LỊCH SỬ CỦA TÍNH HIỆP HÀNH: NÓ LÂU ĐỜI HƠN BẠN NGHĨ
Linh mục John W.
O’Malley, SJ
Giáo sư Đại học Georgetown, Hoa Kỳ
WHĐ (5.3.2022) - Những ngày này, thuật ngữ “tính hiệp hành” chiếm thế thượng phong
trong ngôn ngữ của Giáo Hội, nhưng thuật ngữ ấy không có một lịch sử lâu dài;
nó là một từ ngữ mới và chỉ ra đời khoảng 20 năm trước. Do đó, không có gì ngạc
nhiên khi người Công giáo cảm thấy bối rối với từ này và với lời kêu gọi của Đức
Thánh Cha Phanxicô về việc xây dựng một Giáo hội có tính hiệp hành hơn. Sự bối
rối đặc biệt gay gắt ở Hoa Kỳ, nơi mà cho đến gần đây, người ta vẫn ít chú ý đến
Hiệp hành tính. Tuy nhiên, đó là một vấn đề cấp bách, quan trọng đối với sự
phát triển của Giáo hội ngày nay. Giáo hội Công giáo ở Hoa Kỳ không nên tụt hậu
so với phần còn lại của thế giới trong việc quan tâm đến từ này.
Các Giám mục tại Công đồng Nicêa đã ra quyết định rằng
các giám mục phải tổ chức Thượng hội đồng mỗi năm hai lần.
Định nghĩa về Hiệp hành tính như là "liên quan đến một thượng hội đồng" là một định nghĩa chẳng giúp được bao nhiêu. Bản thân thuật ngữ Thượng hội đồng chỉ quen thuộc hơn một chút, và với người Công giáo thì thuật ngữ ấy gợi lên hình ảnh Thượng hội đồng Giám mục do Đức Thánh Cha Phaolô VI thiết lập vào tháng 9 năm 1965 khi Công đồng Vatican II sắp kết thúc. Mặc dù có liên quan đến thể chế truyền thống, nhưng Thượng Hội đồng Giám mục đã sửa đổi rất nhiều khía cạnh then chốt của thể chế ban đầu, như tôi sẽ giải thích sau.
Do đó, chúng ta phải bắt đầu bằng cách đặt ra
một câu hỏi cơ bản: Thượng hội đồng
(synod) là gì? Cho đến khi Thượng hội đồng Giám mục được thành lập, câu trả
lời cho câu hỏi này rất đơn giản: Thượng hội đồng là một công đồng; những từ
này đồng nghĩa với nhau: “Thượng hội đồng”
(synod) là từ bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp, còn
“công đồng” (council) có nguồn
gốc từ tiếng Latinh. Trong giáo hội Tây phương, hai từ này được sử dụng thay thế
cho nhau. Chẳng hạn, Công đồng Tridentinô tự gọi mình là “Thượng hội đồng thánh này,” và các ấn bản chính thức về những diễn
tiến của Công đồng Vatican II (khoảng 53 tập) được đặt tên là “các diễn tiến của công đồng chung Vatican II”
(acta synodalia – thượng hội đồng).
Nhưng Công đồng là gì? Từ ngữ thì quen thuộc;
nhưng những gì nó hàm chứa thì không hẳn. Nếu chúng ta khảo sát lịch sử của 21
công đồng mà người Công giáo coi là công đồng chung (toàn giáo hội) và hàng
trăm công đồng địa phương, thì câu trả lời xuất hiện rất rõ ràng: Công đồng chung là
một cuộc họp, chủ yếu gồm các giám mục, được qui tụ nhân danh Chúa Kitô để đưa
ra các quyết định có tính ràng buộc của giáo hội.
Mỗi từ trong định nghĩa đó đều quan trọng, bắt
đầu bằng từ “cuộc họp”. Công đồng là
một cuộc hội họp trong đó công việc phải được hoàn thành. Đó không phải là một
cuộc thảo luận xã hội và cũng không phải là một cuộc hội họp để tán dương những
thành tựu của giáo hội. Một công đồng hành động.
“Chủ yếu
gồm các giám mục”
Còn về “chủ
yếu gồm các giám mục” là gì? Trong mỗi công đồng, các giám mục hiện diện và
có lá phiếu quyết định, nhưng những nhân vật khác cũng đã đóng những vai trò
quan trọng. Rốt cuộc, không phải một giáo sĩ nhưng là Hoàng đế Constantine đã
triệu tập công đồng chung ở Nicêa lần I vào năm 325 và thiết lập chương trình nghị sự
sơ khởi của công đồng. Công đồng đã họp trong cung điện của Hoàng đế
Constantine và ông giữ vai trò chủ toạ danh dự của Công đồng. Khi Đức Giáo
hoàng Innocentê III triệu tập Công đồng Lateranô IV vào năm 1215, ngài đã ra lệnh
cho hoàng đế, tất cả các vua chúa, công tước và nhiều vị khác tham dự trực tiếp
hoặc thông qua một vị đại diện. Ngoài những nhân vật thế tục như vậy, khoảng
800 viện phụ đã tham dự, gấp đôi số các giám mục.
