NHỮNG BÀI HỌC CỦA
THÁNH TÊ-RÊ-SA HÀI ĐỒNG GIÊSU CHO CÁC EM RƯỚC LỄ LẦN ĐẦU
Tác giả: Linh mục
Edward Looney
Chuyển ngữ: Cát Bụi,
SSS
Nguồn: catholicexchange.com (07.5.2019)
WHĐ (30.9.2021) - Giáo hội Công giáo có rất nhiều vị thánh.
Một vài vị qua đời khi còn trẻ, những vị khác qua đời khi tuổi đã cao. Tất cả
các vị thánh đều cố gắng sống đời sống thánh thiện. Và thật may mắn cho chúng
ta, nhiều vị trong số đó đã viết những suy niệm hay hồi ký có thể truyền cảm hứng
cho các tín hữu thời nay.
Một trong những cuốn tự truyện nổi tiếng nhất mà chúng ta có
là của thánh Tê-rê-sa thành Lisieux (hay Tê-rê-sa Hài đồng Giê-su), là người đã
được người chị ruột của mình và cũng là chị Tổng phụ trách dòng Cát-minh gợi ý
viết về câu chuyện đời mình. Những gì thánh Tê-rê-sa để lại quả là một di sản
tinh thần, qua đó chị đã thuật lại những thời khắc chính yếu trong cuộc đời
mình.
Thánh Tê-rê-sa có thể giúp đỡ những người thân trong cuộc đời
bạn, dầu là con hay cháu, dầu là cháu trai hay cháu gái, học sinh hay hàng xóm
láng giềng, tìm được ích lợi từ kinh nghiệm Rước Lễ lần đầu. Hãy đoan chắc là bạn
sẽ chia sẻ điều này với các em, ngõ hầu ngày Rước Lễ lần đầu của các em sẽ là
ngày không thể nào quên, giống như thánh nữ Tê-rê-sa vậy!
1. Hãy dâng một lời
thỉnh nguyện đặc biệt lên Chúa
Điều có thể chợt đến trong tâm trí, đó là: bạn hãy nhắm mắt
lại, ước một điều ước, và hãy thổi nến sinh nhật. Nhưng đó không phải là điều
tôi muốn nói tới, cũng như không phải là điều thánh Tê-rê-sa đề nghị.
Thánh Tê-rê-sa có một tâm hồn rất nhạy cảm. Những phiền muộn
của những con người chị gặp trong đời đã tìm được một lối vào tâm hồn và lời cầu
nguyện của chị. Một ngày nọ, chị đang đi dạo với thân phụ của mình, chị bắt gặp
một người nghèo khổ, và chị muốn giúp đỡ ông ta, nhưng người ấy đã từ chối của
bố thí của chị. Chị muốn giúp đỡ cách nào đó, để nghĩ rằng mình có thể trao cho
người đàn ông ấy một miếng bánh mà thân phụ chị vừa mới mua, thế nhưng chị đã
nhận ra cách tốt hơn để giúp người ấy.
Thánh Tê-rê-sa viết:
Tôi nhớ là đã nghe ai nói: vào hôm Rước Lễ lần đầu của mình,
chúng ta có thể đạt được những gì chúng ta cầu xin, và tư tưởng này thực sự đã
an ủi tôi. Dẫu lúc đó, tôi chỉ mới có 6 tuổi thôi, nhưng tôi đã thưa: “con sẽ cầu
nguyện cho người nghèo ấy trong ngày con được Rước Lễ lần đầu.” Tôi đã giữ lời
hứa của mình sau đó 5 năm, và tôi hy vọng Chúa đã nhậm lời. Ngài đã linh hứng
cho tôi đến với Ngài, để giúp đỡ một trong những chi thể khốn khổ của Ngài.
Vào ngày đặc biệt ấy, Tê-rê-sa đã quyết tâm cầu nguyện cho
người ấy. Điều đó cho thấy chị rất quan tâm đến người nghèo biết dường nào.
Không có gì khác chị có thể cho ngoại trừ những đặc ân mà Chúa có thể ban cho
người ấy vào dịp Rước Lễ lần đầu của chị.
