NHỮNG THẮC MẮC PHỔ BIẾN VỀ ƠN GỌI TU TRÌ TRONG GIÁO HỘI
WHĐ (26.4.2023) – Chúa nhật thứ IV mùa Phục sinh, ngày Thế giới cầu nguyện cho Ơn
thiên triệu, hay còn gọi là,
ngày cầu nguyện cho ơn gọi Linh mục và Tu sĩ. Nhân dịp này, chúng ta cùng xem giải đáp cho một
số thắc mắc nổi bật liên quan đến đời sống Linh mục và Tu sĩ của chương trình Vision &
the National Religious Vocation Conference, Hoa Kỳ, như một cách để giúp các bạn trẻ có cái nhìn chung về ơn gọi
tu trì trong Giáo hội.
1. Các Linh mục, nam nữ tu sĩ làm
gì trong một ngày sống?
Giống như hầu hết những người trưởng thành, các linh mục, tu sĩ dành một phần thời
gian mỗi ngày để làm việc. Những
công việc này được gọi là việc mục
vụ vì mô hình và động lực của những
công việc này là chính Chúa Giêsu, Đấng đã mời gọi các linh mục và tu sĩ đi theo
Người và phục vụ theo cách của
Người. Dù thế, các linh mục và tu sĩ không chỉ làm việc, mà
còn duy trì sự kết hợp giữa cầu nguyện, sứ vụ, và giải trí để có lối sống lành
mạnh, cân bằng hầu có
thể trở thành những người vui tươi,
khoẻ mạnh và dấn thân cách hiệu quả.
Việc cầu
nguyện của các linh mục, tu sĩ thường
bao gồm Thánh lễ, cầu nguyện trong thinh lặng (gọi là chiêm niệm), đọc Các giờ Kinh Phụng vụ (một tập tục cổ
xưa là cầu nguyện các Thánh vịnh vào các giờ khác nhau trong ngày).
Trong việc mục vụ, các linh mục và tu sĩ cố
gắng chia sẻ cuộc sống của mình với người khác và bày tỏ Đức Kitô trong mọi việc
họ làm. Nhiều linh mục, tu
sĩ có một công việc chính, chẳng hạn
như giảng dạy, mục vụ giáo xứ, công tác xã hội, bệnh viện, … tất
cả đều có giờ giấc rõ ràng.
Thường thì vào các ngày thứ Bảy và Chúa Nhật thì lịch trình của các linh
mục và tu sĩ tại các giáo xứ thường bận rộn hơn với việc cử hành thánh lễ, các sinh hoạt
đoàn thể, các lớp giáo lý...
Ngoài ra, những
linh mục và tu sĩ là thành viên của các dòng tu chiêm niệm (cộng đoàn dành riêng cho việc
cầu nguyện) cũng lấp đầy ngày sống bằng
sự kết hợp của làm việc, cầu nguyện và giải trí, trong đó phần lớn thời gian được dành cho việc cầu nguyện. Còn làm việc thì làm một số công
việc mang lại thu nhập, chẳng hạn như: trồng trọt, nướng bánh lễ, may áo lễ, làm đồ mỹ nghệ và thủ công
mỹ nghệ, …
2. Cầu nguyện quan trọng như thế nào trong đời sống của
Linh mục và Tu sĩ?
Vì đã chọn một lối sống đặt Thiên Chúa là trên hết nên
cầu nguyện là trung tâm đời sống tu
trì. Mức độ hiệp thông sâu
sắc với Thiên Chúa của linh mục, tu
sĩ cũng giống như sự hiệp thông diễn ra giữa bất cứ hai người
yêu nhau nào. Mối tương quan của người tu sĩ với Chúa phát triển và sâu sắc
hơn nhờ sự cầu nguyện, do đó, nhiều
linh mục, tu sĩ thường dành hơn 2 giờ đồng hồ mỗi ngày để cầu nguyện. Bao gồm (1) việc cầu nguyện chung như: Thánh
Lễ, đọc Các giờ Kinh Phụng vụ, lần hạt Mân côi, Chầu Thánh thể; (2) việc cầu nguyện riêng như: thinh lặng với Chúa, suy niệm về các bài đọc từ Kinh Thánh, đọc sách về đời sống tâm linh. Một
trong những tác động tích cực của việc cầu nguyện, dù nó diễn ra dưới hình thức
nào, đều nhằm giúp người sống đời tu trì ý thức hoạt động của
Thiên Chúa nơi con người, nơi các sự
kiện, và hoàn cảnh của cuộc sống
hàng ngày.
