LINH MỤC - HIỆN THÂN CỦA ĐỨC KITÔ MỤC TỬ GIỮA TRẦN GIAN
Aug. Trần Cao Khải
WHĐ (6.9.2020) – Ngày 25-8-2020 vừa qua, trong bài giảng thánh lễ
phong chức sáu tân linh mục tại giáo phận Phát Diệm, Đức TGM Giu-se Nguyễn Năng
đã nhắc nhở các tân linh mục phải làm sao để trở thành hiện thân của Chúa
Giê-su là Đầu và là Mục Tử của Giáo Hội. Ngài đã nhắn nhủ như sau:
Ngày hôm nay, chúng ta vui mừng tạ ơn Chúa bởi vì
có 6 người anh em chúng ta được tuyển chọn tham dự vào chức Tư Tế Thừa Tác.
Không phải bỗng dưng mà các thầy này tiến lên, nhưng mà được Chúa kêu gọi và
tuyển chọn. Chỉ một mình Chúa là Mục Tử, nhưng mà Chúa Giêsu ngày hôm nay đã
lên Trời rồi, Ngài không còn hiện diện hữu hình giữa chúng ta nữa. Nhưng mà,
Ngài muốn có những người tiếp nối sứ mạng của Chúa. Cho nên, trong bài Tin Mừng
chúng ta thấy Chúa đã nói với các Tông Đồ “như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai
anh em”. Như Chúa Cha đã sai Chúa Giêsu, ngày nay Chúa Giêsu cũng sai các con
đi, sai các con đi để tiếp nối sứ mạng của Chúa, mà không phải chỉ là tiếp nối,
mà còn trở thành hiện thân của Chúa. Là dấu chỉ của Chúa ở giữa dòng đời này. Để
làm việc đấy, thì Chúa Giêsu đã ban Chúa Thánh Thần cho các Tông Đồ.
Và hôm nay, Chúa Giêsu cũng ban Chúa Thánh Thần
cho các con, để các con được thánh hiến, được đổi mới từ bên trong. Bởi vì linh
mục không phải là một người công nhân, không phải là một nhân viên làm công tác
xã hội, mà là hiện thân của Chúa. Cho nên Chúa Thánh Thần biến đổi các con từ
bên trong, để làm cho các con trở nên giống hình ảnh của Chúa Giêsu. Chính vì
thế, tất cả các con đây, ngày hôm nay, nhờ việc đặt tay và nhờ lời nguyện Thánh
Hiến các con trở thành hiện thân của
Chúa, là dấu chỉ của Chúa.
Cho nên cả cuộc đời của chúng ta, bản thân của
chúng ta, lối sống của chúng ta, lời ăn tiếng nói của chúng ta, cách cư xử của
chúng ta, cách phản ứng của chúng ta, cách giải quyết vấn đề của chúng ta, cách
phục vụ của chúng ta, tất cả phải làm sao để cho thấy Chúa Giêsu trong con người
của các con. Người ta nhìn vào đời sống của các con người ta thấy Chúa Giêsu và
người ta có thể thốt lên rằng: quả thật đây là người Mục Tử của Chúa, quả thật
đây là hình ảnh của Chúa Giêsu, là linh
mục thật chứ không phải là linh mục giả. Cho nên các con phải cố gắng từng
ngày nên hoàn thiện hơn.[1]
Khái niệm “Linh mục
giả” được nhắc đến ở đây cho chúng ta thấy rằng nếu linh-mục-thật không cảnh
giác để cố gắng sống theo ý Chúa thì có thể sẽ biến chất và trở nên “Linh mục
giả”. Lúc đó, ngài không còn là hiện thân của Chúa nữa, mà trở thành một ‘gánh
nặng” thay vì là “quà tặng” cho Dân Chúa.
Trong diễn từ đọc
tại nhà thờ Chánh tòa Đức Mẹ lên trời ở Palermo (Italia) trước hàng trăm giám mục,
linh mục, và tu sĩ nam nữ ngày 3-10-2012, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã nói
riêng với các linh mục hiện diện như sau: “Chính
Chúa Kitô, chứ không phải thế gian – đã thiết lập cương vị cho linh mục…Và
với cương vị đó, linh mục phải luôn chú tâm đến ơn cứu độ và Vương Quốc của
Thiên Chúa”.
