MẦU NHIỆM TRUYỀN TIN
“BỞI PHÉP ĐỨC CHÚA THÁNH THẦN, NGƯỜI ĐÃ NHẬP THỂ TRONG LÒNG TRINH NỮ MARIA, VÀ ĐÃ LÀM NGƯỜI”

Tác giả: Joseph Ratzinger
(Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI)

WHĐ (25.3.2023) - Việc tuyên xưng đức tin của Công đồng Nicêa, cũng giống như tất cả các lời tuyên xưng đức tin quan trọng trong Giáo hội sơ khai, trong cấu trúc cơ bản của nó là một lời tuyên xưng về Thiên Chúa Ba Ngôi. Nội dung thiết yếu của nó là một lời “xin vâng” với Thiên Chúa hằng sống là Chúa, Đấng là khởi điểm và cùng đích của cuộc sống chúng ta. Đó là một lời tuyên xưng đức tin vào Thiên Chúa. Nhưng điều đó có ý nghĩa gì khi chúng ta gọi Thiên Chúa là Đức Chúa Trời hằng sống? Danh xưng này nhằm diễn tả rằng Ngài không phải là một kết luận do suy tư của chúng ta, một suy luận mà chúng ta đang đề xuất cho người khác với kiến thức và hiểu biết chắc chắn của mình. Nếu chỉ có vậy thì vị Thiên Chúa ấy sẽ là một ý tưởng của con người, và bất cứ nỗ lực nào để nối kết cách cá vị với Ngài có lẽ là một sự dò dẫm đầy hy vọng và mong đợi, nhưng nó có thể sẽ chẳng bao giờ đưa đến điều gì chắc chắn cả.

Khi nói về Thiên Chúa hằng sống, chúng ta muốn nói đến vị Thiên Chúa tự tỏ mình cho chúng ta, Đấng từ vĩnh cửu nhìn vào thời gian và thiết lập mối tương quan với chúng ta. Chúng ta không thể định nghĩa Ngài theo bất cứ cách nào chúng ta muốn. Thiên Chúa tự “định nghĩa” chính mình, và do đó, Ngài ở trước, ở trên và ở giữa chúng ta với tư cách là Chúa chúng ta. Khi tự mặc khải chính mình, Thiên Chúa cho thấy chính Ngài là Chúa chúng ta, chứ không phải chỉ xuất phát từ ý tưởng của chúng ta. Vì thế, việc Thiên Chúa tự mặc khải chính mình chính là trung tâm của Kinh Tin kính. Việc Tuyên xưng lịch sử của Thiên Chúa trong lòng lịch sử nhân loại không phải là rời bỏ việc tuyên xưng đức tin đơn giản vào Thiên Chúa, đúng hơn, đó là điều kiện nội tại của lời tuyên xưng ấy. Vì lý do này mà trọng tâm của tất cả các Kinh Tin kính là một lời “xin vâng” với Chúa Giêsu Kitô: “bởi phép Đức Chúa Thánh Thần mà Người sinh bởi Đức trinh nữ Maria và đã làm người”. Khi đọc tín khoản này của Kinh Tin kính, chúng ta quỳ gối bởi vì giờ đây trời, bức màng bao phủ ẩn giấu Thiên Chúa, đã mở ra, và Mầu Nhiệm ngay lập tức kết nối với chúng ta. Thiên Chúa xa cách nay trở nên Chúa chúng ta, trở thành Đấng Emmanuel“Thiên Chúa ở cùng chúng ta”. Bằng những cách thức mới mẻ, những bậc thầy tuyệt vời của âm nhạc Hội thánh đã vượt quá những gì mà ngôn từ có thể biểu đạt để mang đến cho tín khoản này một thanh âm qua đó cái khôn tả lại chạm đến đôi tai và trái tim của chúng ta. Những soạn giả ấy “chú giải” Mầu Nhiệm thâm nhập sâu sắc hơn bất cứ cách giải thích lý trí nào khác của chúng ta. Tuy nhiên, vì chính Ngôi Lời đã trở nên xác phàm, nên chúng ta cũng phải tiếp tục cố gắng để chuyển Lời sáng tạo, nguyên thủy hằng “ở cùng Thiên Chúa” và “là Thiên Chúa” thành lời của con người để nhờ lời đó mà chúng ta có thể nghe được chính Ngôi Lời.

1. Ngữ pháp và nội dung của tín điều “Người đã nhập thể - Et Incarnatus Est” trong Kinh Tin kính

Nếu chúng ta bắt đầu bằng việc lắng nghe tín khoản này chỉ theo cấu trúc ngữ pháp, thì thấy rằng tín khoản có bốn chủ từ. Hai chủ từ được đề cập rõ ràng là Thánh Thần và Đức Trinh nữ Maria. Nhưng sau đó cũng lại có thêm “Người” trong câu “Người đã làm người”. Chủ từ “Người” này được gán nhiều danh xưng khác nhau trong phần trước của Kinh Tin kính: Đức Kitô, Con Một Thiên Chúa… Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật… đồng bản thể với Đức Chúa Cha. Theo đó, chủ từ “Người” không thể tách rời, luôn bao hàm một “Ngôi vị” đi kèm là Chúa Cha, Đấng mà Người chia sẻ cùng một bản tính, và do đó, có thể được gọi là “Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật”. Điều đó có nghĩa là chủ từ chính và thích hợp của lời tuyên xưng này là chính Thiên Chúa – chúng ta khó có thể mong đợi điều gì khác sau những lập luận vừa rồi. Nhưng Ba Ngôi Thiên Chúa vẫn chỉ là một: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Giờ đây, kịch tính của lời tuyên xưng này nằm ở chỗ nó đưa ra một tuyên bố không phải về hữu thể vĩnh cửu của Thiên Chúa nhưng là về hành động mà khi xem xét kỹ hơn nó thật sự chứng tỏ là một tuyên bố về sự đau khổ, ở thể bị động.

