Một vài hiện tượng tôn giáo dưới cái nhìn phân tâm học: Sigmund Freud và “Libido”

13/03/2021

Sigmund Freud (1856-1939)

MỘT VÀI HIỆN TƯỢNG TÔN GIÁO DƯỚI CÁI NHÌN PHÂN TÂM HỌC: SIGMUND FREUD VÀ “LIBIDO”

Linh mục Augustinô Hoàng Đức Toàn,
Gp. Ban Mê Thuột

MỤC LỤC

I. TÓM TẮT LÝ THUYẾT. 1

1. Bộ máy tâm linh. 1

2. Dồn nén hay ức chế. 2

3. Mặc cảm và tâm bệnh. 2

4. Libido. 3

5. Chuyển hoá và thăng hóa. 4

II. ĐỐI CHIẾU HIỆN TƯỢNG.. 5

1. Nơi trẻ em, nơi người đời 5

2. Nơi người tu sĩ 6

3. Nơi hàng giáo sĩ 7

III. KẾT LUẬN. 11

1. Khía cạnh mục vụ. 11

2. Khía cạnh tu đức. 11


WHĐ (13.03.2021) - “Khám phá lớn nhất của tâm lý học hiện đại là vô thức” (W. James)

“Vô thức là vấn đề cơ bản của triết học hiện đại” (C. Jung)

Với sự dè dặt nhất, chúng ta vẫn có thể nói: hai thế kỷ vừa qua đã có 3 bộ óc lớn: Albert Einstein, Karl Marx và Sigmund Freud (cả 3 đều gốc Do thái). Einstein, với thuyết tương đối, đã mở cửa cho loài người nhìn lên cõi bao la của vũ trụ, cũng như đã đem con người len lỏi vào thế giới cực tiểu của hạt nhân. Marx thì nhuộm đỏ một phần lớn diện tích trên địa cầu, nhuộm đỏ nhiều trái tim của giới lao động cùng khổ. Freud, trái lại, dẫn chúng ta vào cõi thâm u sâu thẳm của miền vô thức, khai mở cho thời kỳ được gọi là tâm lý học chiều sâu.

Chúng tôi không nói về bộ óc thứ nhất, Einstein, đã được thế giới đánh giá là bộ óc khoa học phi thường nhất trong suốt ngàn năm thứ hai, vì đó không phải là lãnh vực chuyên môn của chúng tôi. Cũng không nói về bộ óc thứ hai, Marx, thuộc lãnh vực xã hội, vì vấn đề là cần một lựa chọn, mà lựa chọn nào cũng bao hàm một sự khước từ trong đó.

Chúng ta chỉ đến với Freud, 1856-1939, người đã dựng nên lý thuyết phân tâm, đã chủ xướng một phương pháp trị liệu tâm bệnh, ngày nay rất phổ biến tại các nước tiên tiến, dầu là dưới những danh xưng khác nhau, như các văn phòng tư vấn, hướng nghiệp, tâm thần v.v. Giả thiết mọi người đã biết rõ hoặc biết qua lý thuyết phân tâm rồi nên chỉ xin nêu lại mấy khái niệm nòng cốt trong phân tâm học (Phần I) để dễ đối chiếu với một ít hiện tượng thường gặp trong đời sống trẻ em, người thường, người tu sĩ, linh mục, (Phần II), và với một vài qui chiếu nhỏ theo chiều hướng mục vụ, tu đức (Kết luận).

I. TÓM TẮT LÝ THUYẾT

1. Bộ máy tâm linh

Với tinh thần khoa học thực nghiệm của con người thời đại, Freud đã cố gắng thiết định một nội dung cụ thể cho đời sống tâm linh. Đời sống tâm linh, theo Freud, gồm có 3 khu vực của 3 cái ngã khác nhau:

Dưới cùng là khu vực của Ẩn ngã hay Phi ngã, Freud gọi là Id, (le Ca, le Non-Moi). Id là cái tôi ẩn kín, căn bản nhất, nơi thường trú của những bản năng sơ đẳng nhưng rất mãnh liệt như bản năng ích kỷ, bản năng phá hoại, bản năng gây hấn ... nhất là bản năng tình dục mà Freud gọi là Libido. Id là miền vô thức, và trong miền vô thức này, trong khu vực này, chính nguyên lý khoái lạc, điều hành chi phối tất cả. Đòi hỏi khoái lạc, khoái lạc tức thời, khoái lạc tối đa. Đó là khu vực vô thức dưới cùng.

Ở giữa là khu vực của Ngã hay Hiển ngã, Freud gọi là Ego (le Moi). Ego là cái tôi hợp lý, điều hành mọi hành vi theo ý chí, dưới sự soi sáng của lý trí. Như thế nguyên lý điều động khu vực Hiển Ngã, chính là nguyên lý thực tại. Đây là khu vực của ý thức.

Ở trên hết là khu vực của Siêu Ngã, Freud gọi là Super-Ego (le Sur-Moi). Super-Ego là chỗ kết hợp mọi ảnh hưởng của xã hội, tôn giáo, tập tục vv. tất cả tạo ra một mớ tin tưởng và luật lệ, tabou, mà Siêu Ngã có nhiệm vụ phải giữ gìn. Ở khu vực này, nguyên tắc điều hành là nguyên tắc đạo đức.

