Lễ Mình và Máu Chúa Kitô năm A
Thứ Năm, 23.06.2011
THÁNH THỂ BIẾN ĐỔI CHÚNG TA VÀ THẾ GIỚI
WHĐ (24.06.2011) – Chiều thứ Năm, ngày 23.06.2011, Đức Thánh Cha Bênêđictô
XVI đã chủ sự thánh lễ kính Mình Máu Thánh Chúa tại thềm Đền thờ thánh Gioan
Laterano. Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nói:
Anh chị em thân mến,
Lễ Mình và Máu Chúa Kitô (Corpus Christi)
không thể tách rời khỏi Thứ Năm Tuần Thánh với Lễ Tiệc Ly của Chúa (Caena Domini), Thánh lễ mà việc thiết lập Bí
tích Thánh Thể được cử hành cách trọng thể. Trong khi vào chiều Thứ Năm Tuần
Thánh, chúng ta nhớ lại mầu nhiệm Chúa Kitô, Đấng hiến mình cho chúng ta trong
tấm bánh được bẻ ra và ly rượu được sẻ chia, thì hôm nay, vào ngày lễ Mình và Máu Chúa
Kitô, mầu nhiệm này được cử hành để Dân Chúa tôn thờ và chiêm niệm, và Thánh Thể
được rước kiệu qua các con đường của các thành phố và làng mạc, để chứng tỏ rằng
Chúa Kitô Phục Sinh đang đi giữa chúng ta và hướng dẫn chúng ta về Nước Thiên
Đàng.
Những gì Chúa Giêsu đã ban cho chúng ta trong sự
riêng tư thân mật tại Phòng Tiệc Ly, thì hôm nay chúng ta bày tỏ một cách cởi mở,
bởi vì tình yêu của Chúa Kitô không dành riêng cho một số ít người nhưng dành
cho tất cả mọi người. Trong Thánh lễ Tiệc Ly vào Thứ Năm Tuần Thánh năm nay, tôi đã
nhấn mạnh rằng chính trong Bí tích Thánh Thể, việc biến đổi “hoa màu ruộng đất”
- bánh và rượu - đã được diễn ra với mục đích là để biến đổi cuộc sống của
chúng ta và do đó mở đầu cho việc biến đổi thế giới. Đây là điểm mà tôi muốn nhấn mạnh trong chiều hôm nay.
Mọi sự bắt đầu, có thể nói, từ trái tim của Đức
Kitô, Đấng, vào đêm trước cuộc khổ nạn của Người, trong Bữa Tiệc Ly, đã cảm tạ
và chúc tụng Thiên Chúa và nhờ đó, với sức mạnh tình yêu của Người, Người đã biến
đổi ý nghĩa của cái chết mà Người quyết tâm bước vào. Bí tích diễn ra trên bàn
thờ được gọi là “Thánh Thể” - “tạ ơn” - diễn tả chính xác điều này: việc biến đổi
bản thể của bánh và rượu thành Mình và Máu Chúa Kitô là thành quả của ân sủng
mà Chúa Kitô đã thực hiện nơi chính mình, ân sủng của một Tình yêu mạnh hơn sự
chết, Tình yêu thần thiêng đã làm cho Người sống lại từ cõi chết. Đó là lý do tại
sao Thánh Thể là lương thực cho sự sống đời đời, Bánh Hằng Sống. Từ trái tim của
Đức Kitô, từ “kinh nguyện Thánh Thể” của Người vào đêm trước cuộc khổ nạn, tuôn
trào năng lực biến đổi thực tại trong các chiều kích vũ trụ, con người và lịch
sử của nó. Mọi sự đều phát xuất từ Thiên Chúa, từ quyền lực toàn năng của Tình
Yêu Ba Ngôi của Ngài, được nhập thể nơi Chúa Giêsu. Trái tim của Đức Kitô đắm
chìm trong Tình yêu này; do đó, Người có thể cảm tạ và ca ngợi Chúa Cha ngay cả
khi đối mặt với sự phản bội và bạo lực, và bằng cách này Người làm thay đổi mọi
thứ: con người và thế giới.
Sự biến đổi này có thể thực hiện được là nhờ vào
một sự hiệp thông mạnh mẽ hơn sự chia rẽ, đó là sự hiệp thông của chính Thiên
Chúa. Từ “communion – sự hiệp thông”,
mà chúng ta cũng dùng để chỉ Bí tích Thánh Thể, tự nó tóm tắt các chiều kích (chiều
dọc và chiều ngang) ân sủng của Chúa Kitô.