3. Đối với Linh mục, Tu sĩ việc Cầu nguyện có
luôn dễ dàng không?
Không phải lúc nào cũng dễ dàng! Ngay cả những linh mục, tu sĩ sống chiêm niệm - mà bổn phận chính yếu là cầu
nguyện - cũng trải qua những
giai đoạn khô khan khi giờ cầu nguyện có vẻ buồn tẻ, hoặc không có gì thay đổi. Khi lớn lên
trong trải nghiệm cầu nguyện, các tu
sĩ học cách thích nghi với những thay đổi này. Các tu sĩ cũng cần nhờ đến sự nâng đỡ của cộng đoàn, hoặc đôi khi sự giúp đỡ của một vị linh hướng (người đóng vai trò hướng dẫn trong đời sống tâm linh) để giúp họ kiên trì cầu nguyện trong những thời điểm khó khăn. Những linh mục coi sóc xứ cũng nhận được sự khích lệ của cộng đoàn giáo xứ và các linh mục khác để cố
gắng trung thành cầu nguyện ngay cả khi thấy mình ơ hờ và không thích.
4. Đâu là sự khác biệt giữa Linh mục triều
và Linh mục dòng?
Linh mục triều,
còn được gọi là linh mục giáo phận, thường phục vụ Giáo hội trong một khu vực địa lý nhất định được gọi là giáo phận. Linh mục triều thường phục vụ dân chúng với tư cách là một
linh mục quản xứ, nhưng ngài cũng có thể tham gia vào những hình thức mục vụ khác như giảng dạy, mục vụ
bệnh viện,…
Linh mục dòng là thành viên của một dòng tu, có thừa tác vụ vượt ra ngoài giới
hạn địa lý của giáo phận. Một linh mục dòng thường sống chung trong cộng
đoàn. Cộng đoàn chia sẻ một tầm nhìn và đường hướng chung và thường nhấn mạnh một loại mục
vụ cụ thể.
5. Sự khác biệt giữa Tu huynh và Linh
mục là gì?
Một Tu huynh là một người cam kết với Đức Kitô bằng lời khấn: khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục. Tu huynh thường sống trong một cộng đoàn dòng tu và làm việc trong tác vụ phù hợp với
khả năng và năng khiếu của mình. Tu huynh cố gắng sống đức tin của mình bằng cách trở thành “anh em” với
người khác.
Một Linh mục được thụ phong cho một vai trò đặc biệt là thừa
tác viên Bí tích. Linh mục cử hành
các Bí tích nhất là bí tích Thánh Thể và giải tội. Ngoài ra, linh mục cũng tham gia vào nhiều công việc khác — thường là
liên quan đến giáo xứ — nhưng đời sống bí tích là thừa tác vụ đặc biệt của
ngài.
6. Nữ tu và đan sĩ khác nhau
như thế nào?
Nói chung, về mặt
từ ngữ, từ nữ tu dùng để chỉ
những phụ nữ thuộc một Hội tông
đồ, hoặc Dòng tu hoạt động,
nhằm cống hiến cho việc phục vụ, chẳng hạn như giáo dục, công lý, chăm sóc sức khỏe, mục vụ giáo xứ, hoặc dịch vụ xã hội.
Trong khi đó, nữ đan sĩ là nữ tu thuộc đan viện chiêm niệm,
không tham gia các hoạt động bên
ngoài, nhưng dành hầu hết thời
gian cho việc thờ phượng
Thiên Chúa và cầu nguyện cho thiện ích của thế giới. Các đan sĩ chiêm niệm
sống trong phạm vi đan viện và rất hiếm khi ra ngoài hoặc gặp gỡ người bên ngoài đan viện.
