NGƯỜI TRẺ LOAN BÁO TIN MỪNG
NGANG QUA PHƯƠNG TIỆN TRUYỀN THÔNG TRUYỀN
THỐNG
TRONG MÔI TRƯỜNG NGUYỆN XÁ
Tác giả: Lm. Micae Rua Trần Phạm Hoàng Gia Thi, SDB
Dẫn nhập
Qua mọi thời, người Kitô hữu vẫn nắm rõ lệnh truyền của Đức
Giêsu: “Anh em hãy đi khắp tứ phương
thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16,15). Lệnh
truyền của Đức Giêsu được Công đồng Vaticanô II xác định là bản chất của Giáo hội
(x. AG 2). Ngày nay, Giáo hội vẫn tiếp tục sứ mệnh loan báo Tin mừng qua những
cuộc xuất phát truyền giáo cho muôn dân. Những người nam, người nữ đã rời quê
hương của mình đi tới nhiều nơi trên thế giới, và đến với các dân tộc chưa nhận
biết Đức Giêsu để mang Tin mừng của Ngài đến cho họ. Nhờ đó, họ được hưởng ơn cứu
độ. Hành trình loan báo Tin mừng đó được kể đến như là sứ mệnh truyền giáo Ad
Gentes.[1] Ngoài viễn cảnh rộng lớn của
việc mở rộng Nước Thiên Chúa, Giáo hội quan tâm đến lãnh vực củng cố và duy trì
đời sống đức tin cho các Kitô hữu ngang qua khía cạnh Phúc âm hóa và Tân Phúc
âm hóa. Đây là hướng đi cụ thể và chắc chắn của Giáo hội từ sau Công đồng
Vaticanô II nhằm thúc đẩy và canh tân đời sống đức tin của các Kitô hữu. Điều
này cho phép Giáo hội nhìn lại và đào sâu căn tính truyền giáo của mình, đồng
thời khơi dậy và khích lệ các vị Mục tử của Giáo hội quan tâm hơn đến đời sống
đức tin của đoàn chiên một cách ý thức và trách nhiệm. Cách thức mục vụ này của
Giáo hội chủ yếu nhắm đến các Kitô hữu đang sinh hoạt tại các Giáo xứ, cũng như
những thành viên của Giáo hội, vì một lý do nào đó, đã không còn hiệp thông với
Giáo hội trong một thời gian dài.[2]
Đây là cái nhìn khái quát về khía cạnh loan báo Tin mừng của
Giáo hội. Điều này cho thấy trách nhiệm loan báo Tin mừng không dành cho riêng
ai mà là cho tất cả người Kitô hữu. Trong khía cạnh Mục vụ Giới trẻ, người trẻ
được xem là nhân tố chính trong tất cả mọi hoạt động của Phong trào Giới trẻ, kể
cả sứ vụ loan báo Tin mừng. Vai trò của người trẻ trong việc loan báo Tin mừng
rất hiếm khi được đề cập, vì thế, Mục vụ Giới trẻ phải đề ra kế hoạch giúp người
trẻ học cách để loan báo Tin mừng ngay trong chính môi trường họ sống. Ở đây,
tôi muốn nhắc đến một môi trường cụ thể giúp người trẻ khám phá trách nhiệm
loan báo Tin mừng ngang qua các Phương tiện Truyền thông Truyền thống, cách
riêng trong môi trường Nguyện xá. Linh đạo sân chơi[3]
được triển khai sống động trong Phương pháp Giáo dục của Don Bosco, một nhà giáo
dục của người trẻ, là cách thức mà chúng ta có thể áp dụng trong việc đồng hành
với người trẻ và khơi dậy ngọn lửa truyền giáo nơi những người trẻ. Nguyện xá
là môi trường nhân văn được tích hợp nhiều yếu tố, được mở ra để đón tiếp người
trẻ đến vui chơi, giải trí, học tập và cầu nguyện. Đây là bầu khí hoàn toàn
thích hợp với sứ mệnh loan báo Tin mừng của Giáo hội được diễn ra trong không
gian của các Giáo xứ và các Dòng hoạt động. Môi trường giáo dục này thu hút rất
nhiều thanh thiếu niên và người trẻ, cả những người Kitô hữu và không phải Kitô
hữu, tự nguyện tham gia để trở thành thành viên của Nguyện xá. Điều này phác họa
ra một không gian lý tưởng cho việc loan báo Tin mừng được áp dụng dành cho những
người trẻ đến từ nhiều nơi khác nhau.[4]
1. Nguyện xá[5]:
mô hình hữu hiệu cho việc loan báo Tin mừng
Nguyện xá là môi trường cần thiết và hữu hiệu để triển khai
kế hoạch loan báo Tin mừng. Nguyện xá không phải là khái niệm và mô hình được
Don Bosco khởi xướng. Nó được triển khai và hoạt động từ thời của thánh Phi-líp
Nê-ri. Tuy nhiên, Don Bosco là người có công lớn trong việc xây dựng mô hình
Nguyện xá hoàn hảo theo tiêu chuẩn mà chính Ngài áp dụng cách hiệu quả dành cho
các học sinh của mình. Trong khóe nhìn của Don Bosco, “các khía cạnh quan trọng nhất của Nguyện xá đã được xác định là Gia
đình, Giáo xứ, Trường học và Sân chơi”[6].
