Hình Đức Hồng y Charles Bo tặng quà lưu niệm cho Linh mục Nguyễn Hai Tính SJ và Đức Giám mục Gerald Matthias tại Đại hội FABC 50, ngày 17.10.2022
“Chúa... đã tạo cho con một thân thể” (Hr 10,5)
MỘT GIÁO HỘI MỎNG GIÒN, VƯỢT QUA VÀ HIỆP HÀNH – BỨC TRANH
THẦN HỌC VỀ GIÁO HỘI Ở CHÂU Á HẬU COVID
(Bài trình bày trước Đại hội của Liên Hội đồng Giám mục Á Châu – FABC 50, ngày 17.10.2022)
Lm. Phanxicô Xaviê Nguyễn Hai Tính, S.J.
WHĐ (19.05.2023) - Đại dịch Covid-19 đã để lại một số hậu chứng trên cá nhân và xã hội chúng ta, chắc hẳn Giáo hội ở Châu Á cũng không phải ngoại lệ. Trong bài này, chúng ta cùng nhìn vào thực trạng Giáo hội hậu Covid, nhưng từ quan điểm thần học. Nói cách khác, chúng ta thử trả lời câu hỏi đâu là những ảnh hưởng của đại dịch trên Giáo hội, xét trong tương quan với Thiên Chúa, cụ thể là với Đức Kitô và Thần Khí, cũng như xét trong tương quan với nhân loại như là con cái Thiên Chúa.
Trong khi tìm
cách vẽ bức tranh về Giáo hội Á Châu hậu đại dịch Covid-19, chúng ta nhìn Giáo
hội bằng con mắt của người trong cuộc và của những người đã cùng trải qua cơn đại
dịch với mọi con dân Châu Á. Như thế, chúng ta sẽ mô tả Giáo hội như “người đồng
hành” cùng với các dân tộc Á Châu trong hành trình lịch sử đương đại.
Với tâm thế đó, chúng ta có thể khám phá một chân dung Giáo hội Á Châu theo mẫu hình Đức Kitô, Đấng nhận lấy “một thân thể”, tức là hiện hữu nhân sinh, trong mầu nhiệm Làm Người (x. Hr 10,5). Chân dung này không chỉ giúp chúng ta biết mình là ai và đang ở đâu trong lịch sử, mà còn mời gọi chúng ta hoán cải để thể hiện chân dung ấy cách chân thực hơn. Quả thế, thư gởi tín hữu Hipri mô tả Đức Kitô, khi làm người, đã ý thức “thân thể”, hay hiện hữu nhân sinh của mình do Thiên Chúa ban tặng là phương thế hay cách thức Ngài hoàn thành Ý muốn của Thiên Chúa. Bằng cách đón nhận hiện hữu nhân sinh, Đức Kitô trở nên một trong chúng ta và đồng hành với chúng ta trong lịch sử thế giới. Bằng cách đối lập “thân thể” này với các hy tế của Lề Luật, thư Hipri nhấn mạnh giá trị cứu độ của “thân thể” này, mà Đức Kitô dâng hiến cách vâng phục như hy tế dâng lên Thiên Chúa (x. Hr 10,4-10)[1]. Như thế, theo thư Hipri, Đức Kitô hoàn thành Ý muốn Thiên Chúa và cứu độ chúng ta bằng cách làm người, tức mang lấy một “thân thể”, vốn có thể dâng lên làm hy tế vâng phục. Nói cách khác, Ngài mang lấy một “thân thể” mỏng giòn, “phơi nhiễm” trước đau khổ và sự chết; đỉnh cao của sự “mỏng giòn” ấy được thể hiện trên Thập giá. Dựa trên ý nghĩa của “thân thể” Đức Kitô, như là một hiện hữu mỏng giòn, như là sự chuẩn bị cho mầu nhiệm Vượt Qua, và như phương thế để Thiên Chúa đồng hành với nhân loại trong lịch sử, chúng ta có thể trình bày chân dung Giáo hội hậu đại dịch bằng ba nét chính sau: thân thể tính mỏng giòn, sự vượt qua và tính hiệp hành.