7. Các Dòng tu khác nhau ra
sao?
Mỗi Dòng tu hoặc Hội dòng có một đặc sủng — một hồng ân được lãnh nhận để phục vụ Giáo hội. Chẳng hạn, đặc sủng
của Dòng tu có thể là giảng dạy, cầu nguyện, chữa bệnh, chăm sóc người nghèo…. Đặc sủng giúp các Dòng tu tập trung vào thừa tác vụ và hoàn thành sứ mạng riêng của
mình.
Nhiều Hội dòng có cùng chí hướng hoặc có các việc mục vụ tương tự, nhưng mỗi Dòng tu vẫn có những nét khác biệt nào đó. Đôi khi nó có thể chỉ là một vấn
đề địa lý. Nhiều nhóm nam nữ tu sĩ được thành lập với những mục đích giống nhau
và vào cùng thời điểm nhưng ở những nơi khác nhau.
Các cộng đoàn tu
trì được thành lập để đáp ứng những nhu cầu cụ thể của thời đại, cho dù
đó là phục vụ những người bệnh trong thời kỳ Dịch bệnh, giáo dục trẻ em ở các
vùng biên giới, hoặc cầu nguyện cho sự
hoán cải của những con tim chai đá. Ngày
nay, nhiều cộng đoàn tu trì mới
tiếp tục được hình thành để đáp lại lời Thiên Chúa kêu gọi những người nam, nữ tham gia vào các hình thức tâm linh, cộng đoàn và sứ vụ cụ thể.
8. Để trở thành Linh mục thì phải mất
bao lâu?
Nói chung, phải mất 4 năm đại học, sau đó là 5 - 6 năm học tại chủng viện. Chủng viện là một
trường tương đương cấp cao đẳng
hoặc đại học do một giáo phận Công giáo điều hành để giáo dục và chuẩn bị cho
nam giới trở thành linh mục giáo phận.
Một tu sĩ
nam theo học để làm linh mục dòng cũng phải trải qua khóa đào tạo tại Học viện của dòng.
Trong thời gian này, ứng sinh học Thần học, Thánh kinh, Giáo huấn Giáo hội
và các kỹ năng cần thiết để trở thành một linh mục.
9. Làm thế nào để gia nhập một
cộng đoàn Tu dòng?
Quá trình gia nhập một cộng đoàn tu dòng thực sự mất một thời gian và gồm
nhiều giai đoạn. Mặc dù có sự khác
nhau về qui định và chương trình đào tạo giữa các Hội dòng, nhưng nói chung, các
giai đoạn cơ bản bao gồm:
1. Liên hệ: Một người ở độ tuổi trung học
trở lên, quan tâm đến đời sống
tu trì nhưng vẫn đang tìm để trả lời câu hỏi “Chúa muốn gì ở tôi?” có thể
tham gia một chương trình với một cộng đoàn dòng tu. Các
chương trình này thường rất linh hoạt. Người đó có thể gặp gỡ hàng tháng với một
linh mục, nữ tu, tu huynh, đồng thời
chia sẻ kinh nghiệm cầu nguyện và đời sống cộng đoàn. Hoặc có thể tham gia chương trình “Đến và xem” (Come and see) để thăm một cộng đoàn và trải nghiệm lối
sống của cộng đoàn đó.
2. Ứng viên: Giai đoạn này có thể kéo dài 1-2 năm hoặc hơn, có mục đích giúp ứng viên
(đôi khi được gọi là “Thỉnh sinh”)
quan sát và tham gia vào đời sống tu trì từ bên trong. Ứng viên phải thể hiện sự
nhiệt tâm và được cộng đoàn đồng ý chấp nhận trong tiến trình tham gia. Ứng viên có thể sống trong cộng đoàn và vẫn tiếp tục việc học tập
hoặc trải nghiệm công việc của mình.
Giai đoạn này một đàng cho
phép ứng viên quan sát và tham gia vào đời sống tu trì, đàng khác, cũng giúp cộng đoàn xem liệu ứng
viên có thể sống ơn gọi tu dòng trong
đời sống cộng đoàn hay không.
