Mầu nhiệm ân sủng và ơn cứu độ - Thần học Ba Ngôi của Karl Rahner

23/10/2022


MẦU NHIỆM ÂN SỦNG VÀ ƠN CỨU ĐỘ:
THẦN HỌC BA NGÔI CỦA KARL RAHNER

Peter Phan Dinh Cho

WHĐ (23.10.2022) - Bất cứ ai quen với những tác phẩm thần học đồ sộ của nhà thần học người Đức, thuộc Dòng Tên, Karl Rahner (1904-1984), phải khó khăn lắm để bỏ qua sự “trớ trêu” này là: Đối với nhiều người, Rahner được coi như là người đã đóng góp sự ảnh hưởng lớn nhất cho sự phục hưng của thần học Ba Ngôi trong thế kỷ XX, ít ra trong Hội Thánh Công Giáo. Ông quả quyết cách mạnh mẽ rằng Ba Ngôi phải là trung tâm điểm của thần học và đời sống Kitô hữu, thế nhưng, số lượng những tác phẩm rõ ràng của ông về Ba Ngôi lại rất ít. Trong tác phẩm lớn tổng hợp (Foundations of Christian Faith) chỉ có ít ỏi bốn trang về Ba Ngôi, với tựa đề: “Hướng tới một sự hiểu biết về Ba Ngôi.”[1] Ngoại trừ một số đoạn trong tác phẩm Theological Investigations (Những nghiên cứu thần học) và hai mục từ trong cuốn bách khoa Sacramentum mundi,[2] thì tác phẩm dài nhất của Rahner về Ba Ngôi là cuốn sách “The Trinity” được coi như một kim chỉ nam cho thần học.

Vậy, dầu có ít ỏi những tác phẩm về Ba Ngôi, nhưng tại sao Rahner vẫn được coi là người tiên phong cho việc tái khám phá về Ba Ngôi trong thần học Công Giáo? Phải chăng sự ít ỏi này phản ánh một sự thiếu hụt về sự nhất quán giữa lý thuyết và thực hành của Rahner? Hay có thể nói rằng nó hoàn toàn đúng như vậy, bởi vì Ba Ngôi thấm nhuần toàn bộ cấu trúc và nội dung của tác phẩm Foundation of Christian Faith, rằng một nghiên cứu dày về Ba Ngôi là không cần thiết chăng? Như thế đâu là ý nghĩa liên quan đến thần học Ba Ngôi của ông và theo cách thức nào ông đã canh tân thần học Kitô Giáo về Ba Ngôi? Để trả lời những câu hỏi này, trước hết, cần phải xác định thần học Ba Ngôi của Rahner trong bối cảnh của tân Kinh Viện Công Giáo hay thần học theo giáo khoa vốn là lương thực chủ yếu trong các chủng viện Công Giáo từ năm 1960; thứ đến cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng tư tưởng chủ đạo của ông, dẫu với một không gian giới hạn.


I. BỐI CẢNH LỊCH SỬ VÀ THẦN HỌC

     1. Con người như “thần khí trong thế giới”. 2

     2. Thế giới của Ân sủng dư đầy. 3

     3. Thiên Chúa: một và/hoặc ba?. 4

II. CHÂM NGÔN CỦA RAHNER. 6

     1. Ba Ngôi ngoại tại và nội tại (Economic and immanent Trinity) 6

     2. Mục đích của châm ngôn Rahner 7

     3. Nền tảng thần học của châm ngôn Rahner 8

     4. Những hệ luận của châm ngôn Rahner 10

III. SỰ THÔNG BAN CỦA CHA QUA HAI DẠNG THỨC PHÂN BIỆT CỦA LỜI VÀ THẦN KHÍ 12

     1. Hành vi thông ban chính mình cách tự do của Chúa Cha trong hai dạng thức cần thiết của Lời và Thần Khí trong lịch sử. 12

     2. Bốn phương diện của Thiên Chúa Cha thông ban chính mình. 13

     3. Sự hiệp nhất của các phương diện khác nhau về sự thông ban chính mình của Thiên Chúa theo hai dạng thức của nó. 14

     4. Từ Ba Ngôi ngoại tại đến Ba Ngôi nội tại


I. BỐI CẢNH LỊCH SỬ VÀ THẦN HỌC

Một sự oái oăm khác trong sự nghiệp dạy học của Rahner là ngay từ đầu ông được bề trên của mình định hướng để trở thành một giáo sư triết học chứ không phải thần học. Chỉ sau khi luận văn tiến sỹ triết học của ông, một chú giải về Summa theologiae của thánh Tôma Aquinô, I, q. 84, a. 7, mà sau này được xuất bản với tựa đề Geist in Welt (Spirit in World)[3] bị từ chối bởi vị hướng dẫn của ông, cha Martin Honecker Dòng Đaminh, vì không mang đủ tố chất Tôma, bề trên của ông đã gửi ông tới Đại học Innsbruck để dành được bằng tiến sỹ về thần học; ông đã hoàn thành trong một vài tháng và nhờ đó ông có thể theo đuổi một sự nghiệp thần học. Tuy nhiên, nền tảng triết học mang lại cho Rahner một lợi thế, đặc biệt nền nhân học triết học, như ông quả quyết nó được cắm rễ trong ngôn ngữ của thánh Tôma và ông đã nghiên cứu sâu xa hơn trong tác phẩm Hearers of the WordNhững thính giả của Lời.

1. Con người như “thần khí trong thế giới”

Mặc dầu thần học Ba Ngôi của Rahner trước hết được cắm rễ trong Kinh Thánh, các Giáo Phụ Hy Lạp và nền linh đạo Kitô Giáo, tuy nhiên, nó cũng phản chiếu sâu xa hiểu biết của ông về siêu hình và nhân luận triết học. Theo Rahner, con người thực đúng là Geist in Welt, “tinh thần trong thế giới” (chứ không phải trong thế gian - nghĩa tiêu cực). Bởi vì, con người là tinh thần, họ cần siêu việt bản thân (self-transcendence), nhờ những hành vi hiểu biết, tự do hướng tới chân trời vô biên, vô tận của chân lý và tình yêu, mà Rahner gọi là mầu nhiệm thánh thiêng hay Thiên Chúa. Hành vi này được gọi là Vorgriff (tìm kiếm), một sự tìm kiếm trước về Đấng Tuyệt Đối mà không bao giờ chiếm giữ như một đối tượng, nó cho thấy rằng con người vì sở hữu một potentia obedientialis (khả năng để lắng nghe) đối với mạc khải thần linh, nghĩa là, sự sẵn sàng hiện sinh và khả năng tự nhiên trong mọi con người để đón nhận một lời hoặc sự thông ban chính mình từ Thiên Chúa, nếu Thiên Chúa muốn nói với họ.