Video thuyết trình của Đức Giám mục Gerald Matthias và Linh mục Nguyễn Hai Tính SJ tại Đại hội FABC 50, ngày 17.10.2022
1. Thân thể
tính mỏng giòn – một Giáo hội của mầu nhiệm Làm Người
Như Đức Kitô
có một “thân thể”, Giáo hội với tư cách là Nhiệm Thể Đức Kitô trên trần gian,
cũng mang nét thân thể tính, mỏng
giòn trước các thay đổi của lịch sử, của khổ đau, cái chết và ngay cả tội lỗi. Thân thể tính này được biểu lộ rõ nét trong suốt đại dịch Covid-19.
Đại dịch Covid-19 nhắc nhở toàn nhân loại về tính mỏng giòn của mình, nó cũng phơi bày rõ nét thân thể tính của Giáo hội. Thân
thể tính của Giáo hội có thể mang nhiều ý nghĩa, nhưng ở đây chúng ta có thể
kể ra ba nghĩa thể chế, con người và luân lý. Về mặt thể chế, thân thể tính ám chỉ tới các yếu tố hữu
hình của Giáo hội (x. Lumen Gentium,
8) vốn bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch. Về mặt con người, thân thể tính có thể chỉ về người nghèo,
vốn là những người bị ảnh hưởng nặng nền nhất bởi đại dịch[2].
Chúng ta thường nghĩ về “người nghèo” như đám đông không rõ khuôn mặt, đại dịch
nhắc nhở chúng ta không nghĩ về họ như những con số thống kê, nhưng như những
con người thật, có mặt có tên như Lazaro (x. Lc 16, 20). Cuối
cùng, về mặt luân lý, thân thể tính chỉ
về việc Giáo hội ôm ấp những tội nhân như chúng ta, những người đã góp phần làm
cho đại dịch thành “nhân tai” và trầm trọng hơn. Quả thế, đại dịch Covid-19
không chỉ là thiên tai mà còn là kết quả của việc chúng ta bóc lột thiên nhiên
thái quá; đại dịch cũng trở nên trầm trọng hơn do lòng tham, sự sợ hãi, sự vô
tâm, tâm thế cá nhân chủ nghĩa và cơ hội chủ nghĩa của chúng ta.
Do đó, có thể
nói rằng chân dung Giáo hội Á Châu hậu đại dịch nổi rõ nét vẽ của đau khổ[3],
vốn vừa là hậu quả của tội vừa là cơ hội của ân sủng. Đại dịch đã để lại vết
thương sâu xa trên thân xác, tâm trí và tinh thần người dân Châu Á, mà không phải
lúc nào vết thương đó cũng được nhận ra. Cùng đau khổ với
mọi người dân Châu Á, Giáo hội sống thân
thể tính của mình, ít nhất theo ba cách sau:
Giáo hội tại
Châu Á ý thức rằng với tư cách là một thực thể tại thế, Giáo hội cũng “phơi nhiễm”
trước những biến động lịch sử, rằng các yếu tố hữu hình của Giáo hội có thể bị
tác động và phải thay đổi tuỳ vào hoàn cảnh lịch sử, để đáp ứng nhu cầu con người,
vốn luôn biến đổi theo thời gian. Các dân tộc Á Châu, vốn đặt nặng lối sống cộng
đồng, đã bị ảnh hưởng rất nhiều từ đại dịch khi mà các sinh hoạt cộng đồng xã hội
bị ngưng trệ.
Giáo hội tại
Châu Á cũng ý thức rằng, trong cung lòng mình hay liên hệ với mình, người nghèo
của Thiên Chúa là những người bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi đại dịch. Chính họ,
những người nghèo đau khổ là thân thể đích thực của Đức Kitô (x. Mt 25) và là đại
diện chân thực nhất của Giáo hội, vì họ thuộc về cốt lõi của căn tính và hiện hữu
của Giáo hội. Hiện diện ở Châu Á, lục địa có nhiều người nghèo nhất, Giáo hội cảm
nhận nỗi đau của người nghèo như nỗi đau của chính mình và ý thức rõ nét hơn
mình là Giáo hội của những người nghèo thế nào.
