Những câu hỏi đầu tiên về Kinh Thánh: Tân Ước

14/08/2022


NHỮNG CÂU HỎI ĐẦU TIÊN VỀ KINH THÁNH: TÂN ƯỚC

Michel Quesnel

Đức Giêsu hạ sinh vào ngày lễ Noël?

Ta không biết ngày sinh của Đức Giêsu, cũng không biết ngày sinh của hầu hết các ông bà thời cổ và trung cổ. Trong những xứ sở không có hộ tịch thì con người không biết ngày sinh của mình, và như thế cũng không biết chính xác mình bao nhiêu tuổi.

Ta chỉ biết rằng Đức Giêsu hạ sinh dưới triều vua Hêrôđê Cả (Mt 2, 1-12; Lc 2, 1-20). Nhà vua qua đời năm 750 của kỷ nguyên sáng lập thành Rôma. Đến thế kỷ VI, người ta muốn tính lại lịch theo năm sinh của Đức Giêsu. Công việc tính toán được giao cho một thầy dòng thông thái là Denis le Petit, nhưng ông đã tính nhầm: ông đồng hóa năm 754 của kỷ nguyên sáng lập thành Rôma với năm mới thứ 1, niên đại mà Đức Giêsu chắc chắn đã được hơn bốn tuổi. Như thế, Ngài hạ sinh trong những năm mà ngày nay chúng ta gọi là “trước Đức Giêsu Kitô” (avant Jésus-Christ) hay “trước Công nguyên”, chắc chắn là năm thứ 1 Công nguyên thì Đức Giêsu đã 5 hay 6 tuổi rồi: thật bất ngờ!

Ta cũng không biết ngày sinh của Ngài. Ngày 25 tháng 12 là ngày lễ hội mặt trời của người Rôma. Giáo Hội cho rằng thật tốt khi mừng ngày sinh của Đức Giêsu vào ngày đó, vì Ngài đến để chiếu sáng thế gian.

Trái lại, vào thời nay, ta có thể tính toán với xác suất đúng về ngày qua đời của Ngài: chắc chắn là thứ Sáu ngày 7 tháng 4 năm 30. Như thế, Ngài chịu đóng đinh vào lúc 34 hay 35 tuổi. Các Kitô hữu thường nói là 33 tuổi, bởi vì con số 3 gợi nhớ đến Chúa Ba Ngôi.

Cha của Đức Giêsu là ai?

Đức Giêsu có mẹ là một thiếu nữ ở Nazarét tên là Maria. Song biết cha Ngài là ai thì có vẻ hơi phức tạp. Tin Mừng Matthêô và Luca thuật lại rằng Giuse không phải là cha của con trẻ: Maria đã mang thai bởi phép Chúa Thánh Thần (Mt 1, 19-25; Lc 1, 26-38).

Các Kitô hữu tin và nói rằng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa. Danh hiệu này được gán cho Ngài trong Tân Ước.

Đôi khi các Tin Mừng gọi Giuse và Maria là “cha mẹ của con trẻ” hay “cha mẹ Ngài”. Giuse là cha nuôi của Ngài. Thời cổ xưa, người cha nuôi có mối liên lạc mật thiết như người cha thật sự.

Các Tin Mừng nói về anh chị em của Đức Giêsu (Mc 3, 31-35). Từ này nói về anh em họ hàng. “Anh em” và “chị em” được sử dụng trong nhiều ngôn ngữ để nói về những người bà con gần.

Tôn giáo của Đức Giêsu?

Đức Giêsu theo Do Thái giáo và Ngài được giáo dục như những con trẻ Do Thái khác ở Nazarét.