Hơn nữa, linh mục
“không thể là thừa tác viên của Chúa Kitô
nếu không là chứng nhân và là người ban phát một đời sống khác với đời sống
thế tục” (cf. Presbyterium Ordinis no.3).[2]
Linh mục được
Chúa chọn sẽ sống ơn gọi, thể hiện căn tính và thi hành sứ vụ khác với nhãn
quan của thế gian. Các ngài sẽ là những mục tử như lòng Chúa mong ước, như Hội
thánh mong đợi và như tín hữu mong ước.
Thực vậy, “vì linh mục là hiện thân của Chúa Kitô giữa
trần gian, đặc biệt trong hoàn cảnh xã hội khắp nơi ngày một thêm “tục hóa” vô
lương tâm và vô luân hiện nay, cho nên mọi linh mục đều được mong đợi sống sao
cho người đời, cách riêng cho người tín hữu, dễ nhận ra Chúa Kitô, Đấng đến và
trở nên Con Người không phải để đồng hóa với người phàm trong mọi chiều
kích thế tục mà trở nên Con Người để cứu chuộc và thần linh hóa (divinize)
loài người hầu cho giúp con người được sống hạnh phúc và “được thông phần bản
tính Thiên Chúa sau khi đã thoát khỏi cảnh hư đốn do dục vọng gây ra trong trần gian” này, như
Thánh Phêrô đã dạy (2 Pr 1,4)”.[3]
Trong bài viết
này, chúng ta sẽ bàn về hiện thân của linh mục dõi theo gương Chúa Giê-su Mục Tử
thông qua ba hình ảnh sau: Các ngài sẽ là hiện thân của đời sống từ bỏ, hiện
thân của sứ mệnh truyền giáo và hiện thân của ơn gọi phục vụ.
1- LINH MỤC: HIỆN THÂN CỦA ĐỜI SỐNG TỪ BỎ
Việc đầu tiên của
người theo Chúa để phục vụ chương trình cứu độ của Ngài, đó là từ bỏ tất cả. Từ bỏ để đi vào mối liên
kết mật thiết với Đấng kêu gọi mình và trở thành công cụ để Ngài hành xử theo
như ý Ngài muốn.
Thực vậy, “Muốn
trở thành môn đệ Đức Giêsu, không buộc phải là người siêu phàm. Thật vậy, tương
giao giữa môn đệ với thầy không nhất thiết cũng như trước hết không thuộc phạm
vi trí tuệ. Đức Giêsu phán ‘Hãy theo Ta’. Trong Tin Mừng, động từ ‘theo’ luôn
luôn diễn tả sự gắn bó với con người Đức Giêsu (td Mt 8, 19...). Theo Đức
Giêsu, nghĩa là đoạn tuyệt với quá khứ, một thứ đoạn tuyệt toàn diện, nếu là
trường hợp các môn đệ ưu tuyển. Theo Đức Giêsu là cư xử giống như Người, là lắng
nghe lời Người dạy và làm cho đời sống mình phù hợp với đời sống Đấng Cứu Thế
(Mc 8, 34tt; 10, 21.42-45; Ga 12, 26). Khác với môn đệ của các tiến sĩ Do Thái,
một khi đã thông thạo luật, họ có thể tách khỏi thấy mình, và mở trường dạy lại,
còn môn đệ Đức Giêsu thì không thể lìa bỏ Đấng mà từ nay, đối với họ còn trọng
hơn cha mẹ (Mt 10, 37; Lc 14, 25t)”.[4]
Trong Tin Mừng, Đức
Giê-su loan báo khá nhiều về lệnh truyền từ bỏ đối với người được tuyển chọn. Lời
của Chúa thật dứt khoát, rõ ràng: “Nếu ai
muốn là môn đệ Thầy, thì hãy từ bỏ mình, vác thánh giá mình mà theo Thầy”
(Mt 16, 24). Chúa cũng đã khẳng định: “Ai
không từ bỏ tất cả những gì mình có, sẽ không thể là môn đệ Thầy ” (Lc 14,
33).
Nói về vấn đề “Từ bỏ” của người mục tử, Đức GM GB. Bùi
Tuần đã chia sẻ như sau:
“Từ bỏ trước hết là dứt lìa những dính bén xấu, những
ham muốn bất chính, không phải chỉ đối với những của cải vật chất, mà cũng đối
với những của cải tinh thần như danh vọng, uy tín, ý riêng.
