NÉT ĐẶC TRƯNG CỦA
LINH ĐẠO GIÁO DÂN
Giuse Phạm Thanh
Liêm, S.J.
I. GIÁO DÂN LÀ
AI?
Giáo dân là một trong ba thành phần của Giáo Hội.
Giáo Hội, Dân Thiên Chúa, gồm giáo dân, tu sĩ, và giáo sĩ[1].
Giáo sĩ là những người lãnh bí tích truyền chức,
dù bí tích phó tế, linh mục, hay giám mục.
Tu sĩ là những người có ba lời khấn khó nghèo,
trinh khiết, vâng phục, và có đời sống cộng đoàn, trong một hội dòng được Giáo
Hội chuẩn nhận[2].
Công Đồng Chung Vaticanô II viết: “Hạn từ giáo
dân ở đây được hiểu là tất cả những Kitô hữu, không kể những người có chức
thánh và những người thuộc bậc tu trì được Giáo Hội công nhận, nghĩa là những
tín hữu nhờ bí tích Thánh Tẩy, được nhận hiệp vào thân thể Đức Kitô, làm thành
Dân Thiên Chúa, và được tham dự vào những chức năng tư tế, ngôn sứ và vương đế
của Đức Kitô theo cách thức của mình, đồng thời góp phần thực hiện sứ mạng của
toàn dân Kitô hữu trong Giáo Hội và giữa thế giới” (LG, 31).
II. LINH ĐẠO LÀ
GÌ?
Linh đạo là con đường thiêng liêng, con đường một
người đi để đến với Thiên Chúa, con đường hay cách thế Thánh Thần hướng dẫn để
đưa con người đến với Thiên Chúa. Con đường một người đi, có thể Thiên Chúa
dùng để giúp những người khác đến với Thiên Chúa. Chúng ta thấy có linh đạo
(thánh) Biển Đức, linh đạo Phanxicô, linh đạo Đaminh, linh đạo Inhã, v.v. Có
nhiều tu sĩ và cả giáo dân nữa đi theo con đường thánh Biển Đức đã đi; cũng
tương tự vậy có nhiều người đi con đường thánh Đaminh, thánh Phanxicô, thánh
Inhaxiô đã đi.
Mọi linh đạo, đều họa lại con đường Đức Giêsu đã
đi. Đức Giêsu nói: “Thầy là đường, là sự thật, và là sự sống. Không ai đến được
với Cha mà không qua Thầy” (Ga 14:6). Mọi linh đạo đều phải theo “con đường
Giêsu.”
Linh đạo giáo dân là linh đạo, là con đường một
giáo dân phải đi, để đến với Thiên Chúa. Tu sĩ Đaminh theo con đường thánh
Đaminh đi, qua tu luật và cách sống, để đến với Thiên Chúa, để nên thánh. Tương
tự vậy, tu sĩ Phanxicô theo linh đạo Phanxicô để nên thánh, v.v. Thế giáo dân
đi theo con đường nào? Đâu là nét đặc trưng của linh đạo giáo dân? Đâu là những
nét đặc trưng mà giáo dân sống trong cuộc sống thường ngày để nên thánh, để đến
với Thiên Chúa?
Công đồng chung Vaticanô II nói với chúng ta: “Nền
linh đạo giáo dân phải mang những
nét riêng biệt tùy theo từng bậc sống như hôn nhân và gia đình, độc thân hay
góa bụa, tùy theo tình trạng sức khỏe, tùy theo từng lãnh vực hoạt động nghề
nghiệp và xã hội. Như vậy, mỗi người phải không ngừng phát triển những đức tính
và tài năng thích hợp với từng hoàn cảnh sống, và biết tận dụng những ân huệ
Chúa Thánh Thần ban riêng cho mỗi người” (AA, 4).
Linh đạo giáo dân rất đa dạng và phong phú, bởi
vì “ơn gọi” giáo dân gồm nhiều thành phần (gia đình, độc thân, độc thân dâng hiến)
với nhiều nghề nghiệp, thuộc nhiều tầng lớp xã hội (bình dân, trí thức), với những
thành phần khác nhau (giàu, nghèo, trung lưu). Mỗi người, mỗi thành phần, tầng
lớp xã hội, nghề nghiệp, v.v… đều có đường lối thiêng liêng và tông đồ khác
nhau để đến với Thiên Chúa[3].
