NIỀM VUI CỦA TIN MỪNG SỰ SỐNG
Đức hồng y Sean P. O’Malley, O.F.M Cap.
Chuyển ngữ: Antôn Uông Đại Bằng
WHĐ (27.9.2020) – Khi tôi còn là giám mục ở miền
Tây Ấn, chúng tôi đã cử hành lễ kim khánh hôn phối cho một đôi vợ chồng rất tuyệt
vời trong giáo xứ. Sau năm mươi năm kết hôn, họ vẫn còn rất yêu thương nhau và
họ toát ra một tinh thần vui tươi và đầy nhiệt huyết khơi nguồn cảm hứng thực sự
cho cả xứ đạo. Chúng tôi cử hành thánh lễ với nghi thức lặp lại giao ước hôn phối.
Trước khi cử hành, tôi có nói chuyện với ông Alfonso về cuộc hôn nhân lâu dài
và thành công của ông. Ông nói: “Thưa Đức Cha, khi vợ con và con kết hôn, chúng
con đã quyết định là tất cả mọi quyết định sẽ được thực hiện một cách khoa học,
và do đó, sẽ tránh được những tranh cãi không cần thiết.” Tôi mới hỏi: “Ông bà
thực hiện điều đó như thế nào?” Ông nói: “Rất đơn giản, thưa Đức Cha, chúng con
thỏa thuận rằng con sẽ quyết định mọi việc lớn, còn vợ con sẽ quyết định những
việc nhỏ.” “Và rồi điều đó tiến triển ra sao?” Tôi hỏi. Và ông Alfonso trả lời
“Tiến triển rất tốt ạ. Nhưng Đức Cha biết không? Vẫn chưa có quyết định lớn nào
cả!”
Thực ra, quyết định lớn nhất là yêu thương. Như Đức
Bênêđictô đã nói trong Thông điệp Thiên
Chúa Là Tình Yêu: “Chúng ta đã tin vào tình yêu Thiên Chúa; bằng những từ
ngữ đó, người Kitô hữu có thể diễn tả quyết định nền tảng của đời mình.”
Vâng, quyết định nền tảng của đời ta là yêu mến
Thiên Chúa, Đấng đã thương yêu chúng ta trước, và thương yêu người lân cận như
chính bản thân ta. Trong kế hoạch của Thiên Chúa, gia đình phải là trường học
yêu thương, trong đó ta học trao hiến bản thân ta cho Thiên Chúa và cho tha nhân,
như tình yêu sẵn sàng hy sinh của Chúa Giêsu trên thập giá là nguồn mạch sự sống
của chúng ta, những môn đệ của Ngài. Quyết định yêu thương phát sinh từ sự gặp
gỡ với Đấng Thiên Chúa hằng sống, mà tình yêu của Người là nền tảng sự sống của
chúng ta, và đặt ra những câu hỏi quan trọng về Thiên Chúa là Đấng nào và chúng
ta là ai.
Nhiều năm về trước, khi còn dạy văn chương Tây
Ban Nha, tôi luôn ưa thích nói chuyện về một cuốn tiểu thuyết có tên là Marianela, tác phẩm của Perez Galdos.
Đây là câu chuyện về một thiếu phụ trong một ngôi làng ở Tây Ban Nha. Thiếu phụ
này có một khả năng vĩ đại về tình bạn, lòng tốt và tình yêu thương. Marianela
có một bạn trai tên là Pablo, anh này bị mù. Marianela nấu nướng cho Pablo ăn,
đọc sách cho Pablo nghe, giặt giũ quần áo cho Pablo, dẫn dắt Pablo đi đó đi
đây, và là người bạn trung thành của Pablo.
Một ngày kia, Pablo được gia đình đưa lên thành
phố lớn để gặp các bác sĩ trên đó, và các vị này đã chữa anh khỏi mù lòa.
Bây giờ anh trở lại làng quê, và lần đầu tiên trong
đời, Pablo nhìn thấy người thiếu phụ hằng yêu thương anh hơn bất cứ ai khác
trên đời này có thể yêu anh và sẽ yêu anh được như thế.
