LINH ĐẠO CỦA THÁNH GIOAN MARIA VIANNEY
Linh mục Đaminh Nguyễn Đức Thông C.Ss.R.
WGPKT (4.8.2021) - Cứ nghe
nói tới thánh Gioan Vianney là người ta lại nghĩ ngay tới một sinh viên thần học dốt
nhất thế giới, một linh mục gầy ốm, xanh xao, hãm mình phạt xác, thức khuya dậy
sớm, miệt mài với việc giải tội. Hơn ba mươi năm, cha đã ngồi tòa hơn 172.000
giờ với khoảng hơn 100.000 người đã xưng tội với cha. Học dốt thế nhưng lại là
một người làm lay chuyển không chỉ giáo xứ Ars, mà cả nước Pháp, không chỉ
chinh phục được giới bình dân mà cả Lacordaire.
Đó là chưa kể ngài còn bị tấn công từ mọi phía, từ phía giáo
dân, phía ma quỉ và cả các đồng nghiệp. Ba lần trong đời, ngài đã trốn khỏi xứ
Ars vì thấy trách nhiệm quá nặng và vì muốn lo lắng cho phần rỗi của mình.
Nhưng ngài đã ở lại, và hoàn tất nhiệm vụ cho tới khi kết thúc cuộc đời làm người,
làm Kitô hữu và linh mục trong bình an, đã đi hết cuộc hành trình đi vào nơi
Chúa Giêsu đã dọn sẵn cho ngài (Ga 14, 3) vào ngày 4. 8. 1859, ở tuổi bảy mươi
ba. Ba năm sau khi cha qua đời (1862) cấp giáo phận và bốn năm sau (1866), cấp
tông tòa đã tiến hành thủ tục phong thánh cho ngài. Ngày 01.8.1905 cha được
phong chân phước, ngày 12.4 năm ấy ngài được phong làm bổn mạng các cha sở tại
Pháp. Ngày 31.5. 1925, cha được phong thánh và bốn năm sau (1929) được phong
làm bổn mạng các cha sở thành phố Rôma và toàn thế giới.
Đâu là bí quyết thành công của cha Vianney? Hay nói cách
khác, đâu là nền tảng của đời sống thiêng liêng của cha? Cha đã sống đời sống ấy
ra sao? Và đâu là sứ điệp cha gửi gắm cho ta, những linh mục, tu sĩ và giáo dân
hôm nay?
I. ĐÔI NÉT VỀ CUỘC ĐỜI CHA GIOAN VIANNEY
1. Chương trình sống hằng ngày
Gioan Vianney gặp rất nhiều khó khăn trong việc học Latinh,
triết học và thần học. Học dốt, thua các bạn đến độ có những lúc cảm thấy tủi với
thầy, nhục với bạn. Nhờ cha Balley và Groboz, thư ký tòa giám mục cùng với cha
giám đốc đại chủng viện can thiệp với cha Courbon, tổng đại diện thay mặt đức hồng
y Fesch, lúc ấy không có nhà, cha mới được chịu chức. Tiêu chuẩn xét duyệt cho
Vianney chịu chức chỉ là những tiêu chuẩn dành cho một giáo dân bình thường: thầy
có lòng đạo, biết lần chuỗi và kính mến Đức Trinh Nữ.
Khi làm cha sở họ Ars, một ngày như mọi ngày, hai giờ sáng
cha thức dậy, nguyện ngắm, đọc kinh phụng vụ. Bốn giờ, cha ra nhà thờ chầu Mình
Thánh, dọn mình mãi cho đến sáu giờ mới dâng lễ. Cám ơn rước lễ xong, cha xuống
cô nhi viện Chúa Quan Phòng, uống nửa ly sữa, rồi ngồi giải tội đến mười một giờ
trưa mới về nhà xứ ăn uống qua loa, thường là vài củ khoai có khi đã mốc meo do
cha tự luộc lấy hay một tô bột mì khuấy nước sôi với muối. Chiều, cha đi thăm bệnh
nhân, đọc kinh phụng vụ và giải tội khoảng sáu tiếng. Tám giờ tối, cha cầu nguyện
chung, giảng hoặc dạy giáo lý, mười giờ đêm, về nhà tiếp các khách quí. Đêm cha
chỉ ngủ vài, ba tiếng. Cứ thế, suốt ba mươi năm trời đằng đẵng.
2. Các cuộc tấn công nhắm vào ngài.
Vì một số giáo dân khô khan trong xứ không muốn đáp ứng những
đòi hỏi của cha, và vì giáo dân khắp nơi nghe danh cha, đã ùn ùn kéo đến để được
xưng tội với cha, một số người ghen tức, đã vu khống cha đủ điều. Kẻ bảo cha giả
vờ đạo đức như thế để người ta không để ý đến những tội thầm kín của mình. Kẻ
khác độc miệng hơn bảo, chỉ vì chơi bời quá độ, nên cha mới hốc hác, xanh xao
như thế. Họ viết thư nặc danh, vứt đầy nhà xứ, có khi còn tụ tập, chửi bới cha
suốt đêm.
Anh em linh mục cũng gièm pha ngài. Có vị bảo, Vianney là một
anh chủng sinh dốt đặc cán mai, thi đi, thi lại mãi mà vẫn không đạt, phải có ô
dù lớn mới được chịu chức. Vị khác lại bảo hắn lúc nào cũng làm ra bộ thiểu não
để câu người ta đến xưng tội với mình. Ai đã xưng tội với hắn, đều bị hắn bỏ
bùa, nên lúc nào cũng khen hắn nhân đức. Hầu hết các cha xứ lân cận đều cấm
giáo dân không được xưng tội với cha Vianney, có vị còn ngang nhiên nói xấu cha
ngay trên tòa giảng. Hơn thế, các linh mục còn họp nhau làm đơn tố giác ngài,
xin đức giám mục đưa ngài về tòa giám mục để khỏi làm hại giáo dân.