Tuy nhiên, bởi vì họ ở “trong thế giới,” con người có thể thực hiện hành vi siêu việt mình nhờ hiểu biết và tình yêu chỉ trong lịch sử, trong thời gian và không gian, vì thế, Thiên Chúa phải tự do chọn lựa để nói với họ hết thảy, nhưng Thiên Chúa không thể chọn lựa khác nếu không thực hiện trongqua những biến cố lịch sử. Nếu và khi làm như thế, Thiên Chúa đi vào chân trời giới hạn và mục đích tiệm cận của sự hiểu biết và tình yêu của con người, Thiên Chúa sẽ mạc khải chính mình không phải như một vị thần xa cách, nhưng là Đấng Emmanuen, Thiên Chúa ở cùng chúng ta, cư ngụ trong lịch sử nhân loại.

2. Thế giới của Ân sủng dư đầy

Chỉ có thể khởi đi từ quan điểm đức tin, Rahner cho thấy, các Kitô hữu có thể quả quyết rằng Thiên Chúa quả thật đã đến gần với nhân loại, đã đảm nhận một sự hiện hữu lịch sử nhờ “Ngôi Lời – Word,” và hiến mình cho chúng ta như là “Ân sủng - Grace.” Quả thật, đức tin Kitô Giáo gọi hành vi thông ban chính mình này của Thiên Chúa cho chúng ta nhờ sự hiểu biết và yêu mến qua mầu nhiệm nhập thể của Chúa Con và ân sủng của Chúa Thánh Thần. Như thế, dù phê bình cách mỉa mai lối loại suy được gọi là theo tâm lý của Augustinô về Ba Ngôi, Rahner cho rằng hành vi nhân linh của hiểu biết và yêu mến như là những sự bắt chước của Ba Ngôi, như chúng ta sẽ thấy, dầu có một sự khác biệt căn bản, nghĩa là, đối với Rahner, đây không phải là tâm trí hiểu biết và yêu thương chính nó mà là sự loại suy về đời sống trong Ba Ngôi, nhưng là hiểu biết và yêu mến người khác, và cuối cùng Thiên Chúa, trong thế giới và trong lịch sử, điều này hướng tới một thực tại số nhiều của đời sống nội tại trong Thiên Chúa. Theo ý nghĩa này, thần học Ba Ngôi của Rahner là một nền thần học khởi đi từ dưới lên hoặc từ dưới (from below) như nó là, nghĩa là, khởi đi từ những kinh nghiệm cụ thể và lịch sử của chúng ta về sự thông ban chính mình của Thiên Chúa (God’s self – communication) trong ba phương thức của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.

Về phương pháp, theo Rahner, cách độc nhất là khởi đi từ điểm thuận lợi của những biến cố mà Thiên Chúa Cha thông ban chính mình trong Ngôi Lời và Thần Khí qua lịch sử (điều này được gọi là “Ba Ngôi trong nhiệm cục cứu độ,” mà nền thần học về Ba Ngôi có thể và phải xây dựng để đạt tới sự hiểu biết nào đó về Thiên Chúa là ai trong đời sống nội tại (intra trinitarian life or the immanent Trinity). Chúng ta sẽ trở lại điểm này ở phần dưới.

Khác biệt với các nhà thần học khác, chẳng hạn như Karl Barth và Hans Urs von Balthasar, những người nhấn mạnh tình trạng tội lỗi phổ quát của nhân loại và vì thế cần sự cứu chuộc của Thiên Chúa qua cái chết của Đức Giêsu trên thập giá, vì sự hiến mình này của Thiên Chúa, Rahner cố gắng nhìn lịch sử nhân loại như được trào tràn hoàn toàn nhờ sự thông ban chính mình của Thiên Chúa, được bày tỏ trong mầu nhiệm nhập thể của Logos và trao ban Thánh Thần. Dẫu bị đánh dấu bởi tội lỗi, thế giới thực sự và quả thực là một thế giới của ân sủng trong đó potentia obedientialis (thụ năng thần hoá tuỳ phục) của nhân loại được biến đổi trong mỗi và mọi người (each and every), Kitô hữu hay không, trước quyết định cá vị, thành điều mà Rahner gọi là “sự hiện sinh siêu nhiên – supernatural existential” – nghĩa là, một chiều kích hiện hữu con người thuộc cấu trúc và bản chất (dầu không phải thuộc yếu tính, bởi vì nó là ơn nhưng không), tác động đến cả lương tri của con người. Ít ra nơi cách thức căn bản của sự hiến mình của Thiên Chúa, việc được ban ân sủng xác định bản chất con người là gì, và không được coi là “bản tính con người.” Điều sau là một thực tại bị giảm thiểu theo triết học, nhưng đối với Rahner là một quan niệm dư thừa hay còn lại (residual or remainder), nghĩa là, bất cứ điều gì còn sót lại sau khi con người được hiểu bản chất là được ban tặng (graced).

Rahner nhấn mạnh rằng ân sủng này là sự hiến mình của Thiên Chúa được ban cho toàn thể nhân loại qua Đức Kitô và trong quyền năng của Chúa Thánh Thần. Tất cả mọi ân sủng là qua Chúa Kitô và Chúa Thánh Thần. Vì thế, con người có thể được tiền định để sở đắc một sự cấu thành Ba Ngôi và vì ân sủng được ban qua Đức Kitô, mọi người có thể được gọi là “những Kitô hữu vô danh – anonymous Christians” theo một câu nói nổi tiếng gây tranh luận của Rahner. Nhờ đó, Rahner không muốn nói rằng chúng ta có thể chắc chắn rằng mọi người sẽ de facto (thực tế) đón nhận sự tặng ban ân sủng của Thiên Chúa. Ông chỉ muốn nói rằng Thiên Chúa muốn mọi người được cứu độ và được nhận biết chân lý (x. 1 Tm 2,4) nhờ Đức Kitô và nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần, và ý định phổ quát cứu độ của Thiên Chúa là điều gì đó biến đổi toàn thể nhân loại thuộc hữu thể và cả ý thức. Đối với Rahner, trước hết ân sủng không phải là một điều gì đó (something), một phẩm chất (hoặc như truyền thống giáo khoa cho là một “phụ thể - accident”) được sáng tạo trong chúng ta nhờ Thiên Chúa, nhờ nguyên nhân hiệu quả (efficient causality) (“created grace – ân sủng tạo thành”), nhưng chính là sự cư ngụ của Thiên Chúa Ba Ngôi trong chúng ta theo thực tại Thiên Chúa Ba Ngôi, Chúa Cha, Chúa Con, Chúa Thánh Thần, nhờ cách bán-mô thức nguyên nhân (quasi-formal causality) (“Ân sủng bất tạo – Uncreated Grace).