Cắt bì ngày thứ tám sau khi sinh (Lc 2, 21-52), Ngài thường đến Hội đường trong làng mình và đi Giêrusalem để dự những ngày lễ lớn. Tin Mừng Luca thuật lại một trong những chuyến hành hương của Ngài đến Giêrusalem vào năm 12 tuổi để dự lễ Vượt Qua. Có thể ở đây Ngài đã đọc Kinh Thánh công khai lần đầu tiên, điều mà ngày nay con trẻ sẽ làm vào lúc 13 tuổi trong buổi lễ trưởng thành Bar Mitsva của mình.

Tư tưởng của Đức Giêsu rất gần với người Pharisiêu. Tuy nhiên, Ngài hay phê bình họ vì họ kinh miệt người khác. Ngài cũng trách tính cứng nhắc của họ, nhất là cách giữ luật nghỉ ngày sabát quá nghiêm nhặt (Mc 2, 23-28).

Sau cái chết và sự phục sinh của Đức Giêsu, các môn đệ vẫn tiếp tục thực hành tôn giáo của mình là Do Thái giáo. Những người sống tại Giêrusalem vẫn đi đến Đền thờ (Cv 3, 1-10). Nhưng đồng thời các môn đệ đã bắt đầu cử hành những ngày lễ mới, chẳng hạn như “bữa ăn của Chúa” vào chiều ngày thứ Bảy hay sáng Chúa Nhật mà sau này trở thành thánh lễ (Cv 2, 42-47).

Từ khi có những người không phải là người Do Thái trở thành môn đệ, phải tạo nên một tên mới để chỉ họ (Cv 11, 19-26). Người ta gọi họ là “Kitô hữu”, nghĩa là các môn đệ của Đức Kitô (hay Messia).

Đức Giêsu có làm phép lạ?

Các Tin Mừng tường thuật nhiều phép lạ do Đức Giêsu thực hiện: chữa lành bệnh nhân và kẻ tật nguyền, cho ba người chết sống lại, làm êm bão tố, hóa nhiều vài chiếc bánh và cá đủ để nuôi sống nhiều ngàn người, etc. Tuy nhiên, Đức Giêsu không phải là trường hợp duy nhất: người ta cũng nói đến các phép lạ trong Cựu Ước, ở Lộ Đức, hay nơi các tôn giáo không phải là Kitô giáo.

Vài người không tin vào các phép lạ. Họ cho rằng tất cả các hiện tượng được cho là ngoại thường đều có một giải thích khoa học, dù rằng các nhà thông thái hiện nay chưa khám phá ra. 

Tuy nhiên, trong các Tin Mừng, Đức Giêsu đem lại một ý nghĩa rất đặc biệt cho các phép lạ mà Ngài thực hiện. Thường thì Ngài nói với người mà Ngài vừa chữa lành: “Đức tin của con đã chữa con”. Hay nói cách khác: “Để con được lành mạnh, sự tín thác của con cũng hữu ích như quyền năng của Ta”. Điều này không liên hệ gì với ma thuật. Người được chữa lành không phải là khán giả nhưng là một người bất hạnh được Đức Giêsu giúp đỡ để thoát khỏi sự dữ vì Ngài yêu thương con người.

Tại sao Đức Giêsu nói dưới hình thức các dụ ngôn?

Dụ ngôn là một câu chuyện được sáng tạo mà ta kể cho người khác để cố làm cho họ thay đổi ý kiến hay lối sống. Có nhiều dụ ngôn trong Cựu Ước. Dụ ngôn nổi tiếng nhất được ngôn sứ Nathan kể cho vua Đavít để ông hiểu rằng mình đã phạm một tội rất nặng nề.  