Ba khu vực của đời sống tâm linh đó không phải chồng chập lên nhau trong một trạng thái ổn định như ba tầng của một ngôi nhà. Trái lại có một sự xung đột thường xuyên, một đàng là những khuynh hướng hạ tiện từ cái Ẩn Ngã tìm cách trồi lên, một đàng là những mệnh lệnh, cấm đoán, hạn chế mà cái Siêu Ngã luôn luôn đè xuống. Và cái Hiển Ngã, tức cái ý thức tâm lý theo quan niệm thông thường, chỉ là một vùng nhỏ hẹp nằm giữa cuộc tranh chấp của hai cái Ngã kia.

Có biết rõ được cơ cấu tổ chức và cách vận hành như thế của guồng máy tâm linh, thì mới hiểu được các ý niệm khác của Freud.

2. Dồn nén hay ức chế

Freud cho rằng Super-Ego có nhiệm vụ kiểm giới thường xuyên khu vực Hiển Ngã. Nếu có một khuynh hướng nào bị xã hội, tôn giáo, tập tục … lên án trà trộn vào khu vực Hiển Ngã, thì Siêu Ngã phải dồn đẩy nó xuống khu vực Ẩn Ngã. Tất cả đều diễn ra một cách vô thức, mù quáng. Tiến trình đó Freud gọi là ức chế hay dồn nén. Siêu Ngã như một ông cảnh sát, một anh an ninh, hoặc dùng chính cách so sánh của Freud thì nó đóng vai một thứ “chó ngao, cerbère”, canh cửa địa ngục, giữ cho khu vực ý thức được trật tự, sạch sẽ. Một khuynh hướng hay một ý tưởng nào đã bị dồn đẩy xuống khu vực Ẩn Ngã thì sẽ trở thành vô thức, đương sự không còn nhận biết nó nữa.

3. Mặc cảm và tâm bệnh

Những khuynh hướng bị dồn nén không chết đi, cũng không ở yên một bề. Tuy bị đẩy lui, chúng vẫn giữ tất cả cường lực của chúng. Chúng như thứ khí nén, càng nén, phản lực càng mạnh, càng muốn bung ra. Hay một so sánh thô lỗ bình dân khác, như con chó cũi: càng cũi kín, càng dữ. Trong bóng tối của vô thức, những ẩn ức đó vẫn có thể tác quái. Chúng thường tụ họp lại và tạo ra cái mà Freud gọi là mặc cảm.

Mặc cảm là một kết hợp ít nhiều yếu tố của cái tôi bị dồn đẩy vào vô thức, nhưng từ miền vô thức vẫn tiếp tục giật dây những động trạng của con người. Mặc cảm có thể xuất hiện nhiều cách: hoặc lợi dụng thời khắc mà việc kiểm giới lơ là, anh chó ngao mệt mỏi, thế là chúng đột nhập vào vùng ý thức; hoặc chúng trá hình, đội lốt, mang thông hành giả, hộ chiếu giả để không bị nhận diện và đi thoát.

Quan sát từ ngoài, ta có thể nhận ra mặc cảm qua những biểu lộ như chiêm bao, những hành vi hố, quên lãng và tâm bệnh. Chiêm bao, là thể hiện trá hình một ham thích bị dồn nén ví dụ như em bé mơ ôm một bánh gateau lớn mà thực ra chỉ là cái gối nhồi bông vừa chệch ra khỏi đầu lúc em ngủ. Ấy là vì ban ngày đi qua hàng bánh ngọt ở phố, em nhìn thấy chiếc bánh lớn và ước ao có được.

Những hành vi hố, như nói lỡ lời, viết lỡ chữ. Nói lỡ lời ví dụ như khi ông Ất chết thay vì nói là “chia buồn” tôi đã nói lỡ lời là “chia vui”. Lý do thâm sâu nằm trong vô thức của tôi là ông Ất bị tai biến, liệt giường liệt chiếu đã lâu năm, chết đi cũng là chuyện mừng cho gia đình, cho người bệnh! Viết lỡ chữ, ví dụ như khi kể tên các thứ hoa trong vườn, đến tên hoa huệ, anh sinh viên đã viết hoa chữ Huệ vì Huệ là người anh đang yêu vv. Quên lãng vô tình ví dụ như quên đi thử áo cưới vì không muốn có đám cưới đó.

Nhất là qua những hiện tượng tâm bệnh. Theo Freud, những ham muốn bị dồn đẩy vào cõi vô thức, trở lại xung đột với cái tôi hữu thức và để lại ở đây một thứ thế phẩm, mà ý thức như do một thỏa hiệp giữa hai phe, tạm thời chấp nhận. Thế phẩm chính là những triệu chứng trong tâm bệnh ví dụ như lo lắng không đâu, sợ hãi vô cớ, hoảng hốt, bần thần vv. Nguyên do của những chứng này là sự xung đột giữa những động lực tâm lý đối nghịch, làm cho tâm trí mất thăng bằng, trở nên bệnh hoạn.

