NGƯỜI GIÁO DÂN ĐỒNG
TRÁCH NHIỆM TRONG SỨ VỤ CỦA GIÁO HỘI
LM Antôn Hà Văn Minh
Thư ký Ủy ban Giáo dân / HĐGMVN
WHĐ (09.04.2023) - Công đồng Vaticanô II trong Hiến chế
tín lý “Lumen Gentium” đã nói về Giáo hội như dân Thiên Chúa, Công đồng
đã triển khai một cái nhìn toàn diện về người giáo dân. Công đồng
đã nỗ lực vượt qua quan điểm cũ được trình bày trong bản dự thảo
của hiến chế này. Theo đó linh mục và giáo dân vẫn là hai thành
phần hoàn toàn đối nghịch nhau, linh mục đứng trên giáo dân, và ngược
lại giáo dân là “thứ dân”. Hàng giáo phẩm mới là Giáo hội, còn giáo
dân chỉ là “dân”[1].
Trong chương hai của hiến chế, Công đồng nỗ lực đưa ra cái
nhìn đúng đắn về bản chất của chức linh mục và giáo dân: Hàng giáo
phẩm cũng là dân, và giáo dân cũng là Giáo hội. Cả hai tạo nên một
dân Chúa mới, dân Thiên sai, dân Chúa trong Đức Kitô. Dân này không phải
được kiến tạo bởi phẩm trật hay bởi giáo dân, nhưng bởi chính Chúa
Giêsu Kitô. Người kêu gọi cả hai, Người thấm nhập vào đời sống của
cả toàn dân Chúa. Người chính là niềm hy vọng của dân mới này. Qua Phép
rửa, Người nâng toàn dân Chúa lên cao. Như là tiên tri, Người dạy dân
Người, như là vương đế, Người hướng dẫn dân và như là linh mục, Người
thánh hoá dân. Do đó, Giáo hội không tự mình thiết lập nên mình,
nhưng chính Đức Kitô. Thật vậy, “Giáo hội không hiện hữu vì chính mình; mà
đúng hơn, Giáo hội là dụng cụ Thiên Chúa dùng để tụ họp nhân loại lại nơi Ngài
và để chuẩn bị cho thời điểm khi “Thiên
Chúa là tất cả cho tất cả” (1Cor 15,28)”[2].
Giáo hội tồn tại nhờ tham dự vào chức vụ của Đức Kitô. Chính Người
thánh hoá, hướng dẫn và dạy dỗ dân Người qua Giáo hội. Các tác vụ
của Giáo hội là các tác vụ của Đức Kitô, các nhiệm vụ của Giáo
hội là thiết chế tiếp tục trao ban sự sống và giáo huấn của Người.
Con người được tháp nhập vào Giáo hội qua việc gặp gỡ với Đức Kitô.
Người chính là “nhiệm vụ” của Giáo hội.
|
1/ “Tính trần thế” của người giáo dân
Công đồng minh định rằng: Nhiệm vụ của Giáo hội không dành
riêng cho các mục tử, nhưng thuộc về toàn thể dân Chúa. Công đồng trình bày một
yếu tố cơ bản nơi giáo dân: “tính trần thế ”. Đó như một đặc tính của người
tín hữu giáo dân. “Tính chất trần thế đặc tính riêng biệt và đặc thù của giáo
dân”. Đôi khi “tính trần thế” này đã được giải thích như là một yếu tố tạo ra sự
phân biệt: giáo dân thực hiện những nhiệm vụ liên quan đến đời sống trần thế,
trong khi các giáo sĩ và tu sĩ được trao phó chức năng phục vụ cho những nhu cầu
thiêng liêng, mặc dù trên thực tế vẫn có những người không phải là giáo dân
cũng có thể đảm nhiệm một nghề nghiệp mang tính trần thế, nhưng tự bản chất điều
này không làm cho họ trở nên “trần thế”.