III. NÉT ĐẶC TRƯNG CỦA LINH ĐẠO GIÁO DÂN
Giáo sĩ, tu sĩ, hay giáo dân, đều là Kitô hữu: những
người tin Đức Giêsu là Thiên Chúa và lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy. Mọi Kitô hữu
đều được mời gọi nên thánh và cộng tác với Đức Giêsu cứu độ con người.
1. Hãy Là Thánh
Vì Ta Là Thánh (ơn gọi của mọi Kitô hữu)
(Lv 19:2; LG, 39-42; CL, 16-17)
Mọi thành phần dân Do Thái đều được mời gọi nên
thánh. Và như vậy, mọi Kitô hữu đều được mời gọi nên thánh.
Lêvi 19: 1 Yavê
phán với Môsê rằng: 2 Hãy bảo toàn thể cộng đồng con cái Israel
và nói với chúng: "Hãy là thánh, vì Ta là Thánh, Ta, Yavê Thiên Chúa của
các ngươi.” (bản dịch của cha Nguyễn Thế Thuấn)
“Ý muốn của Thiên Chúa là muốn là anh em nên
thánh” (1Tx 4:3; Eph 1:4).
Chúa Giêsu mời gọi chúng ta trở nên trọn lành như
Cha trên trời là Đấng trọn lành (Mt 5:48). Chúng ta không có đích nào khác hơn
là trở nên giống như Thiên Chúa, Cha của chúng ta.
Thánh Phaolô cũng nói: “anh em hãy bắt chước tôi
như tôi bắt chước Đức Kitô” (1Cor 11:1). Nên thánh, là trở nên giống Đức Giêsu.
Chúng ta có người mẫu tuyệt vời, đó là Đức Giêsu.
Sống yêu thương như Chúa dạy, đó là nên thánh:
“anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15:12;
13:34-35).
Giáo dân nên thánh giữa đời, nên thánh nơi trần
gian, đó là nét đặc trưng của linh đạo giáo dân (CL, 17).
2. Hãy Đi Làm Vườn
Nho Cho Ta (sứ mạng của Kitô hữu)
Làm tông đồ, là bản chất của Kitô hữu. Không là
Kitô hữu đích thực nếu không làm tông đồ.
“Phần các anh, các anh cũng đi làm vườn nho cho
Ta” (Mt 20:4.7). “Ơn gọi làm Kitô hữu tự bản chất cũng là ơn gọi làm tông đồ”
(AA, 2).
Huấn quyền Giáo Hội qua Công Đồng Vaticanô II và
các tông huấn nhấn mạnh đến việc tông đồ rao giảng Phúc Âm, bảo vệ và thăng tiến
phẩm giá con người, hoàn thiện cơ cấu xã hội nhằm phục vụ con người hữu hiệu
hơn.
2.1. Rao giảng Phúc Âm
Làm tông đồ, là giúp con người nhận biết Thiên
Chúa yêu thương họ vô cùng. Kitô hữu giáo dân làm chứng không chỉ bằng lời nói
nhưng chính yếu bằng chính đời sống yêu thương của mình đối với họ.
Nếu người ta tin biết Đức Giêsu là Thiên Chúa,
thì người ta sẽ biết Thiên Chúa yêu thương họ vô cùng. Đích nhắm của việc tông
đồ là loan báo Tin Mừng[4].
Kitô hữu phải truyền giáo, vì Chúa Giêsu đã sai gởi
chúng ta. “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con” (Ga 20:19). “Hãy đi làm
cho muôn dân thành môn đệ, rửa tội cho họ nhân danh Cha Con và Thánh Thần, dạy
họ tuân giữ những điều Thầy đã dạy các con” (Mt 28:19).
2.2. Bảo vệ và thăng tiến phẩm giá con người
Con người được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa
(St 1:26-28). Con người có giá trị tuyệt đối vì Thiên Chúa yêu thương con người
vô cùng, Đức Giêsu đã chết để cứu độ con người.