Nhưng bây giờ khi đôi mắt Pablo đã tỏ, anh nhận
thấy còn có những phụ nữ trẻ trung khác trong làng xinh đẹp hơn Marianela. Và
anh bỏ chị mà đi cưới một trong các người nữ kia.
Sự trớ trêu trong chuyện này là: Khi Pablo còn
mù, anh đã có thể thấy. Anh đã thấy được lòng tử tế, cái đẹp, tình yêu của
Marianela. Nhưng khi anh nhìn được với đôi mắt của mình, anh chỉ có thể nhìn thấy
những cái ở ngoại diện, những gì thuộc ngoại hình. Và những cái ngoại hình thường
lừa dối. Ta cần phải có khả năng nhìn thế giới này qua đôi mắt của Thiên Chúa,
để nhìn thấy được những gì thực hữu, những gì thực sự đẹp, những gì thực sự
quan trọng. Đó là cái nhìn của đức tin làm cho ta lấy những quyết định chính
xác, những quyết định về sự sống, về ơn gọi cho mỗi người chúng ta, về sứ mệnh
của chúng ta, về sự chúng ta đáp trả lại tình yêu Thiên Chúa.
Như Đức Phanxicô nói trong Thông điệp Niềm Vui Tin Mừng: “Nếu chúng ta đã nhận
lãnh tình yêu vốn phục hồi ý nghĩa cho cuộc đời chúng ta, làm sao chúng ta lại
có thể không chia sẻ tình yêu ấy cho những người khác?” Đức Thánh Cha đã nói rất
rõ rằng: ơn chúng ta được kêu gọi làm môn đệ chính là ơn gọi làm môn đệ thừa
sai.
Ta chỉ trung thành với sứ mệnh của ta là gia đình
của Đức Kitô, khi nào ta biết mời gọi tha nhân cũng tham gia vào sứ mệnh này,
và khi nào ta biết giúp cho các gia đình “trở nên đúng như căn tính của mình.”
Trong kế hoạch của Thiên Chúa, các gia đình là những nhà truyền giáo. Gia đình
chuyển giao đức tin cho các thế hệ mới và chia sẻ với các thành viên mới kho
tàng và sản nghiệp đã được nhận lãnh. Hôn nhân trong kế hoạch của Thiên Chúa là
cung thánh của sự sống, và gia đình là một cộng đồng của tình yêu.
Đó là phần rất quan trọng của sứ điệp Tin Mừng,
mà chúng ta phải sống và công bố. Như Đức Thánh Cha Phaolô VI đã nói: “Gia
đình, giống như Hội Thánh, phải là nơi Tin Mừng được chuyển giao và từ đó Tin Mừng
chiếu tỏa. Trong một gia đình có ý thức về sứ mệnh này, tất cả mọi thành viên
trong gia đình đều loan báo Tin Mừng và được loan báo Tin Mừng. Cha mẹ không chỉ
truyền đạt Tin Mừng cho con cái họ, nhưng chính họ còn có thể nhận lãnh cùng một
Tin Mừng ấy từ nơi con cái như đã được sống một cách sâu xa nơi bản thân chúng.
Và một gia đình như thế trở nên người loan báo Tin Mừng cho nhiều gia đình
khác.”
Chúng ta tất cả đều có diễm phúc biết được những
gia đình như Đức Thánh Cha Phaolô VI đã mô tả. Một trong các gia đình như vậy
đã cho tôi một ấn tượng sâu xa lúc tôi còn là chủng sinh – chính là gia đình
Gauchat. Billy và Dorothy đều là những bạn thân của Dorothy Day và Peter Maurin
trong Phong trào Lao động Công giáo. Gia đình Gauchat đã có sáu người con rồi,
nhưng tại trang trại họ sinh sống ở Avon, thuộc tiểu bang Ohio, họ còn đón nhận
hàng tá đứa trẻ bị khuyết tật nặng mà cha mẹ chúng không đủ khả năng hoặc thậm
chí không muốn nuôi nấng chúng nữa. Bill và Dorothy đã từng dạy con cái họ biết
phải yêu thương và chăm sóc ra sao những đứa trẻ khốn khổ này mà nay trở thành
anh em chị em ruột thịt của chúng. Đó quả là một công trình bởi tình yêu
thương. Tôi sẽ chẳng bao giờ quên được cái ấn tượng gia đình này để lại trong
tôi khi lần đầu tiên tôi thăm viếng và trông thấy những đứa trẻ có những biến dạng
ghê sợ như thế lại đang nhận được biết bao là tình yêu thương trong gia đình
này. Thật chúng đã moi ra được tình thương yêu ấy và chúng chính là phúc lành
và ân sủng.