4. Libido

Trong những khuynh hướng bị dồn nén, có một khuynh hướng Freud coi như chủ đạo, chi phối tất cả miền vô thức, đó là libido. Libido là khuynh hướng gốc, basic instinct, của toàn thể con người. Trong tư tưởng của Freud, libido, trước có nghĩa như bản năng tình dục, sau được hiểu rộng như sự ham mê khoái lạc nói chung. Freud cho rằng libido được xuất hiện theo 4 thời kỳ: thời kỳ cửa miệng, thời kỳ hậu môn, thời kỳ tiềm ẩn, và thời kỳ dậy thì.

Xin giải thích thêm một tiếng về hai thời kỳ đầu. Thời kỳ cửa miệng, đứa bé thích bú, thích mút ngón tay, thích ngậm vú mẹ, lắm khi không phải vì đói mà vì khoái. Em khóc, em quằn quại, nhưng nếu đặt vào miệng em một vú giả, vú cao su, plastic, thì em sẽ im ngay và ngủ dễ dàng. Cho thấy bú không phải là một sinh hoạt thuần túy sinh lý, dinh dưỡng, mà còn là một sinh hoạt tâm lý, vì nó mang lại khoái cảm mạnh trong nhiều năm tháng đầu đời.

thời kỳ hậu môn, thì em bé thích bài tiết, thích người lớn lau rửa, đụng chạm vào mông. Nhiều khi muốn ru em ngủ thì chị phải bế em vỗ vỗ nhẹ vào mông, em dễ chịu và sẽ ngủ ngon. Như thế, libido xuất hiện rất sớm, ngay từ tuổi ấu thơ của cuộc đời. Ngoài ra đứa bé cũng thích vò xé, đạp đổ, biểu hiện của khuynh hướng gây hấn mà Freud sẽ nói nhiều lúc ông về già, sau những trải nghiệm bản thân của hai cuộc thế chiến.

Đến 5 tuổi bắt đầu có mặc cảm Oedipe, khiến cho, nếu là con trai thì tập trung cái libido vào mẹ và tỏ ra đối nghịch với cha, và nếu là con gái thì ngược lại. Đứa bé coi một trong hai người thân là đối tượng tình yêu, và dành cho người kia một ác cảm như đối với tình địch. Tuy nhiên, tình cảm này tự nhiên bị dồn đẩy vào cõi vô thức.[1]

Từ 6 tuổi trở lên, những khuynh hướng bất chính tuổi thơ ấu bị giáo dục ngăn chặn, lùi dần vào vô thức hết. Rồi đến tuổi thiếu niên, dậy thì, libido lại có cơ hội trồi lên một lần nữa, tạo ra cơn khủng hoảng vừa về sinh lý vừa về tâm lý mà tùy cách giải quyết hướng dẫn, có thể đi đến một thoả mãn thăng bằng hoặc đưa đến một tình trạng trục trặc bệnh hoạn.

5. Chuyển hoá và thăng hóa

Quan niệm như thế, libido là cái gì có vẻ ghê tởm. Nhưng vẫn theo quan niệm của Freud, libido cũng có thể đóng những vai trò tinh thần cao đẹp. Libido là cái khuynh hướng sơ thủy, cốt cán, nhưng từ đó có thể phát sinh nhiều khuynh hướng khác. Freud không ngần ngại cho rằng những tình cảm vị tha, thẩm mỹ, luân lý, lý tưởng, tôn giáo đều bắt nguồn từ cái libido kia cả. Việc này xảy ra là do hiện tượng chuyển hóa, những khuynh hướng mà Freud gọi là thăng hóa, Thăng hóa chính là một biến thái từ những khuynh hướng thấp kém thành những khuynh hướng cao thượng, bằng cách thu hút và khơi dẫn cái nguồn cường lực tâm sinh là cái libido, cho nó chảy vào những lối tốt, nhằm vào những đối tượng hay, tương tự như người ta làm thủy lợi vậy. Chính nhờ hiện tượng thăng hóa này mà có những biến thái trong thi ca, nghệ thuật, luân lý, lý tưởng hoặc tôn giáo.

II. ĐỐI CHIẾU HIỆN TƯỢNG

Trên đây là những khái niệm chủ chốt trong lý thuyết phân tâm học của Freud. Có nhiều người không thoả mãn và cũng có nhiều người bất bình về lối giải thích cực đoan của Freud, hoặc về phương diện tâm lý, hoặc về phương diện tâm linh, hoặc về phương diện đạo đức, luân lý. Tuy nhiên mọi người đều phải công nhận 3 sự thật sau đây, được xem như là khám phá mới mẻ và giá trị mà Freud đã đóng góp cho nhân loại:

Một là, sự hiện hữu của thực tại vô thức trong đời sống tâm linh. W. James cho rằng đây là khám phá lớn nhất của tâm lý học hiện đại. Khám phá này đã mở lối cho Tâm lý học chiều sâu.

