NGƯỜI TÔI TỚ CỦA
CHÚA עֶבֶד ‘EBED ADONAJ
Tứ Quyết, S.J.
Ai đó đọc một cách chăm chú và liên tục
“Sách An Ủi” (Sách Ngôn Sứ Isaia II)[1] sẽ
nhận thấy rằng, ở một số chỗ, đường kết nối trong mạch văn về các lời ngôn sứ
Isaia bị gián đoạn, để nhường chỗ cho bốn đoạn đặc biệt, được gọi là “Các Bài
Ca về Người Tôi Tớ của Chúa” (Is 42,1-7; 49,1-7; 50,4-9; 52,13–53,12) […] Nhân
vật chính trong các bài ca này mang một dung mạo được gọi tên עֶבֶד ‘ebed
Adonaj Người Tôi Tớ của Chúa. Tên gọi này thực ra là một tước hiệu
mang đầy tính bí ẩn. Ai là Người Tôi Tớ này?[2]
“Người Tôi Tớ của YHWH” (YHWH: Giavê, Danh
xưng của Thiên Chúa) là một cá nhân cụ thể, hay là một sự nhân cách hóa cho cả
một tập thể? Nếu là một tập thể thì đó là tập thể nào? Đó là toàn thể dân
Israel, hay chỉ là “số sót của những người công chính”, những người đảm nhận
vai trò đặc biệt để cứu lấy dân tộc mình? Nếu là một cá nhân, thì đó là nhân vật
của quá khứ, hiện tại, hay tương lai? Nếu là nhân vật của tương lai, thì đó là
một nhân vật mà ngôn sứ Isaia tiên báo, hay chỉ là một hình ảnh lý tưởng theo
kiểu hoàn toàn mang tính biểu tượng?[3]
Trước những câu hỏi và giả thuyết đó, người
viết không muốn đóng vai trò của chuyên gia làm một nghiên cứu lớn để tìm đáp
án. Người viết cũng không thích thú trong việc lặp lại những gì các chuyên gia
đã nói. Thay vào đó, trong vai trò như một học trò và một môn đệ, người viết muốn
đọc bốn Bài Ca, cùng với các nhà chú giải để suy tư và phản tỉnh, để cảm nếm sự
phong phú và kín múc kho tàng quý giá từ dung mạo và căn tính của Người Tôi Tớ
trong bốn Bài Ca ấy. Sau đó, người viết có một tổng hợp nhỏ mang tính cá nhân.
Sau đây là lược đồ với ba bước:
- עֶבֶד ‘ebed
Adonaj, Người Tôi Tớ của Chúa, thuật ngữ trong bốn Bài Ca
- Người Tôi Tớ, dung mạo của các ngôn sứ
trong quá khứ
- Người Tôi Tớ, dung mạo của Đức Kitô
I. עֶבֶד ‘ebed Adonaj Người Tôi Tớ của Chúa
Chữ עֶבֶד ‘ebed Người
Tôi Tớ được tìm thấy 19 lần trong sách ngôn sứ Isaia II: 12 lần trong vai ngôi
thứ nhất số ít, 2 lần trong vai ngôi thứ ba số ít, 2 lần cùng với giới từ le,
1 lần cùng với giới từ ke, 2 lần không có xác định gì; dạng
số nhiều thì tìm thấy 2 lần (Is 54:17; 44:26). Rất nhiều chỗ, bản văn xác định
người tôi tớ cùng với dân Israel (41:8; 44:1,21; 45:4; 49:3), cùng với Giacóp
(41:8; 44:1,2,21; 45:4; 48:20), hoặc trực tiếp như “Israel, Tôi Tớ của Ta”
trong 41:8.9; 44:21; 49:3; và như “người mà Ta tuyển chọn” trong 45:4[4]. Tuy
nhiên, chúng ta không xem xét chữ ‘ebed Người Tôi Tớ trong tất
cả sách ngôn sứ Isaia II, mà chỉ tập trung vào bốn Bài Ca mà thôi.
Chúng ta sẽ không làm việc phê bình bản văn,
phê bình thể loại văn chương, hoặc việc biên soạn bản văn… của bốn Bài Ca, mà với
lòng biết ơn, chúng ta đón nhận những kết quả tốt đẹp mà rất nhiều vị tiền bối
đã làm.
1. Bài
Ca thứ nhất (Is 42:1-7): Người Tôi Tớ “vô danh”
Is 42:1-7 là một thể thống nhất (một bài
thơ) chia làm hai phần[5]. Phần
thứ nhất Is 42:1-4 được sáng tác theo phong cách trầm, hơi u sầu; có sức nặng
và rất tập trung, và điều này làm nên sự khác biệt khi so với các Bài Ca khác.
Phần thứ hai Is 42:5-7, có nhiều học giả tranh luận rằng, không biết phần này
có thuộc về Bài Ca thứ nhất này hay không[6].
Đây là người tôi tớ của Ta עֶבֶד mà
Ta nâng đỡ, là người Ta tuyển chọn và hết lòng quý mến (Is
42:1)
Trong khi đó, Kinh Thánh Cựu Ước bản LXX có
thêm vào các chữ Ιακωβ Giacóp và Ισραηλ Israel Ιακωβ ὁ παῖς μου ἀντιλήμψομαι, αὐτοῦ Ισραηλ ὁ ἐκλεκτός
μου … Tạm dịch: “Đây là Giacóp người
tôi tớ của Ta עַבְדִּי mà Ta nâng đỡ, là
Israel người Ta tuyển chọn…”
2. Bài
Ca thứ hai (Is 49:1-6): Danh tính của Người Tôi Tớ “bị tranh cãi”
Hỡi Israel, ngươi là tôi tớ của
Ta (49:3) và quy tụ dân Israel chung quanh (cho)
Người (49:5)
Khi nhắc đến Israel ở đây, đã tạo nên khó
khăn cho ai muốn hiểu muốn giải thích Người Tôi Tớ như một cá nhân. Bởi lẽ, rõ
ràng ở đây Israel là một tập thể, một dân Israel. Tuy nhiên, nếu giải thích
Israel như là một tập thể, một dân, thì cũng khó: Làm thế nào mà Người Tôi Tớ
Israle (dân Israel) có một sứ mạng đối với dân Israel (49:5)? Ở đây cũng có vấn
đề liên quan đến ngữ pháp tiếng Do Thái[7]. אָ֑תָּה ’āt·tāh ‘bạn,
con, ngươi…’ trong 49:3 là một đại từ ngôi thứ hai số ít, giống đực. (Lưu ý, tiếng
Việt là ngôn ngữ có tính tương quan, nên dù có cùng chức năng ngữ pháp, nhưng
được dịch khác nhau. Ví dụ, ngôi thứ hai, số ít được dịch là bạn trong mối
tương quan bạn-tôi, được dịch là con trong mối tương quan con-cha, được dịch là
ngươi trong mối tương quan ngươi-Ta).