Chắc chắn tính thế trần góp phần vào sự khác biệt nhất định
giữa giáo dân, giáo sĩ và đời sống thánh hiến. Và điều gì liên kết mọi thành phần
dân Chúa mạnh mẽ đến nỗi vượt qua được mọi ranh giới của sự phân biệt này? Công
đồng cố gắng giải thích đằng sau lối sống của giáo dân có kế hoạch của Thiên
Chúa, một kế hoạch của riêng Ngài như thế nào. Thật vậy, chúng ta nói về ơn gọi,
về ơn gọi của Thiên Chúa, về một nhiệm vụ cụ thể: sắp đặt các thực tại. thuận
theo ý trời, sống ở thế gian.
Giáo sư Luis Navarro đã nhận định:
“Tùy theo ơn gọi của mình, người giáo dân phải tìm kiếm nước Thiên Chúa
bằng cách sử dụng những điều thuộc về thế gian và sắp đặt nó theo ý Thiên Chúa.
Họ sống trên đời, tức là tham gia vào mọi bổn phận và công việc khác nhau của
thế giới và trong những điều kiện bình thường của đời sống gia đình và xã hội,
mà sự tồn tại của họ là như dệt. Ở đó, họ được Chúa mời gọi đóng góp, hầu như từ
bên trong theo một cách nào đó để trở thành men, hầu thánh hóa thế giới bằng
cách thi hành chức vụ của mình dưới sự hướng dẫn của tinh thần Phúc âm, qua đó,
họ bày tỏ Chúa Kitô cho những người khác, chủ yếu là gương sáng bằng chính cuộc
sống của họ, một gương sáng chói ngời đức tin, đức cậy và đức ái”[3].
Theo Công đồng Vaticanô II, người giáo dân thể hiện đời sống
Giáo hội không chỉ đối với các bổn phận trong trần gian, nhưng còn đối
với những nhiệm vụ trong Giáo hội. Công đồng khẳng định chỗ đứng cơ bản
của mỗi một người Kitô hữu trong Giáo hội, và chỗ đứng đó luôn bao gồm
các nhiệm vụ của Đức Kitô. Mọi hành động mang tính Giáo hội của
người giáo dân đều thuộc về Giáo hội, các hành động này bắt nguồn từ bí
tích Rửa tội. Thật vậy, qua bí tích Rửa tội mọi Kitô hữu đều được dự phần vào
ba chức vụ của Chúa Kitô: ngôn sứ, tư tế và vương đế. Vì thế, mặc dầu người
giáo dân là những người không có chức thánh, nhưng họ cũng được ủy thác thi
hành nhiệm vụ Giáo hội theo cách thức của họ, có nghĩa họ thi hành sứ mệnh của
toàn thể dân Kitô giáo trong Giáo hội và trên trần gian theo phận vụ riêng của
mình (x. LG 31)[4]. Chẳng hạn, đối với việc thực
thi nhiệm vụ rao giảng Tin mừng, cha mẹ trong khi dưỡng dục con cái, cũng
đã thực thi nhiệm vụ này[5], vì dưỡng dục cũng
chính là một nhiệm vụ thiêng liêng. Người ta chu toàn nhiệm vụ này
nhân danh Đức Kitô, và chính Chúa cho cha mẹ cái thẩm quyền ấy. Bổn
phận như thế có nghĩa là nhiệm vụ trong Giáo hội. Đó là nhiệm vụ
cơ bản của Giáo hội. Và đó cũng chính là Giáo hội.
