NHÀ GIÁO
DỤC – NGƯỜI GIEO NIỀM HY VỌNG – THEO LỜI DẠY CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
Tác giả: Nt. Maria Lâm
Vũ Thanh Tuyền, CND-CSA
dongducba.net (20.11.2020) – Cùng với sự phát triển kinh tế,
lãnh vực giáo dục càng ngày càng chiếm một vị trí quan trọng việc phát triển xã
hội. Người ta bàn thảo, đề nghị nhiều phương cách để cải tiến chất lượng giáo dục.
Nhiều người vẫn biết rằng, giáo dục không đơn thuần là cung cấp một lượng kiến
thức cho người học, giúp họ vượt qua các kì thi, lãnh được những tấm bằng cần
thiết. Hơn hết, giáo dục nhằm nắn đúc nên những con người đủ tài, đủ đức, có khả
năng nắm trong tay tương lai của một dân tộc. Tuy vậy, sự quan tâm dành cho
giáo dục chỉ mới dừng lại ở mức độ cải thiện các phương pháp giảng dạy và điều
chỉnh nội dung học tập. Người ta quên mất một yếu tố quan trọng trong việc giáo
dục mà không có yếu tố này, việc giáo dục không thể trọn vẹn. Đó là người giáo
viên.
Là
người Công Giáo, có bao giờ chúng ta tự hỏi, Giáo Hội mong chờ hình ảnh một nhà
giáo dục nơi chúng ta như thế nào? Ngoài những phẩm tính cần có của nghề giáo,
người giáo viên cần trang bị cho mình thêm điều gì để có thể thích nghi với những
yêu cầu của thế giới và xã hội hôm nay? Phải chăng, nhà giáo dục hôm nay phải
là những con người năng động, nhạy bén với những kiến thức, kỹ thuật mới
để có thể thích nghi với nền khoa học công nghệ ngày càng phát triển? Hay họ là
những người có bằng cấp cao, kiến thức sâu rộng để có thể trả lời cho những câu
hỏi về những điều bí ẩn của nhân loại?
Những điều kể trên là những điều cần thiết
cho nghề giáo nhưng chưa đủ để làm nên hình ảnh một nhà giáo dục. Gần đây,
trong buổi nói chuyện trực tuyến công bố Hiệp Ước Giáo Dục Toàn cầu, Đức Thánh
Cha Phanxicô có đề cập đến giáo dục là hạt giống hy vọng: hy vọng hòa bình và công lý; niềm hy vọng về
cái đẹp và cái thiện.[1] Như
vậy, có thể hiểu rằng, nhà giáo dục chính là người gieo niềm hy vọng cho thế giới
này. Giảng dạy không đơn thuần là một nghề nghiệp để mưu sinh nhưng là một ơn gọi
và sứ mạng vô cùng cao cả vì nó liên quan trực tiếp đến con người, loài thụ tạo
được Thiên Chúa trao quyền là bá chủ trái đất. Con người góp phần làm cho thế
giới tốt hơn hay trở nên xấu hơn. Vì thế, hạt giống hy vọng mà nhà giáo dục
gieo vào cuộc đời của các học trò mình sẽ trở thành những mầm xanh biến đổi bộ
mặt trái đất này.
