MẸ MARIA CỨU GIÚP CHÚNG TA
VÌ MẸ THẬT LÀ MẸ CHÚNG TA

Phêrô Phạm Văn Trung

Mẹ Maria là Mẹ Chúa Giêsu.

Lúc Truyền tin, Tổng lãnh thiên thần Gabriel nói với Mẹ Maria rằng Mẹ đã được Thiên Chúa chọn làm Mẹ của Đấng Mêsia. Mẹ Maria đồng ý với vai trò này: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1:38). Mẹ đã chấp nhận lời mời của Thiên Chúa để làm Mẹ của Đấng Cứu Độ của chúng ta, là Chúa Giêsu Kitô. “Thật vậy, Đức Trinh Nữ Maria... được công nhận và tôn kính như Mẹ thật của Thiên Chúa và của Đấng Cứu Chuộc...”[1] Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, trong diễn từ ngày 21-11-1964 cũng nói: “Đức Maria là Mẹ Chúa Kitô, là Mẹ Hội Thánh.” Để chuẩn bị cho vai trò này, nhờ ân sủng của Thiên Chúa, Mẹ Maria được sinh ra mà không nhiễm tội lỗi. Ở đây chúng ta gọi là Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội. Không có người nào khác được sinh ra mà không mắc tội nguyên tổ. “Sau cùng, được gìn giữ tinh sạch khỏi mọi vết tội nguyên tổ, và sau khi hoàn tất cuộc đời dưới thế, Đức Trinh Nữ Vô Nhiễm đã được đưa lên hưởng vinh quang trên trời cả hồn lẫn xác, và được Thiên Chúa tôn vinh làm Nữ Vương vũ trụ, để nên giống Con Mẹ trọn vẹn hơn, là Chúa các Chúa (Kh 19,16).[2]

Niềm tin và sự tín thác của Mẹ vào Thiên Chúa là một tấm gương tuyệt hảo cho chúng ta về đức tin vững vàng, kiên trung và về sự phục vụ trung thành. Trong số tất cả những người phụ nữ trong lịch sử của toàn thế giới, Mẹ được chọn làm Mẹ của Đấng Cứu Độ của chúng ta. Ngay điểm đó nói lên rất nhiều điều về Mẹ! Chỉ điều này mà thôi cũng đủ để cho chúng ta dành cho Mẹ tất cả sự tôn kính của chúng ta.

Mẹ Maria thật là Mẹ chúng ta.

Trước khi Chúa Giêsu chết trên thập giá, Ngài đã nhìn thấy Mẹ Maria và một trong các môn đệ của Ngài đứng bên thập giá. Ngài nói với Mẹ Maria, “Thưa Bà, đây là con của Bà” (Ga 19:26). Với môn đệ của mình, Chúa Giêsu nói: “Đây là Mẹ của anh” (Ga 19: 27). Ngài giao cho môn đệ này chăm sóc và bảo vệ Mẹ Maria. Giáo hội Công giáo cũng nhìn ngắm sự kiện này và coi việc này như Chúa Giêsu trao Mẹ Maria cho tất cả các tín hữu để Mẹ làm Mẹ của các tín hữu, Mẹ của tất cả chúng ta. Thánh Augustin nói rõ về vai trò làm Mẹ của Ðức Maria: “Ðức Maria, về mặt thể xác, chỉ là Mẹ Ðức Kitô, trong khi về mặt tinh thần, bởi Mẹ đã thi hành Thánh Ý Thiên Chúa, nên Mẹ là chị em và là Mẹ Ðức Giêsu, là Mẹ về mặt tinh thần, nhưng Mẹ không đóng vai trò đó đối với Ðầu là chính Ðấng Cứu Thế, mà đúng hơn, Mẹ là con của Ðầu xét về mặt tinh thần. Mẹ chắc chắn là Mẹ về mặt tinh thần của các chi thể là chúng ta, bởi lẽ Mẹ đã cộng tác, bằng lòng mến, vào việc sinh ra các tín hữu trong Giáo Hội, những chi thể của Ðầu.[3]

