NGÔN NGỮ BIỂU TRƯNG TRONG
GIÁO LÝ:
SÁCH GIÁO LÝ
CỦA CHA GIROLAMO MAIORICA VÀ SÁNG KIẾN HỘI NHẬP VĂN HOÁ
Tác giả: Linh mục Phanxicô Xaviê
Nguyễn Hai Tính, SJ
Mục lục I.
SƠ LƯỢC VỀ CHA GIROLAMO MAIORICA 4. Chỗ đứng trong lịch sử ngôn ngữ
và văn học Việt Nam IV.
NGÔN NGỮ BIỂU TRƯNG, CHÂN LÝ ĐỨC TIN VÀ VĂN HOÁ VIỆT |
DẪN NHẬP
Từ ngày 18.01. 2014
đến ngày 18.01. 2015, Tỉnh Dòng Tên Việt Nam cử hành Năm Thánh kỷ niệm
400 năm ngày các Giêsu hữu[1]
đầu tiên đặt chân đến đất Việt. Đây là dịp để các anh em Giêsu hữu
và các thân hữu ôn cố tri tân, đọc lại quá khứ huy hoàng của các
bậc cha anh đi trước nhằm rút ra những bài học thiết thực cho việc
loan báo Tin Mừng trên nước Việt ngày nay. Từ trước tới nay, quá khứ
huy hoàng đó thường được biết đến cách điển hình qua con người và
các công trình – mục vụ cũng như ngôn ngữ, văn chương – của cha Đắc Lộ
(Alexandre de Rhodes), người vẫn được xem là có công lớn trong việc
truyền giáo, hội nhập văn hoá và nhất là trong việc hình thành và
phổ biến chữ Quốc Ngữ hiện đại (viết bằng các ký tự Latinh, xin
gọi tắt là chữ Quốc Ngữ)[2].
Tuy nhiên, còn nhiều vị Giêsu hữu khác cũng đã góp phần khá quan
trọng trong việc truyền giảng Tin Mừng cũng như trong việc hội nhập
văn hoá nhưng chưa được biết đến cách rộng rãi[3].
Sự xuất hiện
và phổ biến của chữ Quốc Ngữ chắc hẳn đã được đa số người Việt
Nam trân trọng và tán dương, vì nó giúp việc ghi lại tiếng nói dân
tộc trở nên đơn giản, dễ dàng và phổ cập hơn. Tuy nhiên, cũng không
có gì ngạc nhiên khi có những ngườinặng lòng với lịch sử và truyền
thống dân tộc, tuy trân trọng việc tạo ra cách viết mới cho tiếng nói
dân tộc, vẫn tiếc thay cho việc những áng văn thơ cổ viết bằng chữ
Hán và chữ Nôm lùi dần vào quên lãng và mất tích trong tâm thức
người Việt. Đối với một số người, chính chữ Quốc Ngữ là “thủ
phạm” của hiện tượng đáng tiếc này, vì nó cắt đứt tâm thức người
Việt khỏi dòng “truy cập” tới những áng văn cổ viết bằng chữ Hán
và chữ Nôm. Cứ theo quan điểm này mà xét thì các Giêsu hữu phải
giật mình, nhận ra mình cũng “bị vạ lây” và “mang tội lớn” đối với
nền văn học cổ của dân tộc.
Tuy nhiên, ngay
cả khi bỏ qua vấn đề còn đang trong vòng tranh luận rằng liệu việc
hình thành và phổ biến chữ Quốc Ngữ có thực sự là nguyên nhân
chính cho việc chữ Nôm bị mai một hay không, thì các Giêsu hữu vẫn có
thể an tâm trước các “cáo tội”, nếu có, về trách nhiệm đối với ngôn
ngữ và văn học cổ của dân tộc. Bởi vì, các Giêsu hữu đầu tiên trên
đất Việt không chỉ sáng tạo và lưu truyền chữ Quốc Ngữ hiện đại,
mà họ còn để lại các tác phẩm văn xuôi bằng chữ Quốc Ngữ thời đó,
tức chữ Nôm, nữa.
Nhân dịp Năm
Thánh này, chúng tôi xin trình bày sơ lược một khuôn mặt khác, ít
quen thuộc hơn cha Đắc Lộ, mà vai trò của ngài trong lịch sử truyền
giáo cũng như trong lịch sử ngôn ngữ và văn học Việt Nam đang ngày
càng được nhìn nhận rõ hơn, nhờ việc khám phá ra các tác phẩm Nôm
mà ngài để lại. Đó là cha Girolamo Maiorica (1591-1656).
Trong bài viết
này, sau khi giới thiệu sơ lược về con người, công việc và tầm ảnh
hưởng của cha Girolamo Maiorica, chúng tôi sẽ đi sâu vào tác phẩm Thiên Chúa Thánh Giáo Khải Mông[4](TCTGKM) để tìm hiểu các phương cách
thích ứng và hội nhập văn hoá của ngài trong khi trình bày giáo lý
đức tin chân truyền cho người Việt.
I. SƠ LƯỢC VỀ CHA
GIROLAMO MAIORICA
Trong phần này,
khi viết về thân thế sự nghiệp của cha Girolamo Maiorica, chúng tôi
không có ý đi sâu theo hướng chuyên môn khoa học vào các chi tiết lịch
sử[5],
nhưng chỉ có ý mô tả cách chân thực hết sức có thể và làm nổi bật
lên nhân cách cũng như vai trò của ngài trong việc truyền giáo và hội
nhập văn hoá, hầu góp phần cổ võ lòng trân trọng các vị tiền nhân
và rút ra các bài học thực tiễn cho việc loan báo Tin Mừng ngày nay.
1. Tiểu sử và công việc
Trước hết phải
nói, theo suy đoán của tác giả Brian Eugene Ostrowski, rằng có lẽ một
trong những lý do khiến cha Girolamo Maiorica không được biết đến chính
là đức tính khiêm nhường, âm thầm, không muốn được ai khen của ngài. Ngài
ít xuất bản các bản tường trình như các thừa sai khác đã làm, các
tác phẩm ngài để lại đa số đều là bản viết tay, bằng ngôn ngữ bản
địa. Các thừa sai như Đắc Lộ, Giovanni Filippo de Marini, Cristoforo Borri
và Joseph Tissanier xuất bản các tài liệu bằng các ngôn ngữ châu Âu
và vì thế được giới học giả biết đến nhiều hơn, dù không có ai
trong số họ sống trên đất Việt lâu như ngài[6].
Sự âm thầm của
cha Girolamo Maiorica làm cho việc viết tiểu sử ngài gặp một số khó
khăn. Ngay cả tên của ngài viết thế nào, các học giả cũng chưa thống
nhất được với nhau. Xin kể ra đây một vài điển hình: cha Đỗ Quang
Chính viết tên ngài là Girolamo Majorica, tiến sĩ Brian E. Ostrowski
viết là Geronimo Maiorica, tiến sĩ Nguyễn Thị Tú Mai viết là Jeronimo
Maiorica. Riêng tác giả Roland Jacques viết rằng tên ngài bằng tiếng Ý
là Girolamo Maiorica, bằng tiếng Bồ Đào Nha là Jerônimo Majorica[7].
Chúng tôi xin chọn viết tên ngài là Girolamo Maiorica[8].
Theo cha Đỗ
Quang Chính, cha Girolamo Maiorica sinh năm 1591 tại Napoli (Ý)[9].
Cứ theo số liệu này thì ngài gia nhập Dòng Tên năm lên 14 tuổi, vào
ngày 19.05.1605. Theo những gì được ghi lại trong cuốn Thiên Chúa Thánh Giáo Khải Mông thì
ngài được chính Đức Hồng Y Roberto Bellarmino (cũng là tu sĩ Dòng Tên)
truyền chức linh mục cho khi ghé qua Rôma để từ đó đi truyền giáo ở
Viễn Đông[10].
Mà ngài khởi hành từ Lisboã hướng về Viễn Đông năm 1619, vậy ngài
chịu chức linh mục vào khoảng năm 28 tuổi.
Mục đích ban
đầu của các bề trên là gởi ngài đi truyền giáo ở Nhật, nhưng vì
không đến Nhật được do cuộc bách đạo gay gắt, ngài “phải” thay đổi
chương trình, chuyển đến Đàng Trong vào cuối tháng 12.1624 (hoặc tháng
02.1625) cùng với 6 Giêsu hữu khác, trong đó có cha Đắc Lộ[11].
Ngài được gởi
tới cư sở ở Nước Mặn (phần đất cuối của lãnh thổ Đàng Trong, gần
vương quốc Chăm (ngày nay thuộc thôn An Hoà, xã Phước Quang, huyện Tuy
Phước, tỉnh Bình Định; thuộc giáo xứ Nam Bình, giáo phận Quy Nhơn)
để học tiếng Việt, trong khi cha Đắc Lộ đến cư sở Thành Chiêm (còn
gọi là Kẻ Chàm), cách Hội An 7 km về phía tây[12].
Ngài khấn cuối
với 4 lời khấn ngày 21.05.1626. Đến năm 1628, ngài được gọi về Macao
để chuẩn bị đi Nhật lần nữa, nhưng chuyến đi Nhật lại không thành.
Năm 1630, ngài
trở lại Đàng Trong và tham gia sứ mạng truyền giáo cho nước Chăm
(vùng Nha Trang và Phan Thiết bây giờ). Bị bắt giam ngay khi đặt chân
lên đất Chăm, rồi được nhóm thương gia người Bồ Đào Nha chuộc ra, ngài
qua Campuchia bắt tàu về lại Đà Nẵng ở Đàng Trong. Sau đó vì sứ
mạng mới lập ở Đàng Ngoài cần người biết tiếng Việt, ngài được
gởi đi Đàng Ngoài để hỗ trợ nhóm thừa sai ở đó.
Ngài đến Đàng
Ngoài ngày 19.10.1631 (hoặc đầu năm 1632) cùng với cha Bernardino Reggio.
Sau một năm ở kinh đô Thăng Long, ngài được gởi tới vùng thôn quê ở Kẻ
Rum (Vinh, Nghệ An) để truyền giáo cho người bình dân[13],
trong khi các cha Gaspar d’Amaral và Antonio de Fontes ở lại thủ đô, để
dễ liên lạc với chúa Trịnh Tráng. Nhờ thông thạo tiếng Việt, nên
ngài dễ tiếp xúc và thuyết phục được nhiều người theo đạo; chỉ
trong 5 tháng đầu ở Kẻ Rum, ngài đã rửa tội được cho 2. 575 người[14].
Vì phụ trách
vùng truyền giáo rộng nhất Đàng Ngoài (gồm 9 quận – 4 quận vùng
đồng bằng và 5 quận vùng đồi núi), nên ngay từ những ngày đầu ở
vùng Nghệ An, ngài phải liên tục viết thư từ và bài giảng giáo lý
để các thầy giảng đọc cho các giáo dân ở vùng xa nghe khi không có
ngài ở đó. Vì thế mà ngài rất bận rộn với việc viết sách bằng
ngôn ngữ và chữ Đàng Ngoài (tiếng Việt, chữ Nôm); ngài viết sách
ngay cả lúc trên thuyền đi thăm viếng bổn đạo. Các học giả cho rằng,
ngoài việc viết sách đạo bằng văn xuôi, ngài còn viết kịch và thơ;
ngài còn tổ chức thi giáo lý có thưởng để khuyến khích việc học
đạo.
Trong suốt quá
trình truyền giáo ở vùng Nghệ An, ngài cũng gặp nhiều chống đối và
thử thách, có khi bị giam tù, bị tẩy chay và cả bị đuổi đánh nữa. Có
lần nhà nguyện ở Kẻ Rum bị đập phá và san bằng. Tuy nhiên, nói chung
thì sứ mạng của ngài đạt nhiều thành công lớn. Năm 1636, ngài tin cho
cha Đắc Lộ hay rằng mỗi năm ở Đàng Ngoài có trên 10.000 người được
rửa tội, riêng ngài đã rửa tội cho 6.000 người từ khi đến Đàng
Ngoài, và hiện cai quản 40.000 bổn đạo thuộc 70 nhà thờ[15].
Gánh mục vụ ngày càng nặng, khiến ngài phải ngưng viết sách vào
đầu những năm 1640[16].
Vào khoảng những năm 1635-1640, ngài còn tham gia một cuộc tranh luận
tôn giáo tại kinh đô Thăng Long, và đã thu phục được một vị Hoà
Thượng theo đạo và trở nên bạn đồng hành, cộng tác với ngài trong
việc soạn các sách đạo bằng chữ Nôm[17].
Vào cuối năm
1649 (hoặc đầu năm 1650), được đặt làm bề trên vùng truyền giáo Đàng
Ngoài lần thứ hai, ngài dời về cộng đoàn kinh đô Thăng Long giữa lúc
chúa Trịnh Tráng đang ra lệnh cấm đạo, san bằng các nhà thờ, đập
phá tượng ảnh và đốt các sách đạo. Vùng Nghệ An trước đây có nhiều
nhà thờ là thế, sau cuộc bách hại năm 1649-1650, chỉ còn lại 4 nhà
thờ. Trong thời gian làm bề trên ở Thăng Long, cha Girolamo Maiorica đã
đi lại gặp gỡ chúa Trịnh Tráng nhiều lần để giải thích, thuyết
phục, và đã có công lớn trong việc làm dịu những cơn cấm cách và
bách đạo. Cũng trong khoảng thời gian này, dân số bổn đạo Đàng Ngoài
tăng từ 200.000 (vào năm 1648) lên tới 250.000 (vào năm 1655)[18].
Tháng 04.1653,
ngài được đặt làm bề trên Giám Tỉnh của Tỉnh Dòng Nhật Bản. Bình
thường thì Giám Tỉnh Nhật Bản sẽ phải cư ngụ ở Macao, nơi có trụ
sở của Tỉnh Dòng và trường đào tạo các thừa sai và nơi mà đa số
các Giêsu hữu Tỉnh Nhật Bản đang cư ngụ (36 trên tổng số 44); nhưng
ngài chọn ở lại, điều hành Tỉnh Dòng từ Thăng Long là vùng đất
truyền giáo.
Tháng 01.1656
ngài lâm trọng bệnh và mất ngày 27.01.1656 tại Thăng Long, thọ 65 tuổi.
2. Nhân cách và tầm ảnh hưởng
Một số thông
tin sơ lược ở trên về tiểu sử và công việc của ngài cho ta thấy cha
Girolamo Maiorica là:
- Con người tiên
phong, người của vùng ven, vùng sâu, vùng xa cả trong lãnh vực mục vụ
lẫn lãnh vực trí thức. Ngài luôn xông pha đến những nơi xa xôi nhất,
dám đảm nhận những vùng truyền giáo rộng nhất, chọn ở lại sống và
chết với vùng truyền giáo. Phương pháp truyền giáo của ngài là đến
với người dân quê; mọi việc ngài làm, những điều ngài viết là nhắm
đến những người bình dân.
- Con người hoà
giải, bắc những nhịp cầu trung gian. Ngài đã có công lớn trong việc
đối thoại với triều đình chúa Trịnh Tráng để mang lại an bình cho
các giáo dân thôn quê đơn sơ, vô tội. Có lẽ phẩm chất của một con người
hoà giải là một trong các nguyên nhân khiến cha Girolamo Maiorica không
bị trục xuất, mà có thể trụ lại ở Đàng Ngoài một thời gian dài
tới lúc qua đời.
- Con người
lãnh đạo tuyệt vời, hiệu quả, biết định hướng và nối kết những
người cộng tác thành một thể thống nhất để xúc tiến công việc cách
hiệu quả. Việc ngài sáng kiến và kiên trì viết các tài liệu Nôm để
phân phối cho các thầy giảng đọc và dạy cho giáo dân, việc ngài được
đặt làm bề trên vùng truyền giáo, rồi bề trên Giám Tỉnh là những
bằng chứng cho phẩm chất lãnh đạo ưu việt của ngài.
Đánh giá vai
trò của cha Girolamo Maiorica, tác giả Brian E. Ostrowski cho rằng ngài
đã có ảnh hưởng lâu dài và mạnh mẽ trên các cộng đoàn Kitô hữu tiên
khởi ở Việt Nam. Lúc ngài mới tới đất Việt, các Giêsu hữu còn đang
loay hoay chưa biết dạy giáo lý căn bản thế nào, lúc qua đời ngài đã
để lại một thư viện lớn hiếm có các sách đạo bằng chính ngôn ngữ
và chữ viết địa phương[19].