Trong buổi nói chuyện với các nhà giáo dục
thuộc Hiệp Hội các trường Công Giáo, Đức Thánh Cha Phanxicô đề cập đến một nền
giáo dục không loại trừ, “giáo dục là một
phong trào hòa nhập. Một sự hòa nhập hướng tới tất cả những người bị loại
trừ: những người vì nghèo đói, dễ bị tổn thương do chiến tranh, đói kém và
thiên tai, vì sự chọn lọc xã hội, vì gia đình và những khó khăn tồn tại”[2]. Một
cách mạnh mẽ và thẳng thắn, Đức Thánh Cha đề cập đến một vấn đề nhức nhối nhưng
thường bị phớt lờ: định kiến trong giáo dục. Chúng ta thường nhìn con người
trong bối cảnh gia đình, vùng miền, thể trạng hay khả năng của họ. Điều đó
không sai. Thế nhưng, trong cách nhìn như vậy, nếu không cẩn thận và tỉnh táo,
chúng ta rất dễ rơi vào việc dán nhãn các em học trò của mình. Bối cảnh đời sống
của em, khả năng thể chất hay tinh thần của em có như thế nào thì đó cũng chỉ
là những yếu tố thêm vào và nhờ những yếu tố đó, nhà giáo có thể hiểu hơn về học
trò của mình. Tuy nhiên, trước mắt họ, học trò hơn hết là một con người mang
hình ảnh Thiên Chúa. Dù người học là ai, dù xuất thân của họ là gì, họ đều xứng
đáng được tôn trọng và hưởng một nền giáo dục như mọi người. Hạt giống hy vọng
mà nhà giáo dục gieo vào môi trường giảng dạy của mình sẽ xoa dịu những tổn
thương nơi các học trò của mình khi cho các em nhận ra mình được yêu thương, được
đối xử công bằng, được tôn trọng và cơ hội thay đổi cuộc đời luôn nằm trong tay
các em.
Cái
nhìn hy vọng là yếu tố hàng đầu để sống sứ vụ giáo dục theo tinh thần này vì “giáo dục không phải là một công việc
nhưng là một thái độ kiên cường bước ra khỏi mình để đồng hành với người trẻ.”[3]
Người giáo viên phải là người gieo niềm hy vọng và là chứng nhân bằng chính đời
sống gương sáng của mình. Các bạn trẻ hôm nay rất giỏi trong việc tiếp nhận
thông tin, kiến thức. Một người thầy uyên bác có thể cung cấp cho họ nhiều kiến
thức, họ sẽ ngưỡng mộ. Nhưng một người thầy làm cùng bước đi với người trẻ, lắng
nghe và chia sẻ những ưu tư của họ, cung cấp cho họ một gương sống hơn là những
lý thuyết, họ có thể biến đổi đời sống mình. Đơn giản vì họ nhận thấy mình được
trân trọng. Được trân trọng làm cho con người nhận ra mình có nhiều giá trị và
niềm hy vọng vẫn còn đó dù cho họ là ai, đang sống trong hoàn cảnh nào.
Trong
buổi nói chuyện với các giáo viên thuộc Hiệp hội các trường Công Giáo tại Ý, Đức
Thánh Cha đã mời gọi họ “hãy tiếp cận
và “yêu thương với cường độ cao hơn” những đứa trẻ ở “ngoại vi” của trường học
của họ: những đứa trẻ không thích học tập, những người bị coi là “khó khăn”, những
người khuyết tật, hãy đến các nước khác hoặc đối mặt với các vấn đề và bất lợi
khác.”[4] Phải
chăng, đây là một lời mời gọi “hãy đi ra vùng ngoại biên” dành cho các nhà
giáo? Trong những trường hợp trẻ đặc biệt như thế này, nhà giáo dục được mời gọi
hãy đón nhận chúng với con tim rộng mở, cặp mắt yêu thương và đôi tay dịu dàng.
Niềm hy vọng mà nhà giáo dục mang trong mình không cho phép họ loại trừ những
em này. Ngược lại, bằng hành động cụ thể, nhà giáo dục, người mang hy vọng, được
mời gọi “gây dựng một mối quan hệ với
tất cả học sinh, những người phải cảm thấy được chào đón và yêu mến vì họ là
ai, với tất cả các giới hạn và tiềm năng của họ.”[5] Không
dễ dàng để có thể đón nhận người khác như họ là. Tuy nhiên, nhà giáo dục trong
lời dạy của Đức Thánh Cha Phanxicô không đặt ra cho mình những tiêu chuẩn để tiếp
cận hay đón nhận các học trò của mình. Như một người gieo hạt giống, họ nhìn thấy
trong hạt giống kia là hình ảnh một cái cây xanh tốt, đầy hoa quả. Họ chấp nhận
chất lượng hạt giống dù có ra sao vẫn có thể đâm chồi và phát triển đến mức độ
nào đó tùy theo khả năng của nó. Một nền giáo dục không loại trừ một ai cần được
các nhà giáo xây dựng và theo đuổi trong suốt sự nghiệp trồng người của mình.