Giáo hội cũng
ý thức rằng tội lỗi của con cái mình góp phần làm cho đại dịch trở nên trầm trọng
hơn. Đại dịch đã không chỉ biến chúng ta thành nạn nhân mà còn phơi bày tội lỗi
xấu xa của chúng ta, trong tư cách cá nhân và tập thể. Hiện diện ở Châu Á, với
nhiều quốc gia mang tiếng vì nạn tham nhũng và bóc lột người nghèo, ngay cả khi
đại dịch đang diễn ra, thành viên Giáo hội cần tự nhắc nhở rằng mình là tội
nhân cần được tha thứ, sám hối và hoán cải. Với tư cách là thừa tác viên của
Giáo hội, chính chúng ta đã không chỉ ngăn cản mà còn đẩy anh chị em chúng ta
xa khỏi vòng tay yêu thương tha thứ của Mẹ Giáo hội. Trong tâm trí chúng ta,
trong những quy chuẩn và cấu trúc xã hội chúng ta luôn tồn tại một loại “virus”
của ích kỷ, dửng dưng và bóc lột, mà Covid-19 chỉ là chất xúc tác làm cho nó mạnh
hơn[4].
Vì thế, Giáo hội tại Châu Á hậu đại dịch, dựa vào lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa không chỉ sám hối mà còn hoán cải bằng
cách thực hiện những phương cách ngăn chặn để những “đại dịch” về đạo đức như
thế không xảy ra nữa.
Tóm lại, Giáo
hội tại Châu Á hậu đại dịch sống mầu nhiệm Làm Người bằng cách ý thức và thừa
nhận thân thể tính của mình, vốn mỏng
giòn trước đau khổ và các biến động lịch sử. Sống thân thể tính này và cùng đau
khổ với nhân loại, Giáo hội sống căn tính đích thực của mình không chỉ như là
thực tại đến từ Thiên Chúa mà còn là Giáo hội hiện hữu trong thế giới và cho thế
giới (x. Gaudium et Spes, 1).
2. Vượt qua
từ đau khổ tới chữa lành – một Giáo hội của mầu nhiệm Vượt Qua
Công cuộc Làm
Người của Đức Kitô liên hệ chặt chẽ và hướng về mầu nhiệm Vượt Qua như là đỉnh
điểm và sự hoàn thành của mình[5].
Tương tự, thân thể tính mỏng giòn của
Giáo hội Á Châu chỉ có ý nghĩa và giá trị
đích thực khi được nhìn trong ánh sáng mầu nhiệm Thập Giá và sự Phục Sinh của Đức
Kitô (x. Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo,
618). Giáo hội trải qua đại dịch không chỉ như một trong số những tai hoạ của lịch
sử mà còn như một trải nghiệm cụ thể của mầu nhiệm Vượt Qua.
Đức Kitô, với
“thân thể” của mình, đã có thể mang lấy tội lỗi, bệnh tật của nhân loại và chữa
lành họ (x. 1Pr 2,24). Cũng thế, thân thể
tính mỏng giòn là cơ hội và phương thế để Giáo hội sống mầu nhiệm Vượt Qua
của Đầu của mình. Quả thế, các trải nghiệm chúng ta có trong đại dịch mang đầy
đủ những nét của kinh nghiệm Thập Giá và Phục Sinh của Đức Kitô. Thực tế, rất
nhiều người, đặc biệt là những người nghèo khổ, đã sống mầu nhiệm
ấy cách anh hùng trong suốt đại dịch[6].
Giáo hội hậu đại dịch vẫn mang và cần duy trì dấu ấn không phai nhòa của Mầu
nhiệm Vượt Qua ấy.
Như người tôi tớ đau khổ, âm thầm mang lấy tội của
người khác mà không mở lời than trách (x. Is 52,13–53,12), nhiều người, ngay cả
những tội nhân như chúng ta, đã chịu đau khổ cách vô cớ mà không lên tiếng than
trách bất kỳ ai khác. Đây vẫn còn là hoàn cảnh hiện tại khi mà cuộc chiến vô cớ
ở Ukraina đang diễn ra. Bao người dân vô tội trên toàn thế giới vẫn đang âm thầm
chịu đựng những khó khăn và đau khổ do cuộc chiến gây ra, chỉ vì tham vọng ích
kỷ của một số ít người. Những đau khổ bất công vô cớ này sẽ vô nghĩa và vô ích
nếu không được trải nghiệm dưới ánh sáng của Thập giá Đức Kitô. Chính ở đây
chúng ta thấy vai trò của Giáo hội đối với thế giới: Giáo hội hiện hữu để cùng
trải qua những thăng trầm, cùng đau khổ với thế giới, nhưng cũng để chiếu ánh
sáng ý nghĩa vào những trải nghiệm đen tối của thế giới đau khổ. Giáo hội là và
nên là Giáo hội của mầu nhiệm Vượt Qua. Chỉ Đức Kitô, Đấng âm thầm chịu những
đau khổ vô cớ và bất công, nhưng với tình yêu dành cho Chúa Cha và toàn nhân loại,
chỉ Ngài mới có thể mang lại cho chúng ta ánh sáng của ý nghĩa, của hy vọng và
của sự sống. Nhìn lên Đức Kitô trên Thập giá, Giáo hội hậu đại dịch không chỉ ý
thức những đau khổ và tội lỗi của con cái mình, nhưng còn đảm nhận thân thể tính mỏng giòn của mình cách
vâng phục và với tình yêu. Cái “nhìn” này, vốn là thái độ đức tin nội tâm, là
bước đầu tiên quan trọng hướng tới chữa lành và cứu độ (x. Ga 3,14-15; Ds
21,8-9), trước khi chúng ta bàn về các phân tích và kế hoạch mang tính khoa học,
xã hội hay mục vụ. Việc nhấn mạnh mầu nhiệm Vượt Qua rất phù hợp với người dân
Châu Á, nhiều người trong số họ rất sùng kính các cử hành Tuần Thánh và linh đạo
Thập Giá[7].
