hình phạt khác nữa, kể cả tuyệt
thông (đ. 1379§2).
- Nếu đương sự
là phó tế, sẽ bị vạ huyền chức.
- Ban bí tích giải tội khi không có năng quyền:
Trừ trường hợp nguy tử, theo đ. 966 để có thể cử hành bí tích giải tội hữu hiệu vị giải tội phải có năng quyền (facultas), vì nếu không có, việc giải tội không những vô hiệu mà còn trở thành tội phạm nữa. Theo đ. 1379, có hai hình thức tội phạm có thể xảy ra: Tư tế không có năng quyền mà cứ ban bí tích giải tội hoặc ngồi tòa nghe xưng tội.
Trường hợp tại đ. 144, có sự lầm lẫn chung về sự kiện hay về luật;
hoài nghi về luật hay về sự kiện và trường hợp đ. 142§2 vô tình không
biết sự mãn hạn, thì không đặt ra vấn đề tội phạm.
Hình phạt cấm chế
tiền kết (đ. 1379§§1). Có thể thêm hình phạt khác nữa, kể cả tuyệt thông (đ.
1379§2).
- Truyền chức thánh cho nữ giới:
Theo truyền thống
Giáo Hội chức thánh chỉ được cho nam giới đủ điều kiện mới thành sự (đ. 1024).
Khoản luật mới canh tân này được thêm để nói rõ minh nhiên, tránh những xu hướng
hay bàn cãi về việc truyền chức thánh cho nữ giới[15].
Việc truyền
chức linh mục cho giới nữ, Tòa Thánh đã có quyết định dứt khoát. Bộ
giáo lý đức tin ra sắc luật về việc phạt vạ tuyệt thông tức khắc phụ nữ nào
chịu chức thánh và cả người truyền chức cho phụ nữ. Chỉ Tòa Thánh mới có quyền
giải những vạ này. Sắc luật được công bố trên báo Osservatore Romano (Quan sát viên Roma) của Tòa Thánh, số đề
ngày 30.05.2008, khẳng định rằng: “Bộ giáo lý đức tin, để bảo vệ bản chất và
giá trị của bí tích truyền chức thánh, do năng quyền đặc biệt được quyền bính tối
cao của Giáo Hội ban (đ. 30), trong khóa họp thường lệ ngày 19.12.2007, truyền
rằng: “Giữ nguyên quy định của khoản giáo luật số 1378, người truyền chức thánh
cho một phụ nữ cũng như phụ nữ chịu chức thánh, đều bị vạ tuyệt thông tức khắc,
chỉ Tòa Thánh mới có quyền giải”. Bộ cho biết quy luật trên đây cũng được áp dụng
cho những người thuộc Giáo Hội công giáo nghi lễ đông phương. Sắc luật này có
hiệu lực tức khắc từ lúc được đăng trên báo Quan sát viên Roma. Đây cũng là điều
tái khẳng định trong điều 5 của Tự sắc về “Những
tội phạm dành cho bộ Giáo lý đức tin” được ban hành vào 21.5.2010.
Trong giáo luật
mới canh tân, điều 1379§3, hình phạt vạ tuyệt thông tiền kết dành cho Tòa
Thánh đối với cả người trao ban và người nhận bí tích này. Đây là hình phạt nặng,
mới được thêm vào, nhằm để bảo vệ sự thánh thiêng của bí tích truyền chức thánh
và giữ gìn kỷ cương xưa nay trong Giáo Hội.
- Ban bí tích cho người đang bị cấm:
Nói chung, người
tín hữu khi đã có sự chuẩn bị thích hợp thì có quyền được lãnh nhận các bí tích
(đ. 213, 777, 843).
Tuy nhiên Giáo Hội vì nhiều lý do khác nhau có thể cấm người tín hữu
nào đó không được lãnh được lãnh nhận bí tích. Chẳng hạn, có những người mắc
vạ tuyệt thông hay thục hình bị cấm lãnh nhận bí tích, như đ. 1331§1,20;
1336§4,10-20.
Người vi phạm điều
này bị chịu hình phạt bắt buộc huyền chức và có thể thêm những thục hình khác ở
đ. 1336§§2-4.