Không dễ để tìm được một giải pháp. Thứ nhất,
có thể Người Tôi Tớ là sự quy tụ của mọi người trong dân Israel, đặc biệt là
các thành viên thánh thiện trong dân, và một cá nhân như thế chắc chắn là có sứ
mạng hướng đến các thành phần tội lỗi trong dân Israel[8]. Thứ
hai, Người Tôi Tớ chính là dân Israel[9]. Tuy
nhiên, câu hỏi vấn còn mở ngỏ. Vấn đề đó là: Làm thế nào để đồng thời hiểu được
dung mạo của Israel trong các câu 49:3 và 49:5, lại vừa phù hợp về mặt ngữ
pháp, vừa nhất quán về nội dung trong Bài Ca thứ hai?
3. Bài
Ca thứ ba (Is 50:4-9): Dung mạo “ẩn danh”
Nếu Người Tôi Tớ trong Bài Ca thứ nhất và thứ
hai là một vị thẩm phán, hoặc một vị vua, hoặc một vị ngôn sứ, Người Tôi Tớ
trong Bài Ca thứ hai có một tên gọi riêng ‘Israel’, thì ở đây trong Bài Ca thứ
ba, dung mạo của Người Tôi Tớ thay đổi rất nhiều: là một môn đệ. Người ấy không
làm điều gì vĩ đại, mà trên hết là cần biết lắng nghe.
Đức Chúa là Chúa Thượng, đã
cho tôi nói năng như một người môn đệ, để tôi biết lựa lời nâng đỡ ai
rã rời kiệt sức. Sáng sáng, Người đánh thức, Người đánh thức tôi, để tôi lắng
tai nghe như một người môn đệ. (Is 50:4)
Người Tôi Tớ trước hết phải là một môn đệ,
đón nhận Lời của Thiên Chúa, trước khi có thể dạy cho người khác. Tác giả
Cazelles đã nói rằng đây là một bản văn khó nuốt, bởi vì “Đức Chúa là Chúa
Thượng, đã cho tôi nói năng như một người môn đệ, đã đặt tôi
vào thử thách… Đây là một người mệt mỏi vì bị Lời của Chúa đánh thức vào mỗi
sáng…”[10]
4. Bài
Ca thứ tư (Is 52:13-53:12): Người Tôi Tớ với hình phạt và sự hòa giải
Những ý tưởng đẹp nhất và những hành động
anh hùng nhất của dân Chúa đã tuôn chảy trong tác phẩm về Bài Ca về Người Tôi Tớ
đau khổ. Trong Bài Ca thứ tư này, Người Tôi Tớ chia sẻ số phận đau khổ của tất
cả, nhưng nổi bật là sự vô tội và sự tuân phục hoàn toàn dành cho Thiên Chúa. Học
thuyết về sự đau khổ, tìm thấy sự diễn tả đỉnh cao và cực độ nơi những câu thơ
của Bài Ca này[11].
Tại đây, câu hỏi về danh tính, về căn tính của
Người Tôi Tớ trở nên vô cùng sắc nét. Truyền thống trước Kitô giáo, trong bối cảnh
của Do Thái giáo, giải thích Bài Ca này đang nói về Đấng Mesia (Đấng được chọn,
được sức dầu, theo cách hiểu chung chung, chứ không phải là hiểu đích danh về Đức
Kitô duy nhất: Chúa Giêsu). Các bản văn viết tay (Biển Chết) thì hiếm khi và có
thể nói là không bao giờ sử dụng Bài Ca này. Còn Targum thì thậm chí, còn nhìn
nhân vật chịu đau khổ như thế, chính là một kẻ thù của Thiên Chúa. Sự đau khổ
mang tính cứu độ, dường như không phải là một phần của Đấng Cứu Độ theo học
thuyết chính thống của Do Thái giáo[12].
Người đã bị ức hiếp, bị buộc tội, rồi
bị thủ tiêu. Dòng dõi của người, ai nào nghĩ tới? Người đã bị khai trừ khỏi
cõi nhân sinh, vì tội lỗi của dân, người bị đánh phạt. (Is 53:8)
Câu này thực sự là crux
interpretum một thập hình của việc giải thích, là một trong những chỗ
khó giải thích nhất của Kinh Thánh. Vì thế, câu này đã được chỉnh sửa và được dịch
với nhiều phiên bản rất khác nhau. Ý tưởng chung là đều thấy sự cô đơn của Người
Tôi Tớ đến độ gần như tuyệt vọng[13]. Is
52:13-53:12 vừa bao hàm một sự kết nối trong tội lỗi, vừa có sự đền bù trong
hình phạt, và có sự hiện hiện trong sự hòa giải[14].
Có thể nói rằng, Bài Ca thứ nhất được đặt
trên môi miệng của Thiên Chúa, Bài Ca thứ hai và thứ ba được đặt trên môi miệng
của Người Tôi Tớ; trong khi đó, với khả năng cao, có lẽ Bài Ca thứ tư là lời của
chính những người dân ngoại trở lại Đạo, đã ca khen về sự mặc khải tuyệt đỉnh của
Thiên Chúa[15].
II.