Bị dân chửi bới, anh em linh mục gièm pha, tố cáo, cha
Vianney còn bị ma quỉ quấy phá suốt ba mươi lăm năm trời. Trước hết quỉ cám dỗ
cha chán nản, bỏ cuộc, và thất vọng về những tội lỗi của mình. Không cám dỗ được
ngài, quỉ bắt đầu quậy phá, đêm về, khi thì chúng đập cửa, xô bàn, xô ghế, kéo
giường cha ngủ, khi thì nằm dưới gầm giường cha la hét, lúc khác lại chui cả
vào gối của cha rên rỉ. Quỉ còn đập cả bình đựng nước phép, ném vỡ cả hũ thuốc
bóp chân của ngài. Giường ngài ngủ, quỉ đốt mất một chân, khập khiễng, cha cứ để
vậy. Có lần quỉ hỏi ngài: “Sao mày ngu thế, thức khuya dậy sớm làm gì? Giám mục
bảo mày phải giữ sức khỏe, sao mày không vâng lời? Luật chỉ buộc đọc kinh phụng
vụ và làm lễ thôi, sao mày lại cầu nguyện đêm ngày thế? Luật chỉ buộc giảng lễ
ngày Chúa Nhật thôi, sao ngày nào mày cũng giảng? Bao nhiêu linh mục chỉ cần lấy
bài giảng của người khác đọc, hay chỉ dọn qua quít thôi, sao mày không bắt chước
họ cho khỏe?…”
Suốt hơn ba mươi năm trời, mỗi ngày chỉ ăn vài củ khoai, mỗi
đêm chỉ ngủ vài, ba tiếng mà nào có được yên, đêm nào cũng bị ma quỉ quậy phá,
đã thế lại còn bị giáo dân chửi bới và anh em linh mục chế giễu, thế mà cha
Vianney vẫn trung thành với chương trình sống, hai mươi giờ làm việc mỗi ngày,
trong đó có mười sáu giờ giải tội, trong một nhà thờ lúc nào cũng chật ních người
chờ đợi, nực nội, ngột ngạt, nồng nặc hơi người. Do đâu ngài có được sức mạnh ấy?
Chắc chắn ngài phải thấy, hoặc cảm nghiệm được một cái gì đó thật sâu sắc về
Thiên Chúa.
II. NỀN TẢNG LINH ĐẠO CỦA THÁNH GIOAN VIANNEY.
Các bài giảng và giáo lý của cha Gioan Vianney chỉ xoay
quanh một mầu nhiệm, mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi. Đó là trung tâm mọi sự. Mọi sự đều
xuất phát từ đó và đều đưa đến đó. Nhưng mầu nhiệm và sự sống của Chúa Ba Ngôi
đối với cha Gioan Vianney không mơ hồ, trừu tượng, nhưng rất cụ thể. Chúa Ba
Ngôi đối với cha không phải là một chân lý để giải thích, nhưng là một sự sống
để sống, một môi trường sống để dấn thân vào, hệt như cá phải ngụp lặn trong nước
vậy. Đây chính là nền tảng của linh đạo của ngài.
1. Chúa Cha.
1.1. Vị Thiên Chúa tốt lành
Với cha Gioan Vianney, Chúa Cha trước hết là vị Thiên Chúa tốt
lành, là nguồn mạch của mọi ân huệ nhưng không và là nguyên lý của mọi sự. “Kẻ
nào bảo rằng Chúa Cha có một tâm hồn cứng cỏi, kẻ ấy lầm to…. Cha yêu ta hơn bất
cứ một người cha tốt lành nào, hơn mọi người mẹ âu yếm, dịu hiền nhất. Người bị
thôi thúc thực hiện những điều ta không bao giờ dám xin. Người không cần ta.
Nên nếu Người có đòi ta cầu nguyện, thì đó cũng chỉ vì hạnh phúc của ta… Khi thấy
ta, Người nghiêng mình xuống thật thấp, ngang tầm với ta, hệt như người cha
nghiêng mình trên đứa con thơ bé của mình vậy”. Sự tốt lành của Thiên Chúa này
là của riêng Cha, một lòng tốt vô tiền khoáng hậu, và mang tình phụ tử.
1.2. Một người Cha
Cha Gioan Vianney giải thích: tên gọi “cha” nói lên một mối
tương quan mật thiết đến độ, không có ta, Thiên Chúa không thể là cha, và không
có Người, ta không thể là con. Không có ta, Người không thể là Người và không
có Người, ta không thể là ta. Người không thể nghĩ về mình mà lại không nghĩ đến
ta và ta không thể nghĩ về ta mà lại không nghĩ đến Người. “Cha” làm cho ta thấy
mình không cô độc mà luôn được yêu thương.
1.3. Một người Cha hào phóng
Vì là “Cha”, Thiên Chúa luôn muốn ta là con hệt như Chúa
Giêsu, và sẵn sàng trao phó tất cả mọi sự của Người cho ta làm gia nghiệp, nên
mọi sự của Thiên Chúa vừa là của Người, vừa là của ta. Cha là nguyên lý của sự
sống của ta và cũng là nơi qui chiếu của đời ta. Chúa Cha yêu mến Chúa Giêsu thế
nào thì Người cũng yêu thương tất cả thụ tạo của mình như vậy. Người yêu ta
theo cách Người đã yêu Chúa Giêsu, để ta cũng được nên giống như Con Một Người.