Những từ ngữ “to receive communion – đón nhận sự hiệp thông hay rước lễ”, ám chỉ
hành động ăn Bánh Thánh Thể, điều này thật đẹp và rất hùng hồn. Thật vậy, khi
chúng ta rước lễ, chúng ta đi vào sự hiệp thông với chính sự sống rất thánh của
Chúa Giêsu, với chính năng lực của sự sống này, một sự sống được trao ban vì
chúng ta và cho chúng ta. Từ Thiên Chúa, qua Chúa Giêsu, và đến với chúng ta: một
sự hiệp thông duy nhất được thông truyền qua Bí tích Thánh Thể.
Chúng ta vừa nghe trong Bài Đọc II những lời của
Thánh Tông Đồ Phaolô nói với các tín hữu Côrintô: “Chén chúc tụng mà chúng ta cầm lên chúc tụng Chúa chẳng phải là thông
hiệp với máu Chúa Kitô sao? Tấm bánh mà chúng ta bẻ ra chẳng phải là thông phần
vào Mình Chúa đó sao? Vì có một tấm bánh, nên chúng ta tuy nhiều người, chúng
ta cũng chỉ là một thân thể, vì hết thảy chúng ta thông phần cùng một tấm bánh”
(1 Cr 10,16-17).
Thánh Augustinô giúp chúng ta hiểu hiệu năng của
việc rước lễ khi ngài đề cập đến một thị kiến mà ngài đã có, trong đó Chúa
Giêsu nói với ngài: “Ta là lương thực của
kẻ mạnh; hãy mau lớn lên và
con sẽ ăn Ta; con sẽ không biến đổi Ta, giống như con biến đổi lương thực của xác
thịt thành chính con, nhưng con sẽ được biến đổi thành hình ảnh của Ta”
(Confessions, vii, 10, 18).
Do đó, trong khi lương thực cho thân xác được
tiêu hóa và hấp thụ bởi cơ thể và góp phần nuôi dưỡng cơ thể chúng ta, thì
trong trường hợp Thánh Thể, một Lương Thực hoàn toàn khác: không phải chúng ta
hấp thụ Thánh Thể mà chính Thánh Thể hấp thụ chúng ta, để chúng ta trở nên đồng
hình đồng dạng với Chúa Giêsu Kitô, thành một chi thể của Thân Thể Người, nên một
với Người. Đoạn văn này rất quan trọng. Thật vậy, chính vì Chúa Kitô, qua việc
rước lễ (hiệp thông Thánh Thể), biến đổi chúng ta thành Người, nên tính cách của
chúng ta, qua cuộc gặp gỡ này, được mở ra, giải thoát khỏi tính vị kỷ và được
tháp nhập vào Ngôi Vị Chúa Giêsu, Đấng đến lượt Người được chìm sâu vào trong sự
hiệp thông Ba Ngôi. Vì thế, Bí tích Thánh Thể, trong khi kết hợp chúng ta với
Chúa Kitô, đồng thời cũng mở chúng ta ra với những người khác, làm cho chúng ta
trở thành những chi thể của nhau: chúng ta không còn bị chia rẽ, nhưng là một
trong Người. Rước lễ không chỉ liên kết tôi với người bênh cạnh, với người mà
tôi thậm chí không có thiện cảm với họ, mà còn với những người anh em xa xôi ở
mọi nơi trên thế giới.
Do đó, ý nghĩa sâu xa về sự hiện diện của Giáo hội
trong xã hội bắt nguồn từ Bí tích Thánh Thể, điều này được minh chứng bởi các vị
thánh hoạt động xã hội vĩ đại, những người luôn mang trong tâm hồn mình Thánh
Thể cao cả. Những ai nhận ra Chúa Giêsu trong Thánh Thể, thì cũng nhận ra Người
nơi anh chị em đau khổ, những người đói khát, những người khách lạ, trần truồng,
bệnh tật hay tù tội; và họ quan tâm đến mọi người, họ làm việc thiết thực để
giúp tất cả những ai gặp khó khăn.
Do đó, trong việc xây dựng một xã hội hỗ trợ,
công bằng và huynh đệ, trách nhiệm đặc biệt của chúng ta, với tư cách là kitô hữu,
xuất phát từ món quà tình yêu của Đức Kitô. Nhất là trong thời đại chúng ta,
trong đó toàn cầu hóa làm cho chúng ta ngày càng phụ thuộc vào nhau, Kitô giáo
có thể và phải tin chắc rằng sự hiệp nhất này không thể được xây dựng nếu không
có Thiên Chúa; thật vậy, không có Tình yêu đích thực, thì sự hiệp nhất sẽ nhường
chỗ cho sự mê muội, chủ nghĩa ích kỷ và sự độc tài của mỗi người trong việc tìm
cách áp bức những người khác. Tin Mừng luôn nhắm đến sự hiệp nhất của gia đình
nhân loại, một sự hiệp nhất không bị áp đặt từ bên ngoài, cũng không bị các quyền
lợi ý thức hệ hay kinh tế áp đặt, nhưng trái lại dựa trên tinh thần trách nhiệm
hỗ tương, nhờ đó, chúng ta có thể nhìn nhận nhau như là những chi thể trong
cùng một Thân Thể, Thân Thể Đức Kitô, bởi vì từ Bí tích Thánh Thể, chúng ta đã
học và không ngừng được học biết rằng: chia sẻ, yêu thương là con đường dẫn đến
công lý đích thực.