Thành ngữ “bởi Đức Trinh nữ Maria” (ex Maria Virgine) là lời tuyên bố về hành động ấy, trong đó cả Ba Ngôi Vị Thần Linh đều tham dự, mỗi ngôi vị theo cách thế riêng của mình. Thật vậy, toàn bộ kịch tính tùy thuộc vào hành động này. Nếu không có Đức Maria thì việc Thiên Chúa bước vào lịch sử không thể đạt được mục đích như đã định. Nghĩa là những điều quan trọng nhất trong Tín biểu sẽ không thể được hiện thực hóa – Thiên Chúa luôn là một vị Thiên Chúa ở cùng chúng ta, chứ không chỉ là một Thiên Chúa trong và cho chính Ngài.

Do đó, người nữ tự xưng mình là nữ tỳ hèn mọn, nghĩa là một phụ nữ vô danh (Lc 1,48)[1] ở ngay tại tâm điểm của việc tuyên xưng đức tin vào Thiên Chúa hằng sống, và không thể tưởng tượng được điều đó nếu không có người nữ ấy. Đức Maria là thành phần trung tâm và không thể thiếu trong đức tin của chúng ta vào Thiên Chúa hằng sống, Đấng luôn hoạt động. Ngôi Lời đã trở nên xác phàm, ý nghĩa vĩnh cửu làm nền tảng của vũ trụ [Sinngrund der Welt] đã bước vào sự sống của Mẹ Maria. Ngôi Lời không đơn giản quan tâm tới Đức Maria từ bên ngoài, nhưng đã trở thành một tác nhân hiện diện trong Mẹ. Điều đó cần đến Đức trinh nữ để trở nên khả thể, Đức trinh nữ, đấng đã chuẩn bị toàn thể con người mình, nghĩa là sự hiện hữu thể xác của Mẹ, chính bản thân Mẹ, là nơi cư ngụ của Thiên Chúa trên trần gian. Mầu nhiệm Nhập thể đòi hỏi sự ứng thuận đón nhận. Chỉ với cách thế này mà Ngôi Lời và xác phàm mới thật sự trở nên một. Trong kết nối ấy, thánh Augustinô đã nhận định rằng: “Đấng đã tạo dựng nên bạn mà không cần phải có bạn, lại không muốn cứu chuộc bạn mà không cần sự cộng tác của bạn”. “Thế gian” mà Ngôi Con đến, “xác phàm” mà Người đảm nhận, không chỉ là một nơi chốn hay một điều nào đó. Đúng hơn, thế gian này, xác phàm này là một con người, đó là một cõi lòng rộng mở. Thư gửi tín hữu Do Thái, dựa trên Thánh vịnh 40, đã giải thích biến cố nhập thể như một cuộc đối thoại thật sự nội tại trong Thiên Chúa, nơi đó Chúa Con thưa với Chúa Cha rằng: “Cha đã chuẩn bị cho con một thân thể”. Nhưng việc chuẩn bị thân thể này lại diễn ra thông qua Đức Maria, vì Mẹ cũng thưa rằng: “Chúa chẳng thích gì tế phẩm và lễ vật, nhưng đã chuẩn bị cho con một thân thể… ‘Này con xin đến để thực thi ý Người’” (Hr 10,5-7; Tv 40,6-8). Thân xác được chuẩn bị cho Chúa Con, ngang qua Mẹ Maria, ở đó Mẹ trao hiến toàn thể bản thân mình cho thánh ý Chúa Cha, và vì thế, làm cho thân xác [Leib] của Mẹ sẵn sàng trở thành đền thờ của Chúa Thánh Thần.

2. Bối cảnh Kinh thánh của cụm từ: “Người đã nhập thể - Et Incarnatus Est

Để hiểu đầy đủ cụm từ trọng tâm của lời tuyên xưng đức tin này, chúng ta phải quay trở lại nguồn gốc Kinh thánh của Kinh Tin kính. Khi xem xét kỹ hơn, việc tuyên xưng đức tin tự bộc lộ ở điểm này như là một tổng hợp của ba chứng từ lớn trong Kinh thánh về việc nhập thể của Chúa Con: Mátthêu 1,18-25; Luca 2,26-38; Gioan 1,13. Vì thế, dù không đi sâu vào việc chú giải chi tiết các bản văn này, nhưng chúng ta hãy cố gắng để nắm bắt được điều gì đó cụ thể về sự đóng góp độc đáo của mỗi bản văn trong việc hiểu mầu nhiệm nhập thể của Thiên Chúa.

a. Mátthêu 1,18-25

Thánh sử Mátthêu viết Tin mừng của mình cho môi trường Do Thái và những người Kitô hữu gốc Do Thái. Vì thế, ngài quan tâm đến việc làm nổi bật tính liên tục giữa Giao ước cũ và Giao ước mới. Cựu ước hướng về Đức Giêsu; những lời hứa được nên trọn nơi Người. Đồng thời, mối ràng buộc nội tại giữa sự mong đợi và thành toàn trở thành bằng chứng cho thấy chính Thiên Chúa thực sự đang hành động ở đây, và rằng Đức Giêsu là Đấng Cứu Độ trần gian được Thiên Chúa Cha sai đến. Do đó, trước hết, Mátthêu triển khai câu chuyện thời thơ ấu của thánh Giuse, để cho thấy rằng Đức Giêsu là con vua Đavít, người thừa kế theo lời hứa, là Đấng tiếp nối triều đại Đavít và biến nó thành vương quyền của Thiên Chúa trên toàn thế giới. Gia phả của Đavít dẫn đến Giuse. Trong giấc mộng, sứ thần gọi thánh Giuse là con vua Đavít (Mt 1,20). Đó là lý do tại sao thánh Giuse trở thành người đặt tên cho Hài nhi Giêsu: “việc đảm nhận địa vị làm con được nên trọn trong việc đặt tên.”[2]