- Giả đò ban bí tích:
Gọi là ban bí
tích “giả đò” (simulatio) khi người cử
hành chỉ làm các nghi thức bên ngoài nhưng thiếu “chủ ý” (ý định) bên trong. Những
trường hợp nói ở đ. 1379§1-2 giới hạn vào bí tích giải tội, thánh thể và truyền
chức thì điều 1379§5 áp dụng cho tất cả các bí tích khác.
Hình phạt bắt buộc,
tuy bất định.
4.11 Vi phạm ấn tích giải tội
Ðiều 1386§1. Cha giải tội nào vi phạm trực tiếp ấn bí tích, thì
bị mắc vạ tuyệt thông tiền kết dành riêng cho Tông Tòa; còn vị nào chỉ vi phạm
cách gián tiếp, thì phải bị phạt tùy theo mức nghiêm trọng của tội phạm.
§2. Thông dịch viên và những người khác
nói ở điều 983§2, nếu vi phạm bí mật, phải bị phạt hình phạt xứng đáng, không
loại trừ vạ tuyệt thông.
§3. Vẫn giữ nguyên qui định của §1 và §2, bất cứ ai với
bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào, thu âm hoặc loan truyền với ý xấu, những điều
do hối nhân nói trong bí tích, dù là thật hay giả bộ, phải bị phạt theo mức
nghiêm trọng của tội phạm, nếu là giáo sĩ, không loại trừ sa thải khỏi hàng
giáo sĩ.
Đối với linh mục
giải tội: nội dung của việc xưng tội gọi là “ấn tích giải tội”. Việc buộc cha
giải tội phải giữ kín nội dung của sự thú tội không chỉ vì lý do luân lý nhưng
nhất là vì tính thánh thiêng của bí tích. Sự vi phạm trực tiếp là khi tiết lộ về
tội đã nghe và về người đã xưng tội đó; còn gián tiếp là khi tiết lộ về tội đã
nghe kèm theo tình tiết có thể suy ra được ai đã phạm tội đó.
Đối với người
khác: Bất cứ ai biết được nội
dung việc xưng tội qua cách nào đó, chẳng hạn vì được mời làm thông ngôn hay chỉ
vì tình cờ mà nghe được thì cũng không được tiết lộ.
Hình phạt dành
cho vị giải tội nếu vi phạm trực tiếp ấn bí tích thì sẽ mắc vạ tuyệt thông tiền
kết dành cho Tòa Thánh, còn nếu gián tiếp thì sẽ bị phạt theo mức độ nặng nhẹ
(hình phạt hậu kết, bắt buộc, bất định).
Nếu những người
khác vi phạm bí mật tòa giải tội thì sẽ bị hình phạt xứng đáng, kể cả vạ tuyệt
thông. Đây là hình phạt hậu kết, bắt buộc, bất định.
Ðiều 1386§3 lấy nội
dung trong những quy định về các tội dành riêng cho Bộ giáo lý đức tin, điều
4 xác định rằng: “dành riêng cho Bộ Giáo lý Đức tin cả tội nặng hơn trong việc
ghi âm, được thực hiện với bất cứ phương tiện kỹ thuật nào, hay trong việc phát
tán thông qua các phương tiện truyền thông xã hội với ác ý, những gì đã được
nói bởi linh mục giải tội hay bởi hối nhân trong bí tích Hòa Giải, dù là thật
hay giả. Ai phạm vào tội này, có thể bị phạt tùy theo mức độ phạm tội, không
ngoại trừ việc trục xuất khỏi hàng giáo sĩ hay cách chức, nếu là một giáo sĩ”[16].
4.12 Tội đào nhiệm
Ðiều 1392. Giáo sĩ nào bỏ thừa tác vụ
thánh một cách tự ý và bất hợp pháp trong sáu tháng liên tục, với ý định thoát
khỏi thẩm quyền của nhà chức trách Giáo hội, phải bị phạt, tuỳ theo mức nghiêm
trọng của tội phạm, vạ huyền chức hay cả những hình phạt được ấn định bởi điều
1336§§2-4, và trong những trường hợp nghiêm trọng hơn có thể bị sa thải khỏi
hàng giáo sĩ.