Là một gia đình trong gia đình của Thiên Chúa, vốn
chính là một cộng đồng yêu thương, ở đó ta học trao hiến bản thân cho Thiên
Chúa và cho tha nhân. Những gia đình tuyệt vời này làm thay đổi dòng lịch sử, mở
ra cánh cửa cho ánh sáng Thiên Chúa tràn vào thế giới chúng ta. Chứng tá của
các gia đình ấy giúp cho những người khác biết mở lòng ra đón nhận sự sống.
Khi tôi còn ở chủng viện, vị giám tỉnh chúng tôi,
cha Victor, đã viết một lá thư gửi sang Rôma, trong đó ngài viết rằng: sứ vụ của
tu sĩ dòng Capuxinô tại Puerto Rico đang phát triển và tỉnh dòng chúng tôi đã
được chuẩn bị để đảm nhiệm một sứ vụ thứ hai. Ngài nói ngài muốn xin một sứ vụ
khó khăn nhất trên đời. Lời đề nghị này ngay lập tức được đáp ứng. Chúng tôi được
yêu cầu mở ra một sứ vụ tại vùng cao nguyên ở Papua Tân Ghinê. Những tu sĩ đầu
tiên của chúng tôi đặt chân lên đó kể lại rằng: khi những thổ dân nhìn thấy máy
bay lần đầu tiên trong đời, họ đã hỏi máy bay là con đực hay con cái. Rồi họ bảo
rằng: “Nếu nó là con cái, ta sẽ có một quả trứng.”
Nhiều khi vì ưu thế kỹ thuật của chúng ta, chúng
ta lại tự lừa dối mình để nghĩ rằng ta giỏi giang và khôn ngoan hơn những người
thuộc thế giới đang phát triển. Điều này rất không đúng. Điều này tôi đã cảm nhận
được một cách đầy xúc động khi nhóm thừa sai đầu tiên tới Tân Ghinê chia sẻ một
câu chuyện khác hết sức đặc biệt về một nhóm thổ dân đã theo Công giáo trong miền
truyền giáo của chúng tôi. Một hôm họ đi xa khỏi làng quê của họ và gặp một
nhóm thổ dân đến từ một nơi khác rất xa trên đảo. Họ khám phá ra rằng những người
này cũng là Kitô hữu, nhưng lại thuộc giáo phái Tin lành Lutêrô. Họ trở về trụ
sở chúng tôi và nói rằng họ thất vọng biết bao khi biết các môn đệ của Chúa
Giêsu lại không hiệp nhất.
Họ lấy làm bực bội vì thấy có những sự chia rẽ
như thế. Anh em tu sĩ cũng cảm thấy bối rối và xấu hổ. Khi họ nói với chúng tôi
về điều đó, chúng tôi cảm thấy quá bối rối vì chúng tôi đã tự mãn và dửng dưng
trước cái gương xấu là sự chia rẽ ngay giữa các môn đệ của Đức Kitô. Những thổ
dân còn sơ khai này ngay lập tức thấy được tấn thảm kịch và sự mâu thuẫn của
tình huống này. Đức Kitô đã mong mỏi sự hiệp nhất và tình huynh đệ giữa các môn
đệ của Ngài, và chúng ta thì lại đi đến chỗ chấp nhận sự chia rẽ ấy như là bình
thường, chẳng đáng lưu ý và không thể nào tránh được. Chúng ta có biết bao điều
để học hỏi từ những người thổ dân đơn sơ này, vì họ đã nắm bắt được ý nghĩa của
Tin Mừng và khước từ ý niệm chia rẽ.