Trong suốt trên dưới 25 năm sống và chết ở Đàng Ngoài, ngài đã góp
phần quan trọng vào sự lớn mạnh phi thường của Giáo Hội ở đây. Theo
một báo cáo, vào năm 1658, tức 2 năm sau khi ngài mất, tổng số bổn
đạo ở Đàng Ngoài đã lên tới khoảng 300.000[20]
– một nền móng tốt và vững chắc cho Giáo Hội Việt Nam sẽ được
chính thức thiết lập với 2 Đại Diện Tông Toà Đàng Ngoài và Đàng
Trong vào ngày 09.09.1659.
Cha Girolamo
Maiorica còn được cho là có ảnh hưởng quan trọng lên đường hướng và
cách thức truyền giáo của các Giêsu hữu thế kỷ XVII[21].
Có nhiều Giêsu hữu viết sách, nhưng viết tới 48 cuốn thì quả thật
không ai sánh bằng cha Girolamo Maiorica. Ngài cũng là người trụ lại
lâu nhất trên đất Việt (4 năm ở Đàng Trong và gần 25 năm ở Đàng
Ngoài). Các thư từ, bản tường trình truyền giáo của các Giêsu hữu
cho thấy ngài được đánh giá cao trong Dòng Tên, và bằng chứng là
ngài được đặt làm bề trên vùng truyền giáo Đàng Ngoài và bề trên
Giám Tỉnh Nhật Bản.
3. Các công trình chữ Nôm
Chúng ta chỉ
thực sự thấy rõ vai trò quan trọng của cha Girolamo Maiorica trong công
cuộc truyền giảng Tin Mừng và trong lịch sử ngôn ngữ văn học Việt Nam
khi xét đến các tác phẩm bằng chữ Nôm do ngài sáng tác hoặc tổ
chức biên soạn.
Sử liệu của
tác giả đồng thời với cha Girolamo Maiorica ghi lại rằng bình sinh,
ngài đã có công biên soạn tới 48 cuốn sách đạo[22].
Suốt từ thế kỷ XVII cho tới thế kỷ XX, giới học giả Tây Phương
truyền cho nhau thông tin này và một số chủ đề của các sách đó,
nhưng không biết mặt mũi những cuốn sách đó như thế nào[23].
Họ cũng không chắc là những sách đó còn hiện hữu đâu đó hay là đã
bị thất lạc và bị thời gian, chiến tranh, loạn lạc tiêu huỷ mất rồi.
Cha Philiphê Bỉnh (1759-1833), học trò của các cha Dòng Tên, người đã
viết nhiều sách bằng chữ quốc ngữ vào đầu thế kỷ XIX, cũng viết
về các sách của cha Girolamo Maiorica. Cha Bỉnh đề cập đến một số
tựa đề sách của cha Girolamo Maiorica và còn thêm rằng, vào thời
ngài, một số sách đã thất lạc. Các mô tả của cha Bỉnh rất hữu ích
để xác định các tác phẩm thường bị coi là vô danh, vô chủ nhưng thực
chất là phát xuất từ cha Girolamo Maiorica. Vì theo cha Bỉnh, từ những
năm 1660, khi Dòng Tên không còn một mình lăn lộn trên đất Việt nữa,
mà đã có Hội Thừa Sai Paris và các dòng khác vào góp sức, thì các
tác phẩm của cha Girolamo Maiorica vẫn được chép lại và sử dụng rộng
rãi, nhưng tên của ngài trên các sách đó đã được cố ý xoá đi vì
nhiều lý do[24].
Tình trạng
“hữu danh vô thực”, chỉ biết đến tên mà chưa thấy sách bao giờ, kéo
dài mãi đến đầu những năm 1950, khi mà tác giả Hoàng Xuân Hãn tình
cờ tìm thấy các thủ bản bằng chữ Nôm, được đóng mộc của Hội Thừa
Sai Paris, trong kho lưu trữ của Thư Viện Quốc Gia Pháp (Bibliothèque
Nationale de France). Khi nghiên cứu nội dung, rồi dựa vào các tên sách
và các chủ đề mà các tác giả Tây Phương và cha Bỉnh ghi lại, tác
giả Hoàng Xuân Hãn quyết đoán các thủ bản này chính là các tác
phẩm của cha Girolamo Maiorica. Việc này đã khuấy lên một bầu khí háo
hức nơi các học giả chuyên về lịch sử, ngôn ngữ và văn chương Việt
nam.
Gần đây, trong
luận án tiến sĩ của mình vào năm 2006, tác giả Brian E. Ostrowski đã
dùng các phương pháp phê bình văn bản, phân tích từ vựng và phân tích
chữ Nôm để xác định và đã đưa ra kết luận rằng có tất cả 16 tập
văn bản là các tác phẩm còn tồn tại của cha Girolamo Maiorica[25].
Ngoài ra, tác giả còn phân tích và xác định tựa đề hoặc chủ đề
của 22 sách khác, có thể là của ngài nhưng không còn tồn tại hoặc
còn nằm đâu đó trong các văn khố cổ ở châu Âu mà chưa được tìm thấy[26].
Xin kể tên một
vài tác phẩm còn tồn tại được Brian E. Ostrowski xác định là của cha
Girolamo Maiorica: Thiên Chúa Thánh
Giáo Khải Mông, Đức Chúa Giê-su (Chi-Thu, Chi-Su), Dọn Mình Trước Chịu Cô-mô-nhong,
Thiên Chúa Thánh Giáo Hối Tội Kinh, Qua-da-giê-si-ma Mùa Ăn Chay Cả,
Những Điều Ngắm Trong Những Ngày Lễ Trọng Quyển Chi Nhất, Ông Thánh
I-na-xu Truyện, v. v. [27].
Và một số chủ đề và tựa đề các tác phẩm của cha Girolamo Maiorica
nhưng chưa được tìm thấy: Kịch về cuộc đời thánh Alêxù, suy gẫm về
tình yêu Đức Kitô, về các tội của lưỡi, về đức khiết tịnh, về tử
đạo, Sách Gương Phúc Gương Tội, Kinh
Đọc Sớm Tối, v. v. [28]
Tác giả Brian E.
Ostrowski cũng bình luận thêm rằng các tác phẩm Nôm của cha Girolamo
Maiorica đã cung cấp khá đầy đủ các hướng dẫn về phụng vụ và giáo
lý bằng tiếng Việt cho giáo dân Việt Nam vào thế kỷ XVII. Các sách
của ngàiliên quan tới mọi lãnh vực của đời sống đạo: Thánh Kinh,
phụng vụ, giáo lý, sách kinh, hạnh các thánh và các sách đạo đức
khác. Các sách này là công cụ tuyệt vời giúp các thầy giảng người
Việt hướng dẫn giáo dân sống đạo và học giáo lý[29].
Cha Girolamo
Maiorica bắt đầu viết sách từ rất sớm, ngay từ khi đang còn học
tiếng Việt ở Đàng Trong (1625-1628), ngài đã cố gắng bắt đầu hình
thành những bản văn chữ Nôm, tóm lược các điểm giáo lý cơ bản[30].
Rồi các tác phẩm đầu tiên ra đời từ trước năm 1634, ngay từ những
ngày đầu tới Kẻ Rum, Nghệ An[31].
Những sách cuối cùng ngài viết vào khoảng đầu những năm 1640, như đã
nói ở trên. So sánh với thời điểm xuất bản cuốn Phép Giảng TámNgày (1651) của cha Đắc Lộ, và ngay cả khi
giả sử cuốn này đã được viết sau năm 1636 và được hoàn thành vào
năm 1645[32],
thì chúng ta thấy rõ một số tác phẩm của cha Girolamo Maiorica đã có
trước cuốn này, và vì thế, thấy rõ tầm quan trọng và ảnh hưởng
của các sách của ngài.
Ngài viết sách
thế nào? Ngài giỏi chữ Nôm đến độ có thể tự tay viết các bản văn
Nôm chăng? Các học giả cho rằng, dù không loại trừ khả năng ngài biết
đọc và viết chữ Nôm, hầu chắc ngài có các cộng sự là các thầy
giảng người Việt, viết lại những điều ngài giảng hoặc ngài đọc cho
họ chép. Trong số các cộng sự của ngài, chúng ta có thể kể tên
thầy Phanxicô thành Phao[33]
và có thể là cả Benoit Hiền (1615-1686) nữa[34].
4. Chỗ đứng trong lịch sử ngôn ngữ và
văn học Việt Nam
Ngày nay, các
sách Nôm của cha Girolamo Maiorica có giá trị rất lớn cho việc tìm
hiểu về lịch sử thời kỳ đầu của Giáo Hội Việt Nam, về phong tục,
tập quán cũng như ngôn ngữ và văn phong Việt Nam thế kỷ XVII.
Để hiểu rõ hơn
tầm quan trọng của các tác phẩm của cha Girolamo Maiorica đối với nền
văn học nước nhà, chúng ta cần biết rằng các tác phẩm Nôm viết
trước và trong thế kỷ XVII còn lại tới nay đa số đều là thơ hoặc văn
vần. Chúng ta còn rất ít những bằng chứng của văn xuôi Nôm trước và
trong thế kỷ XVII. Đặc biệt là văn xuôi Nôm sáng tác thì còn ít hơn.
Trong một bài
viết[35],
giáo sư Nguyễn Quang Hồng liệt kê ra nhiều dạng văn chương chữ Nôm đã
xuất hiện trong lịch sử như: phú, thơ, diễn ca lịch sử, ngâm khúc,
truyện viết theo văn vần, văn tế, ca trù, tuồng chèo. Ở phần văn xuôi
Nôm, giáo sư nhận xét là “có phần nghèo nàn hơn so với văn xuôi chữ
Hán trong văn học cổ điển Việt Nam”. Ông đưa ra hai điển hình tác phẩm
văn xuôi Nôm: một là bản giải âm ở giữa thế kỷ XVI của truyện Truyền Kỳ Mạn Lục, tức bản dịch
ra chữ Nôm các mẩu truyện mà Nguyễn Dữ viết bằng chữ Hán vào đầu
thế kỷ XVI; hai là bộ Các Thánh
Truyện của cha Girolamo Maiorica mà ông cho là truyện ký phóng tác
từ ngoại văn.
Tác giả Lại
Nguyên Ân, khi liệt kê các tác phẩm văn xuôi chữ Nôm từ thế kỷ XV tới
thế kỷ XIX, cho thấy trước tác phẩm Các
Thánh Truyện của cha Girolamo Maiorica, thì các tác phẩm văn xuôi
Nôm đều là bản dịch từ chữ Hán, trừ “Chỉ truyền Thám Do cộng Nhân Lộc Thuần Tín đẳng… là một bức thư của
chúa Trịnh Kiểm (ở ngôi: 1545-69)”[36].
Chính ông cũng nhận xét rằng đến cuối thế kỷ XVIII văn xuôi chữ Nôm
cũng còn rất hiếm[37].
Như vậy, chúng
ta thấy các tác phẩm văn xuôi chữ Nôm của cha Girolamo Maiorica là
những bằng chứng quan trọng, độc đáo, có thể nói là thuộc loại duy
nhất (văn xuôi sáng tác) trong kho tàng văn học cổ của Việt Nam. Gần
đây, các chuyên viên ngữ học đã nhắc đến cha Girolamo Maiorica nhiều
hơn, và có một số công trình lấy các tác phẩm của ngài làm đối
tượng nghiên cứu về ngôn ngữ Việt Nam thế kỷ XVII[38].
5. Tiểu kết
Việc sưu tầm
các nghiên cứu về lịch sử cho thấy cha Girolamo Maiorica, tuy âm thầm,
nhưng là người gắn bó sống chết với đất Việt, với người dân Việt
bình dân của thôn quê. Ngài có công lớn trong việc giảng dạy, truyền
bá và củng cố đức tin cho các bổn đạo bình dân qua việc phục vụ và
đặc biệt là qua các tác phẩm giáo lý và sách đạo đức bằng chữ Nôm.
Ngài cũng góp công trong việc điều hành và định hướng cho công tác
truyền giáo của các anh em Giêsu hữu tiên khởi trên đất Việt.
Việc sưu tầm
các nghiên cứu về ngôn ngữ và văn bản cho thấy cha Girolamo Maiorica có
một chỗ đứng thật đặc biệt, có thể nói là độc đáo, trong lịch sử
ngôn ngữ và văn học Việt Nam, đại diện cho văn xuôi Nôm sáng tác vào
thế kỷ XVII.
II. SƠ LƯỢC VỀ CUỐN
THIÊN CHÚA THÁNH GIÁO KHẢI MÔNG
Về tựa đề cuốn
sách, “Thiên Chúa Thánh Giáo Khải Mông” có nghĩa là gì? Theo học giả
Đào Duy Anh, “khải mông” có nghĩa là “mở mang cái tối tăm, cái ngu
tối. Nghĩa bóng: dạy học trò từ lúc bắt đầu còn ngu dốt”[39].
Theo cha Huỳnh Trụ thì ngày nay ở Trung Quốc, người ta vẫn dùng chữ
“khải mông” theo nghĩa “học từ đầu, (môn học) nhập môn”[40].
Như vậy, theo nghĩa chữ, tựa đề cuốn sách có nghĩa là “Dẫn nhập
đạo thánh Thiên Chúa” hoặc “Dẫn nhập các lời dạy thánh của Thiên
Chúa”. Chúng tôi nghiêng về nghĩa sau hơn, vì chính cha Girolamo Maiorica
viết “Ấy là lời tóm lại mọi sự Đức Chúa Giêsu truyền xưa, để cho
người ta biết đường lên thiên đàng” (TCTGKM,
14).
1. Nguồn gốc xuất xứ
Như đã đề cập
ở trên, có học giả cho rằng đây rất có thể là cuốn sách đầu tay
của cha Girolamo Maiorica, hoàn thành vào khoảng trước năm 1634[41].
Phần dẫn nhập
nói rõ sách này được soạn dựa trên tác phẩm của thánh Rôbertô
Bellarminô (TCTGKM,13). Việc đọc
đối chiếu cho thấy sách này theo khá sát cấu trúc (Tin Xin Giữ
Chịu), hình thức (hỏi thưa) và nội dung của sách Giáo Lý Ngắnmà thánh Rôbertô Bellarminô viết, theo lệnh của
Đức Giáo Hoàng Clêmentê VIII, vào năm 1597-1598 cho giới bình dân và
trẻ em[42].
Tuy nhiên, cha
Girolamo Maiorica đã thêm nhiều điều vào các câu hỏi đáp vốn rất súc
tích của Giáo Lý Ngắn, trong đó
có các giải thích lấy từ cuốn Giáo
Lý Công Đồng Trentô[43],
một số giải thích “theo ý thói An Nam” (TCTGKM, 14) phù hợp với tâm thức, não trạng và đời sống
người Việt ở thế kỷ XVII, và các câu truyện đông tây kim cổ khác.
Bản văn duy
nhất còn tồn tại của cuốn sách mà chúng ta có ngày nay là bản chữ
Nôm viết tay, có xuất xứ vào khoảng năm 1666, hiện tại đang được lưu
trữ tại Thư Viện Quốc Gia Pháp[44].
Đây có thể là một trong các tài liệu được cha François Deydier sai
người chép lại, gởi về Paris qua ngả Thái Lan, lưu trữ trong văn khố
của Hội Thừa Sai Paris và rồi, sau cuộc Cách Mạng Pháp, được đưa vào
Thư Viện Quốc Gia Pháp[45].
Hiện tại,
chúng tôi được biết có hai bản phiên âm TCTGKM ra chữ Quốc Ngữ, một là bản lưu hành nội bộ, không
đề tên tác giả, in năm 2003 (mà rất có thể là công lao của cụ Võ
Long Tê); hai là bản phiên âm trong phụ lục của luận án tiến sĩ Chữ Nôm và Tiếng Việt Thế Kỉ XVII qua Thiên
Chúa Thánh Giáo Khải Mông của Jeronimo Maiorica của tác giả Nguyễn Thị
Tú Mai, hoàn thành năm 2012 tại trường Đại Học Sư Phạm Hà Nội. Hai
bản phiên âm của một vài khác biệt nho nhỏ mà chúng tôi xin không đề
cập đến ở đây. Trong bài viết này, chúng tôi sử dụng bản phiên âm lưu
hành nội bộ.