Hơn nữa, nhiều người, nếu không muốn nói là đa số
người dân Châu Á đang sống mầu nhiệm Vượt Qua trong suốt lịch sử bị bách hại
hay đàn áp của họ, trong quá khứ cũng như hiện tại. Tinh thần của mầu nhiệm Vượt
Qua đã ở trong xương máu họ.
Tuy nhiên, đại
dịch không chỉ gợi lên đau khổ và tội lỗi, mà còn là khoảnh khắc của ân sủng;
nó đưa ra những cơ hội chứ không chỉ thách đố; nó đã gây tổn thương cho chúng
ta nhưng cũng làm chúng ta mạnh mẽ hơn cả về mặt thể lý, xã hội, luân lý và đức
tin. Thực tại Phục Sinh đã được thể hiện trong suốt đại dịch và sau đó. Đức
Kitô Phục Sinh và Thần Khí của Ngài hoạt động mạnh mẽ nơi những người hy sinh
ích lợi cá nhân để phục vụ người khác, nơi những sáng tạo, liên đới và biến đổi
trong nhiều khía cạnh của đời sống cá nhân và xã hội[8].
Giáo hội hậu đại dịch đã vượt qua đại dịch dưới cờ của Đấng Phục Sinh và vẫn cần
giữ Tinh Thần Phục Sinh của Ngài sống động trong đời sống và hoạt động của
mình. Một cách thực tiễn, điều này có nghĩa canh tân phụng vụ, hoạt động mục vụ,
tổ chức và các yếu tố hữu hình khác của Giáo hội, sao cho Giáo hội luôn có thể
đáp ứng các nhu cầu luôn thay đổi của con người. Sống tinh thần Phục Sinh cũng
có nghĩa quan tâm hơn tới người nghèo, không chỉ loan báo Tin Mừng cho họ bằng
lời nói mà còn hỗ trợ thực tế để họ có đời sống tốt đẹp hơn. Cuối cùng, sống
tinh thần Phục Sinh còn có nghĩa bức gốc tội lỗi nơi con cái của Giáo hội, bằng
cách thay đổi lòng (meta-noia) và
thay đổi lối sống, chống lại tinh thần và lối sống thế gian.
Đức Kitô Phục
Sinh, khi hiện ra với các môn đệ, dù vẫn mang những vết thương của Thập giá,
mang đến cho họ bình an, hiệp nhất, tha thứ, chữa lành ,v.v… (x. Ga 20,24-29).
Ngài mang đến ơn cứu độ dưới nhiều dạng thức khác nhau, tương ứng với nhu cầu
đa dạng của những con người khác nhau. Tương tự,
Giáo hội hậu đại dịch, dù vẫn mang nơi mình những hậu quả của đại dịch, luôn
khao khát mang đến cho con người sự chữa lành toàn diện phát xuất từ Thiên Chúa
nơi Đức Kitô và Thần Khí của Ngài. Sự chữa lành toàn diện này bao gồm mọi chiều
kích thiêng liêng, luân lý, xã hội, thể lý và vũ trụ.