Trong Bữa Tối Cuối Cùng, Chúa Giêsu đã rửa chân
cho các môn đệ và ban cho chúng ta Điều Răn Mới: Hãy thương yêu nhau như Chúa
đã thương yêu chúng ta. Ngài cầu xin: “Lạy Cha, ước gì tất cả chúng được hiệp
nhất như Cha và con luôn hiệp nhất hầu cho thế gian tin rằng Cha đã sai con.” Nếu
thế gian không tin, một phần chính là vì chúng ta không hiệp nhất.
Tôi rất hài lòng là mục sư Rick Warren hiện diện
với chúng ta trong Hội nghị này. Đây là một chứng tá cho sự hiệp nhất cực kỳ
quan trọng trong thế giới ngày nay đang khi chúng ta công bố Tin Mừng của Sự Sống,
nhu cầu bảo vệ hết mọi con người, từ giây phút đầu tiên lúc thụ thai cho đến
lúc lìa đời một cách tự nhiên, và nhu cầu bảo vệ gia đình như cung thánh của sự
sống, và hôn nhân như giao ước thánh thiêng được mô tả trong những trang đầu của
Kinh Thánh – như một người nam lìa cha mẹ mà gắn bó nên một thân thể với vợ
mình. Thật là niềm an ủi lớn lao cho tôi được đứng trên sân khấu này cùng với một
người anh em cùng là Kitô hữu vốn hằng tận tụy trong việc rao giảng Tin Mừng.
Chúng ta thực sự có phúc nhờ chứng tá và tình bằng hữu của ông.
Nếu cha giám tỉnh chúng tôi hôm nay viết thư xin
được thực hiện sứ vụ khó khăn nhất, có lẽ chúng tôi sẽ không được sai đi Papua
Tân Ghinê đâu, mà sẽ được sai đi tới Hoa Kỳ và những nơi khác của thế giới Tây
phương là nơi hiện tượng giải-Kitô-giáo đang thắng thế. Đây là những lãnh thổ
truyền giáo mới cho Hội Thánh.
Chúng ta cần tìm kiếm những cung cách mới để đưa Tin
Mừng đến cho thế giới đương thời, để loan báo Chúa Kitô lần nữa và một cách mới
mẻ, và để trồng cấy đức tin. Nhiệm vụ chúng ta là biến đổi những người mê tiêu
thụ trở thành những môn đệ và những người thừa sai. Chúng ta cần chuẩn bị cho
những người nam và người nữ biết làm chứng tá cho đức tin, chứ không phải là cử
nhau đi tham gia vào chương trình bảo vệ cho chứng tá.
Chúng ta cần phải trang bị cho các tín hữu làm
người môn đệ. Họ cần phải am tường các chân lý của đức tin, nhưng họ cũng cần
phải biết sống những chân lý đó như thế nào. Cái cung cách đa phần chúng ta trở
thành Kitô hữu đích thực là nhìn qua vai của người khác, noi gương một thành
viên lớn tuổi hơn đáng khâm phục trong gia đình hay giáo xứ, nói đồng ý và yêu thích một cung cách sống
đã được thể hiện và có thể tiếp cận nhờ chứng tá của một người khác. Chúng ta học
làm môn đệ theo cung cách chúng ta học nói một ngôn ngữ, bằng cách sống trong một
cộng đồng nói ngôn ngữ ấy.
Chúng ta đang sống trong một thế giới bị ám ảnh bởi
những người nổi tiếng, một thế giới trong đó tất cả những người nổi tiếng quá
nhiều khi thay thế các nam anh nữ kiệt. Nhiều khi những nhân vật nổi tiếng này,
với tất cả những nét ưa nhìn và tài năng ca hát, diễn xuất hoặc chơi thể thao,
họ lại có những lối sống phù phiếm, vị ngã và hỗn độn. Trái lại, Hội Thánh luôn
nêu cho ta thấy những đời sống các Thánh như mẫu gương cho lời mời gọi phổ quát
nên thánh. Các Thánh nêu gương mẫu cho chúng ta noi theo để chiến đấu hầu thắng
vượt những yếu đuối và tội lỗi của con người và sống gắn bó theo thánh ý Chúa.
