NGHỆ THUẬT THỊ GIÁC CÓ VỊ TRÍ NÀO TRONG LÒNG GIÁO HỘI?
Gioan Lê Quang Vinh
WHĐ (12.01.2022) - Trong phạm vi bài viết này, chúng ta sẽ
tìm hiểu về chỗ đứng của nghệ thuật thị giác, đặc biệt là hội hoạ trong lòng
Giáo Hội Công giáo, một Giáo Hội tôn thờ Thiên Chúa - Nghệ sĩ tối cao và tuyệt
đối lỗi lạc. Phần đầu bài viết xin được trình bày nhận định của phong trào
Lausanne về vị trí của Nghệ thuật Thị giác qua các thời kỳ lịch sử.
Phong trào Lausanne là một
phong trào quốc tế thúc đẩy “Toàn thể Hội Thánh đưa toàn bộ Lời Chúa đến cho
toàn thế giới”. Bắt nguồn từ các hội nghị lịch sử tại Edinburgh (1910) và
Berlin (1966), Phong trào Lausanne được khai sinh từ Công hội Quốc tế lần thứ
nhất về công cuộc Phúc âm hoá thế giới, được nhà truyền giảng Tin Mừng Billy
Graham kêu gọi và được tổ chức tại Lausanne, Thụy Sĩ vào tháng 7 năm 1974. Thành
quả nổi bật của Công hội này là Hiệp ước được 2.430 tham dự viên từ
150 quốc gia ủng hộ. Hiệp ước này tuyên bố bản chất của đức tin Kitô giáo như
đã được tuyên bố suốt lịch sử trong các kinh Tin Kính, và thêm vào đó chiều
kích sứ mạng thừa sai rõ ràng về đức tin của chúng ta. Nhiều hoạt động đã được
xúc tiến từ Công hội Lausanne - Công hội thứ hai được tổ chức ở Manila năm
1989. Bản Hiệp ước (viết bằng nhiều ngôn ngữ), các sự kiện mang tính tôn giáo
và những hội nghị chuyên biệt đã được tiến hành nhân danh Lausanne.
Chủ đề của Diễn đàn về Phúc âm hoá Thế giới tổ chức năm 2004
tại Thái Lan là “Một Tầm Nhìn Mới, Một Trái Tim Mới và Một Ơn Gọi Đổi Mới”. Tài
liệu đặc biệt của Lausanne số 46 trong Diễn đàn này nói về việc Phục hồi Nghệ
thuật theo đúng ý định của Thiên Chúa.
I. NGHỆ THUẬT THỊ
GIÁC TRONG GIÁO HỘI QUA CÁC THỜI KỲ
Thời sơ khai, Giáo Hội tuân theo từng câu chữ trong giới răn
cấm thờ ngẫu tượng. Và do đó trong một số trường hợp, nghệ thuật tạo hình cũng
bị cấm. Nhưng theo nhận định của Uỷ ban Lausanne thì “Việc quảng diễn Kinh
Thánh như thế không thể lý giải được bởi vì chính Thiên Chúa đã truyền thực hiện
nghệ thuật biểu tượng cho Nhà Tạm. Đền thờ do vua Solomon xây dựng cũng có tràn
đầy vẻ đẹp của các hình thức và biểu tượng nghệ thuật đa dạng. Một nghiên cứu cẩn
thận về đời sống của người Do Thái cũng cho thấy rằng chính việc thờ phượng chứ
không phải việc làm nghệ thuật mang tính thờ ngẫu tượng mà phải bị cấm”.[1]
Uỷ ban Lausanne cũng nhấn mạnh rằng “Linh đạo theo thánh
Augustinô dạy rằng con đường dẫn đến Thiên Chúa đi qua đời sống nội tâm của
linh hồn và không qua bất kỳ sự hiểu biết nào về thế giới vật chất, bao gồm sự
biểu hiện qua nghệ thuật. Ý niệm của linh đạo này vẫn còn ảnh hưởng rất lớn đến
chúng ta ngày hôm nay”.[2]
Tuy nhiên, ngay từ thời sơ khai, nhiều tranh ảnh đã được tìm
thấy trong hang toại đạo diễn tả Kinh Thánh, lịch sử, phụng vụ với mục đích
giáo huấn. Vào thế kỷ thứ 5, người ta tôn thờ Thánh giá Chúa Kitô. Đức giám mục
Leon trả lời hoàng đế Juliano rằng “chúng tôi tôn sùng chính Chúa Kitô trong ảnh
tượng của Ngài hay của các tông đồ, các vị tử đạo”.