Chính vì Mátthêu muốn cho thấy mối tương quan giữa lời hứa và sự ứng nghiệm, nên Đức Trinh Nữ Maria xuất hiện bên cạnh hình ảnh thánh Giuse. Lời hứa mà Thiên Chúa đã thiết lập với vua A-khát qua ngôn sứ Isaia, kẻ không muốn xin Thiên Chúa một dấu lạ nào khi quân thù đang đến gần, vẫn chưa được tiết lộ và vẫn chưa thể hiểu được. “Tôi sẽ không xin, tôi không dám thử thách Đức Chúa […] Vì vậy, chính Chúa Thượng sẽ ban cho các ngươi một dấu: Này đây người thiếu nữ sẽ mang thai, sẽ sinh hạ con trai, và đặt tên là Emmanuel” (Is 7,12-14). Không ai có thể nói dấu chỉ này có ý nghĩa gì vào thời điểm lịch sử của vua A-khát, nếu nó được đưa ra, nó bao gồm những gì. Lời hứa vượt ra khỏi thời điểm của lịch sử đó. Lời hứa tiếp tục tỏa sáng trên lịch sử của Israel như một ngôi sao hy vọng hướng đến một tương lai chưa được biết tới. Đối với Mátthêu, khi Đức trinh nữ Maria hạ sinh Đức Giêsu thì bức màn đã được vén lên: dấu chỉ ấy nay đã được ban tặng. Đức Trinh Nữ Maria sinh hạ bởi quyền năng Chúa Thánh Thần chính là một dấu chỉ. Giờ đây, một tước hiệu mới được gắn liền với dòng tiên tri thứ hai này, mang lại cho danh hiệu Giêsu tất cả ý nghĩa và chiều sâu đầy đủ của nó. Nếu dựa vào lời hứa của ngôn sứ Isaia, con trẻ được gọi là Emmanuel, thì đồng thời khuôn khổ của lời hứa với nhà Đavít được mở rộng thêm.

Vương quốc của đứa trẻ này vượt xa những gì mà lời hứa có thể mong đợi từ nhà Đavít: vương quốc của hài nhi này chính là vương quốc của Thiên Chúa; Đấng thông dự vào tính phổ quát nơi Vương quyền của Thiên Chúa, bởi vì nơi Người, chính Thiên Chúa đã đi vào lịch sử nhân loại.

Tuy nhiên, không phải đến những câu cuối cùng trong Tin mừng của mình, thánh sử Mátthêu mới lấy lại lời công bố với nội dung tương tự mà ngài đã nhắc đến trong trình thuật về việc nhập thể và hạ sinh của Đức Giêsu. Trong suốt cuộc đời trần thế, Đức Giêsu biết rằng Người bị giới hạn trong Nhà Israel và Người vẫn chưa được sai đến với các dân tộc trên thế giới. Tuy nhiên, sau cái chết trên thập giá, bằng tiếng nói của Đấng Phục Sinh, Đức Giêsu nói rằng: “Hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ […] Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,19-20).

Trong đoạn này, giờ đây Đức Giêsu đã tự mặc khải chính mình là một vị Thiên Chúa ở cùng chúng ta, mà phạm vi vương quốc mới của Người bao gồm tất cả mọi dân nước, bởi vì chỉ có một Thiên Chúa duy nhất cho tất cả mọi dân tộc. Tương tự như vậy, trong trình thuật nhập thể, thánh sử Mátthêu đã thay đổi kiểu nói của ngôn sứ Isaia. Thánh sử không lặp lại cụm từ “cô ấy [người trinh nữ] sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel, thay vào đó Mátthêu viết: người ta sẽ gọi tên Con trẻ là Emmanuel (nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta)”. Kiểu nói “người ta” này ám chỉ đến sự hiệp thông trong tương lai giữa các tín hữu, Hội thánh sẽ gọi Đức Giêsu bằng danh xưng này.[3] Trình thuật của thánh sử Mátthêu hoàn toàn tập trung vào Đức Kitô, vì nó hoàn toàn tập trung vào Thiên Chúa. Theo nghĩa này, Kinh Tin kính đã hiểu và trao điều đó lại cho Hội thánh. Nhưng bởi vì giờ đây Thiên Chúa ở cùng chúng ta, nên những người mang lời hứa là thánh Giuse và Mẹ Maria cũng có một tầm quan trọng thiết yếu. Thánh Giuse đại diện cho sự trung thành với lời hứa của Thiên Chúa đối với nhà Israel; trong khi Mẹ Maria là hiện thân cho niềm hy vọng của nhân loại. Thánh Giuse trở thành người cha hợp pháp theo luật, nhưng Mẹ Maria là thân mẫu Đức Giêsu, bằng chính thân xác của Mẹ: điều đó tùy thuộc vào Mẹ mà giờ đây Thiên Chúa đã trở thành một người trong chúng ta.

