NẾN BÀN THỜ VÀ CÁC LOẠI NẾN KHÁC TRONG PHỤNG VỤ
Lm. Giuse Phạm Đình Ái, SSS
WHĐ (07.6.2022) - Gần đây, đã có những thực hành nhầm lẫn
như: (1) đốt 2 cây nến để bên cây thánh giá nhưng không thắp nến bàn thờ; (2) đốt
nến phục sinh và chỉ một cây nến phục sinh trên cung thánh suốt năm phụng vụ mà
không sử dụng nến nào khác; (3) vào Mùa Vọng, khi sử dụng vòng hoa với 4 cây nến
thì cũng không thấy thắp nến bàn thờ nữa. Như vậy, nến bàn thờ đã bị thay thế bằng
nến phục sinh/nến thánh giá hoặc bằng nến vòng hoa Mùa Vọng. Lý do của thực
hành nhầm lẫn này là không phân biệt chức năng của nến bàn thờ với chức năng của
những loại nến khác. Chúng ta cần tìm hiểu hướng dẫn của Hội Thánh để sửa lại
những nhầm lẫn đó.
I. HƯỚNG DẪN CỦA HỘI
THÁNH
Đây là những điểm hướng dẫn liên quan đến nến bàn thờ trong
văn kiện của Giáo Hội:[1]
- Nến bàn thờ là cần thiết mỗi khi cử hành phụng vụ để tỏ
lòng cung kính và mừng lễ;
- Vị trí của nến bàn thờ là
được đặt trên bàn thờ hay chung quanh/gần bàn thờ, tùy theo cấu trúc của bàn thờ
và cung thánh, miễn sao cho có sự hoà hợp chung và không cản trở giáo dân nhìn
thấy cách dễ dàng những hành động phụng vụ đang diễn ra.[2]
- Số lượng của nến bàn thờ trong Thánh lễ có thể là 2, 4 hoặc
6 cây. Việc thay đổi số lượng nến bàn thờ là nhằm phân biệt ngày lễ và mức độ
long trọng của cử hành. Tập tục tốt lành đã phát triển ở một vài nơi và được
quy định trong Quy chế Tổng quát Sách lễ
Rôma là sử dụng 2 nến bàn thờ cho lễ thường và lễ nhớ, 4 cho lễ kính và 6 nến
cho lễ Chúa nhật cùng lễ trọng hay khi đặt Mình Thánh để chầu. Vào những dịp
long trọng và trong thánh lễ do Đức Giám Mục giáo phận cử hành, thì phải đặt bảy
chân đèn, có thắp nến.
II. SỬA LẠI NHỮNG THỰC
HÀNH NHẦM LẪN
1. Thứ nhất, đặt 2
cây nến bên cây thánh giá trong khi không có nến đặt ở trên hay chung quanh bàn
thờ.
Thật ra, có thể tùy nghi đặt hay không đặt nến ở hai bên
thánh giá. Sau cuộc rước nhập lễ, nếu thánh giá trong đoàn rước được đặt tại
cung thánh [ở trên hay gần bàn thờ] như một cây thánh giá duy nhất trong nhà thờ,
thì rất nên để kèm theo hai cây nến vừa đi rước ở hai bên thánh giá. Tuy nhiên,
chúng ta đừng quên rằng hai cây nến này không thể thay thế cho nến bàn thờ vốn
có thể lên tới 6 hay 7 cây trong những dịp cử hành long trọng hay khi Đức
Giám mục giáo phận chủ tế. Hơn nữa, không phải lúc nào thánh giá cũng được xếp
đặt ở trên mặt đất hay ở trên bàn thờ để có thể dễ dàng đốt nến hai bên.[3] Trong trường hợp vị trí của
thánh giá được treo giữa không trung phía trên bàn thờ hay được gắn trên cao
sát vào bức tường phía sau cung thánh thì việc đốt nến hai bên thánh giá hàng
ngày là công việc rất khó khăn và bất tiện nếu không muốn nói là bất khả thi.
Chính vì thế, Giáo Hội chỉ trù liệu đốt nến bàn thờ và cho bàn thờ chứ không
cho đối tượng thánh giá vì những dấu chỉ xinh đẹp của ánh sáng thánh thiêng phải
được tỏ cho mọi người thấy mối liên quan của chúng với bàn thờ nhằm lôi kéo mọi
cặp mắt hướng về bàn thờ: điểm tập trung của cộng đoàn phụng tự.