Vào thời Trung cổ, các tu viện được trang hoàng bằng những
tác phẩm nghệ thuật thị giác tinh vi và đắt tiền. Người ta vẫn đồng ý rằng hình
ảnh thị giác là một nguồn giá trị, thậm chí không thể thiếu trong việc giảng dạy,
đặc biệt khi dạy cho những người mù chữ. Ở khía cạnh này, việc sử dụng nghệ thuật
thị giác bên Tây phương hơi khác biệt so với cách sử dụng trong Giáo Hội
Byzantine (Chính thống giáo Đông phương), nơi mà các linh ảnh không được xem
như những dụng cụ giáo khoa, nhưng như những biểu hiện hay liên kết với các vị
thánh được linh ảnh trình bày.
Vào thời Phục hưng, nghệ thuật Công giáo phát triển mạnh mẽ.
Thời Phục hưng có lẽ là thời kỳ nghệ thuật Kitô giáo đã sản sinh ra nhiều tài
năng hội hoạ nhất ở khắp Âu châu, đặc biệt là ở Ý, với Masaccio, Fra Angelico,
Paolo Uccello, Piero della Francesca, Filippo Lippi, Ghirlandaio, Botticelli,
Pietro Purigino, Raphael, Leonardo da Vinci, Michelangelo, v.v.; ở Hà Lan, với
Jan van Eyck, Van der Weyden, Petrus Christus, Hans Memling, Hugo Van der Goes,
Gerard David, và cả một trường phái được gọi là “trường phái nguyên khai
Flamand”; ở Pháp, với Jean Fouquet, Engerrand Quarton, và ba anh em Limbourg; ở
Đức, với Stefan Lochner, Albrecht Durer; ở Bồ Đào Nha, với Nuno Gonẹalves
v.v...
Vào thời kỳ này, nghệ thuật thị giác đóng vai trò trung tâm
trong phụng vụ và đời sống thánh hiến của Giáo Hội. Các nhà thờ Chính toà, các
tu viện và các nhà thờ giáo xứ được trang hoàng bên trong cũng như bên ngoài bằng
những bức bích hoạ, điêu khắc và kính màu, trong khi tài nghệ tinh xảo và các vật
liệu giá trị được sử dụng một cách hào phóng trong các phẩm vật dùng trong phụng
vụ. Các bản Kinh Thánh viết tay, các bài viết của các giáo phụ và những bài viết
về phụng vụ và thần học khác được minh hoạ bằng những hình ảnh tinh xảo, đôi
khi uy nghiêm và gây kinh sợ, đôi khi mang tính tường thuật cao và thậm chí bất
thường.
Tin lành cải cách vào thế kỷ thứ 16 đã mở ra một kỷ nguyên mới.
Các nhà thần học như Calvin cho rằng bất cứ việc sử dụng hình ảnh nào trong thờ
phượng cũng dẫn đến việc thờ ngẫu tượng, mặc dù tài năng nghệ thuật trong những
tình huống khác vẫn được coi là ân huệ Chúa ban và được đón nhận và được đánh
giá cao. Vì thế Tin lành cải cách chú ý nhấn mạnh Lời Chúa như là trung tâm của
cộng đoàn phụng vụ, gần như xoá bỏ nghệ thuật thị giác.
Nhưng Công đồng Trentô xác định: “Xác của các thánh, các vị
tử đạo là những chi thể sống động của Chúa Kitô, là đền thờ Chúa Thánh Thần sẽ
được Ngài phục sinh và ban vinh quang, phải được các tín hữu tôn kính. Ảnh tượng
Đức Maria Mẹ Thiên Chúa và các thánh phải được trưng bày và bảo tồn trong các đền
thờ và được tôn kính cách xứng đáng. Không phải là ta tin có thần tính hay năng
lực nào trong ảnh tượng mà ta phải tôn kính, hay phải xin điều gì bởi ảnh tượng,
hay phải tin vào ảnh tượng như các dân ngoại ngày trước đã đặt hi vọng vào nơi
ngẫu tượng họ thờ, nhưng vì sự tôn kính ta tỏ cho ảnh tượng, lại quy về nguyên
mẫu mà ảnh tượng biểu thị, đến nỗi qua ảnh tượng chúng ta tôn kính, cất mũ và
quì lạy, chúng ta tôn thờ Chúa Kitô và tôn kính các thánh mà ảnh tượng biểu thị
các ngài”.[3]
Nhóm Chống cải cách thế kỷ 16 và 17 là một thế lực đáng kể của
Công giáo châu Âu. Hàng trăm tác phẩm rực rỡ của nghệ thuật tôn giáo đã được uỷ
thác thực hiện, đa số các tác phẩm ấy mang tính nghệ thuật và đầy tình cảm sốt
sắng với ý hướng khơi lên lòng đạo đức, sự sốt mến và lòng trung thành đối với
Giáo Hội Công giáo và đối với giáo lý.