b. Luca 1,26-38

Bây giờ chúng ta hãy lướt qua trình thuật của Luca về việc thụ thai và sinh hạ Đức Giêsu như thế nào. Mục đích của chúng ta không phải là giải thích bản văn rất súc tích này, nhưng chỉ để nắm bắt sự đóng góp đặc biệt của bản văn đối với Kinh Tin kính. Tôi muốn giới hạn những nhận xét của mình vào đoạn truyền tin về việc hạ sinh Đức Giêsu của Tổng lãnh Thiên thần Gabriel (Lc 1,26-38). Thánh sử Luca để cho mầu nhiệm Ba Ngôi tỏa sáng qua những lời của sứ thần, và vì thế, làm cho biến cố này trở thành tâm điểm của thần học mà toàn bộ lịch sử thánh nhắm đến, bao gồm cả Kinh Tin kính. Đứa trẻ được sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa, Con Đấng Tối Cao. Hơn nữa, Chúa Thánh Thần, hiện thân cho quyền năng của Đấng Tối Cao, sẽ tác động cách nhiệm mầu lên việc con trẻ được thụ thai. Do đó, Tin mừng nói về Chúa Con và gián tiếp nói đến Chúa Cha và Chúa Thánh Thần.

Trong đoạn Tin mừng này, Luca sử dụng từ “rợp bóng” (Lc 1,35) để miêu tả việc Thánh Thần sẽ “ngự xuống” trên Đức Maria. Bằng cách ấy, Luca muốn ám chỉ đến những trình thuật của Cựu ước về đám mây thánh ngự trên Lều Hội ngộ, cho thấy sự hiện diện của Thiên Chúa. Vì thế, Đức Maria được xem như Lều thánh mới, Hòm bia Giao ước sống động. Tiếng xin vâng của Mẹ trở nên nơi gặp gỡ, qua đó Thiên Chúa có được chỗ cư ngụ trên trần gian này. Thiên Chúa, Đấng không ngự nơi những tòa nhà bằng đá, nhưng lại cư ngụ nơi một tiếng xin vâng với cả thân xác và linh hồn; Thiên Chúa, Đấng mà thế giới không thể nào chứa nổi, lại có để đến cư ngụ hoàn toàn nơi một con người. Thánh sử Luca nhiều lần triển khai chủ đề Ngôi đền thờ mới, Hòm bia Giao ước đích thực. Điều này đặc biệt đúng trong lời chào của Sứ thần dành cho Đức Maria, “mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng”. Ngày nay hầu như không có ai tranh cãi những lời của Sứ thần mà Luca viết cho chúng ta đã lấy lại nội dung lời hứa dành cho thiếu nữ Sion trong sách Xôphônia 3,14 vốn loan báo cho thiếu nữ Sion rằng Thiên Chúa đang ngự nơi cô. Do đó, lời chào của Sứ thần cho thấy chính Đức Maria vừa là thiếu nữ Sion vừa là nơi Thiên Chúa cư ngụ, ngôi lều thánh mà trên đó đậu lại đám mây của sự hiện diện Thiên Chúa.[4] Các giáo phụ đã nắm bắt ý tưởng này mà kết quả là đã có những ảnh hưởng mang tính quyết định đối với nghệ thuật ảnh tượng của Kitô giáo cổ thời. Với cây gậy trổ hoa, thánh Giuse được xem như một vị thượng tế, nguyên mẫu của vị giám mục Kitô giáo. Về phần mình, Đức Maria chính là Hội thánh sống động. Chính trên Mẹ mà Thánh Thần ngự xuống, và do đó, biến Mẹ thành Đền thờ mới. Thánh Giuse, người công chính, được chỉ định làm người quản lý những mầu nhiệm của Thiên Chúa, người cha trong gia đình và người bảo vệ thánh điện, là Đức Maria và Ngôi Lời trong lòng Mẹ. Vì thế, thánh Giuse trở thành hình mẫu (icon) của vị giám mục, người mà tân nương đính ước. Nàng không theo sự tùy ý sắp đặt của phu quân, nhưng ở dưới sự bảo vệ của chàng.[5] Mọi chi tiết ở đây đều trực tiếp hướng đến Thiên Chúa Ba Ngôi, nhưng chính vì lý do này mà sự hiện diện của Thiên Chúa với chúng ta trong lịch sử trở nên đặc biệt rõ ràng và hữu hình nơi mầu nhiệm Đức Maria và Hội thánh.

Có một điểm khác trong trình thuật của Luca về việc truyền tin mà đối với tôi dường như quan trọng đối với những gì chúng ta đang thảo luận. Thiên Chúa đòi hỏi tiếng xin vâng của con người. Ngài không đơn giản dùng uy quyền để ra lệnh. Khi tạo dựng con người, Thiên Chúa đã dựng nên một con người tự do đối diện Ngài, và giờ đây, Ngài muốn sự tự do ấy từ phía thụ tạo này để hiện thực hóa vương quốc của Ngài, vương quốc được thiết lập, không dựa trên quyền lực bên ngoài, mà là tự do. Nơi một trong những bài giảng của mình, thánh Bênađô Clairvaux đã miêu tả đầy kịch tính sự chờ đợi của Thiên Chúa và của nhân loại:

Lạy Mẹ Maria, Mẹ còn chờ đợi gì nữa? Mẹ sợ điều chi?... Lạy Đức Trinh nữ khôn ngoan, trong vấn đề này chỉ có Mẹ không cần phải sợ hãi... Lạy Đức Trinh Nữ, xin hãy mở rộng cõi lòng của Mẹ cho niềm tin, cho đôi môi của Mẹ để ngợi ca, mở cung lòng của Mẹ cho Đấng Tạo Hóa. Nhìn kìa, sự khát khao của các dân tộc đang đứng trước cửa mà gõ. Ôi, điều gì sẽ xảy ra nếu Người đi ngang qua trong khi Mẹ còn do dự? … Xin Mẹ hãy trỗi dậy, xin hãy nhanh lên, xin Mẹ hãy mở cửa ra bằng sự ưng thuận của Mẹ! [Quid tardus? Quid trepidas?... In hac sola re ne timeas, prudens Virgo, praesumptionem…, Aperi, Virgo beata, corf del, labia confessioni, viscera Creatori. Ecce desideratus cunctis gentibus forts pulsat ad ostium. O si, te morante, pertransierit… Surge, curre, aperi!][6]

Nếu không có sự tự do ưng thuận từ phía Mẹ Maria thì Thiên Chúa không thể trở nên xác phàm được. Chắc chắn, lời xin vâng của Đức Maria hoàn toàn là ân sủng. Quả thật, tín điều Đức Maria vô nhiễm nguyên tội chỉ để cho thấy rằng không có nghĩa là một con người làm cho ơn cứu chuộc bằng sức riêng của mình, mà đúng hơn, tiếng xin vâng của Mẹ hoàn toàn chứa đựng trong tình yêu của Thiên Chúa, ngay từ trước muôn thuở, vốn đã bao bọc con người, trước cả khi con người được hiện hữu. “Tất cả là hồng ân – All is grace”. Nhưng ân sủng không phá hủy sự tự do; ân sủng tạo nên tự do. Toàn thể mầu nhiệm cứu độ được thể hiện nơi trình thuật này và được tóm gọn trong lời đáp của Đức Trinh Nữ Maria: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1,38).

c. Lời Tựa của Tin mừng Gioan (Ga 1,13)

Giờ đây chúng ta chuyển sang Lời Tựa của Tin mừng Gioan, dựa trên ngôn ngữ của Kinh Tin kính. Ở đây, tôi cũng chỉ muốn phác thảo ba ý tưởng. “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1,14). Ngôi Lời đã trở nên người phàm: chúng ta đã quá quen với cách diễn tả này, đến nỗi sự tổng hợp thiêng liêng cao cả của Thiên Chúa đối với các cấu phần dường như không thể nối kết với nhau, mà các Giáo phụ chỉ có thể tìm thấy qua một quá trình tiệm tiến, thì nay chẳng còn làm chúng ta ngạc nhiên nữa. Ở đây, vẫn là điều đặc biệt mới mẻ của Kitô giáo, vốn đã là vô lý và không thể tưởng tượng nổi trong suy nghĩ của người Hy Lạp. Những gì mà đoạn Tin mừng này nói đến không bắt nguồn từ một nền văn hóa cụ thể nào, như Sêmít [Semitic] hay Hy Lạp, như ngày nay người ta vẫn khẳng định một cách thiếu suy nghĩ hết lần này đến lần khác. Tuyên bố này trái ngược với tất cả các hình thức văn hóa mà chúng ta đã biết. Đó là điều không thể tưởng nghĩ được đối với người Do Thái (mặc dù do nhiều lý do hoàn toàn khác nhau), cũng như đối với người Hy Lạp, người Ấn Độ, hoặc thậm chí đối với đầu óc hiện đại, vốn xem tổng đề của thế giới hiện tượng và tự thân là hoàn toàn phi thực tế và chống lại nó bằng nhận thức của lý tính tân thời. Những gì được nói ở đây là “mới mẻ”, bởi vì nó đến từ Thiên Chúa và chỉ có thể do Thiên Chúa mà thôi. Nó là cái gì đó hoàn toàn mới và xa lạ đối với mọi nền lịch sử và văn hóa; mà chúng ta có thể bước vào bằng đức tin và chỉ bằng đức tin mà thôi, và khi làm như thế những chân trời hoàn toàn mới về suy tư và cuộc sống sẽ được mở ra cho chúng ta.

Nhưng trong đoạn này, Gioan còn có ý nhấn mạnh một điểm khác khá đặc biệt. Việc tuyên bố rằng Ngôi Lời [Logos] đã trở thành xác phàm (sarx) báo trước cho chương 6 của Tin mừng Gioan, hoàn toàn là một phần mở rộng của phân nửa câu này.[7] Ở đó, Đức Kitô nói với người Do Thái và thế gian rằng: “Bánh tôi sẽ ban tặng [đó chính là Ngôi Lời, Đấng là bánh đích thực của con người] chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống” (Ga 6,51).

Chữ “xác phàm” nói cho chúng ta về sự thánh hiến của Đức Giêsu như một hy tế, về mầu nhiệm thập giá và về mầu nhiệm bí tích phục sinh phát sinh từ đó. Ngôi Lời không chỉ đơn giản trở nên xác phàm bằng cách nào đó để có một điều kiện hiện hữu mới. Bao gồm trong sự nhập thể là động lực của của hy tế. Chúng ta có một tham chiếu khác nơi những lời của Thánh vịnh: “Chúa đã tạo cho con một thân thể” (Hr 10,5; Tv 40). Vì thế, câu ngắn gọn này chứa đựng toàn bộ Tin mừng; chúng ta cảm thấy được chuyển tải đến lời của các Giáo phụ, mà theo đó, Ngôi Lời đã dấn thân và trở nên nhỏ bé. Điều này đúng ở hai điểm. Trước hết, Ngôi Lời vô hạn, nay đã trở nên nhỏ bé, theo nghĩa trở thành một hài nhi bé nhỏ. Nhưng Lời vô hạn, sự thành toàn tròn đầy của Kinh thánh, cũng tập trung nơi câu này, nơi đó cả lề luật và các ngôn sứ đều tập hợp lại với nhau.[8] Hữu thể và lịch sử, thờ phượng và luân lý đạo đức đều hiệp nhất với nhau, và cùng hiện diện mà không có sự hạn chế nào, nơi trọng tâm của chiều kích Kitô học.

Điểm nhận xét thứ hai mà tôi muốn trình bày ngắn gọn. Thánh sử Gioan nói về sự cư ngụ của Thiên Chúa như là kết quả và mục đích của mầu nhiệm nhập thể. Tác giả Tin mừng sử dụng hạn từ “cắm lều”, để diễn tả về Lều hội ngộ trong Cựu ước, do đó, cũng về thần học Đền thờ, được ứng nghiệm nơi Ngôi Lời nhập thể. Tuy nhiên, trong từ ngữ Hy Lạp, được sử dụng chữ “lều” – skene – chúng ta cũng nghe thấy âm vang của từ “Thần cư ngụ Shekinah”[9] trong tiếng Hípri. Đây là từ mà những người Do Thái ban đầu dùng để chỉ đám mây thánh thiêng; rồi sau đó, trở thành tên của chính Thiên Chúa, qua việc công bố “sự hiện diện đầy khoan dung của Thiên Chúa dành cho những người Do Thái được quy tụ để cầu nguyện và nghiên cứu lề luật.”[10] Đức Giêsu chính là “Thần cư ngụ - Shekinah” đích thực, mà qua đó, Thiên Chúa ở giữa chúng ta bất cứ khi nào chúng ta quy tụ nhân danh Ngài.

Cuối cùng, chúng ta phải nhìn thoáng qua cả câu. Đức Giêsu – Ngôi Lời – đã ban quyền trở thành con cái Thiên Chúa cho những ai đón nhận Người, “họ được sinh ra, không phải do khí huyết, cũng chẳng do ước muốn của nhục thể, hoặc do ước muốn của người đàn ông, nhưng do bởi Thiên Chúa”. Có hai truyền thống khác nhau giữa các chứng từ bản văn, và ngày nay người ta không còn có thể quyết định đâu là cách đọc nguyên thủy. Về mặt ý định và mục đích thì dường như cả hai truyền thống đều cổ xưa và uy thế như nhau. Cụ thể, một bản ở số ít: “người ấy được sinh ra, không phải do khí huyết, cũng chẳng do ước muốn của nhục thể, hoặc do ước muốn của người đàn ông, nhưng do bởi Thiên Chúa”. Cùng lúc đó là bản thông thường ở số nhiều: “họ được sinh ra … bởi Thiên Chúa”.[11] Có thể hiểu rằng có hai truyền thống văn bản, bởi vì trong cả hai trường hợp, câu này đều đề cập đến cả hai chủ thể. Vì lý do này, chúng ta phải luôn luôn đọc song song hai truyền thống, bởi vì chỉ có việc cùng đọc cả hai mới mang lại toàn bộ ý nghĩa cho bản văn. Nếu chúng ta sử dụng bản thông thường ở số nhiều, thì bản văn nói về những người chịu phép rửa, đã được Thiên Chúa ban cho sự tái sinh nhờ Ngôi Lời. Nhưng mầu nhiệm về việc sinh hạ đồng trinh Đức Giêsu, nguồn gốc của việc chúng ta được Thiên Chúa sinh ra, cũng được trình bày một cách rõ ràng đến nỗi chỉ có thành kiến mới có thể chối bỏ bản văn này. Đồng thời, ngay cả khi chúng ta coi bản “số ít” là phiên bản gốc, thì vẫn hiển nhiên đề cập rõ ràng đến “tất cả những người đã tiếp nhận Người”. Rõ ràng, vấn đề việc Đức Giêsu được thụ thai do Thiên Chúa, cuộc sinh hạ mới mẻ của Người là để “đón nhận” và tái sinh chúng ta. Cũng giống như câu nói về việc nhập thể của Ngôi Lời hướng đến chương 6 về Bí tích Thánh Thể, câu này rõ ràng báo trước cuộc đối thoại với Nicôđêmô ở chương 3. Đức Giêsu nói với Nicôđêmô rằng việc sinh ra về mặt thể xác không đủ để được vào Nước Thiên Chúa. Cần có sự tái sinh bởi ơn trên, là được tái sinh bởi nước và Thần Khí (Ga 3,5). Đức Kitô, Đấng nhờ quyền năng Thánh Thần được thụ thai trong lòng Đức Trinh Nữ Maria, là khởi đầu của một nhân loại mới, một phương thức hiện hữu mới. Trở thành một Kitô hữu có nghĩa là được đưa vào sự khởi đầu mới này.

Việc trở thành một Kitô hữu còn hơn cả việc hướng về những ý tưởng mới, một đặc tính mới hay một cộng đoàn mới. Sự biến đổi này có tính chất căn bản của một cuộc sinh ra thực sự, một cuộc sáng tạo mới. Nhưng một lần nữa, điều này có nghĩa là Mẹ Đồng Trinh ở ngay tại trung tâm của biến cố cứu độ. Với toàn thể con người, Mẹ đảm bảo cho điều mới mẻ mà Thiên Chúa đã thực hiện. Chỉ khi câu chuyện của Mẹ là đúng và có mặt ngay lúc ban đầu thì những lời của thánh Phaolô mới trở nên chân thật: “Cho nên, phàm ai ở trong Đức Kitô đều là thụ tạo mới” (2Cr 5,17).

3. Dấu chân Thiên Chúa

Thiên Chúa không bị ràng buộc vào cột đá, nhưng chính Ngài đã tự ràng buộc mình với những con người sống động. Lời thưa xin vâng của Mẹ Maria đã mở ra một khoảng không gian mới, nơi Mẹ, Thiên Chúa có thể cắm lều ở giữa nhân loại. Đối với Ngài, điều này tự nó trở thành chiếc lều hội ngộ, và theo cách này, đây là sự khởi đầu của Hội thánh thánh thiện, đến lượt mình, Hội thánh là một dự cảm về Giêrusalem mới, nơi không có đền thờ, vì chính Thiên Chúa đã cư ngụ trong Giáo hội. Do đó, đức tin vào Chúa Kitô, mà chúng ta tuyên xưng trong Kinh Tin kính của những người đã được rửa tội, là một sự thiêng liêng hóa và thanh tẩy hóa mọi điều mà lịch sử các tôn giáo đã nói và mong đợi về sự cư ngụ của Thiên Chúa trên trần gian này. Nhưng đồng thời nó cũng là hiện thân và là sự cụ thể hóa vượt xa mọi mong đợi nơi bản thể của Thiên Chúa với loài người. “Thiên Chúa ở trong xác phàm”: sự kết hợp bất khả phân ly này của Thiên Chúa với thụ tạo của Ngài tạo nên chính xác trọng tâm của đức tin Kitô giáo. Vì vậy, có thể hiểu được rằng ngay từ đầu những người Kitô hữu đã coi những nơi đã diễn ra sự kiện này là sự thánh thiêng. Họ đã trở thành sự bảo đảm vĩnh viễn cho việc Thiên Chúa bước vào trần gian. Vì thế, Nadarét, Bêlem và Giêrusalem, đã trở thành những nơi mà theo một cách nào đó có thể nhìn thấy dấu chân của Đấng Cứu Thế, nơi mà mầu nhiệm nhập thể của Thiên Chúa chạm đến chúng ta rất gần gũi.

Liên quan đến câu chuyện truyền tin, Tin mừng sơ khởi (Protoevangelium) của Giacôbê tông đồ, từ thế kỷ thứ hai, và mặc dù có nhiều yếu tố huyền thoại, nhưng cũng có thể lưu giữ những ký ức có thật, đã chia sự kiện này thành hai nơi. Đức Maria “cầm bình và đi ra ngoài lấy nước. Kìa, một giọng nói vang lên: Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà, bà có phúc hơn mọi người phụ nữ”. Và bà quay sang bên phải bên trái để xem tiếng nói này vang lên từ đâu. Quá run sợ, bà trở về nhà và đặt bình đựng nước xuống, và lấy ra tấm vải, ngồi xuống và lấy sợi chỉ ra. Và này, sứ thần của Chúa đột nhiên đứng trước mặt và nói: “Thưa bà Maria, xin đừng sợ, vì bà đã được đầy ân sủng của Đấng toàn năng, và bà sẽ thụ thai Ngôi Hai làm người.”[12]

Theo truyền thống kép này, tương ứng với hai đền thờ, một đền thờ phương Đông ngay tại giếng nước và một vương cung thánh đường của Công giáo được kiến thiết xung quanh hang Truyền tin. Cả hai đều có ý nghĩa sâu sắc. Origen đã chú ý đến cách thức mà chủ đề giếng nước xác định cho những câu chuyện của các tổ phụ trong thời Cựu ước.[13] Bất cứ nơi nào họ đến, họ đều đào giếng. Nước là yếu tố căn bản của sự sống. Theo cách này, cái giếng ngày càng trở thành biểu tượng của sự sống, giống như giếng của Giacóp, trước đó, nơi Đức Giêsu đã mặc khải chính Người là nguồn nước hằng sống đích thực, nguồn suối mà cơn khát sâu xa nhất của con người đang mong chờ. Giếng nước, nguồn suối nước, trở nên dấu chỉ về mầu nhiệm Đức Kitô. Đấng ban cho chúng ta nguồn nước sự sống, và từ cạnh sườn Người được mở ra, máu và nước tuôn tràn. Giếng nước trở thành lời công bố về Đức Kitô. Cạnh bên đó là ngôi nhà, nơi cầu nguyện và hồi tâm mọc lên. “Khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo” (Mt 6,6). Biến cố rất cá nhân, truyền tin về sự nhập thể và lời đáp trả của Trinh nữ Maria, đòi hỏi sự quyết định của một gia đình. Các nghiên cứu của cha Bellarmino Bagatti đã cho thấy rằng, vào thế kỷ thứ hai, một bàn tay đã lần theo dấu vết trong hang đá tại Nadarét, lời chào của sứ thần với Đức Maria được viết bằng tiếng Hy Lạp: “Mừng vui lên, hỡi Maria”.[14] Gianfranco Ravasi có cơ hội nhận xét rằng, lời nhận định của nhà nghiên cứu này chứng thực rằng: “Sứ điệp Kitô giáo không phải là một tập hợp trừu tượng của các luận đề thần học về Thiên Chúa, mà là sự gặp gỡ của Thiên Chúa với thế giới của chúng ta, với những thực tại nơi gia đình và đời sống của chúng ta.”[15] Đó chính là điều chúng ta đang nói tới ở đây, trong ngôi nhà thánh tại Loreto, và trong Đại Năm Thánh: chúng ta hãy để cho mình được xúc động bởi tính cụ thể của hành động thiêng liêng để công bố với lòng biết ơn và sự tự nhận thức mới mẻ: “Người đã nhập thể trong lòng Đức Trinh Nữ Maria, và đã làm người.”

Chuyển ngữ: Giuse Phan Văn Phi, O.Cist.

Trích trong bản tiếng Ý: “Nơi Đức Maria, Giáo hội được hạ sinh - Maria, Chiesa nascente”, San Paolo Edizioni 2005, & bản tiếng Anh: “Nơi Đức Maria, Giáo hội tại nguồn – Mary, The Church at The Source”, Ignatius Press 2005, trang 81-96.



[1] Về điểm này, xin xem F. Mußner, Maria, die Mutter Jesu im Neuen Testament (St. Ottilien, 1993), tr. 45: “ταπεινός (tapeinós), means nugatory, trivial, paltry, insignificant … ‘From now on’ all that will be completely different: Mary will cease to be an unnoticed, ‘anonymous’ girl; rather, her name will … have meaning for all generations to come.” Chữ hèn mọn: ταπεινός (tapeinós), nghĩa là sự vô nghĩa, tầm thường, ... ‘từ nay về sau’, sẽ hoàn toàn khác: Đức Maria không còn là người thiếu nữ “ẩn danh” và không được ai biết đến nữa; đúng hơn, danh của Mẹ sẽ trở nên quan trọng cho mọi thế hệ mai sau”.

[2] J. Gnilka, Das Matthäusevangelium, vol. 1 (Freiburg, 1986), tr. 19.

[3] J. Gnilka, sđd., tr. 21.

[4] x. S. M. Iglesias, Los evangelios de la inýancia, vol. 2 (Madrid, 1986), tr. 149-160. See also, in the present volume, Joseph Ratzinger, “Hail, Full of Grace”.

[5] I am relying here on an unpublished work of A. Thiermeyer Josef als Idealbild des frühchristlichen Bischofs und Priesters (Rome, 1989), which offers an exegesis of the iconography of the triumphal arch of Saint Mary Major in the light of contemporary patristic texts.

[6] x. Thánh Bênađô Clairvaux, In laudibus Virginis Matris, vol. 4, 8, trong Opera Omnia, dòng Xitô xuất bản, vol. 4 (1966), trang 53tt: “Quid tardus? Quid trepidas?... In hac sola re ne timeas, prudens Virgo, praesumptionem…, Aperi, Virgo beata, corf del, labia confessioni, viscera Creatori. Ecce desideratus cunctis gentibus forts pulsat ad ostium. O si, te morante, pertransierit… Surge, curre, aperi! What are you waiting for? What are you afraid of?... Wise Virgin, in this matter only you need not fear presumption… Blessed Virgin’ open your heart to faith, your lips to praise, your womb to the Creator.’ Behold, the desire of the nations stands without, knocking at the door. Oh, what if he should pass by while you delay?... Get up, run, open!”

[7] x. R. Schnackenburg, Das Johannesevangelium, vol. 1 (Freigurg, 1965), tr. 243.

[8] x. H. U. von Balthasar, “Das Wort verdichtet sich” Internationale katholische Zeitschrift Communio 6 (1977): 397-400. Đối với các bản văn của Origen, Grêgôriô Nazianzen và Maximus the Confessor mà Balthasar đã nói đến, người ta có thể thêm vào Augustinô, Tractatus in Johannem 17:7tt (CCL 36, tr. 174tt).

[9] Shekinah: Thần cư (Hb: nhà ở, nơi cư trú). Thuật ngữ do các Rabbi dùng để nói đến sự hiện diện của Thiên Chúa ở giữa loài người, cụ thể là sự biểu lộ vinh quang Thiên Chúa trong đền thờ (1V 8,11; 2Sb 7,1), hoặc sự hiện ra trong đám mây (Xh 14,19). Sách Tin mừng thánh Gioan sử dụng thuật ngữ này để nói về việc Ngôi Lời nhập thể “đã cư ngụ ở giữa chúng ta” và chúng tôi đã được “nhìn thấy vinh quang của Người” (Ga 1,14).

[10] Schnackenburg, Johannesevangelium, 1:245.

[11] Năm 1965 (Johannes evangelium, 1:241), Schnackenburg vẫn còn nói rằng “cho dù cả hai câu nói đều xưa cũ, nhưng chúng ta vẫn quan niệm câu nói số nhiều mang tính nguyên bản”. Ông vẫn duy trì quan điểm trái ngược với J. Galot, trong phụ chú đầu tiên của cuốn đầu tiên, trong tái bản lần thứ ba, năm 1972 (Johannesevangelium, 4:191). Trong phụ chú thứ hai (tái bản lần thứ tư năm 1978), dưới ánh sáng của những gì đã xuất bản do M. Vellanikkal, 1, de la Pottierie, và p. Hofrichter, vấn đề còn bỏ ngỏ.

[12] (II: Iff.). Dịch từ bản tiếng Đức trong E. Hennecke và w. Schneemelcher, Neutestamentliche Apokryphen, vol. 1: Evangelien (Tübingen, 1959), tr. 280-290, trích dẫn số 284. x. phần giới thiệu quan trọng của O. Cullmann, tr. 277-279.

[13] See the magnificent text in the Homilies on Genesis 13:1-4 (GCS 29: Baehrens, Origenes, 6:113-21). See also J. Corbon, Liturgie aus dem Urquell (Einsiedeln, 1981), 17f.

[14] G. Ravasi, I Vangeli di Natale, Societa san Paolo, 1992, tr. 45 và 54.

[15] Sđd., tr. 54.