NỀN THẦN HỌC BÌNH DÂN
Lm. Giuse Phạm Đình
Ngọc SJ
WHĐ (29.11.2023) – Một tin vui cho hầu hết
giáo dân liên quan đến vấn đề thần học đến từ Đức Giáo Hoàng Phanxicô, khi ngài
đề cập đến nền thần học bình dân, trong Tự sắc Ad Theologiam Promovendam (Cổ vũ Thần học)[1].
Là giáo dân, triết học và thần học là cái gì đó cao vời khó hiểu. Quan niệm này
đã khiến nhiều người không dám bước vào hai lãnh vực này. Cụ thể, những gì liên
quan đến thần học là thường đẩy cho các linh mục hoặc những tu sĩ vốn phải dùi
mài kinh sử. Trong khi đó, thần học thực tế dễ hơn nhiều.
Hẳn nhiên “thần
học là sự giải thích – có ý thức và có phương pháp – mạc khải của Thiên Chúa vốn
đã được đón nhận và được nắm giữ trong đức tin” (Karl Rahner). Tuy vậy, nền
thần học này cùng một nghĩa với “Nền thần học quỳ gối”[2].
Đôi khi chúng ta quá chú trọng đến kiến thức mà quên đến mối tương quan với
Thiên Chúa. Để thay đổi quan niệm này, Đức Thánh Cha gọi việc cập nhật quy chế
này là “cuộc cách mạng văn hóa can đảm” và dấn thân đối thoại dưới ánh sáng của
Mặc khải.
Với Tự sắc (Motu Proprio) trên đây, Đức Giáo hoàng nhắc lại tôn chỉ của Đức
Giáo Hoàng Clemente XI khi ngài thành lập hàn lâm viện Tòa Thánh về Thần học
vào ngày 23/4/1718: “Đặt thần học để phục vụ Giáo hội và thế giới”. Phục vụ Giáo hội nghĩa là các nhà thần
học có nhiệm vụ suy tư và giải thích kho tàng Thánh Kinh và Thánh Truyền một
cách khoa bảng. Từ đó, để phục vụ thế giới, kiến thức khoa bảng ấy cần thiết phải
đi vào cuộc sống của giới bình dân. Đây là một thách đố không nhỏ đối với Giáo
hội, nhất là những người có trách nhiệm tiếp cận với dân chúng.
1. Thần
học là cuộc sống
Để tháo gỡ “trăm mối tơ vò” trên đây, Đức Giáo
hoàng đề nghị một nền thần học có khả năng đọc và giải thích Tin Mừng trong những
hoàn cảnh sống. Điều này không xa lạ với cách làm thần học của Chúa
Giêsu. Chính Đức Giêsu Kitô đã nhập thể, nhập vào thế giới cuộc sống của con
người để từ đó trao ban lời hằng sống. Nếu Chúa Giêsu diễn giải mầu nhiệm Nước
Trời, những bài thần học một cách cao vời khó hiểu, làm sao ngài thu hút được
đám đông dân chúng. Ngược lại, khởi đi từ trái tim người mục tử, Đức Giêsu biết
thính giả là ai, họ là những người bình dân, kể cả những người tội lỗi. Từ mảnh
đất bình dân này, Đức Giêsu đã dùng những hình ảnh, ngôn từ và cách diễn tả làm
sao để dân chúng hiểu được. Khởi đi từ đây, Đức Giêsu đã rất thành công về
phương pháp làm thần học khởi đi từ cuộc sống.
Vì điều này, Đức Giáo Hoàng Phanxicô không ngần
ngại yêu cầu những người giảng dạy thần học cần thấu hiểu khoa sư phạm bình dân
này. Dân Chúa cần Lời Hằng sống để gặp gỡ Thiên Chúa, nhưng Lời Hằng sống ấy cần
dễ hiểu, dễ nhớ và dễ thực hành. Thiên Chúa thì đơn sơ và gần gũi. Do đó, việc
mở lòng ra với thế giới và nhân loại là vô cùng khẩn thiết đối với Giáo hội. Nhất
là những người có trách nhiệm hướng dẫn giáo dân, làm sao để thấy được, “những
vấn đề, những vết thương, những thách thức và tiềm năng của con cái mình”. Từ
đó việc suy tư thần học sẽ dành một chỗ cho “việc suy nghĩ lại về nhận thức luận
và phương pháp luận”.