Nghệ thuật giá trị nhất của đầu thế kỷ 18 là nghệ thuật tôn
giáo. Nhưng ở nửa sau thế kỷ ấy, thời mà Giáo Hội cơ cấu chịu nhiều phê bình
gay gắt, nghệ thuật có khuynh hướng tái hiện các chi tiết trong đời sống thường
nhật mà ít chú ý đến tôn giáo. Nghệ thuật hướng về thực tại trần thế, không phải
các thực tại quê Trời. Vào thế kỷ 19, nghệ thuật trở thành một loại hình thay
thế cho tôn giáo, và người ta tin rằng qua cảm thức thẩm mỹ, người ta có thể đạt
tới kiến thức về Thiên Chúa. Nhưng cùng với sự tăng giá trị của người nghệ sĩ
như nhân vật đặc biệt có thể sống bên ngoài những quy phạm tôn giáo và luân lý
của xã hội, cũng xuất hiện các giọng nói tiên tri cảnh báo sự phá sản về luân
lý của nghệ sĩ, và sự mất mát những giá trị thiêng liêng trong một xã hội ngày
càng thế tục hoá.
Mike Aquillina đã viết như sau trong tác phẩm “Giáo Hội là của các bạn: Giáo Hội Công giáo
có ảnh hưởng lớn đối với thế giới của chúng ta như thế nào”: “Giáo Hội cũng
đã có một ảnh hưởng lớn trong cả âm nhạc và nghệ thuật. Chỉ cần bước vào bất kỳ
nhà thờ chính tòa lớn nào là đủ để nhận ra tầm quan trọng của nghệ thuật trong
Giáo Hội. Một trong những công trình vĩ đại nhất của thời Phục hưng là nhà nguyện
Sistine, do Michelangelo vẽ và mô tả, đó là nơi mà các hồng y sẽ tiến hành bỏ
phiếu để bầu vị giáo hoàng mới”.[4]
II. NGHỆ THUẬT THỊ
GIÁC THẾ KỶ 20
Thế kỷ 20 chứng kiến sự xuất hiện của nhiều trường phái mỹ
thuật nổi bật và phát triển mạnh mẽ, trong đó phải kể đến các trường phái Biểu
hiện, Lập thể, Siêu thực, Trừu tượng, Nhận thức ... Nhưng dường như các hoạ sĩ
sáng tác với chủ đề tôn giáo không còn nhiều. Trong số ít những hoạ sĩ này,
chúng ta thấy nổi bật lên Georges Rouault, người đã kết hợp được tài tình một
truyền thống tranh thờ Kitô giáo lâu đời với thẩm mỹ hiện đại. Rouault thực hiện
tác phẩm cuối đời của ông, tựa là Miserere (1948), với một đức tin có thể so
sánh với đức tin của những hoạ sĩ-thày tu thời Phục hưng Ý.
Vì cách diễn tả của nghệ sĩ đi xa hơn các cảm thức về tôn
giáo, cho nên các Kitô hữu đầu thế kỷ 20 ngày càng tách mình ra khỏi thế giới
nghệ thuật. Vắng bóng dẫn đến mất ảnh hưởng. Tuy nhiên, trong khi thách thức trật
tự hiện hữu của xã hội đi xa hơn, cuộc cách mạng xã hội và thiêng liêng của thập
niên 1960 chứa đựng trong chính nó những hạt giống ươm mầm cho sự khai phóng
trong sáng tạo. Trong suốt thời kỳ này, một số những người trẻ có óc sáng tạo
đã theo Đạo, trở thành Kitô hữu, và họ tìm cách diễn đạt niềm tin mới khám phá
được qua tài năng nghệ thuật của họ. Mặc dù phong trào lúc ban đầu chủ yếu hướng
về âm nhạc đương đại, nhưng nó cũng bắt đầu loé lên mối quan tâm đến kịch nghệ,
vũ điệu và nghệ thuật thị giác. Đồng thời, những người như Hans Rookmaaker và
Francis Schaeffer, là những người tin vào Vương quyền Đức Kitô trên mọi lãnh vực
của cuộc sống, bắt đầu đào luyện trong số những người tín hữu thế hệ mới này để
họ hiểu được chỗ đứng của nghệ thuật trong thế giới quan của Kinh Thánh.
