LƯU XÁ SINH VIÊN

Trần Văn Đôn

WHĐ (08.5.2022) - Trong bối cảnh toàn cầu hóa đang trở thành xu thế tất yếu của nhân loại, Việt Nam là một trong những nước hiện nay chịu tác động không nhỏ về mọi lãnh vực đời sống, từ kinh tế chính trị cho đến văn hóa xã hội. Nhiều cơ hội và thách thức trong tiến trình hội nhập thế giới là những bài toán nan giải cho Việt Nam. Một hệ quả dễ nhận thấy của những tác động này là làn sóng di dân ngày càng tăng. Kết quả nghiên cứu hiện tượng di dân[1] cho thấy đại đa số người di cư trong những thập niên gần đây là thành phần giới trẻ; ngoài nguyên do chính liên quan đến vấn đề công ăn việc làm, thì số người di cư vì mục đích học tập cũng là con số đáng quan tâm.

Thật vậy, mỗi năm có hàng chục ngàn sinh viên từ các tỉnh thành lên thành phố lớn nhập học. Riêng tại thành phố Hồ Chí Minh, nơi tập trung các trường đại học, cao đẳng, các trung tâm học vấn, dạy nghề đã trở thành cánh cửa ước mơ cho việc trau dồi tri thức và tương lai đổi đời của các em học sinh sinh viên. Bất chấp những khó khăn thiếu thốn, kể cả những thách thức rủi ro nơi thành thị, nhiều gia đình nông thôn vẫn xoay xở vay mượn đủ cách để con em mình được học thành phố cho bằng anh bằng chị.Nhiều ký túc xá, nhà trọ liên tục mọc lên vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu nơi ăn chốn ở cho sinh viên; thậm chí ngay cả những căn hộ bình dân vốn chẳng rộng rãi gì cũng cố gắng thu hẹp không gian sinh hoạt gia đình để ngăn gian làm phòng trọ kiếm thêm thu nhập trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn hiện nay. Nếu cách đây vài thập kỷ nỗi lo chủ yếu là kinh phí cho con em trong những năm tháng “mài đũng quần nơi giảng đường đại học thì hơn một thập niên trở lại, việc tìm nơi trọ học an toàn là nỗi ưu tư hàng đầu của các bậc phụ huynh. Thực tế cho thấy bên cạnh tình trạng xuống cấp, phức tạp của các khu ký túc xá, những tệ nạn, bất ổn trong xã hội thì sự suy thoái các giá trị truyền thống, đạo đức của đa số thanh niên ngày nay càng làm dày thêm nỗi lo của các bậc phụ huynh có con em học ở thành phố. Mô hình lưu xá của các tổ chức tôn giáo, các dòng tu được biết đến là nơi không chỉ đáp ứng đầy đủ điều kiện an toàn cho việc học tập sinh hoạt ăn ở cho sinh viên mà còn giáo dục nên những con người trưởng thành, có ý thức trách nhiệm với gia đình, tập thể, xã hội. Vì vậy, các lưu xá công giáo do các linh mục, tu sĩ phụ trách luôn là nơi lý tưởng để họ gửi gắm con em mình. Vào những ngày chuẩn bị nhập học, không khó để nhận ra những cảnh người cha người mẹ tay xách nách mang vượt chặng đường dài lên thành phố đôn đáo tìm lưu xá công giáo cho con, có khi phải vất vả ngược xuôi qua nhiều địa chỉ để rồi chỉ có thể thở phào an tâm khi con mình đã yên vị trong lưu xá của các cha, các soeur dù có xa trường, phương tiện di chuyển khó khăn…Dưới đây người viết xin trình bày khái quát một số lưu xá sinh viên tại thành phố Hồ Chí Minh đề từ đó có cái nhìn chung về mô hình lưu xá sinh viên Công giáo Việt Nam

1. NGÔI NHÀ CHUNG

Lưu xá sinh viên công giáo được hiểu là nơi ăn ở học tập sinh hoạt … do các Dòng tu Thiên Chúa giáo lập ra để sinh viên xa quê trọ học[2]. Hiểu theo nghĩa này thì lưu xá còn có những cách gọi khác như lưu học xá, nhà sinh viên, nhà lưu trú,nhà nội trú, ký túc xá.