Cha yêu ta đến độ cho ta cả những gì ta không dám xin: “Ta
không bao giờ dám nghĩ đến việc xin Thiên Chúa ban chính Con Một Người cho ta.
Điều con người không thể nói hay nghĩ đến và không dám ao ước, thì Thiên Chúa
trong tình yêu của Người, đã nói, đã nghĩ và đã làm. Có khi nào ta dám xin
Thiên Chúa để Con Người chết cho ta, ban thịt Người cho ta ăn, máu Người cho ta
uống?”.
1.4. Một người Cha dám mất hết mọi sự để được ta
Không chỉ có thế, Người còn yêu thương cả những kẻ tội lỗi,
chạy theo họ, năn nỉ, lôi kéo họ về với Người đến độ cha Gioan Vianney dám
tuyên bố rằng được cứu chuộc thì dễ hơn bị hư mất: “Đâu phải con người tội lỗi
trở về với Thiên Chúa mà chính Thiên Chúa chạy theo họ để đưa họ về. Thiên Chúa
tốt lành đến độ, bất chấp những xúc phạm của ta, đưa ta về thiên đàng gần như
ngược với ý muốn của ta, y như một bà mẹ ôm con đi qua vực sâu vậy. Bà chỉ lo
sao tránh được những bước nguy hiểm trong lúc con bà không ngừng cào cấu bà…
Thiên Chúa ôm ấp con người nội tâm của ta như người mẹ ôm đầu con mình, hôn lấy
hôn để” . Tội lỗi được cha coi là cơ hội để kinh nghiệm về lòng nhân lành vô
biên của Thiên Chúa: “Được cứu chuộc thì dễ hơn bị hư mất, vì lòng nhân hậu của
Thiên Chúa quá bao la. Nếu tội nhân còn đi lạc nữa, Người sẽ không ngừng dùng
ân sủng mà đeo đuổi… Người đến với kẻ tội lỗi hấp tấp hơn đến với người công
chính… Thiên Chúa sẵn sàng tha thứ cho người tội lỗi hơn cả bà mẹ hớt hải lôi
con mình ra khỏi lửa vậy”.
1.5. Một người Cha hoang phí
Cha Gioan Vianney thấy Thiên Chúa là một người cha hào phóng
trong tình yêu và hoang phí trong ơn tha thứ dành cho con người. Người chính là
Người Cha hoang phí trong Tin Mừng Luca, sẵn sàng trả lại cho người con
hoang đàng tất cả những gì nó đã đánh mất: quyền được làm người tự do, quyền thừa
tự … mà không cần nghe nó nói lời xin lỗi. Chỉ một mình Thiên Chúa mới có sự
tôn trọng ấy đối với con người. “Thiên Chúa biết hết mọi sự, Người biết trước
là sau khi xưng tội, các bạn sẽ tái phạm, nhưng Người vẫn cứ tha thứ. Ôi thẳm
sâu thay tình yêu của Thiên Chúa chúng ta, sẵn sàng quên tương lai để tha thứ
cho ta”. Những xác tín rất cảm động và rất thật này về tình yêu của Thiên Chúa
quả là nền tảng vững chắc cho cuộc đời mục vụ của ngài.
2. Chúa Con
2.1. Chúa Giêsu là Đấng được Cha sai đến
Cha Gioan Vianney đã thấy mầu nhiệm Thiên Chúa được mạc khải
cách trọn vẹn nơi Chúa Giêsu trong Tin Mừng Gioan:
Người đến thế gian để hoàn tất công trình Cha trao: “Con đã
tôn vinh Cha khi hoàn tất công trình Cha đã trao… đã tỏ cho họ biết danh Cha”
(Ga 17, 4 – 6); để thi hành ý Cha, mà ý của Cha là “tất cả những ai tin vào Người,
thì Người ban cho họ sự sống đời đời” (Ga 6, 38); để chỉ cho người ta một cách
thức tôn vinh Cha (Ga 15, 8); và tìm kiếm một thứ lương thực đem lại sự sống đời
đời mà chính Người sẽ ban cho (Ga 6, 27); để họ được nên một với Thiên Chúa và ở
trong Thiên Chúa (Ga 17, 20tt); để gìn giữ những người Cha đã ban cho Người (Ga
10, 29) và để hiến mình làm của ăn, cho con người khỏi đói khát (Ga 6, 32) và để
dạy họ một cuộc sống khổ chế hầu có thể sinh hoa kết trái (Ga 15, 1 – 2).
2. 2 Chúa Giêsu mạc khải tình yêu Thiên Chúa.
Đối với cha Gioan Vianney, con Thiên Chúa nhập thể làm người,
chỉ để cho người ta biết được phẩm giá cao quí của họ. Thiên Chúa đã chấp nhận
mất hết mọi sự để được ta, hay nói khác đi, loài người chúng ta cao cả vô cùng,
vì Thiên Chúa đã chuộc ta bằng chính mạng sống mình.
Việc Thiên Chúa đi vào trong con người đã mở ra một kỷ
nguyên mới, kỷ nguyên Thiên Chúa là Emmanuel. Nhưng Thiên Chúa không dừng lại ở
đó, Người muốn mời gọi ta, mở lòng ra như Chúa Giêsu, mang lấy sự sống của
Thiên Chúa mà nên như Thiên Chúa. “Sự sống của Thiên Chúa đã đi vào trong sự hiện
hữu của con người, biến nó thành của lễ toàn thiêu” để Người cũng tôn vinh
họ như đã tôn vinh Con Người.