2/ Huấn quyền của các Giáo hoàng sau Công đồng
Vaticanô II về nhiệm vụ của người giáo dân trong Giáo hội
Một nền thần học mới mẻ xuất hiện sau Công đồng Vaticanô II:
Thần học giáo dân. Nền thần học này đã được phát triển mạnh mẽ và tạo ra một ảnh
hưởng lớn lao trong việc thay đổi tư duy về Giáo hội học. Giáo hội được hiểu là
bao gồm tất cả thành phần dân Chúa, hình thành một cộng đoàn hiệp thông
thiêng liêng, và cùng được qui tụ bởi những người trần thế. “Giáo hội chưa được thiết lập thực
sự, chưa sống đầy đủ, cũng chưa là dấu chỉ tuyệt hảo của Chúa Kitô
giữa loài người, nếu chưa có hàng giáo dân đích thực, và nếu hàng
giáo dân này cũng chưa làm việc với hàng giáo phẩm” (AG 21). Đặc biệt
nền thần học giáo dân rất được quan tâm qua ba triều đại Giáo hoàng: Đức Phaolô
VI, Đức Gioan Phaolô II và Đức Phanxicô đương kim.
a/ Đức Phaolô VI
Sau khi kết thúc Công
đồng, Đức Phaolô VI đã mở đường cho thừa tác vụ giáo dân, khi ngài nói: “Một số tác vụ mục vụ đã được Giáo hội thiết
lập từ rất xa xưa, để dâng lên Thiên Chúa sự thờ phượng xứng đáng với Ngài, và
để đảm bảo, tùy theo nhu cầu, việc phục vụ dân Chúa. Qua họ, các tín hữu được ủy
thác thi hành một số các chức năng phụng vụ và công việc bác ái, theo cách thức
phù hợp với hoàn cảnh”[6],
điều đó được hiểu rằng mọi nhiệm vụ Giáo hội đều dựa trên nền tảng bí tích Rửa
tội và Thêm sức. Trong tông huấn Evangelii nuntiandi, ngày 08 tháng 12 năm
1975, Đức Giáo hoàng viết:
“Giáo dân cũng có thể tự cảm thấy cần phải kêu gọi và được kêu gọi làm
việc với các vị mục tử của mình, trong việc phục vụ cộng đồng Giáo hội, cho
Giáo hội phát triển và sống động, bằng việc thực thi nhiều thừa tác vụ khác
nhau, theo ân sủng và đặc sủng được Chúa cố ý ban cho họ”[7].
Các thừa tác vụ này rất đa dạng và bao gồm thừa tác vụ của
giáo lý viên, phục vụ Lời Chúa hoặc giúp đỡ anh chị em những người túng thiếu,
những người đứng đầu các cộng đoàn cơ bản, lãnh đạo các phong trào tông đồ,
v.v. Nhưng trước những nhiệm vụ Giáo hội mà người giáo dân có thể đảm nhiệm
theo tính cách trần thế của mình giáo dân, Đức Phaolô VI đã tập trung vào sự hiện
diện tích cực của giáo dân giữa trần thế chính là loan báo Tin mừng. Ngài mô tả
nó trong các thuật ngữ sau:
“Người giáo dân, mà ơn gọi đặc biệt của họ chính là vị thế của họ giữa
lòng thế giới và lãnh đạo những nhiệm vụ đa dạng nhất tạm thời, do đó phải thực
hiện một hình thức truyền bá phúc âm độc nhất”[8].
Sau đó, Đức Thánh cha giải thích thêm:
“Ơn gọi riêng trong việc sống giữa lòng thế giới và đảm nhận những công
tác trần gian khác nhau nhất, mà họ phải thực hiện một hình thức đặc biệt trong
việc truyền bá Phúc âm hoá. Công việc trọng yếu và trực tiếp nhất của họ không
phải là thiết lập và phát triển cộng đồng Giáo hội - đây là vai trò riêng của
các vị mục tử - mà là sử dụng mọi năng lực Kitô hữu và năng lực Phúc âm được tiềm
ẩn song đã hiện diện và chủ động nơi các sinh hoạt trần thế”[9].