Nhà vua, một người giàu có và nhiều vợ, đã phải lòng bà vợ ông hàng xóm là một binh tướng trong quân đội của mình. Ông thu xếp để ông ấy chết trong một trận chiến và cưới lấy bà vợ góa là Béthsabê. Sau chuyện này, Nathan vào cung vua Đavít và kể một dụ ngôn:

“Có hai người ở trong cùng một thành, một người giàu, một người nghèo. Người giàu thì có chiên dê và bò, nhiều lắm. Còn người nghèo chẳng có gì cả, ngoài con chiên cái nhỏ độc nhất ông đã mua. Ông nuôi nó, nó lớn lên ở bên ông, cùng với con cái ông, nó ăn chung bánh với ông, uống chung chén với ông, ngủ trong lòng ông: ông coi nó như một đứa con gái. Có khách đến thăm người giàu, ông này tiếc của, không bắt chiên dê hay bò của mình mà làm thịt đãi người lữ khách đến thăm ông. Ông bắt con chiên cái của người nghèo mà làm thịt đãi người đến thăm ông” (2Sm 12, 1-4).

Đavít khi ấy la lên: “Quả thật có Thiên Chúa hằng sống, ai làm điều đó thật đáng chết!” Khi nói lên điều đó, ông đã tự kết án mình. Ông đã không ngờ là Nathan đã kể chính tội ác của mình.

Các dụ ngôn giúp người ta đặt những vấn đề về chính mình. Chúng nói về họ mà dường như chẳng liên quan gì đến họ. Chúng là phương tiện để giúp họ trở nên tốt hơn.

Một trong những mệnh đề chủ yếu trong sứ điệp của Đức Giêsu là: “Nước Trời đã gần kề. Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1, 14-15). Để giúp người ta hiểu những lời này, Ngài đã kể ra nhiều dụ ngôn.

Tại sao Đức Giêsu chết trên thập giá?

Hành hình thập giá khá quen thuộc với người Rôma. Tội nhân bị treo bằng cổ tay vào xà ngang, rồi xà này được gắn vào cột dọc trồng vào đất. Tội nhân chết vì ngạt, thường là vài giờ, đôi khi nhiều ngày. Có một ân huệ để hành quyết những người là công dân: chém đầu, sự đau đớn ít kéo dài hơn.

Vào thời Đức Giêsu, người Rôma chiếm đóng lãnh thổ Israël; chỉ mình họ mới có quyền quyết định tử hình. Ông Tổng trấn Rôma kết án Đức Giêsu là Phongxiô Philatô. Nếu ông ra lệnh tử hình chính là do các thủ lĩnh Do Thái đã kết án Đức Kitô, chủ yếu là các tư tế ở Giêrusalem và thân hữu của họ, những người Sađucêô. Đức Giêsu thường hay chỉ trích họ và thậm chí một ngày kia Ngài đã gây hỗn loạn nơi những quầy buôn bán mà họ đã cho phép trong Đền thờ (Mc 11, 15-19). Vì Ngài đã chỉ trích người Pharisiêu nên nhiều nhóm người Do Thái liên kết nhau lại để chống Ngài.

Đức Giêsu bị Giuđa phản bội, một trong các môn đệ của Ngài. Ông đã chỉ điểm để bắt Ngài trong đêm tối, giờ mà mọi người đang say ngủ. Nếu không, đám đông thán phục Ngài chắc chắn sẽ bảo vệ Ngài. Đức Giêsu chết vào ngày hôm sau khi bị bắt, ngày thứ Sáu, lúc 3 giờ chiều. Người ta đã đóng đinh Ngài vào thập giá lúc giữ trưa (Mc 14-15).

Tại sao có bốn Tin Mừng?

Phúc Âm hay còn gọi là Tin Mừng, tuy nhiên từ này đến từ tiếng Hy Lạp mà nghĩa đầu tiên không chỉ một cuốn sách. Nguyên thủy, không có bốn Tin Mừng mà chỉ có một: Tin mừng rằng Đức Giêsu đã sống lại sau khi chết. Các môn đệ loan báo tin mừng này như một sứ điệp hy vọng và vui mừng.