Cái chết thập giá của Chúa Giêsu không phải là một “giá chuộc”
theo nghĩa mua bán, đổi chác, cũng không phải là hậu quả của lòng độc ác, xấu
xa của con người mà là kết quả của tình yêu. Cái chết ấy mạc khải cho ta
thấy tư cách của kẻ làm con: nhận lãnh mọi sự từ cha, và để cha có toàn quyền
trên sự sống, trên danh dự và sự nghiệp của mình. Cái chết ấy cho thấy phẩm giá
của loài người chúng ta: chỉ là một thụ tạo, nhưng lại được Thiên Chúa chấp nhận
mất cả người Con Một, để được ta. Cái chết ấy cũng còn cho thấy sự cao cả của
ta, một thụ tạo yếu hèn phản bội, nhưng lại đắt giá hơn cả mạng sống của vị
Thiên Chúa làm người. “Thiên Chúa khi làm người đã muốn chỉ cho con người thấy
cái giá đi liền với phẩm giá của mình: đó chính là cái giá của tình yêu. Chúa
Con là như thế đó, Đấng được trao ban, và khi tự trao ban, đã cho thấy cách rõ
nhất mọi chiều kích của tình yêu Thiên Chúa” .
Vì đã chấp nhận mất tất cả để được ta, nên vị Thiên Chúa
Emmanuel này đã biến mình thành lương thực nuôi sống ta: “Anh em thân mến,
lương thực nuôi linh hồn là chính Thiên Chúa đấy. Oi, đây quả là một ý tưởng
tuyệt vời! Linh hồn không thể sống bằng gì khác ngoài Thiên Chúa, chỉ mình
Thiên Chúa mới đủ cho linh hồn; chỉ mình Thiên Chúa mới có thể làm cho linh hồn
no thỏa”
Như thế, Chúa Con không chỉ là hình ảnh hữu hình, là hiện
thân của tình yêu của Cha dành cho nhân loại mà còn là một mạc khải rõ ràng:
Thiên Chúa đã làm hết cách, đã dám mất hết mọi sự để được ta, nên nếu có một ai
đó lạc xa, hay chối bỏ tình yêu ấy của Người, thì đó sẽ là một vết thương không
thể chữa lành trong cõi lòng Người. “Không gì làm tan nát tâm hồn Chúa Giêsu
cho bằng khi thấy những đau khổ Người chịu trở thành vô ích”. Nhưng làm sao ta
có thể không làm tan nát tim lòng Chúa Giêsu được, nếu không để cho Chúa Thánh
Thần hướng dẫn ta.
3. Chúa Thánh Thần
Gioan Vianney không chỉ coi Chúa Thánh Thần là tình yêu của
Cha và Con, mà là một ngôi vị cụ thể, là Đấng làm cho sự sống của Thiên Chúa
thành của ta, đưa ta vào trong sự hiệp thông giữa Cha và Con, và giúp ta làm
cho sự hiệp thông ấy thành sự hiệp thông giữa ta với ta. Thiên Chúa, người Cha
tốt lành, đã nhờ Con Một Người, mời gọi ta “tham dự vào bản tính Thiên Chúa của
Người” (2 Pr 1, 4), trở thành những người cộng tác với Người và “nên như những
thiên chúa”. Để được thế, Thiên Chúa đã ban Thánh Thần cho ta, Đấng thánh hóa,
làm cho ta sống và nhất là biến đổi ta từ vinh quang này tới vinh quang khác (2
Cr 3, 18).
3.1. Vai trò của Chúa Thánh Thần trong chương trình cứu độ
Cha Gioan Vianney xác tín rằng không có Chúa Thánh Thần thì
các bí tích trong Hội Thánh, và ngay cả cái chết và sự phục sinh của Đức Kitô
cũng chẳng đem lại gì cho ta: “Các bí tích do Chúa Giêsu thiết lập, nhưng nếu
không có Chúa Thánh Thần, các bí tích ấy cũng chẳng cứu nổi ta. Không có Người,
thậm chí cả cái chết của Đức Kitô cũng thành vô ích đối với ta. Chúa Thánh Thần
đã làm cho mùa ân sủng ấy sinh hoa, kết quả”. Ngoài ra, Chúa Thánh Thần còn có
những vai trò cụ thể trong giáo lý của Gioan Vianney:
3.2. Chúa Thánh Thần là sức mạnh của con người
“Chúa Thánh Thần là một sức mạnh. Chính Người nâng đỡ các
thánh tử đạo. Không có Người, họ sẽ rụng rơi như lá… không có Chúa Thánh Thần
ta chẳng khác gì những kẻ què quặt không đứng được trên đôi chân của mình. Chính
Người nâng tâm hồn và đưa ta lên cao”.
3.3. Chúa Thánh Thần làm cho ta nên một với Chúa Giêsu
Chúa Thánh Thần giúp ta thích nghi với Thiên Chúa, làm cho
ta nên một với Chúa Giêsu, đó là lý do vì sao Chúa Giêsu đã xin Chúa Cha ban
cho ta một “Đấng Bảo Trợ” khác (Ga 14, 15).
3.4. Chúa Thánh Thần duy trì và phát triển sự sống Thiên Chúa nơi ta
Cha Gioan Vianney ví Chúa Thánh Thần như một lương y, sau
khi phẫu thuật bệnh nhân xong, vẫn theo dõi sát nút để có thể kịp thời chữa trị
những biến chứng. Nhưng có lẽ ngài thích hình ảnh của người làm vườn hơn. “Chúa
Thánh Thần giống như một người làm vườn, đào xới tâm hồn ta… chính Chúa Thánh
Thần hình thành nên những ý tưởng tốt lành trong lòng người công chính… ấp ủ những
ước muốn tốt lành trong những tâm hồn trong sạch… và canh tân mọi sự trong lòng
ta”.