Đây là một khoản
luật mới thêm vào. Ở đây không phải là sự vắng mặt bất hợp pháp (đ. 1396) mà
chính yếu là đã bỏ thừa tác vụ đã được trao phó. Việc bỏ thừa tác vụ ảnh hưởng
đến lợi ích cộng đoàn, không có sự chăm sóc mục vụ sâu sát cho đoàn chiên và
kéo dài liên tục 6 tháng. Hình phạt là bắt buộc, xác định theo luật.
4.13 Vi phạm đức khiết tịnh
Ðiều 1395.§1. Ngoài trường hợp nói ở điều 1394, giáo sĩ nào tư
hôn, và giáo sĩ nào thường xuyên ở trong tội bề ngoài khác nghịch giới răn thứ
sáu của Thập giới gây gương xấu thì phải bị phạt vạ huyền chức; và nếu sau khi
bị cảnh cáo mà còn tiếp tục phạm tội, có thể tuần tự bị phạt thêm những hình phạt
khác, cho đến mức sa thải khỏi hàng giáo sĩ.
§2. Giáo sĩ nào thực hiện một tội phạm khác nghịch điều
răn thứ sáu của Thập giới, nếu thực sự đã phạm tội cách công khai, thì phải bị
phạt những hình phạt thích đáng, không loại trừ bị sa thải khỏi hàng giáo sĩ, nếu
sự việc đòi hỏi điều đó.
§3. Bị phạt giống như hình phạt của §2, giáo sĩ nào, bằng
bạo lực, bằng đe dọa hoặc bằng lạm dụng quyền lực, thực hiện một tội phạm nghịch
điều răn thứ sáu của Thập giới hoặc cưỡng ép ai đó thực hiện hay chịu những
hành vi tình dục.
Các giáo sĩ có
nhiều bổn phận phải tuân giữ (đ. 273-289), trong đó bổn phận giữ khiết tịnh độc
thân suốt đời được giáo luật nhấn mạnh. Ngoài tội phạm do việc kết hôn vừa nói ở
đ. 1395, luật còn dự liệu những hình thức chế tài khác dành cho việc vi phạm
quy định này. Đây là một vấn đề hệ trọng không chỉ liên quan đến tư cách đạo đức
cá nhân mà còn ảnh hưởng hệ trọng đến nhiều mặt của đời sống của Giáo Hội, kể cả
về kinh tế nữa.
Theo điều
1395§1, hình thức tội phạm có thể là tư hôn và phạm công khai, gây gương xấu.
- Tội tư hôn (concubinatus): thường xuyên ăn ở với một
phụ nữ như vợ chồng, dù không có gương mù.
- Phạm tội bên
ngoài điều răn thứ 6 cách thường xuyên và gây gương mù. Hình thức tội phạm này
thì rộng hơn bởi vì nó có thể đối với cả người đồng tính, vị thành niên.
Hình phạt dành cho
các tội phạm của §1 là huyền chức. Nếu đã bị cảnh cáo mà không hoán cải, thì có
thể gia tăng các hình phạt tới mức trục xuất khỏi hàng giáo sĩ.
Đặc biệt, điều
1395§2 nói đến giáo sĩ phạm tội tà dâm cách công khai thì phải bị phạt nặng dù
không xác định, và đến mức trục xuất khỏi hàng giáo sĩ.
Điều 1395§3 xét
các hoàn cảnh gia trọng của tội phạm:
- Vũ lực.
- Đe dọa.
- Lạm dụng quyền
lực.
- Cưỡng ép thực
hiện hành vi tình dục.
Hình phạt dành
cho các tội phạm của §3 bắt buộc nhưng bất định, cho tới mức trục xuất khỏi
hàng giáo sĩ.
Như vậy, khoản
luật này đặt ra những hoàn cảnh cụ thể và các mức độ phạm tội khác nhau.
Đối với tu sĩ,
ai vi phạm đ. 1395 sẽ bị chế tài theo quy định của đ. 695. Quy định này cũng được
áp dụng cho các phần tử của tu hội đời (đ. 729) và tu đoàn tông đồ (đ. 746).
Các vấn đề giáo
sĩ phạm tội liên quan điều răn thứ sáu, xem ra hiện nay Tòa Thánh và Đức Thánh
Cha Phanxicô tỏ ra rất kiên quyết và nghiêm khắc[17].