Từ bỏ cũng là ra khỏi cái tôi ích kỷ, bỏ con
người cũ, trở nên con người mới (x. Cl 3, 9-10).
Từ bỏ chính là chấp nhận hy sinh, khiêm tốn
chôn vùi như Lời Chúa dạy ‘Nếu hạt giống rơi xuống đất mà thối đi, nó sẽ nảy
sinh hoa trái’ (Ga 12, 24).
Từ bỏ đích thực là để gắn bó chặt chẽ với
thánh ý Chúa, như Chúa Giê-su đã nói: ‘Không phải theo ý con, nhưng theo ý Cha
mà thôi’ (Lc 22, 42).
Người môn đệ nhờ từ bỏ theo giáo huấn của Chúa mà có thể tập trung vào Đức Kitô,
chính nhờ Người, với Người và trong Người, và vì Người mà chúng ta sống và hoạt
động.
Ngoài ra, từ
bỏ như thế là để sống phục vụ vị tha, không tìm vui sướng nào ngoài vui sướng
được liên kết mật thiết với Đức Kitô, như lời Người phán: ‘Thầy là cây nho, anh
em là cành’ (Ga 15, 5)”.[5]
Sự từ bỏ của người
theo Chúa không chỉ là từ chối một đời sống theo ý riêng hay một số quyền lợi
nào đó, mà là một sự buông bỏ toàn diện, khiến mình trở nên bé nhỏ, nghèo hèn
và trống rỗng. Sự từ bỏ đích thực sẽ khiến cho người theo Chúa được thảnh thơi
bước vào môi trường đào tạo của Chúa, ở đó mọi dự phóng cá nhân sẽ được thay thế
bằng thánh ý nhiệm mầu của Chúa. “Lạy
Chúa, này con xin đến, để thực thi ý Chúa” (Tv 39).
Chỉ riêng việc tự
nguyện chấp nhận sống nghèo vì Tin Mừng thôi cũng đủ cho thấy linh mục phải mạnh
mẽ và dũng cảm như thế nào để sống cuộc đời từ bỏ. Bởi vì, cái cám dỗ lớn nhất,
đối với đa phần con người ta, vẫn luôn luôn là muốn giàu có, cảm thấy mình giàu
có và ước ao được ca tụng mình là người giàu có…Sự giàu có không nhất thiết chỉ
là về vật chất, tiền bạc, mà còn có thể ngầm hiểu là sự sung mãn, đầy đủ về tiếng
tăm, chức vị, quyền bính, kiến thức, trình độ, nhân đức vv..
Chính vì vậy, thực
tế đã cho thấy nhiều giáo dân giáo dân khá “dị ứng” khi chứng kiến nếp sống
giàu có của một linh mục nào đó, đặc biệt là sự giàu có sung túc về của cải và
phương tiện vật chất.
Đức Thánh Cha
Phan-xi-cô có lần đã thổ lộ: “Cha cảm thấy
buồn khi thấy một linh mục hay một nữ tu đi chiếc xe hơi đời mới nhất: thật
không thể như thế được!”.
Trong một dịp
khác, ngài cũng đã nói: “Nếu các con
thích một chiếc xe xinh xắn, hãy nghĩ đến biết bao trẻ em đang chết đói, hãy
nghĩ đến điều này thôi. Niềm vui không được sinh ra, cũng không đến từ những thứ
người ta có!”.
Xét như thế,
chúng ta có thể khẳng định là các linh mục, một khi đã tận hiến đời mình cho
Chúa và Hội thánh thì mặc nhiên các ngài sẽ chấp nhận một đời sống từ bỏ, tự
nguyện sống nghèo khó vì Tin Mừng theo gương thầy chí thánh Giê-su, “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con
Người không có chỗ tựa đầu” (Lc 9, 58).
2- LINH MỤC: HIỆN THÂN CỦA SỨ VỤ TRUYỀN GIÁO
Bản chất của Hội
thánh là truyền giáo, vì thế hơn ai hết, linh mục là hiện thân tiêu biểu nhất của
sứ vụ truyền giáo. Các ngài là những môn đệ được tuyển chọn để được sai đi chứ
không phải để cắm chặng đời mình ở một nơi chốn cố định nào.