Tuy nhiên, số đông trong những cộng đoàn tín hữu vẫn thờ ơ với
nghệ thuật. Họ không hiểu và cũng không được dạy về vị trí của nghệ thuật trong
đời sống đức tin. Thật sự, nhiều người vẫn giữ một tinh thần sẵn sàng ngờ vực
nghệ thuật và chất liệu của nghệ thuật nằm trong thiên nhiên.
Có nhiều dấu hiệu về sự thay đổi trong Giáo Hội ở hai thập kỷ
qua, chẳng hạn một số đáng kể các Giáo Hội địa phương tỏ ra cởi mở với nghệ thuật
và nghệ sĩ. Nghệ thuật đóng vai trò quan trọng hơn trong việc thờ phượng, và một
vài Giáo Hội địa phương đã dành phần cho việc triển lãm tranh và những không
gian trưng bày nghệ thuật thị giác, kịch nghệ và âm nhạc. Thêm vào đó, nhiều tổ
chức cống hiến cho nghệ thuật đã được chính các Kitô hữu thành lập và có ảnh hưởng
đáng kể trong việc đẩy mạnh nghệ thuật và lập các Hội Nghệ sĩ.[5]
III. GIÁO HỘI THỜI HIỆN
ĐẠI VỚI NGHỆ THUẬT
Vào những thế kỷ gần đây, Giáo Hội ngày càng tỏ ra quan tâm
đến nghệ thuật. Trong một bài diễn văn năm 1952. Đức Piô XII đã nói tầm quan trọng
của nghệ thuật đích thực như sau: “Chức năng của mỗi nghệ thuật là vượt qua cái
khung nhỏ hẹp đầy khắc khoải của cải bất tất, trong đó con người đang chìm ngập
và mở ra một cánh cửa để cho tinh thần hướng về vô biên”.[6]
Công đồng Vatican II đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của nghệ
thuật trong đời sống con người: “Khi chuyên tâm học hỏi các bộ môn triết học,
toán học, sử học, vạn vật học và trau dồi nghệ thuật, con người có thể góp phần
lớn lao trong công cuộc thăng tiến gia đình nhân loại để đạt tới những giá trị
cao cả của chân, thiện, mỹ, và một phán đoán giá trị phổ quát. Nhờ đó, con người
được soi chiếu rạng rỡ hơn, do Đấng Khôn Ngoan kỳ diệu đã có bên Chúa từ thuở đời
đời, cùng Chúa an bài mọi sự, nô đùa trên trái đất và vui sướng ở với con cái
loài người.
“Cũng nhờ đó, tâm trí nhân loại bớt nô lệ sự vật và có thể dễ
dàng bay bổng để thờ phượng và chiêm ngắm Đấng Tạo Hóa. Hơn nữa, con người còn
được ân sủng thúc đẩy để nhận ra Ngôi Lời Thiên Chúa, Đấng trước khi nên thể
xác để cứu chuộc và kết thâu muôn sự nơi Ngài, đã ở trong thế gian như “ánh
sáng thật... vốn hằng soi sáng dương gian”.[7]
Trong Hiến chế về Phụng vụ thánh, Công đồng xác định: “Trong
những hoạt động cao quí nhất của tài năng con người, rất đáng kể đến mỹ thuật,
nhất là nghệ thuật tôn giáo mà tột đỉnh của nghệ thuật này chính là nghệ thuật
thánh. Tự bản tính, nghệ thuật thánh nhằm diễn tả một cách nào đó vẻ đẹp vô
biên của Thiên Chúa qua những tác phẩm nhân loại; nghệ thuật này càng làm cho
Thiên Chúa được ca tụng và tôn vinh hơn, một khi những tác phẩm đó không nhằm
chủ đích nào khác ngoài sự góp phần tích cực vào việc đạo đức là hướng tâm trí
người ta về cùng Chúa”.[8]
Vào dịp lễ Phục sinh năm 1999, Đức chân phước giáo hoàng
Gioan Phaolô II đã gửi cho các nghệ sĩ một bức Tông thư, trong đó ngài viết: “Mọi
hình thức nghệ thuật chân chính, theo cách riêng của nó, đều là đường dẫn ta đến
với thực tại sâu thẳm của con người và thế giới. Bởi vậy đó chính là một phương
cách rất hiệu quả giúp ta đến với thế giới đức tin, cho kinh nghiệm sống của
con người có được ý nghĩa cuối cùng của nó”.[9]
Đấng kế vị ngài là Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI cũng đã khẳng
định “Thế giới cần vẻ đẹp chân chính và các nghệ sĩ có nhiệm vụ đem vẻ mỹ lệ
cho con người qua con đường nghệ thuật” trong buổi triều yết tại nguyện đường
Sistine ở Roma dành cho hơn 250 nghệ sĩ thuộc nhiều quốc gia, văn hóa và tôn
giáo khác nhau vào năm 2009. Nhóm người này hoạt động nghệ thuật trong các lãnh
vực như ca hát, sáng tác nhạc, viết văn, họa, kiến trúc, điêu khắc, diễn xuất
và sản xuất phim ảnh.