3. Thiên Chúa: một và/hoặc ba?

Nếu Ba Ngôi là thực tại trung tâm trong đời sống con người và làm thành trung tâm điểm của thần học Kitô Giáo, nhưng làm sao trên trần gian đã có một sự lãng quên lớn lao và rất lâu về Ba Ngôi cả trong nền linh đạo lẫn thần học, ít nhất trong thần học La Tinh? Hay như Rahner diễn tả nó hơi ngoa ngụ: “Các Kitô hữu gần như là những “người vô thần” trong đời sống thực tiễn của họ” (The Trinity, 10) hoặc văn chương hơn, là những người theo thuyết nhất vị (unitarian) hoặc theo thuyết thần luận (deist). Rahner nghiên cứu sự thiếu hụt này về Ba Ngôi ở Tây Phương cho tới ảnh hưởng của Augustinô và Tôma về cách thức mà khảo luận về Ba Ngôi được cấu trúc. Trong giáo án tân – Kinh viện, khảo luận về Thiên Chúa thông thường được phân chia thành hai luận đề: “Về Thiên Chúa Duy nhất – De Deo Uno,” căn bản dựa trên siêu hình học về hữu thể và “Về Thiên Chúa Ba Ngôi – De Deo Trino,” một cách đặc biệt dựa trên mạc khải, với rất ít nếu có bất cứ sự nối kết giữa hai phần.[4]

Cái nhìn lịch sử của Rahner được được phổ biến một cách rộng rãi và đúng đắn. Dù ông có đồng ý với thần học của Augustinô và Tôma hay không, thì điều không thể chối cãi là sự hiểu biết của các ngài về Thiên Chúa duy nhất được cắm rễ trong Kinh Thánh chứ không phải trong triết học Hy Lạp, hay theo Platon hoặc Aristote. Đúng hơn, theo cái nhìn của nhiều người, sự thiếu hụt về Ba Ngôi trong thần học Tây Phương kéo dài tới ngưỡng cửa của thần học hiện đại. Khi chống lại những thách đố của những người theo thần luận thuyết và sau đó là vô thần thuyết của phong trào Ánh Sáng, thần học Kitô Giáo đã phải chịu mất mát nhiều nghị lực và tập trung soạn thảo những luận chứng chống lại triết học về sự hiện hữu của Hữu Thể Tuyệt Đối và yếu tính của nó hơn là trình bày điều mà mạc khải Kitô Giáo khẳng định Thiên Chúa là ai (chứ không phải là cái gì) và thái độ (behavior and character) cũng như đặc tính của Thiên Chúa (chứ không phải những “thuộc tính” của Thiên Chúa – attributes). Với lối tiếp cận như thế, De Deo Uno chắc chắn nằm ở trên cao nếu không theo hướng loại trừ, vì thế, Thiên Chúa của Kitô Giáo là Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần và là Đấng hoạt động trong lịch sử biến mất khỏi tầm nhìn.

Bất kể độ chính xác từ sự hoàn nguyên lịch sử của Rahner về những gốc rễ của sự phân chia giữa De Deo UnoDe Deo Trino, và dù Ba Ngôi hoàn toàn bị cho là thứ yếu từ thần học Kitô Giáo và nền linh đạo ở Tây Phương hay không, người ta không thể không nói rằng sự thiếu hụt về Ba Ngôi đã làm phát sinh một sự hiểu biết phiến diện về giáo huấn căn bản Kitô Giáo. Rahner quả quyết rằng, đó là hệ quả của điều mà ông gọi là “chống lại sự rụt rè về Ba Ngôi – anti-trinitarian timidity,” (The Trinity, 13). Việc tạo thành được nhìn chỉ như là một hoạt động chung chung ad extra đối với tất cả ba ngôi vị thần linh theo cách thức của nguyên nhân hiệu quả và không phải như công việc phân biệt của từng ngôi vị của Ba Ngôi theo cách thế nguyên nhân mô phạm (exemplary causality); lời cầu nguyện thường được dâng lên Thiên Chúa một cách chung chung hoặc lên bản tính thần linh hơn là tới Chúa Cha, trong Chúa Con và nhờ quyền năng của Thánh Thần; hiến tế của Thánh Lễ được hiểu như là được hiến dâng nhờ Đức Giêsu cho một vị thần chung chung hơn là bởi Chúa Con tới Thiên Chúa Cha; nhập thể được nhìn như là một hành động mà nói chung không một ngôi vị nào của Ba Ngôi có thể thực hiện cách rõ ràng và không như một hành động chỉ áp dụng riêng cho Ngôi Lời; ân sủng được nhìn căn bản như là một thực tại được tạo thành và không như một sự cư ngụ của Ba Ngôi; và phúc kiến (beatific vision) được thay thế thành thị kiến về yếu tính thần linh chứ không phải là tương quan khác biệt của con người với từng ngôi vị thần linh.

Đối với Rahner, như thế có hai vấn đề trong việc phát triển thần học về Ba Ngôi, một thuộc phương pháp, và hai thuộc sự tồn tại riêng biệt (substantive). Trước hết, khảo luận về Thiên Chúa phải được cấu trúc như thế nào? Phải chăng nó được chia thành hai phần? Nghĩa là, “về Thiên Chúa duy nhất” và “về Thiên Chúa Ba Ngôi”? Nếu sự phân chia như thế được sử dụng, vậy làm sao để hiểu “tính duy nhất - oneness” của Thiên Chúa? Tính duy nhất này có phải hệ tại trong “hiệp nhất - unity” của Thiên Chúa (về số lượng chỉ có một Thiên Chúa) hoặc trong sự “hiệp nhất” của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần (hiệp nhất như là sự hiệp thông giữa Ba Ngôi Thiên Chúa) chăng? Hơn nữa, từ “Thiên Chúa” muốn ám chỉ điều gì? Bản tính thần linh hoặc Chúa Cha, nguồn mạch của Chúa Con và Chúa Thánh Thần muốn nói lên điều gì? Đối với Rahner, câu trả lời đúng đắn cho hai vấn nạn trên là con đường thứ hai, nghĩa là, tính duy nhất của Thiên Chúa hệ tại trong sự hiệp thông (cummunion) hoặc là perichòrèsis (sự tương tại) giữa ba ngôi vị thần linh, và từ “Thiên Chúa” muốn ám chỉ tới Chúa Cha, như là nguồn gốc không có nguồn gốc của Chúa Con và Thánh Thần. Tuy nhiên, với những giả định này, sự phân chia của khảo luận về Ba Ngôi De Deo UnoDe Deo Trino là không còn hợp lý và hữu ích nữa.

Thứ đến, vấn đề căn bản nhất là tương quan giữa Ba Ngôi hoạt động trong lịch sử (economic – Thiên Chúa là ai và Người làm gì trong lịch sử) và Ba Ngôi nội tại (immanent – Thiên Chúa là Cha, Con, và Thánh Thần trong tương quan vĩnh cửu). Đối với Rahner, đây là một “thập giá” của thần học Ba Ngôi để xác định Ba Ngôi được nhìn như là mầu nhiệm của ơn cứu độ hay không, có ở trung tâm điểm của đời sống Kitô hữu và là trung tâm hiệp nhất mọi giáo huấn khác của Kitô Giáo hay không, hay nó được đề cập như một câu hỏi hóc búa thuộc thần học, cần được trình bày nhờ nhiều lối loại khác nhau, nhưng lại đánh mất mọi sự liên hệ và ảnh hưởng trên thần học cũng như linh đạo. Ở đây, chính lối tiếp cận của Rahner đã loại bỏ một di sản thường hằng, để đón nhận đề nghị của ông, nó kiến tạo nên sự đóng góp ý nghĩa nhất của Rahner cho thần học về Ba Ngôi, mà giờ chúng ta tìm hiểu.