Người Tôi Tớ, dung mạo của các ngôn sứ trong quá khứ
Sau khi nỗ lực đọc trực tiếp bản văn Kinh
Thánh cùng với các nhà chú giải, người viết muốn tập trung vào một số dung mạo
khả thể về Người Tôi Tớ. Phần này có lẽ sẽ là phần suy tư phản tỉnh hơn là một
dạng nghiên cứu. Bởi vì có rất nhiều thể loại khác nhau, nhiều dạng khác nhau
có thể có về dung mạo Người Tôi Tớ, ở đây người viết chỉ muốn giới hạn vào chân
dung của các vị ngôn sứ trong quá khứ, ngay cả có thể thêm vào những điều mới mẻ
trong căn tính của các vị ấy, có thể các vị có sứ mạng mới, có niềm hy vọng mới.
1. Dung
mạo của ông Môsê và vua Đavit
Người Tôi Tớ của Chúa xuất hiện giống như
ông Môsê, như một Môsê thứ hai, để dẫn dắt dân Chúa trong cuộc xuất hành mới và
để phục hồi lại dân Israel.
Người Tôi Tớ là “người được chọn” (“là người
Ta tuyển chọn và hết lòng quý mến”, Is 42:1) cũng giống như ông Môsê
(“nếu người Chúa chọn là Môsê”, Tv 106:23), giống như vua
Đavit (“Ta đã giao ước với người Ta tuyển chọn, đã thề
cùng Đavít, nghĩa bộc Ta”, Tv 89:4). Cũng như Môsê, Người Tôi Tớ là trung
gian của giao ước (“Ta đã nắm tay ngươi, đã gìn giữ ngươi và đặt làm
giao ước với dân”, Is 42:6). Sứ mạng của Người Tôi Tớ là “đem
nhà Giacóp về cho Người và quy tụ dân Israel chung quanh
Người” (Is 49:5), là “phục hồi xứ sở” (Is 49:8)…
Hơn thế nữa, có thể thấy rằng, Người Tôi Tớ
xuất hiện không chỉ như ông Môsê mà còn hơn nữa, như một Môsê mới với cuộc xuất
hành mới. Là quá ít khi chỉ cứu nhà Giacóp và dân Israel, nhưng còn cứu các dân
nước tới tận cùng cõi đất.
“Nếu ngươi chỉ là tôi trung của Ta để
tái lập các chi tộc Giacóp, để dẫn đưa các người Israel sống sót
trở về, thì vẫn còn quá ít. Vì vậy, này Ta đặt ngươi làm ánh
sáng muôn dân, để ngươi đem ơn cứu độ của Ta đến tận cùng
cõi đất. (Is 49:6)
2. Dung
mạo của ngôn sứ Giêrêmia và Israel
Bài Ca thứ hai cho thấy, Người Tôi Tớ không
chỉ giống như ngôn sứ Giêrêmia, mà còn trong một cách thế ẩn giấu nào đó, có thể
giống như ông ‘Israel’.
a. Giống như ngôn sứ Giêrêmia[16]
Người Tôi Tớ được kêu gọi ngay từ trong lòng
mẹ (Is 49:1), cũng giống như ngôn sứ Giêrêmia (Gr 1:5). Giêrêmia được thánh hiến
để trở thành ngôn sứ của dân (Gr 1:5; 1:10); để đem đến sứ điệp của sự trừng phạt
cũng như của niềm vui (Gr 16:19-21), của đau khổ và của sự thanh luyện (Gr
11:18-12:26); và với những phản ứng, những lần vô cùng chán nản (Gr 14:17;
20:7).
b. Nhân vật ‘Israele’ trong các câu
49:3 và 49:5 là một cá nhân hay tập thể?[17]
Ở trên, chúng ta đã thảo luận về vấn nạn, về
khó khăn để hiểu chữ ‘Israel’ trong các câu 49:3 và 49:5. Giờ đây, chúng ta tiếp
tục đặt câu hỏi: Liệu có phải pháp nào là khả thể hay không? Ở đây, phương pháp
tiếp cận đến từ thơ ca có thể giúp chúng ta đề xuất một lối đi rất tuyệt.
1 Hỡi các đảo, hãy nghe tôi
đây, hỡi các dân tộc miền xa xăm, hãy chú ý: ĐỨC CHÚA đã gọi tôi từ khi
tôi còn trong lòng mẹ, lúc tôi chưa chào đời, Người đã nhắc đến tên tôi. 2 Người
đã làm cho miệng lưỡi tôi nên như gươm sắc bén, giấu tôi dưới bàn tay của Người.
Người đã biến tôi thành mũi tên nhọn, cất tôi trong ống tên của Người. 3 Người
đã phán cùng tôi: Hỡi Israel, ngươi là tôi trung của Ta.
Ta sẽ dùng ngươi để biểu lộ vinh quang.”
4 Phần tôi, tôi đã nói: “Tôi vất
vả luống công, phí sức mà chẳng được gì.” Nhưng sự thật, đã có ĐỨC
CHÚA minh xét cho tôi, Người dành sẵn cho tôi phần thưởng.
5 Giờ đây ĐỨC
CHÚA lại lên tiếng. Người là Đấng nhào nặn ra tôi từ khi tôi còn trong
lòng mẹ để tôi trở thành người tôi tớ, đem nhà Giacóp về cho Người và
quy tụ dân Israel chung quanh Người. Thế nên tôi được ĐỨC
CHÚA trân trọng, và Thiên Chúa tôi thờ là sức mạnh của tôi. 6 Người
phán: “Nếu ngươi chỉ là tôi trung của Ta để tái lập các chi tộc Giacóp, để
dẫn đưa các người Israel sống sót trở về, thì vẫn còn quá
ít. Vì vậy, này Ta đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi đem ơn cứu độ
của Ta đến tận cùng cõi đất.”
Is 49:1-6 là Bài Ca thứ hai, và là một bài
thơ hoàn chỉnh, có cấu trúc đồng tâm (tâm ở giữa bài thơ, chia bài thơ thành
hai phần: trên, dưới). Các câu 1-3 (gọi là câu ở đây, vì gọi theo cách đánh số
của Kinh Thánh, chứ thực ra mỗi số như thế tương ứng với một khổ thơ, chứ không
phải một câu thơ) là phần thứ nhất, câu 4 là tâm, các câu 5-6 là phần thứ hai.
