NHỮNG BÀI SUY NIỆM NĂM
THÁNH GIUSE
LỜI DẪN
Thưa
các bạn,
Chúng
ta cùng tạ ơn Chúa, nhìn lên Thánh Gia, đặc biệt trong Năm Thánh Giuse
(8.12.2020 – 8.12.2021) này.
Vì
nhu cầu thiêng liêng cho các thầy, tôi quyết định dọn tập Những Bài Suy Niệm Trong Năm Đặc Biệt Về
Thánh Giuse, dựa theo Tông Thư Patris Corde, mà thiết nghĩ, mọi người
đều có thể sử dụng cách ích lợi.
Bố
cục tập sách gồm: 7 chủ đề Tông Thư gợi ý; tôi thêm 5 chủ đề cho đủ 12 tháng;
và 3 chủ đề dịp lễ Thánh Gia, 19.3 và 1.5. Phần Phụ Lục ứng dụng để hưởng Ơn
Toàn Xá.
Cách
sử dụng tài liệu:
-
Tập trung tư tưởng, cầu xin ơn Chúa Thánh Thần.
-
Đọc phần Dẫn Ý (phần lớn trích từ Tông Thư).
-
Dành nhiều giờ ở phần Gợi Ý Suy Niệm.
-
Đưa ra quyết tâm sau giờ suy niệm. Nên viết ra để thêm xác tín, theo dõi và tổng
kết vào cuối năm kính Thánh Giuse.
-
Cám ơn Chúa và xin ơn với Thánh Giuse.
Chúc
các bạn thêm lòng kính mến Thánh Cả và được Thánh Cả cầu bầu che chở.
Giáng Sinh 2020
Lm. Giuse Trần Đình Thụy
Tháng 12-2020: LỄ THÁNH GIA THẤT
3. Niềm vui gặp lại và trở về …
Tháng Giêng: THÁNH GIUSE TRONG PHÚC ÂM
2. Các giai đoạn chính về cuộc đời Thánh Giuse
3. Cuộc sống của Thánh Giuse với Thánh Gia
Tháng Hai: LÝ DO VÀ MỤC ĐÍCH CỦA TÔNG THƯ
2. Lý do hình thành Tông Thư Patris Corde
3. Mục đích của Tông Thư Patris Corde
Tháng Ba: MỘT NGƯỜI CHA YÊU THƯƠNG
I. Phần Dẫn Ý: Một Người Cha Yêu Thương
1. Vai trò người Cha trong gia đình Thánh Gia (trong nhiệm cục cứu độ)
2. Yêu mến, tôn kính Thánh Giuse như người Cha
2. Thánh Giuse luôn được các Kitô hữu tôn kính là Cha
3. “Hãy đến cùng Giuse; Ite ad Joseph” (St 41, 55)
Tháng Ba: THÁNH GIUSE BẠN TRĂM NĂM ĐỨC MARIA
1. Giuse chồng Bà Maria và là Cha Chúa Giêsu theo pháp lý
2. Giuse bạn Maria “trọn đời đồng trinh”
3. Thánh kinh và huấn quyền Giáo Hội về “trọn đời đồng trinh”
THÁNG 4: MỘT NGƯỜI CHA DỊU DÀNG YÊU THƯƠNG
1. Người cha dịu dàng yêu thương
2. Người cha xót thương vì ta yếu đuối
2. “Giuse con” (Giêsu) hành nghề
Tháng Năm: MỘT NGƯỜI CHA VÂNG PHỤC
2. Từ Ai Cập về Nagiarét và giữ luật cắt bì
3. Gương vâng phục của Chúa Giêsu qua thánh Giuse
Tháng Sáu: MỘT NGƯỜI CHA CHẤP NHẬN
1. Chấp nhận ý Chúa, tôn trọng nhân phẩm
2. Không chạy trốn nhưng còn biến đổi khó khăn
3. Chấp nhận trong hy vong và can đảm vì có Chúa
Tháng Bảy: MỘT NGƯỜI CHA CÓ LÒNG CAN ĐẢM ĐẦY SÁNG TẠO
1. Chúa “chọn – gửi” Giuse vì lòng can đảm, óc sáng tạo
2. Hành xử cường quyền khác giải pháp của Tin Mừng
3. Yêu Hội Thánh – yêu người nghèo
Tháng Tám: MỘT NGƯỜI CHA LÀM VIỆC
1. Chọn nghề mộc để nuôi gia đình
2. Lao động tham gia công trình cứu độ qua thăng tiến bản thân và xã hội
Tháng Chín: MỘT NGƯỜI CHA TRONG BÓNG TỐI
1. Thánh Giuse là “hình bóng của Chúa Cha” trên cuộc đời Chúa Giêsu”
2. Phẩm trật trong Hội Thánh nên xử với nhau bằng “tâm tình người cha”: Nâng đỡ, không chiếm hữu
3. Nhân loại cũng cần ứng xử với nhau bằng “tâm tình người cha”
Tháng Mười: HUẤN QUYỀN CỔ VŨ LÒNG MẾN THÁNH GIUSE
Tháng Mười Một: THÊM TÊN THÁNH GIUSE VÀO KINH NGUYỆN THÁNH THỂ
2. Sắc lệnh của Bộ Phụng Tự 1/5/2013
3. HĐGMVN Ủy ban Phượng tự ngày 09.10.2013
Tháng Mười Hai: THÁNH GIUSE VÀ GIÁO HỘI VIỆT NAM
1. Những dấu chỉ do Thánh Giuse
2. Hoa quả đức tin đầu tiên của Thánh Giuse
III. Tuần Cửu Nhật Thánh Giuse
3. Lạy Cha – Kính Mừng – Sáng Danh (đọc)
SẮC LỆNH
BAN CÁC ƠN TOÀN XÁ ĐẶC BIỆT
NHÂN DỊP NĂM ĐẶC BIỆT VỀ THÁNH GIUSE
(Penitenciaria Apostólica – Prot. n.
866/20/I)
Ngày
8/12/2020, cùng với việc ĐTC ban hành Tông Thư Patris Corde – Trái tim người
cha, ĐTC công bố Năm đặc biệt về Thánh Giuse (từ ngày 8/12/2020 đến ngày
8/12/2021), Tòa Ân giải Tối cao đã công bố sắc lệnh ban các ơn toàn xá đặc biệt
nhân dịp Năm đặc biệt này.
Sắc
lệnh nói rằng: với Năm đặc biệt về Thánh Giuse (từ ngày 8/12/2020 đến ngày
8/12/2021), “tất cả các tín hữu sẽ có cơ hội dấn thân, bằng những lời cầu nguyện
và những việc lành, để với sự giúp đỡ của Thánh Giuse, người đứng đầu Gia đình
Nagiarét trên trời, được an ủi và xoa dịu khỏi những đau khổ trong xã hội và của
con người, đang gây ra cho thế giới của chúng ta ngày nay”.
Đức Thánh Cha công bố
“Năm đặc biệt về thánh Giuse”
Sắc
lệnh được ký bởi Đức Hồng Y Mauro Piacenza, Chánh án Tòa Ân giải Tối cao, và
Cha Krzysztof Nykiel, lưu ý rằng: lòng sùng kính đối với Thánh Giuse đã phát
triển rộng rãi trong suốt lịch sử của Giáo hội.
Những điều kiện để nhận
ơn Toàn xá
Ơn
Toàn xá được ban với các điều kiện thông thường (xưng tội, rước lễ và cầu nguyện
theo ý Đức Thánh Cha) cho các tín hữu có lòng xa tránh mọi tội lỗi, sẽ tham dự
Năm đặc biệt về Thánh Giuse trong những dịp và theo cách thức được Tòa Ân giải
Tối cao chỉ định:
Thứ nhất, Ơn Toàn xá được ban cho những người suy
niệm ít nhất là 30 phút kinh Lạy Cha, hoặc tham dự một cuộc tĩnh tâm ít nhất là
một ngày với một bài suy niệm về thánh Giuse.
Thứ hai, những người theo gương thánh Giuse,
thực hiện một việc thương xót về thể lý hay thiêng liêng, cũng có thể được nhận
Ơn Toàn xá.
Thứ ba, Ơn Toàn xá được ban cho những người
đọc kinh Mân Côi trong gia đình và giữa những người đính hôn.
Thứ tư, Ơn Toàn xá được ban cho bất cứ ai
hàng ngày phó thác công việc của mình cho sự bảo vệ của Thánh Giuse và bất kỳ
tín hữu nào cầu nguyện, xin sự chuyển cầu của Người Thợ thành Nazareth, để những
người đang tìm công việc có thể tìm được việc làm và để công việc của mọi người
được xứng đáng hơn.
Thứ năm, Ơn Toàn xá được ban cho những tín hữu
sẽ đọc kinh cầu thánh Giuse hoặc một kinh Thánh Giuse khác, phù hợp với các
truyền thống phụng vụ khác, để cầu nguyện cho Giáo hội bị bách hại bên trong và
bên ngoài, và cho tất cả các Ki-tô hữu đang chịu mọi hình thức bách hại được cứu
giúp.
Vị thánh hoàn vũ
Để
khẳng định lại tính phổ quát của sự bảo trợ của thánh Giuse đối với Giáo hội,
ngoài những dịp đã nói ở trên, Tòa Ân giải Tối cao ban Ơn Toàn xá cho các tín hữu
sẽ đọc bất kỳ lời cầu nguyện đã được phê chuẩn hợp pháp hoặc làm một việc đạo đức
để tôn vinh Thánh Giuse, đặc biệt là vào các ngày 19 tháng 3 và 1 tháng 5, vào
Lễ Thánh Gia Thất Chúa Giêsu, Mẹ Maria và thánh Giuse, vào Chúa Nhật thánh
Giuse (theo truyền thống Byzantine), vào ngày 19 hàng tháng và mỗi thứ Tư, ngày
theo truyền thống Latinh được dành riêng kính nhớ thánh Giuse.
Đối với người già và bệnh
nhân
Sắc
lệnh cũng nói rằng trong hoàn cảnh khẩn cấp về sức khỏe, Ơn Toàn xá đặc biệt được
ban cho những người cao niên, các bệnh nhân, những người hấp hối và cho tất cả
những người vì lý do chính đáng không thể rời khỏi nhà.
Họ
được nhận Ơn Toàn xá nếu có lòng xa tránh tội lỗi và với ý định hoàn thành, càng sớm càng tốt,
ba điều kiện thông thường và thực hiện một việc đạo đức để tôn kính thánh
Giuse, nguồn an ủi người bệnh và Đấng bảo trợ sự chết lành, dâng lên Thiên Chúa
những đau đớn và khó chịu trong cuộc sống của họ với lòng tin tưởng.
Vai trò của các linh mục
Cuối
cùng sắc lệnh yêu cầu các linh mục tạo cơ hội thuận tiện, sẵn sàng và quảng đại
cử hành bí tích giải tội và trao Mình Thánh cho các bệnh nhân. (CSR_9070_2020).
Hồng Thủy – Vatican News (08/12/2020)
LỄ THÁNH GIA THẤT
(Chúa Nhật 27.12.2020)
Gia
đình là tế bào của xã hội. Cảnh vô gia cư, đám trẻ mồ côi gây đau lòng cho
chúng ta. Những gia đình tan vỡ gây bao đau thương cho xã hội. Nhìn mái ấm
Thánh Gia, chúng ta học được rất nhiều điều.
I. Phần Dẫn Ý
1. Mái ấm Nagiarét
Sau
khi định cư tại Nagiarét, Thánh Giuse đã xây dựng một xưởng thợ mộc, hằng ngày
cần mẫn và cật lực làm việc không chút ngơi tay để tạo điều kiện nuôi sống
Thánh Gia, Đức Maria và Hài Nhi Giêsu, Đấng Cứu Thế của cả nhân loại. Chính
Ngài đã ban cho mọi loài tạo vật sự sống và lương thực hằng ngày. Còn Đức Maria
thì lo mọi công việc nội trợ và săn sóc Hài Nhi Giêsu vô cùng đáng yêu của cả
gia đình.
2. Đau buồn vì lạc mất Chúa
Khi
Hài Nhi Giêsu được mười hai tuổi tròn, Người đã cùng Dưỡng Phụ và Mẹ Người trẩy
hội lên Thành Thánh để mừng lễ Vượt Qua, đúng như Luật Chúa dạy. Hằng năm, mỗi
tín hữu Do Thái đều phải hành hương lên Giêrusalem mừng lễ (x. St 23, 14-15;
Đnl 16, 1-2).
Thánh
Gia Nagiarét cùng bước vào Đền Thánh Thiên Chúa với tất cả lòng tôn kính và dâng
lên các lễ vật đã mang theo, đúng như Luật dạy.
Tuần
lễ Vượt Qua tại Giêrusalem xong, mọi khách hành hương lại lên đường trở về quê
hương mình, theo hàng ngũ và trật tự đã được quy định là: đàn ông đi với đàn
ông, phụ nữ đi với phụ nữ và thanh thiếu niên đi với nhau.
Riêng
Thánh Giuse thì cứ đinh ninh là Con Trẻ Giêsu cùng đi với Mẹ; trái lại, Đức
Maria lại nghĩ là Con Trẻ Giêsu cùng về với cha mình. Sau một ngày đường, khi mọi
thành viên các gia đình cùng gặp lại nhau đề vào quán trọ nghỉ đêm, Thánh Giuse
và Đức Maria đã vô cùng kinh hoàng và sợ hãi, vì không tìm thấy Con Trẻ Giêsu
trong bất cứ đoàn thể nào cả.
3. Niềm vui gặp lại và trở về …
Mãi
cho tới ngày thứ ba, khi hai ông bà đánh liều bước vào tiền sảnh Đền Thờ để
tìm, may ra còn chút hy vọng mong manh cuối cùng gặp lại con. Thật không sai.
Kìa, Con Trẻ Giêsu đang ngồi giữa các thầy Kinh Sư và Luật Sĩ.
Đức
Maria cũng đã tìm cách tự làm vơi nhẹ những nỗi lo lắng phiền muộn của lòng
mình từ ba ngày qua, nên bà nói cùng con: “Con ơi, sao con đã cư xử với cha mẹ
như thế, là con ở lại nơi đây mà không báo trước cho cha mẹ biết để khỏi lo.
Con thấy không, cha và mẹ đã rất lo lắng tìm con?” (x. Lc 2,48).
Trước
tâm tình lo lắng thấm đẫm tình yêu thương của cha mẹ, Con Trẻ Giêsu đã dịu dàng trả
lời các ngài với tất cả lòng kính trọng và biết ơn: “Tại sao cha mẹ lại quá lo
lắng và đau khổ đi tìm con như vậy, tại sao vì con mà cha mẹ lại quá bất an như
thế? Cha mẹ đã biết rõ, vì sứ mệnh cao cả được giao phó là cứu chuộc nhân loại,
nên trong mọi sự con phải chu toàn thánh ý của Cha con trên trời” (x. Lc 2,49).
Thánh
Giuse và Đức Maria đã tin một cách chắc chắn ngày những lời Con Trẻ Giêsu vừa
nói, mặc dù cả hai ông bà đều chưa hoàn toàn hiểu hết ý nghĩa của những lời nói
ấy.
Con
Trẻ Giêsu lại theo cha mẹ trở về cảnh sống đơn sơ thầm lặng trong mái ấm gia
đình ở Nagiarét và đã vâng phục các ngài trong mọi sự (x. Lc 2,51).
(Nguyễn
Hữu Thy, Thánh Giuse, Người Tôi
Trung Của Thiên Chúa, Tr. 43).
II. Phần Gợi Ý Suy Niệm
1. “Thánh Giuse không ngơi tay nuôi sống Thánh
gia. Đức Maria lo mọi công việc nội trợ. Hài Nhi Giêsu vô cùng đáng yêu”.
Hình ảnh gia đình thật hạnh phúc khi các thành phần biết quan tâm và hết tình
lo cho nhau. Bạn hãy nhớ đến giọt mồ hôi của cha, lo âu của mẹ và cố gắng sống
cho “đáng yêu” trước mặt Chúa và trước mặt mọi người.
2. “Thánh Giuse và Đức
Maria đã vô cùng kinh hoàng và sợ hãi, vì không tìm thấy con trẻ Giêsu trong bất
cứ đoàn thể nào”. Kinh
hoàng và sợ hãi vì hai Ngài thất lạc người con cực kỳ đáng yêu. Hãy cầu nguyện
cho những bậc làm cha mẹ biết luôn quan tâm dạy dỗ con cái cho phải đạo.
3. “Con Trẻ Giêsu lại theo cha mẹ trở về cảnh
sống đơn sơ thầm lặng trong mái ấm gia đình ở Nagiarét và đã vâng phục các ngài
trong mọi sự”. Cầu nguyện cho chính bạn trở thành người con xứng đáng và cầu
nguyện cho những người con biết thảo hiếu, đạo đức chăm ngoan. Đó là cách tạ ơn
Chúa và cám ơn những bậc sinh thành: “Hoa
thơm, thơm lạ, thơm lùng. Thơm cây, thơm rễ, người trồng cũng thơm…!”
Tháng Giêng: THÁNH GIUSE TRONG PHÚC ÂM
(Thứ Tư 06/01/2021)
Để
có cái nhìn đầy đủ những đoạn nói về Thánh Giuse trong Tân Ước, chúng ta sẽ có
một tổng kết tổng quát về cuộc đời và sứ mệnh của Thánh Giuse trong nhiệm cục cứu
độ.
I. Phần Dẫn Ý
1. Các đoạn văn Tân Ước
● Mt 1,16-17 : Gia phả Đức Giêsu Kitô :
“Ông Giacóp sinh ông Giuse, chồng của bà Maria, bà là mẹ Đức Giêsu cũng gọi là
Đấng Kitô”.
● Mt 1,18-25 : Truyền tin cho ông Giuse.
● Mt 2,13-18 : Đưa Đức Giêsu trốn sang Ai Cập.
● Mt 2,19-23 : Từ Ai Cập về đất Israel.
● Mt 13,55 : “Ông không phải là con
bác thợ mộc sao?”
● Mc 6,3 : Con bà Maria (không nói đến
Giuse).
● Lc 2,1-14 : Về Belem khai sổ.
● Lc 2,15-20 : Người chăn chiên đến Belem.
● Lc 2,22-32 : Tiến dâng Đức Giêsu vào Đền
thờ.
● Lc 2,33-38 : Nghe ông Simêon tiên báo, cha
và mẹ Hài Nhi ngạc nhiên.
● Lc 2,39-40 : Hai ông bà trở về Nagiarét.
● Lc 2,41-50 : Tìm Đức Giêsu trong Đền thờ.
● Lc 2,51-52 : Người đi xuống cùng với cha
mẹ, trở về Nagiarét.
● Lc 3,23-38 : Gia phả Đức Giêsu : “Thiên hạ
vẫn coi Người là con ông Giuse”.
● Lc 4,22 : “Ông này không phải là con
ông Giuse đó sao?”
● Ga 6,42 : Bài giảng Bánh Trường
Sinh : “Ông này chẳng phải là ông Giêsu, con ông Giuse đó sao?”