II. CHÂM NGÔN CỦA RAHNER

1. Ba Ngôi ngoại tại và nội tại (Economic and immanent Trinity)

Với vấn nạn về tương quan giữa Ba Ngôi ngoại tại và nội tại (hoặc siêu việt), Rahner đưa ra một câu trả lời vắn gọn trong công thức hai vế của Rahner: “The ‘economic’ Trinity is the ‘immanent’ Trinity and the ‘immanent’ Trinity is “The ‘economic’ Trinity” - Ba Ngôi ngoại tại là Ba Ngôi nội tại và Ba Ngôi nội tại là Ba Ngôi ngoại tại” (The Trinity, 22).[5] Châm ngôn bao gồm hai khẳng định một cách dứt khoát quả quyết về “căn tính” giữa Ba Ngôi nội tại và Ba Ngôi ngoại tại. Ý nghĩa của Ba Ngôi ngoại tại và nội tại đã được đề cập ở trên, và sẽ được giải thích sâu xa hơn. Điều không được rõ ràng là điều mà Rahner muốn nói nhờ căn tính giữa Ba Ngôi nội tại và ngoại tại, mà sự kết hợp “được” ngụ ý. Phải chăng căn tính có nghĩa là tính duy nhất theo số lượng (nghĩa là chỉ có một Ba Ngôi cả ở nội tại hoặc ngoại tại hoặc cả hai), hoặc nó có nghĩa là đồng yếu tính chăng (có hai cặp Ba Ngôi nhưng họ giống nhau về bản tính, dẫu khác biệt về một số phương diện không thuộc yếu tính, như một cặp sinh đôi đồng nhất)? Hơn nữa, nếu Ba Ngôi ngoại tại là (đồng nhất với) Ba Ngôi nội tại, như thế, Ba Ngôi nội tại là (đồng nhất với) Ba Ngôi ngoại tại. Tại sao Rahner cảm thấy nó là cần thiết để thêm vào trong khẳng định thứ hai rằng Ba Ngôi nội tại là Ba Ngôi ngoại tại? Như vậy, khẳng định như thế là thừa chăng? Nếu không, nó ngụ ý điều gì?[6] Phải chăng chúng ta nên giải thích khẳng định thứ nhất mà không phải thứ hai? Những câu trả lời khác nhau cho những vấn nạn này đưa châm ngôn của Rahner tới những luận điểm thần học mà ông có thể không nghĩ trước hoặc đồng ý.

2. Mục đích của châm ngôn Rahner

Để hiểu châm ngôn của Rahner cách đúng đắn, cần phải nhớ lại điều mà Rahner có ý định hoàn thành. Nhờ việc đồng hoá Ba Ngôi ngoại tại với Ba Ngôi nội tại, ý hướng căn bản của Rahner là làm cho Ba Ngôi trở thành trung tâm và nguyên thuỷ mầu nhiệm cứu độ. Trước hết, Rahner muốn phục hồi Ba Ngôi như là mầu nhiệm cứu độ, bởi lẽ ông quả quyết rằng Tân- Kinh viện, thần học giáo khoa về Ba Ngôi mà ông gọi là Schultheologie (trường thần học như các chủng viện Công Giáo Rôma, khoa thần học) đã biến Ba Ngôi thành một đối tượng của sự trừu tượng thuộc tâm lý và siêu hình, hoàn toàn tách biệt khỏi lịch sử tự thông ban chính mình của Thiên Chúa. Theo cách thức này, Rahner muốn khẳng định rằng, sự mạc khải chính mình và sự hiến mình của Thiên Chúa cho chúng ta trong lịch sử (Ba Ngôi ngoại tại) không phải là gì khác hoặc đúng hơn chính là Ba Ngôi của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần trong những tương quan hỗ tương vĩnh cửu của họ (Ba Ngôi nội tại).

Hãy lưu ý rằng nhờ việc sử dụng hai cách diễn tả “Ba Ngôi ngoại tại” và “Ba Ngôi nội tại,” Rahner không muốn nói rằng có hai Ba Ngôi mà tình cờ được đồng hoá với nhau, một Đấng đang hoạt động trong lịch sử và hiến ban cho chúng ta để nhận biết và yêu mến trong thời gian, còn một Đấng khác ở trong sự vĩnh cửu với ba ngôi vị hoàn toàn không thể đến gần với chúng ta; Đấng trước là một bản sao hoặc là sự nhân đôi từng phần hoặc là một sự đại diện của Đấng sau. Quan điểm của Rahner là thế này: không có một Ba Ngôi tự tại ẩn dấu nằm sau hoặc trên Ba Ngôi mà chúng ta gặp gỡ trong lịch sử. Trái lại, chỉ có một Ba Ngôi duy nhất, Đấng hiến mình cho chúng ta như là Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần, chính xác như các Ngài liên kết mật thiết với nhau trong chính mình. Vấn đề đối với Rahner là không biết Ba Ngôi duy nhất này có bị thay đổi hay không hoặc, một cách triệt để hơn, được cấu thành trong thời gian như là Ba Ngôi để rồi Thiên Chúa không còn là Ba Ngôi một cách vĩnh cửu nữa, nhưng giờ đây lại ở trong tiến trình trở thành Cha, Con và Thánh Thần trong và qua sự thông ban chính mình cho nhân loại trong lịch sử sẽ được đảm nhiệm sau này.

Thứ đến, nhờ việc tái trình bày Ba Ngôi như là một mầu nhiệm cứu độ, Rahner cũng hoàn tất mục tiêu khác là làm cho nó trở thành tâm điểm và nguyên uỷ mầu nhiệm vốn soi sáng và hình thành nên sự hiểu biết của chúng ta về giáo huấn Kitô Giáo khác. Như đã nói trên, Rahner ám chỉ làm sao Ba Ngôi phải ảnh hưởng trên thần học của chúng ta về sáng tạo, nhập thể, cứu chuộc, ân sủng, cầu nguyện, và cánh chung luận. Đây không phải là nơi để bàn thảo tỉ mỉ làm sao Rahner đã phát triển những phương diện khác nhau này của đức tin Kitô Giáo và đâu là phạm vi chúng được nhào nặn nhờ thần học Ba Ngôi của ông. Chỉ cần lưu ý rằng, đối với Rahner, “không có phân biệt nào phù hợp có thể được thực hiện giữa giáo huấn về Ba Ngôi và giáo huấn về nhiệm cục cứu độ” (The Trinity 24).[7] Như vậy, đối với Rahner, để tranh luận những chủ đề thần học được liệt kê ở trên trong bối cảnh lịch sử cứu độ là ipso facto (do chính sự việc) ít ra đang nói một cách gián tiếp về Ba Ngôi.