Các tiêu chuẩn này, cho đến ngày này, vẫn là nền tảng cho các Nguyện xá ở khắp
nơi trên thế giới có sự hiện diện của các Salêdiêng. Trong môi trường Nguyện
xá, thanh thiếu niên được vui chơi giải trí với những trò chơi được tổ chức bởi
những nhà giáo dục, được tham dự các khóa học văn hóa hoặc những kỹ năng khác
nhau. Nơi đây các thanh thiếu niên luôn được khơi lên ý thức về một gia đình rộng
lớn và học cách để sống tình gia đình trong không gian của Nguyện xá, họ được
trải nghiệm những bài học về nhân cách, và đặc biệt họ được khơi lên về tâm
tình và những giá trị tôn giáo. Tất cả những điều này sẽ là nền tảng quan trọng
giúp cho những nhà giáo dục bắt đầu tiến trình loan báo Tin mừng và đưa các giá
trị của Tin mừng đến với người trẻ mà không hề dùng bất cứ một phương pháp cưỡng
bức nào.[7]
Giá trị của Tin mừng và khuôn mặt của Đức Kitô được giới thiệu
đến với các thanh thiếu niên và người trẻ một cách tự nhiên và hiệu quả trong
môi trường Nguyện xá. Ngày nay, nền văn minh và sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật
hiện đại mở ra cho nhân loại một viễn cảnh rộng lớn khiến nhiều người trẻ dễ
dàng quên đi những giá trị nhân văn hoặc giá trị tôn giáo. Người trẻ luôn cảm
thấy thế giới mà họ đang sống có khả năng đáp ứng mọi nhu cầu của họ. Sự sung
túc mà họ đang tận hưởng khiến họ phớt lờ hoặc đánh mất những giá trị tâm linh.
Thế tục hóa như một xu hướng đang dần đẩy lui những giá trị tinh thần của con
người và những nền tảng tâm linh của các tôn giáo. Điều này tạo nên sự tách biệt
và nhanh chóng tạo ra khoảng cách giữa con người và tôn giáo, giữa những giá trị
nhân văn và những giá trị thiêng liêng. Nạn nhân chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ bối
cảnh này vẫn là những người trẻ. Họ không có khả năng để phân biệt và phân định
đâu là những điều đem lại giá trị cho cuộc sống của họ. Những người Kitô hữu trẻ
dần dần bị tách biệt khỏi đời sống của Giáo hội. Giáo hội trở thành một thực thể
riêng biệt và không liên quan gì đến đời sống của người trẻ. Nói khác đi, đời sống
tâm linh của người trẻ bắt đầu có dấu hiệu giảm sút vì tính liên đới trong đời
sống đức tin không còn được duy trì giữa họ với Giáo hội. Chính lý do này, việc
tạo ra môi trường giúp cải thiện việc đưa Tin mừng của Đức Kitô đến với những
người trẻ là cần thiết và cấp thiết hơn bao giờ hết. Môi trường Nguyện xá có thể
đáp ứng nhu cầu này một cách chắc chắn và dễ dàng, bởi trong môi trường đó, người
trẻ nhận được những giá trị Tin mừng không chỉ trong những giờ phút trong các lớp
giáo lý, trong các giờ cầu nguyện, nơi giảng đường hoặc trong các lớp học về kỹ
năng, nhưng ngay cả trên sân chơi và trong các hoạt động giải trí. Gương mặt của
Đức Giêsu luôn sống động nơi người trẻ ngang qua sự sinh động và sáng tạo của
chính người trẻ.