Thế rồi người ta bắt đầu viết lại những gì được biết về Đức Giêsu khi những người đã từng biết Ngài lần lượt qua đời: các môn đệ sợ rằng sẽ không còn ai nhớ điều gì đã xảy ra nữa. Công việc này được thực hiện trong nhiều thành phố của Đế quốc Rôma nơi có các Kitô hữu sinh sống; vì thế có nhiều bản tường thuật.

Xét rằng trọn cuộc sống của Đức Giêsu là tin mừng, Thánh Marcô đã viết ngay từ đầu tường thuật của mình rằng: “Khởi đầu Tin Mừng Đức Giêsu Kitô Con Thiên Chúa” (Mc 1, 1). Sau đó, Tin Mừng đã trở thành tên cuốn sách của Thánh Marcô, rồi đến những cuốn khác cùng thể loại.

Các Kitô hữu cuối cùng đã giữ lại bốn cuốn Tin Mừng: Matthêô, Marcô, Luca, Gioan. Cũng có những cuốn tin mừng khác, thường là bị tiểu thuyết hóa nhiều hơn và nói chung xuất hiện trể hơn. Người ta đánh giá là chúng có những bằng chứng kém chất lượng về Đức Giêsu. Người ta gọi chúng là “ngụy thư”.

Các Tin Mừng có nói cùng một điều?

Trong bốn cuốn Tin Mừng thì ba cuốn khá giống nhau: Matthêô, Marcô và Luca. Ta gọi chúng là “các tin mừng nhất lãm”, nghĩa là ta có thể hiểu chúng bằng một cái nhìn sau khi viết chúng thành ba cột đối chiếu song song. Tin Mừng Gioan khác với ba Tin Mừng khác.

Các biến cố lớn trong cuộc đời Đức Giêsu đã được bốn cuốn Tin Mừng thuật lại: gặp gỡ Gioan Tẩy giả, kêu gọi các môn đệ, rao giảng và làm phép lạ, chết ở Giêrusalem và phục sinh. Nhưng mục đích của các tác giả tin mừng không phải là thuật lại một câu chuyện chi tiết. Chẳng hạn chỉ mình Gioan cho phép ta biết rằng việc rao giảng của Đức Giêsu kéo dài ba năm.

Mỗi tác giả viết cho một cộng đoàn xác định, điều này ảnh hưởng đến cách mà tác giả tường thuật các biến cố, Chẳng hạn như Tin Mừng Matthêô được gởi đến cho những người Do Thái Kitô hữu: tác giả nhấn mạnh nhiều đến cách mà Đức Giêsu hoàn thành những điều được viết trong Cựu Ước. Đây không phải là trường hợp của Tin Mừng Marcô, bắt đầu viết ở Rôma về những chứng từ mà Phêrô rao giảng; trình thuật này sống động và nhiều màu sắc hơn Tin Mừng Matthêô. Tin Mừng Luca nhấn mạnh về sự dịu dàng của Đức Giêsu và sự nguy hiểm của tài sản, của cải. Nơi Tin Mừng Gioan, Đức Giêsu nói những bài diễn từ có tính suy tư dài dòng, với Thiên Chúa đồng thời với các môn đệ mình, những lời cầu nguyện thật sự.

Matthêô và Luca là hai tác giả nói về thời thơ ấu của Đức Giêsu theo quan điểm khác nhau: vai trò của Thánh Giuse đối với Matthêô, vai trò của Đức Maria đối với Luca.

Mỗi tác giả tin mừng có một biểu tượng. Matthêô là một con người: ông bắt đầu Tin Mừng của mình với khía cạnh con người của Đức Giêsu, gia phả của Ngài. Đối với Marcô là con sư tử: đầu cuốn sách, Gioan Tẩy giả hô to trong sa mạc. Đối với Luca là một con bò: cảnh đầu tiên diễn ra tại Đền thờ Giêrusalem nơi người ta dâng gia súc, nhất là bò chiên. Đối với Gioan là một con chim ưng: ngay từ đầu ông đã nói về nguồn gốc trên trời của Đức Giêsu.