Mẹ cũng là Mẹ Giáo hội. Tại Công Ðồng Vatican II, Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI khi khai triển chủ đề mẫu tính của Ðức Maria, Mẹ các tín hữu, đã gán cho Ðức Maria tước hiệu Mẹ Giáo Hội cách minh nhiên và long trọng: “Vì vinh danh Ðức Maria và vì niềm an ủi của chúng ta, chúng tôi tôn xưng Ðức Trinh Nữ Maria Rất Thánh là Mẹ Giáo Hội, nghĩa là Mẹ của toàn Dân Chúa, của tín hữu cũng như của các mục tử, những người gọi Ngài là Mẹ rất mến yêu. Và chúng tôi mong muốn từ nay, với tước hiệu rất dịu êm này. Ðức Trinh Nữ sẽ càng được toàn dân Kitô giáo tôn kính và khấn cầu hơn nữa.[4]

Đức Trinh Nữ Maria là Mẹ của chúng ta là nhờ Chúa Giêsu. Mẹ đã nhận lời làm Mẹ của Đấng Mêsia của Thiên Chúa. Mẹ đã sinh ra Chúa Giêsu và cùng Thánh Giuse nuôi dạy Chúa Giêsu. Mẹ Maria là Mẹ của Chúa Giêsu, và Chúa Giêsu là: “trưởng Tử giữa một đàn em đông đúc” (Rm 8: 29)  vì thế, Mẹ cũng là Mẹ của tất cả các tín hữu và toàn thể Giáo hội Công giáo. Mẹ là một người Mẹ muốn thấy tất cả đoàn con của Mẹ yêu mến Thiên Chúa và lắng nghe Lời Chúa Giêsu, Con của Mẹ. Mẹ giúp chúng ta làm việc này bằng bất cứ cách nào mà Mẹ có thể. “Đức Maria tiếp tục thiên chức làm Mẹ cho tới lúc vĩnh viễn hoàn tất việc cứu độ mọi người được tuyển chọn. Thực vậy, sau khi về trời, vai trò của Ngài trong việc cứu độ không chấm dứt, nhưng Ngài vẫn tiếp tục liên lỉ chuyển cầu để đem lại cho chúng ta những ân huệ giúp chúng ta được cứu độ đời đời ...”[5] và “Chúng tôi tin Thánh Mẫu của Thiên Chúa, Bà Evà mới, Mẹ Hội Thánh, vẫn tiếp tục trên trời vai trò làm Mẹ đối với các chi thể Đức Kitô.[6]

Mẹ Maria là Đấng trung gian ân sủng.

Đấng trung gian có nghĩa là người hòa giải. Mẹ Maria là Nữ Vương Trời Đất, được con Mẹ trao vương miện làm Nữ Vương và là Mẹ. Đây là một tập quán phổ biến của người Do Thái trong thời Cựu Ước. Người Mẹ của Vua, tức là Nữ Vương, sẽ giúp con trai mình cai trị, chứ không phải Hoàng hậu, vợ của vua.

Như vậy, Mẹ Maria là người gần Chúa nhất. Không có người nào gần gũi với Chúa Giêsu bằng Mẹ Maria. Mẹ đã cưu mang Chúa Giêsu trong chín tháng, sinh Ngài trong máng cỏ chiên bò, chăm sóc Ngài, đem Ngài đi trốn đến nơi an toàn, nuôi dưỡng Ngài, và ở với Ngài trong những giờ phút cuối cùng của Ngài. Chúa Giêsu đã sống với Mẹ Maria, Mẹ Ngài, trong 30 năm cho đến khi Ngài bắt đầu sứ vụ công khai của mình. Là Thiên Chúa, Chúa Giêsu có thể đã chọn bất cứ người phụ nữ nào làm Mẹ của Ngài. Nhưng Chúa đã chọn Maria làng Nadarét. Không có người nào khác gần gũi với Chúa Giêsu bằng Mẹ khi xưa, và như Mẹ ngày nay.

Tình yêu của Chúa Giêsu dành cho Mẹ Maria và sự tin cậy của Ngài đối với Mẹ Maria không phải là tình yêu và sự tin cậy Ngài giữ cho riêng Ngài. Khi còn ở trên thập giá, Chúa Giêsu đã giới thiệu với chúng ta Mẹ Maria là Mẹ của chúng ta. “Đức Maria đã cộng tác một cách hoàn toàn độc nhất vô nhị vào công trình của Đấng Cứu Thế, bằng lòng vâng phục, bằng đức tin, đức cậy và đức ái nồng nhiệt, để hoàn trả sự sống siêu nhiên cho các linh hồn. Bởi vậy, trên bình diện ân sủng, Mẹ thật là Mẹ chúng ta.[7]

Mẹ Maria là Đấng trung gian của ân sủng, có nghĩa là Mẹ ban cho chúng ta những ân sủng mà Thiên Chúa ban cho Mẹ “để đem lại cho chúng ta những ân huệ giúp chúng ta được cứu độ đời đời.[8]