2. Đặc điểm, cấu trúc
Bản văn cuốn TCTGKM sử dụng nhiều từ cổ[46],
với lối nói bình dân; nhiều chỗ còn gây cảm tưởng đây là lối nói
của một người chưa sành sõi tiếng Việt[47].
Bản văn còn chứa đựng khá nhiều câu chuyện ly kỳ, đa số kể lại các
phép lạ nhãn tiền, các cuộc hiện ra hay việc người chết hiện về để
truyền tải một sứ điệp nào đó.
Nghiên cứu ngôn
ngữ học cho thấy bản văn dùng chữ Nôm thời Lê Trung Hưng, thời kỳ chữ
Nôm bắt đầu chuyển sang đơn tiết[48].
Cấu trúc nội
dung bản văn gồm sáu (6) Đoạn, trong đó các Đoạn chính được sắp xếp
theo thứ tự Tin (Đoạn ba, giảng về Kinh Tin Kính), Xin (Đoạn bốn và
năm, giảng về Kinh Lạy Cha và Kinh Kính Mừng), Giữ (Đoạn sáu, giảng
về Mười Điều Răn). Chúng tôi xin trích câu đầu của từng Đoạn như sau,
để quý độc giả thấy cấu trúc của cuốn sách:
“Đoạn thứ
nhấtgiảng khải mông là đí gì và có mấy phần?”(TCTGKM, 14).
“Đoạn thứ
haigiảng sự dấu Câu-rút” (TCTGKM, 18).
“Đoạn thứ ba
giảng mười hai điều phải tin” (TCTGKM,
27).
“Đoạn thứ
bốngiảng lời nguyện Đức Chúa Giê-su truyền” (TCTGKM, 93).
“Đoạn thứ năm
giảng kinh A-ve” (TCTGKM, 109).
“Đoạn thứ sáu
giảng mười sự răn” (TCTGKM, 116).
Trong sách có
nói nội dung “giảng khải mông” gồm “bốn mối”, gồm “Một là kinh Tin
Kính, hai là kinh Tại Thiên, ba là Mười sự răn, bốn là bảy
Sa-ca-ra-men-tô” (TCTGKM, 15; theo
đúng cấu trúc Tin Xin Giữ Chịu). Tuy nhiên, phần cuối, nói về bảy Bí
Tích, không thấy xuất hiện trong bản văn, mà chỉ được nhắc đến trong
câu “Những truyện về tha tội sẽ nói sau khi giảng bảy Sa-ca-ra-men-tô
cùng phép I-ghê-rê-gia truyền” (TCTGKM,
85)[49].
Như vậy, chúng ta thấy cha Girolamo Maiorica soạn cuốn TCTGKM theo đúng cấu trúc Tin Xin
Giữ Chịu của các cuốn giáo lý của Phêrô Canisiô[50]
và của Rôbertô Bellarminô, khác với cấu trúc Tin Chịu Giữ Xin,vốn là
cấu trúc của cuốn giáo lý công đồng Trentôvà vẫn được dùng trong
các cuốn giáo lý chính thức của Giáo Hội cho đến ngày nay.
3. Giá trị đối với đức tin người Việt
Riêng về giá
trị của tác phẩm TCTGKM đối với
kho tàng đức tin và ngôn ngữ nhà đạo, chúng ta chỉ cần xét một vài
câu trong cuốn này để thấy rằng những thói quen hành đạo, công thức
đức tin, và ngôn từ nhà đạo vẫn còn phổ biến ngày nay đã có từ
thời cha Girolamo Maiorica viết cuốn sách đầu tiên[51].
Về thói quen
trong việc hành đạo, chúng ta thấy có các bằng chứng sau:
- TCTGKM, 18 nói về việc “có đạo”
thì phải “thuộc lòng sự các bổn đạo nguyện”, tức các kinh, như “Kinh
Tại Thiên, Ave cùng kinh Tín Đức Yếu Đoan” (Kinh Lạy Cha, Kính Mừng
cùng Kinh Tin Kính). Ta thấy thói quen này còn được giữ và phổ biến
cho tới ngày nay. Thường ở các giáo xứ, khi người tân tòng gia nhập
đạo thì ông trùm dạy cho họ học thuộc một số kinh căn bản.
- TCTGKM, 24 nói về việc “kẻ giữ đạo thì làm dấu trên mình, khi sớm mai
trỗi dậy, khi bởi nhà mà ra, khi ăn cơm, khi đi nằm, khi dọn nguyện và
toan làm mọi việc khác. Sau hết làm dấu có ý cho khỏi mọi chước
quỷ. . . ”. Những câu này hướng dẫn giáo dân biết nên làm dấu Thánh
giá những lúc nào trong ngày sống. Ngày nay, trong các gia đình Công
Giáo, các bậc cha mẹ vẫn còn dạy con cái làm dấu Thánh giá như thế
này, đúng theo những điều cha Girolamo Maiorica mô tả và truyền dạy.
Về công thức
đức tin:
- Ở TCTGKM, 20 có câu sau: “Ba Ngôi ấy là
một Chúa Trời mà thôi, vì Ba Ngôi có một tính, một ý, một phép”. Rõ
ràng đây là công thức về Ba Ngôi (với những khái niệm ngôi, tính, ý,
phép) còn phổ biến trong các giáo trình giáo lý mãi cho tới gần đây.
- Ở TCTGKM, 21 khi nói về Ngôi Con làm
người, có câu: “Ngôi Thứ Hai gọi là Con, có hai tính, một là tính
thiêng liêng trọng vô cùng, hằng có vậy, lại Ngôi Con lấy tính người
là linh hồn cùng xác. . . ”. Ngôi Con có hai bản tính là công thức
giáo lý (trong tiếng Việt) mà ngày nay chúng ta thừa hưởng từ cha
Girolamo Maiorica.
- Ở TCTGKM, 21 cũng có câu: “ngày thứ ba
sống lại, khỏi bốn mươi ngày lên trời”. Rõ ràng đây cũng là một công
thức quen thuộc trong giáo lý về việc Chúa Giêsu sống lại và lên
trời (lưu ý vần điệu, và chữ “khỏi”).
Về ngôn từ nhà
đạo:
Những cụm từ
quen thuộc và độc đáo nhà đạo đã được sáng tác hoặc ghi lại từ
thời cha Girolamo Maiorica: sự thương
khó, công nghiệp Đức Chúa Giêsu, đền cùng chuộc tội, thầy cả, rỗi
linh hồn, tin kính, chịu sự khó bằng lòng, khiêm nhường chịu luỵ,
sinh thì, hằng sống, cả sáng,
trị đến, dùng đủ, v. v.
4. Tiểu kết
Từ những điều
nói trên về nguồn gốc xuất xứ và đặc điểm của cuốn TCTGKM, chúng ta có thể rút ra các
điểm rất ý nghĩa làm nổi bật đặc tính của phương pháp truyền giảng
Tin Mừng của cha Girolamo Maiorica:
Ngài chọn
trình bày một cuốn giáo lý ngắn, đơn giản, dưới dạng hỏi thưa. Ngài
không chọn các cuốn chứa đựng các giảng giải dài dòng, lý luận
phức tạp vốn nhằm trình bày đức tin cách có hệ thống cho những
người trí thức. Cha Girolamo Maiorica chỉ dừng lại ở mức độ trình
bày giáo lý ngắn gọn, giải thích đơn sơ dễ hiểu, nhằm giúp giáo dân
“đi đường tắt là chóng học cùng giữ lời truyền” (TCTGKM, 14). Chọn lựa này có thể củng cố cho giả thiết đây
là cuốn sách đầu tay của cha Girolamo Maiorica; bắt đầu từ cái đơn
giản luôn là một phương án hợp lý cho việc giảng dạy và loan báo Tin
Mừng.
Ngài đã soạn
sách dựa theo cuốn giáo lý nổi tiếng đương thời và được Đức Giáo
Hoàng chính thức xác chuẩn, đồng thời cũng thêm bớt nhiều điều cho
hợp với não trạng và thói tục địa phương. Như thế, ngài vừa có thể
đưa giáo dân Việt ở tận vùng Viễn Đông hội nhập vào xu hướng chung
của Giáo Hội Công Giáo Rôma, cập nhật cho họ các giáo lý truyền
thống, căn bản và đương thời nhất của Giáo Hội hoàn vũ, vừa có thể
làm cho họ nhận ra giáo lý thánh tuy mới, vẫn không quá xa lạ với
những kinh nghiệm thường ngày của họ.
Ngài quyết
định giảng và viết lại giáo lý bằng tiếng Việt, mà lại làtiếng
Việt bình dân, chứ không bằng tiếng Hán, là thứ tiếng phổ thông trong
văn viết thời đó. Chúng ta sẽ thấy ý nghĩa đặc biệt của quyết định
(dùng tiếng Việt) này nếu lưu tâm rằng cho tới thế kỷ XVII, khi đặt
bút viết điều gì, người ta thường hay viết theo văn tiếng Hán. Chính
vì thế mà các tác phẩm tiếng Việt của cha Girolamo Maiorica đánh dấu
một bước đột phá trong lịch sử văn xuôi tiếng Việt và là những bảo
chứng độc đáo còn lại về văn xuôi sáng tác tiếng Việt thế kỷ XVII. Tuy
nhiên, có lẽ cha Girolamo Maiorica không nghĩ tới việc bảo tồn căn
tínhdân tộc hay lưu danh sử sách (bằng cách tạo ra một bước đột phá
trong lịch sử văn xuôi tiếng Việt) cho bằng chỉ nhắm mục đích thực
tiễn là giúp các thầy giảng có tài liệu để trình bày giáo lý cho
giáo dân bằng tiếng mẹ đẻ của mình.
Quyết định ghi
chép lại lời giảng giải giáo lý còn mang ý nghĩa truyền giáo cao,
làm cho việc học các chân lý căn bản của đạo được dễ dàng phổ cập,
phát tán và lưu truyền, qua sự trợ giúp đắc lực của các thầy giảng.
Với quyết định này, cha Girolamo Maiorica đã không chỉ dành riêng việc
loan báo Tin Mừng cho mình mà thôi, mà đã mở rộng việc đó cả về
không gian lẫn thời gian, biến nó thành công việc của tập thể, mà
vẫn đảm bảo tính chính thống và nhất quán của giáo lý thánh.
Những bằng
chứng về dấu ấn của cuốn TCTGKM
trên đức tin và đời sống đạo của giáo dân Việt cho thấy cuốn sách
này đã khá thành công trong việc giới thiệu và truyền giảng các chân
lý đức tin căn bản đồng thời huấn luyện đời sống đạo của giáo dân
Việt. Để thấy rõ hơn nguyên nhân sâu xa của thành công này, chúng ta
sẽ đi vào phân tích những nét độc đáo qua đó cuốn sách thể hiện nỗ
lực thích nghi sáng tạo nhằm lưu truyền giáo lý chân chính của Giáo
Hội.
III. NHỮNG NÉT ĐỘC ĐÁO CỦA TCTGKM
Như trên đã
nói, cuốn TCTGKM dựa theo khá
sát cấu trúc, hình thức và nội dung của cuốn Giáo Lý Ngắn của thánh Bêllarminô; tuy nhiên, ngài cũng đưa
vào một số giảng giải mà ngài lấy ý từ cuốn giáo lý đồ sộ của
công đồng Trentô. Trong phần này, để thấy rõ hơn đóng góp của cha
Girolamo Maiorica, chúng tôi sẽ đề cập đến một số điểm nổi bật và
độc đáo của TCTGKM, không có
trong hai cuốn giáo lý trên. Khi đề cập đến các điểm độc đáo này,
chúng tôi có dụng ý tìm hiểu và trình bày các phương cách thích
ứng và hội nhập văn hoá màcha Girolamo Maioricadùng trong việc dạy
giáo lý nói riêng và trong việc loan báo Tin Mừng nói chung cho người
Việt ở thế kỷ XVII.
Các điểm độc
đáo này đều xoay quanh mối bận tâm kép về việc hội nhập văn hoá và
bảo toàn sự tinh tuyền của đức tin chính thống. Chúng tôi gọi đây là
“bận tâm kép” vì hai mối bận tâm thực chất gần như là một. Chính vì
nhất thiết phải hội nhập văn hoá và chính khi dùng mọi phương cách
để hội nhập văn hoá mà cha Girolamo Maiorica mới phải bận tâm về tính
chính thống của đức tin. Ngược lại, giáo lý chính thống chỉ thực
sự được bảo tồn, hiện thực hoá và phát huy khi được hiểu, đón nhận
và đi vào tâm thức người Việt. Chúng ta sẽ thấy rõ điều này ngay sau
đây, rằng bận tâm bảo toàn giáo lý chính thống xuất hiện (và chỉ
xuất hiện) ngay trong những nỗ lực hội nhập văn hoá.
Chúng tôi xin
nhóm kết các điểm độc đáo này – trong đó có ba hình thức văn chương
có tính biểu trưng –dưới nhan đề ba mối bận tâm cụ thể, phản ánh
mối bận tâm kép nói trên.
1. Bận tâm bảo toàn giáo lý chính
thống
Trước hết, bận
tâm bảo toàn sự tinh tuyền của đức tin chính thống được thể hiện
bằng việc giữ lại và sử dụng song song những từ ngoại ngữ (đã được
phiên âm) dù đã dịch ý sang tiếng Việt: Dêu (Deus)=Đức Chúa Trời, san-ta (santa)=thánh, ga-ra-sa
(graça)=ơn, thánh an-giô (anjo)= thiên thần[52].
Việc dịch các khái niệm thần học không phải là chuyện dễ làm, vì
không phải lúc nào cũng tìm được các khái niệm tương đương ở ngôn
ngữ đích; ngay cả khi ngôn ngữ đích có các khái niệm tương đương thì,
trong nhiều trường hợp, chúng cũng không thể lột tả trung thực ý
nghĩa thần học của các khái niệm gốc. Đó là lý do cha Girolamo
Maiorica đã cố gắng tìm các khái niệm tương đương trong tiếng Việt
(thí dụ: thánh, ơn) để dịch các khái niệm thần
học tế nhị (và vốn có một lịch sử phức tạp), đồng thời vẫn giữ
lại các từ Bổ Đào Nha (vốn phát xuất từ Latinh, ngôn ngữ gốc của
các khái niệm thần học từ thời các giáo phụ), để định hướng cách
hiểu của các từ tiếng Việt. Như vậy, cách làm của cha Girolamo
Maioricađáp ứng cả hai tiêu chí là vừa Việt hoá ngôn ngữ thần học,
vừa “rửa tội”, hay là thần học hoá ngôn ngữ Việt. Ngoài ra, cha
Girolamo Maiorica cũng đã sáng tác từ mới bằng cách ghép các từ
thành một khái niệm (thí dụ: Đức
Chúa Trời, thiên thần); đây
cũng là một cách làm khôn ngoan, bảo đảm được cả hai tiêu chí nói
trên, tránh sự sai lệch hay ngộ nhận mà các khái niệm tương đương có
sẵn có thể gây ra.
Bận tâm về
tính chính thống của giáo lý còn được thể hiện qua việc cha Girolamo
Maiorica cẩn thận lưu ý độc giả về các ngộ nhận có thể có liên quan
đến các mầu nhiệm đức tin, để tránh những cách hiểu mang tính mê
tín dị đoan. Để minh hoạ, chúng tôi xin đưa ra điển hình liên quan tới
mầu nhiệm Thiên Chúa thiêng liêng duy nhất và ba ngôi. Ở TCTGKM, 28, ngài viết: “. . . lại
phải tin có một Dêu, chẳng phải nhiều. Khi kia rằng, Dêu, chớ nghi là
Đức Chúa Dêu giống sự gì có xác, vì chưng Chúa Dêu là một sự thiêng
liêng, hằng có mà chẳng có khi hết. . . ”. Trong khi lưu ý về Thiên
Chúa độc nhất có trong sách giáo lý của công đồng Trentô (GLCĐTr, 24) thì lưu ý về Thiên Chúa
thiêng liêng là điều mà cha Girolamo Maiorica bận tâm giảng giải cho độc
giả người Việt. Có lẽ ngài đã bắt được tâm thức người Việt hay
tưởng tượng thần thánh cũng có những suy nghĩ, ước vọng và hành xử
tương tự con người, nên đặc biệt lưu ý độc giả người Việt về điểm
này.