Trung bình mỗi lưu xá Công giáo tại thành phố Hồ Chí Minh đón nhận từ 60-100 sinh viên lưu trú, ngoài một vài lưu xá lớn với con số lên đến gần 300 sinh viên, còn có những nhóm nhà sinh viên chứa từ 10 đến 30 sinh viên, thường do dòng tu nam thành lập. Hầu hết sinh viên trong lưu xá theo đạo Công giáo, tuy sẵn sàng mở cửa cho sinh viên ngoài Công giáo nhưng con số này rất ít, không tới 10%.

Lưu xá được tổ chức như một gia đình, hay một đại gia đình gồm nhiều gia đình nhỏ, do soeur (linh mục, thầy) trực tiếp quản lý. Bầu khí gia đình chính là nét khác biệt của lưu xá Công giáo so với ký túc xá các trường học. Vị phụ trách lưu xá vừa đóng vai trò người cha, mẹ hay anh, chị chia sẻ nếp sống thường ngày 24/24 với lưu sinh vừa là người thầy, người đồng hành trong đời sống sinh viên. Cộng tác đắc lực với vị phụ trách có ban điều hành và các trưởng, phó phòng do sinh viên bầu chọn. Cách tổ chức điều hành, nội qui, điều lệ, sinh hoạt đều nhắm tới xây dựng con người trưởng thành về nhân bản, tri thức, đời sống tâm linh và nhân ái đòi hỏi lưu sinh phải tuân thủ nghiêm ngặt. Sinh viên trong lưu xá buộc phải thích nghi với đời sống chung, chung phòng chung bàn, chung công tác, sinh hoạt chung, chung giờ Phụng vụ, chung thời gian biểu,... Chương trình một ngày sống của lưu xá bắt đầu từ 5 hoặc 6g sáng và kết thúc lúc 11g đêm được phân chia cách hợp lý cho những cử hành phụng vụ, đạo đức; giờ học tập trên lớp, ở nhà; giờ thư giãn, giải trí, ăn uống, ngủ nghỉ...

Lưu sinh đi lễ, đọc kinh tối mỗi ngày; chia sẻ Lời Chúa, Chầu Thánh Thể, học giáo lý, nhân bản mỗi tuần; tĩnh tâm, xưng tội mỗi tháng và những dịp lễ quan trọng; với những dịp lễ đặc biệt, lưu xá còn tổ chức những hình thức đạo đức mang tính trẻ trung sáng tạo giúp sinh viên thêm hiểu biết,yêu mến phụng vụ và gia tăng đời sống đức tin. Sinh viên được trang bị những kỹ năng mềm qua các buổi chuyên đề gắn liền đời sống sinh viên, những buổi sinh hoạt, giao lưu, picnic, từ thiện... Nơi nhà chung, lưu sinh có cơ hội trau dồi và phát huy các năng khiếu, làm đồ handmade, nữ công gia chánh và học cách quán xuyến công việc của người nội trợ, người trụ cột trong gia đình. Mỗi sinh viên đều tham gia công việc nhà theo phân công như thu dọn nhà cửa, tổng vệ sinh chung, nấu ăn, trực cổng, đảm trách công việc chuyên môn theo khả năng…tất cả cùng đôn đốc hỗ trợ nhau chu toàn bổn phận trong tinh thần huynh đệ, tương thân tương ái, người trước chỉ dẫn cho người sau. Ngôi nhà chung khi đến đầy xa lạ đã trở thành gia đình yêu thương thứ hai khó có thể quên trong đời sinh viên lưu xá.