Mẹ Maria không có gì nếu không có Chúa Kitô. “Vai trò làm Mẹ của Đức Maria đối với loài người không làm lu mờ hay suy giảm vai trò trung gian duy nhất của Chúa Kitô chút nào, trái lại còn làm sáng tỏ mãnh lực của sự trung gian ấy. Vì mọi ảnh hưởng có sức cứu độ của Đức Trinh Nữ trên nhân loại, đều bắt nguồn từ công nghiệp dư tràn của Chúa Kitô.[9] Chúa Kitô cho phép Mẹ chuyển ân sủng của Ngài tới cho chúng ta. Điều này cho thấy Mẹ quan trọng như thế nào trước mặt Thiên Chúa. Chúng ta gọi Mẹ là Đấng trung gian ân sủng bởi vì Mẹ có thẩm quyền từ Thiên Chúa để ban ân sủng của Thiên Chúa cho chúng ta. “Vì thế, trong Hội Thánh, Đức Trinh Nữ được kêu cầu qua các tước hiệu: Trạng Sư, vị Bảo Trợ, Đấng Phù Hộ và Đấng Trung Gian.[10] Chúng ta chỉ cần cầu xin Mẹ ban ân sủng cho chúng ta.

Mẹ Maria đến cứu giúp chúng ta.

Chúng ta có thể xin Mẹ Maria cầu nguyện cho chúng ta cũng giống như chúng ta xin gia đình và bạn bè cầu nguyện cho chúng ta. Mẹ Maria yêu Chúa Giêsu. Mẹ cũng muốn mọi người biết và yêu mến Chúa Giêsu. Mẹ Maria đến trợ giúp chúng ta với tư cách là Mẹ của chúng ta để giúp và chỉ đường cho chúng ta đến với Chúa Giêsu, Con của Mẹ. Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Mẹ Maria không chỉ là nhịp cầu nối chúng ta với Chúa; còn hơn thế. Mẹ là con đường mà Chúa đã đi qua để đến với chúng ta, và là con đường mà chúng ta phải đi để đến được với Chúa. Qua Mẹ Maria, chúng ta gặp gỡ Thiên Chúa theo cách Ngài muốn chúng ta thực hiện: trong tình yêu dịu dàng, trong tình thân mật, trong thân xác.”[11]

Vì là Người Mẹ đầy yêu thương, trung thành của Chúa Giêsu, nên Chúa Giêsu yêu thương Mẹ Maria vô cùng và Ngài ủy thác cho Mẹ thực hiện những gì Ngài mong muốn. Người ta có thể đã nghe câu nói rằng không ai có thể yêu Mẹ Maria hơn Chúa Giêsu. Chúa Giêsu lắng nghe Mẹ và làm theo lời Mẹ xin. Chúng ta cũng hoàn toàn có thể nhận Mẹ là Mẹ của mình. Chúng ta cũng có thể yêu mến Mẹ Maria như Mẹ của chúng ta. Chúng ta có thể tìm hiểu về Mẹ và cầu xin Mẹ giúp chúng ta yêu mến Chúa Giêsu nhiều hơn nữa và theo Chúa Giêsu với tấm lòng rộng mở và chân thành.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Những lời cầu nguyện với Đức Mẹ không phải là vô ích. Người phụ nữ từng nói “xin vâng”, người đã nhanh chóng đón nhận lời mời của Thiên thần, cũng đáp lại những lời khẩn cầu của chúng ta, Đức Mẹ nghe thấy tiếng nói của chúng ta, ngay cả những tiếng nói của chúng ta bị khóa kín trong trái tim chúng ta không đủ sức để thốt ra nhưng Thiên Chúa biết rõ hơn chính chúng ta. Đức Mẹ lắng nghe với tư cách là Mẹ. Cũng giống như mọi người Mẹ tốt, và còn hơn thế nữa, Đức Maria bảo vệ chúng ta khỏi nguy hiểm, Mẹ quan tâm đến chúng ta ngay cả khi chúng ta tập trung vào những việc riêng và mất ý thức về đường đi, và khi chúng ta không chỉ đặt sức khỏe của mình mà còn là sự cứu rỗi của chúng ta vào tình trạng nguy hiểm. Mẹ Maria ở đó, cầu nguyện cho chúng ta, cầu nguyện cho những người không cầu nguyện. Mẹ cầu nguyện với chúng ta. Tại sao? Vì Mẹ là Mẹ của chúng ta.”[12]