Đức Thánh cha đã trình bày lĩnh vực điển hình của hoạt động
tông đồ giáo dân:
“Lãnh vực của hoạt động truyền bá Phúc âm hoá riêng của họ là một thế
giới rộng lớn và phức tạp về chính trị, xã hội và kinh tế, thế nhưng cũng là một
thế giới về văn hoá, về khoa học và nghệ thuật, về sinh hoạt quốc tế, về truyền
thông xã hội. Lãnh vực của họ cũng bao gồm cả những thực tại khác hướng đến việc
truyền bá Phúc âm hoá, như tình yêu nhân bản, gia đình, giáo dục con cái và vị
thành niên, việc làm nghề nghiệp, chịu đựng khổ đau. Người giáo dân càng được
Phúc âm cảm hứng sẽ càng dấn thân vào các thực tại này, càng đảm trách chúng một
cách tỏ tường, càng có khả năng đề cao chúng và càng nhận thức được rằng, chúng
phải được thi hành với hết năng lực Kitô hữu của mình, những năng lực thường bị
chôn vùi đi hay bị dập tắt mất, thì các thực tại này mới càng giúp cho công cuộc
phục vụ nước Chúa, nhờ đó, mới càng phục vụ ơn cứu độ trong Chúa Giêsu Kitô,
không hề làm mất đi tí nào hay làm thiệt hại đến những gì thuộc về nhân bản, mà
còn hướng chúng tới chiều kích siêu việt thường bị quên sót”[10].
b/ Đức Gioan Phaolô II
Đức Gioan Phaolô II, trong Tông huấn hậu Thượng Hội đồng - Christifideles laici - đã khẳng định: “Nhờ phẩm giá chung do phép Rửa tội mang lại,
người tín hữu giáo dân là người đồng trách nhiệm với tất cả các thừa tác viên
đã được phong chức thánh, với các tu sĩ nam nữ, đối với sứ mệnh của Giáo hội”[11].
Và theo Đức Thánh cha, người giáo dân đồng trách nhiệm trong sứ vụ của Giáo hội
theo tính cách trần thế của mình. Từ mục đích này, tông huấn phân biệt chiều
kích tính chất trần thế của Giáo hội và tính chất trần thế của giáo dân. Thứ nhất
là tính cách trần thế của Giáo hội “vốn có sẵn trong bản chất thâm sâu và sứ mệnh
của mình, gốc rễ nó nằm trong mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể và thực hiện dưới nhiều
hình thức khác nhau đối với các thành phần của mình”. Sứ mệnh của Giáo hội
không xa lạ với thế giới hay những thăng trầm của nó. Vì vậy không có thành
viên nào của Giáo hội lại có thể cảm thấy xa lạ với thế giới và vận mệnh của
nó. Tuy nhiên, mặc dù “mọi thành phần của
Giáo hội đều phải tham gia vào lãnh vực trần thế của Giáo hội, nhưng bằng những
cách thế khác nhau. Đặc biệt việc tham gia của người giáo dân vào các chức vụ
Giáo hội mang tính cách ‘riêng rẽ và đặc biệt’ theo như Công đồng phân tích.
Khi nói đến tính chất trần thế của người giáo dân thì phải được hiểu người tín
hữu giáo dân sống giữa đời, nghĩa là dấn thân vào đủ mọi nghĩa vụ và công tác của
trần thế, trong những điều kiện thường nhật của đời sống gia đình và xã hội đã
tạo nên”[12].
Tông huấn Christifideles laici diễn giải những lời của Hiến
chế Lumen gentium, số 31: Người giáo dân sống giữa đời, điều đó có nghĩa “thế
giới” trở nên môi trường và phương thế cho ơn gọi Kitô hữu của người giáo dân,
ơn gọi này không đưa người giáo dân ra khỏi vị trí của mình trong thế giới,
nhưng là dấn thân vào đủ mọi nghĩa vụ và công tác của trần thế, trong những điều
kiện thường nhật của đời sống gia đình và xã hội đã tạo nên. Tính cách thế tục
do đó có một giá trị về thần học và Giáo hội học chứ không đơn thuần chỉ là xã
hội học và nhân học.