Hai là, sự quan trọng của tuổi thơ ấu, hoặc diễn tả theo kiểu nói bóng bảy của nhà văn Anh Wordsworth “Trẻ con là cha người lớn”. Khám phá này, bất cứ bậc cha mẹ hay nhà giáo dục nào cũng phải đặc biệt quan tâm.

Ba là, tầm quan trọng đặc biệt và ảnh hưởng quyết liệt của libido trong đời sống con người không miễn trừ ai. Khám phá này làm ta nhớ tới câu nói của Pascal “nếu bạn biết hết tội lỗi của bạn, bạn sẽ mất lòng tin ngay”.

Chúng ta thử kiểm chứng lại khẳng định thứ 3 này, xem cái libido kia có thực sự giữ vai trò chi phối trong đời sống con người không? Nó thể hiện thế nào trong đời sống trẻ em, đời sống người thường? Nó có dấu vết nào trong nếp sống của người tu sĩ, linh mục? Phân tích như thế vì chúng có liên quan tới đời sống tu đức, mục vụ. Dĩ nhiên, chúng ta sẽ nhìn theo cặp mắt của một nhà phân tâm, của một freudiste.

1. Nơi trẻ em, nơi người đời

Khi chủ trương libido xuất hiện rất sớm ngay từ tuổi ấu thơ, Freud có nói đến hai thời kỳ, gọi là thời kỳ cửa miệng và thời kỳ hậu môn. Chủ trương này đã gây nhiều dị nghị nơi các nhà đạo đức, ngay cả nơi các nhà tâm lý học sau Freud. Tuy nhiên, từ thời kỳ ẩn kín, rồi thời kỳ dậy thì, libido lại được biểu lộ khá rõ ràng, có khi rõ ràng đến độ, không phải là chuyên gia phân tâm người ta cũng có thể nhận diện được.

Trẻ nam thích chơi những trò chơi hành hạ, đấm đá, hoặc những trò chơi tạo thú như chơi đáo cọng: bên thua phải cọng bên thắng một vài vòng; chơi nhảy cừu, thích leo trèo vv. Trẻ nữ ưa những trò chơi nhẹ nhàng như ẵm búp bê, ôm gấu nhồi bông, thích ru em, đi chợ, nấu cơm v.v. Có thể gọi đó là những “trò chơi libido” hay “trò chơi phái tính”. Thời kỳ này, từ 7, 8 tuổi, trẻ em thích xem, đùa khi thú vật như gà, heo, bò, chó … giao hợp. Cũng thời kỳ này trẻ em đã biết “ghép đôi ghép lứa”, “Thằng Tèo lấy con Mẹt”, hoặc nói những lời “hoa tình tục tĩu”.

Từ 12 tuổi, tức những năm trước dậy thì, có một thời gian dường như libido ngủ yên, Freud gọi thời kỳ này là thời kỳ ẩn kín. Tới tuổi dậy thì, tức lúc có khủng hoảng tâm sinh lý, người thiếu niên, thiếu nữ hay mơ mộng, gần như thường xuyên bị những “tư tưởng xấu”, tư tưởng giới tính ám ảnh. Xã hội và tôn giáo không cho phép những tư tưởng như thế được tự do công khai xuất hiện, dạy phải dồn nén, chôn những đòi hỏi mới này vào cõi vô thức; nếu không dồn nén được thì đương sự sẽ trở về giải quyết một mình bằng cách thủ dâm, hoặc giải quyết một cách vô thức trong các giấc mơ giới tính.

Ở cái tuổi này họ tò mò muốn biết những gì liên hệ tới tính dục. Vì đây là những vấn đề bị tôn giáo, xã hội, đặc biệt là xã hội Đông phương, cấm kỵ, “chuyện khó nói”, chuyện “em biết hỏi ai”? Họ thích lén lút xem sách báo, hình ảnh, liên hệ tới vấn đề phái tính, để tự tìm hiểu hoặc để tìm thú vui. Trên 18 tuổi, hoặc đã có gia đình: khi có môi trường thuận lợi, họ ngoại tình, chơi bời, dù vợ chồng không có điều gì xích mích, trục trặc.

Như thế, những trò chơi phái tính, những lời “hoa tình tục tĩu”, “lời hai ý”, “ý tưởng xấu”, “ước ao chẳng nên”, thủ dâm, chiêm bao xấu, chơi bời, ngoại tình… đó là những dạng khác nhau của libido, có mặt thường xuyên trong cuộc đời, có khi cả trong đời sống của những bậc già lão.

2. Nơi người tu sĩ

Những dạng khác nhau đó của libido không đứng ở ngoài cổng tu viện mà vẫn “đeo bám” những con người đã vào sống trong tu viện. Tuy nhiên, tại môi trường mới, libido lại khoác những bộ áo mới.