Tại Công đồng Tridentinô, các nguyên thủ quốc
gia đã cử các đặc sứ của họ, trong đó có một số là giáo dân. Các đặc sứ có quyền
phát biểu trước công đồng khi họ xuất trình thư ủy nhiệm của mình, còn không
thì họ tác động đến diễn tiến của công đồng ở hậu trường. Tại một thời điểm nào
đó, ngay cả các đặc sứ Luther cũng được thừa nhận và được phép tranh luận về trường
hợp của họ. Sự hiện diện của những “quan sát viên” ngoài Công giáo tại Vatican
II đã được nhiều người biết đến. Mặc dù ảnh hưởng của họ rất khó đánh giá,
nhưng chắc chắn là có hoạt động.
Cuối cùng, các nhà thần học vào thế kỷ X đã từng
nổi lên như một tầng lớp thầy dạy tách biệt với các giám mục, họ luôn tham dự
và không thể thiếu trong việc hình thành các sắc lệnh của các công đồng. Gần
500 vị đã được chính thức công nhận tại Công đồng Vatican II. Con số này được
gia tăng đáng kể bởi các nhà thần học có mặt tại công đồng như là những nhà tư
vấn cho cá nhân các giám mục.
“Được
qui tụ Nhân danh Chúa Kitô”
Còn về việc “được qui tụ nhân danh Chúa Kitô” thì sao? Đây là nguồn thẩm quyền của
công đồng (cũng như của một thượng hội đồng). Các giám mục biết rằng “nơi mà hai hoặc ba” người tập hợp lại,
thì Đức Kitô đang ở giữa họ. Ngoài ra, các giám mục có nền tảng cụ thể hơn
trong Kinh thánh đối với thẩm quyền của một công đồng: cái gọi là công đồng Giêrusalem (Cv
15). Vào thời điểm tụ họp quan trọng đó, “các
Tông đồ và các kỳ mục” quyết định không áp đặt phép cắt bì và các nghi thức
tương tự của người Do Thái đối với những người trở lại đạo không phải là người
Do Thái, và do đó, họ đã mở đường cho số lượng lớn người gốc dân ngoại được trở
lại đạo.
Công đồng Giêrusalem là nền tảng cho khẳng định
rằng công đồng là hình thức quản trị giáo hội lâu đời nhất, nhưng tuyên bố đó
càng được chứng thực bởi sự xuất hiện từ đầu thế kỷ thứ II của nhiều công đồng
trên khắp thế giới Roma. Chỉ nguyên thế kỷ đó, chúng ta có bằng chứng về ít nhất
50 cuộc qui tụ như vậy ở Palestine, Bắc Phi, xứ Gaul và những nơi khác.
Từ đó trở đi, Thượng hội đồng đã trở thành một
đặc tính chuẩn mực của đời sống Giáo hội. Có ít nhất 400 thượng hội đồng giữa
thế kỷ thứ II và thứ VII. Trên thực tế, Công đồng Nicêa đã ra quyết định rằng
các giám mục phải tổ chức Thượng hội đồng mỗi năm hai lần, và Công đồng
Tridentinô, như một phần của cuộc cải tổ hàng giám mục, đã ra lệnh cho mọi giám
mục phải tổ chức Thượng hội đồng hàng năm trong giáo phận của mình. Qua nhiều
thế kỷ, nhịp độ thay đổi nhưng vẫn mạnh mẽ. Vào thế kỷ XIX, các Thượng hội đồng
giảm dần sau định nghĩa về quyền tối cao của Giáo hoàng tại Công đồng Vatican I
(1869-1870), nhưng Thượng hội đồng chưa bao giờ hoàn toàn biến mất. Một trong
những điều đầu tiên mà Giáo hoàng tương lai, Đức Gioan XXIII đã làm khi trở
thành thượng phụ Venice là kêu gọi một thượng hội đồng cấp giáo phận.