2. Thứ hai, dùng nến
phục sinh quanh năm thay cho nến bàn thờ.
Nến phục sinh không thể thay thế cho nến bàn thờ vì từ thế kỷ
X cũng như theo các tài liệu phụng vụ gần đây, nến phục sinh thường được đặt để
tại một nơi vinh dự gần sách Phúc Âm hay gần giảng đài trong Mùa Phục Sinh, từ
lễ Vọng Phục sinh cho đến lễ Thăng thiên (nay là cho đến lễ Hiện xuống) như thực
hành đã có từ thế kỷ X. Trong suốt Mùa Phục Sinh, cây nến phục sinh tiếp tục được
thắp sáng ở vị trí này hay một vị trí thích hợp trong cung thánh, chẳng hạn như
gần bàn thờ, ngọn lửa cháy bừng biểu tượng cho tâm hồn Đức Kitô, kết hợp với
thân thể của Người trong vinh quang Chúa Cha. Theo “Decreta Authentica” của Bộ Nghi lễ, nến phục sinh không nên chỉ đốt
cho việc đặt Mình Thánh chầu (Decree 3479,3). Tuy nhiên, có thể đốt nên nếu
trong buổi chầu Thánh Thể đó có cử hành Giờ kinh Phụng vụ hay có ban phép lành
lập tức sau Giờ kinh Phụng vụ (Decree 4686,1-2).
Còn ngoài Mùa Phục Sinh, nến phục sinh không được thắp thường
xuyên nữa, mà chỉ được đốt lên mỗi khi cử hành nghi thức an táng hay thánh tẩy.
Ý nghĩa của thực hành này là ánh sáng phục sinh sẽ không bao giờ lịm tắt trong
lòng những anh chị em đã lãnh nhận Bí tích Rửa tội. Ngọn nến thắp sáng vừa là dấu
chỉ của niềm vui, của sự hiện diện linh thánh, lại vừa là biểu tượng của lời cầu
nguyện dâng lên – hay phải dâng lên - Thiên Chúa. Ngoài Mùa Phục Sinh, chỗ
thích hợp nhất để nến phục sinh là bên ngoài cung thánh, gần giếng rửa tội hay
gần quan tài.
Những gì vừa trình bày phù hợp với hướng dẫn trong Thư Luân
Lưu của Bộ Phụng tự và Bí tích “Paschalis
Solemnitatis” như sau:
Nến phục sinh đặt một
nơi thích hợp, hoặc gần giảng đài hoặc gần bàn thờ, và phải thắp sáng trong tất
cả các giờ cử hành phụng vụ trọng thể hơn của mùa này, tức là thánh lễ, giờ
Kinh Sáng và giờ Kinh Chiều, cho đến hết Chúa Nhật Hiện Xuống. Sau Mùa Phục
Sinh, nến phục sinh đặt ở vị trí trang trọng trong khu vực cử hành bí tích
Thánh Tẩy, để mỗi khi cử hành bí tích Thánh Tẩy, thì đốt lên và châm nến
cho người lãnh bí tích. Trong nghi thức an táng thì nến phục sinh được đặt ở gần
quan tài để nói lên rằng cái chết của người tín hữu là một cuộc Vượt Qua đích
thực. Ngoài Mùa Phục Sinh, không được đặt và đốt nến phục sinh trên cung thánh
(số 99).
3. Thứ ba, dùng nến hồng
và tím Mùa Vọng thay cho nến bàn thờ.
Đành rằng có thể chưng vòng hoa Mùa Vọng ở trong hay gần
cung thánh với 4 cây nến ở giữa vòng hoa này tương ứng với 4 tuần của Mùa Vọng
(3 nến tím và 1 nến hồng). Tuy nhiên, nên nhớ rằng việc sử dụng chúng là do tập
tục, chỉ là tùy phụ và nhiệm ý, chúng không phải là nến bàn thờ cũng như không
thể thay thế cho nến bàn thờ.
III. KẾT LUẬN THỰC
HÀNH
1) Mọi cử hành phụng
vụ đều cần thắp nến bàn thờ và không một loại nến nào có thể thay thế cho nến
bàn thờ.
2) Loại bỏ thực hành
đốt một cây nến phục sinh suốt năm phụng vụ thay cho nến bàn thờ.
3) Có thể sử dụng
thêm nến cho vòng hoa Mùa Vọng hay cho cây thánh giá, nhưng vẫn phải đốt nến
bàn thờ.