Trong môi trường những người cùng phái sống tập thể với nhau này, như nội trú, cư xá, tu viện, tập viện, chủng viện, đặc biệt nơi những môi trường khép kín, người ta thường thấy xuất hiện những mối tình tôi xin gọi là “lạc điệu”, thường có tên là “yêu riêng”, hoặc muốn nói đúng theo danh từ của tâm lý học, đó là hiện tượng “đồng tính luyến ái”, cùng một giới tính luyến ái nhau. Anh H thích chú K; chị L thích chị N. Chữ “đồng tính” ở đây chưa được hiểu một cách triệt để như trong cụm từ “hôn nhân đồng tính”. Tại sao có hiện tượng Sodoma này? Phải chăng đó là những người bất bình thường, hay tại người nam, người nữ “sống một mình không tốt”, non est bonum? Chỉ có nhà tâm lý học chiều sâu mới giải trình được thắc mắc đó cho chi tiết.

Đi sâu vào đời sống tu sĩ, người ta thấy các tu sĩ có rất nhiều hoạt động xã hội. Các nam tu sĩ, các frères, hăng hái mở trường, chuyên lo việc giáo dục, đứng đầu các ký túc xá… Các nữ tu có những hoạt động xã hội khác: mở ký nhi viện, nuôi trẻ cho cha mẹ chúng đi làm, lập cô nhi viện, chăm sóc các cháu không còn được hưởng tình thương của bố mẹ, mở nhà trẻ, tiếp nhận trẻ em để dạy dỗ, săn sóc.

Việc giáo dục, điều khiển các trường, các đoàn thể của các nam tu sĩ, việc chăm sóc, yêu thương trẻ nhỏ của các nữ tu sĩ trên đây, theo Freud, chính là những hiện tượng thăng hoá, chuyển hoá từ bản năng làm cha, làm mẹ sang lý tưởng vị tha, bác ái. Vì lý tưởng, họ không có một gia đình để điều khiển, không có những người con để chiều chuộng, nâng niu… Cội nguồn của những hành vi lý tưởng này vẫn là cái libido trong con người của cả nam lẫn nữ.

Có một hiện tượng cũng hay xảy ra: chuyện “ông cha - bà phước” thường xuất hiện chung với nhau. Trong các chuyến đi du lịch, tham quan, hành hương, hay đi cứu trợ, làm việc từ thiện, bác ái… thường các cha hay có các nữ tu đi cùng. Các nữ tu đi cùng thì đầy đủ lắm, trên xe: khăn mặt lạnh, nước đóng chai, cam quýt, bánh kẹo nhấm nháp... Đến nơi, đến bữa thì... “omnia parata sunt, mọi sự đã sẵn sàng”, các cha chỉ việc làm dấu.

Phải chăng đó là việc làm của bản năng? Người nội trợ, người vợ, người mẹ, lo cho chồng cho con. Rất tự nhiên, làm như chiếc máy đã lên dây cót, đã được cài đặt sẵn. Có vẻ như các cha xem chuyện được phục vụ như vậy là bình thường, là đương nhiên. Các cha, các nữ tu trên xe, trong chuyến đi chung, có khác gì người cha, người mẹ trong gia đình?

Hiện tượng này thường khi cũng gây gai chướng cho người đời. Người đời sẽ dễ đàm tiếu dị nghị. Dư luận có quá khắt khe? Thiết nghĩ không nên trách cứ dư luận. Dư luận thấy gì chướng tai gai mắt thì phê phán, nhận xét. Chủ quan có thể là trong sáng, là siêu nhiên, nhưng khách quan nhìn vào vẫn là cái cớ cho người đời đàm tiếu, dị nghị.

Phải chi khi phục vụ, các ngài (Lm. Nt.) nói được như thánh Phaolô: “Phần chúng tôi, chúng tôi chẳng làm gì gây cớ cho ai vấp phạm, để không người nào có thể đàm tiếu về công việc phục vụ của chúng tôi” (2Cr 6,3). Kết luận cho hiện tượng này chỉ có thể là câu: Đừng nên cớ vấp phạm cho người khác, cũng đừng để cho “cái cường lực tâm sinh kia” giật dây, xô đẩy, dầu không thấy.

3. Nơi hàng giáo sĩ

Dường như nơi đời sống của bậc tu trì cấp cao – hàng Giáo phẩm, giáo sĩ – Libido phải mang những mặt nạ tế nhị hơn, phải có những thông hành cạo sửa tinh vi hơn. Dĩ nhiên vì linh mục, theo diễn tả trong thư Do thái, là kẻ “được chọn giữa những người phàm, assumptus ex hominibus”, nên linh mục cũng “bị những yếu đuối vây hãm, circumdatus infirmitate”, cũng bị những ám ảnh xấu dằn vặt, cũng có những giấc chiêm bao không dám kể cho ai nghe, - kể cả cha linh hướng, - cũng ưa đùa giỡn bằng những lời hai ý rất đáng đỏ mặt, cũng có những đụng chạm vụn vặt để tìm chút xúc cảm qua đường vv... Tuy nhiên, do chức vụ và địa vị trong cộng đồng, linh mục còn có những quan hệ khác, nên libido cũng sẽ phải thích nghi theo những quan hệ mới ấy.