Thượng hội đồng về bản chất là một phương thức
quản trị mang tính hiệp đoàn. Các giám mục làm việc cùng với các giám mục khác,
và đôi khi với các giáo sĩ và thậm chí với những người khác. Còn về mô hình phẩm
trật mà trên thực tế chúng ta quen thuộc hơn thì sao? Mô hình đó cũng có nguồn
gốc rất sớm. Vào đầu thế kỷ thứ II, các giám mục nổi lên với tư cách là người
giám sát, người bảo vệ và lãnh đạo đoàn chiên trong các thành phố và được tuyên
bố rằng các ngài là những người kế vị các Tông đồ. Mặc dù các giám mục nhận ra
rằng nếu muốn có hiệu quả tốt, các ngài phải làm việc cùng với các trưởng lão,
kỳ lão và các thừa tác viên giáo dân, nhưng các ngài vẫn giữ vững trách nhiệm
lãnh đạo của mình. Do đó, hầu như ngay từ đầu, việc quản trị giáo hội đã có hai
mô hình — phẩm trật và hiệp đoàn. Đôi khi các giám mục là những người kình địch,
nhưng qua nhiều thế kỷ, các ngài đã cố gắng làm việc cùng nhau mặc dù có nhiều
cuộc đụng độ, và đôi khi nghiêm trọng.
Mô hình phẩm trật đã giành được sức mạnh khi
mà vào thế kỷ thứ IV và thứ V, giám mục của Roma bắt đầu đưa ra những tuyên bố
hiệu quả về việc giám sát chung đối với giáo hội rộng lớn hơn. Sự xuất hiện của
những tuyên bố đó cho thấy rằng một cấp độ khác của phẩm trật giáo hội đã được
củng cố. Điều này đặc biệt đúng ở Tây phương. Sau thế kỷ XI, các tuyên bố của
giáo hoàng trở nên kiên quyết hơn, và các giáo hoàng bắt đầu đảm nhận quyền riêng
biệt để triệu tập các công đồng.
"Để
đưa ra các quyết định chung của giáo hội"
Còn về việc “để đưa ra các quyết định quyết định chung của giáo hội” thì sao?
Các quyết định của công đồng, dù là địa phương hay toàn giáo hội, dù liên quan
đến giáo lý hay kỷ luật, ngay từ thời giáo hội sơ khai đã được coi là quyết định
cuối cùng, mặc dù không nhất thiết là không thể thay đổi. Ngay cả các công đồng
địa phương cũng được hưởng thẩm quyền này đối với khu vực riêng của mình. Ví dụ,
bảy công đồng cấp giáo phận, cấp giáo tỉnh và cấp toàn thể của Baltimore vào thế
kỷ XIX đã định hình hình thức của giáo hội Hoa Kỳ non trẻ. Các giám mục đã đưa
ra quyết định của mình mà không cần nhờ đến Rôma, mặc dù tất nhiên là các ngài
hiệp thông với Tòa thánh.
Trong một số trường hợp hiếm hoi, các quyết định
của các công đồng địa phương về các vấn đề giáo thuyết được coi là bó buộc với
toàn thể giáo hội. Các trường hợp nổi bật nhất về vấn đề này là các quyết định
của các công đồng Bắc Phi vào thế kỷ thứ IV và thứ V liên quan đến các lạc giáo
Đônatô và Pelagiô.
Tuy nhiên, thể chế mà Đức Giáo hoàng Phaolô VI
thiết lập với Thượng hội đồng Giám mục không phải là cơ quan ra quyết định mà
là một cơ quan tham vấn. Tự nó, Thượng Hội đồng Giám mục có thể đưa ra các khuyến
nghị cho Đức giáo hoàng nhưng không thể đưa ra các quyết định chung. Đức Giáo
hoàng Phaolô VI có ý muốn Thượng hội đồng Giám mục thực hiện sắc lệnh của Công
đồng Vatican II về tính hiệp đoàn giám mục, và ở một mức độ nào đó, Thượng hội
đồng Giám mục đã thực hiện điều này. Nhưng Thượng hội đồng Giám mục đã loại bỏ
một yếu tố truyền thống và then chốt trong định nghĩa của từ này.