2.
Các giai đoạn chính về cuộc đời Thánh Giuse
a. Thiên Chúa chọn Thánh Cả
Gia
phả Thánh Giuse, bài Phúc Âm ngày 17.12 nói về gia phả của Chúa Giêsu. “Như thế, tính chung lại thì: từ tổ phụ
Áp-ra-ham đến vua Đa-vít, là mười bốn đời; từ vua Đa-vít đến thời lưu đày ở
Ba-by-lon, là mười bốn đời; và từ thời lưu đày ở Ba-by-lon đến Đức Ki-tô, cũng
là mười bốn đời” (Mt 1,17). Việc sắp xếp ba giai đoạn: từ Abraham –
Đavit; từ Đavit – Lưu đầy; từ Lưu đày – Chúa Giêsu, mỗi giai đoạn có 14 đời. Đây là cách sắp xếp
“thật đẹp” so với quan niệm của người Do Thái mà Thánh Matthêu là tác giả viết
Phúc Âm “cho người Do Thái”. Sứ điệp kinh thánh (message Bibblique) chủ yếu là:
sự tiếp nối huyết thống từ Abraham đến Chúa Giêsu là thực.
Thánh
Matthêu đã giới thiệu Giuse: “Giacóp sinh Giuse, chồng của bà Maria, bà là mẹ Đức Giêsu cũng gọi
là Đấng Kitô” (Mt
1,16). Thánh Sử còn xác định ơn gọi làm chồng trinh khiết của Maria và là cha
nuôi Chúa Giêsu.
b. Truyền tin cho Thánh Giuse.
Đoạn
văn Mt 1, 18 – 25 diễn tả những sự kiện và những lời “báo mộng”: Giuse và Maria
đã thành hôn -> Maria có thai do Chúa Thánh Thần -> Giuse định “rút êm”
-> Sứ thần nói: “đừng ngại …” tỉnh dậy “Giuse đã… đón vợ về nhà” và “đặt tên cho con trẻ là Giêsu” như
lời tiên báo xưa: “Này đây, Trinh Nữ
sẽ thụ thai … Đấng Emmanuel”.
Hai
trình thuật trên, chúng ta đã xác nhận được ơn gọi và sứ vụ của Thánh Giuse: bảo
vệ Maria và Hài Nhi Giêsu nhằm thực hiện chương trình cứu độ của Thiên Chúa.
c.
Sang Ai Cập và trở về Nagiarét
Lại
qua lời “báo mộng”, Giuse đã đem Mẹ và Hài Nhi sang Ai Cập vì sự điên rồ của
Hêrôđê (x. Mt 2, 13 – 18). Cuộc “vượt biên giới” này nói lên chương trình của
Thiên Chúa và âm mưu của con người (Hêrôđê).
Hêrôđê
chết, chương trình của Thiên Chúa lại tiếp tục “Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người về đất Ít-ra-en, vì những kẻ tìm
giết Hài Nhi đã chết rồi” (Mt 2,21). Cũng như trong cuộc truyền tin
cho Thánh Giuse và Giuse đã làm như lời báo mộng (x. Mt 1,22-24); thì ở đây,
sau lời “báo mộng”, “Ông liền trỗi dậy
đưa Hài Nhi và mẹ Người về đất Ít-ra-en” (Mt 2,21).
Trong
bất cứ tình huống nào, Thánh Giuse cũng đều nhận ra ý Chúa và làm theo ý Chúa
soi dẫn.
3. Cuộc sống của Thánh Giuse với
Thánh Gia
Chương
trình của Thiên Chúa có “bị động” (di chuyển sang Ai Cập, trở về Israel, định
cư tại Nagiarét) bởi những ý định và toan tính của con người (Hêrôđê, Ackhêlaô
con Hêrôđê) rồi cũng ổn định. Thánh Giuse giữ đúng luật định: dâng con trai đầu
lòng cho Thiên Chúa (x. Lc 2,22 -32). Cha mẹ rất ngạc nhiên về lời sấm của
Simêon về Hài Nhi (x. Lc 2, 33-38). Sống cuộc đời bình dị với nghề thợ mộc tại
Nagiarét (x. Lc 2, 39-40). Vất vả tìm kiếm Hài Nhi khi lên đền thờ Giêrusalem
(x. Lc 3, 23-38; Lc 4, 22; Ga 6, 42).
Theo
tương truyền, Thánh Giuse chết trước khi Chúa Giêsu đi rao giảng. Ngài đã hoàn
thành sứ mạng được trao (bảo vệ Mẹ Maria và Chúa Giêsu) trong nhiệm cục cứu độ.
(http://daminhvn.net/,
Phan Tấn Thành, Những Văn Kiện Của
Huấn Quyền Cận Đại Về Thánh Giuse).
II. Gợi Ý Suy Niệm
● Chúa đã trao cho Thánh Giuse sứ mạng cộng
tác vào chương trình cứu độ. Hãy suy nghĩ và xác tín về ơn gọi và sứ mạng của mỗi
người chúng ta, những người muốn trở thành môn đệ Chúa Giêsu.
● Thánh Giuse chỉ “được báo mộng”, nhưng
khi thức dậy, ngài “lập tức” làm theo ý Chúa. Giáo Hội đã sắp xếp đủ điều kiện
để chúng ta tu và học. Chúng ta đã đón nhận và hoàn thành việc tự đào tạo đến
đâu?
● Thánh Giuse luôn thực hiện sứ mạng và gắn
bó với Đức Mẹ và Chúa Giêsu. Cuộc sống của bạn đã có những thân thiết nào với
Chúa Giêsu, Đức Mẹ và Thánh Cả hay chỉ sống “vật vờ, buông trôi”?
III. Quyết Tâm
Tháng Hai: LÝ DO VÀ MỤC ĐÍCH CỦA TÔNG THƯ
(Thứ Tư 03/02/2021)
Các
văn kiện của ĐTC thường gồm Thông Điệp, Tông Huấn, Tông Hiến, Tông Thư, Tông Sắc,
Tự Sắc, … Mỗi loại đều có “địa chỉ” mà Văn kiện đó nhắm tới cùng với nội dung cần
thiết để hình thành văn bản cụ thể. Trong bài này, chúng ta đi tìm lý do và mục
đích của Tông Thư Patris Corde.
I. Phần Dẫn Ý
1. Đầu đề Tông Thư
Theo văn phong của các Văn kiện của Tòa Thánh hoặc của các ĐTC, người ta thường lấy hai chữ đầu tiên để chọn đầu đề cho Văn kiện. Thí dụ: Humanae Vitae (Sự Sống Con Người của ĐTC Phaolô VI), Redemptoris Mater (Mẹ Đấng Cứu Độ của ĐTC Gioan Phaolô II), Vita Consecrata (Đời sống thánh hiến của ĐTC Gioan Phaolô II) …
Tông
thư chúng ta tìm hiểu ở đây là Patris Corde. Tôi thích lấy đầu đề là “Với Trái
Tim của Người Cha”, đó là cách Thánh Giuse yêu thương Chúa Giêsu, Đấng mà cả 4
Phúc Âm đều gọi là “con của ông Giuse” (câu đầu tiên của Tông Thư); văn bản
dùng chữ Cor, cordis ở thể ablativus. Tương ứng như vậy với các bản: – Con
Cuore di Padre (Ý ngữ), Avec le coeur d’un Père (Pháp ngữ), With a Father’s
Heart (Anh ngữ). Thánh Giuse yêu Chúa Giêsu thắm thiết.
2. Lý do hình thành Tông Thư
Patris Corde
● Ước muốn từ lâu.
⮚ Ngày
08.12.1870, ĐTC Piô IX đề nghị các nghị phụ công đồng Vatican I long trọng tôn
phong Thánh Giuse làm bổn mạng Giáo Hội; đồng thời lễ Thánh Giuse 19.3 phải được
mừng kính cách trọng thể.
⮚ Năm
1889, ĐTC Lêô XIII truyền lấy Tháng Ba hằng năm làm tháng dâng kính Thánh
Giuse.
⮚ Năm
1955 ĐTC Piô XII lập lễ Thánh Giuse Thợ vào ngày lễ Lao Động 01.5
⮚ ĐTC
Gioan XXIII đặt Công Đồng Vatican II dưới sự bảo trợ của Thánh Giuse (khai mạc
11.10.1962). Thêm tên Thánh Giuse vào Kinh Tạ ơn duy nhất hồi ấy (KNTT I).
● Lý do gần và cụ thể
⮚ Kỷ
niệm 150 năm ĐTC Piô IX tôn vinh Thánh Giuse “Bổn Mạng Hội Thánh”.
⮚ Đấng
Đáng Kính Piô XII gọi ngài là “Bổn mạng của người lao động”
⮚ Thánh
Gioan Phaolô II tuyên xưng Ngài là “Đấng bảo vệ Chúa Cứu Thế”.
⮚ Cảm
nghiệm bản thân của ĐTC Phanxicô về Thánh Giuse.
⮚ Nhân
đại dịch Corona, những người âm thầm (Các bác sĩ, y tá, các chủ cửa hiệu và
nhân viên siêu thị, nhân viên vệ sinh, người chăm sóc người già và bệnh nhân,
công nhân vận chuyển, những người cung cấp các dịch vụ thiết yếu và an ninh
công cộng, các tình nguyện viên, các linh mục, nam nữ tu sĩ, và rất nhiều người
khác # “chiến sĩ âm thầm”). Họ âm thầm phục vụ hiệu quả như Thánh Giuse
3. Mục đích của Tông Thư Patris Corde
● Kêu gọi mọi tín hữu kính mến Thánh Giuse.
● Đặc biệt với 7 chủ đề suy nghĩ:
● Một người cha yêu thương
● Một người cha dịu dàng và yêu thương
● Một người cha vâng phục
● Một người cha chấp nhận
● Một người cha có lòng can đảm đầy sáng tạo
● Một người cha làm việc
● Một người cha trong bóng tối (ẩn mặt).
● Chạy đến khẩn cầu Thánh Giuse ngay giữa
cuộc đời vất vả, đau khổ. Kẻ Ác khiến chúng ta thấy được và lên án sự yếu đuối
của chúng ta, trong khi Thánh Thần đưa nó ra ánh sáng bằng tình yêu dịu dàng. Sự
dịu dàng là cách tốt nhất để chạm vào sự yếu đuối bên trong chúng ta. Chỉ tay
và phán xét người khác thường là dấu hiệu của việc không thể chấp nhận sự yếu
đuối, sự mong manh của bản thân chúng ta. Chỉ có tình yêu dịu dàng mới cứu
chúng ta thoát khỏi cạm bẫy của kẻ tố cáo (x. Kh 12,10). Đó là lý do tại sao việc
gặp gỡ lòng thương xót của Thiên Chúa, đặc biệt là trong bí tích Hòa giải, nơi
chúng ta cảm nghiệm được sự thật và lòng dịu dàng của Ngài là điều rất quan trọng.
Nghịch lý thay, Kẻ Ác cũng có thể nói sự thật với chúng ta, nhưng hắn làm vậy
chỉ để lên án chúng ta. Chúng ta biết rằng sự thật của Thiên Chúa không lên án,
nhưng đón nhận, ôm lấy chúng ta, nâng đỡ và tha thứ cho chúng ta. Sự thật ấy
luôn được bày tỏ cho chúng ta như người cha nhân hậu trong dụ ngôn của Chúa
Giêsu (x. Lc 15,11-32). (Trích Tông Thư).
● Để được ơn ích thiêng liêng
⮚ ĐTC
gợi ý qua thông điệp.
⮚ Lập
Năm Đặc Biệt về Thánh Giuse (8.12.2020 – 8.12.2021).
⮚ Điều
kiện dễ dàng nhận Ơn Toàn Xá trong năm Thánh này qua Tòa Ân Giải Tối Cao công bố.
II. Gợi Ý Suy Niệm
1. Thánh Giuse đóng vai trò tuyệt hảo “với
trái tim người cha” với Thánh Gia bằng tất cả sự quan tâm, chia sẻ buồn vui,
đau khổ… Mỗi người chúng ta có bắt chước những tâm tình của Ngài đối với những
người sống quanh ta, nhất là những ai mà chúng ta có bổn phận, tùy theo bậc sống?
2. “Ở
Nagiarét có chi hay?” (Ga
1,46). Không có chi hay theo mắt những người Do Thái. Nhưng nơi đó, ngoài Chúa
Giêsu, Mẹ Maria, còn có một Giuse tuyệt diệu hoàn toàn âm thầm phục vụ cho
chương trình cứu độ. Âm thầm phục vụ, đôi khi bị thiệt thòi, đã là cách sống của
chúng ta chưa?
3. “Thánh
Giuse, một người chẳng được để để ý vẫn hiện diện hằng ngày cách âm thầm kín
đáo, để cầu thay nguyện giúp” (Tông
Thư). Xét lại lòng sùng kính Thánh Giuse của ta đang ở mức độ nào? Cầu cùng
Thánh Giuse cho Hội Thánh và thế giới, nhất là trong giai đoạn dịch bệnh và rối
ren hôm nay.
III. Quyết Tâm
Tháng Ba: MỘT NGƯỜI CHA YÊU THƯƠNG
(Thứ Tư 03/03/2021)
Nhìn
kỹ cuộc đời trần gian của Thánh Cả, nhất là khía cạnh chu toàn nhiệm vụ chủ hộ
tại Thánh Gia, chúng ta thấy Ngài là một người cha yêu thương đáng cho chúng ta
học theo.
I. Phần Dẫn Ý: Một Người Cha Yêu Thương
1. Vai trò người Cha trong gia
đình Thánh Gia (trong nhiệm cục cứu độ)
Sự
vĩ đại của Thánh Giuse ở chỗ ngài là bạn trăm năm của Đức Maria và là cha của
Chúa Giêsu. Như thế, theo lời Thánh Gioan Kim khẩu, Thánh Giuse đã tự đặt mình
“phục vụ toàn bộ kế hoạch cứu rỗi”.
Thánh
Phaolô VI đã chỉ ra rằng Thánh Giuse đã thể hiện một cách cụ thể vai trò làm
cha của mình “bằng cách biến cuộc đời mình trở thành của lễ hy sinh phục vụ mầu
nhiệm nhập thể cùng với sứ vụ cứu thế. Thánh Giuse dùng quyền hạn hợp pháp của
mình đối với Thánh Gia để cống hiến hết mình cho các ngài trong cuộc sống và
công việc của mình. Ngài đã biến ơn gọi sống tình yêu gia đình của phàm nhân
thành sự dâng hiến siêu phàm chính mình, trái tim và tất cả khả năng của mình,
một tình yêu được dành để phục vụ Đấng Mêsia đang lớn lên trong mái ấm của
ngài”.
2. Yêu mến, tôn kính Thánh Giuse
như người Cha
Vì
vai trò của ngài trong lịch sử cứu độ, Thánh Giuse luôn được các Kitô hữu tôn
kính là cha. Điều này được thể hiện qua vô số nhà thờ dâng kính ngài trên khắp
thế giới, nhiều học viện tôn giáo, hội đoàn và các nhóm lấy cảm hứng từ linh đạo
của Thánh Giuse và mang tên ngài, cùng với nhiều cách bày tỏ lòng đạo đức truyền
thống cũng tôn vinh ngài. Vô số các thánh nam nữ đã rất sùng kính ngài. Trong số
đó có Thánh Têrêsa Avila, đã chọn Thánh Giuse làm đấng bênh vực và cầu thay cho
mình, đã thường xuyên đến với ngài và bất cứ ơn nào xin với Thánh Giuse đều được
toại nguyện. Được khích lệ bởi kinh nghiệm của chính mình, Thánh Têrêsa còn
thuyết phục những người khác cũng vun trồng lòng sùng kính đối với Thánh Giuse.
Sách
kinh nào cũng có những kinh cầu nguyện với Thánh Giuse. Có những kinh đặc biệt
cầu cùng Thánh Giuse vào các ngày thứ Tư và nhất là trong tháng Ba, theo truyền
thống được dành để kính Thánh Giuse.
3. “Hãy đến cùng Giuse”
Lòng
tín thác của mọi người vào Thánh Giuse được thể hiện trong câu “Hãy đến cùng
Giuse”, gợi lại nạn đói ở Ai Cập, khi người Ai Cập xin Pharaô cho họ bánh ăn.
Ông trả lời: “Hãy đến cùng Giuse; và hãy làm những gì ông ấy bảo” (St 41,55).
Pharaô muốn nói đến Giuse, con của Giacop, là người đã bị anh em mình bán làm nô lệ do lòng ghen tị
(x. St 37,11-28) và là người – theo lời Kinh thánh – sau đó trở thành phó vương
Ai Cập (x. St 41,41-44).
Thánh
Giuse thuộc dòng dõi vua Đavít (x. Mt 1, 16-20), là cội rễ mà từ đó Chúa Giêsu
sẽ sinh ra theo lời hứa đã được tiên tri Nathan báo cho Đavít (x. 2 Sm 7), và
là bạn trăm năm của Đức Maria Nazareth, như thế Thánh Giuse tượng trưng cho mối
liên hệ giữa Cựu ước và Tân ước.
(Trích Tông Thư Patris Corde, Bản dịch của HĐGM
– Việt Nam)
II. Gợi Ý Suy Niệm
1. Thánh Giuse chu toàn sứ vụ
“Sự vĩ đại của Thánh
Giuse ở chỗ ngài là bạn trăm năm của Đức Maria và là cha của Chúa Giêsu. Như thế,
theo lời Thánh Gioan Kim khẩu, Thánh Giuse đã tự đặt mình phục vụ toàn bộ kế hoạch
cứu rỗi”.
Sống
đời gia đình hoặc sống đời tận hiến, chúng ta đã xác định vị trí rõ ràng của
mình trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa dành cho ta và dành cho mọi người
qua ta?
2. Thánh Giuse luôn được các Kitô
hữu tôn kính là Cha
Chúng
ta vẫn “tỏ ra” sùng kính và còn “giảng dạy” người ta sùng kính Thánh Giuse.
Nhưng thật sự: Thánh Giuse có chỗ đứng nào sinh động trong đời sống của ta; hay
sự sùng kính Ngài mới chỉ là lý thuyết, ước vọng?
3. “Hãy đến cùng Giuse; Ite ad
Joseph” (St 41, 55)
Nói
về Giuse bên Ai Cập, con ông Giacop. Còn Thánh Giuse của chúng ta cũng thuộc dòng dõi Đavit … Tân Ước. Chúng
ta đã nói nhiều về vấn đề này. Dứt khoát từ nay, hãy chạy đến với Thánh Giuse
là người Cha yêu thương và “chúng con trao phó nơi cha vụ khó khăn này”.
III. Quyết Tâm
Tháng Ba: THÁNH GIUSE BẠN TRĂM NĂM ĐỨC MARIA
(Thứ Sáu 19/03/2021)
Trong
chương trình cứu độ của Chúa, Thánh Giuse đóng vai là chồng cô Maria và là cha
của Hài Nhi Giêsu theo pháp lý. Đích thực Ngài là bạn đồng trinh của Đức Maria
và là cha nuôi của Chúa Giêsu. Giuse đã đón nhận và chu toàn nhiệm vụ đó một
cách tuyệt vời.