Một số trường hợp, nhìn ngoài thì “nhỏ bé thôi”, nhưng thực chất rất nguy hiểm, có thể gây tai nạn. Ngòi nổ nào cũng nhỏ, nhưng không tháo ngòi thì bom, mìn có thể phá tung cả toà nhà. Có nên nói chăng, chuyện một vài vị hay nhờ phái nữ dọn nhà, làm phòng, hoặc dạy đàn, dạy vi tính, dạy ngoại ngữ cho họ, thậm chí có khi nhờ tẩm quất, bắt gió, cạo gió v.v... hoặc có những cử chỉ thân mật chắc chắn sẽ không diễn ra nếu có người thứ ba xuất hiện. Chính xác đó là những lỗ xì nguy hiểm của “bình nén libido”. Những gần gũi như vậy luôn là cơ hội có thể “sinh chuyện”.

Diễn tả theo kiểu nói hình ảnh, bình dân, thì những chuyện như thế, xưa các cụ gọi là “lửa gần rơm”, nay xin đề nghị một hình ảnh mới, gọi chúng là những “nguy cơ chập điện”. Chập điện là hai điện cực âm dương chạm nhau. Nam nữ cũng là âm dương. “Chập điện nhẹ” thì xẹt lửa, đen tường, cháy cầu chì, mất điện,… thiêng liêng mà nói, là tách khỏi Chúa, mất ơn thánh, để lại một vệt đen trong linh hồn. Còn “chập điện nặng” thì sẽ gây cháy nhà, về phương diện thiêng liêng cũng “cháy”, cháy cả cuộc đời dâng hiến, dù đã bao năm gìn giữ, vun đắp. Thực tế cho thấy đây đó đã có nhiều vụ “chập điện nặng”! Gương xấu về đàn bà con gái bao giờ cũng tai hại hơn gương xấu về tiền bạc, của cải. Một khi tai tiếng đã nổ ra thì uy tín, ảnh hưởng sẽ tan theo mây khói, không thể ngẩng mặt nhìn ai.

Về nguy cơ “chập điện” chúng ta đang nói, Giáo luật có một khuyến cáo không thể nào rõ ràng hơn: “Các giáo sĩ phải hết sức thận trọng khi giao tiếp với những người mà việc năng lui tới có thể gây nguy hại cho nghĩa vụ giữ đức khiết tịnh của mình hoặc sinh gương xấu cho các tín hữu” (can. 277, 2). Phải xem đó là một số biện pháp “phòng cháy chữa cháy” cụ thể, không phải là không hữu hiệu cho đời sống độc thân, trinh khiết.

Một hiện tượng khác cũng đem lại nhiều lý thú và chứng liệu cho nhà phân tâm, đó là sự kiện bố con thiêng liêng, đặc biệt là con thiêng liêng khác phái, đôi khi lại chẳng phải để cho đi tu! Chẳng phải để cho đi tu thì nhận “bố-con” những cô gái sáng sủa ở ngoài đời, để làm gì? Giải thích thế nào cho nghe được đây? Trong vấn đề này có nhiều chi tiết rất đáng chú ý theo khía cạnh phân tâm.

Điều đáng nói là các linh mục trẻ thích nhận con hơn các linh mục già. Tại sao? Là vì với cái tuổi 30, 40 là tuổi đã lập gia đình. Còn khi mới trên 20, đang là chủng sinh, thì không thể công khai nhận con được. Một đàng thì sợ Bề trên biết, đàng khác cũng chưa có danh nghĩa mà xã hội chấp nhận. Vậy mà hình như cũng đã có những “anh em thiêng liêng”, “chị em thiêng liêng”, khi hai người nói chuyện riêng với nhau, hay để giải thích với người nào thắc mắc hỏi đến.

Khoảng 50 tuổi trở lên, linh mục lại thích có con cái, cháu chắt bên cạnh trong những ngày lễ gia đình, lễ bổn mạng, con cái trong thân tộc hay linh tộc cũng được. Tại sao như vậy? Tại vì với cái tuổi ấy, nếu sống ngoài đời, ngài cũng đã là chủ một gia đình, đã có đông con cái, đã có các cháu nội ngoại, đã có thể hưởng cái thú sum vầy với con cháu, “xum xuê quanh mân bàn người”.

Mục đích của việc nhận con thiêng liêng là gì? Không thấy tài liệu tu đức nào qui định cả, ngoại trừ những ý tưởng mơ hồ “để hướng dẫn thiêng liêng”, “để nâng đỡ tinh thần hoặc vật chất”. Nếu chấp nhận mục đích như thế thì người ta vẫn có thể hỏi tiếp: tại sao các cô không tìm về với những linh mục lớn tuổi, là những vị mà cứ sự thường, có lòng đạo đức và kinh nghiệm linh hồn, hơn hẳn lớp linh mục trẻ, mới “hành nghề” chưa bao lâu? Vâng, tại sao rất ít thấy các linh mục trẻ “nâng đỡ tinh thần, hướng dẫn thiêng liêng” cho những cô nghèo, nhất là xấu dạng? Dường như những câu trả lời vẫn có cái gì gượng gạo, không thỏa đáng.