Một tâm hồn có Chúa Thánh Thần thường thấy thú vị khi cầu
nguyện, luôn nhận ra và sống trong sự hiện diện của Thiên Chúa. Chúa Thánh Thần
làm cho ta có thể sống sự phi thường trong những cái tầm thường và thấy được
tính nghiêm trọng của các tội nhẹ. Theo cha Gioan Vianney, ai được Chúa Thánh
Thần hướng dẫn thì sẽ không thể hư mất. Kẻ kiêu ngạo không thể có Chúa Thánh Thần.
Như thế, ta có thể nói rằng nền tảng vững chắc của linh đạo
Vianney chính là mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, nhưng là một Chúa Ba Ngôi tốt lành, gần
gũi, yêu thương, yêu ta hơn cả chính mình, sẵn sàng mất tất cả để được ta, sẵn
sàng ban mọi sự cho ta, kể cả người Con Một, để ta được nên con, được mọi sự của
Thiên Chúa làm của ta và được chính Thiên Chúa làm của ăn nuôi sống ta. Chúa
Thánh Thần là quà tặng lớn nhất được ban cho ta để hướng dẫn ta đi vào trong
Thiên Chúa, tận hưởng trọn vẹn tình yêu của Người. Gioan Vianney đã xây dựng đời
linh mục của mình trên nền tảng này bằng những việc rất cụ thể.
III. LINH ĐẠO VIANNEY
Nếu cuộc đời của Chúa Giêsu có thể tóm tắt bằng khẳng định
này của Người: “Người con không thể làm gì ngoài những gì người con thấy Cha
làm” (Ga 5, 19), thì Gioan Vianney cũng không thể làm gì ngoài những gì ngài thấy
Thiên Chúa đã làm nơi Đức Kitô. Đó chính là lẽ sống, là linh hồn của thừa tác vụ
linh mục của ngài. Ngài đã họa lại trong cuộc đời mình tình yêu của Đấng chấp
nhận mất tất cả để được con người. Trọn đời ngài là một cố gắng nên một với
Chúa Giêsu:
1. Nên một với Chúa Giêsu chịu đau khổ:
Cha Gioan Vianney khẳng định: “Không gì làm cho chúng ta nên
giống Chúa Giêsu hơn là khi vác thập giá của Người. Ta thường than phiền vì những
đau khổ phải chịu, lẽ ra ta phải than phiền vì không được chịu đau khổ mới phải,
vì ngoài đau khổ ra, không có gì khiến ta nên giống Người hơn. Còn gì đẹp hơn
được kết hợp với Đức Kitô qua tình yêu thập giá… vì khi ấy ta được cùng chịu
đánh đòn, đội mão gai và đóng đinh với Người”. Cha cho rằng ta sẽ là kẻ vô ơn bạc
nghĩa, khi hà tiện đối với những đau khổ ta phải chịu vì Chúa. Cha đã tận dụng
mọi sự để được nên giống Chúa Giêsu chịu đau khổ:
1.1. Hãm mình phạt xác
Trong Thông Điệp Sacerdotii
Nostri Primordia, nhân kỷ niệm một trăm năm ngày cha Gioan Vianney về với
Thiên Chúa, đức Gioan XXIII đã viết: “Anh em không thể bắt đầu nói về thánh
Gioan Vianney mà lại không nghĩ ngay tới hình ảnh của một linh mục độc đáo
trong việc tự nguyện hành xác, động cơ duy nhất của việc hãm mình này là lòng
yêu mến Thiên Chúa và ước vọng cứu rỗi các linh hồn. Chính vì lý do đó mà ngài
hầu như hoàn toàn kiêng ăn, kiêng ngủ, thực hiện một kiểu đền tội khắc nghiệt
nhất”.
Ngài hành hạ thân xác đến độ không bao giờ để nó yên: đau bụng,
đau ruột, ngài vẫn coi như không, không than thở, không cho ai biết; không bao
giờ ngửi hương thơm của bất cứ vật gì; khát vẫn cứ nhịn; nóng không quạt; rét
không sưởi; không đập ruồi, đuổi muỗi; bao giờ cũng quì hoặc ngồi thẳng, không
dựa vào ghế . Đây không phải là chuyện dễ, chính ngài tâm sự: “Ban đêm khi thức
dậy giải tội, xác thịt tôi nặng nề lắm chứ, nó có muốn dậy đâu, nên tôi phải lấy
roi mà đánh cho nó biết nghe. Những kẻ dạy sư tử, hổ, gấu, đều phải dùng gậy mới
trị được chúng. Vì thế tôi cũng phải dùng roi mà trị adam cũ nơi tôi”. Cha đã lấy
roi sắt đánh tội, mang thắt lưng có đinh nhọn đâm vào người. Cha còn vui lòng
chấp nhận những sỉ nhục, phỉ báng của người ta suốt mười năm trời.
1. 2. An chay:
Cha thức khuya dậy sớm, ăn ít, ăn kham khổ, ăn cả tuần không
bằng người ta ăn một bữa. Các nhân chứng kể lại: “Rất nhiều lần các bà tốt bụng
dọn cho ngài một món ăn nào đó, đều phải thất vọng. Ngài ăn rất ít, thường là
khoai tây luộc… ngài tự luộc lấy, và cứ lần lượt ăn cho bằng hết, đôi khi cả tuần.