Ở TCTGKM, 31, ngài viết: “Nghĩa điều
ấy là Đức Chúa Trời có một Con thật, tên là Giê-su. Song le kẻo kẻ u
mê nghe tiếng con, nghĩ là cha con như người ta thế gian, thì phải xem
thí dụ gương”. Ở TCTGKM, 32, ngài
cũng ghi: “Chớ nghi là con thiêng liêng ấy bởi lòng người nữ mà ra,
hay là có giống sự gì hèn như các người thế gian làm chi”. Như vậy,
cha Girolamo Maiorica ý thức rằng người Việt có thể mường tượng và
hiểu sai về mối tương quan giữa Chúa Cha và Chúa Con, cho nên tuy vẫn
giữ lại hình ảnh cha-con như thần học Tây phương vẫn dùng, cha Girolamo
Maiorica đã cẩn thận giảng giải để bảo đảm độc giả hiểu hình ảnh
đó theo ý nghĩa đúng đắn và chính thống của thần học.
Đặc biệt, bận
tâm về tính chính thống của giáo lý đức tin còn được thể hiện qua
việc sử dụng khá thường xuyên một công cụ văn chương độc đáo mà
chúng tôi sẽ đề cập ngay sau đây: công thức hoá.
2. Công thức hoá
Một trong những
cách bảo toàn giáo lý chính thống là làm sao để thính giả hay độc
giả nắm bắt được các điểm giáo lý chính cách tương đối dễ dàng mà
lại toàn diện. Dung hoà hai điểm này thật không dễ, vì nếu muốn
người thụ huấn học dễ dàng thì nhiều khi phải đơn giản hoá hoặc
giảm thiểu nội dung giáo lý; ngược lại, nếu dạy toàn bộ nội dung
thì lại làm cho người học khó tiếp thu ngay được. Cha Girolamo Maiorica
đã làm điều này bằng một phương cách mà chúng tôi tạm gọi là công thức hoá các chân lý đức tin
vào trong một công thức hay hệ thống. Phương cách này đơn giản hoá
nội dung giáo lý nhưng vẫn giữ được sự toàn vẹn cần có; nó có thể
trình bày khá trọn vẹn nội dung của các điều cần học mà lại làm
cho người học dễ nhớ. Chúng tôi xin đề cập đến ba loại công thức sau:
1) Ngoài những
công thức tóm lược nội dung giáo lý thành cấu trúc[53],
lấy từ cuốn giáo lý ngắn của thánh Bêllarminô, cha Girolamo Maiorica
còn trình bày những cấu trúc khác để giúp độc giả hay thính giả
dễ hiểu và dễ nhớ nội dung giáo lý. Chẳng hạn ở TCTGKM, 74, ngài hệ thống hoá nội dung Kinh Yếu Đoan (Kinh
Tin Kính) thành hai phần: phần đầu về “Đức Chúa Trời một tính và
có Ba Ngôi”, phần sau về “I-ghê-rê-gia [Giáo Hội], dù mà làm một thì
có ba ơn”; ba ơn đó là phép tha tội, xác sống lại và phúc thiên đàng[54].
Việc đặt song song mầu nhiệm Một Thiên Chúa Ba Ngôi với mầu nhiệm
Giáo Hội duy nhất mà có ba ơn là một công thức khá sáng tạo và độc
đáo.
Một thí dụ
khác là ở TCTGKM, 129-134, khi
giảng về giới răn thứ hai, cha Girolamo Maiorica đã hệ thống hoá nội
dung giảng giải cách khá đầy đủ, nhưng đơn giản và rõ ràng. Khác
với sách giáo lý ngắn của thánh Bêllarminô chỉ nói quá vắn tắt[55]
và với giáo lý của công đồng Trentô lại nói quá dài và phức tạp[56],
cha Girolamo Maiorica cấu trúc nội dung giới răn này thành bốn điểm
rất súc tích: kính, thề, khấn, khen;
mỗi điểm đều có khía cạnh tích cực (nên) và tiêu cực (cấm). Trong
phần nói về thề, ngài chia ra
thành ba mục nhỏ: thề thật, thề
lành và thề khôn, phản ánh
đúng các tiêu chuẩn mà sách giáo lý công đồng Trentô đặt ra cho lời
thề (bản tiếng Anh gọi ba tiêu chuẩn đó là truth, justice, judgment; chú ý cách dùng từ rất khéo của
cha Girolamo Maiorica để dịch ba khái niệm trừu tượng đó).
Hiển nhiên, mọi
cách phân chia hay hệ thống hoá chỉ mang tính cách tương đối, nhằm
giúp người đọc dễ nhớ các điều phải học và mối liên hệ giữa các
điều ấy. Cách phân chia này không nhất thiết loại trừ cách phân chia
khác. Như thế, các công thức dạng này chỉ mang tính cách gợi ý hoặc
đôi khi góp phần làm sáng tỏ các chân lý đức tin khi đặt các chân lý
đó trong mối tương quan hệ thống với nhau.
2) Ngoài việc
công thức hoá nội dung, cha Girolamo Maiorica còn sáng tạo và sử dụng
các “công thức” giáo lý súc tích, có vần điệu trong tiếng Việt (có
tính chất công thức về mặt hình thức). Quả thực, những câu văn mang
vần điệu cũng có tác dụng như một công thức, đễ đọc, dễ học và đi
vào trí nhớ người đọc, người nghe cách lâu dài. Một số câu văn đó
còn tồn tại trong ngôn ngữ nhà đạo cho tới ngày nay chứng tỏ tính hiệu
quả của việc dạy giáo lý bằng công thức. Chúng tôi xin đơn cử một
số thí dụ:
Ở TCTGKM, 19-20, 36, khi nói về mầu
nhiệm Ba Ngôi, cha Girolamo Maiorica hay dùng công thức “một tính ở Ba
Ngôi” hay công thức “Ba Ngôi có một tính, một ý, một phép”. Ngoài
việc phân biệt và sử dụng nhất quán các khái niệm tính và ngôi để diễn tả công thức tín lý về Thiên Chúa duy nhất
và Ba Ngôi (điều mà cha Girolamo Maiorica có thể đã học từ sự phân
biệt giữa tính hoặc thể với vị của các thừa sai Dòng Tên bên Trung Hoa), thì việc tóm
tắt giáo lý về Ba Ngôi trong một câu văn mang tính công thức là một
sáng kiến khá độc đáo. Sáng kiến này giúp cha Girolamo Maiorica có
thể truyền tải khá trọn vẹn ý nghĩa của mầu nhiệm Một Thiên Chúa
Ba Ngôi mà không cần đề cập đến các khái niệm essenza, natura, procedere (sau này chúng ta dịch là yếu tính, bản tính, nhiệm xuất)
như trong cuốn giáo lý của thánh Bêllarminô[57].
Ở TCTGKM, 32-33, khi giải thích ý
nghĩa của danh xưng Kitô, cha Girolamo Maiorica viết: “Ki-ri-xi-tô là
chức, có hai nghĩa, một là thầy cả trên hết [các] thầy, hai là vua [cả]
trên hết các vua”. Đây là một lối nói vắn tắt rất khéo, nói lên
chức vụ tư tế và vương đế đích thực và trổi vượt của Đức Kitô Giêsu.
Chỉ cần dùng các từ “thầy cả” hay “vua cả” là cha Girolamo Maiorica
không cần phải giải thích dài dòng, như trong sách giáo lý của công
đồng Trentô, về việc các loại người thường chịu xức dầu trong Cựu
Ước (tư tế, vua, ngôn sứ) là hình ảnh của Đức Kitô Giêsu, Đấng được
xức dầu đích thực bằng Thần Khí[58].
Công thức trên đã đi vào các kinh nguyện tiếng Việt và được đọc cho
tới ngày nay.
Ở TCTGKM, 112, cha Girolamo Maiorica viết
về Đức Chúa Trời ở cùng Đức Mẹ, luôn phù hộ Mẹ thì Mẹ chẳng
“phạm tội gì, dù mà lòng lo miệng nói cùng việc làm”. Đây cũng là
một dạng công thức liệt kê các dạng thức hay các loại tội, cũng đã
trở nên phổ biến trong các kinh đọc và còn tồn tại trong Kinh Cáo
Mình cho tới ngày nay.
3) Ngoài ra,
trước những câu hỏi ngây ngô, bình dân nhưng rất hóc búa, cha Girolamo
Maiorica còn đưa ra một số giải pháp độc đáo cũng mang tính công
thức, làm thính giả hay độc giả chấp nhận ngay và nhớ ngay.
Chẳng hạn,
trước câu hỏi “Khi sống lại [người ta] có mấy tuổi? Cùng bao lớn?”,
cha Girolamo Maiorica đã có một giải pháp rất độc đáo, thoạt đầu
tưởng chừng ngây ngô và vô lý, nhưng thực sự có ý nghĩa thần học sâu
xa: “Các người ta khi sống lại thì có tuổi bằng ba mươi ba như Đức
Chúa Giê-su sống lại xưa” (TCTGKM,
87). Ở đây, cha Girolamo Maiorica đã lồng đặc tính quy Kitô vào trong
giáo lý cánh chung một cách rất đơn sơ nhưng tài tình và độc đáo. Chúng
ta nghe trong câu này phảng phất ý nghĩa của lời thánh Phaolô: “Người.
. . sẽ dùng quyền năng ấy mà biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta
nên giống thân xác vinh hiển của Người” (Pl 3,21) hoặc “. . . chúng ta
cũng sẽ được mang hình ảnh Đấng từ trời mà đến” (1Cr 15,49).
Tương tự, khi
trả lời câu hỏi “Nhân sao Đức Chúa Giê-su chẳng sống lại chóng mà
đợi ba ngày làm chi?”, cha Girolamo Maiorica viết: “Ấy vậy như Đức Chúa
Giê-su ở trong kẻ sống ba mươi ba năm, thì cũng ở cùng kẻ chết ba mươi
ba giờ nước người” (TCTGKM, 53). Không
rõ cách tính giờ của cha Girolamo Maiorica có chính xác không, tuy
nhiên, khi đặt cái chết của Chúa Giêsu trong tương quan song song với
đời sống của Người, cha Girolamo Maiorica đã nhìn cái chết và cuộc
đời Chúa Giêsu trong một thể thống nhất và liên tục, và đây là một
công việc thần học đúng đắn.
Như vậy, khi
dùng con số ba mươi ba – tuổi đời của Chúa Giêsu – như tiêu chuẩn giải
đáp các thắc mắc vốn rất khó trả lời liên quan tới thời gian trong
thế giới thiêng liêng siêu hình, cha Girolamo Maiorica đã tạo ra một công
thức đơn sơ nhưng diễn tả ý nghĩa thần học đúng đắn. Dĩ nhiên, công
thức này không nên được hiểu theo nghĩa chữ (ba mươi ba năm hoặc giờ
theo nghĩa vật lý), nhưng nó gợi ý một phương pháp đúng đắn cần
được áp dụng trong suy tư thần học.
3. Bận tâm về các thực hành đạo đức
TCTGKM không chỉ là một cuốn giáo lý trình bày các lý thuyết của đức
tin, mà còn đề cập đến, hướng dẫn và giải thích ý nghĩa của các
thực hành đạo đức. Như vậy, phương pháp huấn giáo của cha Girolamo
Maiorica là không chỉ giảng dạy mà còn xây dựng lối sống đạo phù
hợp, được đặt nền trên đức tin và nuôi dưỡng đức tin. Ngoài những thí
dụ đã đề cập ở trên, sau đây là một số thí dụkhác trong TCTGKM liên quan đến việc hướng dẫn
hay giải thích các thực hành đạo đức.
Ở TCTGKM, 33 có câu: “Nhân sao ta nghe
tên Đức Chúa Giê-su thì bái, cùng cất nón, mà nghe tên khác Đức Chúa
Trời chẳng có kính làm vậy?”. Câu hỏi này gợi ý rằng thực hành tôn
kính tên cực trọng Chúa Giêsu đã xuất hiện trong các nghi thức phụng
vụ, trước khi cha Girolamo Maiorica viết những dòng này. Bái kính và
cất nón là những hành động của người Tây phương khi tỏ lòng kính
thờ và tôn trọng. Như vậy, có thể là tín hữu người Việt đã thấy
người Tây phương thực hành các việc này trong các nghi thức phụng vụ,
và thắc mắc ý nghĩa của các việc ấy. Câu hỏi này có thể chỉ là
biểu hiện của việc cha Girolamo Maioricanắm bắt nhạy bén những bận
tâm của thính giả hay độc giả (xin xem phần tiếp theo dưới đây), nhưng
cũng có thể là gợi ý hướng dẫn thực hành phụng vụ trong các cộng
đoàn tín hữu Việt, rập theo phong cách của truyền thống Tây phương.
Ở TCTGKM, 48-49, khi kể chuyện Chúa
Giêsu hiện ra, nói cho một người biết làm thế nào để giúp Chúa vác
thánh giá, cha Girolamo Maiorica viết: “Lòng con nhớ đến sự thương khó
Cha đã chịu xưa cho được chuộc tội con, lỗ tai thì nghe sự cưc Cha đã
chịu, cật thì hãm mình thì mới giúp Cha là vác làm vậy”. Đây thực
chất là hướng dẫn thực hành nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng, cầu
nguyện chiêm niệm và gắn bó với Chúa Giêsu vác thánh giá. Linh đạo
“mến thánh giá” này đã ăn sâu vào trong lòng đạo của các tín hữu
Việt, và là lời giải thích cho sự long trọng và cuốn hút của các
nghi thức Tuần Thánh trong các cộng đoàn tín hữu Việt.
Ở TCTGKM, 114 có câu: “Nhân sao đánh
chuông nguyện A-ve một ngày ba lần. . . ?”. Câu này cho thấy phong tục
này đã được đưa vào đất Việt từ thế kỷ XVII. Khi giải thích ý
nghĩa của phong tục này, TCTGKM
đã góp phần bảo tồn và duy trì phong tục này trong các cộng đoàn
tín hữu Việt cho tới ngày nay.
Bận tâm thứ
hai, liên quan tới việc sống đạo còn được thể hiện mạnh mẽ hơn nữa
qua một công cụ văn chương khác – các câu chuyện – vốn xuất hiện với
tần suất cao trong TCTGKM.
4. Chuyện kể
Những giảng
giải trong TCTGKM không mang tính
suy lý nhiều; cha Girolamo Maiorica đã tránh dùng các khái niệm thần
học hay triết học trừu tượng để giải thích các chân lý cao siêu. Bù
lại, ngài dùng rất nhiều câu chuyện để gây ấn tượng và khuyến khích
độc giả dùng đức tin mà đón nhận và sống các chân lý của đạo
thánh. Đích nhắm của các câu chuyện đó không phải là để giúp độc
giả hiểu các khoản giáo lý cho bằng giúp họ có tâm tình xác tín,
hoán cải và dốc lòng thực thi điều họ đang học. Chính vì bận tâm
tới đời sống đạo của độc giả chứ không chỉ nói với “cái đầu” của
họ mà cha Girolamo Maiorica đã dành phần lớn cuốn sách cho các câu
chuyện. Kể chuyện là một nét trong văn hoá Baroque Tây phương[59],
nhưng cũng rất phù hợp với văn hoá Việt và là một trào lưu khá phổ
biến trong văn chương Việt thế kỷ XVII, vốn cũng hay thích dùng những
câu chuyện ly kỳ để chuyển tải những sứ điệp thực tế[60].
Các câu chuyện trong TCTGKM thường
thuộc vào các loại sau:
Trước hết là
các câu chuyện kể về người chết sống lại hoặc hiện về, kể lại
những gì xảy ra trong thế giới bên kia, cho biết những gì đạo thánh
dạy đều là chân thực và hữu ích. Thí dụ như câu chuyện đầu tiên của
cuốn sách kể về một bà ở Manila sau khi chết được vài giờ thì sống
lại kể rằng được Đức Bà dạy kinh cho và đọc làu làu các kinh trước
đây không hề thuộc (x. TCTGKM,
16-18).