Giới răn nào trọng nhất? Yêu Chúa trên hết và yêu
tha nhân như chính mình (Mc 12:28-34). Nếu ta nói ta yêu Thiên Chúa mà lại ghét
anh em mình, thì đó là nói dối (1Ga 4:20-21).
Bảo vệ và thăng tiến phẩm giá con người, là bổn
phận của mọi Kitô hữu, đặc biệt Kitô hữu giáo dân[5]. Bởi vì nếu
không bảo vệ mạng sống, phẩm giá con người, thì không yêu thương con người đích
thực. Giới răn yêu thương là giới răn nền tảng của Kitô giáo: “anh em hãy yêu
thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13:34-35; 15:12).
2.3. Kiện toàn cơ chế xã hội phục vụ con người
Đôi khi có cơ cấu xã hội bất công. Vì thế, Kitô hữu
cần tham dự và các hoạt động xã hội để hoàn thiện hóa cơ cấu xã hội nhằm bảo vệ
giá trị và thăng tiến phẩm giá con người[6].
Giáo sĩ không được làm chính trị (GL, 285§3;
287§2), nhưng không như vậy với Kitô hữu giáo dân. Tham gia chính trị là ơn gọi
của Kitô hữu giáo dân[7].
3. Ở trong thế
gian
“Con không còn ở trong thế gian nữa, nhưng họ, họ
ở trong thế gian” (Ga 17:11.18). Sống trong thế gian, là sống trong gia đình,
trong xã hội, với những công việc mình phải chu toàn, v.v. Kitô hữu giáo dân
nên thánh và làm chứng cho Thiên Chúa nơi trần gian, môi trường sống của mình.
Tính trần thế là nét riêng biệt và đặc thù của
Kitô hữu giáo dân[8].
Một tu sĩ dòng kín nên thánh trong tu viện của
mình. Một giáo dân nên thánh ở giữa đời, nơi gia đình, giữa xã hội, nghề nghiệp
mà mình phải chu toàn. Trần thế là môi trường sống và nên thánh của Kitô hữu
giáo dân[9].
Kitô hữu giáo dân được mời gọi làm tất cả trong tình yêu (AA, 8).
Kitô hữu giáo dân không chỉ giúp người ta tin vào
Đức Kitô bằng chứng tá đời sống nhưng còn bằng cả lời nói nữa[10].
3.1. Gia đình (CL, 40)
Gia đình là nguồn gốc và nền tảng của xã hội loài
người (AA, 11). Bí tích hôn phối bất khả tiêu hủy: “sự gì Thiên Chúa kết hợp
thì loài người không được phân ly” (Mt 19:6).
Gia đình phải là nơi mỗi người diễn tả tình yêu của
Thiên Chúa cho các thành viên. Vợ chồng đại diện Thiên Chúa yêu thương người bạn
đời của mình. Cha mẹ cộng tác với Thiên Chúa cho con cái ra đời, và đại diện
Thiên Chúa yêu thương dạy dỗ con cái.
Mỗi thành viên nên thánh qua việc chu toàn bổn phận
và yêu thương những người trong gia đình.
3.2. Giáo xứ (CL, 26-27)
“Mặc dù có chiều kích phổ quát, sự hiệp thông
Giáo Hội được diễn tả cách trực tiếp và hữu hình nhất nơi giáo xứ” (CL, 26).
“Giáo dân ngày càng phải xác tín mạnh mẽ hơn về ý
nghĩa của việc dấn thân hoạt động tông đồ trong giáo xứ của mình” (CL, 27).
Kitô hữu giáo dân tham gia sinh hoạt nơi cộng
đoàn Giáo Hội: một cách cụ thể nơi giáo xứ với các đoàn thể, nơi giáo phận, và
cả liên giáo phận, cùng Giáo Hội hoàn vũ (AA, 10).
3.3. Nghề nghiệp
Làm việc là bổn phận của con người (2Tx 3:10-12).
Mỗi người phải làm để kiếm sống, và rồi có thể giúp đỡ người khác khi có thể.
Khi làm việc phục vụ, mỗi người phát triển tài
năng Thiên Chúa ban cho mình. Chúng ta sẽ triển nở và hạnh phúc khi lao động và
phục vụ.