3. Nền tảng thần học của châm ngôn Rahner

Từ hành trình dài mà Rahner đi để bảo vệ công thức của mình, rõ ràng ông không nghĩ mình đang nói điều gì đó hiển nhiên. Trái lại, ông rất ý thức rằng luận đề của ông sẽ chống lại khuynh hướng của thần học truyền thống. Những luận chứng mà ông viện dẫn để ủng hộ nó thuộc hai loại. Loại thứ nhất là nhờ cách thức reductio ad absurdum[8] (Phản chứng pháp). Nếu Ba Ngôi ngoại tại không phải là Ba Ngôi nội tại và nếu Ba Ngôi nội tại là điều gì đó khác với Ba Ngôi ngoại tại, như vậy, mạc khải thần linh đã không nói với chúng ta bất cứ điều gì đáng tin cậy và chân thực về Thiên Chúa. Trên hết, nó chứa đựng điều gì đó về Thiên Chúa nhưng không phải là sự thông ban chính mình của Thiên Chúa cho chúng ta, và hậu quả, mạc khải đã không đạt tới sự hoàn tất của nó cách cánh chung. Tương tự, ân sủng có thể giản đơn là ân sủng tạo thành (created grace) chứ không phải là Ân Sủng bất tạo (Uncreated Grace), nghĩa là không phải sự cư ngụ của Ba Ngôi trong chúng ta. Rahner dám chắc rằng tất cả điều này có thể trái với điều mà đức tin Kitô Giáo nói về mạc khải và ân sủng.

Luận chứng thứ hai của Rahner hệ tại trong việc từ chối ba sự chống đối có thể chống lại công thức của ông. Thứ nhất là dựa trên ý kiến chung trong thần học Tân – Kinh viện cho rằng vì nhập thể là một hành động thần linh ad extra được thực hiện nhờ cách thức nguyên nhân hiệu quả, nó là một hành động chung của Ba Ngôi và vì thế, nó phải được thực hiện có hiệu quả như nhau bởi các ngôi vị. Cao nhất nó có thể được cho rằng sự kết hợp ngôi vị là thích hợp cho Ngôi Lời nhưng không riêng biệt cho Người. Nếu đây là trường hợp, như thế, việc nhập thể của Ngôi Lời tự thân không nói bất cứ điều gì riêng biệt về ngôi vị của Logos, và như là một hệ luận, Ba Ngôi ngoại tại không cần phải giống như Ba Ngôi nội tại. Chống lại quan điểm này, Rahner cho thấy nó giả thiết một cách sai lầm rằng khái niệm về “ngôi vị” như được ám chỉ trong ý niệm của “sự kết hợp ngôi vị” thì giống như khi áp dụng cho Logos và cho cả hai ngôi vị thần linh khác, nó đã làm cho việc nhập thể thích hợp như nhau với bất cứ ai trong các ngôi vị thần linh. Rahner đề nghị, chúng ta không được tán thành khả năng cho rằng “ngôi vị” được áp dụng cho Logos cũng là để phân biệt bởi Người, và chỉ Người có thể nhập thể, giống như “ngôi vị” được áp dụng cho Chúa Cha và Thánh Thần thì cũng phân biệt như thế bởi từng ngôi vị với nhau; các ngôi vị không thể đi vào trong lịch sử như được nhập thể, nhưng chỉ dưới hình thức khác chăng? Trong trường hợp này, Ba Ngôi ngoại tại đồng nhất (identical) với Ba Ngôi nội tại, với sự hiệp thông ngôi vị của Logos là một “trường hợp” của công thức này (x. The Trinity, 24-28).

Sự chống đối thứ hai có liên hệ rất gần với điều thứ nhất, mặc dầu chúng ta nhận biết nhờ mạc khải, Ngôi Lời đã làm người, kinh nghiệm của chúng ta về Thiên Chúa đã không khác đi nếu ngôi vị thần linh khác đã được nhập thể, vì ngôi vị đó có thể còn mạc khải cho chúng ta Thiên Chúa là gì và là ai nhờ “lời nói,” và không phải nhờ Đấng mà Người là, nghĩa là, nhờ ngôi vị của Người. Như vậy, Ba Ngôi ngoại tại không cần phải là Ba Ngôi nội tại. Rahner trả lời rằng truyền thống Kitô Giáo trước Augustinô đã không bao giờ tiếp nhận khả năng này, trái lại, nó luôn bảo vệ Thiên Chúa Cha mạc khải chính mình nhờ Ngôi Lời của Người, Đấng vì thế mạc khải Chúa Cha trong cả Ba Ngôi ngoại tại và Ba Ngôi nội tại. Hơn nữa, Rahner cho thấy, sự chống đối này là sai lầm, bởi vì nó giả thiết điều chân thật thuộc một ngôi vị thần linh thì cũng chân thật thuộc ngôi vị khác, vì nó dùng quan niệm “ngôi vị” để áp dụng cho ba thành viên của Ba Ngôi cùng một nghĩa (một từ), như được đề cập ở trên, tóm lại, điều này là mang tính loại suy một cách lỏng lẻo (x. The Trinity, 28-300). Do đó, sự chống đối này không làm mất đi giá trị công thức của Rahner rằng Ba Ngôi ngoại tại là Ba Ngôi nội tại và ngược lại.

Sự chống đối thứ ba liên quan trực tiếp với Kitô học nhiều hơn. Nó cho rằng bản tính nhân loại mà Logos đảm nhận trong mầu nhiệm nhập thể của Người tự bản chất và tự thân không nói bất cứ điều gì riêng biệt về Ngôi Lời. Đơn giản nó là một phương tiện trung tính, nhờ đó Ngôi Lời hiện diện và hoạt động trong thế giới. Tương quan của nó với Logos không có gì khác biệt với những gì từ bất cứ thực tại khác được tạo thành đối với Logos. Tương quan này chỉ là điều gì đó được thêm vào cho bản tính nhân loại vốn đã có sẵn, chứ không phải thuộc tính cấu thành của nó. Cho nên, nó không thể được cho rằng bản tính nhân loại mà Logos đảm nhận là điều trongqua đó mà Ngôi Lời bày tỏ Người là, và như thế, Ba Ngôi ngoại tại không cần thiết phải đồng nhất với Ba Ngôi nội tại. Rahner từ chối quan điểm cho rằng bản tính con người được Ngôi Lời đảm nhận là thụ tạo chỉ có tương quan chung chung và bên ngoài với Logos. Đúng hơn, tương quan của nó với Logos thì hơn nhiều, giống như tương quan giữa thực tại được biểu tượng hoá (ví dụ như chính Ngôi Lời) và biểu tượng (ví dụ như bản tính nhân loại). Rahner gọi bản tính nhân loại là Realsymbol (biểu tượng thực) của Ngôi Lời.[9] Nghĩa là trong qua nó, Logos diễn tả chính mình và hiện diện trong thế giới. Bản tính nhân loại trở thành bởi vì Logos diễn tả chính mình trong điều gì đó khác hơn là chính Người. Rahner đặt điều này một cách súc tích: “Con người có thể vì sự ngoại hiện của Ngôi Lời có thể” (The Trinity, 33). Bởi vậy, Ba Ngôi ngoại tại (trong điều mà Ngôi Lời trở thành con người) có thể và phải được nói là Ba Ngôi nội tại.