Thật
vậy, các học trò sẽ không thể nhận ra được rằng chúng được yêu thương, được đón
nhận và luôn có những niềm hy vọng dành cho chúng nếu như người giáo viên không
là nhân chứng của cuộc sống và hy vọng. Hạt giống hy vọng cần được gieo vào tâm
hồn các học trò của chúng ta. Trước tiên, để chính chúng có được niềm hy vọng
cho chính mình dù nhận ra bên những khả năng sở trường, vẫn tồn tại những khiếm
khuyết cần được sửa chữa, chấp nhận. Sau nữa, với hạt giống hy vọng được gieo,
các em cũng có được cái nhìn hy vọng dành cho người khác. Chẳng ai là hoàn hảo
ngoài Thiên Chúa, Đấng Tuyệt Đối Tốt Lành. Khi trao cho các em tình yêu thương,
sự đón nhận các em như các em là, người giáo viên cũng đồng thời trao cho các
em chìa khóa để mở cánh cửa tương lai của đời chúng và của nhân loại. Bởi thế,
Đức Thánh Cha kêu gọi các nhà giáo dục trong các trường học “đừng bao giờ đóng cửa lại, hãy mở rộng tất
cả để học sinh có hy vọng”[6].
Hạt
giống hy vọng mà nhà giáo dục gieo không chỉ rơi trên mảnh đất tâm hồn các học
trò của mình, nhưng còn phải được lan tỏa đến những người sống quanh các em. Sự
rộng lượng là cây con nảy sinh từ hạt giống hy vọng. “Sự rộng lượng thực sự thể hiện ở những việc làm đơn giản và những
cuộc gặp gỡ với tấm lòng rộng mở đối với Chúa và người khác. Nghĩa
là không chỉ tạo nên những con người mở rộng chiều kích trí tuệ, nhưng còn
chú ý đến sự rộng mở của trái tim và phát triển các nhân đức như trung thành,
tôn trọng, trung tín, tận tâm…”[7]
Cũng
vậy, những gì các em đã nhận được từ các thầy cô: sự yêu thương, trân trọng, sự
tha thứ, bao dung,… cần được nhân rộng trong các mối tương quan của các em với
gia đình, bạn bè, công sở… Đức Thánh Cha đề nghị: “Các giáo viên được kêu gọi để kích thích học sinh cởi mở với người khác
như một khuôn mặt, một con người, như một người anh chị em cần biết và kính trọng,
với lịch sử của chính họ.”[8] Ngoài
ra, theo lời Đức Thánh Cha, các học sinh cần được dạy để biết cởi mở và quan
tâm đến thực tế xung quanh, có khả năng quan tâm và dịu dàng, thoát khỏi những
định kiến về một con người, nhất là khi người đó phải cạnh tranh, hiếu chiến và
khó hướng tới những người khác, đặc biệt là đối với những người khác biệt, người
nước ngoài hoặc theo bất kỳ cách nào được coi là một trở ngại cho sự khẳng định
của chính mình.