Tóm lại, sống
trong đại dịch, Giáo hội tại Châu Á sống mầu nhiệm Thập Giá của Đức Kitô; vượt
qua đại dịch, cả theo nghĩa đen và nghĩa thiêng liêng, Giáo hội được chữa lành
và trở nên sống động hơn nhờ Thần Khí của Đấng Phục Sinh. Giáo hội tại Châu Á hậu
đại dịch có thể tiếp tục sống mầu nhiệm Vượt Qua bằng cái nhìn đức tin hướng
lên Thập Giá, đảm nhận những đau khổ bằng Tinh Thần vâng phục và yêu thương mà
Đức Kitô dành cho Thiên Chúa và nhân loại. Giáo hội tiếp tục để Tinh Thần này
làm cho mình sống động bằng nỗ lực liên tục canh tân chính mình nhằm mang lại sự
chữa lành toàn diện cho nhân loại.
3. Hiệp
hành – một Giáo hội của mầu nhiệm Hiện Xuống
Đại dịch cho
thấy chúng ta liên hệ với nhau thế nào, cả về thể lý, tâm lý lẫn xã hội và lịch
sử, rằng không ai có thể được cứu đến khi tất cả được cứu. Từ đại dịch, nhân loại
đã học bài học liên đới và đã có nhiều nghĩa cử cao đẹp ở mọi cấp độ cá nhân, cộng
đoàn, quốc gia và quốc tế[9].
Giáo hội hậu đại dịch có thể tham gia và đồng hành với nhiều người thiện chí
trong nỗ lực liên đới này, và hiệp hành là phương thế thức thời để làm việc
này.
Với “thân thể”
mình, Đức Kitô hiện diện giữa chúng ta, nhưng sự hiện diện thể lý của Ngài dẫn
đưa chúng ta đến một thể thức hiện diện khác của Ngài, mang tính thiêng liêng,
vốn đạt đỉnh cao nơi sự Phục Sinh và việc trao ban Thần Khí của Đấng Phục Sinh.
Điều này diễn ra rõ nét trong ngày Lễ Ngũ Tuần, khi Thần Khí hiện xuống trên các môn đệ Đức Kitô. Đây cũng là kinh nghiệm của chúng ta ngày nay về sự
hiện diện của Ngài. Chúng ta có thể xem xét ba đặc tính của mầu nhiệm Hiện Xuống,
có thể áp dụng cho tiến trình hiệp hành mà Giáo hội đang tiến hành: hiện diện, hướng tha và thúc bách.
Trước hết, đặc
tính hiện diện: Khi đón nhận Thần Khí
của Đấng Phục Sinh vào ngày Lễ Ngũ Tuần, các tông đồ không còn giam hãm mình
trong sợ hãi nữa. Cảm nhận thế giới là nhà, họ lao ra khỏi phòng kín và lao vào
thế giới để gặp gỡ con người thuộc các văn hóa khác nhau, nói với họ về Tin Mừng
theo cách mà họ hiểu được (x. Cv 2,1-11). Hiệp hành không chỉ là lên kế hoạch
và làm việc chung với nhau, không chỉ là chia sẻ cái “có” và cái “làm” của
nhau, mà trước hết là tham dự vào cái “là” của nhau. Hiệp hành trước hết đến từ
việc thưởng ngoạn sự hiện diện của nhau cách tự nhiên, với niềm vui và tình
yêu, từ việc lắng nghe nhau cách sâu xa và thấu cảm, từ việc đồng hành với nhau
trong niềm vui nỗi buồn của cuộc sống, v.v... Như thế, hiệp hành chỉ về cái
“là” của mầu nhiệm Giáo hội, chứ không chỉ nói lên điều Giáo hội phải “làm”; hiệp
hành thuộc về chính bản chất của Giáo hội chứ không chỉ là đặc nét trong cách
Giáo hội quản trị và thi hành sứ vụ. Các trải nghiệm trong đại dịch đã dạy và
chuẩn bị chúng ta cho một sự hiệp hành chặt chẽ hơn với toàn nhân loại, Giáo hội
hậu đại dịch được mời gọi tiếp tục tinh thần đó.
Thứ hai, đặc
tính hướng tha: Có thể nói rằng, các
môn đệ Đức Kitô đón nhận Thần Khí không
chỉ khi đang tụ họp trong nhà (x. Cv 2,2-4), mà còn trong khi họ gặp gỡ con người
và rao giảng Tin Mừng cho họ (x. Cv 2,5tt). Tương tự, tinh thần hiệp hành mời gọi
chúng ta hướng về người khác, hiện diện, đồng hành và rao giảng Tin Mừng cho họ.