Chữ ‘Israel’ xuất hiện 3 lần, trong các câu 3.5.6. Tuy nhiên, chữ ‘Israel’
trong các câu 5 và 6 có cùng ý nghĩa, cho nên vấn đề cần xem xét là chữ
‘Israel’ giữa câu 3 và 5. Làm thế nào để tìm được sự cân bằng và thỏa đáng về bản
văn, về bối cảnh, và về cả vấn đề ngữ pháp (tiếng Do Thái) nữa? Giải pháp của
chúng ta sẽ là:
Với cấu trúc đồng tâm (quy tâm) của bài thơ
Is 49:1-6 là: 1-3,4,5-6. Phần thứ nhất là 1-3, phần thứ hai là 5-6. Mỗi phần có
đặc tính khác nhau. ‘Israel’ xuất hiện trong câu 3, thuộc phần thứ nhất, có
nghĩa là một cá nhân, tức là Người Tôi Tớ. Ý nghĩa này cũng phù hợp với ngữ
pháp. Còn trong câu 5, ‘Israel’ thuộc phần hai, có nghĩa là một tập thể, tức là
dân Israel.
Trong phần hai, các câu 5-6, có rất nhiều cấp
độ khác nhau có thể thấy: Người Tôi Tớ (cá nhân), Giacóp (chi tộc), Israel (dân
tộc: gồm 12 chi tộc), muôn dân (bao gồm cả dân ngoại), tất cả (tới tận cùng cõi
đất).
Trong phần thứ nhất, các câu 1-3, ‘Israel’
là Người Tôi Tớ. ‘Israel’ là tên mà ông Giacóp nhận được từ Chúa: “Ngươi không
còn gọi là Giacóp nữa, mà là Israel” (St 32:29). Do đó, căn tính của Người Tôi
Tớ được nhìn từ câu chuyện của ông Giacóp, không phải là Giacóp được sinh ra từ
cha mẹ, nhưng như là một Giacóp mới, được Thiên Chúa đặt tên mới, tên gọi
Israel (một tên gọi mới, có nghĩa là một ơn gọi mới và một sứ mạng mới). Như vậy,
phần thứ nhất, các câu 1-3 nói về ơn gọi và căn tính của Người Tôi Tớ (một cá
nhân: ông Giacóp-Israel). Và phần thứ hai nói về sứ mạng của Người Tôi Tớ trong
chi tộc Giacóp, trong dân tộc Israel, trong muôn dân (gồm cả dân ngoại), và
trong tất cả (cho đến tận cùng cõi đất).
Tại sao trong câu Is 49:1, dung mạo của Giêrêmia
đã quá rõ, mà chúng ta còn nghĩ tới một dung mạo khác? Đúng là, chúng ta rất có
lý khi kết nối giữa câu này với ơn gọi của ngôn sứ Giêrêmia. Hơn thế, chúng ta
cũng rất có lý khi kết nối câu nàu với Giacóp. Tại sao? Bởi vì, Giacóp có một
ơn gọi với hai bước. Thứ nhất là giai đoạn được kêu gọi ngay từ trong lòng mẹ,
với tên gọi là Giacóp. Thứ hai là được Chúa kêu gọi, Chúa đặt cho tên gọi mới:
Israel. Như thế, trong các câu 1-3, Người Tôi Tớ là “Ngươi không được gọi
là Giacóp nữa, mà là Israel”, và đó là căn tính của vị này.
Cách sử dụng đồng thời một loạt hình ảnh,
chân dung khác nhau (Giêrêmia, Giacóp, Israel) không chỉ được tìm thấy ở đây. Bởi
lẽ, như chúng ta đã thấy trong Bài Ca thứ nhất, Người Tôi Tớ cũng giống ông
Môsê và vua Đavit. Tóm lại, ‘Israel’ trong các câu 3 và 5 có rất nhiều ý nghĩa
khác nhau, phong phú, và sâu xa. Kinh Thánh quả là kho tàng!
3. Dung
mạo của cậu bé Samuel
Sáng sáng, Người đánh thức, Người đánh thức
tôi (Is 50:4)
Nếu như Cazelles hiểu câu này theo cách rất
nặng nề: “Đây là một người mệt mỏi, vì bị Lời Chúa đánh thức mỗi sáng”[18],
thì ta có thể hiểu câu này theo một hướng rất tích cực, khi nhìn trong sự kết nối
với lời mời gọi Samuel (1Sm 3:1-10).
Chúa gọi: “Samuel!” và cậu đáp lại:
“Có con đây!” (1Sm 3:4) Chúa gọi một lần nữa: “Samuel!” (1Sm 3:6) Chúa
trở lại gọi lần thứ ba: “Samuel!” (1Sm 3:8) Chúa đến, đứng
đó và gọi như những lần trước: “Samuel! Samuel!” Samuel thưa:
“Xin Ngài phán, vì tôi tớ Ngài đang lắng nghe.” (1Sm 3:10)
Trong cái nhìn này, có hai loại tương quan
tương phản nhau trong Bài Ca thứ ba: một mối tương quan giữa Người Tôi Tớ và
dân chúng, một mối tương quan giữa Người Tôi Tớ và Chúa. Mối tương quan thứ nhất
thì rất đắng, còn mối tương quan thứ hai thì rất dịu ngọt. Người Tôi Tớ trước
nhan Chúa, giống như một môn đệ trước thầy của mình. Ở đây, trường hợp của Người
Tôi Tớ, có thể nói, còn đẹp hơn trường hợp của Samuel. Bởi lẽ, trong thời đó,
khi Chúa nói với Samuel, ban đầu cậu bé không thể nhận ra tiếng gọi của Chúa. Cậu
bé Samuel cần tới một trung gian, đó là thầy cả Êli: “Bấy giờ
ông Êli hiểu là Chúa gọi cậu bé” (1Sm 3:8). Do đó,
có thể nói rằng, ở đây Người Tôi Tớ đã là một môn đệ trưởng thành.
Và như thế, ta thấy sự phức tạp của dung mạo
Người Tôi Tớ. Vị này phải ở trong hoàn cảnh khó khăn như Giêrêmia, như Êzêkiel
(Ez 3:7), nhưng trong tâm hồn vị ấy, có một cuộc đối thoại thân tình và sâu xa
giữa vị ấy và Thiên Chúa của mình, như giữa một học trò và thầy mình. Thực sự,
chân dung của Người Tôi Tớ ở đây, không chỉ tương tự như Samuel, mà còn hơn thế
nhiều.