Ngày
nay
Điều đó đưa chúng ta đến hiện tại và tới Đức
Giáo Hoàng Phanxicô. Mặc dù là vị giáo hoàng đầu tiên trong 50 năm không tham dự
Công đồng Vatican II, nhưng ngài đánh giá cao công đồng và tầm nhìn biến đổi của
các sắc lệnh công đồng, như ngài đã cho thấy cách hiển nhiên khi làm Tổng giám
mục Buenos Aires. Hai khía cạnh của công đồng gắn với tính hiệp hành mà ngài đặc
biệt coi trọng là sự mô tả của công đồng về giáo hội là “dân Thiên Chúa”, và sự nhấn mạnh trên bình diện rộng về mô hình quản
trị giáo hội mang tính hiệp đoàn. Tuyên bố đặc trưng của công đồng về vấn đề đó
xuất hiện trong chương thứ ba của hiến chế “Ánh
sáng muôn dân” (Lumen Gentium), mô
tả mối tương quan hiệp đoàn giữa các giám mục và giáo hoàng. Nhưng trong các
tài liệu khác, công đồng đề cao lý tưởng về mối tương quan hiệp đoàn giữa giám
mục và các linh mục, cũng như giữa các linh mục và giáo dân của mình.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng được thuyết phục
sâu sắc rằng dân Chúa có sự hiểu biết sâu sắc về đức tin và thực hành của giáo
hội— và do đó họ phải được lắng nghe. Đây không phải là một ý tưởng riêng đối với
Đức Giáo hoàng Phanxicô, nhưng là một phần tiêu chuẩn của di sản Công giáo, được
diễn đạt cách độc đáo bằng cụm từ tiếng Latinh sensus fidelium, là “cảm thức
đức tin của các tín hữu”. Sự nhấn mạnh của Đức Giáo hoàng Phanxicô về điều
này có thể được tác động bởi bài luận có tầm ảnh hưởng của Thánh John Henry
Newman, “Về việc hỏi ý kiến
các tín hữu trong những vấn đề giáo lý”.
Như thế, chúng ta có nền tảng cơ bản để hiểu tính hiệp hành là gì và tại sao giáo hoàng lại hăng hái thúc đẩy một giáo hội hiệp hành hơn. Tính hiệp hành là sự phục hồi truyền thống lâu đời nhất về việc cai quản giáo hội, và do đó, việc phục hồi tính hiệp hành của Đức Giáo Hoàng là hoàn toàn mang tính truyền thống.
Tuy nhiên, giống như mọi sự phục hồi, lần phục
hồi này được sửa đổi trong bối cảnh mà nó được phục hồi. Sự phục hồi không bao
giờ tái tạo hoàn hảo bản gốc. Cố gắng hết sức, các kiến trúc sư của thế kỷ
XIX chẳng thể tái tạo hoàn hảo kiến trúc Gothic của thế kỷ XIII. Sự sửa đổi ấn
tượng nhất hiện nay về tính hiệp hành là tính bao hàm ngoạn mục của những gì Đức
Thánh Cha Phanxicô đề xuất.
Trước đây, những người tham gia Thượng hội đồng
bị giới hạn ở số lượng nhỏ, bất kể bậc sống của họ khác nhau thế nào. Ngày nay,
Đức Thánh Cha Phanxicô muốn tất cả các thành viên của giáo hội bày tỏ đức tin
cũng như hy vọng và ước muốn của họ đối với giáo hội. Các tài liệu chuẩn bị cho
Thượng hội đồng toàn giáo hội quy định về việc bao gồm những người không phải
Công giáo và không phải Kitô hữu. Chưa bao giờ có sự thực hành tính hiệp đoàn với
một lời mời bao hàm không hạn chế như vậy.
Đức Phanxicô rõ ràng dự định tiến trình Thượng
hội đồng là một hành động của tính hiệp đoàn, nhưng Cẩm nang chính thức về tiến
trình, Vademecum,
chỉ ra rằng đó là một cuộc tham khảo lớn theo phương thức của Thượng Hội đồng
Giám mục. Ngay cả khi Đức Giáo hoàng Phanxicô dự định các kết quả của tiến
trình này ràng buộc cách nào đó đối với giáo hội - như các quyết định của Thượng
hội đồng trước đây cho đến năm 1965 - thì ngài cũng sẽ không thoái thác trách
nhiệm thuộc tác vụ của mình. Chúng ta phải nhớ rằng trong truyền thống của tính
hiệp đoàn được thực hành trong giáo hội Tây phương từ thế kỷ XI, tiếng nói của
giáo hoàng là một yếu tố thiết yếu trong tiến trình hiệp đoàn. Các giáo hoàng
không phải đơn thuần là những người thi hành các quyết định của Thượng hội đồng.
Do đó, mặc dù lời kêu gọi của Đức Thánh Cha
Phanxicô hoàn toàn là truyền thống, nhưng nó mới mẻ một cách triệt để về trương
độ mà nó vạch ra. Điều này không nên làm cho chúng ta bối rối nhưng sẽ tiếp
thêm sinh lực cho chúng ta. Chúng ta đang tham gia vào một dự án tuyệt vời và
trách nhiệm của chúng ta đối với sự thành công của dự án cũng lớn như chính dự
án. Chúng ta cảm thấy được khuyến khích khi làm việc dưới góc nhìn của một câu
trong Phúc âm Matthêu: Người bảo họ: “Bởi
vậy, bất cứ kinh sư nào đã được học hỏi về Nước trời, thì cũng giống như chủ
nhà kia lấy ra từ kho tàng của mình cả cái mới lẫn cái cũ" (13, 52).
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: americamagazine.org (17.02.2022)