Đức Thánh Cha
Phan-xi-cô đã từng nhắn nhủ như sau:
“Cha muốn mọi người ra đi! Cha muốn Giáo Hội
ra ngoài đường phố! Cha muốn chúng ta tự bảo vệ chống lại những gì là thế gian,
là định lập, là thoải mái, là giáo sĩ trị, là khép kín vào chính mình...”.
“Giám mục và linh mục hãy đào tạo người trẻ
trong sứ vụ truyền giáo, bằng cách sai họ bước ra và bước tới. Chúa Giêsu đã
làm điều này với các môn đệ của Ngài: Người đã không giữ các tông đồ dưới cánh
của mình như gà mẹ giữ chặt con dưới cánh. Ngài sai họ ra!”
“Giám mục và linh mục không thể giữ cho mình
bị đóng kín trong các giáo xứ, trong các cộng đoàn của chúng ta, khi rất nhiều
người đang mong chờ Tin Mừng! Không chỉ đơn giản là mở cửa ra chào đón, nhưng
chúng ta phải vượt ra khỏi những cánh cửa đó để tìm kiếm và gặp gỡ người dân!”
“Giám mục và linh mục hãy can đảm nhìn vào
nhu cầu mục vụ, bắt đầu từ vùng ngoại ô, với những người ở xa nhất, với những
người không thường xuyên đi nhà thờ. Họ cũng được mời đến dự bàn tiệc Chúa.”[6]
Hiện nay, nhu cầu
truyền giáo ở Việt Nam thật là lớn. Thử lược qua bối cảnh hiện tại:
Đức GM Đinh Đức Đạo,
giám mục giáo phận Xuân Lộc, khi trả lời phỏng vấn của phóng viên tờ báo điện tử vaticaninsider.lastampa.it về
kết quả truyền giáo tại Việt Nam, đã cho biết như sau:
Năm 1960, số tín hữu Công Giáo là 2,43 triệu người,
số dân cả nước là 35 triệu người, tỷ lệ người Công Giáo trên dân số cả nước là
7%.
Bốn mươi năm sau, năm 2000, có 5,2 triệu người
Công Giáo, số dân cả nước là 77 triệu người, tỷ lệ người Công Giáo trên dân số
cả nước là 6,75%.
Năm 2014, có 6,6 triệu người Công Giáo, số dân cả
nước là 95,2 triệu người, tỷ lệ người Công Giáo trên dân số cả nước là 7%.”[7]
Linh mục Antôn
Nguyễn Ngọc Sơn cho biết theo thống kê của Ban chỉ đạo Tổng điều tra dân số và
nhà ở, được công bố tại Hà Nội ngày 19-12-2019 mới nhất vừa qua cho thấy: Dân số
Việt Nam là 96,2 triệu người, có 16 tôn giáo được phép hoạt động với 13,2 triệu
tín đồ, chiếm 13,7% tổng số dân cả nước. Trong đó số người theo Công Giáo là
đông nhất với 5,9 triệu người, chiếm 6,1% dân số. Tỷ lệ dân số Công Giáo sút giảm
từ 6,61% năm 2009, xuống còn 6,1% năm 2019.
Như vậy, dựa trên
những con số trên đây thì kết quả của việc truyền giáo tại Việt Nam từ khi thiết
lập hàng giáo phẩm cho đến nay dường như giậm chân tại chỗ! Và có thể nói là
còn thụt lùi.
Chúng ta biết rằng,
mặc dù công cuộc truyền giáo là nhiệm vụ chung của toàn thể Hội thánh, nhưng đối
với linh mục, đó cũng là sứ mệnh và ơn gọi riêng biệt của các ngài.
Trong thư gửi cho
các chủng sinh năm 2010, Đức Thánh Cha Bênêđictô đã khẳng định, mọi xã hội, dù
giàu có và đầy đủ về vật chất đến đâu đi nữa, thì vẫn cần đến các linh mục.
Ngài nhắn nhủ: Nếu thế giới luôn luôn cần
đến Thiên Chúa, thì linh mục là người mang Thiên Chúa vào lòng cuộc đời. Nếu
con người luôn khát vọng và tìm kiếm những giá trị siêu nhiên, thì linh mục là
người mang Chúa đến làm cho tâm hồn con người được no thoả. Trong một xã hội
còn nhiều bóng tối, rất cần có linh mục để thắp lên ngọn lửa hy vọng. Trong cuộc
sống còn nhiều dối gian, rất cần đến linh mục để làm chứng cho Sự Thật. Khi
lòng người dửng dưng vô cảm, rất cần có linh mục quảng đại dấn thân phục vụ.