I. Phần Dẫn Ý
1. Giuse chồng Bà Maria và là Cha
Chúa Giêsu theo pháp lý
Theo
trình thuật của Tân Ước thì trước mặt xã hội Thánh Cả Giuse thực sự là thân phụ
Chúa Giêsu (Ga 1, 45b). Nhưng Kinh Thánh Tân Ước cũng đã khẳng định rõ ràng
Thánh Cả Giuse chỉ là thân phụ Chúa Giêsu trên phương diện pháp lý, tức chỉ là
dưỡng phụ mà thôi (x. Mt 1,18; Lc 1,35), chứ không phải cha ruột, vì Đức Trinh
Nữ Maria cưu mang Chúa Giêsu là do quyền năng Chúa Thánh Thần, chứ không phải
do Thánh Cả Giuse hay do bất cứ một nam nhân nào khác. Đây là cơ sở vững chắc
cho giáo huấn của Giáo Hội về đức đồng trinh của Mẹ Maria, và cả của Thánh Cả
Giuse nữa.
2. Giuse bạn Maria “trọn đời đồng
trinh”
Đức
Maria, Mẹ Thiên Chúa, trọn đời đồng trinh: Đồng trinh trước khi sinh con, đồng
trinh khi sinh con và đồng trinh sau khi sinh con. Đứng đầu những người bênh vực
quan điểm “Đức Mẹ trọn đời đồng
trinh” này là thánh Ignatiô thành Antiokia thuộc thế kỷ II, Giám mục
và là một nhà thần học thời danh của Kitô giáo vào thời bấy giờ. Thánh Ignatiô thành Antiokia là người đầu
tiên minh chứng và bênh vực quan điểm “Mẹ
Maria trọn đời đồng trinh”.
Tiếp
đến là thánh Tử đạo Justinô (100-165), Giáo Phụ và triết gia Kitô giáo thời
danh vào thế kỷ thứ II, cũng mạnh mẽ lên tiếng bênh vực quan điểm “Mẹ Maria trọn đời đồng trinh”. Trong
tác phẩm minh giáo nổi danh của ngài với tựa đề “Đối thoại với ông Tryphon, tín hữu Do Thái”, xuất hiện vào
giữa các năm 155- 160 đã minh định điều đó.
3. Thánh kinh và huấn quyền Giáo
Hội về “trọn đời đồng trinh”
Ngôn
Sứ Isaia (7, 10-17) “… Này đây một
trinh nữ mang thai, sinh hạ con trai và đặt tên là Emmanuel …” và đó
cũng là lời tiên báo của Thiên Chúa về “các
Kitô hữu”.
Giáo
Hội Công Giáo đã chính thức khẳng định chân lý “Đức Mẹ trọn đời đồng trinh” qua
giáo huấn của Công Đồng Chung Constantinốp II vào năm 553 và được cô đọng trong câu “Ngôi Lời đã mặc lấy xác phàm từ cung lòng
thánh thiên, vinh hiển và trọn đời đồng trinh (semper virgo) của Đức Maria, Mẹ
Thiên Chúa, và đã được Mẹ đồng trinh sinh ra”; và vào năm 1546, Công Đồng
Chung Triđentinô lại khẳng định giáo huấn quan
trọng ấy thêm một lần nữa.
Theo
trình thuật của Phúc Âm theo thánh Matthêu, Thánh Cả Giuse đính hôn với Đức
Trinh Nữ Maria. Nhưng trước khi hai ông bà cùng về ở với nhau thì ông Giuse nhận
thấy bà Maria đang mang thai mà không do ông, ông đã nhất định không muốn tố
cáo vợ mình trước pháp luật, vì ông biết rõ Maria là một thiếu nữ đoan trang, nết
na và đức hạnh vẹn toàn. (x. Mt 1,18-23)
Theo
tương truyền, thì Đức Maria đã khấn giữ mình trọn đời đồng trinh ngay khi còn rất
trẻ. Các giáo phụ cũng đã dạy như thế về Thánh Giuse, nghĩa là ngay khi còn trẻ
Thánh Giuse cũng đã hứa sống đời đồng trinh. Để biện minh cho quan điểm ấy của
các giáo phụ, Thánh Tôma Aquinô đã lý luận rằng: “Nếu Thiên Chúa đã muốn trao phó Mẹ đồng trinh của người cho tông đồ
Gioan, người môn đệ còn độc thân khiết tịnh của mình, thì làm sao Người lại có
thể trao phó Mẹ mình cho một vị hôn phu không còn trinh khiết hay sẽ không giữ
mình khiết tịnh suốt đời”.
Theo
luật Do Thái thời bấy giờ, nếu một thiếu nữ không có chồng mà mang thai hay một
thiếu phụ ngoại tình, thì sẽ bị khinh bỉ, bị kết án, và bị ném đá.
Không
những thế, chính danh dự Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu Thế, nhất thiết cũng cần đến
cuộc kết hôn công khai của Mẹ Người và Thánh Giuse, hầu Người không bị coi là đứa
con ngoại hôn và bị khinh thường.
(Nguyễn
Hữu Thy, Sđd, tr 20 – 26).
II. Phần Gợi Ý Suy Niệm
1. “Thánh
Giuse là chồng của Đức Maria và là cha của Chúa Giê su theo pháp lý, đúng như
Phúc âm” (x. Mt 1,28; Lc
1,35). Dù là “pháp lý”, nhưng Ngài đã chu toàn nhiệm vụ do ý định của Thiên
Chúa. Trong bất cứ đấng bậc nào, chúng ta cũng phải chu toàn và sống đúng nhiệm
vụ của mình bằng tình yêu.
2. “Làm
sao Thiên Chúa lại trao mẹ cho một vị hôn phu không còn trinh khiết hay sẽ
không tiếp tục giữ mình khiết trinh suốt đời!” (Tôma Aquinô). Người tu hành phải tự
thanh tẩy mình để trở thành khí cụ mang ơn cứu độ. Người sống trong bậc gia
đình phải hỗ trợ nhau để cả hai thực thi ý định của Chúa trong cuộc sống.
3. Mẹ “trọn đời đồng trinh” có bạn thanh sạch
là thánh cả Giuse. Hãy học và cầu xin hai Đấng cho chúng ta có được một tâm hồn
thánh thiện.
THÁNG 4: MỘT NGƯỜI CHA DỊU DÀNG YÊU THƯƠNG
(Thứ Tư 07/04/2021)
Tháng
trước chúng ta đã suy niệm về một Người Cha Yêu Thương. Tháng này, cũng chủ đề ấy,
nhưng để ý đến “dịu dàng”. Tình
thương được diễn tả bằng nhiều cách. Có những người bề ngoài nóng nảy nhưng
cũng chỉ vì thương. Nhấn mạnh đến “dịu
dàng” là chúng ta muốn nhắm đến không chỉ tâm tình yêu thương, mà còn
phải để ý đến cách ứng xử dịu dàng, dễ mến, dễ gần. Dịu dàng sẽ làm cho động lực
yêu thương đạt hiệu năng giáo dục cao.
I. Phần Dẫn Ý
1. Người cha dịu dàng yêu thương
Nơi
Thánh Giuse, Chúa Giêsu đã nhìn thấy tình yêu dịu dàng của Thiên Chúa: “Như người cha yêu thương con cái mình, Chúa
xót thương những ai kính sợ Người” (Tv 103, 13).
Trong
hội đường, khi cầu nguyện bằng Thánh vịnh, chắc chắn Thánh Giuse đã nghe đi
nghe lại nhiều lần rằng: Thiên Chúa của Israel là Thiên Chúa chạnh lòng thương,
là Đấng nhân hậu với tất cả mọi người, Đấng “nhân từ hơn tất cả những gì Ngài đã làm”. (Tv 145,9).
Lịch
sử cứu độ được hoàn thành “trong hy
vọng dù không còn hy vọng” (Rm 4,18), qua những yếu đuối của chúng ta.
Vì đây là một phần của toàn bộ kế hoạch cứu độ,
chúng ta phải học cách nhìn vào những yếu đuối của mình với lòng thương xót dịu
dàng.
2. Người cha xót thương vì ta yếu
đuối
Kẻ
Ác khiến chúng ta thấy được và lên án sự yếu đuối của chúng ta, trong khi Thánh
Thần đưa nó ra ánh sáng bằng tình yêu dịu dàng. Sự dịu dàng là cách tốt nhất để
chạm vào sự yếu đuối bên trong chúng ta. Chỉ tay và phán xét người khác thường
là dấu hiệu của việc không thể chấp nhận sự yếu đuối, sự mong manh của bản thân
chúng ta. Chỉ có tình yêu dịu dàng mới cứu chúng ta thoát khỏi cạm bẫy của kẻ tố
cáo (x. Kh 12,10). Đó là lý do tại sao việc gặp gỡ lòng thương xót của Thiên
Chúa, đặc biệt là trong bí tích Hòa giải, nơi chúng ta cảm nghiệm được sự thật
và lòng dịu dàng của Ngài là điều rất quan trọng. Nghịch lý thay, Kẻ Ác cũng có
thể nói sự thật với chúng ta, nhưng hắn làm vậy chỉ để lên án chúng ta. Chúng
ta biết rằng sự thật của Thiên Chúa không lên án, nhưng đón nhận, ôm lấy chúng
ta, nâng đỡ và tha thứ cho chúng ta. Sự thật ấy luôn được bày tỏ cho chúng ta
như người cha nhân hậu trong dụ ngôn của Chúa Giêsu (x. Lc 15,11-32).
3. Luôn để Chúa dẫn đưa
Ý
Chúa, lịch sử và kế hoạch của Ngài vẫn hoạt động, ngay cả qua nỗi sợ hãi của
Thánh Giuse. Vì thế, Thánh Giuse dạy chúng ta rằng: đức tin vào Thiên Chúa cũng
là tin rằng Ngài có thể hành động cả khi chúng ta sợ hãi, mỏng manh và yếu đuối.
Ngài cũng dạy chúng ta rằng: giữa những thử thách của cuộc đời, chúng ta đừng
bao giờ sợ để Chúa dẫn lối cho chúng ta. Đôi khi, chúng ta muốn kiểm soát mọi sự,
nhưng Thiên Chúa luôn nhìn thấy bức tranh toàn cảnh hơn.
(Trích Tông Thư Patris Corde, Bản dịch của HĐGM – Việt Nam)
II. Phần Gợi Ý Suy Niệm
1. “Người
cha dịu dàng yêu thương”.
Sự nóng nảy luôn dẫn đến đổ vỡ. Trong bất cứ tình huống nào, dịu dàng yêu
thương là cách thế quảng đại, đón nhận và dễ tạo nên bình an, tin tưởng. Bạn đã
tập được nhân đức “nhẹ nhàng thu hút” này đến mức độ nào rồi?
2. “Người
cha xót thương vì ta yếu đuối”.
Misericordia kết bởi hai chữ Miser: bất hạnh, đáng thương và Cor: trái tim; có
nghĩa chung là “lòng thương xót”. Thánh Giuse không quản ngại đau khổ để phục vụ
Thánh Gia cũng như Thiên Chúa đầy lòng thương xót khi chúng ta yếu đuối, vấp phạm.
Bạn cũng hãy cảm thông, nâng đỡ, chấp nhận những trái ý do người khác tạo nên.
3. “Luôn
để Chúa hướng dẫn”.
Thánh Giuse hoàn toàn làm theo ý Chúa khi nhận ra ý Ngài. Bạn có cố gắng mở hồn
và xin Chúa soi sáng ý của Ngài và làm theo?
III. Quyết Tâm
Tháng 5: THÁNH GIUSE THỢ
Thứ Bảy 01/05/2021
“Giuse
thuộc tầng lớp thợ thuyền; ngài có kinh nghiệm về sự vất vả và khó nghèo, đối với
ngài cũng như với Thánh Gia, trong đó ngài là người đứng đầu biết tỉnh thức và
yêu mến… Nhờ sống tuyệt đối trung thành trong khi chu toàn bổn phận hằng ngày,
ngài đã để lại một gương mẫu cho tất cả những ai phải mưu sinh nhờ công việc
chân tay và xứng đáng được gọi là công chính, mẫu gương sống động của sự công
chính Kitô giáo đang ngự trị trong đời sống xã hội” (Đức Piô XI, cuối thông điệp
“Đấng Cứu Chuộc”).
I. Phần Dẫn Ý
1. Chọn nghề thợ mộc
Khi
những người trong làng Nagiarét gặp người con trai tên là Jeshouad ở các đường
phố, họ nói: “Đấy là con của bác thợ
mộc” (Mt 13, 55).
Say
này, khi cha của Người qua đi, người ta nói đơn giản là: “Đấy là bác thợ mộc” (Mc 6,3). Dĩ
nhiên, Chúa Giêsu là người duy nhất ở Nagiarét, vì người ta xác định bác thợ mộc
với mạo từ “le” (tiếng Pháp: le
charpentier). Ai cũng biết, nên thường chạy đến với Ngài để xin làm đồ mới
hoặc sửa đồ cũ.
“Tôi tớ không lớn hơn
chủ nhà” (Ga 13, 16). Chúa
Giêsu đã phải nghe trước khi nói, học việc trước khi hành và đến lượt làm ông
chủ. Thật vậy, sách Talmud tuyên bố: “Cha
mẹ phải nuôi con cái, dạy cho nó một nghề chân tay”; “Bất cứ ai trốn tránh việc
này, người đó đang dạy con mình trở thành kẻ trộm” (Tosefta Kid 1,11).
Khi
còn bé, Chúa Giêsu phải lẩn vào xưởng, ngồi trên đống mạt cưa, chăm chú quan
sát cha mình và đặt ra cho Ngài cả đống câu hỏi:
● Abbi (cách gọi của trẻ em Do
Thái), dụng cụ này gọi là gì?
● Đấy là cái búa, kia là cái cưa, cái đục,
cái thước đo góc, cái dây chì, cái rìu, cái dao cắt… đưa tay đây để cha dạy cho
cách dùng những thứ này ra sao.
2. “Giuse con” (Giêsu) hành nghề
“Cho đến nay, Cha tôi vẫn
làm việc, thì tôi cũng làm việc” (Ga
5, 17).
Đã đến lúc học nghề thực sự bắt đầu:
● “Chú ý quan sát cha làm như thế nào”.Thế
là Giuse cầm tay của người con niên thiếu. Phải thực hành nhiều lần, vì công việc
phức tạp lắm, có thể gây thương tích đấy. Phải làm cách mềm mại và cố gắng kiên
nhẫn. Maria vừa mỉm cười vừa bước đến, tay mang theo bình nước và một giỏ trái
cây:
● “cha con chắc khát nước lắm rồi? Trời
nóng quá! Hãy ăn nào và xem Chúa tốt lành đã cho chúng ta nước mát làm sao!
● Vâng, đúng đấy mẹ ạ, chính Chúa là Nguồn
nước đã làm dịu cơn khát Thiên Chúa hằng sống của chúng ta, một cơn khát triền
miên. Khi nào con sẽ nhìn Ngài mặt đối mặt đây?
● Giuse vừa nói vừa lau mồ hôi: “Cám ơn
Maria, em xem Giêsu một mình làm cái ghế đẹp không, lần đầu tiên đấy!”
3. Giá trị của lao động
Như
vậy, từ đó suy ra rằng: công việc tay chân vô cùng giá trị như là cộng tác với
công trình của Thiên Chúa để thế giới chưa hoàn thiện có thể được con người, là
con Thiên Chúa hoàn tất. Chúa Giêsu tuyên bố: “Người Con không thể tự mình làm bất cứ điều gì, ngoại trừ điều Người
thấy Chúa Cha làm; vì điều gì Chúa Cha làm, thì người Con cũng làm như vậy. Quả
thật, Chúa Cha yêu người Con và cho người Con thấy mọi điều mình làm, lại sẽ
còn cho người Con thấy những việc lớn lao hơn nữa khiến chính các ông cũng phải kinh ngạc” (Ga
5, 19, 20).
Tất
cả thần tính của Chúa Giêsu được tóm lại ở đây. Phải chăng Người đã học được
chính bài học cộng tác với Giuse trong xưởng mộc?
(Daniel
Foucher, Notre Père, Joseph Le
Charpentier –Giuse, Thợ mộc, Cha chúng ta, Tr. 255 – 260)
II. Phần Gợi Ý Suy Niệm
1. “Giuse thuộc tầng lớp thợ thuyền, Ngài có
kinh nghiệm về sự vất vả và khó nghèo, đối với Ngài cũng như Thánh Gia, trong
đó Ngài là người đứng đầu biết tỉnh thức và yêu mến” (Piô XI). Lao động là
điều kiện phải có cho cuộc sống vật chất. Tỉnh thức và yêu mến là điều kiện
phát triển tâm linh. Đời sống tâm linh của bạn phát triển thế nào? Có Chúa ở với
mình thật sự không?
2. “Thế là Giuse cầm tay người con niên thiếu.
Phải thực hành nhiều lần, vì công việc phức tạp lắm…” Chúa Giêsu học nghề
với Giuse. Rồi chính Ngài cũng bắt đầu “hành nghề”. Những điều ta học hỏi về tu
đức, chúng ta đã đưa vào cuộc sống bằng những hành động cụ thể; hay mới chỉ có
trong trí óc mà chưa thể hiện “nơi bàn tay” (sống)?
3. “Công việc tay chân vô cùng giá trị, được
coi như sự cộng tác với công trình của Thiên Chúa”. Ý nghĩa hơn: “Đừng bao giờ
nghĩ rằng tôi sung sướng nhờ sự làm việc. Không, điều làm cho tôi sung sướng
chính là được ở cạnh Thiên Chúa để làm những gì Người muốn” (J. Ploussard). Nghĩa tu đức là vậy.
Còn thực tế, đa số người lao động chỉ tìm miếng cơm manh áo. Hãy dành cho giới
công nhân một lời nguyện và nhớ đến bao người vất vả vì chúng ta.
III. Quyết Tâm
Tháng 5: MỘT NGƯỜI CHA VÂNG PHỤC
Thứ Tư 05/05/2021
Thánh
Giuse đã vâng phục thánh ý Chúa một cách chóng vánh, quyết liệt và dứt khoát đến
độ vô lý. Ngài chỉ cần một dấu hiệu cỏn con là đọc được thánh ý Chúa và thực hiện
ngay lập tức. Đó là lý do mà Ngài được gọi là “người công chính”.
I. Phần Dẫn Ý
1. Nhận Maria và sang Ai Cập
Thánh
Giuse vô cùng bối rối trước việc mang thai lạ lùng của Đức Maria. Ngài không muốn “công khai tố giác bà”, nên đã quyết định “lặng lẽ rời bỏ bà” (Mt 1,19).
