NGÔN NGỮ CẦN CÓ NƠI NGƯỜI TRẺ CÔNG GIÁO
Lm. Giuse Phạm Đình Ngọc SJ
WHĐ (03.07.2023) – Tuần trước (26 tháng 6), Đức Giáo Hoàng Phanxicô gửi một tin nhắn đến các bạn
trẻ sẽ tham dự đại hội giới trẻ thế giới tại Lisbon[1].
Trong đó, ngài báo một tin vui rằng bác sĩ xác nhận Đức Giáo hoàng có đủ sức khỏe
để gặp gỡ các bạn trẻ trên toàn thế giới tại thủ đô Bồ Đào Nha. Dịp này hẳn là
có nhiều bạn trẻ Công giáo Việt Nam cũng về tham dự. Trong tin nhắn này, Đức
Giáo hoàng đề cập đến ba ngôn ngữ mà người trẻ Công giáo rất nên học, nên dùng.
Khi sử dụng thành thạo ngôn ngữ này, các bạn trẻ sẽ thành công và hạnh phúc. Dưới
đây, chúng ta thử suy tư thêm về ba ngôn ngữ mà Đức Thánh Cha đề nghị: Ngôn ngữ
3 H (languages of the head, heart, and hands). Tiếng Việt cũng có thể dịch
thành ngôn ngữ 3 T: Trí–Tâm–Tay.
1. Khối óc người
trẻ
Tuổi trẻ là thời
gian bừng tỉnh của lý trí. Các bạn có khả năng tiếp thu lượng kiến thức rất
nhanh từ ghế nhà trường hoặc ngoài xã hội. Kiến thức ấy dĩ nhiên là rất cần thiết
cho hành trình phía trước. Bởi thế người ta thường nói: “Học hành là con đường ngắn nhất để đi đến thành công.” Học tập thời
đại này không giới hạn trong phạm vi trường lớp, nhưng là cả một thế giới
Internet, thế giới của trường đời. Chỉ những ai muốn sử dụng công suất của khối
óc, người ấy mới thu góp cho mình lượng kiến thức, để rồi chuyển thành tri thức
cho cuộc đời mình. Trí khôn là món quà Thiên Chúa ban cho từng bạn trẻ. Nếu bạn
muốn cộng tác với Thiên Chúa, thì khi tìm hiểu, học tập cũng là lúc mình chuẩn
bị hành trang để sẵn sàng biết làm việc khi Chúa muốn. Chúa Giêsu bảo những người
khôn ngoan có thể đem ra từ kho lẫm của họ cả những đồ mới lẫn đồ cũ (x. Mt 13,52).
“Một người trẻ khôn ngoan mở lòng ra cho
tương lai, nhưng vẫn có khả năng học được điều gì đó từ kinh nghiệm của những
người khác.” (Christus Vivit,
16).
Tôi rất vui khi
biết thế hệ “8-9 X, thế hệ Z” đang tiếp cận với những nguồn tri thức để:
trước là giúp mình, sau là giúp đời và Giáo hội. Là người trẻ Công giáo, chúng
ta cần học ngôn ngữ trí tuệ này. Cụ thể, Đức Giáo hoàng đưa ra một chìa khóa
cho ngôn ngữ này: “Dùng khối óc để suy
nghĩ chín chắn rõ ràng về những điều chúng ta cảm nhận và cần làm - the head to think clearly about what we feel
and do.” Trước thế giới nhiễu loạn thông tin, những ai càng biết
dùng khối óc khôn ngoan để phân định, nhận xét, nắm bắt vấn đề, người ấy càng dễ
thành công hơn. Vì lý do này, Đức Giáo hoàng cũng như Giáo hội khuyến khích các
bạn trẻ mạnh dạn suy tư, tự do học hỏi và dùng những điều mình biết để dựng xây
cuộc đời. Đừng quên Chúa Giêsu cũng mời người trẻ: “Ngươi phải yêu mến Đức
Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực
ngươi.” (Mc 12,29-30).