2. NHỮNG THUẬN LỢI VÀ KHÓ KHĂN

Lối sống bất cần vô cảm ngày càng trầm trọng nơi người trẻ nói chung và sinh viên nói riêng là những thao thức trăn trở của Giáo hội Việt Nam trong ước muốn đồng hành cùng giới trẻ. Việc mở lưu xá là một phương thế thi hành sứ vụ truyền giáo đang được các hội dòng phát huy trong hoàn cảnh hoạt động tôn giáo còn nhiều hạn chế. Các lưu xá sinh viên công giáo xuất hiện như những nắm men làm dậy lên trong giới trẻ một lối sống tích cực lành mạnh, giảm đi những tệ nạn xã hội. Nhiều người đánh giá sinh viên lưu xá các soeur (cha, thầy) thường siêng năng, lễ phép và giỏi giang. Không phủ nhận tuổi trẻ có nhiều nét đẹp :thích khám phá,giàu nhiệt huyết, muốn cống hiến; nhưng cũng dễ rơi vào các tệ nạn, đua đòi, hưởng thụ nếu không được định hướng.Bên cạnh những thuận lợi, người phụ trách lưu xá gặp không ít khó khăn khi đồng hành với lưu sinh của mình

A. NHỮNG THUẬN LỢI

Người đồng hành lưu xá trước tiên là bậc tu sĩ, vốn được kính trọng trong truyền thống công giáo, đặc biệt là với giáo dân miền quê; có kiến thức nhất định về chuyên mô, kinh nghiệm đời sống chung; cùng chia sẻ nếp sống với sinh viên; nhiệt huyết dấn thân cho sứ vụ … tất cả những thuận lợi này giúp người đồng hành quản lý sinh viên tương đối nhẹ nhàng. Dầu vậy, người đồng hành vẫn không dễ dàng “kéo” lưu sinh ra khỏi những cạm bẫy của trào lưu hưởng thụ thích thể hiện để đưa các em trở về những giá trị đạo đức cao đẹp. Nhưng “kéo” lại bằng cách nào?

Những chia sẻ sau đây của các em lưu sinh là những câu trả lời có lẽ khá đầy đủ “…sống trong lưu xá em tập được tính gọn gàng sạch sẽ, giờ nào việc nấy, tinh thần trách nhiệm, biết tiết kiệm, biết gìn giữ đồ chung. Các soeur trang bị đầy đủ phương tiện phục vụ cho việc học tập, em chỉ việc học thật tốt” “theo đúng thời gian biểu của lưu xá, em thấy mình học hiệu quả hơn vì biết cách sử dụng thời gian”, “Sống với chị em, em học được nhiều điều hay lẽ phải, có cơ hội cọ xát, tôi luyện bản thân, biết cách cư xử hơn, chị em xem nhau như người nhà, rất đoàn kết, ấm áp tình gia đình, có xích mích thì cũng mau chóng hòa giải”.”Ở đây (lưu xá) em biết làm nhiều thứ hơn ở nhà, biết làm đồ handmade, được phát triển năng khiếu, em còn được học cách làm chủ bản thân, làm người trưởng thành”,”Ở lưu xá em mới biết kỹ năng mềm là gì, các buổi chuyên đề rất bổ ích, giúp em phát triển khả năng bản thân, tự tin hơn. Các buổi giao lưu sinh hoạt, picnic tạo cho chúng em tình đoàn kết, mở rộng tương quan, học hỏi rất có ích. Lưu xá đã cho em một nền tảng sống khá vững chắc, em rất thích ở đây”, “Có soeur trực tiếp đồng hành đôi khi em cảm thấy gò bó nhưng cũng quen dần, nhờ thế mà không bị mất tự chủ không sa vào ăn chơi, hư hỏng,”Ở đây vừa đỡ tốn kém vừa được ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, ăn đúng giờ, ngủ đúng giấc nên sức khỏe tốt. Ở đây cái gì cũng chung, nhiều lúc cảm thấy thiếu không gian riêng cho mình nhưng bù lại rất vui. Mọi công tác chị em chia nhau làm, có lúc làm chung, làm giùm nhau, khi có chuyện vui buồn hay đau bệnh được chị em quan tâm chăm sóc rất cảm động, nhất là ngày sinh nhật được cả nhà chúc mừng, tặng quà…”,”Ba má cho em ở lưu xá vì muốn em tiếp tục giữ đạo, đi lễ đọc kinh hằng ngày. Chắc chắn ba má em sẽ rất vui vì em được học giáo lý, nhân bản, được tham gia làm việc từ thiện, mục vụ tông đồ .Được sống chung với các soeur là người của Chúa, em học được nhiều điều hay lẽ phải qua cách sống, lời giảng dạy nhắc nhở của các soeur giúp em củng cố đức tin, sống tốt hơn, … biết đâu sau này em sẽ đi theo Chúa!”