Trong giấc mơ đầu tiên, một sứ thần giúp ngài
giải quyết tình huống khó xử nghiêm trọng: “Đừng ngại nhận Maria làm vợ, vì đứa trẻ được thụ thai trong lòng bà là
do Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh một con trai, và ông sẽ đặt tên là Giêsu, vì Người
sẽ cứu dân Người khỏi tội” (Mt 1,20-21). Thánh Giuse đáp lại
ngay: “Khi Giuse vừa thức giấc, ông
đã làm theo lời sứ thần Chúa truyền” (Mt 1,24). Thái độ vâng phục đã
giúp Thánh Giuse vượt qua khó khăn và cứu được Đức Maria.
Trong giấc mơ thứ hai, sứ thần bảo Thánh Giuse: “Hãy trỗi dậy, đem Hài nhi và mẹ Người trốn
sang Ai Cập, và cứ ở đó cho đến khi ta nói lại; vì Hêrôđê sắp lùng bắt Hài nhi
để giết đi” (Mt 2,13). Thánh Giuse đã không ngần ngại vâng lời, bất kể
khó khăn gian khổ: “Ngài trỗi dậy
trong đêm, đưa Hài nhi và mẹ Người đi Ai Cập, và ở đó cho đến khi Hêrôđê qua đời” (Mt
2,14-15).
2. Từ Ai Cập về Nagiarét và giữ
luật cắt bì
Ở
Ai Cập, Thánh Giuse kiên nhẫn chờ sứ thần báo tin có thể trở về nhà an toàn.
Trong giấc mơ thứ ba, sứ thần
cho ngài biết những kẻ tìm giết Hài nhi đã chết và truyền cho ngài trỗi dậy,
đem Hài nhi và mẹ Người trở về đất Israel (x. Mt 2,19-20). Một lần nữa, Thánh
Giuse lại mau mắn vâng lời. “Ông trỗi
dậy, đưa Hài nhi và mẹ trở về đất Israel” (Mt 2,21).
Trên
đường trở về, “khi Giuse nghe tin Arkelaô lên làm vua xứ Giuđê thay cho cha
mình là Hêrôđê, thì ông sợ không dám về đó. Được cảnh báo trong giấc mơ” – đây
là lần thứ tư – “ông lui về miền Galilê. Ở đó, ngài lập cư tại
một thành gọi là Nagiarét” (Mt 2,22-23).
Còn
thánh sử Luca cho chúng ta biết rằng Thánh Giuse đã trải qua cuộc hành trình
dài và vất vả từ Nazareth
đến Bêlem để ghi tên vào sổ bộ nơi nguyên quán của gia đình mình trong cuộc điều
tra dân số của Hoàng đế Cêsarê Augustô. Chúa Giêsu đã được sinh ra trong hoàn cảnh
đó (x. Lc 2,7) và được ghi vào sổ bộ của Đế quốc Rôma, giống như mọi đứa trẻ
khác. Thánh Luca đặc biệt quan tâm kể lại việc cha mẹ của Chúa Giêsu đã tuân giữ
tất cả các quy định của Luật: nghi thức cắt bì cho Chúa Giêsu, nghi thức thanh
tẩy cho Đức Maria sau khi sinh con, nghi thức dâng con đầu lòng cho Thiên Chúa
(x. 2,21-24).
3. Gương vâng phục của Chúa Giêsu
qua thánh Giuse
Trong
mọi hoàn cảnh, Thánh Giuse đều nói lời “fiat” của chính mình, cũng như khi Đức
Maria được sứ thần truyền tin và như Chúa Giêsu trong Vườn Cây Dầu. Trong vai
trò là chủ gia đình, Thánh Giuse đã dạy Chúa Giêsu vâng lời cha mẹ (x. Lc
2,51), theo lệnh truyền của Chúa (x. Xh 20,12).
Trong
những năm sống ẩn dật ở Nagiarét, Chúa Giêsu đã học ở trường học của Thánh
Giuse để làm theo ý của Chúa Cha. Ý của Chúa Cha là lương thực hằng ngày của
Người (x. Ga 4,34). Ngay cả khi gặp khó khăn nhất, trong Vườn Cây Dầu, Chúa
Giêsu cũng đã chọn làm theo ý muốn của Đức Chúa Cha hơn là ý muốn của mình, trở nên “vâng lời cho đến chết, thậm chí chết
trên thập tự giá” (Pl 2,8). Vì thế, tác giả Thư gửi người Do Thái kết
luận rằng Chúa Giêsu “đã học biết
vâng phục qua những gì Người phải chịu” (Pl 5,8).
(Trích Tông Thư Patris Corde, Bản dịch của HĐGM
– Việt Nam)
II. Phần Gợi Ý Suy Niệm
1. Bốn lần được báo mộng (Nhận Maria, sang
Ai cập, về Israel, định cư ở Nagiarét), thức dậy, Giuse “lập tức” làm theo lời
báo của Chúa qua tiếng thiên sứ. Chúng ta, từ nhỏ đến nay, biết bao lời dạy dỗ
chỉ bảo, thế mà “cứ vậy!” Tại sao không biến đổi? Vì không nghe theo! Hãy tự vấn
và quyết tâm để tiến thêm trong đàng nhân đức mỗi ngày.
2. “Cha
mẹ của Chúa Giêsu đã quyết định tất cả các quy định của Luật: cắt bì, thanh tẩy
sau khi sanh, dâng con trai đầu lòng cho Chúa” (x. Lc 2,21-24). Cuộc sống gia
đình, xã hội có những giao kèo, qui ước; các cộng đoàn dòng tu cũng vậy. Chúng
ta đã tuân thủ để được hạnh phúc, cộng đoàn đầy yêu thương hay chỉ “phá rào”
gây nên bao xáo trộn khó khăn cho cuộc sống chung.
3. “Chúa
Giêsu đã học ở trường học của Thánh Giuse để làm theo thánh ý Chúa Cha, nhất là
ở vườn cây dầu và trên cây thập giá” (x. Pl 2,8. 5,8). Chính trong sự tự hủy (Kénosis) của Chúa
Giêsu mà ơn cứu độ được thành hình. Noi gương thánh Giuse chúng ta phải tập hằng
ngày để dễ dàng đón nhận ý Chúa dù phải đau khổ.
III. Quyết Tâm
Tháng Sáu: MỘT NGƯỜI CHA CHẤP NHẬN
Thứ Tư 02/6/2021
Như
chúng ta đã biết: Thánh Giuse được “báo mộng”, “Thức dậy, Ngài làm ngay”. Đó là
đức vâng phục. Đi sâu vào đức vâng phục, chúng ta muốn nói đến sự “chấp nhận”. Có người làm vì “phải làm”, vừa làm vừa “hậm hực”. Còn Thánh Giuse: hoàn
toàn có thái độ khác trong sự vâng lời, đó là: Ngài vui lòng đón nhận trong tư
tưởng, dù khó hiểu; vì có Chúa ở với Ngài.
I. Phần Dẫn Ý
1. Chấp nhận ý Chúa, tôn trọng
nhân phẩm
Thánh
Giuse đã chấp nhận Đức Maria một cách vô điều kiện. Ngài tin vào lời sứ thần đã
nói. “Sự cao thượng của tâm hồn Thánh Giuse là ở chỗ những gì ngài học được từ
lề luật thì ngài đã sống theo tình bác ái. Ngày nay, trong thế giới của chúng
ta, nơi mà bạo lực tinh thần, ngôn từ và thân xác đối với phụ nữ đã quá rõ
ràng, thì Thánh Giuse trở thành hình ảnh của một người đàn ông biết tôn trọng
và tinh tế. Mặc dù không hiểu rõ mọi chuyện, nhưng ngài vẫn quyết định bảo vệ
danh thơm tiếng tốt, phẩm giá và cuộc sống của Mẹ Maria. Khi ngài còn do dự
không biết nên làm gì, Thiên Chúa đã soi sáng để giúp ngài quyết định.
2. Không chạy trốn nhưng còn biến
đổi khó khăn
Trong
cuộc sống, vẫn có những điều xảy ra mà chúng ta không hiểu được ý nghĩa. Phản ứng
đầu tiên của chúng ta thường là thất vọng và nổi loạn. Thánh Giuse đã gạt bỏ ý
riêng của mình để chấp nhận các sự kiện xảy đến và, dù các sự kiện ấy xem ra
gây hoang mang, ngài vẫn đón nhận, nhận trách nhiệm và biến chúng thành một phần
lịch sử của chính mình. Nếu chúng ta không hòa hợp với lịch sử của chính mình,
chúng ta sẽ không thể đi tiếp, vì chúng ta sẽ luôn là con tin cho những kỳ vọng
và những thất vọng theo sau.
Con
đường thiêng liêng mà Thánh Giuse vạch ra cho chúng ta không phải là con đường
giải thích, mà là con đường chấp nhận. Chỉ khi nào biết chấp nhận và giao hoà
như thế, chúng ta mới có thể bắt đầu nhìn thấy một lịch sử bao quát hơn, một ý
nghĩa sâu sắc hơn. Dường như chúng ta nghe vọng lại câu trả lời thật sâu sắc của
ông Gióp với người vợ, bà đã xúi giục ông phản kháng vì những điều ác mà ông phải
gánh chịu: “Chúng ta nhận được điều
tốt từ tay Thiên Chúa, sao chúng ta lại không nhận điều bất hạnh?” (G
2,10).
3. Chấp nhận trong hy vong và can
đảm vì có Chúa
Chắc
chắn Thánh Giuse không cam chịu một cách thụ động, nhưng chủ động một cách can
đảm và vững vàng. Trong cuộc sống của chúng ta, việc chấp nhận và đón nhận có
thể là một biểu hiện của ơn Sức Mạnh của Chúa Thánh Thần. Chỉ có Chúa mới có thể
ban cho chúng ta sức mạnh cần thiết để chấp nhận cuộc sống như nó vốn thế, với
tất cả những mâu thuẫn, nản lòng và thất vọng của nó.
Chúa
Giêsu đến ở giữa chúng ta, đó là một ơn của Chúa Cha, giúp mỗi người chúng ta
có thể hòa hợp với lịch sử cụ thể của đời mình, cả khi chúng ta không hiểu được
hoàn toàn.
Cũng
như Chúa đã nói với Thánh Giuse: “Hỡi
Con vua Đavít, đừng sợ!” (Mt 1,20), dường như Ngài cũng nói với chúng
ta: “Đừng sợ!” Chúng ta cần gạt bỏ mọi tức giận và thất vọng để đón nhận mọi thứ
như chúng vốn thế, cả khi chúng không diễn ra như chúng ta mong muốn. Không phải
là “đành chịu” mà đầy hy vọng và can đảm. Như thế, chúng ta sẽ mở ra với một ý
nghĩa sâu sắc hơn. Cuộc sống của chúng ta sẽ được tái sinh một cách kỳ diệu, nếu
chúng ta can đảm sống theo Phúc Âm. Sẽ chẳng có vấn đề gì nếu mọi thứ dường như
đã tồi tệ hoặc có điều gì không sửa chữa được nữa. Chúa có thể làm cho hoa mọc
lên từ đá. Ngay cả khi lòng chúng ta kết án chúng ta, “Thiên Chúa lớn hơn lòng chúng ta, và Ngài biết mọi sự” (1 Ga
3,20).
(Trích Tông Thư Patris Corde, Bản dịch của HĐGM
– Việt Nam)
II. Phần Gợi Ý Suy Niệm
1. “Thánh
Giuse chấp nhận Đức Maria một cách vô điều kiện… Trở thành người đàn ông biết
tôn trọng và tinh tế… quyết định bảo vệ danh thơm tiếng tốt… của Đức Maria”. Giá trị luân lý cao nhất của triết
gia Kant là sự kính trọng. Người đời thường “thượng đội hạ đạp”. Chính sự kính
trọng người khác giúp ta sống tốt, công bằng và bác ái. Hãy tôn trọng người
khác với những điểm tốt của họ, điều xấu hãy quên đi thì tương giao sẽ tốt đẹp.
2. “Ngài
vẫn đón nhận, nhận trách nhiệm và biến chúng thành một phần lịch sử của chính
mình”. Chỉ khi chấp nhận
cách can đảm, bình tĩnh những khác ý đến với mình, ta sẽ cảm thông và nảy sinh
những sáng kiến để thoát ra khỏi khó khăn. Đó chính là nguyên tắc “thách đố và cơ hội”. “Hãy thắp lên một đốm lửa chứ đừng ngồi nguyền rủa bóng tối”. Can đảm chấp nhận là tiền đề “lấy hoa thơm lấn dần cỏ dại”. Bạn hãy bắt
đầu đi!
3. “Việc
chấp nhận và đón nhận (khác cam chịu) có thể là một biểu hiện của sức mạnh Chúa
Thánh Thần. Chỉ có Chúa mới có thể ban cho chúng ta sức mạnh cần thiết để chấp
nhận cuộc sống…”
Đúng vậy: “Lực bất tòng tâm! Với Chúa không gì là không thể” (Lc
1,37). Có Chúa, chúng ta sẽ vững mạnh như Giuse, Đấng đã được nghe: “Hỡi con vua Đavit, đừng sợ” (Mt
1,20). Bạn đã thực sự nghĩ, nói, hành động như Thánh Giuse với ơn của Chúa
chưa?
III. Quyết Tâm
Tháng Bảy: MỘT NGƯỜI CHA CÓ LÒNG CAN ĐẢM ĐẦY SÁNG TẠO
Thứ Tư 07/07/2021
Vâng
lời đầy dịu dàng yêu thương để đón nhận ý Chúa, điều đó nói lên sự can đảm
trong phó thác của Thánh Giuse. Chính khi can đảm chấp nhận, Ngài phải xoay xở
để nhiệm vụ được chu toàn, nhất là bổn phận chăm sóc Hài Nhi và Mẹ Người.
I. Phần Dẫn Ý
1. Chúa “chọn – gửi” Giuse vì lòng
can đảm, óc sáng tạo
Khi
đọc các bài tường thuật thời thơ ấu của Chúa Giêsu, có lẽ chúng ta thường thắc
mắc tại sao Thiên Chúa không hành động một cách trực tiếp và rõ ràng hơn. Nhưng
Thiên Chúa lại hành động qua các biến cố và qua con người. Thánh Giuse là người
được Chúa chọn để hướng dẫn giai đoạn khởi đầu của lịch sử cứu chuộc. Ngài là
“dấu lạ” thực sự mà Chúa dùng để cứu hài nhi Giêsu và mẹ của Người. Thiên Chúa
đã hành động qua thái độ tin tưởng vào lòng can đảm đầy sáng tạo của Thánh
Giuse. Khi đến Bêlem và không tìm được chỗ cho Đức Maria sinh con, Thánh Giuse
đã chuẩn bị một cái chuồng bò và làm hết sức có thể để biến nó thành ngôi nhà
chào đón Con Thiên Chúa đến thế gian (x. Lc 2, 6-7). Trước nguy cơ sắp xảy ra
là Hêrôđê muốn giết Hài nhi Giêsu, một lần nữa trong giấc mơ, Thánh Giuse đã được
báo mộng để bảo vệ Hài nhi, và nửa đêm thức dậy chuẩn bị trốn sang Ai Cập (x.
Mt 2,13-14).
2. Hành xử cường quyền khác giải
pháp của Tin Mừng
Có
thể chúng ta thường có cảm tưởng rằng thế giới được phó mặc cho những kẻ mạnh
và kẻ có quyền, nhưng “tin mừng” của Phúc âm là ở chỗ cho thấy rằng: bất chấp
thói kiêu ngạo và bạo lực của các quyền lực thế gian, Chúa luôn tìm ra cách thực
hiện kế hoạch cứu độ của Ngài. Cuộc sống của chúng ta cũng vậy, đôi khi xem ra
bị phó mặc trong tay kẻ có quyền, nhưng Phúc Âm cho chúng ta thấy điều gì mới
là đáng giá. Thiên Chúa luôn tìm ra cách để cứu chúng ta, miễn là chúng ta thể
hiện lòng can đảm đầy sáng tạo như người thợ mộc thành Nagiarét, người có thể
biến vấn đề thành khả năng, bằng cách luôn tin tưởng vào sự quan phòng của
Thiên Chúa.
Nếu
có lúc dường như Chúa không giúp chúng ta, thì chắc chắn không có nghĩa là chúng
ta bị bỏ rơi, mà là chúng ta đang được Chúa tin tưởng để tự mình lên kế hoạch,
sáng tạo và tìm ra giải pháp.
Lòng
can đảm đầy sáng tạo đó đã được những người bạn của người bại liệt thể hiện, họ
đã dỡ mái nhà hạ anh xuống để đưa anh đến với Chúa Giêsu (x. Lc 5, 17-26).
Phúc
Âm kể lại rằng ngài trỗi dậy, ẵm lấy Hài nhi và cùng với Mẹ Người làm như Thiên
Chúa đã truyền (x. Mt 1,24; 2,14.21).
3. Yêu Hội Thánh – yêu người nghèo
Chúng
ta cần luôn xét xem, liệu chúng ta có đang bảo vệ Chúa Giêsu và Mẹ Maria hay không,
vì các Ngài cũng được trao phó cho trách nhiệm của chúng ta một cách mầu nhiệm,
để chăm sóc và giữ gìn. Con của Đấng Toàn Năng đã đến trần gian của chúng ta
trong tình trạng thật yếu đuối mỏng manh. Ngài cần được Thánh Giuse che chở, bảo
vệ, chăm sóc và nuôi nấng. Thiên Chúa đã tin cậy Thánh Giuse, cả Đức Maria cũng
thế, Mẹ là người đã thấy nơi Thánh Giuse một người không chỉ cứu mạng mình mà
còn luôn chăm lo cho mình và con của mình nữa. Theo nghĩa này, Thánh Giuse
không khác gì Đấng Bảo vệ Hội Thánh, vì Hội Thánh là sự tiếp nối Nhiệm Thể Chúa
Kitô trong lịch sử, cũng như tư cách làm mẹ của Đức Maria được phản ánh trong
tư cách Mẹ của Hội Thánh. Khi tiếp tục bảo vệ Hội Thánh, Thánh Giuse tiếp tục bảo
vệ Hài nhi và mẹ Người; và cả chúng ta nữa, khi yêu mến Hội Thánh, là chúng ta
tiếp tục yêu Hài nhi Giêsu và mẹ Người.
Bởi
thế, Thánh Giuse được kêu cầu như Đấng che chở cho người bất hạnh, người túng
thiếu, lưu đày, đau khổ, nghèo đói và hấp hối. Và Hội Thánh không thể không bày
tỏ tình yêu thương đặc biệt đối với những người anh chị em hèn mọn nhất của
chúng ta, vì Chúa Giêsu đã bày tỏ mối quan tâm đặc biệt đến họ và đồng hoá với
họ. Từ nơi Thánh Giuse, chúng ta cũng phải học cách chăm sóc và trách nhiệm ấy.
Chúng ta phải học cách yêu thương Hài nhi và mẹ Người, yêu mến các bí tích và đức
bác ái, yêu mến Hội Thánh và người nghèo. Mỗi thực tại ấy luôn là Hài nhi và mẹ
Người.