3. Tập sinh: Tập viện là giai đoạn đào tạo tiếp theo. Đây là khoảng thời
gian đặc biệt từ 1 đến 2 năm đánh dấu sự gia nhập chính thức
hơn của ứng viên vào
một cộng đoàn dòng tu. Các tập
sinh dành thời gian cầu nguyện, học
tập để tìm hiểu thêm về bản thân, Hội dòng và
mối tương quan của họ với Chúa Giêsu.
Vào cuối giai đoạn tập viện, các
tập sinh chuẩn bị cho việc khấn tạm.
4. Tuyên khấn: Sau khi hoàn thành năm Tập, tập sinh tuyên khấn tạm
trong Hội dòng. Thông thường, các tu sĩ khấn 3 lời khấn: Khó nghèo, Khiết tịnh
và Vâng phục và thời gian Khấn tạm có
thể gia hạn trong tối đa 9
năm. Tuỳ theo qui định của mỗi Dòng
tu, 3 năm sau kể từ khi tuyên khấn tạm thời, một người có thể
tuyên khấn trọn đời.
10. Các Linh mục dòng, Tu
sĩ phải tuyên khấn những gì?
Các nam nữ tu sĩ
và linh mục trong các cộng đoàn Tu
dòng tuyên khấn 3 lời khấn
dòng, và một số dòng tu
cũng tuyên khấn thêm các lời khấn
khác. Ba lời khấn phổ biến nhất là:
- Khó Nghèo. Người tu sĩ chia sẻ của cải vật chất, sống một cuộc sống đơn giản và nhận
ra rằng mình phụ thuộc vào Thiên Chúa.
- Khiết tịnh. Người tu sĩ chọn yêu mến và phụng sự Thiên Chúa
và dân Chúa thay vì chỉ yêu một người trong đời sống hôn nhân. Người tu sĩ dâng hiến nếp sống độc thân của mình
như một chứng tá cho tình yêu của
Thiên Chúa.
- Vâng
phục. Người tu sĩ sống
trong cộng đoàn và cố gắng lắng nghe và làm theo ý Chúa qua bề trên hợp pháp của Hội dòng.
Các Linh mục triều tuyên hứa sống đời độc thân và vâng lời giám mục của
mình. Linh mục triều không khấn khó nghèo, nhưng họ cố gắng sống
giản dị để có thể làm chứng tá và phục
vụ dân Chúa cách thuyết phục.
11. Các Linh mục, Tu sĩ có thể hẹn hò được không?
Không, các linh mục, tu sĩ không thể hẹn hò. Lý do là, đối với Kitô hữu, việc hẹn
hò có liên quan đến hôn nhân,
trong khi đó, linh mục, tu sĩ
là những người cam kết sống độc
thân, không có ý định kết
hôn. Tuy nhiên, các linh mục, tu sĩ có thể có tình bạn
chân thành, trong sáng, lành mạnh ở cả hai giới để chia sẻ, nâng đỡ nhau trong hành trình tu trì.
12. Liệu Linh mục, Tu sĩ có bao giờ bị thu hút bởi
người khác một cách lãng mạn không?
Tất nhiên rồi! linh mục, tu sĩ vẫn trải qua những nhu cầu, cảm
giác và ước muốn bình thường của con người. Là những người độc thân, linh mục,
tu sĩ chọn chuyển những cảm xúc này — năng lượng tình dục — sang những hướng
lành mạnh khác. Họ cố gắng duy trì sự trung thành với cam kết độc thân và lời khấn khiết tịnh của mình bằng việc cầu
nguyện, gắn bó với Chúa
Giêsu, có tình bạn tốt lành, lối sống thể lý lành mạnh.
13. Và nếu Linh mục, Tu sĩ “cảm nắng” hay “rơi vào
lưới tình” thì sao?
Điều này có thể
xảy ra. Trách nhiệm cơ bản trong tình huống như vậy là người linh mục, tu sĩ trung tín với lời đoan hứa ban đầu, đó là chọn sống như một tu sĩ, linh mục. Các linh mục, tu sĩ cố gắng phát triển mối tương quan trong giới hạn và
trách nhiệm của cam kết độc thân.