4.14 Tội phạm dâm ô đối với
đối tượng đặc biệt
Điều 1398:
§1. Một giáo sĩ phải bị bãi chức
và bị những hình phạt thích đáng khác, kể cả việc thải hồi khỏi hàng giáo sĩ,
khi vụ việc đòi như vậy, nếu:
10 Phạm tội
nghịch lại điều răn thứ sáu của Thập giới với một trẻ vị thành niên hoặc với một
người thường xuyên sử dụng trí khôn cách bất toàn hoặc với một người mà luật
nhìn nhận là phải được bảo vệ tương tự;
20 Tuyển
dùng hay dẫn dụ một trẻ vị thành niên, hoặc một người thường xuyên sử dụng trí
khôn cách bất toàn hoặc một người mà luật nhìn nhận phải được bảo vệ tương tự,
để họ bày tỏ khiêu dâm hay tham dự vào các trình diễn khiêu dâm, dù là thực sự
hay giả bộ;
30 Thu thập,
lưu giữ, trình diễn hay phát tán một cách vô luân, theo bất cứ kiểu cách nào và
với bất cứ phương tiện nào, những hình ảnh khiêu dâm của các trẻ vị thành niên
hay của các người mà thường xuyên sử dụng trí khôn cách bất toàn.
§2. Một thành viên của một Tu
hội Đời sống Thánh hiến hay của một Tu đoàn Đời sống Tông đồ, hay bất cứ một
tín hữu nào mà hưởng một phẩm giá hay thi hành một giáo vụ hay một nhiệm vụ
trong Giáo hội, nếu phạm những tội được nói tới ở §1 hay ở điều 1395§3, thì phải
bị phạt theo qui tắc ở điều 1336§§2-4, và tuỳ theo mức nghiêm trọng của tội phạm,
bị thêm những hình phạt khác.
Đây là khoản luật mới được thêm vào. Trước đây, đó là các tội được gọi
là “Các tội nặng hơn chống lại phong hóa,
được dành riêng cho bộ Giáo lý Đức tin, điều 6”[18].
Những vụ lạm dụng
tính dục trẻ em từ nay được giáo luật gọi đích danh và xác định đó là một
bất công trầm trọng. Sự lạm dụng này từ nay không còn được mô tả là “sự vi phạm
giới răn thứ sáu hoặc chống lại luật độc thân”, nhưng là một tội ác. Với sự
thay đổi định danh này, luật bắt buộc các Giám mục và Bề trên trừng phạt kẻ phạm
tội, chứ không để tùy ý nữa.
Giống như tội
phá thai và giết người, tội lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên, những người sử
dụng bất toàn trí khôn, hay người cần được bảo vệ từ nay được xếp vào phần nói
về những tội “chống lại sự sống, phẩm giá và tự do của con người”. Những tu
chính trên đây được nhận xét là hình luật của Giáo Hội xích lại gần hình luật của
xã hội hơn.
Trong giáo luật
hiện hành mới canh tân, khoản luật được đưa vào đề mục tội phạm chống lại phẩm
giá và tự do của con người cho thấy mức độ nặng nề của loại tội phạm này đặc biệt
nếu người vi phạm thuộc hàng giáo sĩ hoặc tu sĩ.
Đối tượng bị xúc
phạm đó là vị thành niên hoặc những người sử dụng trí không cách bất toàn, hoặc
những người mà luật thấy cần có sự bảo vệ tương tự. Đó là một yếu tố làm tăng
thêm tội trạng xét vì họ thuộc hạng người cần được bảo vệ và chăm sóc đặc biệt
hơn.
Tội phạm có thể
xảy ra theo nhiều khía cạnh: từ trực tiếp phạm nghịch điều răn thứ sáu, đến việc
dẫn dụ, tham gia trình diễn khiêu dâm thực hay giả bộ đến việc sử dụng các
phương tiện truyền thông lưu giữ hay phát tán hình ảnh khiêu dâm.
Hình phạt là bắt
buộc và tùy hoàn cảnh và người vi phạm mà mà gia trọng thêm.