Mỗi tối khi về nhà, ngài thấy nồi khoai mốc meo, nhưng vẫn cứ lấy vài củ, ăn rồi
uống một ly nước lã, thế là xong”
Lý do khiến ngài ăn chay nhiệm nhặt thế là vì đó là vũ khí
ma quỉ sợ nhất và là phương thế làm đẹp lòng Thiên Chúa nhất. Ngài kể cho một
linh mục trẻ: “Không có gì khiến quỉ sợ và làm đẹp lòng Thiên Chúa bằng nhịn
ăn… có những ngày tôi chẳng ăn uống gì và thế là tôi muốn gì được nấy, cho mình
cũng như cho người khác”
2. Nên một với Chúa Giêsu trong lòng yêu thương tha
nhân
Cha Gioan Vianney có lòng yêu thương tha nhân cách rất đặc
biệt. “Không một bà mẹ nào thương con mình bằng cha thương những kẻ khốn khó”.
Cha vui với người vui, khóc với người khóc, âu lo với kẻ ưu phiền. Với cha,
linh mục chỉ có khả năng giảng dạy thôi chưa đủ, còn phải có lòng yêu thương.
Cha thương kẻ tội lỗi cách đặc biệt, không chỉ giải tội cho họ mỗi ngày mười
lăm, mười sáu tiếng đồng hồ, mà cha còn cầu nguyện cho họ và nhất là làm việc đền
tội thay cho họ. Có lần cha cầu nguyện: “Lạy Chúa, nếu Chúa thương ban cho con
chiên con được ơn ăn năn trở lại, con xin hãm mình phạt xác và chịu mọi sự khó,
mọi đau đớn suốt đời”.
3. Nên một với Chúa Giêsu trong hy tế thập giá bằng
việc cầu nguyện và tôn sùng Thánh Thể
Chúa Giêsu là người cầu nguyện. Người không còn giờ ăn, uống
nghỉ ngơi (Mc 3, 20) nhưng vẫn còn giờ cầu nguyện, có khi thức trắng đêm cầu
nguyện (Mc 6, 45; Lc 6, 12 – 16). Gioan Vianney cũng thế. Mỗi đêm ngài thường
quì trước Thánh Thể nhiều giờ, cầu nguyện. Chính việc cầu nguyện này đã đem lại
cho ngài sức mạnh, nuôi dưỡng đời sống đạo đức của ngài, và đem lại kết quả cho
việc tông đồ của ngài đến độ mọi người phải ngạc nhiên.
3.1. Gioan Vianney là một người kiên trì cầu nguyện
Bernard Bro kể lại: “Đêm đêm ngài ra khỏi nhà xứ, tay cầm
đèn dầu đến nhà thờ sát bên, phủ phục cầu nguyện. Ngài cầu nguyện hết sức sốt sắng
và khóc lóc, than thở trên nền nhà thờ… Sau Thánh lễ, ngài thường nán lại lâu
giờ cầu nguyện”. Chính việc cầu nguyện này đã giúp ngài có khả năng hoán cải
con người. Cầu nguyện đối với cha là kết hợp với Thiên Chúa. “Cầu nguyện có là
gì đâu, chỉ là kết hợp với Thiên Chúa thôi… Trong sự kết hợp này, Thiên Chúa và
linh hồn hệt như hai miếng sáp hòa tan trong nhau: không thể tách khỏi nhau được…
Đây quả là niềm hạnh phúc ta không thể hiểu được”. Cầu nguyện chính là con đường
nên thánh của linh mục: “Điều duy nhất làm cho linh mục đạt được sự thánh thiện
chính là không lo lắng gì hết. Chính việc không lo lắng này sẽ giúp ta không phải
bận tâm đến những công việc trần thế. Ta không biết mình phải làm gì, nên điều
ta cần là suy gẫm cùng với cầu nguyện và kết hợp mật thiết với Thiên Chúa”.
Gioan Vianney luôn cầu nguyện trước Thánh Thể.
3.2. Thánh Thể: trọng tâm của cuộc đời Gioan Vianney
Nếu như cả cuộc đời Người, Chúa Giêsu luôn hướng về hy tế của
Người thế nào, thì cùng với Người, nhờ Người và trong Người, Gioan Vianney cũng
hướng về Thánh Lễ, trở thành một hy lễ làm vui lòng Người như thế. Ngài không
chỉ cử hành Thánh Lễ thôi, mà còn sống Thánh Lễ nữa. Ngài đã sống trọn vẹn điều
đức giám mục đã căn dặn trong ngày lãnh nhận thừa tác vụ linh mục: “Con hãy nhận
lấy lễ vật của dân thánh mà dâng lên cho Thiên Chúa. Con hãy ý thức việc con
làm, noi theo điều con thực hiện và rập đời sống con theo mầu nhiệm thánh giá
Chúa”.
Khi cha dâng lễ, người ta có cảm giác như thể ngài đang thấy
Thiên Chúa. Một linh mục đã từng giúp lễ cho ngài kể lại: “Tôi rất ấn tượng khi
nhìn cha sở dâng lễ, truyền phép xong, mắt đăm đăm nhìn mình thánh Chúa và
trong gần năm phút ngài như ngất trí vậy. Chúng tôi, những đứa giúp lễ, nói với
nhau ngài đang thấy Thiên Chúa “. Cha quan tâm tới việc dâng lễ như thế, vì đối
với cha, không gì trên trần gian này có thể sánh được với Thánh Lễ, “Thánh Lễ
là công việc của Thiên Chúa. Việc tử đạo cũng không thể sánh được với Thánh Lễ.
Vì tử đạo là việc con người hiến sự sống mình cho Thiên Chúa, còn Thánh Lễ là
hy sinh của chính Thiên Chúa cho con người”.
Vì Thánh Lễ quan trọng như thế đối với đời sống của cha
Vianney và của các linh mục, nên theo ngài “nguyên nhân của mọi thảm họa và của
sự sa sút của các linh mục là do các vị không để tâm tới Thánh Lễ. Vô phúc thay
linh mục nào dâng lễ như một việc tầm thường”.