Qua đời sống và sứ vụ, linh mục là hiện thân của Chúa Giêsu, Linh mục Thượng Phẩm
Tối Cao.
Đức Thánh Cha viết
tiếp: “Thiên Chúa sống động, và Ngài
cần những người sống cho Ngài và đưa Ngài đến với tha nhân. Đúng vậy, trở thành
linh mục thật là điều có ý nghĩa: thế giới đang cần linh mục, cần các vị mục tử,
ngày nay, ngày mai và mãi mãi, cho đến khi nào thế giới còn hiện hữu”.[8]
Quả thật, bản
thân linh mục, vốn là một nhà truyền giáo chuyên trách, dù ở cương vị hay hoàn
cảnh nào, cũng luôn luôn sống và làm việc trong bầu khí truyền giáo. Truyền
giáo như hơi thở, như nhịp đập trái tim của các ngài. Nhìn vào khối lượng, bề
dày cũng như vào tính chất quan trọng, cấp bách, trường kỳ của sứ vụ mục tử,
người ta thấy quả thực linh mục là người vất vả nhất. Bởi vì một mặt ngài phải
nêu gương truyền giáo nơi chính bản thân mình, mặt khác phải dấn thân bước vào
môi trường truyền giáo bao la, rộng lớn, ngút ngàn…
3- LINH MỤC: HIỆN THÂN CỦA ƠN GỌI PHỤC VỤ
Chúng ta xác tín rằng,
linh mục được tuyển chọn để phục vụ cộng đồng Dân Chúa, phục vụ chương trình cứu
rỗi và phục vụ Nước Trời. Các ngài chính là hiện thân của ơn gọi phục vụ.
Đức Giê-su cũng
đã khẳng định trước mặt các môn đệ, là Ngài đến để phục vụ chứ không để được phục
vụ. “Nhưng giữa anh em thì không phải như
vậy: ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em; ai muốn làm
đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người. Vì Con Người đến không phải để được
người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc
muôn người”. (Mc 10, 43-45)
Khi thi hành sứ mệnh
phục vụ, các linh mục không ung dung ngồi trên cao để nhìn xuống đàn chiên,
trái lại, các ngài phải đứng dậy, ra đi, lăn xả vào đàn chiên, phải mang vác
chiên và thấm đẫm mùi chiên. Và để việc phục vụ đạt kết quả tốt, thì vị mục tử
phải biết từng con chiên một. Như
Chúa đã nói: “Ta là mục tử tốt lành, Ta
biết các chiên Ta, và các chiên Ta biết Ta” (Ga 10, 14).
“Ta biết các
chiên ta”. Từ “Biết” trong Kinh Thánh có một ý nghĩa đặc biệt sâu xa. “Biết”
không chỉ là nắm bắt thông tin về chiên mà còn là đi vào liên hệ gần gũi và
tương giao mật thiết với chiên. “Biết” như thế không chỉ là nghe biết, hiểu biết
mà còn là thông biết, thấu biết, nghĩa là một sự hiểu biết đến từ cảm thông,
yêu thương, gần gũi, phục vụ và sẻ chia cuộc sống. Người mục tử đi vào cuộc đời,
lăn xả vào môi trường sống của chiên, để hiểu biết và cảm thông với đoàn chiên.
Chính từ trường học cuộc sống, họ biết đoàn chiên một cách cụ thể, sống động và
sâu xa qua những trang sách đời thường. Qua cách thế đó, mọi ưu tư và thao thức
thầm kín nhất của đoàn chiên cũng được mục tử thấu biết và cảm thông.
Mục tử cũng không
chỉ biết đoàn chiên một cách chung chung mà “gọi tên từng con một”. Đó là một
cái biết thấu đáo, cụ thể, sâu sát. “Gọi tên từng con” nghĩa là có tương giao
liên vị với mỗi con chiên, từng con chiên, dù là con chiên bé nhỏ và yếu ớt nhất,
“vô danh tiểu tốt” nhất, “thấp cổ bé họng” nhất… Nói khác đi, mỗi con chiên có
một chỗ đứng quan trọng và bất khả thay thể trong con tim người mục tử. Mục tử
cần yêu thương mọi con chiên và mỗi con chiên. Trái tim mục tử không có quyền
loại trừ hay dửng dưng với bất cứ con chiên nào.[9]
Đức TGM Giu-se
Nguyễn Năng trong bài giảng tại buổi lễ phong chức linh mục thuộc giáo phận
Phát Diệm ngày 25-8-2020 vừa qua, cũng đã đề cập đến ơn gọi phục vụ của linh mục.