B. NHỮNG KHÓ KHĂN

Vị phụ trách lưu xá nào chẳng muốn các em sinh viên mình phát triển toàn diện!? Nhưng lực bất tòng tâm! Bao nhiêu cái khó có vẻ như muốn bó chặt tâm nguyện của người phụ trách…

Khó khăn phải kể đến đầu tiên là sự khác biệt về vùng miền, về tính cách từ đó phát sinh những nhóm cùng chung một đặc điểm nào đó như cùng sở thích, cùng quê, cùng trường…phần nhiều những nhóm này thường có những hành động tách biệt, cục bộ làm rạn nứt tình hiệp thông gia đình, đôi khi xảy ra mâu thuẫn, bất đồng gây bầu khí nặng nề trong lưu xá, chưa kể một vài em rơi vào thụ động, đơn độc, stress..

Khó khăn trong cách tổ chức, điều hành do các em học các trường khác nhau, giờ giấc khác nhau. Việc tổ chức các hoạt động chung không dễ nhận được sự thống nhất hoàn toàn. Người phụ trách chỉ quản lý được sinh viên trong lưu xá mà không thể kiểm soát cuộc sống sinh viên trên trường lớp. Khó khăn còn thể hiện ở niềm tin của người phụ trách đặt vào mức độ thành thật của lưu sinh.

Khó khăn về nhân sự. Người phụ trách lý tưởng là người có thể đồng hành với từng lưu sinh. Các em đang trong độ tuổi tâm sinh lý có nhiều diễn biến phức tạp, việc đồng hành giải gỡ kịp thời những khúc mắc giúp các em an tâm học hành, tránh được những suy nghĩ lệch lạc đôi khi dẫn đến trầm cảm. Người phụ trách sẽ giảm bớt lo lắng nếu có thêm nhiều người cộng tác trong những lãnh vực khác nhau.

Khó khăn do lưu sinh thiếu ý thức học tập, thiếu tinh thần tự giác. Các em sợ mất thời gian cho những hoạt động chung nhưng tiêu phí rất nhiều thời giờ vào những lần lướt facebook, nghe nhạc, xem clip, tán gẫu… Cách giảng dạy hiện nay không tạo cho các em phát huy tư duy, tấm bằng trong tay cũng khó có thể cho các em một công việc ổn định, phù hợp nên các em học trong tâm thế trả nợ, chỉ để lấy được tấm bằng cho oai hơn là truy tầm tri thức! Làm sao để giúp các em yêu thích học tập, say mê nghiên cứu quả là một thách thức !