Tuy nhiên nếu hỏi nhà phân tâm thì câu trả lời sẽ khác đi, ông sẽ gọi đúng tên của sự việc: đó là hiện tượng thăng hoá chưa thành. Không vơ đũa cả nắm, không tổng quát hoá, tuyệt đối hoá vấn đề, nhưng trong một số trường hợp, - tôi dè dặt nói chỉ “trong một số trường hợp” - chúng ta có thể nói: “Con thiêng liêng”, “bố thiêng liêng”, hay “chị thiêng liêng”, “em thiêng liêng” rất có thể chỉ là những thương hiệu đẹp dán trên các mặt hàng kém chất lượng, là giấy tờ giả mà libido dùng trong các tu viện, trong đời sống tu trì.

Không hề phủ nhận hiệu quả tích cực của việc hướng dẫn thiêng liêng. Phân tâm học chỉ cảnh tỉnh chúng ta về “hàng thật”, “hàng giả” mà thôi.

Chúng ta cũng nên nhìn thêm và nhìn thẳng vào một hiện tượng khác, thường thấy trong hàng giáo sĩ, cả trong hàng giáo phẩm: hiện tượng “sủng ái con cháu, con ông cháu cha, népotisme”, Larousse chú thích nepos, nepotis, tiếng la tinh là cháu. Là những ai thích dùng “người nhà”, thích có bên cạnh những người bà con ruột thịt. Sau khi trưng dẫn những trường hợp có Giám mục, đã cất nhắc cháu chắt mình lên những địa vị quan trọng như Cha sở nhà thờ Chính tòa, đặt làm Tu viện trưởng những tu viện lớn, nhiều bổng lộc, hoặc các chức vụ then chốt khác, có khi là làm giám mục phó sẽ kế vị mình, vv... Phải chăng đó là hiện tượng “CÔCC” mà ngày nay dường như đang diễn ra khá phổ biến ở nhiều nơi, nơi một số vị đang nắm quyền hành?!

Freud cho rằng đó là thể hiện của một nhu cầu rất tự nhiên: không có con thì yêu cháu, không có vợ để an ủi nâng niu thì tìm nâng niu an ủi nơi những người thân thuộc, những người mà mình ưa thích. Mà đã là nhu cầu thì cách này hay cách khác, nhất định phải thoả mãn, không dính tình thì tiền, không tiền thì danh, không danh, không tiền, không tình thì cũng dính bén những điều nhỏ nhặt khác.

Còn một hiện tượng nữa tưởng không cần phân tích nhiều, chúng ta cũng thấy rõ được tầm quan trọng của libido trong cuộc sống: Đó là hiện tượng sa ngã về vấn đề tình dục trong giới tu hành. Lạm dụng tình dục trong hàng giáo sĩ lan tràn trên thế giới. Đó là câu chuyện buồn, nhưng là câu chuyện buồn có thật, đau lòng cho mọi người tin Chúa, những người con của Giáo Hội! Đau lòng biết bao cho vị Đứng đầu Giáo Hội!

Có thể tới một tuổi nào đó, libido sẽ mất đi sức chi phối của nó không? Một linh mục giáo sư người Pháp, trên 90 tuổi, có lần đã nói với học trò: “Than lửa ủ càng kỹ thì càng lâu tàn!” Một linh mục người Việt, từng là Giám đốc Đại chủng viện, trên 80 tuổi, rất giàu kinh nghiệm, cũng đã khẳng định bằng một câu nói đùa: “Chết rồi, năm phút sau nó vẫn còn sống!”

Sức công phá của libido quả thật là dai dẳng và khủng khiếp! Nó phá đổ cả những thành trì mà có nhiều vị đã kiên trì bảo vệ hàng ba, bốn chục năm trời đằng đẵng! Có ai dám chắc mình nhất định sẽ đứng vững đến cùng không? Ai cũng phải nghĩ đến câu đã học trong văn phạm latinh: “Cave ne cadas, hãy ý tứ kẻo vấp ngã”. Hay như lời cảnh báo quan trọng của thánh Phaolô: “Ai tưởng mình đang đứng vững thì hãy coi chừng kẻo ngã”. (1Cr 10,12).

Vấn đề chỉ có thể được đặt ra cho chúng ta theo một chiều hướng khác. Rằng, libido, tình dục, là nguyên nhân của sa ngã, hay chính tinh thần đã lung lay trước nên mới sa ngã về tình dục sau? Nói cách tượng trưng, đó phải chăng là hậu quả tất nhiên của chiếc bàn quỳ đã phủ quá dày bụi bặm?”

III. KẾT LUẬN

Chúng ta dừng lại ở đây để khỏi phải đi sâu vào những hiện tượng và những phân tích bi đát gây thêm nhiều nghĩ ngợi, áy náy. Tuy thế, đôi ba điều vừa trình bày cũng đã có thể dẫn người đọc đến một trong hai thái độ: hoặc bất bình hoặc hoang mang.

- Người bất bình sẽ cho rằng “chỉ có những cặp mắt bẩn mới nhìn tất cả mọi sự là bẩn. Freud đã đi đến chỗ cực đoan, gần như đã chủ trương phiếm tình chủ nghiã, pansexualisme”. Nhận định này thường được các nhà đạo đức và tâm lý phê bình thuyết Freud chia sẻ.