Ngài đã nhắn nhủ:
Chúng con phục vụ, quản trị cộng đoàn như thế nào
để người ta thấy Chúa Giêsu ở nơi chúng con. Và nhất là, chúng con cùng với
toàn thể Giáo Hội loại trừ cái "Óc Giáo Sĩ Trị" ra khỏi Giáo Hội tuyệt
đối. Lấy quyền mà dọa nạt, rồi la lối, rồi mắng mỏ, rồi đe dọa, rồi vạ tuyệt
thông...Tất cả những cái đó là những cái lỗi thời và sai tinh thần Phúc Âm và
làm cho người ta không thấy được Chúa Giêsu nơi con người của mình, mà như vậy
thì không bao giờ có thể Loan Báo Tin Mừng hay Truyền Giáo được. Dứt khoát loại trừ “Óc Giáo Sĩ Trị”.[10]
Chúng ta biết rằng,
sau các vụ tai tiếng nặng nề về các vụ lạm dụng của các giáo sĩ, người ta thấy
rất nhiều câu trả lời cũng như suy nghĩ của giáo sĩ cũng như giáo dân, kể cả của
Đức Giáo hoàng. Trong thư gởi Dân Chúa về cơn khủng hoảng hiện nay, thêm một lần
nữa, ĐTC Phan-xi-cô tố cáo một trong các yếu tố chính của cơn khủng hoảng này,
đó là nạn “Chủ nghĩa giáo quyền”. Đây là một trong các chữ mà trong các câu
chuyện ở nhà thờ người ta hay nhắc đến. Nhưng chủ nghĩa giáo quyền là gì?
Chủ nghĩa giáo quyền là cách nhìn giới tu sĩ một cách lệch lạc, một sự
tôn kính thái quá và một khuynh hướng trao cho hàng giáo sĩ một quyền uy đạo đức
tối thượng. ĐTC Phan-xi-cô đã có một mô tả ngắn về hiện tượng này: “Các linh mục cảm thấy mình ở bậc trên, họ rất
xa với giáo dân”. Ngài nói thêm, chủ nghĩa giáo quyền có thể “được chính các linh mục hoặc các giáo dân
làm thuận lợi thêm”. Trên thực tế, giáo dân cũng có thể rơi vào nạn giáo
quyền! Họ nghĩ sự đóng góp của họ vào Giáo hội chỉ là thứ yếu, hoặc dù sao thì
“linh mục chắc chắn cũng biết nhiều hơn”. Vì vậy chúng ta phải tôn trọng các
thành viên của hàng giáo sĩ. Họ được Chúa gọi để làm lãnh đạo chúng ta, để làm
người hướng dẫn, người thánh hiến trong đời sống Kitô và chúng ta tôn kính họ
là vì vậy.[11]
Linh mục phục vụ
Dân Chúa với tinh thần và lời dạy của Chúa Giê-su thì không bao giờ mang trong
mình căn bệnh quan liêu, căn bệnh vô cảm và nhất là căn bệnh “Giáo sĩ trị”.
Linh mục Đỗ Xuân
Quế OP, trong bài viết mới đây có tựa đề “Điều
giáo dân trông đợi nơi linh mục”, đã nhấn mạnh: Giáo dân cũng đợi chờ nơi linh mục đức tính này là dễ gặp, dễ nhờ. Vì đức
tính này mà linh mục được định nghĩa rất sâu sắc và thâm thúy là con người “bị
ăn”. Kiểu nói này là của một linh mục người Pháp, cha Chevrier, người lập ra Hội
Linh mục Prado.
Nhiều linh mục ngày nay dành nhiều thời giờ cho
mình mà ít cho giáo dân. Có linh mục làm lễ sáng xong là rút lui lên lầu, suốt
ngày sống với máy vi tính và các thứ máy móc khác, hoặc đi vắng không mấy khi
có mặt ở nhà, mọi việc giao cho văn phòng giáo xứ, khiến cho giáo dân nhiều người
cần gặp mà không được.