5. ĐỨC ÁI MỤC TỬ VÀ SỰ HỢP TÌNH HỢP
LÝ CỦA GIÁO LUẬT
Bản hình luật mới
cho thấy chế tài hình sự trở thành một phần của hình thức quản trị mục vụ thông
thường và tránh gây phản cảm như trong quá khứ. Cụ thể, chỉ áp đặt luật hình sự
(đ. 1319§2) hoặc xử phạt (đ. 1341) khi điều đó là cần thiết hoặc khi xác định chắc
chắn rằng việc khôi phục công lý, sửa chữa kẻ phạm tội và sửa chữa tai tiếng
không thể đạt được một cách đầy đủ bằng các phương tiện khác. Đây là một yêu cầu
của caritas pastoralis.
Người mục tử hết
sức lưu ý đến sự dung hòa giữa mục vụ và kỷ luật trong đời sống Giáo Hội như đã
nêu trên. Nên nhớ rằng chế tài trong Giáo Hội không nhằm chỉ để bảo đảm kỷ
cương trật tự nhưng còn là phương tiện để hướng dẫn lương tâm người tín
hữu trong việc giữ luật Kitô giáo và dễ dàng theo đuổi những mục
đích luật nhằm tới, nhờ đó ngăn ngừa được gương xấu và giảm bớt
những hành vi đi ngược với lề luật[19].
Nhiều khi quá chú trọng đến kỷ luật sẽ làm phương hại đến đời sống đức tin và
đi chệnh mục tiêu tối thượng của mọi lề luật trong Giáo Hội là Salus Animarum.
Tại một số giáo
xứ ở Việt Nam có lẽ nguyên tắc “nulla
poena sine lege” (không phạt nếu không có luật cấm) bị vi phạm khá nhiều.
Thật vậy, nhiều nơi cha xứ cho rằng mình có toàn quyền mà không cần sự ủy thác
từ người có thẩm quyền để ra luật hay mệnh lệnh kèm theo hình phạt (tức là luật
hoặc mệnh lệnh hình sự). Cha xứ đứng ra xét xử, tuyên bố hình phạt và áp dụng
hình phạt có khi suốt đời đối với người tín hữu trong giáo xứ của mình. Nên nhớ
rằng Giáo luật không dự trù những hình phạt chung thân đối với các vạ (đ.
1358).
Đó là một việc
làm gây phản cảm và hết sức tác hại đối với đời sống đức tin của người tín hữu
cũng như làm hoen ố hình ảnh một người mục tử nhân lành vì không có caritas pastoralis mà giáo luật yêu
cầu. Đó là thực sự là một lối
hành xử có khi đầy cảm tính và nhất là thiếu cơ sở pháp lý, chẳng hạn
không dựa vào luật hình sự của Giáo Hội, cha xứ vượt thẩm quyền vì không được ủy
nhiệm, làm sai với quy định giáo luật, vi phạm nguyên tắc tòa trong - tòa ngoài.
Đôi khi cách hành xử sai lạc như vậy chỉ nhằm thể hiện quyền bính, răn đe kèm lập
luận theo kiểu “có lợi”, khỏi bị làm phiền hoặc vì sự “an toàn” cho bản thân,
chẳng hạn mạnh tay trừng phạt nhân danh quyền cha xứ nhằm để giáo dân sợ mình
và giúp giáo xứ ổn định... Dù là trong địa bàn giáo xứ và chỉ áp dụng đối
với giáo dân của mình mà thôi, thì việc cha xứ đặt ra luật hoặc mệnh lệnh nào
đó có kèm theo hình phạt, áp dụng và tuyên bố hình phạt như nói trên là không
thể chấp nhận được và không có hiệu lực bó buộc.
Theo giáo luật, trong giáo xứ của mình, cha xứ không có thẩm quyền đặt ra luật hoặc mệnh lệnh hình sự (tức là luật hoặc mệnh lệnh có kèm theo hình phạt). Các cha xứ cũng không có thẩm quyền tùy tiện áp dụng và tuyên bố hình phạt hình sự với người tín hữu dù là thuộc địa bàn trong giáo xứ của mình. Điều này cũng có nét tương đồng với xã hội dân sự, không phải bất kỳ ai hoặc cơ quan nào nhưng chỉ những người hoặc cơ quan có thẩm quyền mới có thể ra luật hoặc mệnh lệnh hình sự, cũng như áp dụng, tuyên bố hình phạt và tha hình phạt.