4. Dung
mạo của ông Giuse và ông Gióp
Không rõ ràng cho lắm, nhưng cũng có nhiều kết
nối giữa dung mạo Người Tôi Tớ trong Bài Ca thứ tư với dung mạo của ông Giuse
trong sách Sáng Thế (St 37-42). Giuse bị anh em ghét bỏ, lý do là vì cha ông
thương yêu ông hơn tất cả các anh em khác. Giuse bị bán sang Ai Cập (ông không
bị giết như các anh bàn định, vì ý tốt của một anh). Tại Ai Cập, vì ông sống
công chính ngay thẳng, nên bị ghét và bị vu khống, do đó bị ngồi tù (St
39:1-20). Sau tất cả những chuỗi này, câu chuyện bắt đầu thay đổi. Giuse được
vua quý trọng, cho nên ông trở thành nhân vật rất quan trọng bên cạnh vua.
Giuse đã cứu gia đình trong nạn đói kém. Từ đầu cho đến cuối, tính cách của
Giuse không hề thay đổi: ông là người công chính.
Có thể đếm thấy hai lần Giuse suýt chết. Lần
thứ nhất, thay vì bị để chết trong giếng khô, ông đã bị bán sang Ai Cập. Về
phía cha của ông và gia đình, thì thực sự Giuse đã chết. Lần thứ hai, Giuse ngồi
trong tù, không còn hy vọng gì. Trong cả hai lần, dường như Giuse chết chắc,
nhưng đến cùng, thì ông vẫn sống. Do đó, xét về mức độ cực điểm, câu chuyện về
ông Giuse ít mạnh, ít căng thẳng hơn câu chuyện về Người Tôi Tớ trong Bài Ca thứ
tư. Kết thúc câu chuyện về ông Giuse là một kết thúc có hậu, kết thúc rất đẹp.
Ngược lại, kết thúc của câu chuyện về Người Tôi Tớ là một cái chết thực sự
trong nhục nhã.
Đọc chậm và chăm chú Is 53, người viết có cảm
tưởng mạnh trong sự kết nối với câu chuyện cuộc đời ông Gióp. Tuy nhiên, sách
Gióp có hai phần khác nhau (hai câu chuyện, hai dòng chảy khác nhau). Phần thứ
nhất đi tìm giải pháp cho vấn nạn: một người công chính phải chịu đau khổ tột độ.
Phần thứ hai thì nói rằng, không thể tìm được câu trả lời cho vấn nạn này, và
câu hỏi vẫn còn mở ngỏ. Tuy nhiên, ở đây dung mạo của Người Tôi Tớ thì khác
dung mạo của ông Gióp. Bởi lẽ, ông Gióp là người công chính trước Chúa, nhưng
ông phải nhận một cuộc sống đau khổ cùng cực, và ông tìm kiếm các lý lẽ cho ý
nghĩa cuộc đời ông. Trong chân dung của Gióp, chúng ta không thấy chủ đề về Đấng
Messia, hoặc về vị ngôn sứ, hoặc về vị trung gian, hoặc về một người phải mang
lấy tội của người khác… như Người Tôi Tớ trong Bài Ca thứ tư. Có thể nói, tuy
dung mạo của Người Tôi Tớ được phác họa trước dung mạo ông Gióp hàng trăm năm,
thế mà dung mạo của Người Tôi Tớ thì kịch tính hơn rất nhiều.
III.
Người Tôi Tớ, dung mạo của Đức Kitô
Nếu như trong Phần I, chúng ta đọc trực tiếp
bản văn, trong cái hiện tại của bản văn; trong Phần II, chúng ta nhìn các chân
dung của các ngôn sứ của Cựu Ước trong lối soi chiếu từ Người Tôi Tớ, tức là
nhìn về quá khứ so với bản văn; giờ đây, chúng ta nhìn xa hơn, nhìn tới tương
lai của bản văn, nhìn dung mạo Người Tôi Tớ trong chân dung của Đức Kitô. Chân
dung của Người Tôi Tớ trong bốn Bài Ca và chân dung của Đức Kitô có rất nhiều
điều tương cận và giống nhau.
1. Trong
Chúa Ba Ngôi: Chịu Phép Rửa và Hiển Dung
Khung cảnh trong Bài Ca thứ nhất tạo sự kết
nối với khung cảnh của việc Chúa chịu Phép Rửa (Mc 1:10-11) và Chúa Hiển Dung
(Mt 17:5). Người Tôi Tớ, người được chọn, người con, là Đức Kitô. Đấng lên tiếng
nói, chính là Thiên Chúa, Chúa Cha. Chúa Cha cho Thần Khí ngự trên Con của
Ngài. Đây là khung cảnh của Chúa Ba Ngôi[19].
Thần khí mà Chúa Cha trao cho Người Con, trở thành Thần khí của Người Con. Và
Thần Khí này là Ngôi Ba, là Chúa Thánh Thần. Đức Kitô chính là Chúa Con, nhận
Thần Khí để hoàn thành sứ mạng cứu độ muôn dân.
Thần Khí như chim bồ câu ngự xuống
trên mình. Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con (Mc 1:10-11)
Có đám mây sáng ngời bao phủ
các ông, Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người! (Mt 17:5)
Có hai điều khác biệt giữa khung cảnh Phép Rửa
và khung cảnh Hiển Dung. Thứ nhất, việc chịu phép rửa diễn ra trước toàn dân,
trong khi việc hiển dung chỉ diễn ra trước mắt ba môn đệ: Phêrô, Gioan và
Giacobe. Thứ hai, trong cảnh hiển dung, có hai nhân vật quan trọng nhất của Cựu
Ước: Môsê (vị trung gian của giao ước giữa Thiên Chúa và Dân Ngài) và Êlia (vị
ngôn sứ đem Lời Chúa đến cho Dân Chúa).