Tuy ở giữa “trần thế” người giáo dân vẫn phải nỗ lực canh
tân chính mình để nên thánh, bởi vì sự thánh thiện là dấu chỉ của niềm hy vọng
của Tin mừng. Tông huấn nhấn mạnh lời kêu gọi mọi tín hữu canh tân đời sống để
nên thánh “không chỉ đơn giản là một lời
khích lệ luân lý, nhưng đó là một đòi hỏi mầu nhiệm của Giáo hội: Giáo hội là một
cây nho được tuyển chọn, nhờ Giáo hội các cành nho sinh trưởng nhờ nhựa sống của
chính Đức Kitô, nhựa sống vừa thánh thiện vừa có sức thánh hóa; Giáo hội là nhiệm
thể, các phần thân thể của Giáo hội thông phần sự sống thánh thiện của đầu là Đức
Kitô[13].
Đức Gioan Phaolô II chỉ ra nét đặc thù của ơn gọi nên thánh
nơi người giáo dân:
“Sự thống nhất trong đời sống của giáo dân là điều quan trọng nhất: thực
vậy, họ phải thánh hóa chính mình trong đời sống nghề nghiệp và xã hội thông
thường. Để họ có thể đáp lại ơn gọi của mình, do đó, người tín hữu giáo dân phải
coi các hoạt động của cuộc sống hằng ngày như một cơ hội để kết hợp với Thiên
Chúa và hoàn thành ý muốn của mình, và cũng phục vụ người khác, đưa họ đến sự
hiệp thông với Thiên Chúa trong Đức Kitô”[14].
Tông huấn cũng trình bày về các tác vụ và nhiệm vụ người
giáo dân có thể đảm nhận trong Giáo hội dựa vào đặt nền tảng trên bí tích Thánh
tẩy và Thêm sức, ngoài ra còn cậy nhờ vào bí tích Hôn phối, cho nên “khi nhu cầu và lợi ích của Giáo hội đòi hỏi,
các vị chủ chăn có thể, chiếu theo quy tắc của luật chung, mà trao phó cho giáo
dân một số chức vụ và nhiệm vụ, dù vẫn gắn liền với tác vụ riêng của vị chủ
chăn, nhưng không buộc có ấn tích của bí tích Truyền chức thánh”[15].
Giáo luật quy định:
“Nơi nào nhu cầu Giáo hội đòi hỏi, và thiếu thừa tác viên thánh, thì
các giáo dân, dù không có tác vụ đọc sách và giúp lễ, cũng có thể thay thế họ
làm một số công việc: tỉ như thi hành tác vụ Lời Chúa, chủ tọa buổi cầu nguyện,
ban phép Thánh tẩy, cho rước lễ, theo các quy tắc luật định”[16].
c/ Đức Phanxicô
Đức Phanxicô đã minh định rõ ràng về vai trò và nhiệm vụ của
người giáo dân trong Giáo hội và chính bí tích Rửa tội và Thêm sức là nền tảng
của việc người giáo dân chia sẻ trách nhiệm trong Giáo hội:
Giáo dân rõ ràng là thành phần đại đa số của Dân Chúa. Thành phần thiểu
số - các thừa tác viên có chức thánh - là để phục vụ giáo dân. Ngày càng có một
sự ý thức nhiều hơn về căn tính và sứ mạng của giáo dân trong Hội thánh. Chúng
ta có thể cậy dựa vào nhiều giáo dân, tuy hầu như vẫn chưa đủ, là những người
có một ý thức cộng đoàn sâu xa và một sự trung thành lớn lao đối với các công
việc bác ái, dạy giáo lý và cổ vũ đức tin. Nhưng đồng thời, không phải ở mọi
nơi đều có một sự ý thức rõ ràng về trách nhiệm này của giáo dân, ăn rễ sâu
trong phép Rửa tội và Thêm sức của họ như thế”[17].