Thứ đến là
các câu chuyện kể về các điềm lạ xảy ra trong thế giới này, như là
minh chứng cho các mầu nhiệm (Ba Ngôi, Đức Mẹ đồng trinh) hay biến cố
thánh trong đạo (Chúa Giêsu ra đời). Thí dụ như các chuyện minh hoạ
cho mầu nhiệm Ba Ngôi: chuyện ba viên ngọc lưu ly giống nhau hoàn toàn,
đột nhiên xuất hiện rơi từ nóc nhà thờ xuống, kết lại thành một
viên ngọc quý; khi được khảm vào Thánh Giá thì trở nên sáng láng và
làm các ngọc khác nảy ra hết (x. TCTGKM,
35-36); hoặc chuyện người ta thấy trong trái tim bà thánh Clara sau khi
chết có “ba hòn thịt bằng nhau, vì cân hai nén thì nặng bằng một,
cân một năng bằng hai” (TCTGKM, 36).
Ngoài ra, còn
có các câu chuyện kể về việc Chúa Ba Ngôi, Chúa Giêsu, Đức Mẹ hay
các thánh hiện ra và có cả các câu chuyện kể về hoạt động của ma
quỷ, hoặc về việc người trần gian thấy được những gì xảy ra ở thế
giới “bên kia”.
Như vậy, đặc
tính chung của các câu chuyện là thể hiện điểm giao tiếp giữa thế
giới “bên kia” – thế giới thiêng liêng của Thiên Chúa, thần thánh,
người chết, ma quỷ – và thế giới này. Qua những câu chuyện đó, những
gì xảy ra ở thế giới bên kia được tỏ lộ cho con người ở thế giới
bên này biết. Và những điều xảy ra đó được mặc định là thực tại,
là chân lý mà người trần gian hiếm khi thấy, biết hay chân nhận. Những
chân lý này chính là chân lý của đạo thánh Chúa đang được dạy ở
đây, trong cuốn TCTGKM, xoay quanh
các mầu nhiệm chính về Thiên Chúa, Chúa Giêsu, Đức Mẹ, Giáo Hội, và
về hậu quả của các tội.
Những câu
chuyện dạng này, vốn có sức hấp dẫn đặc biệt đối với tín hữu
Việt và vẫn còn rất phổ biến ngày nay, cần được đọc và hiểu theo
nghĩa biểu trưng. Đất sống của các câu chuyện là trí tưởng tượng và
cảm xúc của độc giả, giá trị của chúng chỉ thực sự được phát huy
khi độc giả để trí tưởng tượng được mở rộng và tô màu bởi những
tình tiết ly kỳ và để cho cảm xúc tự do dâng trào mà không bị gò
ép hay đè nén bởi các phân tích mang tính suy lý.
Những câu
chuyện này cũng cần được đọc trong bối cảnh chung của các lời dạy
trong toàn cuốn sách, chứ không nên bị tách ra và đọc riêng rẽ. Khi
đọc riêng rẽ, chúng dễ gây ấn tượng rằng cha Girolamo Maiorica chủ
trương một phương cách huấn giáo mang tính “hù doạ”, gây sợ hãi trong
lòng độc giả. Ngược lại, nhiều lần trong cuốn TCTGKM, chúng ta thấy cha Girolamo Maiorica nhấn mạnh đến
lòng từ bi của Thiên Chúa, Đấng luôn tìm cách tha thứ hơn là trừng
phạt. Chẳng hạn ở TCTGKM, 123 có
câu: “. . . vì chưng ý Đức Chúa Trời rộng thưởng hơn phạt, vì thưởng
bởi tính lành vô cùng mà ra, phạt bởi tội mà chớ. Cho nên khi phạt
như ép Đức Chúa Trời vậy”. Hơn nữa, cũng có những câu chuyện tuy vẫn
thể hiện tính răn đe, nhưng điểm nhấn cuối cùng vẫn là lòng từ bi
của Thiên Chúa, như ở TCTGKM,
61-62, có câu chuyện nói về việc Chúa Giêsu nói với một giám mục
đang mong kẻ có tội bị phạt rằng hãy đóng đinh Người lại vào Thánh
Giá, vì Người muốn chịu khổ cho kẻ có tội để họ được rỗi linh hồn.
Ở TCTGKM, 70-74 có chuyện kể về
việc kẻ tội lỗi rất nặng, đã bị Chúa Cha và Chúa Giêsu bỏ, không
cứu được, nhưng vẫn có thể được Chúa Thánh Thần cứu khi ăn năn tội.
5. Bận tâm đến điều thính giả quan tâm
Những nét độc
đáo của TCTGKMkhông chỉ nằm trong
những câu trả lời, mà còn trong cách đặt câu hỏi. Ngoài các câu hỏi
mang tính chất gợi ý hay dẫn dụ vào việc giảng giải (thí dụ: “là
đí gì?”, “nhân sao?”, “xin giảng. . . cho tỏ hơn. . . ”[61],
v. v. ), cha Girolamo Maiorica còn thêm vào những câu hỏi độc đáo, phản
ánh những quan niệm phổ biến nơi người Việt. Những câu hỏi độc đáo
cho thấy cha Girolamo Maiorica viết TCTGKM
sau khi đã có kinh nghiệm giảng dạy giáo lý cho người Việt, nắm bắt
và hiểu rõ những bận tâm và thắc mắc của họ. Như vậy, cuốn TCTGKM để lộ rõ đặc tính của một
nỗ lực thần học khởi đi từ bối cảnh và nói cho bối cảnh, tức là
khởi đi từ bận tâm của độc giả hay thính giả và nói với họ. Để
minh hoạ, chúng tôi xin đưa ra vài thí dụ điển hình.
Khi nói về
việc Thiên Chúa tạo dựng trời đất, cha Girolamo Maiorica thêm vào câu hỏi
“Nhân sao rằng dựng nên trời đất mà thôi, Đức Chúa Trời chẳng có
dựng nên nước, lửa, là đá, cây cối, người ta cùng muôn vật ru?”(TCTGKM, 30). Câu hỏi phản ánh sự
phân biệt ngây ngô giữa “trời,đất” và các vật khác; như vậy,
trời và đất được hiểu theo nghĩa vật lý và được xem như là hai trong
số nhiều vật khác. Dĩ nhiên, để trả lời cho câu hỏi này, cha Girolamo
Maiorica đã viết “lấy tên trời vì tóm lại mọi sự ở trên trời, lấy
tên đất có ý nói đến mọi sự ở dưới đất. . . ”. Tương tự, khi giảng
về Kinh Tại Thiên (Kinh Lạy Cha), cha Girolamo Maiorica thêm câu hỏi: “Sao
rằng [Thiên Chúa] ở trên trời chẳng có khắp mọi nơi ru?” (TCTGKM, 96). Câu hỏi này phản ánh
quan niệm trời như một nơi chốn, là quan niệm rất phổ biến trong tâm
thức người Việt, mãi cho đến ngày nay. Dĩ nhiên, để trả lời câu này,
cha Girolamo Maiorica nói về “trời thiêng liêng” (TCTGKM, 97).
Khi giảng giải
việc Đức Bà Maria chịu thai Chúa Giêsu bởi phép Chúa Thánh Thần, cha
Girolamo Maiorica thêm câu hỏi: “Nếu Đức Chúa Phi-ri-tô San-tô làm việc
trọng ấy thì gọi Đức Chúa Phi-ri-tô San-tô là Cha Đức Chúa Giê-su nên
chăng?” (TCTGKM, 38). Câu hỏi này
phản ánh thắc mắc bình dân, rất phổ biến và tự nhiên của những
người lần đầu nghe nói về mầu nhiệm Chúa Con làm người và Đức Mẹ
chịu thai đồng trinh. Để trả lời câu hỏi này, cha Girolamo Maiorica đã
phân biệt giữa “lấy tính mình mà cho con” (trong trường hợp cha sinh ra
con) và “làm nên” một vật gì đó từ các chất liệu có sẵn (trong
trường hợp chế tác: tác giả, thợ). Công việc của Chúa Thánh Thần
là “lấy máu sạch Đức Bà mà dựng nên xác Đức Chúa Giêsu, thì chẳng
có lấy tính mình mà cho” (TCTGKM,
39), nên không được gọi là Cha của Chúa Giêsu.
Ngoài ra, còn
có những câu hỏi khác vẫn còn mang tính thời sự mà tín hữu người
Việt ngày nay vẫn còn hay thắc mắc: Chúa Giêsu là Thiên Chúa, sao lại
chết được? (TCTGKM, 46); Chúa
Giêsu đã đền tội thay cho mọi người, cớ sao vẫn còn nhiều kẻ mất
linh hồn, và ai cũng phải đền tội riêng?(TCTGKM, 46-47); Chúa Giêsu sống lại sau ba ngày, hay là vào ngày
thứ ba? (TCTGKM, 52); tại sao mỗi
người đã được phán xét riêng sau khi chết rồi lại còn chịu phán xét
chung nữa? (TCTGKM, 63-64); tại sao
vẽ Chúa Thánh Thần như chim bồ câu?(TCTGKM,
68); tại sao gọi Giáo Hội là thánh thiện trong khi có nhiều tín hữu
tội lỗi?(TCTGKM, 77); v. v.
Mối bận tâm
thứ ba, đặt độc giả và não trạng của họ làm trọng tâm, còn được
thể hiện bằng một công cụ văn chương mà đặc điểm của nó là giải
thích chân lý đức tin bằng các thí dụ hay so sánh lấy từ đời sống
hằng ngày của độc giả.
6. So sánh, thí dụ
Đây cũng là
nét độc đáo của TCTGKM: cha
Girolamo Maiorica dùng các kinh nghiệm, thói tục hay nếp sống địa
phương thay vì các khái niệm triết học để giúp độc giả hiểu các
mầu nhiệm đức tin.
Phương pháp này
đưa độc giả trở về với những sự vật, sự kiện, kinh nghiệm quen
thuộc trong đời sống thường nhật của họ; bất ngờ làm cho họ ý thức
về điều họ vẫn biết, tức mở rộng ý thức của họ đi vào chiều sâu
của thực tại quen thuộc; rồi liên hệ điều đã được ý thức đó với
mầu nhiệm đức tin, để độc giả thấy rằng mầu nhiệm đức tin không lạ
lẫm hay vô lý, nhưng rất phù hợp với kinh nghiệm nhân sinh ở bề sâu
của nó. Đây là phương cách TCTGKMđưa
mầu nhiệm về gần với đời thường bằng cách làm cho độc giả ý thức
rằng cuộc sống chứa đựng sẵn các mầu nhiệm và luôn mở ra với mầu
nhiệm. Các thí dụ trong cuốn TCTGKM,
đôi khi được gọi rõ là thí dụ, nhưng nhiều khi chỉ được dẫn vào
bằng chữ “như”,thường thuộc vào các loại sau:
Các thí dụ
liên quan tới nghề nghiệp, như nghề nông (x. TCTGKM, 38), nghề mộc (x. TCTGKM,38),
nghề làm nhà (x. TCTGKM,16), v. v.
Chẳng hạn, thí dụ “thợ mộc làm nên nhà thì chẳng được gọi là cha
nhà” (TCTGKM, 38) được dùng để
giải thích tại sao Chúa Thánh Thần không được gọi là Cha của Chúa
Giêsu.
Các thí dụ
liên quan tới đời sống hằng ngày, như việc soi gương (x. TCTGKM,31), mặc áo (x. TCTGKM,40, 59, 91), uống thuốc (x. TCTGKM, 132) và vật dụng hàng ngày
như vò nước (x. TCTGKM, 111), v. v.
Chẳng hạn, thí dụ soi gương được dùng để giải thích Chúa Cha sinh ra
Chúa Con đồng thời với Mình, hoàn toàn giống Mình, cùng bản tính
với Mình như thế nào (x. TCTGKM,
31).
Các thí dụ
liên quan tới tương quan xã hội, giữa người với người (x. TCTGKM,20, 67), vua chúa với quan (x. TCTGKM,59, 109), tướng, quan với dân
(x. TCTGKM,29, 45), chủ nợ với con
nợ (x. TCTGKM,47-48, 104-105), anh
em trong nhà (x. TCTGKM,91), v. v. Chẳng
hạn, thí dụ áo vua ngồi trên ngai thì cao hơn quan văn võ ở dưới,
chẳng phải vì vải trọng hơn người, nhưng vì áo vua làm một cùng vua
(x. TCTGKM, 59) được dùng để giải
thích nhân tính Chúa Giêsu kết hợp làm một với Ngôi Hai Thiên Chúa cao
cả thế nào.
Các thí dụ về
tự nhiên, liên quan tới cơ thể con người (x. TCTGKM,30, 77), sông ngòi (x. TCTGKM,
66), cây cối (x. TCTGKM, 78, 113), v.
v. Chẳng hạn, thí dụ miệng ăn xác lành (x. TCTGKM, 77) được dùng để giải thích mầu nhiệm thông công
giữa mọi thành phần trong Giáo Hội; hoặc thí dụ trái tốt là do cây
tốt (x. TCTGKM, 113) được dùng để
giải thích lời khen Chúa Giêsu có phúc cũng là khen Đức Mẹ có phúc.
IV. NGÔN NGỮ BIỂU
TRƯNG, CHÂN LÝ ĐỨC TIN VÀ VĂN HOÁ VIỆT
Trên đây chúng
ta đã thấy các điểm độc đáo của TCTGKMtrong
đó có việc sử dụng ba hình thức hay công cụ văn chương có tính biểu
trưng[62].
Trong phần này của bài viết, chúng tôi tập trung suy tư và phân tích
ba công cụ văn chương đó như được sử dụng trong TCTGKM, sau khi lướt qua những khám phá về ý nghĩa và tầm
quan trọng của ngôn ngữ biểu trưng trong đời sống,ngôn ngữ con người
nói chung và trong thần học, được hiểu như là diễn từ của kinh
nghiệm về Thiên Chúa, nói riêng.
1. Vai trò của ngôn ngữ biểu trưng
Cả ba công cụ
văn chương công thức hoá, chuyện kể, thí dụ như được sử dụng trong TCTGKMđều mang tính biểu trưng;
chúng không nhằm mô tả hay chứng minh các chân lý đức tin nhưng khơi
gợi những cách thế khả dĩ để hiểu các chân lý đó. Khi tiếp xúc
với các công cụ văn chương này, độc giả thời nay, ít nhất là thoạt
đầu, sẽ có cảm tưởng đây là cách thức giảng dạy ngây ngô và có
khuynh hướng xem nhẹ nó như là một thứ đã thuộc về quá khứ không còn
thích hợp cho ngày nay. Thế nhưng, có lẽ lược qua những điều mà các
học giả nói về vai trò và giá trị của biểu tượng, ẩn dụ và
chuyện kể sẽ giúp chúng ta hiểu giá trị của ngôn ngữ biểu trưng nói
chung và của ba công cụ văn chương này (công thức hoá, chuyện kể, thí
dụ) nói riêng.
Theo tác giả Michael L. Cook[63]
thì biểu tượng, ẩn dụ và chuyện kể là những yếu tố quan trọng,
nằm ở trung tâm của đời sống,kinh nghiệm và ý thức của con người[64].
Kinh nghiệm của con người luôn là một kinh nghiệm đã được hiểuvà
được giải thích, tức là khi kinh nghiệm cái gì thì con người luôn
kinh nghiệm nó như có ý nghĩa đối với mình. Như vậy, con người luôn
kinh nghiệm về thế giới (bao gồm chính mình) qua các kênh chuyển tải
ý nghĩa. Vì thế, từ khi hình thành ý thức và tự ý thức, tự bản
chất, con người là “động vật tạo ra biểu tượng”[65];
các biểu tượng này được thấy rõ nơi ngôn ngữ, cử chỉ, vật thủ công,
v. v. vốn là những kênh chuyển tải ý nghĩa. Sâu xa hơn nữa, con người,
với tư cách là tinh thần hiện thể (tức hiện hữu trong hai chiều kích
tâm linh và thể lý), luôn hiện hữu một cách biểu tượng[66].
Như vậy từ lúc bắt đầu hiện hữu, kinh nghiệm của con người về thế
giới luôn là một kinh nghiệm mang tính biểu tượng. Nói cách khác,
kinh nghiệm biểu tượng có gốc rễ từ chính hiện hữu và cuộc sống
con người.
Tác giả nói
theo Paul Ricoeur rằng, khi kinh nghiệm biểu tượng được diễn tả, nó
mang hình thức ẩn dụ; về phần mình, ẩn dụ làm sáng tỏ điều mà
biểu tượng hàm ý bằng cách áp dụng nó cho một chủ thể đặc thù[67].