Các cha xứ cần biết giới hạn thẩm quyền của mình và tuân giữ nghiêm nhặt đúng
luật theo tiến trình luật qui định trong việc áp dụng hình phạt hình sự. Hơn nữa
cha xứ cần áp dụng luật với sự hợp tình hợp lý theo giáo luật như đã gợi ý trên
đây, chứ không phải theo ý chủ quan và đầy cảm tính của mình.
Liên quan đến đức ái mục tử và việc áp dụng luật với sự hợp tình hợp
lý của giáo luật, đặc biệt trong việc ra hình phạt, thật ý nghĩa và sâu sắc khi
giáo luật khẳng định rằng: “Trong Giáo Hội,
những ai lãnh đạo, phải bảo vệ và làm thăng tiến thiện ích của chính cộng đồng
và của từng Kitô hữu, với lòng bác
ái mục vụ, bằng gương sống, bằng lời khuyên bảo, khích lệ và, nếu cần, cũng
bằng tuyên kết hoặc tuyên bố các hình phạt, theo các quy định của luật, và luôn
phải áp dụng với sự hợp tình hợp lý
của giáo luật, tái lập công lý, sửa đổi phạm nhân và sửa chữa gương xấu” (điều
1311§2). Khẳng định này còn được
thể hiện nơi nhiều khoản luật và với nhiều cách nói khác nhau. Mọi Kitô hữu, nhất
là những người có trách nhiệm mục tử càng phải chú ý thi hành.
Nguồn: gpquinhon.org
(05.10.2022)
[1] Chẳng hạn Bênêđictô XVI, Tự sắc Omnium in Mentem, tất cả đều quan tâm, ký ngày 26.10.2009 và có hiệu lực 15.12.2009, đã thay đổi 5 điều trong bộ
giáo luật: 1008, 1009, 1086§1, 1117 và 1124. Phanxicô: Tự sắc Mitis
Judex Dominus Jesus, Chúa Giêsu Thẩm phán nhân từ, ban hành 15.8.2015
và có hiệu lực vào 8.12.2015, trong đó thay đổi 21 điều (1671-1691) ở phần tố tụng
hôn nhân của bộ giáo luật hiện hành; Tự sắc De concordia inter Codices, 31.05.2016, thay đổi một số điều luật
như đ. 111, đ. 112, đ. 535, đ. 868, đ. 1108, đ. 1109, đ. 1111, đ. 1116 và đ.
1127; Tự sắc Magnum Principium - Nguyên tắc chính yếu (3.09.2017)
thay đổi điều 838 về vấn đề thẩm quyền và xuất bản các bản dịch văn bản phụng
vụ sang ngôn ngữ địa phương; Tự
sắc Communis Vita - Đời sống cộng đoàn, (26.3.2019), sửa đổi
điều 694 và 729, về việc khai trừ khỏi hội dòng đối với những tu sĩ vắng nhà bất
hợp pháp 12 tháng; Tự sắc Authentic Charismatis, 01.10.2020,
sửa đổi đ. 579 về việc thành lập hội dòng thánh hiến quyền giáo phận để thành sự
phải có phép của Tòa Thánh chứ không chỉ là tham khảo như trước đây; Tự sắc Spiritus Domini, 10.01.2021 thay đổi điều
230§1 về việc chấp nhận người giáo dân không phân biệt nam hay nữ đều có thể
lãnh tác vụ đọc sách và giúp lễ; tự sắc Competentias Quasdam Decernere,
11.02.2022 về việc thêm một số quyền hành mục vụ cho Giám mục và bề trên tổng
quyền, đặc biệt ở điều 237; 242; 265; 686; 688§2 và 699; Tông hiến Praedicate Evangelium, 19.3.2022, thay
thế Pastor Bonus về giáo
triều Rôma.
[2] X. Phan
Tấn Thành, Tài sản, chế
tài và tố tụng trong Giáo Hội. Chú giải quyển 5-6-7 giáo luật, Roma
1996, tr. 99-104. [=Tài sản, chế tài và tố
tụng, Sđd].