Tuy nhiên, trên thực tế người giáo dân vẫn chưa thực thi
đúng chức năng của mình, và Đức Phanxicô đã đưa ra hai lý do:
- Người giáo dân không được đào tạo một cách đầy đủ, và họ
không được cung cấp các phương thế thích hợp để thi hành ơn gọi của mình;
- Tại Giáo hội địa phương, người giáo dân không có chỗ để
lên tiếng và hành động, “do một chủ
trương giáo sĩ trị thái quá khiến họ không được tham gia vào việc làm các quyết
định”[18].
Vì thế, theo Đức Thánh cha: “Dù rằng nhiều người nay đã tham gia vào các thừa tác vụ giáo dân, sự
tham gia này không phản ánh một sự xâm nhập sâu xa hơn các giá trị Kitô giáo
vào các lãnh vực xã hội, kinh tế và chính trị. Nó thường vẫn chỉ bó gọn vào các
công việc trong nội bộ Hội thánh, mà không có một sự dấn thân thực sự để đem
Tin mừng làm biến đổi xã hội. Sự đào luyện của giáo dân và việc phúc âm hoá đời
sống nghề nghiệp và tri thức là một thách thức mục vụ quan trọng”[19].
Đức Phanxicô nhấn mạnh:
“Bí tích đầu tiên, vĩnh viễn đóng dấu căn tính của chúng ta, và là bí
tích mà chúng ta luôn luôn hãnh diện, đó là bí tích Rửa tội. Qua bí tích Rửa tội
và nhờ sự xức dầu của Chúa Thánh Thần”[20], các tín hữu “được thánh hiến như một ngôi nhà thiêng
liêng và một chức tư tế thánh thiện” (LG 10).
Trong lá thư gởi cho Đức Hồng y Marc Armand Ouellet, Đức
Phanxicô một lần nữa đã minh định:
“Đức tin của cộng đoàn dân Chúa là nguồn mạch cho mọi định hướng, mọi
kiếm tìm, cho những nguyện vọng và những khát khao. Khi họ cố gắng lắng nghe và
tự định hướng, họ có thể biểu lộ sự hiện diện đích thực của Thánh Linh. Chúng
ta hãy tin tưởng vào dân của chúng ta, vào ký ức và ‘khứu giác’ của họ, chúng
ta hãy tin tưởng rằng Chúa Thánh Thần hoạt động trong và với dân của chúng ta
và rằng Thần Khí này không chỉ là ‘tài sản’ của phẩm trật Giáo hội”[21].
Vì thế, người giáo dân cần phải được đào tạo đầy đủ để học
nhận thức đúng đắn về ơn gọi của mình, để họ có thể đảm nhận những nhiệm vụ
trong Giáo hội theo đúng điều mà đã nhận lãnh từ bí tích Rửa tội và Thêm sức.
Trong Tông thư Antiquum Ministerium , Đức Thánh cha nói đến việc dạy giáo lý của
người giáo dân:
“Vai trò của các giáo lý viên là hình thức phục vụ cụ thể trong số những
hình thức phục vụ khác trong cộng đồng Kitô hữu. Giáo lý viên được kêu gọi trước
tiên để trở nên chuyên nghiệp trong công việc mục vụ truyền bá đức tin khi nó
phát triển qua các giai đoạn khác nhau từ việc công bố ban đầu về kerygma đến
việc hướng dẫn giới thiệu đời sống mới của chúng ta trong Chúa Kitô và chuẩn bị
cho các bí tích khai tâm Kitô giáo, và sau đó đến việc huấn luyện liên tục có
thể cho phép mỗi người giải thích về niềm hy vọng nơi họ. Đồng thời, mỗi giáo
lý viên phải là chứng nhân đức tin, là thầy dạy và là người dạy dỗ, là bạn đồng
hành và là nhà sư phạm dạy dỗ cho Giáo hội. Chỉ nhờ cầu nguyện, học hỏi và tham
gia trực tiếp vào đời sống của cộng đoàn, họ mới có thể lớn lên trong căn tính
này cũng như tính chính trực và trách nhiệm mà nó đòi hỏi”[22].