Trong hành vi tạo ra ẩn dụ có một sự tưởng tượng sáng tạo, khám
phá một cách bất ngờ mối tương quan mới, có tính tương đồng giữa hai
thực tại vốn vẫn được nghĩ như là khác biệt[68].
Có những loại ẩn dụ không thể được “phiên dịch” thành những khẳng
định chính xác mà không đánh mất nội dung nhận thức của chúng[69].
Nếu chúng ta cố gắng giải thích ẩn dụ bằng ngôn ngữ chính xác,
mạch lạc của khoa học hay triết học, chúng ta sẽ đánh mất ý nghĩa
và khả năng chuyển tải trực quan của chúng. Hơn nữa, ẩn dụ còn giúp
chúng ta kinh nghiệm thực tại chứ không chỉ mô tả kinh nghiệm của
chúng ta[70].
Đặc biệt, khi
nói về Thiên Chúa thì chúng ta không thể không dùng ẩn dụ. “Những
khẳng định về hữu thể và hoạt động của Thiên Chúa sẽ rất khô cứng
và trừu tượng nếu chúng ta không diễn tả bằng nhiều loại ẩn dụ
khác nhau việc Thiên Chúa yêu thương, tha thứ và nuôi dưỡng chúng ta
thế nào”[71].
Nếu như ẩn dụ
là diễn tả của biểu tượng vốn nằm rất sâu trong ý thức con người,
thì chuyện kể đóng vai trò mặc ý nghĩa cho ẩn dụ[72].
Ý nghĩa của ẩn dụ sẽ mơ hồ nếu không được chuyện kể soi sáng và
định hình. Với sức ảnh hưởng mang tính ẩn dụ, chuyện kể đóng vai
trò trung tâm trong kinh nghiệm và ngôn ngữ con người. Tác giả cổ vũ
cho việc phục hồi nghệ thuật kể chuyện vốn đang bị kỹ nghệ, triết
học, khoa học và ngay cả văn chương hiện đại làm phai mờ và biến mất[73].
Như vậy, theo
tác giả Michael L. Cook, ẩn dụ và chuyện kể chiếm vị trí trung tâm
trong đời sống và ngôn ngữ con người vì chúng phản ánh bản tính
biểu tượng của chính hiện hữu con người. Từ kết luận đó, chúng ta
có thể suy diễn thêm rằng, mọi dạng ngôn ngữ mang tính biểu trưng đều
đóng vai trò trung tâm trong việc diễn tả những thực tại sâu xa của
đời sống, vì những dạng ngôn ngữ đó cận kề và phản ánh trung thực
bản tính biểu tượng của con người. Một cách cụ thể, trong trường
hợp của cuốn TCTGKM,giá trị của
các dạng công thức, chuyện kể và thí dụ nằm ở chỗ chúng phản ánh
căn tính biểu tượng của kinh nghiệm đức tin.
Ngoài ra, các
dạng công thức và thí dụ trong TCTGKM
thực chất cũng là những ẩn dụ, theo định nghĩa của tác giả Michael
L. Cook. Nếu “ẩn dụ . . . được đặt nền trên khả năng tưởng tượng mang
tính loại suy để có thể thực hiện một phán quyết A=B”[74],
vàhành vi ẩn dụ là hành vi nối kết, nhận ra sự tương đồng giữa
những vật có vẻ bất tương đồng, thì chúng ta dễ dàng thấy rằng các
dạng công thức và thí dụ trong TCTGKM
đều mang tính ẩn dụ. Việc công thức hoá nối kết nội dung giáo lý
với một dạng công thức ý niệm hay ngôn ngữ hoặc cho thấy mối tương
quan giữa các chân lý đức tin tương đồng với mối tương quan giữa các
thành phần của công thức; còn các thí dụ thì hiển nhiên là nối kết
các chân lý đức tin với kinh nghiệm đời thường.
Với đặc tính
ẩn dụ, các dạng công thức, chuyện kể và thí dụ, như đã nói ở trên,
không nhằm mô tả nhưng nhằm khơi gợi ý nghĩa, cách hiểu và chuyển
tải trực quan về các chân lý đức tin. Vì thế, các công thức và thí
dụ không nên được hiểu theo nghĩa đen hay nghĩa chữ; giá trị của
chúng nằm ở sức ảnh hưởng mang tính ẩn dụ, tức ở sự khơi gợi, mời
gọi và tạo điều kiện cho độc giả hoặc thính giả có trực quan về ý
nghĩa của điều cần chuyển tải.
2. Ý nghĩa và vai trò của chuyện kể
và thí dụ
Sau khi thấy
được vai trò của ngôn ngữ biểu trưng nói chung và của các dạng công
thức, chuyện kể và thí dụ (trong TCTGKM)
nói riêng – một vai trò được xây dựng trên mối liên hệ với biểu tượng
tính của con người – chúng ta thử tìm hiểu xemchuyện kể và thí dụ
như được sử dụng cách cụ thể trong TCTGKM[75]
có ý nghĩa và giá trị gì đối với não trạng người Việt. Việc tìm
hiểu này không chỉ cho thấy giá trị của chuyện kể và thí dụ nói
chung trong việc giảng dạy giáo lý, mà còn cho thấy chúng phù hợp
và đáp ứng não trạng người Việt thế nào.
3. Chuyện kể
Như trên đã
nói, phần lớn các chuyện kể trong TCTGKM
liên quan tới người chết, ma quỷ, thần thánh, mà những câu chuyện
dạng này rất được ưa chuộng và phổ biến trong cộng đồng người Việt
thế kỷ XVII và ngay cả ngày nay[76].
Chúng ta nên hiểu ý nghĩa của dữ kiện này thế nào?
Trước hết
chúng ta cần lưu ý rằng khi nghe những câu chuyện này, người ta không
đặt vấn đề về tính chính xác và thực hư của các tình tiết mà chú
ý tới thông điệp đang được chuyển tải. Các câu chuyện đó có thể
được kể lại với những chi tiết, biến tấu khác, nhưng vẫn được coi
là cùng một chuyện, nếu chuyển tải cùng một thông điệp.
Tình trạng phổ
biến của việc dùng những câu chuyện có vẻ mang tính “hoang đường, ma
mị” như thế này khi cần phải chuyển tải các thông điệp xã hội, luân
lý và tôn giáo cho thấy rằng,đối với người Việt, những chuyện loại
này cung cấp một cái nhìn khách quan, toàn cục về thế giới, cuộc
sống và con người. Đối với độc giả người Việt, nếu người chết, tức
người thế giới bên kia, hiện về nói điều gì thì điều đó là đúng,
vì họ có cái nhìn toàn diện hơn người sống, vốn chỉ nhìn thế giới
từ góc độ bên này của thế giới.
Khi bàn về ý
nghĩa cuộc sống, về con người, thế giới và nguyên lý của nó, những
câu chuyện loại này gợi lên trong tâm trí của độc/thính giả những
tưởng tượng mang tính tôn giáo. Những chuyện kể về ma thần, người
chết nói lên mối liên hệ giữa các thành phần của toàn thế giới
trong tất cả chiều sâu của nó. Người Việt không chỉ chú ý tới bề
mặt hiện tượng, mang tính khách quan, vô ngã vị của thế giới. Thế
giới là một toàn thể sống động, trong đó mọi thành phần (thần linh,
con người, thiên nhiên, quá khứ, hiện tại, tương lai) tương tác lẫn nhau và
mối tương quan hài hoà là một điều cần thiết.
Như vậy, cha
Girolamo Maiorica đã không coi các câu chuyện đó là hoang đường hay mê
tín, nhưng dùng lại cấu trúc, năng động của chúng, thay vào những chi
tiết khác để chuyển tải không chỉ bài học mà còn đặc biệt là tâm
tình đức tin. Vẫn là những âm hồn, vẫn là những thế giới của người
sống, người chết, của quỷ ma, v. v. , nhưng cha Girolamo Maiorica đã
trùm lên bức tranh đó một gam màu khác, và đặt hệ thống các thế
giới tương tác lẫn nhau đó dưới quyền tối thượng của Thiên Chúa.
Đức tin Kitô
giáo đóng vai trò như gam màu, biến đổi cảm nhận về bức tranh thế
giới; và như nguyên lý lý tính, soi sáng rõ ràng hơn mối liên hệ
giữa các thành phần của thế giới. Nếu không có đức tin tôn giáo, gam
màu bình thường của các câu chuyện vốn ít lý tính đó mang vẻ u
tối, gây sợ sệt, ảo huyền; đó là lý do tại sao chúng thường bị coi
là mê tín dị đoan. Nhưng có thể nói thế giới quan đó diễn tả một
trực giác sâu xa mang tính tôn giáo, vẫn đang trăn trở đi tìm lý tính
cho mình và vì thế mà vẫn còn tính hấp dẫn cho tới ngày nay.
Như vậy, cha
Girolamo Maiorica vẫn trân trọng, giữ lại và phát huy tâm thức, thế
giới quan đó của người Việt, đưa họ vào mạng lưới tương quan hiện
sinh của con người trong và với thế giới như một toàn thể, nhưng là
một thế giới từ nay nhận được ý nghĩa sáng tỏ, toàn diện và chung
cục nhờ con mắt đức tin Kitô giáo. Cách nhìn về thế giới vẫn là
cách nhìn đầy tính Việt, nhưng ý nghĩa nhận ra được đã được đổi
mới bởi gam màu và lý tính của đức tin Kitô giáo.
4. Thí dụ
Khi không ngần
ngại dùng ngay những kinh nghiệm đời thường để giải thích giáo lý,
cha Girolamo Maiorica đã không coi những thí dụ bình dân là bất xứng
với các giáo lý cao siêu, không quá e ngại việc có thể gây hiểu sai
các khái niệm thần học. Đa số các thí dụ đều mang tính minh hoạ,
giải thích một khía cạnh của một khoản giáo lý đặc thù, chứ không
nhằm thay thế hay trình bày toàn bộ các khía cạnh liên quan tới
khoản giáo lý đó. Cha Girolamo Maiorica biết đâu là điểm khúc mắc mà
thính/độc giả gặp phải liên quan tới một chân lý đức tin nào đó và
đưa thí dụ để nhằm giải thích chính khúc mắc đó mà thôi, chứ không
nhằm trình bày một lý thuyết mới hay khái niệm tương đương. Vì thế,
vẻ “khập khiễng” là đặc tính bình thường và không nên được xem là
khiếm khuyếtcủa thí dụ.
Các thí dụ cho
phép cha Girolamo Maiorica không cần phải trình bày các khái niệm mang
tính triết học xa lạ với não trạng người Việt, hoặc quá “cao vời”
(mà, đối với ngài, cũng có nghĩa là không cần thiết) đối với người
bình dân. Lý do gì đã khiến cha Girolamo Maiorica mạnh dạn dùng các
thí dụ thay vì phải nại đến các khái niệm chính xác? Những điều
trình bày ở trên về ẩn dụ soi sáng cho ta hiểu lý do của việc này. Các
thí dụ, vốn rõ ràng mang đặc tính ẩn dụ, cung cấp một cái hiểu
trực quan về điều được so sánh, điều mà lý luận hay ngôn ngữ khái
niệm không phải lúc nào cũng làm được. Bằng cách này, cha Girolamo
Maiorica đã có thể hoàn thành công việc thông truyền giáo lý đức tin
mà không phải đi qua trung gian của việc giảng dạy các khái niệm hay
một hệ thống triết học đặc thù nào.
Việc sử dụng
các thí dụ không có nghĩa là cha Girolamo Maiorica phớt lờ hay xem nhẹ
các lý giải thần học mang tính khái niệm. Thực ra, sâu xa bên dưới,
việc hiểu các chân lý đức tin vẫn được xây dựng trên các khái niệm
và hệ thống tư tưởng thần học đương thời (tức thần học Kinh Viện
thời cha Girolamo Maiorica). Chính hệ tư tưởng thần học quy định và
hướng dẫn cách thức mà thí dụ được chọn lựa và áp dụng để minh
hoạ hay giải thích một chân lý đức tin.
Như vậy, sự
sáng tạo của việc sử dụng các thí dụ đặt nền trên việc nắm chắc
chân lý đức tin, ngay cả ở cấp độ diễn tả thần học của nó; được
thai nghén bằng việc nắm bắt não trạng của thính/độc giả, tìm ra
đâu là khúc mắc mà họ gặp phải liên quan tới chân lý đức tin đó;
rồi được thực hiện bằng việc chọn lựa và liên kết một kinh nghiệm
đời thường với một khía cạnh của chân lý đức tin. Chúng ta thử đi
vào phân tích một thí dụ để thấy rõ các đặc tính và năng động này
của các thí dụ trong việc minh hoạ và truyền tải giáo lý đức tin.
Ở TCTGKM, 31, thí dụ soi gương được
dùng để giải thích Chúa Cha sinh ra Chúa Con đồng thời với Mình,
hoàn toàn giống Mình, cùng bản tính với Mình như thế nào. Giải
thích của cha Girolamo Maiorica dựa trên giáo lý của công đồng Trentô,
vốn lại dựa vào cách giải thích của thánh Tôma Aquinô[77].
Giáo lý của công đồng Trentô cho rằng để làm sáng tỏ khái niệm
“nhiệm sinh vĩnh cửu” thì so sánh sau là hiệu quảnhất: khi tâm trí
nhìn vào chính mình và hiểu mình thì hình thành một hình ảnh về
chính mình; tương tự như thế, khi Thiên Chúa hiểu chính Mình (điều
luôn xảy ra từ vĩnh cửu và một cách tuyệt đối) thì Ngài sinh ra Ngôi
Lời vĩnh cửu[78].
Khi giải thích
mối tương quan giữa Chúa Cha và Chúa Con, bận tâm của cha Girolamo
Maiorica là thính/độc giả có thể hiểu lầm rằng Cha sinh ra Con như
người thế gian, như các câu chuyện huyền thoại dân gian về thần thánh.
Vì thế, ngài mới phải nại đến cách giải thích của thần học Kinh
Viện. Nhưng sự sáng tạo của cha Girolamo Maiorica nằm ở chỗ ngài không
cần đề cập đến chính khái niệm nhiệm
sinh cũng như thí dụ mà thánh Tôma và công đồng Trentô đưa ra, vốn
cũng rất trừu tượng đối với não trạng người dân Việt[79].
Thay vì phải nại đến khái niệm Ý
Thức Thuần Tuý Vô Biênđầy tính trừu tượng hay đến việc trí khôn
suy nghĩ về và hiểu chính nó, cha Girolamo Maiorica đã dùng hình ảnh
“soi gương” rất đời thường nhưng cũng khá tương đồng với thí dụ mà
thánh Tôma và công đồng Trentô dùng.
Việc soi gương
tạo ra ngay tức khắc một hình bóng hoàn toàn giống y như chủ thể,
cả về cử điệu. Nhưng làm sao có được sự đồng nhất về bản thể giữa
bóng và người thật, điều mà khái niệm Ý Thức Thuần Tuý có thể
diễn tả được? Cha Girolamo Maiorica giải quyết đơn giản bằng một khẳng
định rằng Thiên Chúa khác những gì ta kinh nghiệm trong thế giới này:
“Đức Chúa Trời cho bóng ấy tính Mình, là sự ta làm chẳng được”; hơn
nữa, “Đức Chúa Cha hằng soi mình, thì hằng có sinh ra Con làm vậy” (TCTGKM, 32).
Như thế, thí
dụ soi gương diễn tả được các khía cạnh sau của mối tương quan giữa
Ngôi Cha và Ngôi Con: Cha Con giống nhau, bằng nhau, cùng vĩnh cửu như
nhau. Não trạng người Việt không đặt vấn đề về bản thể, không thắc
mắc tại sao Cha có thể ban tính Mình cho bóng của Mình trong gương
được (điều mà Ý Thức Thuần Tuý giải thích được). Có lẽ họ chỉ
cần giải đáp những vấn nạn: Cha sinh ra Con mà không giống người thế
gian là thế nào? Làm thế nào mà Cha và Con giống nhau và bằng nhau?
Làm thế nào mà Cha sinh ra Con, mà Con vẫn hằng có cùng với Cha từ
vĩnh cửu?Thí dụ soi gương có thể giải đáp các vấn nạn này.
