Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn
GIẢI ĐÁP THẮC MẮC CHO NGƯỜI TRẺ CÔNG GIÁO
Bài 36: NHỮNG NƠI THỜ PHƯỢNG
Phương An, CND
Hỏi: Tại sao đạo Phật khi xây chùa thì chọn những
nơi rừng núi thâm sâu, xa hẳn thị thành, còn đạo Công Giáo khi xây nhà thờ lại
chọn những nơi dân cư đông đúc, phồn hoa đô hội?
Trả lời:
Bạn thân mến,
Bạn quả là có con
mắt nhận xét khi đặt vấn đề và so sánh về việc chọn xây dựng nơi thờ tự của Phật
giáo và Công giáo. Nhìn vào hai lựa chọn nơi chốn như thế, chắc người ta phần
nào cũng biết được giáo lý mà hai tôn giáo này giảng dạy.
1. Chốn thanh tịnh rừng sâu
Nếu tìm gõ “Phật giáo Việt Nam” trên wikipedia, bạn sẽ thấy Phật
giáo là tôn giáo ảnh hưởng sâu rộng ở Việt Nam, mang nhiều màu sắc của hệ
phái Phật giáo Bắc tông. Ở miền Nam, hệ phái Phật giáo Nam tông cũng
có ảnh hưởng không nhỏ, nhất là trong cộng đồng Khmer Nam bộ.
Chúng ta biết nền
tảng của Đạo Phật là đạo xuất thế. Đức Tất–đạt–đa Cồ–đàm hay còn gọi là Đức
Thích–ca Mâu–ni, là một triết gia, học giả, người sáng lập nên Phật giáo. Ngài
là con nhà hoàng tộc, sống trong nhung lụa nơi chốn trị thành giữa thế kỷ thứ 6
và 4 TCN bên Ấn Độ cổ, nay
thuộc Nepal. Vì thấy những cảnh
khổ ở đời trong sinh, lão, bệnh, tử nên Đức Phật đã khao khát tìm một con đường
để mong giải thoát chính mình và sinh linh khỏi cảnh khổ não ở đời. Vì thế Ngài
đã từ giã cung đình, rũ sạch bụi trần, xa lánh phồn hoa, để lên đường tu tập.
Bên cạnh đó, triết lý Phật giáo một phần biểu hiện qua hình ảnh
ngôi chùa và chính hình ảnh ấy đi sâu vào trong tâm thức của dân tộc. Vì lẽ này
nên ở nước ta, khi khai phá vùng đất mới, các chúa Nguyễn ủng hộ Phật giáo đã
cho xây dựng chùa tháp. Dưới triều Nguyễn có nhiều ngôi quốc tự nổi tiếng như
Thiên Mụ, Thánh Duyên, Diệu Đế,…
Không chỉ thế, còn nhiều ngôi chùa khác hiển hiện mang vẻ đẹp
giải thoát lôi cuốn người đời bỏ công “viếng cảnh thăm người” nơi thanh vắng,
thơ mộng, hợp với tâm hồn của khách yêu hoa cỏ.
Thật vậy, vì chán chỗ ngựa xe ồn ào, các tăng ni thường tìm
không gian đầy hình ảnh thanh thoát để lập một mái am tranh hay chùa chiền. Đó
chính là hiển pháp để chúng sanh biết đến đạo mà giác ngộ, biết con đường giải
thoát. Trong bài thơ Nôm của Thị độc học sĩ Long Biên Nguyễn Nhữ Cơ đã cảm nhận:
Chúng ta biết, chùa đã được xây từ lâu đời ở làng xã nước
ta. Các tổ khai sơn và những vị kế thừa đều xây dựng chùa theo một kiến trúc
đơn giản, biểu lộ tư tưởng thoát tục, tạo sự thanh tịnh để nội tâm người tu
hành thanh thản không xáo động bởi ngoại cảnh xô bồ.
Vì lẽ đó, trên những trục đường về vùng xa xôi hẻo lánh dọc
dài đất nước, bạn sẽ bắt gặp chùa nơi vùng duyên hải men theo bờ sông, con
nương hoặc bên cạnh ruộng đồng thôn xóm. Có khi vượt qua đèo dốc gập ghềnh sỏi
đá để đến chùa ở miền quê. Hay bạn cũng có thể nhìn thấy chùa ở thị trấn, khi
đó, chùa thường nằm bên cạnh miễu và đình thờ vong linh thần hoàng. Nơi nào có
cổ thụ cao vút, tàn lá sum sê, nơi ấy thường là địa điểm của chùa.
Thêm nữa, Đức Phật yêu làng mạc, núi rừng. Những hòa thượng, đại đức đã tạo
nên các chùa ấy với ý vị là hun đúc nên sự giải thoát tự tại trước cuộc đời.