Bây giờ chúng ta hãy trở lại với hành động của
Chúa Giêsu trong Bữa Tiệc Ly. Điều gì đã xảy ra vào thời điểm đó? Khi Người
nói: “Đây là Mình Thầy hiến tế vì anh em, đây là chén Máu Thầy đổ ra cho nhiều
người”, thì chuyện gì đã xảy ra? Trong cử chỉ này, Chúa Giêsu đã báo trước biến
cố xảy ra trên đồi Canvê. Vì tình yêu, Người đã chấp nhận toàn bộ cuộc khổ nạn,
với sự thống khổ và bạo lực của nó, thậm chí cho đến chết trên thập giá. Khi chấp
nhận cuộc khổ nạn theo cách này, Người đã biến nó thành một hành động trao ban.
Đây là sự biến đổi mà thế giới cần nhất, để cứu chuộc nó từ bên trong, để mở rộng
nó ra các chiều kích của Nước Thiên Đàng.
Vì vậy, Thiên Chúa luôn muốn thực hiện sự canh
tân thế giới này trên cùng một con đường mà Đức Kitô đã đi, con đường đó thực sự
là chính Đức Kitô. Không có gì là kỳ dị về Kitô giáo. Không có con đường tắt; mọi
thứ đều đi qua logic khiêm nhường và kiên nhẫn của hạt lúa mì chịu thối đi để ban
sự sống, logic của một đức tin chuyển núi dời non được thực hiện bằng quyền
năng dịu dàng của Thiên Chúa. Vì lý do này, Thiên Chúa muốn tiếp tục canh tân
nhân loại, lịch sử và vũ trụ qua chuỗi của sự biến đổi mà Thánh Thể là bí tích.
Qua bánh và rượu được thánh hiến, trong đó Mình và Máu Người thực sự hiện diện,
Chúa Kitô biến đổi chúng ta, nên đồng hình đồng dạng với Người: Người thu nạp
chúng ta vào công cuộc cứu chuộc của Người, Người giúp chúng ta, qua ân sủng của
Chúa Thánh Thần, được sống trong sự tương hợp với logic tự hiến mình như những
hạt lúa mì, được kết hợp với Người và trong Người. Do đó, chúng ta được gieo và
tiếp tục trưởng thành trong các luống đất của lịch sử hiệp nhất và hòa bình.
Đây chính là mục đích mà chúng ta phấn đấu để phù hợp với kế hoạch của Thiên
Chúa.
Chúng ta hãy bước đi mà không ảo tưởng, không theo
ý thức hệ không tưởng. Hãy bước đi trên những xa lộ của thế giới và mang trong
mình Thánh Thể Chúa, giống như Đức Trinh Nữ Maria trong mầu nhiệm Thăm Viếng. Với
sự khiêm tốn biết rằng chúng ta chỉ là những hạt lúa mì, chúng ta hãy giữ vững
niềm xác tín vững chắc rằng tình yêu của Thiên Chúa, được nhập thể trong Đức
Kitô thì mạnh hơn sự dữ, bạo lực và sự chết. Chúng ta biết rằng Thiên Chúa chuẩn
bị cho tất cả mọi người trời mới đất mới, trong đó hòa bình và công lý ngự trị
- và trong đức tin, chúng ta cảm nhận được thế giới mới là quê hương đích thực
của chúng ta.
Chiều hôm nay cũng vậy, chúng ta hãy bắt đầu:
trong khi mặt trời đang lặn trên thành phố Rôma thân yêu của chúng ta thì Chúa
Giêsu trong Bí tích Thánh Thể đang ở cùng chúng ta, Đấng Phục Sinh đã nói: “Thầy
ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt
28:20). Lạy Chúa Giêsu, chúng con cảm tạ
Chúa! Cảm tạ Chúa vì sự trung thành của Chúa đã duy trì niềm hy vọng của chúng con.
Xin ở lại với chúng con vì màn đêm đang buông xuống. Lạy Chúa Giêsu là Mục Tử
nhân lành, Bánh đích thực, xin thương xót chúng con, bênh vực chúng con, dẫn
đưa chúng con tới sự thánh thiện vĩnh cửu, trên niềm đất dành cho kẻ sống!”
Amen.
Chuyển ngữ: Văn Việt