Những thách thức trên đã làm khó người phụ trách khi theo đuổi mô hình gia đình lưu xá yêu thương, hiếu học; tuy nhiên, khó khăn lớn nhất, dai dẳng nhất là những lôi cuốn của lối sống hưởng thụ không ngừng tác động lên người trẻ, chúng đổ bộ vào nếp sống lưu xá. Các em phải chiến đấu giữa nếp sống gò bó bởi những rào chắn của luật lệ lưu xá và lối sống tự do cá nhân bên ngoài. Các em khó chấp nhận những nguyên tắc nghiêm ngặt của lưu xá khiến các em khó phát huy tối đa năng lực . Dù muốn dù không những khuynh hướng tiêu cực vẫn cứ đổ bộ vào nếp sống sinh viên như nhưng cơn sóng giằng xé tinh thần khiến các em muốn nhào ra khỏi những be bờ đê đắp. Người đồng hành phải mạnh mẽ kiên quyết nhưng cũng thật mềm dẻo thấu cảm để cùng đối mặt đưa các em vượt qua những con sóng dữ này.

3. TRƯỜNG NUÔI DƯỠNG ĐỨC TIN

Chương trình học trên lớp chiếm khá nhiều thời gian, cộng thêm thời giờ làm bài ở nhà và những lần tra cứu mạng, lướt facebook khiến nhịp sống sinh viên luôn hối hả, thiếu cân bằng, đôi khi rơi vào khủng hoảng bế tắc vì nhiễu loạn thông tin, những ảo giác thần tượng, và những khối bài khổng lồ, khó nuốt hay những đợt thi cử căng thẳng,. Sinh viên được trao cho chìa khóa mở cánh cửa an bình nội tâm là những giờ phụng vụ, kinh nguyện, hồi tâm. Đời sống đức tin triển nở đưa sinh viên trở về vị trí cân bằng giữa đời sống tâm linh và học tập từ đó dần dần hình thành con người phẩm hạnh, tư cách tố, hữu ích cho đời. Chương trình giáo dục đức tin trong lưu xá được tổ chức khá đầy đủ và phong phú bởi ngoài những cử hành phụng vụ, những giờ giáo lý chia sẻ Lời Chúa, sinh viên còn tham dự những hình thức đạo đức vào những dịp đặc biệt, được tiếp thu những giáo huấn, hướng dẫn của Giáo hội, tiếp cận những bài học đức tin sống động qua chứng từ đời sống của người đồng hành. Tuy nhiên chương trình giáo lý trong lưu xá chưa thể gọi là đầy đủ do thiếu khóa học giáo lý Hôn nhân mà sinh viên rất muốn được học trong thời gian này. Theo ý kiến sinh viên, khóa học được tổ chức trong thời gian học đại học sẽ giúp sinh viên giải quyết nhiều vấn đề: tránh được sự gián đoạn với chương giáo lý xứ nhà, không bị mất học nếu bắt buộc phải về giáo xứ học,tránh được những cạm bẫy, tệ nạn, cám dỗ tình dục, sống thử, phá thai, không phải học cấp tốc khi có “sự cố”, không gặp khó khăn khi có việc làm sau đại học; hơn nữa nhờ chương trình giáo lý hôn nhân sinh viên sẽ có cái nhìn đầy đủ về đời sống gia đình công giáo,hiểu biết ơn gọi gia đình để có những quyết định đúng đắn cho tương lai…