Để tiếp cận được cách làm thần học trên đây, Đức
Thánh Cha nói tiếp, “một nền thần học theo bối cảnh cơ bản, có khả năng đọc và
giải thích Tin Mừng trong những điều kiện mà con người nam nữ sống hàng ngày,
trong những môi trường địa lý, xã hội và văn hóa khác nhau”[3].
Như thế, sẽ thú vị hơn nhiều khi giới thiệu Thiên Chúa cho con người thời nay.
Cùng một lúc, nhiều người sẽ cảm nhận được Thiên Chúa không cao vời khó hiểu,
nhưng có thể cảm nhận và tiếp xúc với Ngài một cách dễ dàng.
2. Thần
học mang dấu ấn mục vụ
Có lẽ điểm son lớn nhất trong Tự sắc này là vấn
đề mục vụ (pastoral theology). Đức
Giáo Hoàng mô tả điều này bằng cụm từ: “Nền thần học bình dân”. Ai cũng hiểu và
có thể thực hiện được, đó là bình dân. Tuy người bình dân không thể giải thích
một cách cao sâu vấn đề thần học, nhưng họ có thể sống với Thiên Chúa một cách
tuyệt vời. Viết đến đây tôi nhớ đến bà nội của tôi. Bà học không hết lớp ba. Vì
thời cuộc bà nội tôi phải di cư năm 1954. Trong bối cảnh đó, chữ nghĩa là điều
xa xỉ. Ngược lại, bà rất thuộc các kinh bổn, siêng năng đi lễ và sống chan hoà
với mọi người. Đôi khi kiến thức không tỷ lệ thuận với kinh nghiệm về Thiên
Chúa. Bà nội tôi hẳn là đã yêu mến Thiên Chúa rất nhiều. Những lời nhắc nhở của
bà đều ghi đậm dấu ấn trên cuộc đời của tôi. Dù những lời ấy chẳng cao sâu hoặc
mang tính thần học, nhưng đụng đến trái tim của một người cháu. Tôi tin trong
đó Thiên Chúa có cách chuyển hoá những lời khuyên đơn sơ của bà thành một linh
đạo cao sâu về Thiên Chúa mà sau này tôi có cơ hội học tập.
Đành rằng các linh mục phải được huấn luyện
khoa bảng và lâu dài, nhưng Giáo hội không quên nhấn mạnh đến cách mục vụ gần
gũi với con chiên. Giáo hội tiếp tục hiện diện với trái tim của người mục tử.
Người mục từ này đang ở trong thế giới với những vết thương của nó. Họ cũng
đang ở trong lịch sử của nhân loại với những chuyển biến của thời đại. Mục tử
“nghe thấy mùi của chiên, của thế giới”. Chính từ đây nền thần học thổi sinh
khí vào để đưa con người về với Thiên Chúa. Hoặc nói như ngôn từ của Đức
Phanxicô: “Thần học báo trước về niềm hy vọng về một sự viên mãn cuối cùng”.
Trong thực tế, đối với Đức Thánh Cha, thần học
nói chung phải mang “dấu ấn mục vụ”, và do đó, suy tư thần học phải bắt đầu “từ
những bối cảnh và hoàn cảnh cụ thể khác nhau mà các dân tộc sống”, đặt mình “để
phục vụ việc truyền giáo”. Nếu như đất diễn của nền thần học khoa bảng ở trường
lớp; thì ngược lại, nền thần học mục vụ hay còn gọi là thần học thực tiễn luôn
đến và ở trong cuộc sống. Số là nền thần học này “nghiên cứu đời sống và hoạt động
của Hội Thánh để giúp Hội Thánh hoàn thành sứ mệnh mục tử của mình.” Đúng như
tên gọi, thần học mục vụ một mặt nắm vững các chân lý mặc khải; mặt khác, nhạy
bén với các vấn đề nhân sinh và các dấu chỉ thời đại, để có thể chuyển tải Tin
Mừng cách hữu hiệu cho các nền văn hóa khác nhau[4].