Lại có những cha sở tuy gặp được, nhưng giáo dân
rất sợ vì tính lạnh lùng và hay bẳn gắt. Bởi vậy, điều giáo dân đợi chờ nơi
linh mục là họa lại hình ảnh Chúa Giêsu trong cách hành xử, nói năng và tiếp
xúc.[12]
Như trên đã nói,
Đức Giê-su tuyển chọn môn đệ không phải làm quan cai trị thiên hạ, nhưng là làm
đầy tớ phục vụ dân Thiên Chúa. Ngài đã nhấn mạnh: “Anh em biết: những người được coi là thủ lãnh các dân thì áp đặt trên họ
quyền bá chủ, những người làm lớn thì áp đặt trên họ quyền hành của mình. Nhưng
giữa anh em thì không phải như vậy: ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm
người phục vụ anh em; ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người. Vì
Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến
mạng sống làm giá cứu chuộc muôn người” (Mc 10, 42-45).
Tông thư
“Pastores Dabo Vobis” của Đức thánh GH Gio-an Phao-lô II về việc đào tạo linh mục
(số 22-23) đã diễn tả sứ mệnh của linh mục với giáo dân như sau: “Là mục tử của cộng đoàn, linh mục sống và
hiện hữu vì nó; vì nó mà cầu nguyện, học hỏi, làm việc và hy sinh. Và chính vì
cộng đoàn mà ngài sẵn sàng thí mạng, yêu mến nó như Đức Kitô, trao cho nó tất cả
tình yêu và sự quí mến, hao tốn sức lực và thời giờ vì nó nên hình ảnh của Giáo
hội hiền thê Đức Kitô càng ngày càng xinh đẹp hơn, xứng đáng được Chúa Cha quí
chuộng và Chúa Thánh Thần yêu thương. Chiều kích hôn ước này của đời sống
linh-mục-Mục-Tử buộc linh mục hướng dẫn cộng đoàn bằng sự phục vụ hết mình toàn thể cộng đoàn và từng thành viên”.
Phục vụ là cung
cách làm việc và hành xử của một đầy tớ chứ không phải của ông chủ. Hình ảnh
Chúa quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ đã minh họa rõ ràng về điều đó. Và còn
hơn thế nữa, đối với Chúa, tột cùng của phục vụ là hy sinh mạng sống và chịu chết
vì đàn chiên. Cái chết của Chúa trên thập giá đã chứng minh hùng hồn cho điều
đó. “Người lại còn hạ mình, vâng lời cho
đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2, 8); “Không ai có tình thương lớn hơn tình thương của
người hy sinh mạng sống mình cho bạn hữu” (Ga 15, 13).
Khi dấn thân vào
đời sống phục vụ, linh mục chấp nhận sự sống mình phải chịu tiêu hao đi vì người
khác. Cộng đoàn tín hữu là một gia đình trong đó linh mục được sai đến để chăm
sóc, lo lắng và làm gương. Ngài luôn tự nhủ rằng việc ngài đến là “để phục vụ”. Người phục vụ luôn luôn là
người chịu thiệt thòi, lo trước cái lo của dân Chúa và vui sau cái vui của họ.
Nếu ngày đưa đón cha về nhận giáo xứ mới, lòng đầy nỗi hân hoan, vui sướng bao
nhiêu thì những ngày sau đó, là một núi công việc đang chờ đợi bàn tay và khối
óc của linh mục. Nỗi lo lắng của ngài không phải là an hưởng bản thân mà là
gánh vác công việc cộng đoàn, ở đó bao con người đang mong đợi và cần sự hiện
diện của ngài.
Linh mục sẽ luôn
luôn phải thao thức về các nhu cầu của cộng đoàn, qua đó ngài biết nên làm gì
và làm như thế nào để họ “được sống và sống
dồi dào”. Sự hy sinh của linh mục không chỉ là chịu đựng một vài khó khăn
trong vấn đề ăn uống, nhà ở, phương tiện này nọ mà là “chỉ có một sự cần”, đó là làm sao mình phải bé nhỏ, tiêu hao đi để
cho Đức Ki-tô lớn lên trong cộng đoàn. Làm sao để Tin Mừng thực sự lan tỏa
trong mỗi người, mỗi gia đình, mỗi hội-đoàn-nhóm tín hữu. Làm sao hạn chế được
những chia rẽ, bất hòa, hành xử cục bộ, bè phái...để mọi người sống hiệp nhất
yêu thương như Chúa đã dạy. Nguyên chỉ với những thao thức đó thôi, linh mục
cũng đã phải “tự tiêu hao” biết bao dự phóng, bao sáng kiến, bao lo toan, bao kế
hoạch riêng tư...Nói cách khác, khi lo cho người khác được lớn lên, linh mục sẽ
hy sinh chính bản thân ngài.