Kitô giáo lan truyền như thế nào?

Quả quyết rằng Đức Giêsu đã sống lại, các môn đệ không thể giữ cho riêng mình tin mừng này. Họ muốn loan truyền cho những người chung quanh mình: trước hết là ở Giêrusalem, rồi đến toàn thể đất nước Israël, và cuối cùng là đến các miền đất trên thế giới. Khi nói về những người đi xa này người ta nói họ đi truyền giáo.

Những chuyến truyền giáo đầu tiên của các môn đệ được thuật lại trong sách Tông đồ công vụ. Được viết bởi Luca (đồng thời là tác giả cuốn Tin Mừng Luca), tường thuật này cho phép theo dõi những chuyến đi của Thánh Phêrô và Thánh Phaolô. Phêrô là một trong mười hai tông đồ. Phaolô là người Pharisiêu Do Thái giáo đã bắt đầu bách hại các môn đệ. Nhưng Đức Giêsu đã cho ông thấy Ngài và ông đã trở thành nhà truyền giáo (Cv 9, 1-19; 15, 3-8).

Phaolô bắt đầu rao giảng trong các hội đường, vì người Do Thái sống trong hầu hết các thành phố lớn của Đế quốc Rôma. Chính ông và các bạn đồng hành đã đi đến đấy bằng đường bộ và đường biển. Ngày sabát, họ gặp gỡ những người Do Thái khác đến đấy để cầu nguyện, và lợi dụng dịp này để loan báo sự sống lại của Đức Giêsu. Từ đấy, một cộng đoàn Kitô hữu được hình thành (Cv 17, 1-8).

 Khi ông chết ở Rôma vào năm 64 hay 67, Phaolô đã rao giảng Đức Giêsu Kitô trong nhiều xứ sở ở vùng Địa Trung Hải: Syrie, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, Ý. Ông là một trong những nhà truyền giáo vĩ đại nhất trong thời đại mình.

Chính qua phép rửa mà ta chính thức trở thành Kitô hữu. Nếu không được rửa tội khi còn nhỏ, ta có thể được rửa tội ở tuổi trưởng thành.

Mười hai tông đồ ra sao?

Đức Giêsu có nhóm thân cận là mười hai tông đồ đồng hành và giúp đỡ Ngài rao giảng. Con số của họ nhắc đến mười hai chi tộc Israël. Trong tiếng Việt ta gọi họ là “tông đồ”. “Tông đồ” là từ viết tắt của “chính tông môn đồ”, nghĩa là những sứ đồ đầu tiên được sai, có gốc tiếng Hy Lạp là apostolos - nghĩa là những người được sai đi, hay sứ đồ.

Kinh Thánh cho ta biết đủ rõ về ba người trong số họ. Những cuộc truyền giáo đầu tiên của Phêrô được thuật lại trong sách Tông đồ công vụ, nhưng sau đó ta mất dấu vết của ngài. Ngài chết vì bị đóng đinh vào khoảng năm 64 hay 67 Công nguyên, dưới thời Hoàng đế Nêron. Giacôbê Lớn là vị tông đồ tử đạo đầu tiên: vua Hêrôđê Agrippa I, cháu Hêrôđê Đại Đế, đã ra lệnh chém đầu ông vào năm 44 (Cv 12, 1-2); người ta tôn kính ông ở Nhà thờ chính tòa Saint-Jacques-de-Compostelle. Về phần Giuđa, ông chết cách thê thảm sau khi phản bội Đức Giêsu (Mt 27, 3-10; Cv 1, 15-26).