2. Trong
sự cô độc: ở vườn cây Dầu và trước mặt quan Philatô
Bài Ca thứ hai Is 49:1-6, như chúng ta đã
phân tích ở trên, có tâm điểm là câu 4, và bây giờ, chúng ta chỉ tập trung vào
câu này mà thôi. Đây là lời của Người Tôi Tớ:
Tôi vất vả luống công, phí sức mà chẳng
được gì. Nhưng sự thật, đã có Đức Chúa minh xét cho tôi. (Is
49:4)
Giáo phụ Teodoreto di Ciro đã giải thích về
cụm từ “tôi vất vả luống công” để áp dụng cho sự khiêm nhường
của Đức Kitô. Ngài cho rằng, những lời này của vị ngôn sứ thật đúng cho Đức Kitô
khi nếm sự bất trung của dân Do Thái. Dường như dân Chúa chẳng nhận được hoa
trái nào từ sự khiêm hạ của Đức Kitô, cũng dường như họ chẳng nhận được những
ích lợi từ các phép lạ mà Chúa đã làm cho họ[20].
Cách khác, giáo phụ Cirillo di Alessandria
giải thích “Nhưng sự thật, đã có Đức Chúa minh xét cho tôi” như
sau: Thật đau đớn khi Ngôi Lời giáng trần giữa chúng ta và phải chịu đựng địa vị
thấp kém nhất của loài người. Nhưng điều quan trọng là, chính Chúa Cha là đấng
minh xét, cho những khó khăn cực nhọc mà Đức Kitô phải chịu để cứu độ dân Chúa…[21]
Một cách cá nhân, người viết nghe thấy vang
vọng những lời của Is 49:4 trong các Tin Mừng, đặc biệt là cảnh Chúa Giêsu
trong vườn Getsemani[22] và
trước quan Philatô[23].
Đây là những khoảnh khắc cô đơn cô độc nhất của Chúa Giêsu (và khi trên thập
giá nữa).
Trong vườn Getsemani, Chúa Giêsu tạm rời xa
mọi người, để đi cầu nguyện. Khi cuộc thương khó cận kề, Chúa cần sự an ủi của
ba môn đệ thân tín, nhưng các ông đều ngủ cả. Ở một mình, Chúa Giêsu cầu nguyện
cùng Chúa Cha. Sự cầu nguyện tha thiết và căng thẳng đến mức độ Ngài đổ mồ hôi,
và là mồ hôi máu nhỏ xuống đất (Lc 22:44). Ngài là Con, là Thiên Chúa, thế mà
trong giây phút ấy, Ngài cảm thấy bản thân yếu tới mức cần sự an ủi của một
thiên thần (Lc 22:43). Tất cả sự thật ấy trở nên trong suốt đến mức “trần trụi”:
một thực tại là chén đắng, một ý muốn của Chúa Cha là cứu độ nhân loại bằng con
đường tình yêu và phục vụ, một ý muốn tự do của Người Con kèm theo tình yêu và
cả sợ hãi. Cuối cùng, Ngài đã quyết định: “Xin đừng theo ý Con, nhưng xin theo
ý Cha” (Lc 22:42).
Thế mà, khi đứng trước quan Philatô, Chúa
Giêsu cho chúng ta thấy Ngài mang lấy uy thế của một bậc thầy khôn ngoan, của một
đấng xét xử uy quyền. Chúa đã trả lời cho quan rằng: “Nước của tôi không thuộc
về thế gian này” (Ga 18:36) và “Ai nghe sự thật, thì nghe tiếng của tôi” (Ga
18:37).
Chúa Giêsu trong hai khung cảnh trên, ở
trong vườn Getsemani và ở trước quan Philatô, xem ra có vẻ tương phản đến mức
trái ngược nhau. Tuy nhiên, có thể hiểu được hai khung cảnh ấy một cách đồng thời,
khi chúng ta suy niệm và chiêm ngắm Chúa nhờ Is 49:4. Câu chuyện trong vườn
Getsemani giúp ta hiểu nhân tính của Đức Kitô, vì Ngài là con người, là người
con, là Con của Chúa Cha. Còn khung cảnh trước quan Philato, giúp ta hiểu thiên
tính của Đức Kitô, vì Ngài là Lời của Thiên Chúa đã xuống thế, trở thành con
người giữa nhân loại.
3. Trong
cuộc sống đời thường: cầu nguyện và hoạt động
Chúng ta có thể chia câu Is 50:4 thành hai
phần: 4a và 4b. Phần 4a nói về việc sử dụng quà tặng Chúa ban để hoàn thành sứ
mạng của Chúa cho dân Ngài. Phần 4b nói về việc lắng nghe Lời Chúa. Câu hỏi là:
Nói như thế nào và Lắng nghe như thế nào?
Đức Chúa là Chúa Thượng đã cho tôi
nói năng như một người môn đệ, để tôi biết lựa lời nâng đỡ ai rã rời
kiệt sức. Sáng sáng, Người đánh thức, Người đánh thức tôi, để tôi lắng
tai nghe như một người môn đệ. (Is 50:4)
Trong cả hai trường hợp, dù là nói hay nghe,
thì Người Tôi Tớ luôn là một người môn đệ. Đặc tính này vô cùng rõ nét nơi Đức
Kitô. Là con, Người luôn lắng nghe Chúa Cha: Abba! Cha ơi! Khi cần nói với dân
chúng, Đức Kitô nói tất cả những gì Ngài đã nghe được nơi Chúa Cha (Ga 1:18).
Theo thánh Ambrôsiô, trong thinh lặng, chúng
ta học được cách nói: Để học được cách nói, chúng ta phải học gì đây,
có lẽ quan trọng hơn tất cả, đó là học cách thinh lặng… Tôi đã thấy rất nhiều
người sa ngã vào tội lỗi vì đã nói, chỉ có một số ít sa ngã vì thinh lặng: do
đó, biết thinh lặng thì khó hơn là biết nói. Vì thế, nhiều người nói, vì không
biết thinh lặng. Thật là khôn ngoan cho những ai biết thinh lặng[24]. Chúa
Giêsu cũng đã sống như thế, cũng đã thinh lặng rất nhiều trong các cuộc tranh
luận giữa Ngài và các địch thủ, trong các cuộc nói chuyện giữa Ngài và các môn
đệ. Ngài làm như thế, và Ngài biết rất rõ, khi nào thì cần nói và khi nào thì cần
lặng thinh.