Trong cả bốn sách Tin Mừng đều có một sự đối chọi
giữa thực tại gọi là đám đông và thực tại gọi là cộng đồng. Đám đông là một tập
hợp những cá nhân, được thúc đẩy bởi tư lợi, được đưa đẩy vào với nhau bởi hoàn
cảnh và thường vô cảm, dửng dưng. Trong Tin Mừng ta đọc thấy người hành khất
Báctimê, hay ông trưởng ty thuế vụ bị thách thức về chiều cao Dakêu cứ ra sức
len lỏi tới gần Chúa Giêsu, nhưng đám đông cứ đẩy bật họ đi. Hồi còn nhỏ, câu
chuyện Tin Mừng tôi yêu thích nhất là câu chuyện trong đó đám đông quá dày đặc
đến nỗi họ không thể nào đưa một người bất toại vào được trong nhà ông Phêrô để
anh tới được bên Chúa. Bạn hữu của anh mới đưa anh lên mái nhà, dỡ ngói để có một
khoảng trống và dùng dây thả anh xuống ngay trước mặt Chúa, và Ngài đã chữa
lành cho anh. Tôi thường nghĩ: “Ồ, tôi muốn có những bạn hữu như thế.” Và tôi
hy vọng cũng là một người bạn như thế.
Vâng, trong Tin Mừng, đám đông luôn xô đẩy người
ta xa khỏi Chúa, và cộng đồng bao giờ cũng giúp đem người ta lại gần Chúa. Nhiệm
vụ chúng ta là biến đổi đám đông thành một cộng đồng. Đó chính là ý nghĩa của
phúc âm hóa – của loan báo Tin Mừng, và công việc đó phải khởi sự từ trong các
gia đình chúng ta, bằng cách biến đổi một tập hợp các cá nhân thành một cộng đồng,
thành hội thánh tại gia, ở đó chúng ta cầu nguyện chung với nhau, chia sẻ đức
tin cho nhau, học biết tha thứ và yêu thương vô điều kiện.
Quá nhiều khi thông điệp chớp nhoáng của những bậc
cha mẹ theo kiểu máy bay trực thăng là: “Nếu con không xuất sắc về mọi mặt, con
sẽ không xứng đáng nhận được tình yêu thương của ta đâu.” Trong các gia đình,
ta học biết tha thứ, chia sẻ, chăm sóc và nuôi dưỡng. Ta cần phải quây quần lại
với nhau chung quanh bàn ăn của gia đình để cùng ăn uống với nhau. Ta cũng cần
quây quần chung quanh bàn tiệc Thánh Thể. Ở tại bàn ăn và bàn thờ ta học biết
căn tính của ta, và tìm thấy được sức mạnh để thực sự trở nên đúng căn tính ấy
và trao hiến chính mình.
Đức Thánh Cha Phanxicô, trong thông điệp mới nhất
của ngài, Laudato Si’, thúc đẩy chúng
ta chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta và chăm sóc tất cả những gì Chúa ban tặng,
trở thành người bảo vệ các hồng ân của Thiên Chúa. Ngài cũng thường thúc đẩy
chúng ta biết chăm sóc lẫn nhau. Đó chính là lý do tại sao chúng ta hiện diện ở
đây. Chúng ta hiện diện ở đây để xây dựng nền văn minh tình yêu, để là một bệnh
viện dã chiến có khả năng thể hiện tình yêu nhân hậu của Chúa Giêsu.
Chúng ta ở trên
trái đất này với sứ mệnh chăm sóc lẫn nhau, xây dựng nền văn minh tình yêu.
Ngày hôm nay chúng ta tìm thấy được cảm hứng nơi biết bao người nam cũng như nữ
tràn đầy đức tin từng đi trước chúng ta. Bây giờ chúng ta hãy tái cam kết thi
hành sứ vụ này – nhiệm vụ làm môn đệ thừa sai, chuyển giao kho tàng đức tin cho
các thế hệ tương lai. Ước mong chúng ta cũng quảng đại, trung thành và thành
công như những thế hệ đã đi trước chúng ta.
Trích Tập san Hiệp Thông / HĐGM VN, Số 95 (Tháng 7 & 8 năm 2016)