Chính vẻ đẹp hòa điệu giữa con người và thiên nhiên khiến du khách lạc bước
không muốn về khi đến viếng chùa, hay ngắm nhìn những điểm tô nơi vẻ đẹp nhàn
thoát của một ngôi thảo am.
Truyền thống về Đức Phật có nói mục đích tối hậu của đạo là
sự thanh tịnh (visuddhi), sự thực hành: thanh tịnh thân và tâm. Vì thế,
chùa được xây giữa môi trường rừng để dành cho thiền định, muông thú là những
nguồn tích cực, là hạnh phúc của cộng đồng tu sĩ sống rừng[1]. Tóm
lại việc chọn nơi để xây chùa hệ tại căn bản ở việc đạo Phật là đạo xuất thế.
2. Nơi dân cư đông đúc
Trong khi đó đạo
Công Giáo là đạo nhập thế. Thiên Chúa thấy con người chìm đắm trong
tội lỗi đau khổ nên chạnh lòng thương, đã sai Con Một là Chúa Giêsu xuống trần
để cứu độ họ. Chúa Giêsu nhập thế, vào đời và sống giữa người nghèo, người tội lỗi để giúp đời, canh tân cuộc sống này và đưa mọi người về với Cha. Có thể nói đạo
Công Giáo diễn tả việc Thiên Chúa đi tìm con người.
Như vậy, Nhà thờ
là một thánh đường để cử hành phụng vụ và việc chọn nơi xây thì cũng có nhiều
tiêu chí để tuân theo. Nhưng ở đây chúng ta chỉ nói đến địa điểm được chọn để
xây nhà thờ nhà thánh. Lý do nhà thờ toạ lạc tại nơi đông đúc là vì điều đã nói
ở trên: đạo nhập thế.
Thiên Chúa
là Tình
yêu. Tình yêu ấy không chỉ đóng kín nơi bản thân, cũng không chỉ dừng lại
ở một đối tượng hạn hẹp, nhưng vượt mọi ranh giới, lan toả đến mọi góc biển
chân trời. Tình yêu của Ba Ngôi không thu gọn trong cộng đoàn Ba Ngôi, mà lan tỏa khắp vũ trụ, ấp ủ cả thế giới, nâng niu từng sinh
linh vạn vật,…Tuy nhiên Ba Ngôi lại rất gần gũi, thiết thân với đời sống con
người.[2]
Từ khi nhập thể
làm người cho đến trao Thần khí trên Thập Giá, Chúa Giêsu chỉ muốn trao
ban trọn vẹn thân mình, chia sẻ tình yêu cho nhân loại và muốn ở lại với chúng
ta luôn mãi. Sau cuộc đời dương thế của Đức Giêsu, các môn đệ tiếp tục công cuộc
loan báo Tin Mừng. Các ngài không vào chốn rừng sâu hẻo lánh, nhưng đến thành
phố đông người. Giáo Hội sơ khai thường được gầy dựng tại những nơi đông đúc
như thế.
Các ngài không chỉ
đi từ làng này đến làng khác, nhưng các thành phố lớn luôn là điểm truyền giáo
ưu tiên. Bởi thế chúng ta dễ dàng nhận thấy các giáo đoàn thời đó tăng nhanh và
lớn mạnh. Điều này rất rõ trong những thư từ của thánh Phaolô và sách Công Vụ
Tông Đồ. Một khi cộng đoàn phát triển, họ cũng có nhu cầu xây dựng thánh đường
để tôn thờ Thiên Chúa. Đừng quên từ trung tâm đó, người con của Chúa tiếp tục
hướng đến những gia đình, nơi những biên cương xa hơn. Nơi nào có người, Thiên
Chúa mời gọi họ đến để chia sẻ Tin Mừng.
Khi chúng ta tìm
hiểu về cuộc hội nhập văn hoá của những tín hữu Công giáo từ năm 1533 đến nay,
có thể thấy họ đã đem đến những giá trị cho dân tộc và những điểm tốt đẹp cho
quê hương Việt Nam từ cuộc sống nhập thế của họ.
Nhìn lại dòng lịch
sử dân tộc, người tín hữu Việt Nam đã sống hòa thuận và hiệp thông trên mọi miền
đất nước, cũng như với mọi người trên thế giới. Do đó, ngôi nhà thờ đã trở nên
hình ảnh quen thuộc của người Việt. Trong đại gia đình có nhiều nền văn hoá
khác nhau, người tín hữu được khuyến khích tìm hiểu và đối thoại với anh em
xung quanh xứ đạo của mình để cùng xây dựng một nền văn minh tình yêu và hoà
bình.
Bước vào thiên
niên kỷ mới, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã thiết
tha yêu cầu chúng ta đổi mới cách sống của mình theo đúng tinh thần của Chúa
Kitô để có thể: “sống, làm chứng và loan báo Phúc Âm cho đồng bào thân yêu”.