4. Những hệ luận của châm ngôn Rahner

Nếu đã được nhận, châm ngôn Rahner phải có sự phổ biến sâu rộng đối với thần học Kitô Giáo. Chúng ta đã đề cập ở trên một số phạm vi của thần học, trong đó, theo Rahner, những nghiên cứu thần học phải được hướng dẫn bởi giáo huấn Ba Ngôi. Chính Rahner tập trung vào giáo huấn ân sủng, vốn là trung tâm điểm thần học của ông. Từ châm ngôn Rahner, thần học theo đuổi chọn lựa chung trong thần học Tân - Kinh viện, rằng trong ân sủng, con người liên hệ với Thiên Chúa chỉ theo một cách thế chung chung và rằng trên hết tương quan này có thể thích hợp (appropriated) cho mỗi ngôi vị thần linh là điều không còn có thể tranh cãi nữa. Đúng hơn, nếu Ba Ngôi ngoại tại là Ba Ngôi nội tại, nghĩa là, nếu cả ba ngôi thần linh của Ba Ngôi nội tại thông ban chính mình trong Ba Ngôi ngoại tại theo những sự khác biệt riêng, nhờ các tương quan hỗ tương vĩnh cửu của họ, thì con người được ban ân sủng có liên hệ tới từng ngôi vị thần linh theo một cách thức phân biệt và riêng biệt, theo sự phù hợp với mỗi trong các ngôi vị thần linh thông ban chính mình như thế nào trong lịch sử. Vì thế, Rahner quả quyết điều này một cách súc tích: “Mỗi ngôi trong ba ngôi vị thần linh thông ban chính mình cho con người qua ân sủng nhưng không theo tính chất đặc thù và tính khác biệt cá vị của mình” (The Trinity, 34-35).

Trong trích đoạn sau đây, chúng ta sở hữu thần học của Rahner về Ba Ngôi và ân sủng như một bản tóm tắt:

“Cả ba sự thông ban chính mình này là sự thông ban chính mình của Thiên Chúa duy nhất theo ba cách tương xứng, trong đó Thiên Chúa tồn tại. Chúa Cha hiến mình cho chúng ta như là Cha, một cách chính xác nghĩa là vì và theo tư cách Người là Cha, một cách yếu tính hiện hữu với chính mình, đối thoại với mình và theo cách thức này thông ban Chúa Con, như sự tự bày tỏ ngôi vị của Người; và vì và theo tư cách là Chúa Cha và Chúa Con (đón nhận từ Cha) đón nhận nhau trong tình yêu, thu hút và trở lại với nhau, để thông ban chính mình theo cách thức này, như được đón nhận trong tình yêu hỗ tương, đó là Chúa Thánh Thần. Thiên Chúa liên hệ với chúng ta theo cách thức liên ba, và tương quan liên ba, nhưng không, tự do này đối với chúng ta không phải hoàn toàn là một bản sao hoặc một sự loại suy của Ba Ngôi nội tại, nhưng đây chính là Ba Ngôi, vì được thông ban một cách tự do và nhưng không” (The Trinity, 35).

Rahner viện dẫn hai loại của nguyên nhân để diễn tả làm sao sự tự thông ban chính mình này của Ba Ngôi nội tại trong Ba Ngôi ngoại tại, làm cho thực tại sau đồng hoá với thực tại trước và có thể giúp con người tiếp nhận sự thông ban chính mình của Thiên Chúa có những tương quan phân biệt riêng biệt với từng ngôi vị thần linh. Sự thông ban chính mình này của Thiên Chúa không chỉ xảy ra nhờ những cách thức của nguyên nhân hiệu quả để tạo thành điều gì đó mới mẻ trong chúng ta (ví dụ, ban ân sủng thánh hoá) nhưng còn nhờ những phương thức của nguyên nhân mô thức (formal) hoặc một cách chính xác hơn “bán - mô thức” (quasi-formal), trong đó, ba ngôi vị thần linh hiến mình cho chúng ta theo ba cách thức thực sự phân biệt nhau của sự hiện hữu (nghĩa là, những ngôi vị) trong Ba Ngôi nội tại: Chúa Cha như những gì được ban tặng nhưng vẫn là Mầu nhiệm không bao giờ thấu hiểu, Chúa Con như là Lời được nói ra của Chân Lý về mầu nhiệm này, và Thánh Thần như là Tình Yêu của mầu nhiệm này và Ngôi Lời của Người, là Đấng làm cho chúng ta có thể đón nhận sự hiến mình này của Thiên Chúa.

Hệ luận khác của châm ngôn Rahner là phương pháp thần học. Nếu Ba Ngôi ngoại tại là Ba Ngôi nội tại, như vậy điểm khởi hành duy nhất để phát triển một nền thần học về Ba Ngôi nội tại không phải là một số loại suy trừu tượng, tâm lý hoặc siêu hình, nhưng là kinh nghiệm lịch sử về Thiên Chúa như đã được bày tỏ trong hai dạng thức của Lời và Thần Khí. Bởi thế, Rahner khẳng định: “Chúng ta có thể nắm bắt được nội dung của giáo huấn về Ba Ngôi chỉ nhờ việc quay trở lại với lịch sử cứu độ và ân sủng, tới những kinh nghiệm của chúng ta về Đức Giêsu và về Thánh Thần của Thiên Chúa, Đấng hoạt động trong chúng ta, vì trong họ, chúng ta đã thực sự sở hữu chính Ba Ngôi như Người là” (The Trinity, 40).

III. SỰ THÔNG BAN CỦA CHA QUA HAI DẠNG THỨC PHÂN BIỆT CỦA LỜI VÀ THẦN KHÍ

1. Hành vi thông ban chính mình cách tự do của Chúa Cha trong hai dạng thức cần thiết của Lời và Thần Khí trong lịch sử

Khi theo truyền thống Kinh thánh và các Giáo Phụ Hy Lạp, Rahner đã dùng từ “Thiên Chúa” để quy chiếu về Chúa Cha và không phải về bản thể thần linh. Chúa Cha thông ban chính mình trong lịch sử qua Ngôi Lời và Thần Khí, trong khi Người vẫn là nguồn suối không nguồn gốc của thần tính hoặc Mầu nhiệm Tuyệt đối. Như Rahner nhìn thấy, thách đố thần học là làm sao hiểu hai dạng thức hiến mình này như là những thời điểm thực chất liên hệ nhưng phân biệt nhau của một hành vi thông ban chính mình của Chúa Cha. Hai dạng thức này, được kinh nghiệm trong lịch sử như hai biến cố phân biệt, không được nhìn như hai sự kiện hoàn toàn ngẫu nhiên và không có liên hệ, nếu vậy, chúng có thể trao đổi cho nhau cách hỗ tương, nghĩa là, nếu như thế, Thần Khí cũng có thể được nhập thể như Ngôi Lời, và Ngôi Lời có thể được ban như Thần Khí. Nếu điều đó xảy ra như thế, Ba Ngôi ngoại tại không thể nói với chúng ta bất cứ điều gì thực sự là chân thật về Ba Ngôi nội tại. Hơn nữa, theo Rahner:

“Khi Thiên Chúa tự do ra khỏi chính mình trong việc thông ban mình (không chỉ qua tạo thành, khi ấn định những thực tại khác vốn không phải là chính Người), chính là và phải là Chúa Con, Đấng xuất hiện trong lịch sử, trong nhục thể như một con người. Và chính là và phải là Chúa Thánh Thần, Đấng mang đến sự đón nhận từ thế giới (tạo thành) trong đức tin, hy vọng và yêu mến của sự thông ban chính mình này” (The Trinity, 86).