Cuộc gặp gỡ này được tổ chức để kỷ niệm 10 năm Lá thư gửi
các nghệ sĩ của Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II, và 45 năm cuộc họp tương tự của
Đức giáo hoàng Phaolô VI với những người làm nghệ thuật tại nguyện đường
Sistine. Trong buổi triều yết, Đức giáo hoàng một lần nữa xác định lại rằng
ngay từ thời sơ khai “đã công nhận giá trị của nghệ thuật và đã khôn ngoan sử dụng
ngôn ngữ khác nhau của nghệ thuật để biểu đạt thông điệp cứu độ không hề đổi
thay của mình”
Ngài cũng nhấn mạnh đến cứu cánh của nghệ thuật: “Vẻ đẹp, dù
là của vũ trụ tự nhiên hay được biểu hiện trong nghệ thuật, chính vì mở ra và
làm rộng lớn chân trời hiểu biết của con người, đưa con người ra bên ngoài
chính nó, mang con người đối diện với vực thẳm của Vô cùng, có thể trở thành
con đường dẫn tới siêu nghiệm, tới Huyền nhiệm chủ yếu, tới Thiên Chúa.”
Và ngài khuyến khích các nghệ sĩ: “Vậy thì hãy biết ơn vì những
quà tặng các bạn đã nhận được và ý thức đầy đủ về nhiệm vụ lớn lao của các bạn
là truyền đạt vẻ đẹp, truyền đạt trong và qua vẻ đẹp! Qua nghệ thuật của các bạn,
chính các bạn trở thành những sứ giả và chứng nhân niềm hy vọng cho nhân loại!”[10]
Sứ điệp của Thượng Hội đồng Giám mục XIII gửi cho thế giới
có đoạn viết: “Chúng tôi cũng đặc biệt cám ơn những người dấn thân trong lãnh vực
tế nhị này của tri thức. Chúng tôi muốn cám ơn những người nam nữ dấn thân
trong một biểu thức khác của thiên tài con người, đó là nghệ thuật dưới những
hình thức khác nhau, từ những hình thức cổ nhất cho đến những hình thức mới nhất.