- Ngược lại, người hoang mang sẽ đặt vấn đề: nếu thực chất của một số hiện tượng tôn giáo nơi các bậc tu hành là libido, nếu động lực chính của các sinh hoạt tông đồ là cái cường lực sinh tâm vô thức kia thì còn đâu là giá trị đạo đức, còn đâu là giá trị cứu độ?!

Ở đây chúng ta không có ý phê bình lý thuyết phân tâm của Freud, dù về phương diện đạo đức, tâm lý hay y thuật. Chúng ta chỉ muốn dọi ánh sáng phân tâm học vào các quan hệ “nghề nghiệp” của chúng ta, nghĩa là sử dụng chúng theo chiều hướng mục vụ và tu đức mà thôi:

1. Khía cạnh mục vụ

(hay là thái độ đối với người khác).

Trong toà cáo giải hay khi hướng dẫn linh hồn, linh mục không thể không biết đến những điều kiện hay là cơ cấu tâm lý cụ thể của đời sống con người, trong đó libido thường xuyên giữ vai trò nổi trội hơn các khuynh hướng khác.

Ta cũng không ngạc nhiên hoặc quá khắt khe đối với những gì đang xảy ra nơi hàng tu sĩ, giáo sĩ, đặc biệt là đối với những anh em linh mục, tu sĩ đã nửa đường đứt gánh, bỏ rơi lý tưởng.

2. Khía cạnh tu đức

(hay là đối với chính bản thân).

Với chính mình cần thiết phải có một sự thanh luyện trường kỳ và thường xuyên cảnh giác, bởi vì “thần bóng tối cũng có thể mang bộ áo của ánh sáng”. Sống trinh khiết gần như là một “sứ mệnh vô phương”. Nhưng chúng ta là những kẻ mà Chúa nói, “quibus datum est”, đã được bán cho một ân huệ. Một ân huệ quí hiếm thì lại càng mong manh, cần phải giữ gìn hết sức cẩn trọng.

Có thể nói rằng: suồng sã và cô đơn đều nguy hiểm như nhau:

- Nếu suồng sã, linh mục, tu sĩ, sẽ không thể phân định rõ được lằn mức giữa tội và không tội, lằn mức vốn dĩ đã rất nhỏ, rất mong manh, rất tế nhị chỉ như sợi chỉ, sợi tóc mà thôi!

- Còn cô đơn thì thật ra lên rừng hay xuống biển, con người vẫn luôn có libido bên cạnh, trong mình. Đàng khác, biến đời sống tu trì thành một cành cây khô không thể là lý tưởng của người tu hành được.

Ngắn gọn, chúng ta có thể khẳng định rằng: Freud đã lầm khi muốn giản lược con người thành một mớ những bản năng. Nhưng quan niệm đạo đức cổ điển cũng đã lầm khi quên rằng con người cũng là một con vật. Thật ra con người không phải là vật cũng chẳng phải là thần, ni bête ni ange, đúng như Pascal đã từng định nghĩa.

Nếp sống tu đức chân chính phải là nếp sống phấn khởi, hy vọng và triển nở trong niềm hạnh phúc tràn đầy. Nếp sống đó không thể bị bóp chết do một sự khắc kỷ tàn bạo, cũng không thể thả lỏng buông tuồng, nhưng phải hướng về một cứu cánh cao đẹp, như nguồn thác được tích lũy để dồn về một hướng duy nhất: sự sống đời đời!./.

Xin đọc thêm: Một vài hiện tượng tôn giáo dưới cái nhìn phân tâm học: Alfred Adler và “chí hùng bá”



[1] Mặc cảm Oedipe: Laios, vua thành Thèbes, có vợ là hoàng hậu Jocaste. Do được sấm báo cho biết, sẽ bị con trai giết và con trai sẽ lấy mẹ, nên Laios đem con mới sinh bỏ trên núi. Bọn mục đồng lượm được, đem bán cho vua thành Corinthe. Khi đã trưởng thành, Oedipe tới đền Delphes để xin sâm cho biết lý lịch của mình, mình sinh ra thế nào. Dọc đường cãi lộn với một hành khách đã lớn tuổi và giết chết người này. Oedipe không hay người mình vừa giết là Laios, cha của mình.

Thời đó, Créon làm vua, có con quái vật sư nhân, Sphinx, xuất hiện, giết chết nhiều người. Créon hứa cho bất kỳ ai trừ được con quái vật thì sẽ nhường ngai vàng và gả Jocaste cho làm vợ. Oedipe đi tới cửa thành Thèbes, giải nghĩa được câu đố của con sư nhân, trừ được con quái vật, giải thoát cho dân cả miền, được Créon nhường ngôi vua và được cưới hoàng hậu Jocaste làm vợ. Lên làm vua, cưới Jocaste làm vợ, Oedipe sinh được 4 con. Nhưng cuối cùng Oedipe khám phá ra qbí mật của đời mình: giết cha, lấy mẹ. Jocaste thắt cổ tự tử; Oedipe móc mắt và để con gái là Antigone dẫn đi ăn xin, lang thang…

LỊCH PHỤNG VỤ