[3] Xem tham luận họp báo giới thiệu Quyển VI mới canh
tân, của Đức Tổng Giám mục Filippo
Iannone, chủ tịch của Ủy ban Giáo Hoàng về văn bản luật và của Đức Giám
mục thư ký của ủy ban này Juan
Ignacio Arrieta. https://www.vaticannews.va/en/vatican-city/news/2021-06/penal-law-abuse-canon-law-vi-press-conference.html
[4] Trong khi chờ đợi bản dịch chính thức của Hội đồng
Giám mục Việt Nam, trong sách này sẽ tham khảo bản dịch của cha Giuse Đỗ Đức
Dũng (SVD) và cha JB. Lê Ngọc Dũng cùng với đối chiếu với bản dịch cũ của Quyển
VI chưa canh tân.
[5] Xem Luigi
Chiappetta, Il codice di
diritto canonico, commento giuridico-pastorale, II Libri III-IV-V-VI, 2 Ed,
Accresciuta e aggiornata, Edizioni Dehoniane Roma 1996, 582. (Bộ giáo luật, chú giải pháp lý và
mục vụ, tập II, Quyển III-IV,V-VI, in lần 2, có cập nhật và bổ sung).
So với bộ giáo luật 1917, quyển VI giáo luật 1983 ngắn gọn hơn nhiều, vì nhiều
lý do: - giảm các hình phạt, qua đó Giáo Hội muốn người tín hữu tuân giữ kỷ luật
trong tinh thần tự do yêu mến hơn là vì sợ những biện pháp trừng phạt; - áp dụng
nguyên tắc bổ trợ, bộ giáo luật đặt ra những nguyên tắc tổng quát và hình phạt;
còn việc định những hình phạt dành cho từng tội phạm sẽ dành cho thẩm quyền địa
phương; - đơn giản một số điều luật, tránh sự lặp lại và không đưa ra những định
nghĩa (dành cho các nhà nghiên cứu; -Thu hẹp phạm vi của một số định chế,
ví dụ hình được dành riêng cho Tòa Thánh...
[6] Xem hai bài tham luận giới thiệu giáo luật Quyển VI
mới canh tân, của Đức Tổng Giám mục Filippo
Iannone, chủ tịch của Ủy ban Giáo Hoàng về văn bản luật và Đức Cha thư
ký của ủy ban này Juan Ignacio
Arrieta.
[7] Nội dung của đ.1321§1 là hoàn toàn mới so với trong
bộ luật 1983. Đây được coi là một sự canh tân đáng kể về mặt chuyên môn luật,
nhất là khía cạnh nền tảng của hình luật và quyền lợi của các đương sự. Nulla poena sine lege là một nguyên
tắc nổi tiếng và có ảnh hưởng lớn đến các nền pháp chế dân chủ.
[8] Một nhận xét đáng chú ý: Trong những năm gần đây
nguyên tắc này bị vi phạm khá nhiều. Khi những vụ việc về lạm dụng tình dục
trong giới tu trì nổi lên, nhiều linh mục, nhất là ở Mỹ, bị tố giác và có những
Giám mục chủ trương “tuyệt đối không dung thứ”. Tại một số giáo phận, các Giám
mục phản ứng nhanh chóng, dứt khoát loại ngay các linh mục bị tố cáo, và do đó
tạo nên những linh mục mà các nhà giáo luật gọi là “không thể bổ nhiệm”. Các
Giám mục từ chối không cho các linh mục này làm việc mục vụ trở lại, mặc dù sau
khi xét xử, người ta không thấy có đủ lý để kết án họ.
[10] Để đào sâu về nền tảng Thánh Kinh của chế
tài, có thể tham khảo Velasio De
Paolis, Davide Cito, Le
sanzioni nella Chiesa, commento al codice di diritto canonico libro VI,
Urbaniana University press, Roma 2001, 22-25. (Chế tài trong Giáo Hội, chú giải bộ giáo luật quyển VI).
[11] Xem Gioan
Phaolô II, tông hiến Sacrae
Disciplinae Leges (các luật lệ của kỷ luật thánh), bản dịch việt
ngữ trong Bộ giáo luật 1983,
tr. 10-11, NXB Tôn Giáo, Hà Nội 2007 (Bản dịch việt ngữ của HĐGM Việt
Nam).
[13] Về việc thi hành án, có thể hiểu tương tự đối với về
hành vi hành chánh. Có những văn bản hành chính được gởi trực tiếp tới
đương sự nhưng cũng khi gởi qua trung gian một cơ quan hay cá nhân khác.