(Trích Tông Thư Patris Corde, Bản dịch của HĐGM
– Việt Nam)
II. Phần Gợi Ý Suy Niệm
1. “Khi
đến Bêlem và không tìm được chỗ cho Đức Maria sinh con, Thánh Giuse đã chuẩn bị
một cái chuồng bò”.
Giuse can đảm chấp nhận lời mộng báo và cương quyết thực hiện. “Gặp thời thế, thế thời phải thế”, “cái khó
ló cái khôn”, trong tình huống khó khăn, thánh Giuse cũng phải tìm ra
(óc sáng tạo) giải pháp tối ưu nhất: chuẩn bị chuồng bò! Đời sống thiêng liêng
cũng cần nhiều sáng kiến.
2. “Cuộc
sống của chúng ta cũng vậy, đôi khi xem bị phó mặc trong tay kẻ có quyền, nhưng
Phúc Âm cho ta thấy điều gì mới là đáng giá”. Trong cuộc sống, chúng ta dễ sử dụng lý, quyền mà
quên đi tình thương. Trước mọi tình huống, nên đọc thầm cầu : “Lạy Chúa, nếu Chúa là con trong lúc này,
Chúa nghĩ gì, nói gì, làm gì?” Chúa sẽ soi sáng cho chúng ta có những “phản ứng của Phúc Âm”. Hãy bắt đầu!
3. “Khi
yêu mến Hội Thánh là chúng ta tiếp tục yêu Hài Nhi Giêsu và mẹ Người… Thánh
Giuse được coi như Đấng che chở cho người bất hạnh, người túng thiếu, lưu đày,
đau khổ, nghèo đói và hấp hối”.
“Sanh – lão – bệnh – tử” là thân phận kiếp người. Như Thánh Giuse, chúng ta phải
yêu Hội Thánh vì “Hội Thánh là sự tiếp
nối nhiệm thể Chúa Kitô trong lịch sử”, yêu nhân loại và nhất là những người
nghèo khổ. Người nghèo khổ phải là đối tượng yêu thương của chúng ta. Chúa chịu
đóng đinh hiện diện nơi họ. Bạn nghĩ thế nào và nhất là đã sống thế nào về đối
tượng này.
III. Quyết Tâm
Tháng Tám: MỘT NGƯỜI CHA LÀM VIỆC
Thứ Tư 04/08/2021
“Tôi
nhìn thấy Giuse trong cửa hàng của ngài vào một buổi sáng trời nắng, tôi nghe
thấy tiếng cưa và những miếng gỗ kêu, tôi nghe thấy một đứa trẻ đi tìm cha và gọi:
‘Giuse! Giuse…’. Cửa hàng là nơi trẻ ưa thích; cũng vậy, thợ mộc thì luôn thích
cửa hàng… Giuse là quan thầy của đời sống ẩn dật, … quan thầy của những người độc
thân và những người cha gia đình, quan thầy của những giáo dân và những người
chiêm niệm!” (Paul Claudel, “Thư gửi
cho Sylvain Pitt”, 24.3.1991).
I. Phẫn Dẫn Ý
1. Chọn nghề mộc để nuôi gia đình
Một
khía cạnh của Thánh Giuse đã được nhấn mạnh từ khi ĐTC Lêô XIII ban hành Thông
điệp xã hội đầu tiên, Rerum Novarum, là mối quan hệ của ngài với công việc.
Thánh Giuse là một người thợ mộc làm việc lương thiện để nuôi sống gia đình.
Nơi Thánh Giuse, Chúa Giêsu đã học được giá trị, phẩm giá và niềm vui của việc
ăn miếng bánh là thành quả lao động của chính mình.
Trong
thời đại của chúng ta, khi việc làm một lần nữa trở thành một vấn đề xã hội cấp
bách, và tình trạng thất nghiệp đôi khi lên đến mức kỷ lục ngay cả ở các quốc
gia đã được hưởng một mức độ thịnh vượng nhất định trong nhiều thập kỷ, thì cần
ý thức lại để biết quý trọng việc làm đem lại phẩm giá mà Thánh Giuse là vị bổn
mạng mẫu mực.
2. Lao động tham gia công trình
cứu độ qua thăng tiến bản thân và xã hội
Việc
làm là một phương tiện để tham dự vào công trình cứu chuộc, một cơ hội để làm
cho Nước Trời mau đến, để phát triển tài năng và khả năng của chúng ta, và để
phục vụ xã hội và tình hiệp thông huynh đệ. Nó trở thành cơ hội để hoàn thiện
không chỉ bản thân mình, mà cả tế bào căn bản của xã hội là gia đình. Một gia
đình không có việc làm đặc biệt dễ gặp khó khăn, căng thẳng, rạn nứt và thậm
chí tan vỡ. Làm sao chúng ta có thể nói về phẩm giá con người mà lại không hành
động để bảo đảm cho ai cũng có thể kiếm được một cuộc sống tử tế?
3. Phó thác và kêu cầu Thánh Giuse về vấn
đề lao động
Những
người đang làm việc, dù làm việc gì, đều đang hợp tác với chính Thiên Chúa, và
theo một cách nào đó trở thành những người sáng tạo thế giới xung quanh chúng
ta. Cuộc khủng hoảng của thời đại chúng ta – về kinh tế, xã hội, văn hóa và
tinh thần – có thể là lời kêu gọi tất cả chúng ta khám phá lại giá trị, tầm
quan trọng và sự cần thiết của việc làm để mang lại một sự “bình thường mới” mà không ai bị loại
ra. Việc làm của Thánh Giuse nhắc nhở chúng ta rằng: chính Thiên Chúa, khi làm
người, đã không khinh thường công việc. Tình trạng mất việc làm vốn ảnh hưởng đến
rất nhiều anh chị em của chúng ta và đã gia tăng do hậu quả của đại dịch
Covid-19, cần được coi như một lời kêu gọi xét lại các ưu tiên của chúng ta.
Chúng ta hãy cầu xin Thánh Giuse Thợ giúp chúng ta tìm ra những cách thể hiện niềm
tin vững vàng rằng: không một người trẻ nào, không một người nào, không một gia
đình nào không có việc làm!
(Trích Tông Thư Patris Corde, Bản dịch của HĐGM
– Việt Nam)
II. Phần Gợi Ý Suy Niệm
1. “Thánh
Giuse là một người thợ mộc làm việc lương thiện để nuôi sống gia đình”. “Cơm áo gạo tiền” rất cần thiết cho cuộc
sống. “Nếu quá sang giàu con sẽ bỏ
quên Chúa, mà nếu quá đói nghèo… làm ô danh Chúa Trời” (x. Cn 30, 8-9)
Hãy suy xét và đóng góp phần mình trong việc chi tiêu bản thân và tập thể; có
nhiều khi phí phạm và vô trách nhiệm.
2. “Việc
làm là phương tiện để tham dự vào công trình (tạo dựng và) cứu chuộc… cơ hội để
hoàn thành không chỉ bản thân mình, mà cả tế bào căn bản của xã hội là gia
đình”. “Con người nhìn thấy mình qua lao động” (K.
Marx – Những tác phẩm do trí khôn trước tác: “phả hồn” vào đá, vào khối gỗ).
Hãy tập lao động để làm đẹp vũ trụ nhờ thiên nhiên; lao động để thăng hoa lý
trí, ý chí, tránh “nhàn cư vi bất
thiện”. Bạn hãy làm đi.
3. “Chúng
ta hãy cầu xin Thánh Giuse giúp… không một người trẻ nào, … không một gia đình
nào không có việc làm”. “Chủ
– nô”, trong cơ chế đó, nhiều khi nhân phẩm không được tôn trọng. Hiện tượng
Robot, kỹ thuật số… có thể tạo cho nhiều người thất nghiệp. Cả chủ lẫn thợ, phải
cùng làm việc vì lợi ích chung và nâng cao nhân phẩm. Ta đã hành xử thế nào với
những người giúp việc kém văn hóa, phải làm việc chỉ vì nghèo mà bị lệ thuộc?
III. Quyết Tâm
Tháng Chín: MỘT NGƯỜI CHA TRONG BÓNG TỐI
(Người cha ẩn mặt)
Thứ tư 01.09.2021
Thánh
Giuse là người cha thay mặt cho Chúa Cha đối với Chúa Giêsu: Người cha đích thực
là: bảo đảm cho người con, nâng đỡ để con phát huy; không vì mình mà chỉ nhằm
làm bệ đỡ để người con phát triển; khác với khuynh hướng “chiếm hữu” độc đoán.
I. Phần Dẫn Ý
1. Thánh Giuse là “hình bóng của
Chúa Cha” trên cuộc đời Chúa Giêsu”
Nhà
văn Ba Lan Jan Dobraczyński, trong tác phẩm “Hình bóng của Chúa Cha”, đã kể câu
chuyện về cuộc đời của Thánh Giuse theo hình thức tiểu thuyết. Ông dùng hình ảnh
gợi liên tưởng của một cái bóng để nói về Thánh Giuse. Trong mối tương quan với
Chúa Giêsu, Thánh Giuse là hình bóng trần gian của Cha trên trời: Ngài trông
nom và bảo vệ Chúa Giêsu, không bao giờ để Chúa Giêsu đi một mình. Chúng ta có
thể nghĩ đến những lời của Môsê nói với Israel: “Trong sa mạc … ngươi đã thấy Đức Chúa là Thiên Chúa ngươi bồng bế
ngươi như người ta bồng bế con mình, trên mọi nẻo đường các ngươi đi” (Đnl
1,31). Tương tự như vậy, Thánh Giuse đã đóng vai trò một người cha trong suốt
cuộc đời của Ngài.
Chúng
ta không sinh ra là cha, nhưng trở thành người cha. Một người không trở thành
cha đơn giản chỉ vì sinh ra một đứa con, nhưng vì đảm nhận trách nhiệm chăm sóc
đứa con ấy. Bất cứ khi nào một người nhận trách nhiệm về cuộc sống của một người
khác, thì một cách nào đó, họ trở thành cha của người ấy.
2. Phẩm trật trong Hội Thánh nên xử
với nhau bằng “tâm tình người cha”: Nâng đỡ, không chiếm hữu
Trẻ
em ngày nay dường như mồ côi cha. Hội Thánh cũng cần có những người cha. Lời
Thánh Phaolô nói với các tín hữu Côrintô vẫn còn hợp thời: “Dù anh em có vô số người hướng dẫn trong Đức
Kitô, nhưng anh em không có nhiều người cha đâu!” (1 Cr 4,15). Mỗi
linh mục hay giám mục đều có thể nói thêm, cùng với vị Tông đồ rằng: “Tôi đã trở thành cha của anh em trong Chúa
Giêsu Kitô nhờ Phúc âm” (1 Cr 4,15). Thánh Phaolô cũng nói tương tự
như vậy với các tín hữu Galata: “Hỡi
các con bé nhỏ của tôi, mà tôi phải quặn đau sinh ra một lần nữa cho đến khi Đức
Kitô được thành hình nơi anh em!” (4,19).
Làm
cha có nghĩa là đưa con cái đến với cuộc sống và với thực tế. Không giữ chúng lại,
không bảo bọc chúng quá đáng hay sở hữu chúng; mà là giúp cho chúng có khả năng
tự quyết định, tận hưởng tự do và khám phá những khả năng mới. Có lẽ vì thế mà
ngoài danh hiệu cha, truyền thống còn gọi Thánh Giuse là Đấng “cực thanh cực tịnh”. Tước hiệu đó không
đơn thuần là một dấu chỉ của lòng yêu mến, mà còn là tóm lược một thái độ đối lập
với tính chiếm hữu. Thanh khiết là sự tự do thoát khỏi thái độ chiếm hữu trong
mọi lĩnh vực đời sống của mình. Chỉ khi nào tình yêu thanh khiết, đó mới là
tình yêu thực sự. Một tình yêu chiếm hữu cuối cùng sẽ trở nên nguy hiểm: nó
giam hãm, bóp nghẹt và gây đau khổ. Chính Thiên Chúa đã yêu nhân loại bằng một
tình yêu thanh khiết; Ngài để chúng ta được tự do, thậm chí phạm tội và chống lại
Ngài. Luận lý của tình yêu luôn là luận lý của tự do, và Thánh Giuse biết cách
yêu thương với thái độ tự do phi thường. Ngài không bao giờ biến mình thành
trung tâm của mọi sự. Ngài không nghĩ về mình, mà luôn nghĩ về cuộc đời của Mẹ
Maria và Chúa Giêsu.
3. Nhân loại cũng cần ứng xử với
nhau bằng “tâm tình người cha”
Thánh
Giuse tìm được hạnh phúc không phải ở sự hy sinh bản thân mà là ở sự tự hiến.
Nơi ngài, chúng ta không bao giờ thấy nỗi thất vọng, mà chỉ thấy niềm tin tưởng.
Sự thinh lặng kiên nhẫn của ngài dẫn tới những thể hiện cụ thể của lòng tin tưởng.
Thế giới của chúng ta ngày nay cần những người cha. Nó không chấp nhận những bạo
chúa, những kẻ hà hiếp người khác như một phương tiện để bù đắp cho nhu cầu của
chính họ. Nó từ chối những người nhầm lẫn quyền hành với độc đoán, phục vụ với
tùng phục, thảo luận với áp bức, bác ái với trợ giúp, sức mạnh với hủy diệt. Mọi
ơn gọi đích thực đều được sinh ra từ việc tự hiến, là hoa trái của sự hy sinh
chín chắn. Chức linh mục và đời sống thánh hiến cũng đòi hỏi phải có sự chín chắn
như vậy. Dù ơn gọi của chúng ta là gì, kết hôn, độc thân hay sống trinh khiết,
việc cho đi chính mình sẽ không thành toàn nếu nó chỉ dừng lại ở sự hy sinh; nếu
thế, thay vì trở thành một dấu chỉ của vẻ đẹp và niềm vui của tình yêu, việc
cho đi chính mình sẽ có nguy cơ trở thành biểu hiện của bất hạnh, buồn bã và thất
vọng.
Mỗi
khi thi hành thiên chức làm cha, chúng ta phải luôn nhớ rằng thiên chức ấy
không liên quan gì đến sự chiếm hữu, mà là một “dấu chỉ” hướng đến một tình phụ tử lớn hơn. Một cách nào đó,
tất cả chúng ta đều giống như Thánh Giuse: là cái bóng của Cha trên trời, Đấng “làm cho mặt trời mọc lên trên kẻ dữ cũng
như người lành, và làm mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất lương” (Mt
5,45). Và là cái bóng bước theo Con của Ngài.
(Trích Tông Thư Patris Corde, Bản dịch của HĐGM
– Việt Nam)
II. Gợi Ý Suy Niệm
1. “Trong
mối tương quan với Chúa Giêsu, Thánh Giuse là hình bóng trần gian của Cha trên
trời”. Trong yêu thương,
Thiên Chúa đã tạo dựng vũ hoàn và tiếp tục chăm sóc (x. Kn 11:24-26). Vì vâng lời
và góp phần vào chương trình cứu độ, Thánh Giuse đã hoàn thành xuất sắc vai trò
người “Cha” với Chúa Giêsu: tất cả vì Hài Nhi và cho Hài Nhi. Hãy xác định vị
trí của mình trong gia đình, trong tập thể và sống với nhau bằng sự quan tâm tế
nhị, xây dựng.
2. “Tôi
đã trở thành Cha của anh em trong Chúa Giêsu Kitô nhờ Phúc Âm” (1Cr 4,15). Giám mục, linh mục, bề trên,
lớp trưởng, trưởng cộng đoàn… hãy ứng xử với những người liên quan bằng tâm
tình người cha (thực sự quan tâm đến cấp dưới); và ngược lại, là bề dưới chúng
ta cũng ứng xử sự quan tâm, trưởng thành, xây dựng … nghĩa là vì Chúa, vì ích
chung chứ không vì mình.
3. “Thế
giới và chúng ta ngày nay cần những người cha”. “Người Cha phủ bóng” ở đây là sự
quan tâm, cố gắng hết tâm hết sức đối với những người liên hệ với chúng ta. Đặc
biệt cần cho những người chủ trong gia đình biết thực sự hy sinh và tự hiến cho
vợ cho con; cho những người mà chúng ta có trách nhiệm hoặc cùng chung sống.
III. Quyết Tâm
Tháng Mười: HUẤN QUYỀN CỔ VŨ LÒNG MẾN THÁNH GIUSE
(Thứ tư 06.10.2021)
Các
Thánh Giáo Phụ, các Đức Giáo Hoàng đã nhiều lần viện dẫn các chứng minh tại sao
các Kitô hữu phải sùng kính Thánh Giuse, vì đời sống Thánh nhân không thể tách
rời khỏi Chúa Giêsu và Mẹ Maria. Ngài là một trong ba vị của gia đình Thánh
Gia, Ngài cũng là gia trưởng cả Thánh Gia Thất.
I. Phần Dẫn Ý
Những
văn kiện của Huấn quyền cận đại về Thánh Giuse
1. Thế kỷ 19
Đức
Piô IX (1846-1878)
● Sắc lệnh của bộ Nghi lễ Inclytus
Patriarcha Joseph (10/9/1847), mở rộng ra toàn thể Giáo hội lễ kính Thánh Giuse
bảo trợ, được cử hành vào thứ Tư tuần thứ ba sau lễ Phục sinh.
● Sắc lệnh Quemadmodum Deus (8/12/1870)
tuyên bố thánh Giuse bảo trợ Hội thánh, đáp lại lời thỉnh cầu của công đồng
Vatican I
2. Thế kỷ 20
Đức
Lêô XIII (1878-1903)
● Quan trọng nhất là Thông điệp Quamquam
pluries (15/8/1889). Trình bày những lý do vì sao Giáo hội nhận Thánh Giuse làm
bảo trợ. Lý do thứ nhất bởi vì thánh nhân được chia sẻ vào những ân huệ và phẩm
giá của Đức Maria, nhờ mối dây hôn nhân. Lý do thứ hai là bởi vì mối tương quan
hiền phụ với Chúa Giêsu. Lý do thứ ba là những đức tính của Thánh Giuse trong
việc chu toàn trách nhiệm với Đức Mẹ và Chúa Giêsu. Tất cả mọi tầng lớp xã hội
đều có thể chạy đến với Thánh Giuse.
● Tông thư Neminem fugit (14/6/1892) thiết
lập hiệp hội các gia đình được dâng hiến cho Thánh Gia.
Đức
Piô X (1901-1914)
● Lòng tôn kính Thánh Giuse của vị Giáo
hoàng này phần nào bắt nguồn từ tên riêng của mình (Giuseppe Sarto). Ngài phê
chuẩn kinh cầu Thánh Giuse (18/3/1909).