Khi nói về “người khác”, ba “đối tác” có thể được nhấn mạnh trong tiến trình hiệp
hành của Giáo hội tại Châu Á. Trước tiên, hiệp hành cần được tiến hành từ cấp độ
căn bản nhất là gia đình, vốn có thể được gọi là “Giáo hội tại gia” (LG 11);
nói cách khác, Giáo hội cần hiệp hành ngay ở cấp độ tại gia của mình. Các gia
đình đã trải qua đại dịch với những mất mát và hồi sinh
riêng của mình[10]. Một trong những nét thiết
yếu của Giáo hội tại gia là khả năng hình thành một mái ấm, một cộng đoàn những
ngôi vị yêu thương, đối thoại với nhau (x. Familiaris
Consortio, 18), chứ không chỉ là nơi trú ngụ của những cá nhân. Tiến trình
hiệp hành mời gọi Giáo hội hậu đại dịch đặc biệt chú trọng mục vụ chăm sóc gia
đình. Cùng với đó là mục vụ giới trẻ, những người mà tương lai của họ là một
tình trạng “bình thường mới” vốn không thể bình thường lại như xưa. Xét rằng
Châu Á là lục địa đông người trẻ và rằng tinh thần đặt nặng các giá trị gia
đình của người Châu Á đang bị thách đố mạnh mẽ bởi chủ nghĩa toàn cầu hoá, hiệp
hành ở cấp độ gia đình và người trẻ có thể là một trong những điểm nhấn của
Giáo hội tại Châu Á hậu đại dịch.
Thứ đến, Giáo
hội cũng có thể sống tinh thần hiệp hành với những người ngoài biên giới hữu
hình của mình, những người thuộc tôn giáo khác, những người thiện chí, v.v… Với
“thân thể” mình, Đức Kitô đã tham dự vào lịch sử và các điều kiện nhân sinh
khác của chúng ta. Theo nhiều nghĩa, Ngài dựa vào chúng ta và lịch sử chúng ta
để hoàn thành hiện hữu và sứ mạng mình. Mang lấy hiện hữu nhân sinh, Đức Kitô
suy nghĩ và làm việc theo cách chúng ta suy nghĩ và làm việc; Ngài học cách
vâng phục Cha, tức là thực hiện cái “là” của mình như là Con Thiên Chúa, bằng
cách chịu đau khổ nơi “thân thể” Ngài (x. Hr 5,8). Tương tự, Giáo hội tại Châu
Á có thể trở nên chính mình bằng cách học vâng phục trong những biến động của lịch
sử nhân loại. Như Đức Kitô, Giáo hội dựa vào con người để hoàn thành hiện hữu
và sứ mạng mình. Xét rằng người Công giáo chỉ là thiểu số nhỏ ở Châu Á, dạng thức
hiệp hành này càng trở nên cấp bách và cần thiết hơn lúc nào hết đối với Giáo hội
hậu đại dịch.
Cuối cùng, hiệp
hành cũng có thể áp dụng cho mối tương quan của chúng ta với vũ trụ và thiên
nhiên. Dù tác động trên mọi khía cạnh đời sống con người, đại dịch Covid-19 được
cảm nhận trước hết như là cuộc tấn công vào thân xác
chúng ta, vốn là một phần của “một toàn thể, mà toàn thể đó cấu thành sự hiệp
nhất của toàn bộ vũ trụ vật chất”[11].
Nói cách khác, thân xác là cách thức chúng ta sống mối tương quan thuộc về vũ
trụ và thiên nhiên. Tấn công vào thân xác chúng ta, đại dịch cho thấy sự xung
khắc giữa chúng ta và thiên nhiên; nó dạy chúng ta bài học cay đắng rằng phá hủy
thiên nhiên là phá hủy chính mình. Hiện diện với thiên nhiên, thưởng ngoạn sự hiện hữu của nó, lắng nghe “tiếng rên xiết
và quằn quại” của nó (x. Rm 8,22), đồng hành với nó trong những thay đổi và tiến
hóa của nó, v.v... đó chỉ là một vài trong nhiều cách thức chúng ta có thể làm
để hiện thực hóa hiệp hành với thiên nhiên. Đã từ lâu chúng ta được mời gọi
quan niệm việc “làm chủ thiên nhiên” (x. St 1,26.28) không như mối tương quan một
chiều, sử dụng thiên nhiên nữa, mà như cùng “nhảy múa” với thiên nhiên theo nhịp
điệu của Ba Ngôi[12]. Xét rằng người dân Châu
Á có mối tương quan rất đặc thù với thiên nhiên – vừa chìm đắm trong thiên
nhiên vừa phá hoại thiên nhiên tàn bạo – Giáo hội tại Châu Á hậu đại dịch được
mời gọi chú trọng cấp độ này của tiến trình hiệp hành.