Với mục đích trên đây, Giáo hội hẳn nhiên vẫn
theo đuổi sự chuyên sâu của khoa học thánh này. Đồng thời Giáo hội cũng không
quên hướng nền thần học này trổ sinh hoa trái trong lòng mỗi tín hữu. Không ai
có thể độc quyền tiếp cận thần học. Ngược lại, Thiên Chúa mời gọi mỗi người hiểu
hơn về Ngài. Càng gặp gỡ Thiên Chúa, chúng ta càng hiểu về thần học. Đơn giản:
“Thần học (theologia-θεολογία) có
nghĩa là khoa học hay môn học nghiên cứu và tìm hiểu về thần linh, về Thiên
Chúa”. Do đó, nền thần học mang dấu ấn mục vụ là con đường giúp nhiều người đến
được với Thiên Chúa. Để làm được điều này, Đức Giáo Hoàng đề nghị: “Suy tư thần
học phải bắt đầu từ những bối cảnh và hoàn cảnh cụ thể khác nhau mà các dân tộc
sống, đặt mình để phục vụ việc truyền giáo”[5].
3.
Phương pháp dành cho các nhà mục vụ
Điều 8 trong tự sắc trên đây, Giáo hội đưa ra
một phương pháp đơn sơ này: “Phương pháp quy nạp”. Điều này có nghĩa là các nhà
thần học (kể cả những mục tử) nên bắt đầu với “những tình huống cụ thể”, cho
phép bản thân “bị thực tế thách thức một cách nghiêm túc”. Sau đó, họ nên tìm
cách phân định “các dấu chỉ thời đại” trong việc loan báo biến cố cứu độ của
Thiên Chúa - đức ái (agape), được thông truyền nơi Chúa Giêsu Kitô”[6].
Nói một cách khác, Đức Thánh Cha Phanxicô “yêu cầu những mục tử hãy mang nặng
mùi con chiên của mình”. Để được như thế, mục tử phải là con người của cầu nguyện,
có kinh nghiệm về Thiên Chúa (thần học quỳ gối) để hướng dẫn đoàn chiên đến với
nguồn sống là Đức Giêsu. Hơn nữa, trong hoàn cảnh hiện nay, nhiều người cần mục
tử nuôi dưỡng đoàn chiên bằng những lương thực của Lời Chúa, của bí tích và ủi
an. Càng gần gũi dân, càng thân thiết với Thiên Chúa, người mục tử sẽ biết cách
giới thiệu chân dung đích thực của Thiên Chúa cho nhiều người.
Như thế, con chiên cần những mục tử có trái
tim đồng cảm và lắng nghe. Hơn nữa, con chiên phấn khởi khi nghe Đức Thánh Cha
Phanxicô chia sẻ với mục tử của thời đại hôm nay với những cụm từ đầy ý nghĩa:
cầu nguyện, tiến bước, chia sẻ, đừng khó tính, giảng ngắn lại, nên linh mục đường
phố, gần gũi với những người trẻ, nên khí cụ của lòng thương xót của Thiên Chúa[7].
Tóm lại, người mục tử lý tưởng theo Đức Thánh Cha Phanxicô là: “Người gần gũi với
dân chúng, là người cha, người anh em, với sự hiền dịu, kiên nhẫn và thương
xót. Là những người yêu sự khó nghèo, sự khó nghèo nội tâm như sự tự do trước mặt
Chúa, cũng như sự khó nghèo bên ngoài như sự đơn sơ và khắc khổ của cuộc sống”[8].