Trong phương pháp giáo dục của Don Bosco, sân chơi rất quan
trọng. Khi suy tư về linh đạo sân chơi, Đức TGM Francisco Panfilo, SDB, khẳng định
lại lần nữa rằng: “Nếu tôi nói không
ngoa, nhiều khi sân chơi còn quan trọng hơn cả nhà nguyện nữa”.[8] Rõ ràng, “những trải nghiệm đa dạng của bốn tiêu chuẩn
trường tồn [Gia đình, Giáo xứ, Trường học và Sân chơi] tạo nên một và sự thống
nhất không thể tách rời. Nó giả định nhiều hình thức hành động khác nhau để ứng
phó với tình hình của giới trẻ, và do đó không thể bỏ qua điều nào trong số bốn
hình thức này”[9]. Thêm vào đó, người trẻ truyền
giáo cho người trẻ là một cách hiệu quả đến bất ngờ mà những người có kinh nghiệm
trong việc loan báo Tin mừng chưa chắc đã thực hiện được điều này. Không ai có
thể hiểu được ngôn ngữ của người trẻ bằng chính người trẻ. Do đó, một môi trường
mà mọi thành viên luôn ý thức được vai trò của mình là giúp những người bạn
cùng trang lứa trở nên những “người công dân lương thiện và người Kitô hữu tốt
lành” luôn là một nét đẹp được lan tỏa cách tự nhiên mà không cần phải dùng bất
cứ sự tác động cách miễn cưỡng từ bên ngoài.[10]
2. Phương tiện Truyền
thông Truyền thống hỗ trợ việc loan báo Tin mừng trong môi trường Nguyện xá
Trong môi trường Nguyện xá, dù là một bối cảnh có khả năng tự
lan tỏa những giá trị Tin mừng nhưng rõ ràng, nó không phải là mặc nhiên. Những
điều mà chúng ta cho là tác nhân trong việc loan báo Tin mừng phải được định
hình bởi một quá trình và chiến lược giáo dục – loan báo Tin mừng lâu dài. Những
gì đến một cách tự nhiên, chúng sẽ tự biến mất. Điều đó cho chúng ta thấy rằng
việc loan báo Tin mừng hẳn phải là một quá trình rèn luyện và cộng tác tích cực
giữa người trẻ và nhà giáo dục.[11] Ở đây, yếu tố ưu tiên được
đề cập có tác động lớn lao đối với việc loan báo Tin mừng sẽ được thực hiện
ngang qua những Phương tiện Truyền thông Truyền thống thường được sử dụng trong
Nguyện xá. Yếu tố căn bản này dựa trên chính tầm nhìn và sự giáo dục thời thơ ấu
của Don Bosco. Đây chính là khởi điểm tạo nên sức mạnh truyền thông trong việc
loan báo Tin mừng cho những người trẻ. Bởi vì “việc loan báo Tin mừng không chỉ có nghĩa là giảng dạy một giáo lý mà
còn rao truyền Chúa Giêsu bằng lời nói và hành động, nói cách khác, trở thành một
công cụ cho sự hiện diện và hành động của Thiên Chúa trên thế giới”.[12]
Yếu tố được đề cập trong vô số cách tạo nên một kế hoạch
truyền thông cho việc loan báo Tin mừng chính là nghệ thuật và trò chơi. Nó
đóng vai trò quyết định và quan trọng trong việc giáo dục của Don Bosco trong
môi trường Nguyện xá do ngài thành lập ở Tôrinô - nước Ý. “Truyền thông xã hội lấp đầy thế giới và xác định cách con người cùng tồn
tại. Do đó, nó rất quan tâm đến ơn gọi của các nhà giáo dục làm việc trong việc
cổ võ và truyền giáo, và do đó, nó là một chiều kích cụ thể của đặc sủng
Salêdiêng.”[13] Vì tầm quan trọng của nó đối
với tuổi trẻ của Don Bosco, một nhà truyền thông vĩ đại cho người trẻ, nó cũng
tiếp tục đóng vai trò trung tâm trong cuộc sống của những người trẻ đến tham