Đặc tính thứ
ba của hiệp hành, thúc bách: Trong biến
cố Hiện Xuống, chúng ta nhận thấy trong tâm trí các môn đệ Đức Kitô có một cảm
thức thúc bách, tương tự như điều thánh Phaolô diễn tả sau này (x. 2Cr 5,14).
Sau khi nhận Thần Khí, họ tức khắc bắt đầu nói các thứ tiếng mà Thần Khí làm
cho họ có thể nói (x. Cv 2,4); các hoạt động truyền giáo của họ sau này cũng
cho thấy cảm thức thúc bách đó. Tương tự, tiến trình hiệp hành không hề là một
cuộc tụ họp vui chơi của những người thích tận hưởng những thú vui hời hợt,
nhưng hiệp hành gợi lên một cảm thức cấp bách nơi chúng ta. Người ta hay mô tả
tình hình hậu đại dịch như là “bình thường mới”, bởi lẽ cuộc sống trong tình huống “khẩn cấp” rất dễ gây căng thẳng và chỉ có thể tiếp
diễn trong một tình huống “bình thường”. Âu cũng là lẽ thường tình, chúng ta có
khuynh hướng muốn cuộc sống trở lại bình thường. Tuy nhiên, đại dịch cũng cảnh
báo chúng ta về tình huống “khẩn cấp” về nhiều mặt của nhân loại, để chúng ta
không tự mãn phớt lờ các vấn đề và cho rằng mọi thứ vẫn diễn tiến bình thường.
Tin Mừng cũng mời gọi chúng ta tránh lối sống ỷ y, tự mãn hay hưởng thụ như thể
thế giới đang trong trạng thái bình thường (x. Lc 12,16-20) mà cần phải sống
như trong tình huống cấp bách, vì thế giới này đang qua đi và Đức Kitô sắp đến
rồi (x. 1Cr 7,29-31). Tính thúc bách của
Tin Mừng mời gọi chúng ta xác quyết sâu xa về căn tính Kitô hữu, sẵn sàng tìm mọi
cách dấn thân, sẵn sàng chịu cực khổ để loan truyền chân lý và giá trị Phúc Âm,
cũng như sẵn sàng hy sinh thân mình cho Thiên Chúa và cho anh chị em đồng loại,
v.v… Châu Á, lục địa đông dân nhưng với tỉ lệ Kitô hữu nhỏ bé, gợi lên trong
chúng ta cảm thức cấp bách đó của Tin Mừng; chúng ta không được phép mãn nguyện,
ỷ y với những thành quả trong những giáo xứ nhỏ bé của mình; đồng lúa của Chúa
vẫn bao la rộng lớn và chín vàng, cần nhiều thợ gặt. Châu Á cũng là vùng đất của
nhiều vị tử đạo, trong quá khứ cũng như hiện tại; người dân Châu Á, không chỉ
hiền lành và tìm kiếm sự hài hoà, mà còn kiên định, dấn thân và sẵn sàng hy
sinh. Phúc Âm đã đến với Châu Á qua các thừa sai ngoại quốc cũng như bản địa,
những người sống cảm thức thúc bách của Tin Mừng. Ngày nay, Kitô hữu Á Châu vẫn
cần để Tin Mừng thúc bách chúng ta giữ cho ngọn lửa đức tin và loan truyền ơn cứu
độ cho chính đồng bào mình và những người khác.
Tóm lại, thân thể tính là cách thế thức thời để
Giáo hội sống hiệp hành, vốn là hoa trái của Thần Khí và thuộc về bản chất Giáo
hội. Giáo hội tại Châu Á hậu đại dịch được mời gọi đồng hành cách đặc biệt với
các gia đình, với người trẻ; Giáo hội cũng cần tiếp tục mở ra với mọi người thuộc
mọi văn hóa, tôn giáo khác, và ngay cả với thiên nhiên.