Đây là nền thần học theo phương pháp quy nạp từ cuộc sống. Người mục từ dâng
lên Chúa tất cả những cảnh huống của dân. Từ trên bàn thờ này, Thiên Chúa sai
người mục tử đến với dân trong những sứ điệp rất cụ thể, nhiều tình yêu.
Để hiểu thêm ý trên đây, tôi trích câu chuyện
này truyền thống Hasidic:
Một ngày nọ, một đệ tử trẻ tuổi hỏi vị thầy cao niên của mình: “Thưa Thầy,
thầy có thể cho con biết tại sao vào thời xa xưa, Thiên Chúa đã hiện ra với tổ
phụ chúng ta là Abraham, Isaac và Giacob, trong khi ngày nay chẳng ai còn thấy
Ngài nữa, không ạ?”
Sau một lúc yên lặng, vị giáo sĩ già trả lời: “Bởi vì chúng ta không
còn biết cách hạ mình xuống thấp cho đủ”.
Thực tế là Thiên Chúa “đã cắm lều giữa chúng
ta” (Ga 1,14). Vì lý do này mà nền thần học bình dân, hoặc “từ bên dưới lên” có
nghĩa là hạ thấp mình xuống với con người trong đời thật, đi xuống vực sâu thăm
thẳm của những giới hạn của con người. Điều này Giáo hội cũng vẫn đang theo đuổi
từ Công đồng Vaticano II: “Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo âu” của họ (Hiến
chế Gaudium et Spes, 1). Trong đó,
Giáo hội đưa ra vài chỉ dẫn vốn được Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhấn mạnh trong Tự
sắc trên:
“Bổn phận của toàn thể Dân Chúa, đặc biệt của các chủ chăn và các nhà thần
học, là nhờ sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần, lắng nghe, phân định và giải thích
các thứ ngôn ngữ của thời đại, rồi nghiệm xét dưới ánh sáng lời Chúa, để chân
lý mạc khải luôn được nhận thức, được thấu triệt, và được trình bày cách thích
hợp hơn” (GS, 44).
Tạm kết
Khi đọc Tự sắc này, tôi có hai cảm xúc khác
nhau. Một mặt Tự sắc nhắc nhớ tôi cần hiểu rõ các vấn đề thần học. Càng đào sâu
kho tàng đức tin này càng tốt. Mặt khác, Giáo hội nhắc tôi về tương quan với
Thiên Chúa. Gặp gỡ Thiên Chúa là quan trọng. Nhất là trong sứ mạng mục vụ, làm
sao để giúp giáo dân thời đại hôm nay gặp gỡ được Thiên Chúa? Có lẽ không riêng
các nhà thần học, cả những mục tử đang chăm sóc các linh hồn để cần một tay nắm
lấy Thiên Chúa, tay kia nắm lấy đoàn dân của mình (sensus fidei fidelium – cảm thức đức tin của các tín hữu).
Nếu được như trên, hẳn là như lời Đức Giám Mục
Antonio Staglianò, chủ tịch Giáo hoàng Học viện Thần học, cho biết: “Đức Giáo Hoàng Phanxicô giao phó cho giáo
hoàng học viện của chúng tôi một sứ mệnh mới: đó là cổ vũ, trong mọi lĩnh vực
kiến thức, thảo luận và đối thoại nhằm tiếp cận và thu hút tất cả dân Chúa vào
nghiên cứu thần học, để đời sống dân chúng trở thành đời sống thần học”[9].
[1] https://www.vatican.va/content/francesco/it/motu_proprio/documents/20231101-motu-proprio-ad-theologiam-promovendam.html
[2] https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/duc-thanh-cha-chao-tham-cac-hong-y-ucraina-va-ca-ngoi-nen-%E2%80%9Cthan-hoc-quy-goi%E2%80%9D-cua-duc-hong-y-kasper-24844
[3] https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2023-11/dtc-phanxico-quy-che-han-lam-vien-toa-thanh-than-hoc.html
[5]https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2023-11/dtc-phanxico-quy-che-han-lam-vien-toa-thanh-than-hoc.html