5. Tiểu kết
Chúng ta vừa
thử tìm hiểu, dưới ánh sáng của những nghiên cứu triết học về vai
trò của ẩn dụ và chuyện kể, ý nghĩa và giá trị của ba công cụ văn
chương có tính biểu trưng được sử dụng trong TCTGKM. Những công cụ này có những ý nghĩa và giá trị
độc đáo nhưng có tính tương đối, hiểu theo nghĩa chúng phải được đón
nhận, đọc và hiểu trong và với những điều kiện nhất định. Đặc tính
biểu trưng và ẩn dụ của chúng cần phải được để ý và duy trì như
một điều kiện thông diễn thiết yếu để hiểu nội dung chúng nhắm
chuyển tải.
Việc nhìn ra
giá trị của các công cụ văn chương này không có nghĩa chúng ta cần
phải áp dụng chúng trong việc dạy giáo lý hoặc giảng giải thần
học, đúng hoàn toàn theo cách mà cha Girolamo Maiorica đã làm. Nhưng
ít ra việc này cũng gợi ý rằng việc sử dụng những công cụ đơn giản
nhưng hiệu quả hoàn toàn có thể là một cách tiếp cận tốt cho việc
truyền giảng Tin Mừng.
Về việc công
thức hoá, chúng ta có thể hỏi xem đâu là những dạng công thức tóm
kết nội dung, những dạng công thức ngôn ngữ và những dạng công thức
liên hệ các mầu nhiệm đức tin với nhau mà ta có thể sử dụng ngày
nay. Khi công thức hoá, chúng ta cần để ý đến những con số “linh
thiêng”, “may mắn” hoặc “cấm kỵ” đối với não trạng người Việt. Việc
này đòi hỏi một sự sáng tạo nhất định đặt nền trên một kiến thức
nhất định về ca dao tục ngữ cũng như các câu văn kinh điển của Nho
giáo, Lão giáo và Phật giáo.
Về chuyện kể,
bài học rút ra từ TCTGKM không
nhất thiết là chúng ta cần kể lại các câu chuyện thần tiên, ma quỷ,
vốn có thể bị coi là hoang đường, trong các bài giảng giáo lý. Nhưng
ta có thể hỏi xem người Việt ngày nay quan niệm thế nào về thế giới
và về con người; đâu là những “câu chuyện” giúp thể hiện và chuyển
tải thế giới quan đó; những “câu chuyện” đó có thể được phủ gam màu
và lý tính Kitô giáo thế nào. Những câu chuyện hiện đại có thể mang
nhiều dạng thức khác nhau, liên quan đến ý thức hệ (vd: cộng sản/tư
bản), các vấn đề của toàn cầu hoá (vd: nhân quyền, bản sắc dân
tộc), chủ nghĩa tiêu thụ (vd: con người và hàng hoá), v. v.
Về thí dụ,
chúng ta có thể xét đâu là những kinh nghiệm đời thường giúp minh
hoạ và giải đáp các thắc mắc về chân lý đức tin. Ngoài những hình
ảnh nông nghiệp, sản xuất, xây dựng và các hình ảnh liên quan tới
ngành nghề sinh nhai vẫn còn có thể có hiệu lực, chúng ta có thể
để ý đến những hình ảnh mới liên quan đến truyền thông, mạng xã
hội, v. v. Điều này đòi người dạy giáo lý phải đi sâu sát và tham
gia vào đời sống của thính giả và vận dụng óc sáng tạo để liên hệ
chân lý đức tin với kinh nghiệm sống đó.
Những câu hỏi
trên gợi mở hướng áp dụng các công cụ công thức hoá, chuyện kể và
thí dụ vào việc giảng giải giáo lý. Việc giải đáp những câu hỏi
đó đòi hỏi sự thâm hiểu não trạng, văn hoá của người Việt đương
thời, đồng thời đòi hỏi sự sáng tạo sắc bén được thai nghén bằng
suy tư cũng nhưđược vận dụng và thử nghiệm trong một quãng thời gian
đủ dài.
KẾT LUẬN
Năm Thánh này
là năm để anh em Giêsu hữu và các thân hữu “uống nước nhớ nguồn”,
tìm về cội nguồn đức tin của mình để tri ân Thiên Chúa và các bậc
tiền nhân đã gieo vãi hạt giống Tin Mừng trên đất Việt. Nhưng quả
thật “vô tri bất khả mộ”, nhiều bậc thừa sai vĩ đại, cụ thể là cha
Girolamo Maiorica, chưa được biết đến cách rộng rãi cũng như chưa được
mộ mến và biết ơn.
Qua việc sưu
tầm tìm hiểu về cha Girolamo Maiorica, bài viết này góp phần nhỏ bé
vào việc đưa ra ánh sáng nhân cách và công trình của một vị tiền
nhân âm thầm nhưng đã có công lớn trong việc gầy dựng nền tảng vững
chắc và lâu bền cho Giáo Hội Việt Nam.
Qua việcphân tích các điểm độc đáo của tác phẩm đầu tay của cha Girolamo Maiorica, đặc biệt là thử tìm hiểu ý nghĩa và giá trị của ba công cụ văn chương có tính biểu trưng, bài viết này thử trình bày những nguyên nhân sâu xa giải thích cho sự thành công của cha Girolamo Maiorica nói chung và của TCTGKM nói riêng trong việc truyền giảng Tin Mừng cho người Việt bình dân. Ngoài ra, việc trình bày này cũng gợi mở những phương cách cụ thể, đơn giản nhưng không kém phần đòi hỏi về mặt hội nhập, thích nghi và sáng tạo.
COOK, Michael L. Christology as Narrative Quest. Collegeville,
Minnesota: the Liturgical Press, 1997.
ĐỖ Quanh Chính.
Dòng Tên trong Xã Hội Đại Việt
1615-1773. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2008.
NGUYỄN Thị Tú
Mai. Chữ Nôm và Tiếng Việt Thế Kỉ XVII
qua Thiên Chúa Thánh Giáo Khải Mông của Jeronimo Maiorica. Luận án Tiến sĩ
Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, 2012.
OSTROWSKI, Brian Eugene. The Nôm Works of Geronimo Maiorica, S. J. (1589-1656) and their Christology. Luận án Tiến sĩ, Cornell University, 2006.
Một số
tài liệu viết về cha Girolamo Maiorica và các tác phẩm của ngài
HOÀNG Xuân Hãn. “Girolamo
Maiorica: Ses oeuvres en langue vietnamienne conservées à la Bibliothèque
Nationale de Paris”. Trong Archivum
Historicum Societatis Iesu XXII (1953): 203-214.
LÃ Minh Hằng. “Nguồn
tư liệu từ vựng thế kỷ 17 – qua khảo sát truyện ông thánh Inaxu”. Trong
Thông Báo Hán Nôm Học. Viện
Nghiên Cứu Hán Nôm, 2013.
NGUYỄN Quốc Dũng.
Ngôn ngữ trong “Truyện các thánh” của tác
giả Maiorica – khía cạnh từ vựng và ngữ pháp. Khóa luận tốt nghiệp ngành
Ngôn ngữ, Trường Đại học Sư phạm Huế, 2009.
NGUYỄN Thị Tú
Mai. Chữ Nôm và Tiếng Việt Thế Kỉ XVII
qua Thiên Chúa Thánh Giáo Khải Mông của Jeronimo Maiorica. Luận án Tiến sĩ
Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, 2012.
NGUYỄN Văn Ngoạn.
Khảo cứu văn bản Nôm Kinh những lễ mùa phục
sinh của Maiorica. Luận văn Thạc sĩ, Học viện Khoa học xã hội, 2012.
SOMMERVOGEL,
Carlos. “Maiorica, Jérôme”. Trong Bibliothèque
de la Compagnie de Jésus. Bibliographie, Tome V, 360-361. Bruxelles: Oscar
Schepens, 1894.
SOTVELLO,
Nathanaele. “Hieronymvs Maiorica”. Trong Bibliotheca
Scriptorvm Societatis Iesv, 343-344. Rome: Iacobi Antonij de Lazzaris
Varesij, 1676.
Một số
tài liệu có đề cập đến cha Girolamo Maiorica và các tác phẩm của
ngài
CAO Thế Dung. Việt Nam công giáo sử tân biên (1533-2000).
Gretna, LA: Cơ sở Truyền thông Dân Chúa, 2002.
TRẦN Tuyết
Nhung. Vietnamese Women at the
Crossroads: Gender and Society in Early Modern Dai Viet. Luận án tiến
sĩ, University of California at Los Angeles, 2004.
NGUYỄN Thế Thoại.
Công giáo trên quê hương Việt Nam. Lưu
hành nội bộ, 2001.
Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGM VN, Số 86 (Tháng 1 & 2 năm 2015)
[1] Giêsu hữu là từ quen dùng (trong nội bộ Dòng) để gọi các
tu sĩ Dòng Tên cách súc tích nhưng đầy ý nghĩa. Giêsu hữu có thể được hiểu là người bạn đồng hành với
Chúa Giêsu, là người mang Chúa Giêsu trong mình. Đây là một cách Việt
hoá từ Jésuite trong tiếng Pháp
và Jesuit trong tiếng Anh.
[2]Xin mạn phép nói thêm
rằng chữ viết là yếu tố quan trọng trong việc lưu lại, không chỉ
tiếng nói mà còn cả não trạng, suy nghĩ, tập tục, văn hoá của dân
tộc qua dòng lịch sử. Suốt thời Hán thuộc, tiếng nói của dân ta
không được ghi lại (vì không có chữ viết, hoặc chữ viết cổ đã bị
mai một), mà chỉ được truyền miệng qua các thế hệ. Cho tới khoảng
thế kỷ XIII tiếng nói của ta mới bắt đầu được ghi lại bằng chữ Nôm
(x. Nguyễn Quang Hồng, “Khái Lược về Văn Học Chữ Nôm ở Việt Nam”, Nhịp Sống 12 (2007), bản điện tử,
được truy cập từ http://www.ivce.org/magazinedetail.php?magazinedetailid=MD00000272, ngày 22. 01. 2014),
là dạng chữ ban đầu vay mượn từ các chữ Hán, cho nên cũng khó học
tương đương với chữ Hán, đôi khi còn phức tạp hơn chữ Hán, và chỉ
một số ít người biết đọc chữ này.
[3] Thí dụ, nếu chỉ xét
riêng vấn đề ai là cha đẻ thực sự của chữ Quốc Ngữ thôi, thì chúng
ta cũng đã có bằng chứng rằng ngay từ năm 1632, chữ Quốc Ngữ của cha
Gaspar d’Amaral rõ ràng hơn chữ Quốc Ngữ mà cha Đắc Lộ viết vào năm
1636 (x. Đỗ Quang Chính, Lịch Sử Chữ
Quốc Ngữ, tr. 88, 92).
[4] Girolamo Maiorica, Thiên Chúa Thánh Giáo Khải Mông, do
Võ Long Tê phiên âm và chú thích (lưu hành nội bộ, 2003).
[5] Chúng tôi không có
điều kiện tiếp cận và nghiên cứu các bản viết tay, các tài liệu
gốc hoặc các tài liệu chuyên biệt về sử học; hơn nữa, sử học cũng
như văn bản học không phải là chuyên môn của chúng tôi. Do đó, chúng
tôi xin tự giới hạn vào việc sưu tầm và tóm tắt lại các nghiên cứu
có sẵn của một vài ấn phẩm và luận án tiến sĩ mới xuất hiện gần
đây liên quan tới cha Girolamo Maiorica.
[7] X. Roland Jacques,Portuguese Pioneers of Vietnamese
Linguistics (Bangkok: Orchid Press, 2002), 53.
[8] Chúng tôi chọn cách
viết này (tuy rằng các sách Nôm của ngài có ghi rõ tên ngài được
phát âm ở Đàng Ngoài theo kiểu Bồ Đào Nha là Giê-rô-ni-mô) là vì
ngài là người Ý, mà trong tiếng Ý thì dạng Girolamo phổ biến hơn
dạng Geronimo, và trong tiếng Ý không có ký tự j. Hơn nữa, theo trang
mạng WorldCat thì ở cuối bản tường trình bằng tiếng Ý Relatione del Giappone dell’anno M. DC. XXI
(Tường trình về Nhật Bản năm 1621) thì tên ngài được ký là “Maiorica
Girolamo” (x. https://www.worldcat.org/title/relatione-del-giappone-dellanno-m-dc-xxi/oclc/661273647,
truy cập ngày 23. 01. 2014).
[9] Các thông tin trong
phần tiểu sử này phần lớn dựa vào nghiên cứu của cha Đỗ Quang
Chính, trong Dòng Tên, 158-162, và
của Brian E. Ostrowski, trong The Nôm
Works, 7-23. Bình thường, trong phần tiểu sử này, chúng tôi sẽ
không chú thích tham chiếu nữa, trừ một số những thông tin đặc biệt.
[17] X. Đỗ Q. Chính, Dòng Tên, 161-162, 458. Các học giả
cũng cho rằng chính vị Hoà Thượng – thầy Phanxicô thành Phao này là
tác giả của bài kinh nổi tiếng Phục
Dĩ Chí Tôn.
[23]Các thông tin từ đây
trở đi liên quan tới quá trình phát hiện thủ bản các sách của cha
Girolamo Maiorica, chúng tôi dựa vào Brian E. Ostrowski, The Nôm Works, 24-38.
[24] X. Brian E. Ostrowski, The Nôm Works, 31-32. Tác giả dựa
vào các cuốn Orationes ou Orações da
Missa; Truyện Nước Annam Đàng Ngoài
chí Đàng Traơ, Quyển thứ nhất – Nói sự Đàng Ngoài; Sách sổ sang chép các việc của cha Philiphê Bỉnh.
[30] Mà kết quả là tác
phẩm Nôm đầu tiên của ngài: Thiên
Chúa Thánh Giáo Khải Mông. X. Sđd,
69-70.
[32] X. Đỗ Q. Chính, Lịch Sử Chữ Quốc Ngữ 1620-1659 (Hà
Nội: Nxb Tôn Giáo, 2008), 113-115. Cha Đỗ Q. Chính cũng nói rõ rằng
vào năm 1636, cha Đắc Lộ còn viết tiếng Việt sai dấu và còn đặt các
từ ngữ liền nhau.
[33] X. Đỗ Q. Chính, Dòng Tên, 458; Brian E. Ostrowski, The Nôm Works, 62-64; Nguyễn Thị Tú
Mai, Chữ Nôm và Tiếng Việt, 40. Các
tác giả dựa vào bộ sách Truyện
Nước Annam Đàng Ngoài chí Đàng Traơ, Quyển thứ nhất – Nói sự Đàng Ngoài
của cha Philiphê Bỉnh.
[34] X. Brian E. Ostrowski, The Nôm Works, 68. Benoit Hiền sau này
làm linh mục thuộc Hội Thừa Sai Paris.
[36] X. Lại Nguyên Ân, “Vai
trò của dịch thuật trong sự hình thành văn xuôi tiếng Việt”, trong Đọc Lại Người Trước, Đọc Lại Người
Xưa (Hà Nội: Nhà Xuất bản Hội nhà văn, 1998), bản điện tử truy
cập từ http://lainguyenan.
free. fr/DLNX/index. html, ngày 26. 01. 2014.
[38] Ví dụ, Nguyễn Quốc
Dũng, Ngôn ngữ trong “Truyện các thánh” của
tác giả Maiorica – khía cạnh từ vựng và ngữ pháp(Khóa luận tốt nghiệp ngành
Ngôn ngữ, Trường Đại học Sư phạm Huế, 2009). Nguyễn Văn Ngoạn, Khảo cứu văn bản Nôm Kinh những lễ mùa phục
sinh của Maiorica(Luận văn Thạc sĩ, Học viện Khoa học xã hội, 2012). Nguyễn
Thị Tú Mai, Chữ Nôm và Tiếng Việt Thế
Kỉ XVII qua Thiên Chúa Thánh Giáo Khải Mông của Jeronimo Maiorica (Luận án
Tiến sĩ Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, 2012). Lã Minh Hằng, “Nguồn
tư liệu từ vựng thế kỷ 17 – qua khảo sát truyện ông thánh Inaxu”,
trong Thông Báo Hán Nôm Học (Viện
Nghiên Cứu Hán Nôm, 2013), bản điện tử, truy cập từ
http://xuandienhannom. blogspot. com/2013/12/nguon-tu-lieu-tu-vung-ky-17-qua-khao.
html, ngày 26. 01. 2014.