2. Ngôn ngữ của
trái tim
Nhà bác học Pascal
nhận xét rằng: “Con tim có những lý lẽ mà lý trí không biết”. Chẳng hạn
kinh nghiệm của thánh Phaolô cho thấy phần nào nhận xét này: “Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng
sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm” (Rm 7,19). Dù sao lý trí vẫn chưa đủ
để giúp chúng ta hành động một cách khôn ngoan! Khôn thôi chưa đủ, nhưng cần sự
nhạy bén của con tim, cần cảm xúc mà chúng ta tạm gọi là trực giác (Intuition)
để có được một quyết định đúng đắn. “Trực
giác là sự đồng cảm mà qua đó một người đặt mình vào bên trong sự vật để đồng
nhất với cái duy nhất trong nó”[2].
Thật khó để kết hợp cả khối óc và con tim một cách nhuần nhuyễn. Vì thế, Đức
Giáo hoàng khuyến khích người trẻ dùng con tim để cảm nhận thật tốt, thật sâu
điều mình đang suy nghĩ và hành động. (The heart to feel well, deeply, what
we think and do).
Nếu đã tham dự đại
hội giới trẻ cấp Giáo phận hoặc cấp quốc tế, bạn có thể cảm nhận được người trẻ
có thể học được hai ngôn ngữ trên. Có rất nhiều bạn trẻ đủ khôn ngoan với một
tâm hồn độ lượng. Lý trí mách bảo con tim các bạn ấy hướng đến điều thiện hảo.
Bằng trái tim và cái đầu, người trẻ được mời gọi cùng với Giáo hội làm chứng
cho Tin mừng Nước Trời. Nhất là khi nhắn nhủ những lời này, 40 ngày như là mùa
Chay Thánh, Đức Giáo hoàng khuyến khích các bạn trẻ hãy sống với những khả năng
Chúa ban. Mạnh dạn sử dụng ngôn ngữ của trí thức để cùng nhau cộng tác, đối thoại
và hướng về ngày Đại Hội giới Trẻ thế giới. Chính lúc chuẩn bị cũng là lúc người
trẻ đang tham dự hành trình gặp gỡ này. Nơi đó, con tim người trẻ bừng sáng với
những ước vọng, khao khát về một ngày mai tươi sáng. Người trẻ Công giáo không
cô đơn, các bạn có Thiên Chúa, Chúa Thánh Thần thôi thúc trí khôn, thắp sắng ngọn
lửa tình yêu nơi tâm hồn từng người. Được như thế, Đức Giáo hoàng tiếp tục đề
nghị chúng ta sử dụng ngôn ngữ của đôi tay.
3. Khôn ngoan
phục vụ trong tình yêu
Đức Giáo hoàng mời
các bạn trẻ "dùng đôi tay của mình để
nhận ra những gì mình cảm thấy và suy nghĩ - The hands to realise what we feel and think.” Cụ thể, Đức
Giáo hoàng hướng đôi tay người trẻ đến những người đang cần được giúp đỡ. Họ là
những người nghèo vật chất hoặc tinh thần. Trong khi đó, chúng ta đang có khả
năng, cần trở nên đôi tay nối dài của Thiên Chúa đến với nhiều người. Đọc đến
đây, có lẽ nhiều người đưa tay ý kiến: Làm sao tôi có thể giúp được, trong lúc
chính tôi và gia đình đang gặp khó khắn?
Đức Giáo hoàng trả
lời bạn trong Cẩm nang hướng dẫn sống hạnh phúc[3]
như sau:
“Này các bạn, các bạn không được dựng nên để 'sống
qua ngày', để dành cả ngày cho việc cân bằng giữa bổn phận và sở thích; các bạn
được dựng nên để bay vút lên cao. […] Các bạn sẽ nhận ra điều này khi ngước
nhìn lên trời lúc cầu nguyện, và nhất là khi chiêm ngưỡng Chúa Giêsu trên thập
giá. Các bạn sẽ nhận ra rằng, từ trên thập giá Chúa Giêsu không bao giờ lên án
nhưng ôm lấy bạn và khích lệ bạn, bởi vì Người tin tưởng bạn ngay cả những khi
bạn không còn tin tưởng vào chính mình. […] Hãy đặt máy định vị của cuộc đời bạn
hướng tới một điểm đến tuyệt vời: hướng lên cao!”