Đức TGM Giuse
Nguyễn Chí Linh có lần đã nhắn nhủ các linh mục trong dịp tĩnh tâm ở Giáo phận
Đà Lạt, như sau: “‘Yêu mến giáo dân như Đức
Kitô, trao cho họ tất cả tình yêu và sự quí mến, hao tốn sức lực và thời giờ vì
họ nên hình ảnh của Giáo hội hiền thê Đức Kitô’ (Pastores dabo vobis). Tôi nghĩ
rằng đây là bí quyết để linh mục huấn luyện con tim mục tử của mình có được sự
nhạy cảm của Chúa Giêsu khi Ngài nhìn đám đông không người chăn dắt mà chạnh
lòng thương. Phải đạt cho tới trình độ hễ nhìn thấy dân là thương. Theo suy
nghĩ của Chúa Giêsu, đám đông luôn là một đàn chiên bơ vơ. Họ cần đến mục tử
chăn dắt họ, họ cần đến linh mục. Nếu không tạo được một con tim mục tử, tự khắc
chúng ta sẽ biến mình thành một tên Pharisiêu đã bị Chúa Giêsu lên án là chất
lên vai người khác những gánh nặng mà chính mình không vác được” ./[13]
[1] Linh mục là hiện thân của
Chúa Giêsu Mục tử, Đức TGM Giuse Nguyễn Năng, tại https://www.facebook.com/profile.php?id=100009137003303 và tại https://www.youtube.com/watch?v=cAKgpB8G9uw, truy cập ngày 6.9.2020
[2] LM Ngô Tôn Huấn - Linh mục,
Đức Ki-tô thứ hai (alter Christus) phải là người như thế nào? – Đặc san Giáo sĩ
Việt Nam, số 279, CN 17-7-2016
[6] Những câu nói nổi bật của Đức
Thánh Cha Phanxicô, Cát Minh, tại https://www.songtinmungtinhyeu.org/index.php?open=contents&display=2&id=2764, truy cập ngày 6.9.2020
[7] Truyền giáo Việt Nam hiện
nay: Ánh sáng và bóng tối, Mic. Nguyễn Khắc Minh, tại https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/truyen-giao-viet-nam-hien-nay-anh-sang-va-bong-toi-40319, truy cập ngày 6.9.2020
[8] Linh mục - người mang Chúa
cho trần gian, Đức TGM Giuse Vũ Văn Thiên, 2016, https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/linh-muc-nguoi-mang-chua-cho-tran-gian-26263, truy cập ngày 6.9.2020
[9] Linh mục trở nên Mục tử như
Lòng Chúa mong ước, tại https://www.facebook.com/Xin-c%E1%BA%A7u-nguy%E1%BB%87n-cho-c%C3%A1c-Linh-M%E1%BB%A5c-538784006274385/, truy cập ngày 6.9.2020
[10] Linh mục là hiện thân của
Chúa Giêsu Mục tử, Đức TGM Giuse Nguyễn Năng, tại https://www.facebook.com/profile.php?id=100009137003303 và tại https://www.youtube.com/watch?v=cAKgpB8G9uw, truy cập ngày 6.9.2020
[11] Chủ nghĩa giáo quyền, tại http://cuucshuehn.net/Hoan-vu/Chu-nghia-giao-quyen-10240.html, truy cập ngày 6.9.2020
[12] Điều giáo dân trông đợi nơi
linh mục, Lm An-Rê Đỗ Xuân Quế, OP, tại, 20/08/2020, https://donghanhonline.com/dieu-giao-dan-trong-doi-noi-linh-muc/, truy cập ngày 6.9.2020
[13] Đức TGM Giuse Nguyễn Chí Linh, Tĩnh tâm thường niên linh mục Giáo phận Đà Lạt từ ngày 16 đến 22-02-2009, http://www.simonhoadalat.com/HOCHOI/Giaohoi/ThuongHuan/TinhTamLMDalat2009/TinhTamLM.htm truy cập ngày 6.9.2020