Trong cuộc đời mình, chúng ta gặp gỡ rất nhiều người. Chúng
ta có thể chẳng bao giờ biết điều gì xảy ra cho họ, thế nhưng qua lời cầu nguyện,
chúng ta trao phó họ cho Chúa và cầu xin Người săn sóc họ. Đó là điều Tê-rê-sa
đã làm. Hãy động viên các em Rước Lễ lần đầu tạo lập một ý hướng đặc biệt. Đó
có thể là cho một thành viên đang đau ốm trong gia đình hay cho một ai đó ở trường
học hay trong cộng đoàn. Chính Chúa sẽ giúp đỡ ai đó trong gia đình bạn đang gặp
thử thách. Thiên Chúa muốn ban một đặc ân. Ngài muốn chúng ta cầu xin. Đừng bỏ
lỡ cơ hội.
2. Hãy quyết định sống
Một Đời Sống Mới
Đây thực sự là một lời mời gọi dành cho hết thảy các tín hữu
vào mỗi Thánh Lễ Chúa Nhật, để khi rời khỏi Nhà Thờ ta phải sống khác, vì ta đã
gặp Thiên Chúa hằng sống nơi Lời và Bí tích. Thánh Tê-rê-sa đã biết thực tại
này. Chị viết như sau,
“Một tối nọ, em nghe chị nói là từ khi Rước Lễ lần đầu, người
ta phải bắt đầu sống một đời sống mới, và ngay lập tức em đã quyết tâm không đợi
đến ngày đó, nhưng bắt đầu ngay lúc đó như chị Celine vậy”.
Thánh Tê-rê-sa có những người chị gái đã truyền cảm hứng cho
chị trong đời sống thiêng liêng. Khi chứng kiến các chị gái của mình lãnh nhận
các bí tích, Tê-rê-sa đã được thôi thúc để không trì hoãn sự biến đổi của chính
mình. Thế nhưng với chị Celine, người chị lớn tuổi hơn Tê-rê-sa rất nhiều, thì
Thiên Chúa lại mời gọi chị Celine bắt đầu sống một đời sống mới ở địa vị của
người môn đệ Đức Ki-tô trước khi Rước Lễ lần đầu.
Bạn hãy nhắc nhở các em Rước Lễ lần đầu rằng: vì các em được lãnh nhận Chúa Giê-su qua việc Hiệp Lễ, giờ đây Người đang mời gọi các em sống theo điều Người đã truyền: hãy yêu thương người khác: là cha mẹ, anh chị em, bằng hữu và cả kẻ thù ngay tại trường học. Hãy hỏi các em: “Cuộc đời con sẽ đổi khác thế nào nhờ Rước Lễ lần đầu?”
3. Hãy nhớ lại Ngày Đặc
Biệt
Ngày được Rước Lễ lần đầu là một ngày đặc biệt. Trước hết và
trên hết là được gặp gỡ Chúa Giê-su nơi Bí tích Thánh Thể. Đó cũng là ngày các
gia đình cùng nhau quy tụ và mừng lễ.
Thánh Tê-rê-sa đã miêu tả ngày chị được Chịu Lễ lần đầu như
sau: “Dịp Rước Lễ lần đầu vẫn còn khắc ghi trong tâm hồn tôi một ký ức không thể
phai nhòa”. Bạn hãy động viên các em Rước Lễ lần đầu viết một nhật ký về ngày đặc
biệt của các em. Các em nhớ gì? Lời cầu nguyện của các em là gì? Điều gì ảnh hưởng
các em nhất?
Trẻ em có một sự gần gũi đặc biệt với Chúa và ý thức về sự
hiện diện của Người. Hãy cho chúng một cơ hội để chia sẻ những tư tưởng và những
ý nghĩ của mình. Chúng chỉ giúp chúng ta yêu mến Chúa Giê-su và Thánh Thể nhiều
hơn mà thôi!
4. Hãy thân thưa với
Chúa Giê-su rằng bạn yêu mến Người
Khi vị linh mục cầm Bánh Thánh lên và nói “Mình Thánh Chúa
Ki-tô”, thì chúng ta đáp “Amen”, chính Chúa Giê-su đang nói với chúng ta rằng
Người yêu thương chúng ta biết dường nào. Người nói với chúng ta “Ta yêu con
nhiều đến nỗi ngay giờ đây, Ta nuôi con bằng Mình và Máu của Ta.” Tình yêu mà
Chúa Giê-su giãi bày cho chúng ta, đòi hỏi chúng ta đưa ra một lời đáp trả.