4. Nên một với Chúa Giêsu trong việc cứu các linh hồn
Đời cầu nguyện và hiến tế của cha Gioan Vianney đã đưa ngài
tới chỗ không còn tha thiết gì với mình mà chỉ quan tâm tới việc đem ơn cứu độ
đến cho con người. Nếu như suốt ba năm trời Chúa Giêsu đã dong duổi khắp nơi
loan báo Tin Mừng nước trời, và đã chấp nhận chết vì Tin Mừng ấy, thì cha Gioan
Vianney cũng thế, nhưng thay vì đi đó đây, suốt ba mươi năm trời dòng dã, ngài
đã chôn vùi đời mình trong tòa giải tội, mỗi ngày từ mười một đến mười hai giờ,
mùa hè từ mười sáu tới mười tám giờ. Cha Morin, người đã cùng sống những năm cuối
cùng với cha Gioan Vianney, mô tả cuộc “tử đạo” trường kỳ ấy như sau: Không thể
nào bước vào trong thánh đường Ars mà không cảm thấy ngộp thở vì quá đông người.
Thế mà cha sở họ Ars vẫn cứ ngồi hầu như cả ngày, không đi ra, không nghỉ nửa
chừng, cũng chẳng nghĩ tới việc rút ngắn việc ấy lại. “Ngài đã chết vì cuộc tử
đạo kéo dài ấy”.
Như thế, ta có thể nói rằng cha Gioan Vianney đã xây dựng đời
mình trên mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, đã muốn làm bật lên nơi mình hình ảnh sống động
của Thiên Chúa. Một Thiên Chúa Cha tốt lành sẵn sàng chịu mất mọi sự để được
ta. “Ngay đến chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tha, mà đã phó nộp vì tất cả
chúng ta, một khi đã trao ban người con ấy, Thiên Chúa còn tiếc gì ta nữa” (Rm
8, 32). Chúa Giêsu, khi đến trần gian, đã mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên
Emmanuel, để ta được tham dự vào bản tính Thiên Chúa của Người (2 Pr 1, 4). Hơn
nữa, Người lại còn chỉ cho ta thấy phẩm giá cao cả của ta, ta được mua chuộc bằng
giá đắt là chính mạng sống của Con Thiên Chúa làm người. Thiên Chúa coi ta hơn
cả mạng sống của Người. Chính vì thế mà “được cứu chuộc còn dễ hơn bị hư mất”.
Chúa Thánh Thần được ban cho ta để đưa ta vào trong Chúa Giêsu (Ga 16, 13), làm
cho ta nên một với Chúa Giêsu, và như thế cũng là làm cho hình ảnh của Thiên
Chúa được rạng rỡ nơi ta. Chính vì thế mà cha Gioan Vianney chỉ có một nỗ lực
duy nhất, đó là nên đồng hình, đồng dạng với Chúa Giêsu trong sứ mạng cứu rỗi
các linh hồn, trong lòng yêu thương tha nhân, trong hiến tế của Người. Đời cha
quả là một sứ điệp sống động cho mọi Kitô hữu nhất là cho các linh mục hôm nay.
IV. SỨ ĐIỆP CHO LINH MỤC HÔM NAY
Mừng một trăm năm mươi năm thánh Gioan Vianney về với Thiên
Chúa là dịp rất tốt để các linh mục nhìn lại mình, điều chỉnh cuộc sống mình
cho phù hợp Đấng đã mời gọi và ủy thác cho mình nhiệm vụ trở nên hình ảnh, nên
hiện thân sống động của Người trong thế giới hôm nay. Dù sống xa cách ta gần
hai thế kỷ, cuộc sống của cha Gioan Vianney vẫn là một sứ điệp đòi ta phải suy
nghĩ và đem ra thực hành.
1. Linh mục hôm nay
Khi nói về linh mục hôm nay, cha Rey-Mermet, trong quyển Sống Đức Tin Theo Công Đồng Vatican II,
đã nói: “ Hơn bao giờ hết, ngày nay người ta đang đề cập tới sự thiếu thoải
mái trong đời sống linh mục. Phải chăng thực sự có sự thiếu thoải mái ấy? Chín
mươi phần trăm linh mục vẫn bước từng bước chắc nịch trên đường sứ mệnh có
khi đầy gai góc thì chẳng ai thèm đếm xỉa gì tới, mà chỉ nhắc tới mười phần
trăm những kẻ đã bỏ cuộc. Hôm nay, hình ảnh linh mục rõ nét hơn bao giờ hết:
bị hạ bệ, bị tước lột hết những uy thế mà trước đây sự dốt nát của người khác
đã gán cho họ. Linh mục hôm nay xuất hiện trong cái trần trụi từ trong bản chất
của mình. Từ mọi phía, người ta đang đợi chờ rất nhiều nơi linh mục. Nhưng linh
mục nào có thể chia sẻ cái gì khác ngoài ý nghĩa của sự sống và cái chết
mà Thiên Chúa đã mạc khải ra nơi Đức Giêsu. Đó cũng là điều mà Sắc Lệnh Về Đời Sống Linh Mục đề cập
đến”.
2. Sứ mạng của linh mục hôm nay
Sắc Lệnh Optatam
Totius đòi linh mục phải liên kết với loài người chặt chẽ như với
Thiên Chúa. Linh mục phải có mặt trong cuộc sống con người, phải được nuôi dưỡng
bằng Thiên Chúa ngay trong cái hằng ngày của cuộc sống mình.