Giáo phụ Cirillo di Alessandria giải thích về
sức mạnh của việc lắng nghe như sau: “Chúa cho tôi nói năng như một người
môn đệ” có nghĩa là có khả năng nói năng theo một cách thế uyên bác và đi vào
các mầu nhiệm thiêng liêng và không có chi đáng trách, và biết dùng lời lẽ thế
nào để phục vụ việc an ủi khuyên nhủ[25]. Tin
Mừng theo thánh Mátthêu cũng viết điều tương tự về năng lực của Đức Kitô: Khi
Chúa Giêsu giảng xong, đám đông ngạc nhiên về lời giảng dạy của Người, vì Người
giảng dạy như một đấng có uy quyền, chứ không như các kinh sư của họ. (Mt
7:28-29)
Sáng sáng, Người đánh thức, Người đánh thức
tôi. Chúng ta cũng đọc thấy điều tương tự trong Tin Mừng: Sáng
sớm, lúc trời còn tối mịt, Người đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện
ở đó (Mc 1:35). Trong thời hiện tại, có một vấn đề lớn: chúng ta thích
biết nhiều thứ nhưng không thích thực hành, không thích sống những điều ấy;
chúng ta thích biết nhiều thứ đặc biệt, nhưng lại đánh mất những thứ ‘đời thường’
trong cuộc sống thường ngày. Nếu thế, nếu đánh mất cuộc sống đời thường, bình
thường, chúng ta sẽ còn lại một đời sống bất thường với nhiều bệnh tật và đổ vỡ.
Về điều này, chúng ta có thể suy nghĩ về cuộc đời Chúa Giêsu. Đó là cuộc đời của
một vị thầy trẻ, tuổi 33. Vị thầy ấy đã có 30 năm sống ẩn dật, một cuộc sống đời
thường của người thợ mộc trong ngôi làng bé nhỏ. Sau đó, Ngài có 3 năm cho cuộc
đời công khai, và chúng ta biết về các hoạt động và lời nói của Ngài trong 3
năm này. Và khi đọc Mc 3:29-39, chúng ta sẽ biết về một ngày cụ thể trong giai
đoạn cuộc đời hoạt động công khai của Thầy Giêsu.
4. Tột
cùng và Đỉnh cao: Khổ nạn và Phục Sinh
Chúng ta đã có rất nhiều cuốn sách giá trị
viết về Bài Ca thứ tư trong mối liên hệ với cuộc khổ nạn và phục sinh của Chúa
Kitô[26], cho
nên người viết không muốn viết thêm ở đây, mà chỉ muốn nhấn mạnh một điều vô
cùng tốt đẹp của Bài Ca thứ tư: không thể hình dung được rằng, từng lời của
ngôn sứ Isaia trong Bài Ca thứ tư lại có thể tương ứng với từng lời và cử chỉ của
Chúa Kitô trong cuộc khổ nạn và phục sinh!
Trong đời sống đương đại của chúng ta, đối với
một cô gái, có lẽ quan trọng nhất là cái đẹp; đối với một chàng trai có lẽ quan
trọng nhất là danh dự. Thế mà, chúng ta thử nhìn Đức Kitô trên thập giá mà xem:
Không còn hình hài, không còn dáng vẻ.
Giáo phụ Ôrigine viết rằng: Không còn nghi ngờ gì nữa, khi vị ngôn sứ
viết những lời này là để nói về Chúa Giêsu…”[27]
Ngài đã chịu sỉ nhục, để chúng ta được
tôn vinh. Giáo phụ Atanasio nói rằng: Ngay cả cái chết của
Chúa Giêsu cũng rất lặng lẽ, nhưng được Kinh Thánh ghi lại rất rõ ràng. Các vị
ngôn sứ xưa cũng không sợ khi nói rõ nguyên nhân cái chết của Ngài. Ngài chết
không phải vì chính mình, nhưng vì ơn cứu độ vì sự sống đời đời dành cho mọi
người. Hãy chiêm ngưỡng lòng nhân từ của Ngôi Lời, Đấng đã chịu mọi sỉ nhục, để
chúng ta được tôn vinh[28].
Tạm
kết
Như thế, trong phần I (đọc),
cùng với các học giả, chúng ta đọc trực tiếp bản văn để hiểu về mặt ngôn ngữ,
ngữ pháp và cả thơ ca, để giúp hiểu chỉ một từ: “Người Tôi Tớ”. Từ đó, chúng ta
tìm thấy những khả thể về dung mạo của Người Tôi Tớ. Trong phần II (phản
tỉnh), cùng với các nhà chú giải, chúng ta chọn một số dung mạo tiêu biểu
của các ngôn sứ để chiêm ngắm chân dung của Người Tôi Tớ. Cuối cùng, trong phần
III (cảm nếm), cùng với các giáo phụ, chúng ta cảm nhận ở chiều
sâu về dung mạo Người Tôi Tớ khi diện đối diện với chân dung Đức Kitô. Vì đề
tài về Người Tôi Tớ trong bốn Bài Ca là một đề tài rất sâu rộng, và đây chỉ là
một bài viết nhỏ, cho nên người viết chỉ chọn một số điểm quan trọng để đọc, phản
tỉnh và cảm nếm Lời của Thiên Chúa. Lời ấy đã làm Người, đã phải mang
thương tích, để chúng ta được chữa lành (Is 53:5).
Thư mục sách và tài liệu tham khảo
Hình ảnh “Chúa Giêsu mỉm cười trên Thánh
Giá” – “Cristo del Sorriso”(ở phần đầu bài viết) được chụp từ Tượng Chịu Nạn
trong lâu đài Xavier (Tây Ban Nha) là lâu đài của gia đình Thánh Phanxicô
Xavier.
1. Kinh Thánh: các ngôn ngữ: Do Thái,
Hy Lạp, Ý, Anh, Việt
The New American Bible http://www.usccb.org/bible/books-of-the-bible/index.cfm
Kinh Thánh tiếng Việt (La Bibbia in
vietnamita) https://ktcgkpv.org/bible
2. Các sách tiếng Ý
Dizionario Biblico, Pubblicato da
Herbert Haag, In collaborazione con A. Van Den Born e numerosi Specialisti,
(Titolo originale dell’opera: Bibel-Lexikon, Traduzione dal tedesco
della Dott. Rosalba Amerio), Prima edizione ampliata italiana a cura di P.