Thánh Tê-rê-sa đã thực hiện lời khấn tình yêu này. Chị hồi
tưởng lại “A! Nụ hôn đầu tiên của Chúa Giê-su thật ngọt ngào xiết bao; tôi cảm
thấy mình được yêu, và tôi đã thân thưa: ‘Con mến yêu Ngài, và mãi mãi con xin
hiến thân cho Ngài!’”. Hãy dạy cho các em Rước Lễ lần đầu biết trở về ghế ngồi,
quỳ xuống, và dâng lời cầu nguyện để thân thưa với Chúa Giê-su là các em yêu mến
Người biết dường nào, và biết ơn hết thảy những gì Người đã làm cho các em.
5. Hãy nhớ đến những
người đã qua đời
Việc cử hành Thánh Lễ hiệp
nhất chúng ta với các thánh ở Trên Trời. Phụng vụ tại thế của chúng ta tham dự
vào phụng vụ trên thiên quốc. Trước khi chúng ta hát bài Sanctus (Thánh, Thánh,
Thánh), vị linh mục mời gọi chúng ta tham dự vào bài thánh thi vô tận của các
thiên thần và các thánh. Chúng ta dâng Thánh Lễ cho những người đã qua đời, để
cầu nguyện cho họ và là cách liên kết chính chúng ta với những ai đã ra đi trước
chúng ta qua lời cầu nguyện.
Thánh Tê-rê-sa đã cảm nghiệm được sự ra đi của thân mẫu mình
khi chị còn nhỏ. Vào một ngày đặc biệt là dịp được Rước Lễ Lần đầu, chị đã
không quên thân mẫu của mình. Chị viết như sau “Ngày hôm đó, một niềm vui duy
nhất đã tràn ngập tâm hồn tôi, và tôi đã kết hiệp với bà, là người đã luôn dâng
mình cho Người, Đấng đã hiến mình vì tôi!”. Thân mẫu của chị là một người yêu mến
Chúa, và Tê-rê-sa đã ước mong yêu mến Người cũng chính bằng tình yêu mà thân mẫu
của chị đã yêu mến Chúa Giê-su.
Nếu những người Rước Lễ Lần đầu đã mất đi ông bà hay cha mẹ,
thì hãy nói với họ rằng họ có thể kết hiệp chính mình với những ai đã ra đi trước
họ. Từ đời đời, các vị ấy là một phần của việc cử hành đặc biệt này.
6. Ước ao Rước Lễ lần
thứ hai
Ngày người ta Rước Lễ lần đầu chỉ là bước khởi đầu mà thôi.
Họ sẽ có hàng ngàn lần rước lễ khác trong cuộc đời mình. Thời đại thánh
Tê-rê-sa Rước Lễ lần đầu thì khác xa với thời đại của chúng ta. Rước lễ thường
xuyên, hằng tuần, hay hằng ngày, không mấy phổ biến. Người ta chỉ được phép rước
lễ theo lời khuyên của vị linh hướng hay vị Linh Mục mà thôi.
Tê-rê-sa viết: “Kể từ khi Rước Lễ, ước vọng của tôi là được
rước lễ nhiều và nhiều hơn nữa, và tôi được phép đi tham dự Thánh Lễ vào những
ngày lễ trọng”.
Dù bạn có vai trò gì trong cuộc đời của Người Rước Lễ lần đầu
đi nữa, thì hãy động viên các bậc cha mẹ hay các thành viên khác trong gia đình
đôn đốc các học sinh đến nhà thờ mỗi Chúa Nhật. Khi họ đến nhà thờ, họ có cơ hội
biết Thiên Chúa là tình yêu, biết Ngài yêu thương họ khi đến với họ qua việc Hiệp
Lễ. Nhiều ân sủng được ban cho chúng ta trong mỗi Thánh Lễ chúng ta tham dự. Đừng
bỏ lỡ hết thảy những gì Chúa muốn thực hiện trong cuộc đời bạn. Cũng như lần Rước
Lễ lần đầu, mỗi lần hiệp lễ kế tiếp phải được thực hiện theo cùng một cách thức:
có lòng muốn, tạ ơn, cầu nguyện cho người nghèo, cam kết phụng sự Chúa trong cuộc
đời bạn, và dùng nó như một thời khắc để tưởng nhớ đến những người đã qua đời.
Các thánh có thể dạy chúng ta rất nhiều về việc Rước Lễ.
Cách riêng, các ngài có thể đào sâu lòng biết ơn của chúng ta đối với Thánh Thể.
Mỗi lần rước lễ, chúng ta hãy sốt sắng hơn lần trước, cho đến khi chúng ta được
hiệp thông với Chúa, mãi mãi trên Thiên Đàng.