Hạt
giống hy vọng mà việc giáo dục mang lại không chỉ nhằm cải thiện sự tự tin, niềm
hy vọng nơi bản thân các em nhưng còn mở ra cho các em đến với các thụ tạo khác
của Thiên Chúa. Trong buổi nói chuyện với các nhà lãnh đạo giáo dục Công giáo
vào ngày 20 tháng 2 năm 2020, Đức Thánh Cha mời gọi một cuộc cách mạng giáo dục,
hướng đến giáo dục toàn diện. Theo lời ngài, sinh thái và tình huynh đệ là một
phần không thể thiếu của giáo dục: “mục
đích của một “nền giáo dục tập trung vào con người trong thực tại toàn vẹn của
anh ta” là “trên hết” hướng đến “việc khám phá tình huynh đệ tạo ra thành phần
đa văn hóa của nhân loại.”[9]
Tiếp nối thông điệp Laudato ‘Si, Đức
Thánh Cha mời gọi các nhà giáo dục hãy “có
khả năng thiết lập lại các phương pháp giảng dạy của họ để đào tạo những người
trẻ theo một “đạo đức sinh thái”, hiểu rằng sự đa dạng không cản trở sự hợp nhất,
mà họ không thể thiếu cho sự phong phú của bản sắc riêng của mỗi người và của tất
cả mọi người.”[10] Nói
cách khác, người giáo viên cần giúp cho các học trò của mình trở thành những
“công dân sinh thái”: dạy cho các em thấy được cái đẹp của tạo hóa, sống có
trách nhiệm với môi trường sinh thái. Ngài đã đề cập: “Các Giáo viên phải giúp trẻ hiểu và thực hành một lối sống đạo đức với
môi trường, không được phân biệt, tức là một lối quan tâm rời rạc, chẳng hạn
như: chăm sóc các loài động vật đang bị tuyệt chủng, nhưng lại bỏ qua những vấn
đề mà người già đang phải đối mặt” hay “Một lối sống phù hợp với đạo đức môi
trường, không thể thể hiện quan tâm đến động
vật và rừng, hơn là hoàn cảnh của con người”[11] – đồng thời giúp trẻ em ý thức
tầm quan trọng của trách nhiệm cá nhân, ham thích thực hành những việc đạo đức,
nơi môi trường xuất phát từ những lựa chọn và hành vi trong cuộc sống hằng
ngày.
Hạt
giống hy vọng mà mỗi nhà giáo dục gieo vào các học trò của mình tưởng chừng như
thật quá nhỏ bé trước một thế giới rộng lớn với bao biến động kia. Thế nhưng,
quá trình âm thầm lớn lên từng ngày của nó lại mang đến một kết quả ngoài sức
tưởng tượng. Đức Giêsu – Nhà giáo dục vĩ đại, gương mẫu của các nhà giáo, đã
sánh ví mầu nhiệm Nước Trời với hạt giống nhỏ bé kia. “Nước Trời giống như
chuyện hạt cải người nọ lấy gieo trong ruộng mình. Tuy nó là loại nhỏ nhất
trong tất cả các hạt giống, nhưng khi lớn lên, thì lại là thứ lớn nhất; nó trở
thành cây, đến nỗi chim trời tới làm tổ trên cành được.” (Mt 13, 31 – 32). Thật
vậy, những gì mà nhà giáo dục gieo hôm nay nơi các học trò của mình, có thể sẽ
không thấy ngay kết quả nhưng trong tương lai, nơi các em, hạt giống ấy sẽ trở
thành những điều kì diệu, có đủ sức biến đổi cuộc sống của các em và cả thế giới.
Sứ mạng giáo dục cũng vì thế mà trở nên đẹp hơn, đáng cho nhà giáo dục dấn thân
và cống hiến tâm sức của mình. Điều thánh Phaolô đã nói, thật đáng để mỗi nhà giáo
dục lấy đó làm nguồn động viên và cậy trông cho ơn gọi của mình: “Tôi trồng, anh Apolo tưới nhưng Thiên Chúa mới làm cho lớn lên” (1Cr
6)
Nguồn: dongducba.net
[2] Pope
Francis urges catholic educators to teach inclusive integral ecology, Courtney
Mares, Catholic News Agency, Feb. 20, 2020:
catholicnewsagency.com
[4] Pope
Francis: Kids need values, hope from teachers; teachers need better
pay, Carol Glatz, Catholic news Service Vatican, Mar 16, 2015, ncronline.org
[8] Pope
to primary school teachers: Create culture of encounter, Philippa Hitchen,
Vatican News, January 5. 2018, vaticannews.va
[9] Pope
Francis urges catholic educators to teach inclusive integral ecology, Courtney
Mares, Catholic News Agency, Feb. 20, 2020:
catholicnewsagency.com
[11] Pope
Francis to teachers: Help students to be open to others in a ‘culture of
encounter’,
January 05, 2018, americamagazine.org