gia Nguyện xá, thậm chí ngang qua những trò chơi trực tuyến sử dụng phương tiện
kỹ thuật số và mạng xã hội. “Truyền thông
xã hội không chỉ đơn giản là một tập hợp các công cụ hoặc phương tiện vật chất
để sử dụng; thay vào đó, nó là bộ phận khăng khít của bất kỳ sự hiện diện nào
liên quan đến việc giáo dục và loan báo Tin mừng thông qua các hoạt động cụ thể
hoặc thông qua các loại hoạt động khác nhau ảnh hưởng đến văn hóa đại chúng và
thúc đẩy các hình thức xã hội thích hợp.”[14]
Khả năng giao tiếp của người trẻ đóng vai trò rất quan trọng
trong việc loan báo Tin mừng cho những người bạn đồng trang lứa. Ngang qua những
trò chơi tại Nguyện xá, người trẻ học biết được nghệ thuật giao tiếp và tích
lũy khả năng giao tiếp của chúng với những người khác. Người trẻ học cách hiểu
và sống Tin mừng ngang qua những cuộc gặp gỡ và đàm thoại với nhà giáo dục. Qua
đó, họ cũng học cách chuyển tải thông điệp họ nhận được từ người khác cho những
người bạn của họ. Tất cả có thể được diễn ra một cách nhẹ nhàng và hiệu quả, và
tạo nên những giá trị tích cực khiến nhiều nhà giáo dục phải thực sự ngạc
nhiên.
Trong môi trường Nguyện xá, những môn nghệ thuật mà người trẻ
tham gia, cùng với các mối tương quan được người trẻ kiến tạo, sẽ đóng góp nhiều
trong việc phát triển khả năng giao tiếp của người trẻ ngay chính trong môi trường
Nguyện xá. Điều này được minh chứng và được ghi nhận trong Hồi ký Nguyện xá của
Don Bosco, Don Bosco viết một cách rất đơn giản và minh bạch về những gì ngài
thích làm, và cách ngài phát triển các kỹ năng của mình trong lĩnh vực âm nhạc,
trò chơi, sân khấu, may vá, cũng như năng lực của ngài đối với các mối quan hệ
xã hội và khả năng lãnh đạo giữa các bạn đồng trang lứa.[15]
Quả thật, Nguyện xá là môi trường tích hợp giúp người trẻ trau dồi và gia tăng
khả năng giao tiếp của họ, từ đó, sức mạnh của việc giao tiếp đó chính là đà tiến
cho một tiến trình loan báo Tin mừng của người trẻ cho người trẻ.
Nghệ thuật âm nhạc và biểu diễn là một ngôi trường đích thực
dạy cho người trẻ cách loan báo Tin mừng thực sự. Trong mỗi hoàn cảnh người trẻ
tham dự, họ học cách mở ra và bắt đầu hành trình khám phá nội tâm của họ. Họ học
cách diễn tả những giá trị Tin mừng họ được tiếp nhận cho những người bạn đồng
trang lứa với sự sáng tạo và sức năng động của tuổi trẻ. Trong đó, những đòi hỏi
của Tin mừng được chuyển giao qua những hoạt động mang tính giải trí khiến cho
người trẻ không cảm thấy miễn cưỡng và gò ép, nhưng họ thực sự thú vị và vui
thích với những đòi hỏi của Tin mừng như là một cơ hội giúp họ trưởng thành hơn
trong đời sống đức tin sâu sắc. Yếu tố này giúp rèn luyện người trẻ từng bước học
cách nhận ra và chấp nhận chính mình. Sự rèn luyện này là cuộc gặp gỡ đam mê
bên trong và sự học hỏi, trực giác và quy tắc, tài năng và các bước cần thiết
khi bắt đầu một hành trình cuộc sống mới khi họ rời Nguyện xá của các Giáo xứ
trở về gia đình hoặc bước vào trong một môi trường khác.[16]
Họ dần dần học được cách loan báo Tin mừng và thích nghi với mọi hoàn cảnh đầy
thách đố mà họ sẽ đối diện trong thời gian tới.