[39] Đào Duy Anh, Hán Việt Từ Điển (Sài Gòn: Trường
Thi, 1957), 360. Chúng tôi đa tạ cha Huỳnh Trụ vì tham chiếu này.
[41] X. Brian E. Ostrowski, The Nôm Works, 15,46, 69-70; Nguyễn
Thị Tú Mai, Chữ Nôm và Tiếng Việt,
52.
[42] Chúng tôi chỉ có thể
tiếp cận tới bản văn bằng tiếng Ý, Dottrina
Cristiana Breve(DCB),của cuốn
giáo lý này, xuất bản năm 1839 tại Rôma. Ở phần dẫn nhập, thánh
Bellarmino viết rằng sách này nhắm đến những người “đơn sơ” (x. DCB, 4) và với chủ ý là để học
thuộc lòng (x. DCB, 5). Cuốn này
có lẽ lại được soạn dựa theo, vì có hình thức và nội dung rất
tương đồng với cuốn Giáo Lý Nhỏ
của thánh Phêrô Canisiô mà chúng tôi chỉ có bản văn tiếng Anh The Little Catholick Catechism written by
the R. F. P. Canisius of the Society of Jesus, xuất hiện từ trang 1 đến
trang 79 trong cuốn An Introduction to
the Catholick Faith, được John Cousturier xuất bản năm 1633.
[43] Chúng ta cũng nên lưu
ý rằng vào khoảng thời gian này, Giáo Hội Công Giáo Rôma đã xuất
bản cuốn giáo lý cho toàn Giáo Hội, gọi là cuốn Giáo Lý Công Đồng Trentô, với cấu trúc Tin Chịu Giữ Xin
(Kinh Tin Kính, các Bí Tích, các Giới Răn, các Kinh Nguyện). Cuốn này
được viết xong vào năm 1564, được Đức Giáo Hoàng Piô V cho xuất bản
vào tháng 09. 1566. Chúng tôi chỉ có thể tiếp cận nội dung của cuốn
này qua bản dịch tiếng Anh Catechism
of the Council of Trent (CCTr)
của J. Donovan, xuất bản năm 1829 tại Baltimore. Đây là một cuốn giáo
lý đồ sộ, đầy đủ và chi tiết như một khảo luận thần học, có cả
các tiêu đề, tóm ý cho các đoạn văn, cũng như có các trích dẫn và
tham chiếu Thánh Kinh. Một số thí dụ cho thấy dấu ấn của cuốn giáo
lý của công đồng Trentô trong cuốn TCTGKM:
một số ý ở trang TCTGKM, 34 tương
tự với CCTr, 36-37; trang TCTGKM, 37 với CCTr, 39; trang TCTGKM, 39
với CCTr, 38; trang TCTGKM, 40 với CCTr, 40.
[44] X. Nguyễn Thị Tú Mai,
Chữ Nôm và Tiếng Việt, 44-45;
Brian E. Ostrowski, The Nôm Works,
114. Các học giả này còn đặt giả thuyết rằng có thể Vitô Trí là
người sao chép bản văn này.
[46] Thí dụ: đí gì (gì); là đá (đá); dái
(sợ); min (tôi); cha mày (cha nuôi); dộng (tâu).
[47] Thí dụ: TCTGKM, 113: “làm mẹ và còn đồng
trình với” (làm mẹ mà vẫn còn
đồng trinh); TCTGKM, 148: “Sống
người ta về một Đức Chúa Trời”
(Chỉ Đức Chúa Trời mới có quyền trên sự sống của người ta mà thôi);
TCTGKM, 149: “Bởi tao ghét nhau cùng thằng kia. . . ” (Bởi tao và
thằng kia ghét nhau); TCTGKM, 153:
“Vì nước người chẳng cho ăn của cha bằng
con khác” (Vì theo luật lệ nước đó, con ngoài hôn thú không được
hưởng thừa kế từ cha hoặc không được cha chu cấp). Chú ý đặc biệt
cách sử dụng các giới từ, mang dáng dấp ngôn ngữ Tây phương.
[49] Chúng ta có thể đặt
vấn đề: Liệu cuốn TCTGKM có
phần giảng giải tổng lược về các Bí Tích chăng? Phần này có bị
thất lạc chăng (có dấu hiệu cho thấy bản Nôm hiện tại có thể là
bản chép lại dở dang, vì dòng cuối cùng chưa có dấu báo hết câu như
thường lệ)? Hay cha Girolamo Maiorica chưa kịp viết phần này? Dù sao
thì chúng ta cũng biết rằng cha Girolamo Maiorica có viết các cuốn
chuyên khảo về từng Bí Tích, trong đó những cuốn còn tồn tại là: Dọn Mình Trước Chịu Cô-mô-nhong
(nói về Bí Tích Thánh Thể và Bí Tích Truyền Chức Thánh) và Thiên Chúa Thánh Giáo Hối Tội Kinh
(nói về Bí Tích Hoà Giải); ngoài ra hầu chắc ngài cũng đã viết
một cuốn về Bí Tích Hôn Phối, nhưng đã bị thất lạc hoặc chưa được
tìm ra (x. Brian E. Ostrowski, The Nôm
Works, 70).
[50] Như trong cuốn The Little Catholick Catechism nói đến
ở trên, hoặc trong cuốn A Summe of
Christian Doctrine, xuất bản năm 1622, là bản dịch của John Heigham
từ tác phẩm cùng tên bằng tiếng Latinh của thánh Phêrô Canisiô.
[51] Điều này là bằng
chứng cho thấy những thói quen, công thức và ngôn từ nhà đạo còn tồn
tại tới ngày nay là do các cha Giêsu hữu thừa sai tiên khởi (trong đó
có cha Girolamo Maiorica) sáng tác, biên dịch, giảng dạy, và truyền
lại cho ta, đặc biệt là qua các tác phẩm chữ Nôm của cha Girolamo
Maiorica.
[52] Thí dụ: TCTGKM, 111,116 dùng cả Chúa Dêu lẫn Đức Chúa Trời; TCTGKM,
77,110 dùng cả San-ta lẫn thánh; TCTGKM, 155 dùng cả thánh
an-giô lẫn thiên thần. TCTGKM, 74 nói về “ba ơn” liên kết với mầu nhiệm Giáo
Hội: phép tha tội, xác người ta sống lại và phúc thiên đàng; đây quả
là các đặc tính của ga-ra-sa
theo như cha Girolamo Maiorica giải thích khi nói về Đức Mẹ đầy ga-ra-sa và Nước ga-ra-sa của Thiên Chúa. Ở TCTGKM,
99, cha Girolamo Maiorica viết: “Nước ga-ra-sa
là phép trị linh hồn kẻ giữ đạo và cho làm được mọi việc cho nên
và ngày sau cho rỗi linh hồn”. Xin cũng xem TCTGKM, 110-111 khi cha Girolamo Maiorica viết ga-ra-sa làm cho linh hồn ghét tội,
nên tốt và có sức làm được việc lành; và TCTGKM,102 khi ngài viết “Của về linh hồn là cực trọng
Cô-mô-nhong hay nuôi sống linh hồn là ga-ra-sa. . . ”. Vậy chúng ta có
thể kết luận rằng cha Girolamo Maiorica hay nói về các bí tích như là
ga-ra-sa, và đã tìm được từ ơn
để dịch từ ga-ra-sa mà vẫn giữ
lại và dùng song song từ đó.
[53] Thí dụ: tóm lược
nội dung “giảng khải mông” thành “bốn mối” Tin Cậy Mến và bảy Bí
Tích (x. TCTGKM, 14-15); dấu Thánh
Giá là công thức tóm tắt hai chân lý đức tin chính của đạo thánh – “.
. . Đức Chúa Trời có một tính ở Ba Ngôi. . . Con Đức Chúa Trời . . . làm
người, cùng chịu nạn vì tội thiên hạ” (TCTGKM, 19); tóm lược Mười Điều Răn thành “ba điều về Đức
Chúa Trời,. . . bảy điều về người ta,. . . dạy lấy lòng cùng lưỡi
và việc làm mà kính mến Đức Chúa Trời. . . ” (TCTGKM, 118), v. v.
[54] Cuốn giáo lý của
công đồng Trentô chia Kinh Tin Kính thành ba phần chính: phần đầu nói
về Ngôi Cha và công trình sáng tạo, phần hai về Ngôi Con và công trình
cứu độ, phần ba về Ngôi Thánh Thần và công trình thánh hoá; như vậy,
theo cuốn giáo lý này tín khoản về Giáo Hội và những tín khoản
cuối đều thuộc về phần ba, nói về Chúa Thánh Thần và công trình
thánh hoá (x. CCTr, 21). Cuốn
giáo lý ngắn của thánh Bêllarminô thì chia Kinh Tin Kính thành hai
phần: phần đầu gồm tám tín khoản nói về Thiên Chúa, phần sau gồm
bốn tín khoản nói về Giáo Hội; như vậy, các tín khoản sau đó đều
thuộc về phần nói về Giáo Hội (x. DCB,
11). Từ những thông tin trên, ta thấy cuốn TCTGKM theo cách phân chia của thánh Bêllarminô, gọi ba tín
khoản cuối là ba ơn thuộc về Giáo Hội.
[55] X. DCB, 26, ngài chỉ đề cập đến tội thề sai và thề không cần
thiết, cũng như về tội không giữ lời khấn.
[56] X. CCTr, 254-263. Nội dung phần này có nói về khía cạnh tích
cực và tiêu cực của giới răn thứ hai; nhưng phần lớn nói về lời thề.
Phần tiêu cực liệt kê tới mười hai dạng thức của lời thề gian.
[59] X. Georg Schwaiger,
“Baroque. I. Historical Survey”, trong Karl Rahner and col. , eds. , Sacramentum Mundi – An Encyclopedia of Theology,
Vol. 1 (New York: Herder and Herder; London: Burns & Oates, 1968) [bản
tiếng Anh được soạn thảo bởi Cornelius Ernst, O. P. , Fergus Kerr, O. P. và
Kevin Smyth], 148-150. Tuy bài viết của tác giả mang một cái nhìn tiêu
cực về văn hoá Baroque, nhưng những mô tả tổng lược về các đặc tính
của văn hoá và thần học Baroque cũng khá hữu ích.
[60] Thí dụ như các câu
chuyện trong các cuốn Việt Điện U
Linh Tập (thế kỷ 14), Lĩnh Nam
Chích Quái (có từ thời nhà Trần, được sửa chữa, trau chuốt và
thêm thắt suốt chiều dài lịch sử), Truyền
Kỳ Mạn Lục của Nguyễn Dữ rất phổ biến từ giữa thế kỷ XVI, đến
nỗi có cả một bản giải âm ra tiếng Việt dưới dạng chữ Nôm.
[62] Khi nói đến “ngôn ngữ
có tính biểu trưng”, chúng tôi có ý nói về mọi hình thức hay công
cụ văn chương diễn tả ý nghĩa bằng cách khơi gợi hơn là lý luận, mô
tả hay chứng minh. Từ nguyên Hán Việt có thể ủng hộ cho nghĩa này
của từ ghép “biểu trưng”: biểu (表): tỏ rõ, nêu rõ, bày tỏ (Trần Văn Chánh, Từ Điển Hán Việt [Tp. HCM: NXB Trẻ, 1999], 1806); trưng (徵): điềm, dấu hiệu (Sđd, 734). Vậy, “biểu trưng” có thể
mang nghĩa “bày tỏ hay diễn tả điều gì đó qua việc trở nên dấu hiệu
cho điều đó”. Ngoài ra, nghĩa trong tiếng Việt hiện đại của từ này
cũng gần với nghĩa mà chúng tôi quan niệm: “biểu trưng: biểu hiện
một cách tượng trưng và tiêu biểu nhất” (Viện Ngôn Ngữ Học, Từ Điển Tiếng Việt, Hoàng Phê chủ
biên [Hà Nội, Đà Nẵng: NXB Đà Nẵng, Trung Tâm Từ Điển Học, 2002], 66).
[63] X. Michael L. Cook, Christology as Narrative Quest
(Collegeville, Minnesota: the Liturgical Press, 1997), 29-66. Tác giả viết
dựa trên các suy tư mang tính khai sáng của các tác giả lừng danh
khác như Paul Ricoeur, Bernard Lonergan, Bernard J. Cooke, v. v. Vì giới
hạn của bài viết, chúng tôi chỉ xin dừng lại ở việc trình bày các
ý tưởng mang tính tổng hợp của tác giả.
[66] X. Sđd, 33. Karl Rahner còn đi xa hơn, cho rằng mọi hữu thể, tự
bản chất, là có tính biểu tượng, vì chúng cần diễn tả chính mình
để đạt được bản tính của mình; mỗi hữu thể, để được kiện toàn
thì đều cần thiết phải hình thành cái khác nó nhưng vẫn là một
với nó; và cái khác này (mà K. Rahner gọi là thực tại biểu tượng,
vốn vẫn là một với hữu thể đó) là diễn tả hay là biểu tượng của
hữu thể đó. Vì thế, mọi hữu thể, vì hiện hữu nên cần thiết phải
diễn tả chính mình; hay nói cách khác, mọi hữu thể đều mang tính biểu
tượng, vì đều là một thực tại biểu tượng (x. Karl Rahner, Theological Investigations, Vol. IV,
trans. Kevin Smyth (London: Darton, Longman & Todd; Baltimore: Helicon
Press, 1966), 224tt.
[75]Đặc tính biểu trưng
và giá trị của các dạng công thức đã được đề cập đến trong phần
liệt kê các dạng công thức ở trên.
[76]Xin xem chú thích 60 ở
trên. Một trong những dấu vết của sự phổ biến cho tới ngày nay của
các câu chuyện dạng này còn được thấy nơi bộ sách Tân Truyền Kỳ Việt Nam (NXB Thanh niên, 2006) gồm ba tập của
Toan Ánh.
[77] X. Summa Theologiae I, q. 27, a. 1-2. Ở đây, thánh Tôma dùng các
khái niệm nhiệm xuất (processio,
procedere) và nhiệm sinh
(generatio, generare) để giải thích mối tương quan giữa Ngôi Cha và Ngôi
Con. Chính thánh Tôma dùng thí dụ trí khôn trừu xuất ra một ý niệm
để minh hoạ cho việc nên hiểu Ngôi Cha nhiệm xuất (nhiệm sinh) ra Ngôi
Con thế nào.
[79]Để thấy rõ tính phức
tạp và trừu tượng của thí dụ đó, chúng ta thử quảng diễn cách
thần học Kinh Viện áp dụng nó vào mối tương quan giữa Ngôi Cha và
Ngôi Con như sau: Bản chất của Ngôi Cha (bản chất TC) là thuần ý, mà
Cha không thể nghĩ về gì thấp hơn chính Mình, nên chỉ có một đối
tượng xứng đáng với Ý Thức Thuần Tuý của Cha là chính Ngôi Cha. Nhưng
khi “nghĩ” về Mình, Ý Thức đó có một Hình Ảnh về chính Mình, phân
biệt với chính Mình, nhưng giống y chang như chính Mình. Hình Ảnh đó
là Ngôi Con. Ý Thức của Ngôi Cha – vốn đồng nhất với chính bản tính Ngài –
là thuần tuý, nên ý thức về Mình như chính Mình là, không hề có sai
sót, khác biệt. Tức Ý Thức đó và Hình Ảnh mà Ý Thức đó có về
chính Mình là y như nhau về bản thể, tuy khác biệt nhau, v. v. Lý giải
này thật trừu tượng và khó hiểu với người bình dân. Người VN chỉ
quen với khái niệm về ai đó suy nghĩ chứ không quen với khái niệm về
chính suy nghĩ. Bây giờ phải quan niệm Ngôi Cha như là Ý Thức Thuần
Tuý thì thật là khó. Quý độc giả có thể tham khảo một tài liệu giải thích
mầu nhiệm nhiệm sinh theo hướng này:
Charles Belmonte, “The Three Divine Persons: Processions and Relations”, in Faith Seeking Understanding, vol. I, ed.
Charles Belmonte (Manila: Studium Theologiae Foundation, Inc. , 2006), 178-187,
đặc biệt các trang 179-181.