Giuliano Gennaro, O.F.M., (Società Editrice Internazionale, Torino 1960),
“Servo di Dio”, p. 920-925.
Grande Commentario Biblico, (Titolo
originale: The Jerome Biblical Commentary), A cura di Raymond E.
Brown, Joseph A. Fitzmyer, Roland E. Murphy, Edizione italiana a cura di
Antonio Bonora, Romeo Cavedo, Felice Maistrello, (Editrice Queriniana, Brescia
1973), Parte I: Il Vecchio Testamento, p. 476-488.
La Bibbia Commentata dai Padri,
Antico Testamento 10/2, Isaia 40-66, A cura di Mark W. Elliott, (Ancient
Christian Commentary on Scripture, Old Testament, XI, Institute of
Classical Christian Studies 2007), Edizione italiana a cura di Paolo
Bernardini, Introduzione generale di Angelo di Bernardino, (Città Nuova
Editrice, Roma 2011).
Brevard S. Childs, Isaia,
(Editrice Queriniana, Brescia 2005), Traduzione dall’inglese-americano di Enzo
Gatti, Edizione italiana a cura di Flavio Dalla Vecchia.
I Profeti, Traduzione e commento di
L. Alonso Schökel e J.L. Sicre Diaz, edizione italiana a cura di
Gianfranco Ravasi, (Edizioni Borla 1980), Titolo originale: Profetas,
(Ediciones Cristiandad, Madrid).
3. Các sách tiếng Anh
Theological Dictionary of the Old
Testament, Edited by G. Johnannes Botterweck, Helmer Ringgen, and
Heiz-Josef Fabry, Translated from Theologisches Wörterbuch zum Alten
Testament, Translated by Douglas W. Stott, Volume X: (נָקַם עָזַב),
(William B. Eerdmans Publishing Company, Grand Rapids, Michigan / Cambridge,
U.K. 1999), “עֶבֶד in Deutero-Isaiah”, p. 376-403.
The Jerome Biblical Commentary,
Edited by Raymond E. Brown, S.S., Joseph A. Fitzmyer, S.J., Roland E. Murphy,
O.Carm., With a Foreword by His Eminence Augustin Cardinal Bea, S.J.,
(Prentice-Hall, Inc., Englewood Cliffs, New Jersey 1968), Volume I,
“Deutero-Isaiah” by Carroll Stuhlmueller, C.P., p. 366-386.
The Anchor Bible Dictionary, Volume
6: Si-Z, Editor-in-Chief: David Noel Freedman, Associate Editors: Gary A.
Herion, David F. Graf, John David Pleins, Managing Editor: Astrid B. Beck,
(Doubleday, New York 1992), “Slavery”, p. 58-73.
The Anchor Bible: Second Isaiah,
Introduction, Translation, and Notes by John L. McKenzie, S.J., (Doubleday
& Company, Inc., Garden City, New York 1968).
Nguồn:
dongten.net
(22.03.2023)
[2] E. Bianchi, Una vita e una morte annunciata. Il Servo del
Signore, Cinisello Balsamo [MI] 2013, 7-10.
[4] Theological Dictionary of the Old Testament, Edited by G. Johnannes Botterweck, Helmer Ringgen,
and Heiz-Josef Fabry, Translated from Theologisches
Wörterbuch zum Alten Testament, Translated by Douglas W.
Stott, Volume X: (נָקַם עָזַב),
(William B. Eerdmans Publishing Company, Grand Rapids, Michigan / Cambridge,
U.K. 1999), “עֶבֶד in
Deutero-Isaiah”, 396.
[6] Grande Commentario Biblico, (Titolo originale: The
Jerome Biblical Commentary), A cura di Raymond E. Brown, Joseph A.
Fitzmyer, Roland E. Murphy, Edizione italiana a cura di Antonio Bonora, Romeo
Cavedo, Felice Maistrello, (Editrice Queriniana, Brescia 1973), Parte I: Il Vecchio Testamento,
476.
[17] Phần này là hoa trái
tuyệt vời của cuộc đối thoại và trò chuyện với Tiến sỹ Francesco Graziano trong
Seminar về thơ ca Do Thái, tập trung vào 4 Bài Ca về Người Tôi Tớ của sách ngôn
sứ Isaia (môn học này kéo dài một học kỳ, và thuộc về môn học tự chọn)
(Pontificia Università Gregoriana, giovedì 19.12.2019).
[19] Các Giáo Phụ đã chú giải
như thế khi các ngài đọc Is 42:1-4. Mời đọc: La Bibbia Commentata dai Padri, Antico Testamento
10/2, Isaia 40-66, A cura di Mark W. Elliott, (Ancient Christian Commentary on Scripture, Old
Testament, XI, Institute of Classical Christian Studies 2007), Edizione
italiana a cura di Paolo Bernardini, Introduzione generale di Angelo di
Bernardino, (Città Nuova Editrice, Roma 2011), 77-82.
[20] La Bibbia Commentata dai Padri, Antico Testamento 10/2, Isaia 40-66, A cura di Mark
W. Elliott, 200.
[21] La Bibbia Commentata dai Padri, Antico Testamento 10/2, Isaia 40-66, A cura di Mark
W. Elliott, 200.
[24] La Bibbia Commentata dai Padri, Antico Testamento 10/2, Isaia 40-66, A cura di Mark
W. Elliott, 229.
[25] La Bibbia Commentata dai Padri, Antico Testamento 10/2, Isaia 40-66, A cura di Mark
W. Elliott, 229-230.
[26] Come si vede nella
lista di biografia di questo Seminario anche è facile si trova in Biblioteca.
[27] La Bibbia Commentata dai Padri, Antico Testamento 10/2, Isaia 40-66, A cura di Mark
W. Elliott, 273.
[28] La Bibbia Commentata dai Padri, Antico Testamento 10/2, Isaia 40-66, A cura di Mark
W. Elliott, 275.