Qua cung cách làm việc, chúng ta cũng có thể loan
báo Tin Mừng, làm chứng cho Chúa cho đồng nghiệp, cho những người chúng ta phục
vụ.
3.4. Xã hội
Sứ mạng của Kitô hữu giáo dân cũng là giúp cải tổ
hay kiện toàn cơ chế xã hội để phục vụ con người, giúp con người có thể sống
triển nở như Thiên Chúa muốn (Ga 10:10).
“Chắc chắn ý định của Thiên Chúa về thế giới là
muốn con người đồng tâm kiến tạo và không ngừng hoàn thiện hóa các thực tại trần
thế …. Giáo dân phải đảm nhận việc canh tân trật tự trần thế như là phận vụ của
riêng mình” (AA, 7).
Theo Công Đồng Vaticanô II, làm tông đồ là quyền
lợi và nghĩa vụ của mọi tín hữu không phân biệt giáo sĩ hay giáo dân; như thế
các giáo sĩ và các tu sĩ phải quý trọng hoạt động tông đồ giáo dân[11].
Thánh Công Đồng Vaticanô II còn lưu ý: “Hoạt động
tông đồ phải hướng tới toàn thể những người đang cư ngụ trong địa bàn và không
từ chối bất cứ việc gì có thể mang lại lợi ích thiêng liêng hay vật chất cho mọi
người” (AA, 13).
Việc tông đồ giáo dân rất thiết yếu và quan trọng,
nên Kitô hữu giáo dân cần được huấn luyện về nhiều phương diện[12], và
phải được huấn luyện ngay từ khi còn nhỏ[13].
[1] CĐ VATICANÔ II, Hiến chế Giáo Hội
Lumen Gentium, 30 (viết tắt LG, 30).
GIOAN-PHAOLÔ
II, Tông huấn Tín Hữu Kitô Giáo Dân Christifideles laici, 30/12/1988, 2.28 (viết
tắt CL, 9.28).
[2] Công đồng chung Vaticanô II không xếp
thành viên tu hội đời như tu sĩ nhưng như giáo dân: “Ngoài ra, những giáo dân,
theo ơn gọi của mình, tham gia vào các hội đoàn hay tu hội được Giáo Hội nhìn
nhận, phải nỗ lực trung thành sống theo đường hướng riêng biệt trong linh đạo của
từng tu hội” (CĐ VATICANÔ II, Sắc lệnh về Hoạt Động Tông Đồ Giáo Dân
Apostolicam Actuositatem, 4 (viết tắt AA, 4).
[3] “Sự khác biệt phong
phú của Giáo hội được biểu dương một lần nữa ở bên trong mỗi bậc sống. Nói cách
khác, mỗi bậc sống của người giáo dân đã có nhiều "ơn gọi" khác nhau,
đó là những đường lối thiêng liêng và tông đồ khác nhau liên quan đến mỗi người
tín hữu giáo dân. Trong những "ơn gọi chung" của người giáo dân cũng
có nhiều "ơn gọi riêng". Điều này, chúng ta có thể nêu lên kinh nghiệm
sống thiêng liêng, viên mãn trong Giáo Hội ở thời gian gần đây và đã đua nở dưới
nhiều hình thức các tu hội giáo dân khác nhau. Nó cho thấy rằng người tín hữu
giáo dân và ngay cả linh mục cũng có thể sống lời khuyên Phúc âm là nghèo khó,
khiết tịnh, và vâng lời bằng việc tuyên khấn hoặc tuyên hứa, nhưng vẫn có thể
chu toàn đời sống giáo dân hay giáo sĩ đặc biệt của mình. Cũng như các Nghị Phụ
Thượng Hội Đồng đã ghi nhận như sau: "Chúa Thánh Thần còn soi sáng những
hình thức tận hiến khác nhau được các tín hữu giáo dân thực hiện trong khi vẫn
hoàn toàn sống đời giáo dân của họ"(CL, 56).