Cần lưu ý rằng hành vi thông ban chính mình của Chúa Cha là tự do, nhưng những dạng thức của sự thông ban này là cần thiết. Hai dạng thức này không chỉ đơn giản là hai “vai trò” hoán chuyển nhau của Chúa Cha, nhưng cùng với Chúa Cha, họ cấu thành Ba Ngôi ngoại tại vốn đồng nhất với Ba Ngôi nội tại.

2. Bốn phương diện của Thiên Chúa Cha thông ban chính mình

Sự thông ban chính mình của Thiên Chúa Cha trong hai dạng thức phân biệt của Lời và Thần Khí dĩ nhiên không xảy ra trong sự trống không nhưng giả thiết việc sáng tạo của một người nhận thích hợp với và có khả năng tiếp nhận sự thông ban này. Theo Rahner, người nhận như thế chỉ có thể và phải là “tinh thần trong thế giới,” nghĩa là, con người. Dựa trên nền tảng của bản tính con người, dẫu không thấu đáo hết, Rahner nghiên cứu bốn cặp phương diện của sự thông ban chính mình của Chúa Cha: 1) tương lai – nguồn gốc; 2) siêu việt – lịch sử; 3) đón nhận – ban tặng; và 4) tình yêu – hiểu biết (x. The Trinity, 88). Cần lưu ý rằng, bốn cặp này đặc tính hoá sự thông ban chính mình của Thiên Chúa và con người như đã được nói. Đối với Rahner, thần học bao gồm cả nhân học và ngược lại. Để hiểu về Ba Ngôi ngoại tại đòi hỏi một sự nghiên cứu về cấu trúc của con người, kẻ đón nhận Ba Ngôi này, và cấu trúc nhân học này lại được soi sáng bởi hai dạng thức mà trong đó Thiên Chúa thông ban chính mình cho nhân loại.

Cặp thứ nhất của những phương diện về sự thông ban chính mình của Thiên Chúa vốn tương ứng với con người là (a) “nguồn gốc,” bởi vì, sự thông ban mình của Thiên Chúa tạo dựng và tạo thành con người như được nói, và (b) “tương lai” bởi vì sự thông ban chính mình này như được đón nhận bởi con người hướng tới sự viên mãn của nó sẽ được thực hiện trong tương lai, dẫu nó không mang tính tiền định, nhưng nhờ lịch sử của tự do. Cặp thứ hai của các phương diện là (a) “lịch sử,” bởi vì, sự thông ban chính mình của Thiên Chúa cần thiết xảy ra trong thế giới của không gian và thời gian, và (b) “siêu việt,” bởi vì sự thông ban chính mình của Thiên Chúa là chân trời hướng tới mà con người hướng về khi đón nhận sự thông ban này nhờ những hành vi hiểu biết và yêu mến các đối tượng đặc biệt. Cặp thứ ba là (a) “ban tặng,” bởi vì, sự thông ban chính mình của Thiên Chúa mời gọi con người chấp nhận nó trong tự do, và (b) “đón nhận,” bởi vì, sự thông ban chính mình của Thiên Chúa có thể không được đón nhận bởi con người ngoại trừ nhờ sức mạnh nó ban cho con người để làm như thế. Cặp thứ tư là (a) “hiểu biết” (nghĩa là, sự thúc đẩy của chân lý trong hành vi thể lý), bởi vì, sự thông ban chính mình của Thiên Chúa xuất hiện cho con người như là chân lý tuyệt đối để được nhận biết và không phải chỉ là những chân lý riêng biệt, và (b) “tình yêu,” bởi vì, thông ban chính mình của Thiên Chúa xuất hiện cho con người như là sự thiện hảo tuyệt đối để được yêu mến, và không chỉ những sự thiện hảo riêng biệt (x. The Trinity, 88-94).

3. Sự hiệp nhất của các phương diện khác nhau về sự thông ban chính mình của Thiên Chúa theo hai dạng thức của nó

Bước tiếp theo của Rahner là phải bàn xem bốn cặp các phương diện của việc thông ban chính mình của Thiên Chúa cho con người không phải là những sự mơ hồ thần học bừa bãi, nhưng chúng tự nhiên liên kết và thực chất nối kết với nhau, dẫu một vài liên hệ và liên kết này rõ ràng hơn những điều kia. Mục tiêu của Rahner là thấy rằng có một sự hiệp nhất giữa bốn cặp và có hai và chỉ có hai cách thức nền tảng của việc thông ban chính mình của Thiên Chúa, chúng phân biệt và là điều kiện cho nhau theo một cách thức như thế mà đặc điểm riêng của mỗi cách thức có thể được thấu hiểu theo khái niệm và phân biệt với cặp khác” (The Trinity, 94).

Hơn nữa, Rahner cho rằng, có sự hiệp nhất ở giữa ba phương diện đầu tiên, nghĩa là, “nguồn gốc – lịch sử - hiến ban” có phần rõ ràng. Một mặt, “nguồn gốc” và “hiến ban” được thiết lập bởi ý muốn của Thiên Chúa để thông ban chính mình cho nhân loại. Mặt khác, “lịch sử” bày tỏ như là sự thông ban chính mình của Thiên Chúa được đón nhận một cách tự do (hoặc bị từ chối) bởi con người nhận. Còn “nhận biết” (hoặc chân lý) thực chất liên kết như thế nào với bộ ba “nguồn gốc – lịch sử - hiến ban” thì ít rõ ràng hơn. Rahner cho rằng sự liên kết này sẽ được nhìn dễ dàng nếu chân lý được hiểu không phải chủ yếu như là một sự thấu hiểu về một tình trạng thực của những sự việc trong một phán đoán (chân lý như là sự trùng hợp giữa nhận thức và thực tại) nhưng như một hành vi của việc mạc khải đích thực bản tính đích thực của người đó (chân lý như là sự bày tỏ). Chân lý được hiểu như là lòng trung tín – hạn từ “emet” trong Kinh Thánh, có thể được nhìn như là được nối kết với “nguồn gốc – lịch sử - hiến ban” bởi vì nó ở trong bộ ba này mà chân lý của Thiên Chúa được nhìn như là sự trung tín của Thiên Chúa đối với những lời hứa của Người với nhân loại.