Chúng tôi nhìn nhận trong các tác phẩm nghệ thuật của họ có một con đường đầy ý
nghĩa biểu lộ linh đạo trong lúc họ cố gắng thể hiện sự thu hút của con người đối
với thẩm mỹ. Chúng tôi biết ơn, khi các Nghệ sĩ, qua các tác phẩm mỹ thuật của
họ, diễn tả vẻ đẹp của tôn nhan Chúa và của các thụ tạo của Chúa. Con đường mỹ
thuật là một con đường đặc biệt hữu hiệu trong công trình tái truyền giảng Tin
Mừng”.[11]
Qua những văn kiện trên, chúng ta nhận thấy rõ ràng Giáo Hội
không những nhìn nhận giá trị nghệ thuật, nhưng còn xem nghệ thuật là con đường
dẫn đến siêu việt. Đức cha Matthêu Nguyễn Văn Khôi, chủ tịch Ủy ban Giám mục về
Nghệ thuật thánh trực thuộc HĐGMVN đã làm cô đọng quan điểm của Giáo Hội về nghệ
thuật khi ngài viết:
“Có thể nói nghệ thuật thánh một cách nào đó cũng thi hành
ba tác vụ: ngôn sứ, tư tế, và vương đế. Nghệ thuật thánh thi hành tác vụ ngôn sứ
khi nó truyền đạt cho con người những sứ điệp thánh thiêng và mời gọi họ suy
nghĩ, cảm nghiệm và đón nhận. Đó là những sứ điệp bằng hình ảnh có sức gợi lên
tâm tình và lôi cuốn sự chú ý. Nghệ thuật thánh thi hành tác vụ tư tế, bởi vì
nó đóng vai trò cầu nối dẫn đưa con người đi vào huyền nhiệm của Thiên Chúa được
trình bày qua những hình ảnh và biểu tượng, đưa cái thánh thiêng vào thế giới
phàm tục, đưa thế giới thần linh đến cho con người, đồng thời biến đổi cái phàm
tục thành thánh thiêng và dẫn đưa con người vào thế giới thần linh. Cuối cùng,
nghệ thuật thánh thi hành tác vụ vương đế khi nó gợi lên những khuôn mẫu lý tưởng
nhằm xây dựng con người và góp phần xây dựng vương quốc của Thiên Chúa nơi trần
gian. Tóm lại, qua các hình thức diễn tả, nghệ thuật thánh bày tỏ các chân lý mạc
khải, và trở thành biểu tượng của đức tin công giáo, góp phần xây dựng con người
mới trong Đức Kitô” (Một Cái Nhìn về Nghệ Thuật Thánh).
IV. THAY LỜI KẾT LUẬN
Giáo Hội Chúa Kitô được thiết lập để biểu lộ vinh quang
Thiên Chúa qua công trình Cứu độ. Và Giáo Hội ấy không chỉ quan tâm đến việc cứu
độ linh hồn con người mà thôi. Nhưng như chính Học thuyết Xã hội Công giáo nhấn
mạnh, Giáo Hội còn muốn tiếp tục sứ mạng của Đấng Cứu thế, cứu độ chính con người
ngay ở đời này. Và vì thế Giáo Hội chú tâm nâng cao và thánh hoá tất cả những
thực tại liên quan đến con người. Nghệ thuật được hiểu là công trình của Thiên
Chúa được biểu lộ qua bàn tay khéo léo của con người.
Như vậy rõ ràng làm nghệ thuật, nhất là nghệ thuật thánh, là
thi hành sứ mạng của Giáo Hội. Do đó, chúng tôi xin dùng chính Học thuyết Xã hội
Công giáo để kết luận bài viết này: “Các
Kitô hữu phải hoạt động sao cho toàn bộ giá trị về chiều hướng tôn giáo của văn
hoá được nhìn nhận. Đây là một nhiệm vụ hết sức quan trọng và cấp bách đối với
phẩm chất của cuộc sống con người, cả về mức độ cá nhân lẫn xã hội. Vấn đề
phát sinh từ mầu nhiệm sự sống và quy chiếu về mầu nhiệm cao cả hơn là mầu nhiệm
Thiên Chúa nằm ở vị trí trung tâm của mọi nền văn hoá. Khi vấn đề này bị loại bỏ
thì nền văn hoá và đời sống luân lý của các dân tộc cũng bị suy đồi. Chiều hướng
tôn giáo đích thực là thành phần thiết yếu của con người và cho phép con người
triển khai các hoạt động đa dạng của mình hướng về một chân trời rộng lớn để
tìm thấy ở đó ý nghĩa và hướng đi cho các hoạt động này. Tính tôn giáo hoặc tâm
linh của con người được thể hiện thành những hình thức được một nền văn hoá tiếp
nhận và chính nó lại đem đến sức sống và nguồn cảm hứng cho nền văn hoá đó. Vô
số các công trình nghệ thuật của từng thời đại làm chứng cho điều này. Khi chiều
hướng tôn giáo của con người hay của một dân tộc bị phủ nhận, chính văn hoá bắt
đầu suy tàn, đôi khi biến mất hoàn toàn”.[12]
Trích Bản tin Hiệp
Thông / HĐGMVN, Số 77
(Tháng 7 & 8 năm 2013)
[4] Mike Aquillina, Giáo
Hội là của các bạn: Giáo Hội Công giáo có ảnh hưởng lớn đối với thế giới của
chúng ta như thế nào, theo www.daminhtamhiep.net.
[6] Những vấn đề lớn
của Kitô hữu trong thế giới hôm nay, Radio Veritas, 1998, www.conglyhoabinh.org
[12] Tóm Lược Học
Thuyết Xã Hội Của Giáo Hội Công giáo, số 556.