Là Mẹ của chúng ta, Mẹ Maria luôn sẵn sàng giúp đỡ chúng ta. Mẹ nêu gương về tình yêu thương và sự trung thành với Thiên Chúa. Mẹ cầu thay nguyện giúp cho chúng ta trong lời cầu nguyện và Mẹ ban cho chúng ta những ân sủng từ Thiên Chúa mà Ngài cho phép Mẹ làm. “Thực vậy, từ những thời rất xa xưa, Đức Nữ Trinh đã được tôn kính dưới tước hiệu "Mẹ Thiên Chúa", và các tín hữu đã khẩn cầu cùng ẩn náu dưới sự che chở của Mẹ trong mọi cơn gian nan khốn khó...[13]

Mẹ không chỉ nói với những người phục vụ tại tiệc cưới Cana ngày xưa rằng “Ngài bảo gì, các anh cứ việc làm theo” (Gioan 2: 5), mà ngày nay Mẹ cũng nhắc chúng ta làm theo lời căn dặn của Mẹ. Mẹ biết Chúa Giêsu, Con của Mẹ; Mẹ biết rõ Ngài là ai, suốt 30 năm ẩn thân ở làng Nadarét: “là Con Đấng Tối Cao” (Lc 1:32), và Mẹ biết Ngài có thể làm gì cho chúng ta, là những người “hết rượu rồi” (Ga 2: 3). Mẹ đã có mặt ở đó và vẫn còn có mặt trong cuộc đời chúng ta. Nếu Chúa Giêsu đã hứa: “Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28: 20), thì Mẹ Maria, Mẹ của Chúa Giêsu, có thể nói khác không: “Và đây, Mẹ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”? Còn ai tốt lành hơn Mẹ Maria để giúp nhân loại với tư cách là Mẹ của tôi, là Mẹ của bạn, và là Mẹ của tất cả chúng ta?

WHĐ (21.10.2022)



[1] GLGHCG, số 963.

[2] GLGHCG, số 966.

[3] Thánh Augustinô, Sự trinh khiết thánh thiện, trang 399. 

Chapitre V: “Quiconque fait la volonté de mon Père qui est au ciel, devient mon frère et ma soeur et ma mère?» Tous ces degrés de parenté se réalisent spirituellement dans le peuple que Jésus-Christ s'est acquis par son sang. Les hommes justes et les saintes femmes deviennent ses frères et ses soeurs, puisqu'ils doivent partager avec lui l'héritage céleste. Sa mère, c'est l'Eglise tout entière, qui, par la grâce de Dieu, lui enfante chaque jour de nouveaux membres, c'est-à-dire des fidèles. Sa mère, c'est aussi toute âme pieuse accomplissant la volonté de son Père, parla fécondité de la charité qu'il dépose dans tous ceux qu'il enfante, jusqu'à ce qu'il soit (126) formé en eux (1). Donc, en faisant la volonté de Dieu, Marie qui n'est Mère de Jésus-Christ que corporellement, est devenue spirituellement et sa Mère et sa Soeur.”

Chapitre VI: “Elle est mère spirituellement, non pas de Jésus-Christ, dont elle est elle-même la fille spirituelle, puisque tous ceux qui ont cru en lui, et Marie est du nombre, sont appelés les enfants de l'Époux (2); mais des membres de Jésus-Christ, et c'est nous qui sommes ces membres. En effet, elle a coopéré, par sa charité, à faire naître dans l'Église les fidèles qui sont les membres de ce Chef.”  http://www.clerus.org/bibliaclerusonline/es/bjz.htm

[4] ĐGH Phaolô VI, Diễn từ bế mạc khóa họp thứ ba của Công Đồng Vatican, 1964https://www.vaticannews.va/vi/church/news/2019-06/duc-maria-me-hoi-thanh.html

[5] GLGHCG, số 969.

[6] GLGHCG, số 875.

[7] Lumen Gentium, số 61.

[8] Lumen Gentium, số 61.

[9] Lumen Gentium, số 60.

[10] Lumen Gentium, số 62.

[11] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Bài giảng lễ trọng kính Đức Maria Mẹ Thiên Chúa, được Đức Hồng Y Pietro Parolin đọc, ngày 01 tháng một 2021.

[12] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Buổi yết kiến chung hàng tuần vào ngày 24 tháng 3 năm 2021, được trực tiếp phát đi từ Thư Viện Tông tòa.

[13] GLGHCG, số 971