Đức
Bênêđictô XV (1914-1922)
● Phê chuẩn kinh Tiền tụng Thánh Giuse
trong Sách Lễ Rôma (9/4/1919)
● Tự sắc Bonum sane (25/7/1920), nhân dịp kỷ
niệm 50 năm Thánh Giuse được tôn phong Bảo trợ Hội Thánh. Nhắc lại tầm quan trọng
của việc cầu khẩn Thánh Giuse để đáp lại những nhu cầu của thế giới sau thế chiến
thứ nhất. Ngoài mẫu gương nhân đức cho giới lao động, Thánh Giuse còn được giới
thiệu như là bảo trợ những người sắp qua đời.
Đức
Piô XI (1922-1939)
● Huấn dụ ngày 19/3/1935, nêu bật mối liên
hệ của Thánh Giuse với sự hiệp nhất ngôi vị (unio hyposthatica) của Ngôi Lời nhập
thể.
● Thông điệp Ad sacerdotii catholici
(20/12/1935) nói đến Chúa Giêsu đã được đào tạo ở Nagiarét bởi Đức Maria và
Thánh Giuse, cả hai người đều trinh khiết.
● Thông điệp Divini Redemptoris (19/3/1937)
trình bày Thánh Giuse như khuôn mẫu cho giới lao động.
Đức
Piô XII (1939-1958)
● Thiết lập lễ Thánh Giuse lao động, và phê
chuẩn những bản văn phụng vụ dùng vào dịp lễ (ngày 1/5/1955). Lễ này thay thế lễ
Thánh Giuse bảo trợ Hội Thánh.
Đức
Gioan XXIII (1958-1963)
● Hơn một lần, ngài đã nhắc nhớ rằng: Giuse
là tên thứ hai của mình (Angelo Giuseppe Roncalli).
● Tông thư Le voci triệu tập Công đồng
Vatican II (19/3/1961) đặt Công đồng dưới sự bảo trợ của Thánh Giuse. Nhắc lại
giáo huấn của các vị tiền nhiệm về vai trò của Thánh Giuse đối với Giáo hội.
● Sắc lệnh Bộ Nghi lễ (13/11/1962), ghi tên
Thánh Giuse vào Lễ quy Rôma.
Đức
Phaolô VI (1963-1978)
● Nhiều lần nói đến Thánh Giuse trong các
bài giảng hay huấn từ nhân lễ kính thánh nhân ngày 19/3 và 1/5. Nổi tiếng là
bài suy niệm tại Nagiarét (5/1/1964) nhân dịp hành hương kính viếng Thánh địa
(được trích dẫn trong bài đọc Giờ Kinh Sách lễ Thánh gia).
3. Thế kỷ 21
Đức
Gioan Phaolô II (1978-2005)
● Nhiều lần đề cập đến Thánh Giuse trong
các bài giảng nhân dịp lễ vào ngày 19 tháng 3, nêu bật vai trò của ngài trong
chương trình cứu độ của Thiên Chúa (1982) và trong Hội Thánh (năm 1993 và 2001;
26/3/2003), cũng như những nhân đức nổi vượt, tựa như tín thác (1980), tin và cầu
nguyện (1983). Thánh nhân cũng trở nên mẫu gương cho đời sống gia đình (năm
1981, 1987, 1993, 1999).
● Thánh Giuse được nhắc đến trong nhiều văn
kiện: thông điệp Redemptor hominis (4/3/1979) số 9; thông điệp Laborem exercens
(14/9/1981) số 26; tông huấn Familiaris consortio (22/11/1981) số 86; thông điệp
Dominum et vivificantem (18/5/1986) số 18 và 49; thông điệp Redemptoris mater
(25/3/1987) khi ôn lại các biến cố thời thơ ấu của Chúa Giêsu; tông huấn
Christifideles laici (30/12/1988); tông huấn Vita consecrata (25/3/1996) số 28.
● Văn kiện quan trọng nhất là tông huấn
Redemptoris Custos sẽ được trình bày dưới đây.
Đức
Bênêđictô XVI (2005-2013)
● Tên riêng là Joseph Ratzinger. Ngài đã
dành một suy niệm ngắn về Thánh Giuse trong huấn từ chúa nhật thứ IV mùa Vọng
năm 2005 (19/12) về sự thinh lặng, và nhân ngày lễ kính thánh nhân 19/3/2006.
Đức
Phanxicô
● (Với biểu tượng cây cam tùng tượng trưng
Thánh Giuse khắc trên huy hiệu). Khai mạc chức vụ giám mục Rôma vào lễ Thánh
Giuse với bài giảng nhấn mạnh đến vai trò chăm sóc (Chúa Giêsu, Mẹ Maria, mọi
người đặc biệt là người nghèo, vũ trụ). Tông thư Patris corde (ngày 8/12/2020)
kỷ niệm 150 năm thánh Giuse được tôn phong làm bổn mạng toàn thể Hội Thánh.
(http://daminhvn.net/,
Phan Tấn Thành, Những Văn Kiện Của
Huấn Quyền Cận Đại Về Thánh Giuse)
II. Phần Gợi Ý Suy Niệm
1. Tổ phụ Giuse trong Cựu Ước là hình ảnh của
Thánh Giuse được đặt lên làm quản trị tài sản hoàng gia và phân phát lương thực.
Thiên Chúa cũng trao cho Thánh Giuse việc chăm sóc những nhu cầu của Hội Thánh.
Chúa đã chúc phúc cho Hội Thánh do Con của Ngài sáng lập. Thánh Giuse đã bảo trợ
Thánh gia. Về mặt thiêng liêng, Giáo Hội cũng là Thánh gia mới vẫn được Thánh
Giuse bảo trợ với danh hiệu Quan Thầy Hội thánh. Bạn có cảm nghiệm gì trước sự
cầu bầu che chở của Ngài, hay mới chỉ có hình thức mà chẳng có tâm tình gì?
2. ĐTC Gioan XXIII đặt công đồng Vaticanô II
dưới sự bảo trợ của Thánh Giuse. Nhắc lại Giáo Huấn của các vị tiền nhiệm về
vai trò của Thánh Giuse đối với Hôi Thánh. Ngài Gioan XXIII không chỉ tin,
nhưng Ngài còn yêu mến và trông cậy nơi Thánh Giuse. Chúng ta không chỉ nghe theo các huấn
thị; nhưng phải sống với Thánh Giuse bằng tâm tình sống động và dâng tất cả những
người ta có bổn phận chăm sóc lên cho Chúa.
3. ĐTC Gioan XXIII nhiều lần đề cập đến
Thánh Giuse. Nêu bật vai trò của Ngài trong chương trình cứu độ và trong Hội
Thánh, cũng như những nhân đức nỗi vượt như tín thác, tin và cầu nguyện… gương
mẫu cho đời sống gia đình. Thật đáng là khuôn mẫu toàn diện cho đời sống đức
tin của chúng ta. Hãy chiêm ngắm và cầu xin Thánh cả để chúng ta thuộc trọn về
Chúa.
III. Quyết Tâm
Tháng Mười Một: THÊM TÊN THÁNH GIUSE VÀO KINH NGUYỆN THÁNH THỂ
(Thứ Tư 3/11/2021)
Với
lòng sùng kính Thánh Giuse, vị Thánh âm thầm, việc quyết định thêm tên Thánh Giuse vào các kinh
nguyện Thánh Thể và ban Tông Thư Patris Corde nhằm kêu gọi tín hữu chạy đến với
Thánh Cả Giuse.
I. Phần Dẫn Ý
1. Công Đông Vatican II
Ngày
19/3/1961, Đức Gioan XXIII trong thư triệu tập CĐ Vatican II đã long trọng
tuyên bố: Thánh Cả Giuse là quan thầy của Công Đồng Vatican II. Ngài cũng truyền buộc phải nêu tên Thánh Cả Giuse vào
Kinh Nguyện Thánh Thể (KNTT I ngày nay) vẫn là kinh nguyện Thánh Thể “duy nhất”
được sử dụng trong Hội Thánh Roma cả hơn một ngàn năm.
2. Sắc lệnh của Bộ Phụng Tự
1/5/2013
Trong
sắc lệnh ký ngày 1 tháng 5 năm 2013, Ðức Hồng Y Antonio Canizares Lloreva Tổng
trưởng, và Ðức Tổng Giám Mục Arthur Roche, Tổng thư ký, thông báo: Ðức Thánh
Cha Phanxicô đã củng cố quyết định đã được Ðức Giáo Hoàng Biển Ðức XVI đề ra
trước đó về việc ghi thêm tên Thánh Giuse một cách trường kỳ trong các Kinh
nguyện Thánh Thể dùng trong hầu hết các thánh lễ bằng tiếng latinh. Sắc lệnh
cho biết Ðức Giáo Hoàng Biển Ðức XVI đã nhận được những lời thỉnh cầu của nhiều
tín hữu Công Giáo ở các nơi trên thế giới và đã phê chuẩn việc ghi thêm sau tên
của Ðức Maria câu “cùng với Thánh Giuse, bạn Ðức Trinh Nữ”.
Sắc
lệnh cũng nhắc lại rằng “Trong Giáo Hội Công Giáo, các tín hữu vẫn luôn biểu lộ
một cách liên tục lòng sùng mộ nhiệt thành đối với Thánh Giuse, tôn kính một
cách trọng thể và liên tục việc tưởng niệm Hôn Phu rất thanh khiết của Mẹ Thiên
Chúa và thánh nhân là Bổn Mạng của toàn thể Giáo Hội, đến độ trong Công đồng
chung Vatican II, Ðức Chân phước Giáo Hoàng Gioan XXIII đã quyết định ghi thêm
tên Thánh Nhân trong Lễ Quy Roma rất cổ kính”.
3. HĐGMVN Ủy ban Phụng tự ngày
09.10.2013
Ngày
01.05.2013, Thánh Bộ Phụng Tự và Kỷ luật các Bí tích đã ban hành Sắc lệnh số
Prot. N. 215/11/L, với quyết định thêm tên Thánh Giuse vào các Kinh Nguyện
Thánh Thể hiện nay trong Sách Lễ Rôma. Nhân dịp Đại hội lần thứ XII của Hội đồng
Giám mục Việt Nam, Hội đồng Giám mục Việt Nam và Uỷ Ban Phụng Tự trực thuộc
HĐGMVN đã ra thông báo quyết định từ nay phải đọc tên Thánh Giuse trong các
Kinh nguyện Thánh Thể I, II, III và IV.
Trong
Kinh Nguyện Thánh Thể II: “Cùng với
Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa, Thánh
Giuse, Bạn trăm năm Đức Trinh Nữ, các thánh Tông đồ …” trong
Kinh Nguyện Thánh Thể III: “nhất là
với Đức Trinh Nữ Maria rất thánh, Mẹ Thiên Chúa, thánh Giuse, Bạn trăm năm Đức Trinh Nữ, các thánh Tông đồ …”;
trong Kinh Nguyện Thánh Thể IV: “cùng
với Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa, Thánh
Giuse, Bạn trăm năm Đức Trinh Nữ, các thánh Tông đồ…”
II. Phần Gợi Ý Suy Niệm
1. “Thánh
Giuse là quan thầy của Công Đồng Vatican II”. Với lòng tôn kính và phó thác, Thánh
Giáo hoàng Gioan XXIII hoàn toàn tin tưởng vào Công Đồng này như “một luồng sinh khí mới” mà Chúa
Thánh Thần trao ban cho Hội Thánh. Bạn cũng hãy tập để hoàn toàn tin vào sự cầu
bầu của Thánh Cả, vì Chúa đã ban cho Ngài năng quyền cầu bầu.
2. Sắc Lệnh nhắc đến vai trò của Thánh Giuse
trong lịch sử cứu độ và mô tả thánh nhân là “mẫu gương về lòng khiêm tốn quảng đại mà Kitô giáo đề cao đến độ cao cả,
và một chứng nhân về những nhân đức thông thường, nhân bản và đơn sơ, cần thiết
để con người trở nên môn đệ nhân đức và chân chính của Chúa Kitô” (Trong
phần đầu). Với những nhân đức thông thường hợp tính người, thánh Giuse đã trở
nên Thánh Cả. Hãy cầu xin ngài ban cho chúng ta bắt chước ngài sống và “làm những việc tầm thường với một tinh thần
phi thường” (Têrêsa Calcutta). Như vậy, ta cũng nên thánh, dù chẳng phải
làm phép lạ nào!
3. “Từ
nay phải đọc tên Thánh Giuse trong các Kinh Nguyện Thánh Thể”. Không chỉ “phải đọc” mà còn phải sống
theo gương sống của Thánh Cả về các nhân đức. Bạn có quyết tâm nào sống theo
Ngài ngày hôm nay, hằng tuần, hằng tháng?
III. Quyết Tâm
Tháng Mười Hai: THÁNH GIUSE VÀ GIÁO HỘI VIỆT NAM
(Thứ Tư 01/12/2021)
Qua
bài này, chúng ta sẽ có cái nhìn tổng quát tại sao Giáo Hội Việt Nam chọn Thánh
Giuse là bổn mạng. Xin Thánh Cả luôn cầu bầu cho Giáo Hội Việt Nam ngày càng
phát triển về số lượng lẫn chất lượng.
I. Phần Dẫn Ý
1. Những dấu chỉ do Thánh Giuse
Thánh
Giuse là Quan Thầy Giáo Hội Việt Nam. Cha Đắc Lộ : Ngày 12-3, ngày lễ thánh
Grêgôriô Cả, chúng tôi (Cha Pierre Marquez người Bồ và Cha Đắc Lộ) khởi hành từ
Macao, và căng buồm theo chiều gió đưa chúng tôi đi qua kính chào mộ xưa kia
chôn cất Thánh Phanxicô Xaviê ở đảo Tam Châu, rồi từ đó vào biển Hải Nam nổi tiếng
về những trận bão thường xuyên hành hạ dữ dội các tàu biển; thế nhưng đối với
chúng tôi thì lặng và lành nhờ các thiên thần hộ mệnh xứ Đàng Ngoài che chở
trong ba ngày chúng tôi đi theo bờ biển rộng lớn. Nhưng sau sáu hay bảy ngày
thuận buồm xuôi gió và khi gần tới bến thì trời nổi mây đe dọa trên đầu chúng
tôi. Đêm tới, tàu chúng tôi bị một trận bão rất lớn, làm tàu lay chuyển rất hiểm
nghèo và đồng thời trên không có sấm sét vạch thành những hình thù quái dị do
ma quỷ gây nên làm cho thuỷ thủ sợ hãi. Mãi tới sáng, ngày lễ Thánh Giuse hiển vinh, trời trở nên quang đãng,
hình quái dị tan và sóng hạ, chúng tôi khám phá ra một cửa biển, người Đàng
Ngoài gọi là Cửa Bạng. Chúng tôi muốn
gọi là Cửa Thánh Giuse, vì chúng tôi may mắn được vào bến đúng ngày lễ kính Người,
và chúng tôi hy vọng Thiên Chúa để Ngài làm vị quan thầy bảo hộ và làm cha nuôi
giáo đoàn Đàng Ngoài mới khai sinh này. Viên hoa tiêu liền xuống một chiếc
xuồng để thăm dò bến, khi thấy là tốt và có thể cập bến được thì chúng tôi dễ
dàng đi xuống và cảm tạ Thiên Chúa đã dẫn chúng tôi may mắn tới nơi…
2. Hoa quả đức tin đầu tiên của
Thánh Giuse
Trong
những ngày này chúng tôi không ra khỏi Cửa Thánh Giuse… Chúng tôi đi đàm đạo với
rất nhiều người ở Xóm Thánh Giuse… Thiên Chúa chiếu rọi những ánh sáng đầu
tiên của ơn Người để kích động các tâm hồn. Cuộc chinh phục quan trọng đầu tiên
để gầy dựng đức tin đó là thầy đồ dạy chữ Hán cho thanh thiếu niên trong xóm…
Thầy và gia đình đã trở lại… Chúng tôi đã rửa tội và trao cho ông những bản
kinh viết trên giấy để ông dạy trẻ em vào những ngày chúa nhật … Chúng tôi ân cần
dạy dỗ và chinh phục những thôn xã lân cận, và chúng tôi đã rửa tội được 32 người,
là những hoa quả đầu mùa ở Đàng Ngoài (Lịch Sử
Vương Quốc Đàng Ngoài của Cha Đắc Lộ, bản dịch của Hồng Nhuệ, trích trong tập
Thánh Cả Giuse của linh mục Hồng Phúc, trang 90-92).
3. Những văn bản xác nhận Thánh Giuse là
quan thầy GHVN
● Đức cha Lambert de La Motte : Đức giám mục
tiên khởi Đàng Trong, trong chuyến thăm giáo đoàn Đàng Ngoài, ngài họp Công Đồng
Đàng Ngoài tại Phố Hiến, Hưng Yên ngày 14-2-1670, đã long trọng xin Thánh Giuse
làm Quan thầy của Giáo Hội Đàng Ngoài. Đức Thánh Cha Clêmentê X châu phê bằng
Tông Hiến Apostolatus Officium (Trách vụ Tông đồ) ngày 23-12-1673.
● Đức Giáo hoàng Innôcentê XI : Đáp ứng thỉnh
nguyện của ba vị Đại diện Tông toà : các Đức cha Lambert de La Motte (Đàng
Trong), Pallu (Đàng Ngoài) và Cotolendi (Nam Kinh). Ngài đã ban hành Tông hiến
Sacrosancti Apostolatus (Thánh vụ Tông đồ) đề ngày 17-8-1678, tôn nhận Thánh Cả
Giuse là quan thầy các giáo phận truyền giáo Trung Hoa (với cả Đàng Trong, Đàng
Ngoài, Lào, Đại Hàn, Hung Nô).
● Hội đồng Giám Mục Việt Nam : Thư ngày
11-10-1997 của HĐGMVN gửi Cộng đồng Dân Chúa nhân dịp Hội nghị thường niên diễn
ra tại Thủ đô Hà Nội ngày 6 – 11-10-1997, đã nhất trí xác và nhận tôn vinh
Thánh Cả Giuse là Quan thầy Giáo Hội Việt Nam.
● Nhà thờ Chánh toà Sài Gòn gọi là Nhà thờ Đức
Bà, còn Nhà thờ Chính toà Hà Nội gọi là Nhà thờ Thánh Giuse.
(VietCatholic
News, Bộ Sưu Tập Về Thánh Giuse,
02.03.2002)
II. Phần Gợi Ý Suy Niệm
1. “Ngày lễ Thánh Giuse hiển vinh, trời trở
nên quang đãng. Chúng tôi muốn gọi là Cửa Thánh Giuse (Cửa Bạng) vì… vào đúng
ngày kính Người, và chúng tôi hy vọng Thiên Chúa để Ngài làm vị quan thầy bảo hộ
và làm cha nuôi giáo đoàn Đàng Ngoài mới khai sinh này”. Thật diệu kỳ và ý
nghĩa. Hãy nhớ lại mình là con Chúa qua Bí Tích Rửa Tội (gia đình, giáo xứ,…) để
tạ ơn và sống là người Kitô hữu tốt.