Suy cho cùng, mọi Kitô hữu cũng đều phải đối mặt với những nỗi đau và khó khăn trong cuộc sống của
mình. Chẳng phải lúc nào cũng dễ dàng trở thành một người vợ / chồng chung thủy,
một tu sĩ trung thành hoặc một người độc thân liêm chính. Việc đương đầu với một thử thách như vậy
có thể giúp chúng ta mạnh mẽ hơn bao giờ hết trong ơn gọi của mình, bất kể nó
có thể là gì.
14. Tôi có cần phải là một người trinh
khiết để trở thành một Nữ tu, Tu huynh, hoặc Linh mục không?
Bản thân hoạt động tình dục trong quá khứ không ngăn cản ai
đó trở thành tu sĩ hoặc linh mục. Cuộc sống quá khứ của một người không phải là
mối quan tâm chính. Vấn đề quan trọng
cần đặt ra là liệu một người hiện có sẵn sàng và có thể sống và yêu như
một người độc thân để phụng sự Thiên
Chúa và phục vụ người khác hay không. Một số vị thánh vĩ đại - ví dụ như
Thánh Augustinô và Thánh Phanxicô thành Assisi - đã có những lựa chọn khác trước
khi chuyển sang đời sống tu trì.
15. Tôi có thể tham gia một cộng đoàn
tu trì nếu tôi xác định mình không phải là người dị tính luyến
ái (heterosexual) không?
Mối quan tâm hàng đầu là khả năng của bạn để sống đời sống độc thân một cách lành mạnh, vui tươi và
hiệu quả. Các cộng đoàn tu trì
muốn các thành viên mới phải trưởng thành và điều mà các nhà tâm lý học gọi là
“đảm nhận phái tính - sexually integrated”. Đa số các cộng đoàn ước mong rằng
các thành viên của họ chấp nhận bản sắc giới tính của mình và định hướng nó như
là một nền tảng để sống lời khấn khiết tịnh.
16. Tôi có thể vẫn trở thành một
Linh mục, Tu sĩ nếu tôi có những món nợ cá nhân không?
Thông thường các giáo phận và dòng tu yêu cầu người nộp đơn
phải giải quyết mọi khoản nợ hoặc trách nhiệm pháp lý cá nhân trước khi tham
gia chương trình đào tạo. Ngoài ra,
nếu ai đó có tiền sử chi tiêu quá mức và các khoản nợ cá nhân tích lũy,
nhất là liên quan đến thẻ tín dụng,
thì người đó thường được yêu cầu xem xét nghiêm túc khả năng của mình để sống một
cuộc sống khó nghèo vốn có trong ơn gọi tu trì.
17. Tại sao một số Tu sĩ, Linh mục
mặc tu phục trong khi những người khác thì không?
Những Linh mục,
Tu sĩ mặc tu phục hoặc
đeo “cổ col” của giáo sĩ (clerical collars) vì nhiều lý do khác nhau. Trước hết, tu phục là một dấu hiệu có thể được nhận ra
ngay lập tức như một dấu chỉ của
niềm tin vào Thiên Chúa và cam kết với Kitô giáo. Một lý do phổ biến khác là vì mặc tu phục là cách ăn
mặc giản dị và do đó là một cách để sống lời khấn khó nghèo. Một tu sĩ hoặc
linh mục mặc tu phục có thể
chỉ cần một vài bộ để thay đổi
và không phải bận tâm chi tiêu
cho một tủ quần áo hiện đại hơn.
Một số linh mục,
tu sĩ mặc trang phục của những người bình thường và cố gắng biến lối sống của mình trở thành dấu chỉ của đức tin.
Nói chung, dù là
mặc tu phục hoặc trang phục bình thường, thì linh mục, tu sĩ vẫn luôn muốn trở
thành dấu chỉ của một nếp sống đi theo Đức Kitô, qua linh đạo của Dòng tu mà
mình thuộc về, hoặc tư cách giáo sĩ mà mình được mời gọi để trở thành.
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: godgossip.org (23.11.2020)