Do đó, các giáo lý viên cần được đào tạo và trang bị kiến thức
đầy đủ, và họ được gọi là thừa tác viên của Giáo hội.
Việc đào tạo giáo dân còn hướng tới khoản Giáo luật 230 §1
được Đức Phanxicô sửa đổi theo Tự sắc Spiritus Domini. Theo đó, Điều 230 §1 của
Bộ Giáo luật được diễn đạt như sau: “Những
giáo dân đủ tuổi và đủ tiêu chuẩn được ấn định bởi qui định của Hội Đồng Giám Mục
có thể được tiếp nhận thông qua nghi thức phụng vụ quy định cho các thừa tác vụ
đọc sách và giúp lễ. Tuy nhiên, việc trao các thừa tác vụ này không cho phép họ
có quyền nhận được sự hỗ trợ hoặc thù lao từ Giáo hội”[23]. Như vậy, người nữ
giáo dân cũng có thể đón nhận thừa tác viên đọc sách và giúp lễ. Và vai trò của
người giáo dân trong việc đảm trách những phận vụ của Giáo hội còn được mặc cho
tầm vóc lớn lao hơn qua Tông hiến Praedicate Evangelium[24].
Nếu chúng ta tự hỏi đâu là trách nhiệm của người giáo dân
trong Giáo hội, và đâu là nền tảng thần học cho việc người giáo dân đảm trách
các nhiệm vụ Giáo hội? Câu trả lời chính là từ bí tích Rửa tội và Thêm sức.
Chính nhờ bí tích Rửa tội tất cả mọi giáo dân đều tham gia công việc của
Giáo hội, bởi chính Đức Kitô sai phái họ. Người giáo dân có chỗ đứng
trong Giáo hội không phải vì tham dự vào các chức vụ của hàng giáo
phẩm, nhưng nhờ tham dự vào các chức vụ của Đức Kitô. Do đó, người
giáo dân có nhiệm vụ tư tế, tiên tri và vương đế, đây là nền tảng mà người
giáo dân phải chịu trách nhiệm đối với anh em trong đức tin cũng như đối với những
người ở xa Chúa Kitô. Trách nhiệm này được sự sự ủy thác của Chúa Kitô qua
Giáo hội. Vì thế Công đồng nói trong Hiến chế Lumen Gentium số 31: Qua
Phép rửa, Kitô hữu được nhập hiệp vào thân thể Chúa Kitô và trở nên
dân Chúa, người giáo dân được tham dự vào chức vụ tư tế, tiên tri và
vương đế của Đức Kitô, để thực thi sứ mệnh của toàn dân trong Giáo
hội và trong thế giới theo phận vụ riêng của họ[25],
điều đó có nghĩa là họ thánh hóa bản thân và thực thi việc tông đồ trong các
môi trường trần thế: trong gia đình, xã hội, công việc, giải trí, văn hóa, v.v.
Người giáo dân nói về Chúa Kitô, loan báo về Chúa Kitô, không chỉ bằng lời nói,
nhưng đặc biệt là bằng hành động của chính mình. Và đây được hiểu là người giáo
dân thực thi sứ mệnh của toàn dân Chúa, nên họ là Giáo hội. Họ có
được một chỗ đứng công khai trong Giáo hội. Họ là Giáo hội hiện
diện trong thế giới[26]. Vì thế họ có vai trò đồng
trách nhiệm trong việc thi hành nhiệm vụ của Giáo hội, đặc biệt làm cho Giáo hội
trở thành dấu chỉ của nước Trời qua đời sống chứng tá của mỗi người trong môi
trường trần thế.