2. “Cuộc chinh phục quan trọng đầu tiên để gầy
dựng đức tin đó là thầy để dạy chữ hán… Thầy và gia đình đã trở lại… và chúng
tôi đã rửa tội được 32 người, là những hoa quả đầu mùa ở Đàng Ngoài”. Thật
diệu kỳ và là ân điển của Thánh Giuse. Tôi đã truyền đạo được cho ai chưa? Có
khi sống đạo chưa rồi! Dành ít phút cầu nguyện cho các nhà truyền giáo.
3. ĐTC Innocentê XI đã ban hành Tông Hiến
Sacrosanct Apostolatus đề ngày 17/8/1678 là quan thầy các giáo phận truyền giáo
Trung Hoa (với cả Đàng Trong, Đàng Ngoài, Lào, Đại Hàn, Hung Nô). HĐGMVN văn
thư ngày 11/10/1997… đã nhất trí xác nhận tôn vinh Thánh Cả Giuse là Quan thầy
Giáo Hội Việt Nam. Thật hạnh phúc được Thánh Cả cầu bầu che chở. Cầu nguyện cho
Giáo Hội Việt Nam thêm nhiều tín hữu nhiệt thành kính mến Thánh Giuse; và qua
Ngài nhận ra Chúa.
III. Quyết Tâm
PHỤ LỤC
I. Thánh
Giuse Ngủ
1. Huấn từ ngỏ cùng các gia đình
tại Mall of Asia Arena (Philippines) lúc 15g30 chiều Thứ Sáu 16.1.2015 (trích
tóm).
Tôi cám ơn về sự hiện
diện của anh chị em ở đây vào buổi tối hôm nay.
Thánh Kinh ít khi nói về
Thánh Giuse, thế nhưng lúc nào Thánh Kinh nói đến ngài thì chúng ta thường thấy
ngài đang nghỉ ngơi, như lúc thiên thần tỏ ý muốn của Thiên Chúa cho ngài trong
giấc mơ của Ngài.
Tôi rất yêu thích những
giấc mơ trong các gia đình:
● Mơ tưởng đến tương lai của con cái.
● Mơ tưởng về tình yêu của chồng tôi, vợ
tôi
● Mơ tưởng về cha mẹ tôi và ông bà của tôi
● Đừng làm mất đi khả năng mơ tưởng nhé
Việc nghỉ ngơi của
Thánh Giuse là những gì đã tỏ hiện ý muốn của Thiên Chúa cho ngài. Vào lúc nghỉ
ngơi trong Chúa, khi chúng ta dừng lại nhiều trách nhiệm và hoạt động hằng ngày
của chúng ta, Thiên Chúa cũng đang nói với chúng ta.
Có ba khía cạnh:
● Nghỉ ngơi trong Chúa
● Trỗi dậy với Chúa Giêsu và Mẹ Maria
● Làm tiếng nói ngôn sứ
Tôi cũng muốn nói với anh chị em một điều
rất riêng tư. Tôi rất yêu mến Thánh Giuse, vì ngài là một con người của thầm
lặng và sức mạnh. Trên bàn làm việc của mình tôi có một tấm ảnh
Thánh Giuse đang ngủ. Ngay cả khi ngài ngủ, ngài cũng đang chăm
sóc Giáo Hội! Đúng thế! Chúng ta biết rằng ngài có thể làm thế. Bởi vậy khi
tôi có vấn đề, gặp khó khăn, tôi viết một ghi chú nhỏ rồi đặt
nó ở dưới ảnh Thánh Giuse, để Ngài có thể mơ tưởng về nó! Nói
cách khác, tôi thưa với Ngài rằng xin Ngài cầu cho vấn đề ấy!
2. Kinh Thánh Giuse Ngủ được
“Imprimatur” do Đức Cha Giuse Trần Văn Toản, Giám mục phó Giáo phận Long Xuyên
ký ngày 02.4.2018.
3. Kinh Thánh Giuse Ngủ
Lạy Thánh Giuse/ Ngài
là người được Đấng Tối Cao ban thưởng những ân huệ lớn lao/ Sứ Thần của Thiên Chúa đã hiện ra với Ngài/ trong những
giấc mơ khi Ngài đang ngủ/ để báo mộng và hướng dẫn Ngài khi Ngài chăm sóc
Thánh Gia/ Ngài vừa âm thầm vừa mạnh mẽ/ là người bảo vệ trung thành và đầy can
đảm.
Lạy Thánh Giuse/ khi
Ngài nghỉ ngơi trong Chúa/ tin tưởng vào sự tốt lành và quyền năng vô cùng của
Chúa/ xin thương đoái nhìn đến con/ xin ấp ủ lời cầu xin của con trong trái tim
Ngài/ xin Ngài mơ về nó/ và bày tỏ lời cầu xin đó với Chúa Giêsu/ con Ngài… (kể
ra những gì muốn cầu xin)…
Lạy Thánh Giuse nhân từ/
xin giúp con biết lắng nghe tiếng Chúa/ biết trỗi dậy và hành động bằng tình yêu/ với niềm vui/ con xin chúc tụng
và tạ ơn Chúa.
Lạy Thánh Giuse/ con
yêu mến Ngài/ Amen.
II. Kinh Thánh Giuse Bầu Cử
Lạy
ơn Ông Thánh Giuse. Chúng con chạy đến cùng Người, trong cơn gian nan chúng con
mắc phải. Chúng con đã kêu van cùng Rất Thánh Đức Bà là Đấng đã làm Bạn cùng
Người, phù hộ gìn giữ chúng con, thì chúng con cũng lấy lòng trông cậy cho vững
vàng, mà xin Ông Thánh Giuse bầu cử cho chúng con như vậy.
Chúng
con xin vì nhân đức kính mến, mà Người làm Bạn cùng Rất Thánh Đồng Trinh là Mẹ
Chúa Trời, và là Đấng chẳng mắc phải tội tổ tông truyền, cùng vì lòng thương
Người đã ẵm lấy Đức Chúa Giêsu, thì chúng con xin Ông Thánh Giuse ghé mặt lại
mà thương đến Hội Thánh, là phần sản nghiệp Đức Chúa Giêsu đã lấy Máu Thánh
mình mà chuộc. Lại xin Người dùng sức mạnh thiêng liêng và quyền phép Người, mà
giúp đỡ những sự chúng con còn thiếu thốn.
Lạy
Đấng đã coi sóc Đức Chúa Giêsu cùng Đức Bà cho cẩn thận, thì chúng con xin Người
bênh vực con cái Đức Chúa Giêsu đã chọn. Lạy Cha rất thương yêu! Chúng con xin
Người cất mọi sự dối trá cùng mọi tội lỗi, cho chúng con khỏi mắc phải những sự
ấy. Lạy Đấng rất mạnh đang ở trên trời hay gìn giữ chúng con, xin Người dủ lòng
thương mà che chở chúng con đang khi chiến trận cùng kẻ thù tối tăm là các ma
quỉ. Như xưa Người đã gìn giữ Đức Chúa Giêsu cho khỏi cơn hiểm nghèo thế nào,
thì rầy chúng con cũng xin Người cứu chữa lấy Hội Thánh, cho khỏi các mưu kế giặc
thù, và các sự gian nan khốn khó như vậy, cùng xin Người hằng bầu cử cho chúng
con được bắt chước Người, và trông cậy vì quyền thế Người, cho được giữ đạo cho
trọn, cùng được chết lành, và được hưởng phúc vô cùng trên thiên đàng. Amen.
III. Tuần Cửu Nhật Thánh Giuse
Thứ Tự:
1. Kinh dọn mình.
2. Bài suy niệm.
3. Kinh Lạy Cha, Kính mừng, Sáng danh.
4. Kinh cầu Thánh Giuse.
5. Bài hát kính thánh Giuse.
1. Kinh Dọn Mình
Lạy
Thánh cả Giuse, là Đấng phù hộ mạnh thế trước toà Chúa, là Cha nhân hiền của
chúng con, người con thảo hiếu trung thành của Cha, quả quyết không bao giờ khẩn
cầu Cha mà vô hiệu. Vì vậy trong tuần cửu nhật này, chúng con hết lòng trông cậy
chạy đến cùng Cha. Xin Cha cầu bầu cho chúng con trước toà Chúa Giêsu, là Đấng
xưa kia Cha đã nhiệt thành bảo hộ, Đấng mà chẳng nề trọng kính vâng lời Cha,
như một người con thảo. Amen.
2. Phần Suy Niệm
Ngày Thứ Nhất
(Một người đọc)
Ta hãy suy: Thế lực
Thánh Cả Giuse khiến ta tôn sùng Người.
Muốn
hiểu thế lực của Người, ta hãy xem Thánh Gia thất xưa tại Nagiaret. Nơi đây, có
Ngôi Thiên Chúa mặc lốt Hài Nhi…Nơi đây, có các thiên thần cung kính run sợ, sấp
mặt xuống không dám nhìn dung nhan Chúa…Nơi đây có Đức Maria, Nữ Vương trời đất,
là kiệt tác của tay Đấng toàn năng, là Nữ Đồng trinh trên hết các kẻ đồng
trinh, cũng là Đấng ban phát mọi điều đẹp lòng Chúa.
Chẳng
phải chỉ có Chúa Giêsu và Đức Mẹ ở đây, song còn có một gia trưởng điều khiển mọi
việc cửa nhà cách vô cùng đầm ấm. Chúa Giêsu đã tỏ dạ yêu thương và hết lòng
vâng phục Người. Một gia trưởng có nhiệm vụ giữ gìn, nâng đỡ, dưỡng nuôi Chúa
Giêsu cùng Đức Mẹ bằng việc làm vất vả. Một gia trưởng đã làm phận sự cao trọng hơn phận sự các đấng
tiên tri. Gia trưởng đó chính là Thánh Cả Giuse. Còn danh vọng nào sánh cho bằng!
Chức cao cả ấy giục ta phải tôn kính Người hết dạ.
Lời cầu nguyện (Cộng
đoàn)
Lạy
Thánh Cả Giuse, là Đấng Chúa đặt lên làm chủ nhà Chúa, xin ghé mắt thương xem
các gia đình chúng con. Hãy đưa tay mạnh mẽ hộ vực chở che, và cầu cùng Chúa xuống
ơn cho gia đình chúng con, được trung thành cùng Chúa và Hội thánh chẳng lỗi đạo.
Lại cho mọi người trong gia đình chúng con bình an, thuận hoà, nhất là sau này
được sum họp cùng nhau trên cõi hằng sống.
Lại
nữa, lạy Thánh Cả Giuse vinh hiển, nếu đẹp lòng Chúa và ích lợi cho linh hồn
chúng con, xin ban cho chúng con ơn riêng chúng con kêu cầu cùng Thánh Cả trong
tuần Cửu Nhật này. Lại xin cho chúng con trung thành với bổn phận, và sau này đạt
tới phúc trường sinh. Amen.
Ngày Thứ Hai
(Một người đọc)
Ta hãy suy: Các nhân đức
Thánh Cả Giuse khiến ta sốt sắng tôn sùng Người.
Thánh
Giuse có đủ mọi nhân đức mà Người đã thực hiện cách phi thường, xứng với một vị
Đại Thánh, phúc âm đã khen Người là đấng công bình chính trực, nghĩa là nên
thánh nên lành, đầy đủ mọi công nghiệp phúc đức.
Sứ
mạng siêu phàm Thiên Chúa trao phó cho Người là làm chủ Thánh gia, làm Cha Đồng
Trinh Chúa Con và Bạn Trăm năm Đức Mẹ. Chức vụ Người càng lớn thì ân sủng Chúa
ban xuống cho Người càng nhiều. Đã vậy, sự tiếp xúc thân mật hằng ngày với Chúa
Con và Đức Mẹ lại là một nguồn tăng trưởng thánh đức liên tục cho Người. Linh hồn
Thánh Cả là một kỳ công của ân sủng và đạo hạnh.
Ai
kể cho xiết, ai khen ngợi cho cùng. Đức tin mạnh mẽ nhanh nhẹn của Thánh nhân, khi gặp cơn
gian nan thử thách? Đức Trông cậy của Người không bờ bến hằng thuận theo ý Chúa
an bài. Đức Phục tùng mau kíp kiên trì, khi có lệnh trời ban xuống. Đức Cần mẫn,
siêng năng, không hề vất vả, ưa sống cần lao, ham mê hoạt động.
Lời cầu nguyện (Cộng
đoàn)
Lạy
Thánh Cả Giuse rất trung thành vâng theo ơn Chúa Thánh Thần, xin cầu cho chúng
con được biết thánh ý Chúa phân định phải chọn bậc sống nào. Xin chớ để chúng
con lầm lạc trong việc quan trọng nhất đời chúng con, bây giờ và mai hậu. Lại
xin cho con cái vâng theo ý Chúa, quý trọng bậc sống mình, và giữ các nhân đức
xứng hợp.
Lại
nữa, lạy Thánh Cả Giuse vinh hiển, nếu đẹp lòng Chúa và ích lợi cho linh hồn
chúng con, xin ban cho chúng con ơn riêng chúng con kêu cầu cùng Thánh Cả trong
tuần Cửu Nhật này. Lại xin cho chúng con trung thành với bổn phận, và sau này đạt
tới phúc trường sinh. Amen.
Ngày Thứ Ba
(Một người đọc)
Ta hãy suy: Về đức
Khiêm nhượng, khó nghèo và tinh thần cầu nguyện của Thánh Giuse.
Trong
các nhân đức thánh Cả, ta hãy chiêm ngưỡng Đức Khiêm nhượng của Người. Là con
vua Đavít, Người chẳng nề vất vả làm nghề thợ mộc mà sinh sống. Giữ hai kho báu
bởi trời là Chúa Con và Đức Mẹ, Người vẫn thinh lặng khiêm nhượng, không hề mở
miệng khoe khoang. Người đã học được cùng Hai Đấng sự khiêm nhượng và lòng yêu
chuộng đời sống ẩn dật.
Ai
nói cho cùng, Người ham chuộng làm việc trong cảnh khó nghèo, mà Người đã biến
thành Phúc âm thứ nhất của Tin mừng?
Ai
suy cho thấu, đời sống cầu nguyện thân mật của Người với Chúa Giêsu và Đức Mẹ?
Ngót ba mươi năm trường, ngày đêm, Người hằng chung sống với Hai Đấng ăn chung
một bàn, làm chung một việc, chỉ lo lắng cho Hai Đấng, và Hai Đấng cũng lo lắng
cho Ngài cách vô cùng hoàn hảo. Đẹp đẽ thay, sốt mến thay, cảnh Thánh cả cầu
nguyện chung cùng Chúa Con và Đức Mẹ! Lòng Người tràn ngập ơn phước ngần nào!
Ai mà chẳng ước ao số phận Thánh Cả? Chính vì thế, những linh hồn yêu mến đời sống
nội tâm, đời sống cầu nguyện đều chọn Người làm gương mẫu và bổn mạng.
Lời nguyện (Cộng
đoàn)
Lạy
Thánh Cả Giuse là Đấng hộ vực Chúa Giêsu và Đức Mẹ, con xin gửi gắm nơi Thánh Cả các thiếu
nhi và thiếu nữ công giáo. Xin khấng phù hộ giữ gìn những tấm lòng trong trắng
khỏi mọi hiểm nguy, cùng thúc giục giới trẻ dịu dàng yêu mến Chúa Giêsu, Đức Mẹ
và Thánh Cả, để được ơn nâng đỡ đời này và hạnh phúc vô cùng đời sau.
Lại
nữa, lạy Thánh Cả Giuse vinh hiển, nếu đẹp lòng Chúa và ích lợi cho linh hồn
chúng con, xin ban cho chúng con ơn riêng chúng con kêu cầu cùng Thánh Cả trong
tuần Cửu Nhật này. Lại xin cho chúng con trung thành với bổn phận, và sau này đạt
tới phúc trường sinh. Amen.
Ngày Thứ Tư
(Một người đọc)
Ta hãy suy: Về Đức
Trinh Khiết của Thánh Cả Giuse.
Chỉ
có thiên thần bởi trời xuống mới ca ngợi đức Trinh bạch của Thánh Cả cho xứng
được. Để có một quan niệm về sự trong trắng tuyệt vời của Người, ta nên nhớ lại
vì danh nghĩa và mục đích nào, Thiên Chúa đã đặt Người bên cạnh Chúa Giêsu và Đức
Mẹ.
Trong
tất cả loài người, qua muôn thế hệ, Thánh Cả Giuse được kén chọn để làm bạn
trăm năm Đức Maria, là Đấng trong sạch hơn chín phẩm Thiên Thần, là Nữ Đồng
Trinh trên hết các kẻ đồng trinh, là Từ Mẫu của Ngôi Lời Nhập thể. Với danh
nghĩa ấy, Người đã thương yêu, hộ vực Bà, và bảo toàn danh thơm tiếng tốt cho
Bà trước mặt thiên hạ.
Ôi,
trinh khiết thay, tâm hồn Người trong trắng như thiên thần đã toả nực mùi hương
thơm ngào ngạt! Dịu ngọt thay, mùi vị Đức đồng trinh toát ra bởi ngực Thánh Cả,
nơi mà Chúa Hài Nhi bao lần đã ngủ lịm êm đềm! Trong sạch thay, tay Người đã bồng
bế Chúa Con và giúp đỡ Đức Mẹ! Ôi, ai đã hiểu thấu lòng trinh khiết vẹn tuyền
Thánh Cả! Ai ca tụng cho cùng? Ai kể cho xiết những ơn lành Người xin được nơi
Chúa cho những linh hồn muốn theo gương trinh khiết của Người!
Lời cầu nguyện (Cộng
đoàn)
Lạy
Thánh Cả Giuse phước lộc, là Cha Chúa Giêsu và bạn Trinh khiết Đức Mẹ, xin hãy
làm Đấng bảo trợ con. Xin lấy dây tình thân ái của Người đối với Hai Đấng mà
ràng buộc lấy con! Từ đây, tấm lòng rất nhân lành, rất trong sạch của Người sẽ
nên chốn con ẩn dật trước mọi nguy nan cám dỗ. Qua Thánh Cả, con đến cùng Chúa
Giêsu và Đức Mẹ. Và theo gương Hai Đấng, con sẽ kính yêu Thánh Cả trọn Đời.
Lại
nữa, lạy Thánh Cả Giuse vinh hiển, nếu đẹp lòng Chúa và ích lợi cho linh hồn
chúng con, xin ban cho chúng con ơn riêng chúng con kêu cầu cùng Thánh Cả trong
tuần Cửu Nhật này. Lại xin cho chúng con trung thành với bổn phận, và sau này đạt
tới phúc trường sinh. Amen.
Ngày Thứ Năm
(Một người đọc)
Ta hãy suy: Về sự kính
mến Chúa Giêsu và Đức Mẹ nơi Thánh Cả Giuse.
Lạ
lùng thay, thắm thiết thay, mối tình Thánh Cả dành cho Chúa Hài Đồng! Đó là mối
tình của Cha hiền dành cho người Con duy nhất, đẹp đẽ, khôn ngoan. Cũng là mối
tình của con thảo dâng lên Chúa cả cao sang, toàn năng, nhân hậu. Yêu Con cũng
là mến Chúa, mến Chúa cũng là yêu Con. Tự nhiên và ân sủng đã phối hợp cách lạ
lùng nơi tình yêu ấy!