Về chín vị khác, hầu như Kinh Thánh không nói gì. Chắc chắn rằng một phần truyền thuyết nào đó đã len lỏi vào trong những trình thuật người ta viết về cuộc sống và cái chết của họ. Anrê, anh ông Phêrô, bị đóng đinh vào cây thập tự hình chữ X (gọi là Thập tự Thánh Anrê) ở Patras, Hy Lạp. Philipphê tử đạo ở Hiêrapolis, Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay. Bartôlômêô bị lột da sống. Matthêô, người được cho là tác giả một cuốn Tin Mừng, đã rao giảng ở Êthiopi hay Ba Tư, nhưng thân xác được kính ở Salerne, nước Ý. Tôma đi đến với người Parthes hay Ấn Độ; thân xác ông ở Édesse, Thổ Nhĩ Kỳ. Về phần Giacôbê Nhỏ, ta không biết gì. Giuđa (hay Tađêô) tử đạo ở Ba Tư cùng lúc với Simon. Gioan, em ông Giacôbê, được cho là tác giả Tin Mừng thứ tư, là người duy nhất chết tự nhiên. Ông sống tại đảo Patmos. Một vương cung thánh đường cổ xưa và đẹp đẽ được xây dựng bên trên ngôi mộ của ông ở Êphêsô, Thổ Nhĩ Kỳ.

Thánh Phêrô là giáo hoàng đầu tiên?

Giáo hoàng trên thực tế là giám mục Rôma. Tân Ước không nói Phêrô đã đến Rôma, nhưng Kinh Thánh không nói tất cả những gì mà các môn đệ của Đức Giêsu đã làm. Nhờ những sử liệu không tìm thấy trong Kinh Thánh ta biết được rằng Thánh Phêrô đã đến Rôma và chết vì hình phạt đóng đinh ở đó. Vương cung thánh đường Thánh Phêrô được xây trên ngôi mộ của ngài.

Các tác giả tin mừng trình bày Thánh Phêrô như là người đứng đầu trong số mười hai môn đệ. Ông luôn đứng đầu bản liệt kê. Là ngư phủ, ông được Đức Giêsu kêu gọi theo mình và đồng hành với Ngài trong những chuyến đi. Phản ứng của ông, như thường được mô tả, là một con người đầy cảm tính: ăn nói hớ hênh, nhát đảm, ông cũng là người đầu tiên nghĩ rằng Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế. Đức Giêsu nói rằng ông là đá trên đó xây dựng Giáo Hội của Ngài, nghĩa là cộng đoàn những ai tin vào Ngài. Vào lúc ấy, theo những người Công Giáo, Phêrô và những người kế vị ông đã lãnh nhận nhiệm vụ làm giáo hoàng. Đức Bênêđictô là người kế vị thứ 262 của Thánh Phêrô và Đức Phanxicô là người thứ 263.

Sau đó, Phêrô cố thuyết phục Đức Giêsu tự cứu lấy mạng sống mình, và khi vụ xử án xảy ra, ông đã chối Ngài. Nhưng ông sẽ là nhân chứng cho sự phục sinh của Ngài, và Đức Giêsu tái khẳng định nhiệm vụ mà Ngài đã giao phó cho ông trước đây.

Tại sao Thánh Phaolô viết nhiều thư như vậy?

Thánh Phaolô đã thành lập nhiều giáo đoàn Kitô giáo trong các thành phố lớn của Đế quốc Rôma, nhất là tại Thêxalônica, Côrintô, Êphêsô. Ngay khi đánh giá rằng một trong các giáo đoàn này đủ gắn bó với nhau để tiếp tục sống mà không cần mình, ông ra đi truyền giáo ở nơi khác. Nhưng ông vẫn cố gắng giữ liên lạc với các Giáo Hội này.

Thỉnh thoảng chính ông nhận được những tin tức. Các thương nhân hay những người du hành mang tin đến cho ông; thậm chí các thủ lãnh cộng đoàn viết thư cho ông để xin lời khuyên khi có vấn đề trong cộng đoàn. Khi gặp vấn đề nghiêm trọng, Phaolô đến tận nơi; còn không, ông trả lời bằng thư.