“Trong
chiều hướng đó, Công Đồng Vatican II đã viết: "Đời sống thiêng liêng này của
giáo dân phải mặc những nét riêng biệt thể theo điều kiện sống của mỗi người (đời
sống vợ chồng và gia đình, đời sống độc thân và goá bụa), hoàn cảnh đau ốm,
sinh hoạt nghề nghiệp và xã hội. Mỗi người phải không ngừng phát huy phẩm cách
và ơn đã nhận được, đặc biệt những ơn riêng thích ứng với điều kiện sống và sử dụng
những ơn Chúa Thánh Linh đã ban cho minh” (CL, 56).
[4] CL, 33 “Các tín hữu giáo dân, vì thuộc
thành phần của Giáo Hội nên được mời gọi và nhận lãnh sứ mệnh rao truyền Phúc
âm: Họ đã được chuẩn bị để dấn thân chu toàn hoạt động này bằng các Bí Tích của
đời sống Kitô hữu và ơn Chúa Thánh Thần… Tất cả sứ mệnh của Giáo Hội quy
tụ và biểu dương trong việc rao truyền Phúc âm. Con đường lịch sử của Giáo Hội được ơn
Chúa che chở và đi theo mệnh lệnh của Đức Giêsu Kitô: "Chúng con hãy đi khắp
thế giới, rao giảng Tin Mừng cho mọi người". (Mk.16. 15) "Và Thầy sẽ ở
với chúng con mọi ngày cho đến tận thê" (Mt. 28.20). Đức Phaolô VI lại viết:
"Rao truyền Phúc âm, đó là ân sủng và là lời mời gọi riêng của Giáo Hội,
là bản tính sâu xa của Giáo Hội." … Mệnh lệnh của Chúa "Chúng
con hãy đi và rao giảng Phúc âm", chắc chắn vẫn luôn giữ giá trị linh động
và cần phải được thi hành. Tình thế hiện tại của thế giới cũng như của nhiều địa
hạt trong Giáo Hội, càng đòi hỏi lời Đức Kitô phải được tuân theo một cách sẵn sàng, mau chóng, và đại độ Mỗi người được
gọi riêng và không ai được quyền từ chối trả lời: "Khốn cho tôi nếu tôi
không rao giảng Phúc âm" (1 Cor. 9:16).
[5] CL, 37 “Khám phá và
giúp khám phá phẩm giá bất khả xâm phạm của mọi con người, đó là bổn phận chính
yếu, là trung tâm căn bản có mãnh lực hiệp nhất mà Giáo Hội và con cái của Giáo
Hội được kêu gọi để chu toàn đối với gia đình nhân loại. Trong các thụ tạo trên
mặt đất, chỉ có con người là "một nhân vị, một chủ thể hiểu biết và tự
do", và vì thế nó là "trung tâm điểm và là cao điểm" của tất cả
tạo vật khác sống trên mặt đất.
Phẩm giá nhân vị là tài sản quý hóa nhất của con người, nhờ đó
mà nó trổi vượt trên cả thế giới vật chất này. Lời của Chúa Giêsu phán:
"Được lợi lãi cả thế gian mà phải mất linh hồn nào có ích chi?" (Mk.
8:36), hàm chứa một lời quả quyết rõ ràng và đầy khích lệ. Giá trị con người
không chủ tại nơi tài sản nó có, cho dù nó chiếm hữu trọn cả thế giới này,
nhưng chủ tại nơi "bản chất" của nó. Của cải thế gian không đáng giá
bằng của cải nhân vị vì nhân vị chính là của đáng quý.
Nếu chúng ta nhìn phẩm giá con người từ nguồn gốc và vận mạng của
nó, chúng ta sẽ thấy nó rực rỡ sáng chói: Con người được dựng nên giống hình ảnh
Thiên Chúa và được Máu châu báu của Chúa Kitô Cứu Chuộc nên nó được kêu gọi trở
thành "Những người con trong Đức Chúa Con " và trở nên đền thờ sống động
của Chúa Thánh Thần, và được hưởng sự sống đời đời thông hiệp hạnh phúc với
Thiên Chúa. Vì lý do này nên mọi xúc phạm đến nhân phẩm con người đều bị báo
oán trước mặt Thiên Chúa và là sự xúc phạm đến Đấng Tạo Hoá đã dựng nên con người.