Liên quan đến bộ tứ “tương lai – siêu việt – đón nhận – tình yêu,” Rahner quả quyết rằng, nó tương đối dễ dàng để nhìn thấy sự hiệp nhất giữa “tương lai và siêu việt.” “Tương lai” ở đây quy chiếu về chính Thiên Chúa, mà sự thông ban chính mình của Người xuất hiện như là một sự hoàn tất của nhân loại. Một mặt, Thiên Chúa như là tương lai mời gọi con người “siêu việt” như vừa mở ra với khả thể tương lai tuyệt đối (vì con người là tinh thần) và với sự thông ban chính mình hiện tại (actual) của tương lai tuyệt đối này đã hiện diện trong lịch sử. Hơn nữa, vì sự thông ban chính mình của Thiên Chúa theo ý của Người một cách vô điều kiện, nó mang theo cả sự ‘đón nhận” như là một hành vi được sắp đặt bởi quyền năng Thiên Chúa, dẫu không làm thiệt hại tới tự do con người. Cuối cùng, “tương lai – siêu việt - đón nhận” được đặc trưng hoá như là “tình yêu,” vì tương lai tuyệt đối này mà con người siêu việt, tự tạo dựng khả năng và hiện thực của sự đón nhận, được tự do ban tặng cho nhân loại (x. The Trinity, 96-98).

Ở đây, khởi điểm của suy tư Rahner có hai mặt. Một đàng, ông muốn cho thấy tính hiệp nhất của nhóm thứ nhất trong bốn phương diện, nghĩa là, “nguồn gốc – lịch sử - hiến ban – hiểu biết” cũng là sự hiệp nhất của nhóm thứ hai trong bốn phương diện, nghĩa là “tương lai – siêu việt – đón nhận – tình yêu.” Mặt khác, ông cũng muốn cho thấy rằng hai cặp này của các phương diện về sự thông ban chính mình của Thiên Chúa phân biệt nhưng không tách biệt nhau và chúng là điều kiện hỗ tương cho nhau. Như thế, cuối cùng, sự thông ban chính mình của Thiên Chúa xảy ra với hai cặp của các phương diện. Nhóm thứ nhất trong bốn nhóm có thể được tóm tắt như là “lịch sử” hoặc “chân lý,” và nhóm thứ hai của bốn nhóm là “thần khí” hoặc “tình yêu.” Rahner đề nghị rằng, chúng ta nói: “Sự thông ban chính mình của Thiên Chúa xảy ra trong sự hiệp nhất và phân biệt trong lịch sử (về chân lý) và trong tinh thần (theo tình yêu)” (The Trinity, 99).

4. Từ Ba Ngôi ngoại tại đến Ba Ngôi nội tại

Cho đến đây, Rahner đã mô tả Ba Ngôi như chúng ta kinh nghiệm trong lịch sử, nghĩa là, Ba Ngôi ngoại tại của Thiên Chúa Cha thông ban chính mình trong hai dạng thức chân lý và tình yêu, hay Ngôi Lời và Thần Khí. Vấn nạn là Ba Ngôi ngoại tại được đồng hoá với Ba Ngôi nội tại hay không. Rahner lưu ý chúng ta, điểm này không thể chứng minh Ba Ngôi nội tại bằng những lý lẽ lý trí. Đúng hơn, nó là đòi hỏi khả năng của một sự suy luận tiên nghiệm (transcendental deduction), nghĩa là phải đi từ kinh nghiệm hậu thiên (a posteriori), chúng ta tìm hiểu về điều kiện tiên thiên (a priori) của khả năng cho một kinh nghiệm như thế. Ở đây, Rahner lý luận rằng, dựa theo dữ kiện về sự thông ban chính mình của Thiên Chúa trong hai dạng thức, mà chúng ta kinh nghiệm cách hậu thiên trong lịch sử và làm cho chúng ta nhận biết nhờ mạc khải, có thể và cần thiết để “suy luận” từ Ba Ngôi ngoại tại tới Ba Ngôi nội tại, vì nếu không, sự thông ban này của Thiên Chúa không phải là một sự thông ban chính mình Người.

Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương
Dịch từ cuốn The Cambridge Companion To the Trinity, edited by Peter C. Phan, Cambridge University Press 2011, 192-207.



[1] Karl Rahner, Foundations of Christian Faith: An Introduction to the Idea of Christianity, trans. William V. Dych (New York: Seabury, 1978; original 1976).

[2] Karl Rahner, Anton Darlap et al., eds., Sacramentum mundi: An Encyclopaedia of Theology, 6 vols., Herder & Herder, New York 1968-1970. Hai mực từ là “Trinity, Divine”  và “Trinity in Theology” trong vol. VI.

[3] Karl Rahner, Geist in Welt: Zur Metaphysik der endlichen Erkenntnis bei Thomas von Aquin, 2nd edn., Rev. J.B. Metz, Kosel, München 1957: original Innsbruck: F. Rauch, 1939); trans. William V. Dych as Spirit in the World, Seabury, New York: 1968, 2nd edn., Continuum, New York 1994.

[4] Để tìm hiểu những phê bình của Rahner về Augustinô và Tôma, hãy đọc The Trinity, 15-17.

[5] Hạn từ “The economic Trinity” có thể dịch là Ba Ngôi hoạt động trong nhiệm cục cứu độ hay ngoại tại. Các Giáo phụ dùng một hạn từ “ad extra” để diễn tả ý nghĩa tương tự. Còn hạn từ The immanent Trinity được dịch là Ba Ngôi tự tại, hoặc nội tại trong chính đời sống vĩnh của Thiên Chúa, giống với hạn từ “ad intra” mà các Giáo phụ dùng. Để cho vắn gọn và đồng nhất, hạn từ “Ba Ngôi nội tại” và “Ba Ngôi ngoại tại” được dùng cho toàn văn bản.

[6] Rahner công hiến một sự giải thích ban đầu về quy tắc này trong phần đầu của cuốn The Trinity, ông bàn luận về phương pháp và cấu trúc của khảo luận về Ba Ngôi. Ông sẽ giải thích nó chi tiết hơn trong phần ba của cuốn sách, trong đó, ông cố gắng trình bày đường nét cách hệ thống của thần học về Ba Ngôi.

[7] Rahner thực hiện tuyên bố này với ý thức đầy đủ rằng theo thần học kinh viện, không có tương quan “thực” trong Thiên Chúa liên hệ với (vis à vis) với thế giới, dẫu thực thế hoàn toàn ngược lại. Rahner không đóng góp cho phần đầu của tư tưởng này. Ông quả quyết rằng phát biểu này là có giá trị miễn là chúng ta phải quả quyết về chính Logos (và chỉ Người, không phải Chúa Cha và Thánh Thần) mà Người đã thực sự và hoàn toàn trở thành người. Ít ra trong một trường hợp này, tuyên bố về nhiệm cục cứu độ cũng thực là thuộc về Ba Ngôi nội tại.

[8] Phản chứng pháp là phương pháp dồn đối phương phải chấp nhận hậu quả vô lý hoang miêu.

[9] Liên quan đến thần học biểu tượng của Rahner, hãy tìm đọc “Theology of the Symbol,” in Theological Investigations, vi, 221-252.

LỊCH PHỤNG VỤ