Khi
Cha trên trời muốn ban cho Con Ngài một người cha dưới thế, thì lẽ tất nhiên phải
phú vào lòng ông một tình phụ tử xác thực, sâu sắc, chân thành. Thiên Chúa đã
ban tình yêu của chính mình cho Thánh Cả, cũng như đã ban cho Thánh Mẫu, tuy mức
độ khác nhau, để hai Đấng làm cha, làm mẹ Con Ngài.
Biết
bao lần, lòng Thánh Cả chẳng hừng cháy, khi chiêm ngưỡng Hài Nhi mũm mĩm, trắng hồng nằm trên mớ
cỏ xanh? Hoặc khi bồng Hài Nhi ấp ủ trên lồng ngực? Còn cái vui nào hơn cái vui
thấy Hài Nhi, theo dòng năm tháng, “cứ tấn tới thêm về khôn ngoan, vóc dạng và
ân sủng trước mặt Thiên Chúa và trước mặt người ta” Đấng đem lửa xuống thế gian
mà chẳng khởi sự đốt lên trong lòng cha mình sao?
Đồng
thời, Thánh Cả cũng dành cho Mẹ Maria mối tình yêu thắm thiết trinh trong đượm
nhuần cung kính xứng vị Mẹ Thiên Chúa. Càng chung sống, Người càng cảm mến
không khí thanh sáng trong gia đình do Mẹ tạo nên bởi đức hạnh và ân sủng dạt
dào.
Lời cầu nguyện (Cộng
đoàn)
Lạy
Thánh Cả Giuse no đầy vinh phước, vì tình thương yêu mặn nồng của ba Đấng khi
còn ở thế gian, xin Người khấng giúp con nên thánh thiện. Xin Người hãy làm
linh hướng và kiểu mẫu cho tất cả các linh hồn ái mộ đàng trọn lành và tình mến
Chúa. Lạy Đấng được vinh phước thông hiểu đàng trọn lành: Mến Chúa Giêsu và Đức
Mẹ trước tiên, xin hãy giúp con được yêu mến cho thực, để chung cùng Thánh Cả
và nhờ Thánh Cả, con biết yêu Đức Mẹ hầu gặp Chúa Giêsu, mà kính mến Người muôn
đời.
Lại
nữa, lạy Thánh Cả Giuse vinh hiển, nếu đẹp lòng Chúa và ích lợi cho linh hồn
chúng con, xin ban cho chúng con ơn riêng chúng con kêu cầu cùng Thánh Cả trong
tuần Cửu Nhật này. Lại xin cho chúng con trung thành với bổn phận, và sau này đạt
tới phúc trường sinh. Amen.
Ngày Thứ Sáu
(Một người đọc)
Ta hãy suy: Về thế lực
Thánh Cả cầu bầu cho kẻ tôn kính Người.
Muốn
biết thế lực Thánh Cả trên thiên đàng ngày nay, không gì bằng nhớ lại công việc
Người đã làm xưa trong Nhà Nagiaret. Nơi đây, vì phận sự gia trưởng, Người đã xếp
đặt mọi công việc cho Đức Mẹ và Chúa Con. Ngót ba mươi năm trường, hai Đấng đã
lấy làm hạnh phúc được vâng lời Người trọn vẹn, chẳng lấy chi làm sung sướng
cho bằng làm vừa lòng đẹp ý Người luôn. Ấy là thế lực Người ở trần gian; huống
chi trên Thiên đàng, quyền uy Người còn lớn hơn gấp bội. Có lẽ nào trên chốn
vinh quang, Chúa Giêsu và Đức Mẹ lại phai lạt lòng yêu mến đối với Người? Tất
nhiên lời cầu nguyện của Người phải mạnh thế dường nào. Đấng Cứu Thế vừa thấy
đôi tay, suốt ba mươi năm đã làm lụng vất vả để nuôi mình, rày chắp lại van xin
thì cầm lòng sao chẳng mau kíp ban ơn.
Lời cầu nguyện (Cộng
đoàn)
Lạy
Thánh Cả Giuse, con xin Người dâng lời con cầu nguyện, qua tay dịu dàng Đức Mẹ,
lên toà cao sang Chúa Giêsu, Đấng xưa đã khấng làm Con Thánh Cả, ắt con sẽ được
như lòng. Bởi Mẹ Thánh Têrêsa đã quả quyết: không lần nào Người xin sự gì với Thánh
Cả mà không được. Với niềm trông cậy ấy, con khiêm cung phó thác mình và mọi
người thân thuộc trong tay nhân từ Thánh Cả, xin Người gìn giữ chở che trong những khốn khó xác
hồn. Con cũng xin dâng lên Thánh Cả nguyện vọng của những người ốm đau bệnh tật,
sầu khổ gian truân, để họ được an ủi cứu chữa. Sau hết, xin Thánh Cả cầu bầu
cho chúng con biết nhẫn nhục, vâng theo ý Chúa trong mọi nỗi gian truân và lợi
dụng mọi cơn thử thách để nên thánh.
Lại
nữa, lạy Thánh Cả Giuse vinh hiển, nếu đẹp lòng Chúa và ích lợi cho linh hồn
chúng con, xin ban cho chúng con ơn riêng chúng con kêu cầu cùng Thánh Cả trong
tuần Cửu Nhật này. Lại xin cho chúng con trung thành với bổn phận, và sau này đạt
tới phúc trường sinh. Amen.
Ngày Thứ Bảy
(Một người đọc)
Ta hãy suy: Về gương
Chúa Giêsu, Đức Mẹ và các Thánh tôn sùng Thánh Cả Giuse.
Chính
Chúa Giêsu là thầy dạy đầu tiên và mẫu gương cao trọng về sự tôn sùng Thánh Cả.
Có lẽ nào ta không kính mến Đấng mà Chúa đã quý yêu hết lòng? Có lẽ nào ta chẳng
cậy trông Đấng mà trót đời Chúa đã gửi tấm thân ngà ngọc? Làm sao ta lại không
đặt hết tin tưởng vào lời cầu nguyện của Đấng, mà xưa Chúa vâng lời như con thảo?
Đức
Mẹ cũng đồng tình với Chúa Con mà dạy ta kính tôn Thánh Cả. Ngoài Chúa Giêsu, Đức
Mẹ chẳng hề quý mến ai hơn bạn trăm năm thanh tịnh của mình, ngày ngày sống chung thân thiết, bữa
bữa giúp đỡ tận tình, lưỡi nào nói được! Ngày nay, trên trời, Đức Mẹ muốn làm
hiển vinh Thánh Cả, nên thường chuyển thông nhiều ân phước xuống những kẻ nhiệt
thành kính tôn Người.
Giáo
hội, là Thánh gia mở rộng, Thánh gia nối dài, cũng nhiệt liệt tôn sùng Thánh Cả.
Năm 1870, Đức Giáo Hoàng Piô IX, trước những ưu tư thời đại, muốn phó mình và
giáo hữu trong tay Thánh Cả hộ phù, đã tôn Người làm quan thầy toàn thể Giáo hội,
và truyền dạy hằng năm phải mừng lễ trọng thể kính Người. Càng ngày ta càng nhận
thấy: vinh quang Người chiếu dãi, nhân đức Người sáng ngời, lời cầu Người vạn
năng, sự can thiệp Người mạnh thế. Và lòng sùng mộ của mọi tầng lớp trong Giáo
hội quy về Thánh Cả, như về một vị cha già vô cùng phúc hậu.
Lời cầu nguyện (Cộng
đoàn)
Lạy
Đấng bảo trợ rất mạnh thế của Hội thánh, con xin phó thác cho Người mọi nhu cầu
của Hội thánh, là Mẹ chúng con. Xin hộ vực Đức Giáo Hoàng và hàng Giám mục. Xin
cho các Linh mục, các tu sĩ được trau dồi mọi nhân đức xứng bậc, cùng nhiệt
thành lo phần phúc các linh hồn. Xin phù hộ các giáo hữu, nâng đỡ người lành, cải
thiện người ác, hướng dẫn lương dân tìm về Nhà Cha. Xin cứu vớt các linh hồn
nơi luyện ngục, hãy làm tê liệt các mưu chước quỷ ma.
Lại
nữa, lạy Thánh Cả Giuse vinh hiển, nếu đẹp lòng Chúa và ích lợi cho linh hồn
chúng con, xin ban cho chúng con ơn riêng chúng con kêu cầu cùng Thánh Cả trong
tuần Cửu Nhật này. Lại xin cho chúng con trung thành với bổn phận, và sau này đạt
tới phúc trường sinh. Amen.
Ngày Thứ Tám
(Một người đọc)
Ta hãy suy: Về Lòng
Nhân hậu của Thánh cả Giuse đối với đoàn con kính mến Người.
Giuse
là người công chính, đấng thánh thiện tuyệt vời. Người thuộc về khởi nguyên đạo
thánh. Người là hiền phụ Chúa Giêsu. Chính Chúa đã nhìn nhận Người là cha, tùng
phục Người mọi đàng, và thánh hoá Người qua bao năm chung sống. Còn hình ảnh
nào cao đẹp, cảm động bằng hình ảnh Người bồng Ấu Chúa trên tay, hoặc dắt đi lẫm chẫm bên
mình? Sứ mạng Người là làm Thiên Thần hộ thủ của Ấu Chúa.
Thánh
Cả là hiền phu Đức Mẹ, mà trót đời Người hết dạ yêu thương, một lòng kính ái.
Nhân đức Người lấp lánh như sao sáng trên trời. Ngày nay trên chốn vinh quang,
Chúa Giêsu tôn trọng Người, và coi lời cầu nguyện của Người như một mệnh lệnh.
Tuy
cao xa mà Người lại rất gần gũi, rất thông cảm nỗi niềm con cái, sẵn sàng ra
tay cứu giúp. Sinh thời, Người đã trải qua cảnh phù trầm nhân thế, nếm đủ mùi đắng
cay, nên dễ xót thương thân phận lao đao con cái.
Trẻ
nhỏ Người thương yêu, bậc già Người săn sóc, chuyện gia đình Người giúp đỡ, việc
Giáo hội Người lo toan. Nhất là trong đời sống hằng ngày, giữa những thử thách
thường xuyên, sự can thiệp của Người mau mắn, hữu hiệu. Thánh Cả là cha hiền,
con cái đến gõ cửa lúc nào cũng sẵn sàng.
Lời cầu nguyện (Cộng
đoàn)
Lạy
Thánh cả Giuse là Cha nhân hậu, xin cho chúng con được cảm thấy sự săn sóc kín
nhiệm, nhưng vô cùng chu đáo của cha. Chúng con ước nguyện cho sự tôn sùng cha
được mở rộng khơi sâu, để Thiên Chúa được hiển vinh, các linh hồn được hạnh
phúc. Chớ gì những ai kính mến Chúa Giêsu và Mẹ thánh Ngài, thì cũng biết tôn
sùng Cha nữa.
Lại
nữa, lạy Thánh Cả Giuse vinh hiển, nếu đẹp lòng Chúa và ích lợi cho linh hồn
chúng con, xin ban cho chúng con ơn riêng chúng con kêu cầu cùng Thánh Cả trong
tuần Cửu Nhật này. Lại xin cho chúng con trung thành với bổn phận, và sau này đạt
tới phúc trường sinh. Amen.
Ngày Thứ Chín
(Một người đọc)
Ta hãy suy: Về những ơn
ích do lòng sùng kính thánh Giuse.
Nói
về ơn ích vô vàn, vô số, phần xác, phần hồn do sự cầu bầu của Thánh Cả từ xưa đến
nay, tưởng không gì bằng nại đến kinh nghiệm sống của các thánh.
Thánh
Têrêsa Avila đáng kể vào hàng đệ nhất tông đồ của Thánh Cả, không phải bằng lời
giảng mà bằng kinh nghiệm và hành động. Lập được 17 Đan viện Cát minh, bà đã
dâng kính Thánh Cả 13 nhà. Trong tác phẩm của mình, Thánh nữ đều
nói đến những ơn lạ Thánh Cả đã xin cùng Chúa cho Thánh nữ và tu hội.
Thánh nữ viết: “Tôi không
lần nào xin sự gì cùng Thánh Cả mà không được. Dường như Thiên Chúa ban cho các
thánh giúp ta việc này việc nọ, nhưng kinh nghiệm cho tôi biết, Thánh Giuse
giúp chúng ta trong mọi trường hợp. Những ai không tin lời tôi, hãy thử mà
xem”.
Mẹ
đáng kính Maria Agreda trong tác phẩm thời danh của mình nhan đề: “Thành trì
Thiên chúa”, đã chép những dòng sau đây: “Sự cầu bầu của Thánh Cả Giuse thực là mạnh thế, để giúp ta giữ được
trong sạch, gỡ mình khỏi tội lỗi, thêm lòng kính mến Đức Mẹ, được ơn chết lành,
khỏi quỷ ma cám dỗ, được sức khoẻ phần xác cùng sự cứu trợ trong mọi hoàn cảnh
khó khăn.”
Lời cầu nguyện (Cộng
đoàn)
Lạy
Thánh Giuse nhân từ, chúng con tin tưởng, vâng, chúng con tin tưởng Cha có thể
chấp nhận lời nguyện của chúng con, và giải thoát chúng con khỏi những khổ cực
ưu sầu mà chúng con đang gặp phải. Hơn nữa, chúng con vững lòng trông cậy, Cha
không bỏ qua điều gì giúp ích cho những người sầu khổ kêu cầu cha. Chúng con sấp
mình dưới chân Cha, tha thiết nài xin Cha đoái thương đến những than van khóc
lóc của chúng con. Xin Cha lấy tình thương như áo choàng che phủ chúng con, và
chúc lành cho chúng con.
Lại
nữa, lạy Thánh Cả Giuse vinh hiển, nếu đẹp lòng Chúa và ích lợi cho linh hồn
chúng con, xin ban cho chúng con ơn riêng chúng con kêu cầu cùng Thánh Cả trong
tuần Cửu Nhật này. Lại xin cho chúng con trung thành với bổn phận, và sau này đạt
tới phúc trường sinh. Amen.
3. Lạy Cha – Kính Mừng – Sáng Danh
(đọc)
4. Kinh Cầu Thánh Giuse
Xin
Chúa thương xót chúng con.
Xin Chúa thương xót
chúng con.
Xin
Chúa Kitô thương xót chúng con.
Xin Chúa Kitô thương
xót chúng con.
Xin
Chúa thương xót chúng con.
Xin Chúa thương xót
chúng con.
Chúa
Kitô nghe cho chúng con,
Chúa Kitô nhậm lời
chúng con.
Đức
Chúa Cha ngự trên trời là ĐCT thật
(Thương
xót chúng con)
Đức
Chúa Con chuộc tội cứu thế là ĐCT thật,
Đức
Chúa Thánh Thần là ĐCT thật,
Ba
Ngôi cũng là một ĐCT.
Rất
thánh Đức Bà Maria
(Cầu
cho chúng con)
Ông
Thánh Giuse.
Ông
Thánh Giuse là Đấng sang trọng bởi dòng Đavít.
Ông
Thánh Giuse là sự sáng các thánh tổ tông.
Ông
Thánh Giuse là Bạn Đức Mẹ Chúa Trời.
Ông
Thánh Giuse là Đấng thanh sạch giữ gìn Đức Nữ Đồng trinh.
Ông
Thánh Giuse là Đấng dưỡng nuôi con Đức Chúa Trời.
Ông
Thánh Giuse là Đấng ân cần gìn giữ Chúa Kitô.
Ông
Thánh Giuse là Đấng cai quản Thánh Gia thất xưa.
Ông
Thánh Giuse Gồm no mọi nhân đức.
Ông
Thánh Giuse Cực thanh cực tịnh.
Ông
Thánh Giuse Cực khôn cực ngoan.
Ông
Thánh Giuse Vững vàng mạnh mẽ.
Ông
Thánh Giuse Chịu luỵ mọi đàng.
Ông
Thánh Giuse Rất trung tín thật thà.
Ông
Thánh Giuse là Gương nhân đức nhịn nhục.
Ông
Thánh Giuse Yêu chuộng sự khó khăn.
Ông
Thánh Giuse Làm cho sáng danh gia đạo.
Ông
Thánh Giuse Nâng đỡ kẻ giữ mình đồng trinh.
Ông
Thánh Giuse An ủi kẻ mắc gian nan.
Ông
Thánh Giuse Là bổn mạng kẻ mong sinh thì.
Ông
Thánh Giuse Làm cho quỉ thần kinh khiếp.
Ông
Thánh Giuse làm Quan thầy bào chữa Hội thánh.
Chúa
Giêsu chuộc tội cứu thế.
Chúa tha tội chúng con.
Chúa
Giêsu chuộc tội cứu thế.
Chúa nhậm lời chúng
con.
Chúa
Giêsu chuộc tội cứu thế.
Chúa thương xót chúng
con.
● Chúa đã đặt Ông Thánh Giuse làm chủ nhà
Chúa
● Cùng quản cai gia nghiệp Chúa.
Lời nguyện:
Lạy
Đức Chúa Giêsu là Chúa chúng con, Chúa đã khấng toan liệu cách khôn ngoan lưỡi
khen chẳng xiết, mà chọn ông Thánh Giuse làm bạn Đức Mẹ thân sinh chúa. Xin khấng
ban cho chúng con như đã tôn kính ông Thánh Giuse làm quan thầy bào chữa dưới đất,
thì cũng đặng nhờ Người cầu thay nguyện giúp trên trời. Vì Chúa là Đấng hằng sống
hằng trị đời đời. Amen.
XIN
TÔN VINH THÁNH CẢ GIUSE
“CHÚNG CON TRAO PHÓ NƠI CHA VỤ KHÓ KHĂN NÀY …”
TÀI
LIỆU THAM KHẢO
1. Daniel Foucher, Notre Père, Joseph
Le Charpentier, Đinh Minh Thỏa chuyển ngữ, Nxb Tôn Giáo 2009).
2. ĐGH Phanxicô, Patris Corde,
3. Bản dịch của HĐGM – Việt Nam, 11.12.2020.
4. Nguyễn Hữu Thy, Thánh Giuse, Người
Tôi Trung Của Thiên Chúa, Trier (Đức), 30.11.2014.
5. VietCatholic News, Bộ Sưu Tập Về
Thánh Giuse, 02.03.2002.
6. Radio Vatican, Trần Đức Anh, Bộ Phụng
Tự Quy Định Thêm Tên Thánh Giuse Vào Kinh Nguyện Thánh Thể.
7. http://daminhvn.net/, Phan Tấn Thành, Những Văn Kiện Của
Huấn Quyền Cận Đại Về Thánh Giuse.
8. http://hivong.org/bonuoidangcuuthe.php, Nguyễn Quang Tuyến, Thánh Giuse Bố
Nuôi Đấng Cứu Thế.
WGPCT (25.12.2020)
Nguồn: gpcantho.com