4. NHỮNG THAO THỨC

Việc nhập học ở thành phố với số lượng sinh viên miền quê là điều vẫn xảy ra hằng năm. Không chỉ tân sinh viên mà những sinh viên năm 2 năm 3 vẫn có nhu cầu tìm một chỗ an toàn. Với kỹ thuật thông tin hiện đại, việc thiếu thông tin về lưu xá công giáo có là một thiếu sót lớn ! Do đâu? Vậy nên chăng Ủy Ban Di Dân cần thiết giới thiệu các lưu xá trên các trang mạng công giáo hay lập một trang mang tên Di Dân Sinh viên trong trang web Ủy Ban Di Dân cung cấp đầy đủ thông tin đầy đủ và chi tiết từng lưu xá công giáo đồng thời cập liên tục vào những ngày chuẩn bị năm học mới để các tân sinh viên bớt đi một phần lo lắng trước ngưỡng cửa đại học; trang web này có thể cung cấp thêm những mảng đề tài liên quan đến sinh viên di dân chẳng hạn như vấn đề về cuộc sống sinh viên miền quê nơi thành thị, những điều cần biết cho người mới nhập cư nơi thành phố, những cơ hội và thách thức cho sinh viên, giới thiệu việc làm thêm, vấn đề đa cấp…, cũng có thể lập văn phòng Di dân sinh viên theo cơ cấu Trung Ương – Giáo phận – giáo xứ để sinh viên, phụ huynh có thể tìm hiểu thông tin ngay tại giáo xứ; lập văn phòng tư vấn sinh viên di cư nhằm giải đáp tháo gỡ những trăn trở, những vấn đề phức tạp của sinh viên.

Ủy Ban Di Dân có thể liên kết với một số tổ chức lập thêm và mở rộng mô hình lưu xá để đón nhận thêm nhiều sinh viên, kể cả sinh viên không công giáo …

Phần lớn sinh viên xa quê gặp khó khăn trong việc hội nhập văn hóa, lối sống thành thị, dễ co mình, thụ động, rất nên tạo những sân chơi lành mạnh, những trung tâm văn hóa, câu lạc bộ, những buổi giao lưu, những lớp kỹ năng, năng khiếu, công nghệ… giúp sinh viên lấy lại niềm vui, mở rộng tương quan,phát triển các kỹ năng, tự tin thể hiện khả năng, …

Người quản lý lưu xá đồng hành trực tiếp với sinh viên di dân vậy Ủy Ban Di Dân có nên tổ chức những buổi học tập thảo luận chuyên đề, chia sẻ những kinh nghiệm đồng hành sinh viên lưu xá để có cách quản lý hiệu quả

Ủy Ban Di dân cần phối hợp với giáo xứ lập danh sách sinh viên di dân để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, quan tâm thăm hỏi những dịp lễ, động viên tham gia các đoàn thể trong giáo xứ, giáo phận nhằm tránh tình trạng bị bỏ rơi, loại trừ. Hầu hết sinh viên chọn thành phố khởi nghiệp sau đại học nhưng gặp khó khăn về vấn đề tìm việc làm, Ủy Ban Di Dân có thể chăng liên kết với các doanh nghiệp mở các trường nghề công giáo thâu nạp sinh viên giúp họ viên có cơ hội thăng tiến, tránh rơi vào cạm bẫy …

Có thể nhận thấy một số lớn sinh viên công giáo rời quê lên trọ học thành phố đa phần là những tín hữu ngoan đạo do ảnh hưởng đời sống đức tin truyền thống từ gia đình giáo xứ, họ có thể là lời chất vấn cho những tín hữu thành thị khô khan. Tuy nhiên, dẫu được tiếp tục nuôi dưỡng đức tin trong lưu xá dòng tu, những con chiên ngoan đạo này không thể làm nóng tâm tình đạo đức nơi người trẻ thành thị mà dễ có nguy cơ bị hòa tan trong vòng xoáy suy thoái đạo đức. Người đồng hành lưu xá không đủ quyền năng giữ gìn đức tin cho họ nhưng nếu có sự đồng hành khôn ngoan của các vị đại diện Giáo Hội, Thiên Chúa sẽ ra tay. Vì đối với Thiên Chúa không có gì là không thể.

Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 97 (Tháng 11 & 12 năm 2016)



[1] Bùi Việt Thanh, Di cư nông thôn Đô thị thách thức cơ hội cho thành phố Hồ Chí Minh

[2] Vũ Mạnh Quân, FSC, Thái độ và ý kiến đánh giá của sinh viên về các lưu xá Thiên Chúa giáo tại tp Hồ Chí Minh