Kết luận, bắt
đầu bằng hình ảnh “thân thể” mà Đức Kitô nhận lãnh từ Thiên Chúa khi làm người,
chúng ta đã khám phá một hình ảnh về Giáo hội tại Châu Á liên kết chặt chẽ với
các mầu nhiệm của Đức Kitô và Thần Khí. Thân
thể tính của Giáo hội là phương thế quan trọng để Giáo hội sống mầu nhiệm
Làm Người, Vượt Qua và Hiện Xuống, cùng đi với nhân loại trên con đường hướng về
Thiên Chúa, Đấng là nguồn và cùng đích mọi sự.
Trích Bản tin Hiệp
Thông / HĐGMVN, Số 133 (Tháng 1 & 2 năm 2023)
[1] X. Albert Vanhoye, L’ Epistola
agli Ebrei – “Un Sacerdote Diverso”, trans. Carlo Valentino (Bologna:
Centro Editoriale Dehoniano, EDB, 2010), 25-27, 220-221; Raymond Brown, Josephy
Fitzmyer and Roland Murphy, eds., The New
Jerome Biblical Commentary (New Jersey: Prentice Hall, 1990), 938.
[2] “Người nghèo” ở đây bao gồm tất cả những ai đã qua đời trong cô đơn vì đại
dịch, những ai mất người thân mà không thể nhìn thấy họ lần cuối, những trẻ em
mồ côi, những người mất việc, những người đói khổ vì đại dịch, v.v…
[3] Châu Á thiệt hại với gần 200 triệu người phát hiện bị nhiễm và khoảng
1,5 triệu người chết vì Covid-19 (x. https://www.worldometers.info/coronavirus/, truy cập ngày 23.09.2022), cùng với các hậu quả nghiêm trọng khác liên
quan đến gia đình, công việc, kinh tế, cuộc sống của người dân. Về phần Giáo hội,
các hiện tượng như nhà thờ bị đóng cửa, mọi hoạt động phụng vụ và mục vụ bị
ngưng, cộng đoàn bị phân tán vì đại dịch, v.v… đã để lại những hậu quả còn tồn
đọng lâu dài, với mức độ khác nhau tuỳ vào nơi chốn và văn hóa (x. FABC- OTC, The Body of Christ in the Pandemic: Theological Reflection from Asian
Perspectives, Part 1, B; tài liệu có thể được tải về từ https://fabc.org/document/fabc-papers-168 và https://fabc.org/document/fabc-papers-169/).
[4] X. FABC-OTC, The Body of Christ in
the Pandemic, Part 2, A, II, 1; C, II.
Chúng ta có thể nghĩ tới gần 2000 chuyến bay mang danh
là “giải cứu” nhưng thực chất là bóc lột đồng bào, các hợp đồng mờ ám trong việc
mua sắm thiết bị y tế xảy ra ngay trong đại dịch, v.v…
[5] Hans Urs von Balthasar, Mysterium
Paschale: The Mystery of Easter, trans. Aidan Nichols, O.P. (Michigan:
William B. Eerdmans Publishing Co., 1993), 11-48.
[7] Ví dụ, ở Philippines và Việt Nam, không kể những thực hành cực đoan mang
tính mê tín, đối với nhiều người qua nhiều thế kỷ, các cử hành trong Tuần Thánh
là xương sống của năm phụng vụ. Đời sống thiêng liêng của nhiều người vốn nguội lạnh suốt năm phụng vụ, bỗng trở nên sống
động trong Mùa Chay và Tuần Thánh, với những cử hành mang đậm nét văn hóa riêng
hoặc đã bắt rễ sâu xa vào văn hóa họ qua nhiều thế kỷ
[9] Những nghĩa cử cao đẹp như chăm sóc người bệnh trong gia đình, làng xóm,
phân phát thức ăn, bình oxy, v.v… ở cấp độ địa phương và quyên tặng vaccine,
thuốc men, v.v… ở cấp độ quốc gia và quốc tế.
[11] Karl Rahner, “Death” in Encyclopedia
of Theology – The Concise Sacramentum Mundi, ed. K. Rahner (New York: Burns
& Oates, 1975), 330: “the totality which constitutes the unity of the
material universe”.
[12] Cf. FABC-OTC, The Body of Christ
in the Pandemic, Part 3, C.