Nhờ có nhân phẩm, con người luôn luôn tự nó là một giá trị cho
chính nó, và nó phải được nhìn nhận và đối xử với giá trị ấy, ngược lại, nó
không thể bị nhìn nhận và đối xử như một vật để sử dụng, một phương tiện, hay một
đồ vật.
Chính nhân phẩm con người là nền tảng của sự bình đẳng với nhau.
Bởi đó tuyệt đối phải loại bỏ tất cả mọi hình thức kỳ thị. Tiếc thay, nạn kỳ thị
đã và vẫn tiếp tục chia rẽ và làm ô nhục gia đình nhân loại, nào là kỳ thị chủng
tộc, kỳ thị kinh tế, kỳ thị xã hội, kỳ thị văn hoá, kỳ thị chính trị, kỳ thị địa
dư... Mỗi hình thức kỳ thị là một sự bất công không thể chấp nhận, không phải
vì nó tạo nên những căng thẳng, những tranh chấp xã hội, nhưng vì nó làm nhục
cho phẩm giá con người: không chỉ phẩm giá của nạn nhân bị nhục, mà phẩm giá của
thủ phạm lại càng bị hổ nhục hơn.
Phẩm giá con người không chỉ là nền tảng của sự bình đẳng giữa mọi
người, nó còn là nền móng của việc tham gia và liên đới giữa con người với
nhau: đối thoại và thông cảm được bắt nguồn từ bản tính con người, chứ không phải
do cái con người "có".
Nhân
phẩm là một tư sản không thể hủy diệt của mọi người. Lời quả quyết này có một sức
mạnh phi thường, nó dựa trên đặc tính thuần nhất không thay thế được của mọi
nhân vị. Vì đó, mà con người đã chống lại một cách bất khuất tất cả mọi toan
tính đè bẹp, tiêu diệt họ bằng cách đặt họ vào tình trạng vô danh của tập thể,
của thể chế, của cơ cấu hay hệ thống. Nhân vị trong cá tính của nó không phải
là một con số, nó cũng không phải là một vòng tròn trong một dây xích, hay một
bánh xe trong một hệ thống. Lời quả quyết căn bản và đầy ý nghĩa về giá trị của
con người đã thể hiện bởi con Thiên Chúa khi Ngài nhập thể trong cung lòng của
một trinh nữ. Lễ Giáng Sinh luôn luôn nhắc nhở chúng ta về lời quả quyết này.”
[6] “Công trình cứu chuộc của Chúa Kitô,
dù chủ yếu liên quan đến việc cứu rỗi con người, nhưng cũng bao hàm việc canh
tân toàn thể trật tự trần thế. Do đó, sứ mạng của Giáo Hội không chỉ là đem Tin
Mừng và ân sủng của Chúa Kitô cho nhân loại, nhưng còn đem tinh thần Phúc Âm thấm
nhuần và hoàn thiện hóa các thực tại trần thế … Người giáo dân hoạt động tông đồ
ngay trong Giáo Hội cũng như giữa đời, trong lãnh vực thiêng liêng cũng như
trong lãnh vực trần thế” (AA, 5).
[7] “Đồng thời các tín hữu giáo dân còn
có nghĩa vụ cấp bách làm chứng nhân cho các giá trị con người và các giá trị
Phúc âm liên kết mật thiết với chính các hoạt động chính trị, như sự tự do và
công bình tình liên đới và lòng tận tụy trung thành, vô vị lợi đối với công
ích, tình yêu đặc biệt với người nghèo khó và thấp hèn. Muốn thế các tín hữu
giáo dân luôn luôn phải tìm nghị lực thiêng liêng trong việc tham gia thực sự
vào đời sống Giáo Hội và lấy lý thuyết xã hội của Giáo Hội làm ánh sáng chỉ đạo.
Trong công việc nặng nề này họ cần có các công đồng Công Giáo và các vị chủ
chăn theo dõi và hỗ trợ” (CL, 42).
[8] LG, 31; AA, 5-6; CL, 15.