2.1. Thông Điệp Sacerdotii
Nostri Primordia
Trong Thông Điệp này, Đức Gioan XXIII đã nói về phẩm giá cao
cả của linh mục: Nhờ đặc tính của bí tích Truyền Chức, Thiên Chúa muốn chuẩn nhận
một Giao Ước tình yêu vĩnh cửu. Nhờ Giao Ước ấy, Người yêu thương linh mục hơn
bất cứ ai khác; và linh mục buộc phải đáp trả lại tình yêu ấy của Người bằng đời
sống thánh thiện… linh mục là người được tham dự vào quyền năng của Thiên
Chúa…. linh mục là một Đức Kitô khác. Nên linh mục không được quyền sống cho
mình. Linh mục phải cháy bừng ngọn lửa yêu mến mọi người. “Phẩm giá cao cả nhất
của linh mục là noi gương Đức Kitô”. Để thể hiện phẩm giá ấy, linh mục cần
noi gương thánh Gioan Vianney trong việc sống khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục,
thực hành khổ chế, cầu nguyện, suy gẫm hằng ngày, viếng Thánh Thể, lần chuỗi Mân
Côi, xét mình, đọc kinh phụng vụ như Hội Thánh đòi buộc, và nhất là cử hành
cách sốt sắng và sống mầu nhiệm Thánh Thể, vì Thánh Thể chính là “nguồn mạch và
căn nguyên của sự thánh thiện của linh mục. Đức Gioan XXIII nhấn mạnh với các
linh mục: muốn giáo dân mình cầu nguyện sốt sắng, anh em phải làm gương cho họ
và phải cho họ thấy anh em cầu nguyện trong nhà thờ. Ngoài ra linh mục còn phải
quan tâm tới giáo dân và nhất là chuyên cần giải tội. Tóm lại, ai đã được đầy Đức
Kitô thì sẽ dễ dàng tìm được những cách thức và phương thế đưa người ta về với
Người.
2.2. Sắc lệnh Optatam Totius:
Công Đồng Vatican II, trong sắc lệnh Optatam Totius, đã cho thấy linh mục là
nhân chứng của trời cao nhưng lại không xa lạ với trần thế, là người phản
kháng thế gian nhưng lại ở ngay giữa thế gian. Nên sợi chỉ đỏ của Sắc Lệnh
này chính là tìm kiếm cho các linh mục, việc nhập thể vào đời sống
nhân loại theo gương Đức Kitô linh mục để họ biết nhạy cảm trước mọi biến cố và
trước cuộc sống hằng ngày. Vì thế:
– Ngoài việc loan báo Lời Chúa,
linh mục cũng cần nghiên cứu những vấn đề thời đại để có thể đưa ra những áp dụng
cụ thể vào đời sống con người thời đại.
– Nhờ sự giáo dục của linh mục,
loài người có thể đọc được ý Thiên Chúa trong những biến cố lớn nhỏ của đời
mình. Xã hội càng đa phức càng đòi nhiều linh mục thâm nhập bằng nhiều
cách khác nhau vào công cuộc loan báo Tin Mừng.
– Để có nhiều người đáp ứng ơn gọi
linh mục, linh mục cần giúp thanh thiếu niên phát hiện và nuôi dưỡng ơn gọi.
– Linh mục cần khám phá và tuân
theo ý Thiên Chúa bằng đời sống khiêm tốn phục vụ mọi người qua sứ vụ linh mục
và qua các biến cố của đời sống.
– Lắng nghe tiếng Chúa hằng ngày
là cái làm nên toàn bộ đời sống linh mục. Chính nhờ biết lắng nghe tiếng Chúa
và dễ dàng vâng phục sứ mệnh đã được uỷ thác, linh mục sẽ dìm đời mình trong Lời
Chúa và Thánh Thể để làm bật lên lượng nhân bản cần thiết. Sách Thánh làm
lay động đời sống và đời sống lại làm sống dậy các trang Sách Thánh. Linh mục sẽ
là người làm cho Lời Thiên Chúa trở nên sống động giữa nhân loại là anh em của
mình.
Như thế theo Công Đồng Vatican II, linh mục mãi vẫn là chứng
nhân của Đức Kitô, là người được tham dự vào quyền mà Đức Kitô đã dùng để
kiến tạo, thánh hoá và cai quản Thân Mình Ngài, là người được Thánh Thần xức dầu,
để được nên giống Đức Kitô và được ban cho khả năng nhân danh Ngài mà hành động. Nên
linh đạo của Gioan Vianney vẫn luôn là nền tảng cho các linh mục hôm nay và mai
sau.
Tóm lại, “linh mục vô học là một chiến sĩ không khí giới.
Linh mục thông thái mà không sống và hành động như thể mình đang trông thấy Đấng
vô hình thì cũng chẳng có lợi gì cho nhân loại đang đói khát Thiên Chúa
hôm nay”. Cha Gioan Vianney đã một thời vất vả trong việc học thần học nhưng đã
không mấy thành công, đã suốt đời miệt mài trong việc học với Chúa Giêsu Thánh
Thể và đã thành công rực rỡ. Người ta có thể bảo thầy Gioan Vianney dốt nhất thế
giới, nhưng ai dám bảo cha Gioan Vianney dốt, vì các nhà thần học thông thái đến
mấy, thì cũng chỉ thấy được Thiên Chúa Ba Ngôi như Gioan đã thấy và mấy ai đã cảm
nghiệm được như ngài? Cha đã không chỉ tỏ cho người ta thấy ngài đang trông thấy
Đấng vô hình mà còn cho người ta gặp được Đấng ấy nơi chính bản thân mình.
Ước mong mỗi linh mục hôm nay cũng suốt đời miệt mài học với
Chúa Giêsu Thánh Thể theo gương thánh Gioan Vianney, để con người đang đói khát
Thiên Chúa hôm nay cũng có thể trông thấy Đấng vô hình nơi các linh mục.
Nguồn: giaophankontum.com