Các bạn trẻ thân
mến,
Chúng ta thử một
lần phục vụ với hết khả năng của mình, trong giới hạn của mình. Chúa Giêsu mời
gọi từng người hãy can đảm đưa cho Chúa năm chiếc bánh và hai con cá. Dám cho
Chúa những gì mình có ít ỏi. Lúc đó, Thiên Chúa sẽ làm phép lạ hóa bánh ra nhiều
để nuôi sống biết bao người. Thật tốt để làm những gì mình có thể. Nhất là Giáo
hội ý thức được nơi người trẻ có bao nhiêu tài năng, bao nhiêu khát vọng cháy bỏng
nơi con tim. Khi đó, Giáo hội muốn người trẻ “làm chứng cho vẻ đẹp của lòng quảng đại, phục vụ, trong sạch, kiên
trì, tha thứ, trung thành với ơn gọi cá nhân, cầu nguyện, theo đuổi công lý và
công ích, tình yêu dành cho người nghèo và tình bằng hữu xã hội.” (Christus Vivit,
171).
Ngày nay, nhờ ơn
Chúa, các nhóm trẻ từ các giáo xứ, trường học, phong trào hoặc các đại học có
thói quen đồng hành với những người già cả và bệnh tật, hoặc đến thăm các khu
dân nghèo, hay cùng nhau giúp đỡ người nghèo. Thường thì những bạn trẻ ý thức rằng
trong các hoạt động này, các bạn nhận được nhiều hơn là cho đi, bởi vì người ta
học hỏi và trưởng thành hơn rất nhiều khi có can đảm tiếp xúc với sự đau khổ của
tha nhân. Hơn nữa, nơi những người nghèo có một sự khôn ngoan tiềm ẩn, và với
những lời đơn sơ, họ có thể giúp chúng ta khám phá ra những giá trị mà chúng ta
không nhìn thấy. Vì lý do này, Đức Giáo hoàng không ngừng mời gọi người trẻ
vươn đôi tay của mình đến với tha nhân.
Những tuần lễ này
là thời gian của rất nhiều kế hoạch. Học sinh được nghỉ hè, nhiều bạn trẻ chuẩn
bị đi chơi hè. Hẳn cũng có nhiều bạn chuẩn bị cho ngày đại Hội Giới Trẻ thế giới
năm nay. Là người trẻ, chúng ta cần sống động, cần hướng đến tương lai. Trong
những háo hức bộn bề đó, ước gì bạn học được ngôn ngữ của trí khôn, của con tim
và với đôi tay phục vụ. Trên hành trình chuẩn bị này, chúng ta “học hỏi lẫn nhau, sưởi ấm tâm hồn nhau, gây
hứng khởi cho tâm trí nhau bằng ánh sáng Tin Mừng và ban cho đôi tay chúng ta sức
mạnh mới” (Christus Vivit,
199).
Tôi tin, chúng ta
tin với ba ngôn ngữ này sẽ giúp mình được hạnh phúc bình an, thành công và
thành thánh. Với một điều kiện như Đức Giáo hoàng đề nghị: “Chúng ta đừng từ bỏ những giấc mơ vĩ đại. Chúng ta đừng chỉ giải quyết
những gì là cần thiết. Chúa không muốn chúng ta thu hẹp tầm nhìn của mình hoặc
dừng lại bên vệ đường cuộc đời. Ngài muốn chúng ta dũng cảm và vui vẻ chạy đua
hướng tới những mục tiêu cao cả. Chúng ta không được dựng nên để mơ về những kỳ
nghỉ hay những ngày cuối tuần, nhưng để biến những giấc mơ của Thiên Chúa thành
hiện thực trên thế giới này. Thiên Chúa ban cho chúng ta có khả năng ước mơ, để
chúng ta có thể đón nhận vẻ đẹp của cuộc sống”[4].