Ở Côrintô chẳng hạn, bữa ăn của Chúa (sau này là thánh lễ) đã làm chia rẽ mọi người hơn là đoàn kết nhau. Trong thư thứ nhất gởi giáo đoàn Côrintô, Thánh Phaolô   xác định cách thức thực hành bữa ăn này. Vào dịp này, ông nhắc rằng chính Đức Giêsu đã làm như thế nào: “Trong đêm bị nộp, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng tạ ơn, rồi bẻ ra và nói: "Anh em cầm lấy mà ăn, đây là Mình Thầy, hiến tế vì anh em; anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy." Cũng thế, cuối bữa ăn, Người nâng chén và nói: "Đây là chén Máu Thầy, Máu đổ ra để lập Giao Ước Mới; mỗi khi uống, anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy” (1 Cr 11, 23-25).

Cứ như vậy mà Thánh Phaolô viết hơn chục bức thư, dài ngắn khác nhau. Dài nhất là thư Rôma, gởi cho một cộng đoàn mà chính ngài không thành lập và cũng chưa biết đến. Ngài đã gởi thư này đến đấy để chuẩn bị cuộc viếng thăm lần thứ nhất của mình.

Vào thời Thánh Phaolô, các Kitô hữu cử hành thánh lễ trong những ngôi nhà bình thường. Các cộng đoàn dần lớn mạnh và trở nên quan trọng nên người ta xây những cơ sở đặc biệt gọi là nhà thờ. 

Sách Khải Huyền nói về sự kết thúc thế giới?

Khải Huyền nói về sự kết thúc thế giới nhưng không nói khi nào xảy ra (Mc 13, 24-32). Không có sách Kinh Thánh nào tiên đoán tương lai, Khải Huyền và các sách ngôn sứ Cựu Ước cũng không. Về sự kết thúc thế giới, chính Đức Giêsu đã nói: “Còn về ngày hay giờ đó thì không ai biết được, ngay cả các thiên sứ trên trời hay người Con cũng không, chỉ có Chúa Cha biết mà thôi”.

Khải Huyền có nghĩa là “mạc khải”. Từ này trong tiếng Hy Lạp trước hết chỉ một loại sách nào đó: tác giả tự giới thiệu mình khi nói rằng mình được thông báo những điều bí ẩn mà Thiên Chúa đã cho mình thấy, cũng giống như bức màn sân khấu mở ra trước mắt mình. Cảnh tượng mà ông thấy thật là hoành tráng. Trong Cựu Ước, sách Đanien là sách khải huyền.

Tác giả sách Khải Huyền trong Tân Ước là Gioan, cũng là tác giả Tin Mừng thứ tư. Ông thuật lại rằng mình đã thấy sự khải hoàn của những người được tuyển chọn và hình phạt dành cho kẻ thù của Thiên Chúa (Kh 19). Ông nói đến những xáo trộn lớn trên trời dưới đất với lửa, sấm sét và sự phá hoại của sự dữ (Kh 11, 14-19). Chính vì lý do này mà trong ngôn ngữ hiện đại, “khải huyền” (apocalypse) đồng nghĩa với thảm họa.

Tuy nhiên, Khải Huyền đưa ra một sứ điệp hy vọng. Nó kết thúc với một thị kiến về trời mới đất mới, nơi không còn sự dữ nữa. Giêrusalem, thành phố của con người, đã trở nên tuyệt đẹp như một hôn thê mà phu quân là Đức Giêsu (Kh 21). Từ sách Sáng Thế Ký cho đến Khải Huyền, Kinh Thánh khẳng định con người được tạo dựng để sống hạnh phúc với Thiên Chúa.

Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính
Chuyển ngữ từ: Premières questions sur la Bible,
De dix à quatre-vingt-dix ans
Desclée de Brouwer, 2010
Nguồn: gpquinhon.org (14.08.2022)

LỊCH PHỤNG VỤ