Người trung gian thường chuyển giao văn bản cho đương sự, nhưng cũng có
khi họ được ủy thác nhiệm vụ kiểm chứng các sự kiện và thẩm định
có nên trao hay rút lại quyết định. Người trung gian gọi là người chấp
hành (executor) và phải giữ các
quy tắc luật định, xem các điều 40-45. Trong Bộ Luật hình sự Việt Nam, điều 305
cũng có xác định tội không thi hành án là tội dành cho người có thẩm quyền mà
không ra quyết định thi hành án hoặc không thi hành quyết định gây hiệu quả
nghiêm trọng. X. Bộ luật hình sự
của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, NXB Chính Trị
Quốc Gia, Hà Nội 2007.
[14] Điều này cũng áp dụng cho những vụ đóng cửa hoặc bán
nhà thờ, hoặc gởi đơn tới chính quyền dân sự để xin tuyên bố giáo phận phá sản
mà không có sự chấp thuận trước đó của Tòa Thánh. Về điều này, một số Giám mục
tại Mỹ đã bị Tòa Thánh cảnh cáo trong thời gian gần đây.
[15] Ngày 08.04.2020 Tòa thánh đã loan tin Đức Thánh Cha
Phanxicô đã thành lập một Ủy ban mới để nghiên cứu về chức nữ phó tế. Ủy ban
này sẽ tiếp tục công việc nghiên cứu của nhóm trước đó (từ 2016) về lịch sử của
các nữ phó tế trong Tân Ước và trong các cộng đồng Kitô hữu sơ khai. Xem https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2020-04/dtc-phanxico-uy-ban-nghien-cuu-chuc-nu-pho-te.html và xem thêm https://www.vaticannews.va/vi/vatican-city/news/2021-08/khoa-hop-dau-tien-uy-ban-moi-pho-te-phu-nu.html
[16] Bộ Giáo Lý Đức Tin, “Những quy định
về các tội nặng hơn dành cho Bộ Giáo lý Đức tin” ĐGH Bênêđictô XVI phê chuẩn và
ban hành 21.5.2010, điều 4 (bản dịch việt ngữ của lm. Giuse Lê Danh Tường). Nội
dung này lấy lại Nghị định của Bộ Giáo Lý Đức Tin về bảo vệ bí tích hòa giải, Decretum de sacramenti Paenitentiae
dignitate tuenda, 23.9.1988, trong AAS 80
(1988) 1367.
[17] Chẳng hạn, vào ngày 3.5.2011, Bộ Giáo Lý Đức Tin đã
ra một Thư Luân Lưu nhằm giúp các HĐGM trên thế giới soạn thảo các đường hướng
để xử lý nghiêm khắc những vụ giáo sĩ lạm dụng tính dục. Trong đó bao hàm việc áp đặt một hình phạt chung thân như việc rút
khỏi bậc giáo sĩ. Xem thư nầy tại:
http://www.vatican.va/roman_curia/congregations/cfaith/documents/rc_con_cfaith_doc_20110503_abuso-minori_en.html. Đức Thánh Cha
Phanxicô cũng từng nói rằng linh mục nào làm phụ nữ có thai thì phải rời bỏ thừa
tác vụ để chăm sóc đứa trẻ kia, dù ông quyết định không kết hôn với người phụ nữ
đó đi nữa, vì đứa trẻ có quyền có một người mẹ thế nào, thì nó cũng có quyền có
một người cha như thế (ĐTC Phanxicô phát biểu vào ngày 5.4.2013, theo CNA/EWTN News)
[18] Tham khảo bản dịch việt ngữ của Linh mục Giuse Lê
Danh Tường, tại http://giaoluatconggiao.com/VAN-KIEN/nhung-quy-dinh-ve-cac-toi-danh-rieng-cho-bo-giao-ly-duc-tin-37.html
[19] Để tìm hiểu sâu xa về bản chất và tinh thần
của hình luật giáo luật, có thể tham khảo (Exercus circa la natura e lo spirito del diritto penale canonico),
trong Velasio De Paolis, Davide Cito, Le sanzioni nella Chiesa,VI, Sđd, tr.56-83.