(Trích Các bài thường huấn tháng 03/2023 của Ủy ban Giáo dân)
[1] X. Y. Congar, Công đồng chung Vaticanô II., Giáo
hội, Dân Thiên Chúa và thân thể của Đức Kitô (le Concile de Vatican II. Son
Église, peuple de Dieu et corps du Christ) ( trong: Théologie historique 71).
Paris 1984
[2] ĐHY Joseph Ratzinger, Bài Mở Đầu cho Hội Nghị Mục Vụ của Giáo Phận
Aversa, Italia, ngày 15/9/2001, đăng trong tuần san L’Osservatore Romano, ấn bản
Anh Ngữ, N.4- 23/1/2002, trang 5-7.
[3] Giáo sư Luis Navarro, Giáo hoàng học viên Thánh Giá, Đồng trách nhiệm
của người giáo dân (La corresponsabilità dei fedeli laici. Fondamento e
natura), nguồn: http://www.laityfamilylife.va/
[4] X. Phúc âm hoá thời đại hôm nay và trong tương lai của Mỹ châu
La tinh (Die Evangelisierung in der Gegenwart und in der Zukunft
Latinamerikas). Tài liệu của hội đồng chung Giám mục Mỹ châu La tinh
tại Puebla (Dokumente der III. Generalkonferenz des lateinamerikanischen
Episkopats in Puebla) (trong: Stimmen der Weltkirche 8), Bonn 1979, tr. 804.
[5] Như trên, Số. 584. Mục từ “nhiệm vụ” có thể mang nhiều ý nghĩa
khác nhau. Trong lãnh vực thiêng liêng, nhiệm vụ có nghĩa là bổn của
người Kitô hữu trong cuộc sống hàng ngày. Người ta kể câu chuyện về
Bernadette Soubirous, bà bị 20 năm nằm ở trên giường với bệnh ung thư xương.
Người ta hỏi, bà làm gì trên giường bệnh trong một thời gian dài như
thế. Bà trả lời, bà đang chu toàn bổn phận của bà. Được hỏi ngược
lại: Bổn phận gì? Bà nói: Bổn phận của tôi là bệnh. Bệnh tật cũng
có một nhiệm vụ quan trọng trong tập thể con người. Đối với bà bệnh
là một nhiệm vụ. X. Mục từ „Soubiruos, Bernadette“, in: LThK cuốn. IX,
899.
[11] Đức Gioan Phaolô II, Tông huấn hậu thượng hội đồng, Christifideles
laici, ban hành ngày 30-12-1988, số 15.
[20] Đức Phanxicô, Thơ gởi cho hồng y Marc Armand Ouellet, PSS, vào ngày
19-3-2016, nguồn: vatican.va
[24] X. Đức Phanxicô, Tông hiến Praedicate Evangelium, ban hành ngày
19-3-2022, tại Roma, nguồn: vatican.va
[25] Tương quan giữa Giáo hội và thế giới chủ yếu đối với chỗ
đứng của người giáo dân trong Giáo hội như là Giáo hội và trong thế
giới như là thế giới. Công thức của Công đồng nhằm nói đến chức năng
hoạt động của sứ mệnh Dân Chúa bao gồm Giáo hội và thế giới. Có
nghĩa người giáo dân hiện hữu trong thế giới như là thế giới có bổn
phận mang tính Giáo hội, và làm cho Giáo hội như là Giáo hội trở
thành một thực tại trong thế giới. Như vậy có nhiệm vụ trần thế
của Giáo hội. Công thức sứ mệnh của Dân Chúa trong Chúa Kitô được
lập lại trong hiến chế mục vụ “Gaudium et spes” và sắc lệnh tông đồ
giáo dân “Apostolica actuositatem”. Tất cả đều nói đến nền tảng cơ bản
của giáo huấn về nhiệm vụ: Sứ mệnh của Dân Chúa chính là sự ủy
thác thiêng liêng của Giáo hội trong thế giới.
[26] X. K. Rahner, Schriften zur Theologie II. Einsiedeln 1962, 344.