“Tính
trần thế là nét riêng biệt và đặc thù của giáo dân… Còn giáo dân, do chính ơn gọi
đặc biệt của mình, có bổn phận tìm kiếm vương quốc Thiên Chúa bằng cách dấn
thân vào các việc trần thế và xếp đặt chúng theo thánh ý Thiên Chúa. Họ sống giữa
trần thế, nghĩa là giữa tất cả và từng nghề nghiệp cũng như công việc trần thế,
trong môi trường thông thường của cuộc sống gia đình và xã hội, tất cả những điều
đó như thể dệt thành cuộc sống của họ. Trong khung cảnh đó, họ đã được Thiên
Chúa mời gọi, để nhờ việc chu toàn những bổn phận riêng của mình và được tinh
thần Tin Mừng hướng dẫn, họ trở nên như nắm men góp phần vào việc thánh hóa thế
giới từ bên trong, và như thế, họ làm cho người khác nhận biết Đức Kitô, đặc biệt
bằng chứng từ đời sống tỏa sáng đức tin, đức cậy, đức mến. Như vậy, họ có một
phương thức đặc biệt để soi chiếu và đặt định các thực tại trần thế luôn gắn liền
với cuộc sống, sao cho các thực tại ấy không ngừng trở nên như Đức Kitô muốn và
luôn phát triển để nên lời ca ngợi Đấng Tạo Hóa và Đấng Cứu Chuộc” (LG, 31).
[9] “Như vậy, trần gian trở thành môi
trường và phương tiện cho ơn gọi Kitô giáo của giáo dân, bởi vì chính nó được
dành để tôn vinh Thiên Chúa Cha trong Đức Kitô; từ đó, Công Đồng có thể chỉ ra
ý nghĩa riêng biệt và đặc thù của việc Thiên Chúa mời gọi giáo dân. Họ không được
mời gọi rời bỏ vị thế họ đang sống nơi trần gian” (CL, 15).
[10] “Việc tông đồ không chỉ giới hạn
trong việc làm chứng bằng đời sống; người tông đồ đích thực còn tìm dịp loan
truyền Chúa Kitô bằng lời nói, hoặc cho những người chưa tin để đưa họ đến đức
tin, hoặc cho những người đã tin để hướng dẫn, củng cố và thúc đẩy họ sống sốt
sắng hơn…” (AA, 6).
[11] “Các giám mục, các cha xứ, các linh
mục dòng triều phải nhớ rằng, hoạt động tông đồ là quyền lợi và bổn phận của tất
cả các tín hữu, không phân biệt giáo sĩ hay giáo dân, và chính giáo dân cũng có
trách nhiệm phải góp phần trong việc xây dựng Giáo Hội … Sau cùng, các tu sĩ
nam nữ phải quý trọng các hoạt động tông đồ giáo dân; theo tinh thần và nội quy
của mỗi hội dòng, họ nên sẵn sàng dấn thân góp phần phát triển các hoạt động
tông đồ giáo dân; đồng thời cũng tận tình nâng đỡ, hỗ trợ và giúp các linh mục
chu toàn phận vụ” (AA, 25).
[12] “Việc đào tạo tông đồ cũng bao hàm
việc đào tạo nhân bản toàn diện, phù hợp với nhân cách và hoàn cảnh của mỗi người…
Nhưng trước tiên, người giáo dân phải học biết chu toàn sứ mạng của Chúa Kitô
và của Giáo Hội bằng cách sống niềm tin vào mầu nhiệm Thiên Chúa tạo dựng và cứu
chuộc, dưới sự hướng dẫn của Thánh Thần, Đấng làm cho Dân Chúa được sống và
thôi thúc mọi người yêu mến Thiên Chúa là Cha, cũng như việc yêu thương thế giới
và nhân loại trong Ngài… Bên cạnh chương trình đào tạo tu đức, cần phải cung cấp
một kiến thức vững chắc về giáo lý, về thần học, luân lý …” (AA, 29).
[13] “Việc đào tạo tông đồ phải được khởi
sự ngay trong chương trình giáo dục thiếu nhi. Nhưng phải đặc biệt lưu tâm dạy
cho các thanh thiếu niên biết làm việc tông đồ và thấm nhuần tinh thần tông đồ.
Việc đào tạo này phải được tiếp tục trong suốt cả đời… Ai có trách nhiệm trong
việc giáo dục Kitô giáo đều phải lưu tâm đến phận vụ đào tạo tông đồ” (AA, 30).
Xem
thêm CL, 57-64.