Ý thức được điều
này, người Công giáo Việt Nam càng muốn hoà nhập vào lòng dân tộc để thể hiện sứ
mạng đã được Thiên Chúa trao phó: xây dựng tình huynh đệ chân thành nơi địa
phương mình sống.
Có thể nói, trong
thế giới hôm nay, với nét đặc trưng của tình trạng đa nguyên, Kitô hữu bất kỳ ở
đâu cũng tiếp xúc ngày càng nhiều hơn với các tín đồ của nhiều truyền thống tôn
giáo khác. Vì vậy, các Kitô hữu Việt Nam vẫn tiếp tục được mời gọi làm cho đất
nước mỗi ngày thêm phát triển, tràn đầy tình thương và sự sống của chính Thiên
Chúa Nhập Thể.
Mong sao ngôi nhà
thờ luôn là hình ảnh đặc biệt và thánh thiêng in đậm trong ký ức tất cả mọi người!
3. Vài thách đố liên quan đến việc xây nhà thờ phượng
Gia đình tôi có nhiều người thân bên đạo Phật, họ hay tới
chùa lễ Phật. Họ cho rằng, tới chùa dù là vãn cảnh hay du lịch cũng có chút
thanh thản. Chiều sâu rộng nơi chùa chiền làm phát sinh những xúc cảm thanh
cao, một tâm thức trong sáng và những niềm hạnh phúc sâu xa. Đó là lợi điểm của
chùa khi được xây nơi thanh vắng.
Làm sao nhà thờ ở
giữa thị thành nhưng vẫn tĩnh lặng để cầu nguyện luôn được Giáo Hội quan tâm. Tiêu chí ấy, theo lý tưởng, phải là sự kết hợp hài hòa của
nhiều yêu tố để con người có thể gần hơn với Thiên Chúa.
Con người vẫn được
Thiên Chúa ban ơn và kêu gọi trở về tình trạng thánh thiện nguyên thủy. Cho
nên, các nghệ sĩ, nhờ đức tin soi tỏ, nhờ trực giác và tình cảm, họ không ngừng
tạo ra những nơi thích hợp cho sự thánh thiêng. Như vậy, một lần nữa, Thiên
Chúa đặt con người vào nơi thiêng thánh. Do vậy, thánh đường cần được xây
cất xứng hợp với việc chu toàn các hoạt động phụng vụ và giúp các tín hữu có thể
tham dự một cách linh động.
Vì nhà thờ là nơi đặc biệt diễn tả sự hiện diện của Chúa, cho nên phải có cấu trúc chắc
chắn và được xây dựng trên “nền tảng vững bền”. Để rồi, nghệ thuật sẽ đưa
người ta hướng lên Thiên Chúa, được diễn tả bằng câu nói bất hủ: “Ngài
là vẻ đẹp vẫn cổ xưa nhưng vẫn luôn luôn mới mẻ”.[3]
4. Ý nghĩa và tầm quan trọng của thánh đường
Nhà thờ là một biểu
hiệu thánh giữa thành thị hay xóm làng, nơi tập họp của dân Chúa, nơi nghe Lời
Chúa, nơi thờ kính Chúa Giêsu hiện diện trong Bí Tích Thánh Thể[4]. Vì điều này nên người Công Giáo lại
thường lui tới với thánh đường. Họ đến để đọc kinh, dâng lễ, đồng thời có
nhu cầu nói với Chúa khi gặp khủng hoảng,
tìm lại niềm an ủi cho người còn sống
khi có tang chế, niềm hy vọng phục sinh, chạy đến lòng thương xót của Thiên
Chúa. Lẽ dĩ nhiên
ngoài thánh lễ, nhà thờ thường còn là nơi nhiều sự kiện được cử hành: nghi thức tạ ơn, cưới hỏi, rửa tội...
Đó là lý do tại
sao nơi nào có Người Công Giáo, nơi ấy thường có nhà thờ, nhà nguyện. Giáo Hội là Mẹ luôn che chở, bảo vệ sự sống
của con mình: trong chiến tranh, nhà thờ từng là nơi trú ẩn cho nhiều thế hệ… Mấy ngày dịch covid, không được tới nhà
thờ, giáo dân nhớ và khao khát lắm...
Tóm lại, cả nhà
thờ và ngôi chùa được xây để giúp các tín hữu nguyện cầu. Đối với người Việt, nỗ lực chung sống hài hòa giữa Phật giáo và Công giáo luôn là khát mong của nhiều người. Do đó khi tiếp xúc với
người theo Phật Giáo, ước mong bạn cũng có thể đối thoại chân thành trong nhiều
lãnh vực.
Xin chúc bạn có thể đi sâu vào cuộc đối thoại liên tôn và tìm được cái hay và nét đẹp trong Đạo!
(Trích Giải Đáp Thắc Mắc cho người trẻ Công giáo, Tập 2, Nxb Tôn Giáo, 2020)
Đọc thêm: