MẦU NHIỆM THẬP GIÁ TRONG ĐỜI SỐNG VÀ SỨ VỤ CỦA NGƯỜI LINH
MỤC
Lm. Phaolô Nguyễn Phú Cường
WHĐ (05.04.2023) – Đức Giêsu nói với các môn đệ: "Ai muốn
theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16, 24).
Có
thể nói rằng không một người giáo dân nào, nam hay nữ nắm bắt và
hiểu được đầy đủ ơn gọi cao cả về chức Tư Tế Thánh Thiêng của Chúa
Giêsu Kitô, tức là ý nghĩa của việc sống ơn gọi này cho bằng những
người được sống trong ơn gọi linh mục. Do đó, hơn ai hết mỗi người
linh mục phải là người biết sống trọn vẹn chức Linh Mục cao quí của
Chúa Giêsu. Mà tự bản chất chức Linh Mục cao quí của Chúa Giêsu luôn
mang trong đó thập giá của sự hy sinh chính mình cho người khác để
làm hy tế dâng lên Chúa Cha nhằm mang ơn cứu độ cho con người (x. Rm
4,25). Cũng vậy, chính Chúa Giêsu muốn các tông đồ là các linh mục
đầu tiên của Ngài và những người nối tiếp họ vác thánh giá mỗi
ngày mà theo Ngài: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá
mình mà theo.” (Mt 16, 24).
Quả vậy, khi Chúa Giêsu yêu
cầu những người muốn theo Ngài, Ngài cũng làm sáng tỏ rằng người
môn đệ thì cần thiết tuyệt đối gắn kết với chính Ngài, điều đó
cũng giả thiết rằng người môn đệ phải đón nhận những điều kiện
sống của Ngài (x. Lc 9, 58) và đặt Ngài trên hết mọi sự ngay cả
những bổn phận thiêng liêng khác mà họ thấy cần phải thực hiện. (x.
Lc 9, 59-62).
Sự gắn kết này bao hàm một
sự hiệp thông hoàn toàn của đời sống, nó bao gồm ơn huệ của đời sống
cá nhân và sự cần thiết của việc chấp nhận thập giá (x. Mc 8, 34-38;
Mt 16, 24-28; Lc 9, 23 -27). Theo Chúa Giêsu là kết quả của một sự tự
do quyết định (x. Mc 8, 34), nhưng cũng là một sự hướng tới việc chấp
nhận. Quyết định này liên hệ đến việc từ bỏ chính mình, những khát
vọng riêng tư, danh dự riêng để đón nhận định mệnh của Chúa Giêsu.
Do vậy, người linh mục -
người môn đệ của Chúa Giêsu không có một lựa chọn nào khác là luôn
phải vác thập giá theo Thầy Giêsu. Người linh mục cần phải hiện tại
hóa việc vác thập giá trong cuộc sống và sứ vụ linh mục của mình.
Mỗi một linh mục có một thập giá của riêng mình, thập giá mà cuộc
đời và sứ vụ đặt trên vai người linh mục. Linh mục không đón nhận
thập giá trong cuộc đời như là việc tự hành hạ mình, nhưng là xác
tín rằng tôi không thể yêu Chúa và tha nhân nếu không tự hy sinh một
cách nào đó và không trải qua đau khổ. Bắt chước Chúa Giêsu vác thập
giá mình mỗi ngày lên đỉnh đồi Canvê, người linh mục sẽ trở nên môn
đệ đích thực của Ngài[1]. Đơn cử như kinh nghiệm
về mầu nhiệm thập giá của một linh mục bị cáo gian và sau đó được minh
oan, ngài đã chia sẻ như thế này:
Chúa Kitô chịu
đóng đinh trên Thập giá. Biết bao lần, trong tư cách là một linh mục, tôi đã
trình bày các suy niệm về bài Tin Mừng này. Rồi một ngày, họ đặt lên tôi một
cây thập tự, tôi cảm thấy toàn bộ sức nặng của cây gỗ đó: lời buộc tội được đưa
ra bằng những từ ngữ cứng như đinh đóng cột, con đường trước mặt trở nên một dốc
đứng, đau khổ đè nặng lên tôi. Khoảnh khắc đen tối nhất là nhìn thấy tên tôi
dán bên ngoài phòng xử án: ngay lúc đó tôi nhận ra rằng mình là một con người
vô tội mà bị buộc phải chứng minh sự vô tội của mình. Tôi bị treo trên thập tự
giá trong mười năm: Con đường Thánh giá của tôi đã đầy những hồ sơ, sự nghi ngờ,
buộc tội, lăng mạ. Mỗi lần tôi ở trong phòng xử án, tôi tìm kiếm cây thánh giá:
Tôi cứ dán mắt vào nó khi luật pháp điều tra câu chuyện của tôi.
Trong một khoảnh
khắc, sự nhục nhã khiến tôi nghĩ rằng tốt hơn là buông xuôi tất cả. Nhưng sau
đó, tôi quyết định vẫn là một linh mục, và tôi luôn luôn là một linh mục. Tôi
chưa bao giờ nghĩ đến việc giảm bớt thập giá của mình, ngay cả khi luật pháp
cho phép. Tôi đã quyết định chấp nhận một thử thách thường xuyên vì tôi nợ
chính mình, nợ những chàng trai trẻ tôi đã dạy trong những năm ở chủng viện, nợ
gia đình của họ. Trong khi tôi đang leo lên đồi Canvê của mình, tôi đã tìm thấy
tất cả họ dọc trên đường đi: họ trở thành những ông Simôn xứ Kyrênê của tôi, họ
mang vác sức nặng của cây thánh giá với tôi, họ làm tôi rơi nước mắt. Cùng với
tôi, nhiều người trong số họ cầu nguyện cho chàng trai trẻ đã buộc tội tôi: họ
không bao giờ dừng lại. Ngày mà tôi được tha bổng hoàn toàn, tôi thấy mình hạnh
phúc hơn mười năm trước: Tôi đã trải nghiệm Chúa trực tiếp tác động trong đời
tôi. Khi bị treo trên thập giá, tôi phát hiện ra ý nghĩa chức tư tế của mình[2].
Qua những lời chia sẻ ở trên
cho chúng ta xác nhận một điều là chúng ta có thể cố gắng hạn chế đau khổ,
chống lại nó, nhưng chúng ta không thể loại bỏ nó. Chúng ta được chữa lành
không phải do lảng tránh hay chạy trốn khỏi đau khổ, nhưng đúng hơn là nhờ khả
năng chấp nhận đau khổ, trưởng thành nhờ đau khổ và tìm thấy ý nghĩa nhờ kết hợp
với Chúa Kitô, Đấng đã chịu đau khổ với tình yêu vô biên[3].
Cũng vậy, như lời Đức Thánh
Cha Phanxicô nói với các ứng viên linh mục mà ngài sắp phong chức. Ngài nói
một linh mục không sẵn sàng ôm lấy thánh giá của Chúa Giêsu Kitô và không cố gắng
làm giảm bớt gánh nặng của dân mà mình được trao phó thì không xứng đáng với
danh nghĩa là linh mục. Và Đức Thánh Cha còn nói thừa tác vụ của linh
mục sẽ được hoàn thiện khi người linh mục biết kết hợp hy tế thiêng liêng
của mình với hy tế của Chúa Kitô, hy tế mà được dâng lên trong Thánh Lễ
qua bàn tay của linh mục[4].
Linh mục dâng hy tế như Chúa Giêsu
Trong sách Đường Hy Vọng, số 357, đấng đáng kính Phanxicô Xavie Nguyễn
Văn Thuận đã cảm nghiệm: “Mỗi lần dâng
Thánh Lễ là mỗi lần
giang tay đóng
đinh con lại
trên Thánh Giá, và uống cạn chén đắng với Chúa”. Đó cũng chính là
điều mà thánh Phaolô đã hướng dẫn các kitô hữu cách thức xứng hợp để thờ
phượng Thiên Chúa, khi ngài viết: “Thưa anh em, vì Thiên Chúa thương xót
chúng ta, tôi khuyên nhủ anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động,
thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa ” (Rm 12,1). Lời khuyên này dành đặc biệt
cho các linh mục. Linh mục phải hy sinh cả cuộc đời mình cho Chúa Kitô. Như Bộ
Giáo sĩ đã giải thích trong Chỉ Nam Thừa
Tác Vụ và Đời Sống Linh Mục:
Bởi vì, người
thừa tác viên cho Đức Kitô, Linh Mục Thượng Phẩm và đời đời, mượn trí khôn, ý
chí, tiếng nói và đôi tay, để qua thừa tác vụ đó, người có thể dâng cho Chúa
Cha Hy Lễ Bí Tích của ơn cứu chuộc, nên Linh Mục cũng phải có những phẩm giá của
Thầy mình và như Thầy, sống như một quà tặng cho anh em mình. Vì thế, ngài phải
học biết kết hợp mật thiết với lễ vật, đặt trên bàn thờ hy lễ cả cuộc đời mình
như dấu chỉ của tình yêu nhưng không và ân cần của Thiên Chúa[5].
Đàng khác, mỗi khi cử hành Thánh
Lễ là mỗi lần nhắc nhở cho các linh mục: “Thưa anh em, mỗi ngày tôi phải đối
diện với cái chết: tôi có hãnh diện về anh em trong Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng
ta, thì mới quả quyết như vậy” (1 Cr 15, 31), “Ước chi tôi chẳng hãnh diện về
điều gì, ngoài thập giá Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta! Nhờ thập giá Người, thế
gian đã bị đóng đinh vào thập giá đối với tôi, và tôi đối với thế gian.” (Gl 6,
14). Bàn tay linh mục được Đức Giám Mục xức dầu thánh không những để làm các
việc thánh, mà còn để mũi đinh đã đâm thâu qua bàn tay Chúa Giêsu trên thập
giá cũng đâm xuyên qua bàn tay của người linh mục. Hay nói một cách ngắn gọn:
Đức Kitô phải tìm thấy lại những dấu chỉ đau khổ của Ngài nơi các linh mục[6].
Vì vậy, khi một linh mục cử hành
Thánh lễ, ngài không chỉ là tư tế mà còn là của lễ, cùng với Chúa Kitô Linh Mục,
ngài là Bánh Thánh! Các linh mục phải kết hợp với Hy Tế của Chúa Kitô để mang
lại cho Thánh lễ tất cả ý nghĩa sâu xa nhất của nó. Quả thật, đấng đáng kính
Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận là một mẫu gương tuyệt vời về kinh nghiệm sâu
sắc trong việc liên kết những đau khổ của ngài với hy tế Thập giá của Chúa Kitô
trong việc cử hành Thánh Lễ và trong chính đời sống mục tử của ngài. Kinh
nghiệm này đã được ngài thuật lại qua những điều ngài suy niệm trong
thời gian ngài bị biệt giam:
Trong giây phút này Chúa Giêsu tiếp tục
Thánh Lễ.
Chúa Giêsu tiếp
tục thánh lễ đến tận thế, người sử dụng dụng bàn tay của linh mục trong phép
Thánh Thể một cách huyền nhiệm mà thực tại.
Dâng thánh lễ
đúng nghi thức phụng vụ không đủ, Chúa Giêsu không theo qui luật phụng vụ ngày
nay; nhất là những tâm tình trong giờ tử nạn, nhất là trên thánh giá, đau khổ
thể xác, nhất là đau khổ tinh thần, chịu sỉ nhục cho đến chết nhục hình trên
thánh giá, hình phạt dành cho nô lệ, chịu mọi người ruồng bỏ, kể cả Đức Chúa
Cha.
Xin Chúa cho
chúng con dâng thánh lễ như Chúa Giêsu.
Nếu chúng con
không dâng mình làm hy lễ toàn thiêu, nếu cuộc đời chúng con không chịu đói, chịu
khát, chịu lạnh lẽo, chịu sỉ nhục, chịu khổ, chịu vả vào mặt, chịu đội mũ gai,
chịu vác thánh giá, chịu đóng đinh, chịu chết, chịu chôn trong mồ kẻ khác, phải
sửa chữa, phải vá, phải thay.
Chưa tế lễ như
Chúa Giêsu.
Nếu con còn sợ,
còn kiếm cách tránh né thân phận Chúa Giêsu, thì dù có theo nghi thức nào, có
long trọng đến đâu, con không tế lễ với tâm tình Chúa Giêsu[7].
Cũng vậy, mỗi ngày khi dâng
Thánh Lễ và cầu nguyện, các linh mục cần biết học nơi lời cầu nguyện
của Chúa Giêsu lúc sinh thì trên thập giá dạy chúng ta cầu nguyện
với tất cả tình yêu dành cho nhiều anh chị em của chúng ta đang bị đè nặng
bởi sức nặng của cuộc sống hàng ngày, những người đang sống qua những giây phút
khó khăn trong cuộc sống và thất bại trong công việc, những người đang
đau đớn, những người sống trong cô đơn của sợ hãi, của bạo lực, chiến
tranh, bệnh tật, bị bỏ rơi vì thiếu đi sự quan tâm của những người
xung quanh; chúng ta hãy đặt tất cả những điều này trước trái tim của Thiên
Chúa, để họ cũng cảm nhận được tình yêu của Thiên Chúa, Đấng không bao giờ bỏ
rơi chúng ta.[8]
Vấn tâm
Trong bài giảng của Đức Thánh
Cha Phanxicô trong thánh lễ truyền chức linh mục tại Vương cung thánh đường
Thánh Phêrô ở Vatican vào ngày 7 tháng 5 năm 2017, ngài ngỏ lời với các
ứng viên sắp được chịu chức linh như thế này: “Con hãy ý thức việc con
làm, noi theo điều con thực hiện. Hãy bắt chước những gì con cử hành để khi
tham dự vào mầu nhiệm tử nạn và phục sinh của Chúa, cố gắng hết sức để chết cho
tội lỗi và bước đi trong sự sống mới của Đức Kitô. Một linh mục có lẽ đã học rất
nhiều về thần học và có một, hai, ba bằng cấp, nhưng không học cách vác Thánh
Giá Chúa Kitô, thì vô ích. Người ấy sẽ là một học giả giỏi, một giáo sư giỏi,
nhưng không phải là một linh mục”[9]. Cũng như, Đức Thánh Cha
Phanxicô đã nói với các linh mục “không thể thương lượng được thập giá” khi rao
giảng Tin Mừng. Và ngài đi xa hơn khi nói rằng “việc rao giảng Tin Mừng có hiệu
quả không phải vì những lời hùng hồn của chúng ta, nhưng vì sức mạnh của thập
giá”[10].
Thiết nghĩ trong cuộc đời và
sứ vụ linh mục, chúng ta thấy mình không ngừng phải đối diện với
“hôm nay” của đau khổ, vì đau khổ nó cũng thuộc về hiện sinh của con
người[11]. Nhưng mỗi linh mục phải
luôn hỏi chính mình: Tại sao Chúa ôm lấy thập giá trọn vẹn và cho đến cùng?
Tại sao Chúa Giêsu đón nhận toàn bộ cuộc Khổ nạn của Người: bị bạn bè phản bội
và ruồng bỏ sau Bữa Tiệc Ly, bị bắt giữ bất hợp pháp, bị xét xử qua loa và bản
án bất công, bị đánh đập và khạc nhổ vào người một cách vô cớ …?[12]. Bởi lẽ khi hỏi những
câu hỏi này, người linh mục sẽ cảm thấu được ý nghĩa và giá trị
của mầu nhiệm thập giá trong cuộc đời và sứ vụ linh mục của mình.
Và biết rằng: “Chúa Kitô đã không đến làm tăng sự đau khổ của con người cũng
không rao giảng sự cam chịu với đau khổ; Ngài đến đem lại cho nó một ý nghĩa,
và loan báo nó đã chấm dứt và bị vượt qua”[13].
Trong năm mục vụ “Hiệp Thông
Loan Báo Tin Mừng" này, mọi thành phần dân Chúa trong giáo phận
được mời gọi nhiệt tâm loan bào Tin Mừng. Tuy nhiên, một nhiệt huyết
loan báo Tin Mừng còn chạm đến cách đặc biệt hơn nữa đối với những
người được kêu gọi vào chức linh mục thừa tác[14].
Bên cạnh đó, trong năm mục vụ
này, chúng ta có cơ hội xác định lại việc “loan báo Tin Mừng” là
loan báo điều gì? Hơn bất kỳ ai khác, thánh tông đồ Phaolô đã quả quyết rõ
ràng trung tâm và trái tim của việc loan báo Tin Mừng của người kitô hữu và
ngài đã diễn đạt nó một cách dưới hình thức của một bản tuyên ngôn: “chúng
tôi rao giảng một Đấng Kitô bị đóng đinh” (1Cr 1, 23) và “chúng tôi không rao
giảng chính mình, mà chỉ rao giảng Đức Kitô Giêsu là Chúa" (2Cr 4,5). Những
lời này hoàn toàn biện minh cho lời khẳng định theo đó kitô giáo không phải là
một học thuyết mà là một con người. Đàng khác, trong thực tế, việc rao giảng
"Đức Kitô bị đóng đinh" hay "Đức Kitô Giêsu là Chúa" có
nghĩa là gì? Điều này không có nghĩa là luôn luôn và chỉ nói về Đức Kitô của
giáo lý hay Đức Kitô của tín điều, nghĩa là biến các bài thuyết giảng thành
các bài về Kitô học. Đúng hơn, nó có nghĩa là “đưa thời gian tới hồi viên mãn
là quy tụ muôn loài trong trời đất dưới quyền một thủ lãnh là Đức Kitô” (Eph
1,10), và đặt nền tảng nơi Ngài trong mọi việc, khiến mọi sự phục vụ nhằm
mục đích đưa con người đến “mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Kitô Giêsu,
Chúa của tôi” (Pl 3, 8)[15]. Hay một cách diễn tả
khác của Đức Thánh Cha Benedictô XVI khi nói về mục đích của việc
loan báo Tin Mừng trong đời sống của linh mục, ngài đã khẳng định
điều cốt yếu trong sứ vụ này là: “Linh mục không phải là nhà quản trị một
hội đoàn nào đó, tìm cách duy trì hoặc gia tăng con số các hội viên. Linh mục
là sứ giả của Thiên Chúa giữa loài người. Linh mục muốn dẫn đưa con người về
cùng Ngài và qua đó làm gia tăng cả tình hiệp thông giữa con người với nhau”[16].
(Trích bài suy niệm tĩnh tâm linh mục Giáo phận Phú Cường, tháng
04/2023)
[2] Văn phòng tuyên úy nhà tù "Due Palazzi", Các Bài Suy Niệm Ðàng Thánh Giá Thứ Sáu Tuần
Thánh 10 tháng 4 năm 2020 do Ðức Thánh Cha Phanxicô chủ sự, bản dịch của
JB Ðặng Minh An. Truy cập ngày 23 tháng 3, năm 2023.
https://vntaiwan.catholic.org.tw/homily/dangthanhgia2020b.htm
[4] x. Đức Thánh Cha Phanxicô, Bài
giảng của trong thánh lễ truyền chức linh mục của tại Vương cung thánh đường
Thánh Phêrô ở Vatican vào ngày 7 tháng 5 năm 2017. Truy cập 24 tháng 3, 2023.
[6] X. Micae Trần Đình Quảng, Cử
Hành Thánh Thể Và Đời Sống Thánh Của Linh Mục. Truy cập ngày 24
tháng 5 năm 2023.
https://www.simonhoadalat.com/HOCHOI/Giaohoi/ThuongHuan/ThuongHuan2009/07CuHanhThanhThe.htm
[7] F.X Nguyễn Văn Thuận, Cầu
Nguyện, mục 53: Trong Giây Phút Này Chùa Giêsu Tiếp Tục Thánh Lễ, 2001,
115 -116.
(F.X Nguyễn Văn Thuận, Preghiere di speranza. Tredici anni in carcere,
Ed. San Paolo, Milano 1997, 84 – 85.)
[8] x. Benedict XVI, General
Audience February 8, 2012. Accessed Mar 23, 2023. https://www.vatican.va/content/benedict-xvi/en/audiences/2012/documents/hf_ben-xvi_aud_20120208.html
[9] Đức Thánh Cha Phanxicô, Bài
giảng của trong thánh lễ truyền chức linh mục của tại Vương cung thánh đường
Thánh Phêrô ở Vatican vào ngày 7 tháng 5 năm 2017. Truy cập ngày 23
tháng 3, 2023.
[10] x. Đức Thánh Cha Phanxicô, Bài
Giảng Thứ Năm Tuần Thánh ngày 1 tháng 4 năm 2021. Truy cập ngày 23 tháng
3, 2023.
[13] Raniero Cantalamessa, Chúng
tôi rao giảng Một Đức Kitô Bị Đóng Đinh, bản dịch của Micae Trần
Đình Quảng (Tp. Hồ Chí Minh: Tôn Giáo, 2020), 384.
[14] x. Bộ Giáo Sĩ, Đào Tạo
Linh Mục – Hồng Ân Ơn Gọi Linh Mục, bản dịch của UB. Giáo Sĩ và
Chủng Sinh( Tp. Hồ Chí Minh: Tôn Giáo, 2017), số 91.
[15] x. Raniero Cantalamessa, L'anima
di ogni sacerdozio. Collana Le Àncore (Milano, Àncora Press, 2014), IV.
[16] ĐTC Benedetto XVI, Thư Gửi Các Chủng Sinh, bản dich của G. Trần Đức Anh. Truy cập ngày 28 tháng 3, 2023. https://tgpsaigon.net/bai-viet/duc-thanh-cha-gui-thu-cho-cac-chung-sinh-41832