Ngoài âm nhạc, kỹ năng trò chơi được xem là một cách để giúp
người trẻ thực hiện vai trò chứng tá của mình. Điều này tạo nên một quá trình học
hỏi liên tục nơi người trẻ. Qua đó người trẻ bắt đầu dấn thân vào tiến trình
rèn luyện và nhận thức về tầm quan trọng của việc phát triển các hoạt động thể
chất, nghệ thuật và tâm linh. Khi viết về tầm quan trọng của trò chơi đối với
Gioan Bosco, tác giả Arthur J. Lenti (2014) đã viết rằng: “Don Bosco không chỉ nhận ra sự hữu ích của trò chơi khi giải trí, mà
còn đối với sự phát triển toàn diện của người trẻ. Đối với ngài, giáo dục có
nghĩa là giúp người trẻ trưởng thành. Trò chơi là một hoạt động cần thiết để
người trẻ đạt đến sự trưởng thành. Để giúp họ thăng hoa những khuynh hướng nhất
định, hiểu biết nhau qua sự cạnh tranh với người khác, và nhận ra và kiểm soát
những bất đồng của chính họ.”[17] Trong khía cạnh này, người
trẻ nhận ra họ cần phải trở nên một nhân chứng cho những điều chân thực, đồng
thời thấy được sức mạnh của việc làm chứng từ những đề xuất tự phát mang tính
đòi hỏi trong việc đưa những giá trị cao đẹp đến với người khác.
Bằng cách học nhạc, biểu diễn, ca hát và tham gia những hoạt
động trò chơi, người trẻ đã học cách thể hiện chính mình một cách tự do và chân
thực. Điều này hoàn toàn dễ dàng để giúp người trẻ hiểu được những giá trị Tin
mừng của Đức Giêsu. Người trẻ nhận thức được rằng, để đạt được những giá trị và
chân lý của Tin mừng, họ cũng phải trải qua hành trình rèn luyện, thử thách và
chinh phục những khó khăn xảy ra trong con đường đó. Đó là sự thực mà người trẻ
có thể cảm nhận và mạnh mẽ can đảm để thực hiện chúng với sự nỗ lực hết sức và
sự phấn đấu trong từng ngày của họ. Nếu cách học nhạc, biểu diễn, ca hát và
tham gia những trò chơi đòi hỏi người trẻ thể hiện bản thân của họ cách tự do
và chân thực, thì việc sống và loan báo Tin mừng cũng cần được họ tiếp nhận
cách tự do và xác tín dựa trên những chân lý của Tin mừng. Người trẻ chỉ có thể
tự nguyện loan báo Tin mừng khi họ thực sự cảm nhận được những giá trị Tin mừng
đem lại cho họ sức sống và sự biến đổi nội tâm.
Người trẻ sẽ tự trưởng thành và thăng tiến đời sống đức tin
trong khi tham gia vào quá trình đào luyện nhân cách. Họ học cách đánh giá, tán
thưởng, phê bình và khen ngợi từ những cuộc vui chơi của họ. Điều này tạo cho họ
óc phán đoán, phê bình và phân định trước những giá trị trần tục và thiêng
liêng diễn ra ngay trong chính bối cảnh mà họ đang sống. “Nghệ thuật không mở ra bất cứ không gian nào cho sự phân biệt hoặc bộc
lộ điều gì đó về cái chính mình không đúng sự thật. Nếu người ta nói rằng họ có
thể chơi một loại nhạc cụ, thì họ phải chơi được nó, chứng tỏ rằng họ biết họ
đang làm gì, nếu không, họ ngay lập tức đón nhận những lời phê bình. Nghệ thuật
thực sự bộc lộ con người đích thực”.[18]
Từ đó, người trẻ cũng học được cách nhận ra chính họ trong con đường thăng tiến
đời sống đức tin của họ. Họ chỉ thực sự trở nên những người công dân lương thiện
khi họ bắt đầu tiến trình trở thành người Kitô hữu tốt lành. Điều này cho thấy
rõ rằng, việc loan báo Tin mừng bắt đầu được thực hiện trong môi trường Nguyện
xá và người trẻ bắt đầu được thấm nhuần những giá trị của Tin mừng ngang qua những
Phương tiện Truyền thông Truyền thống.
Kết luận
Nói tóm lại, việc loan báo Tin mừng cho người trẻ trong môi
trường Nguyện xá nên là chọn lựa ưu tiên của những nhà giáo dục. Đây là không
chỉ là môi trường áp dụng phương pháp giáo dục của Don Bosco hoàn toàn dựa trên
lý trí, tôn giáo và tình thương mến, mà còn là biểu hiện chính sứ mệnh của Giáo
hội là “giáo dục và loan báo Tin mừng
theo một kế hoạch vì sự hạnh phúc toàn diện của con người hướng về Đức Kitô,
Con Người hoàn hảo”.[19] Trung thành với ý định của
Thiên Chúa, mục đích của giáo dục Kitô giáo là đào tạo những công dân lương thiện
và những Kitô hữu tốt lành.
Mối quan hệ giữa Truyền thông Xã hội và việc loan báo Tin mừng,
hay thực tế hơn là giữa việc sử dụng ngôn ngữ và các Phương tiện Truyền thông
Xã hội cho Tin mừng và phong cách hoạt động của Mục vụ Giới trẻ là “loan báo
Tin mừng bằng cách giáo dục”, có tác động sâu sắc đến hoạt động của Giáo hội.
Nó không chỉ có nghĩa là giáo dục về các Phương tiện Truyền thông, tức là để giải
thích một cách phê bình các thông điệp truyền thông mà còn loan báo Tin mừng
ngang qua các Phương tiện Truyền thông.[20]
Điều này sẽ thúc đẩy và đánh giá cao tất cả các hình thức và cách diễn đạt
thông tin liên lạc, như âm nhạc, sân khấu, điện ảnh, truyền hình, nhiếp ảnh,
truyện tranh, đa phương tiện và các hình thức nghệ thuật khác với phạm vi giáo
dục và loan báo Tin mừng cách hiệu quả và rõ ràng.
[1] x. Eilers, Franz-Josef. Communicating in Ministry and Mission: An
Introduction to Pastoral and Evangelizing Communication. Fourth Updated Edition
Manila: Logos, 2018. p. 235.
[3] x. Francisco Panfilo. Linh đạo Sân chơi. Trích từ https://thegioisaledieng.net/linh-dao-san-choi-nhung-suy-tu-dua-tren-la-thu-cua-don-bosco-viet-tu-roma/
[4] x. Fabio Attard. Mục vụ Giới Trẻ Salêdiêng (Khung quy chiếu).
Direzione Generale Opere Don Bosco - Rome Aurelia, Editrice S.D.B, 2014, tr.
87.
[5] Don Bosco gọi công cuộc của ngài là “Nguyện xá”, một tên gọi do thánh
Phi-líp Nê-ri (1515-1595) sử dụng. Don Bosco muốn nơi này là một chỗ và một thực
hành tông đồ cho các bạn trẻ tập họp lại để cầu nguyện, cử hành các lễ Chúa Nhật
và lễ trọng, xưng tội, rước lễ và giảng cùng dạy giáo lý, với các phương tiện
thu hút các bạn trẻ gồm trò chơi, đi dạo, học hành, với việc giúp giải quyết việc
làm, và một nhà nội trú.
[8] Francisco
Panfilo. Linh đạo Sân chơi. Trích từ https://thegioisaledieng.net/linh-dao-san-choi-nhung-suy-tu-dua-tren-la-thu-cua-don-bosco-viet-tu-roma/
[9] Fabio Attard. Mục vụ Giới Trẻ Salêdiêng (Khung quy chiếu). Direzione
Generale Opere Don Bosco - Rome Aurelia, Editrice S.D.B, 2014, tr.137.
[13] Fabio Attard. Mục vụ Giới Trẻ Salêdiêng (Khung quy chiếu). Direzione
Generale Opere Don Bosco - Rome Aurelia, Editrice S.D.B, 2014, tr. 169.
[16] x. Gildasio Mendes, Chuyên mục: Don Bosco: Kỹ thuật số và thực tế ảo.
Trích từ: https://thegioisaledieng.net/chuyen-muc-don-bosco-ky-thuat-so-va-thuc-te-ao/
[17] Arthur J. Lenti. Don Bosco, History and Spirit: Vol. 1, Don Bosco's
Formative Years in Historical Context. Las - Rome. tr. 99.
[18] Gildasio Mendes, Chuyên mục: Don Bosco: Kỹ thuật số và thực tế ảo.
Trích từ: https://thegioisaledieng.net/chuyen-muc-don-bosco-ky-thuat-so-va-thuc-te-ao/
[19] Fabio Attard. Mục vụ Giới Trẻ Salêdiêng (Khung quy chiếu). Direzione
Generale Opere Don Bosco - Rome Aurelia, Editrice S.D.B, 2014, tr. 58.
[20] x. Sđd., tr. 172.