LỄ GIÁNG SINH TRONG PHỤNG VỤ
Enrico Cattaneo, SJ
La Civiltà
Cattolica (06.01.2022)
WHĐ (29.12.2022) - “Sau việc cử hành hàng năm mầu nhiệm Phục
sinh, Hội Thánh không có việc cử hành nào cổ xưa bằng việc kính nhớ Chúa Giáng
sinh và kính nhớ những lần tỏ mình đầu tiên của Người: đó là mùa Giáng Sinh”[1].
Việc cử hành bắt đầu từ Kinh Chiều I của ngày Giáng Sinh và kết thúc vào Chúa
Nhật sau lễ Chúa hiển linh (hoặc gọi là lễ Ba Vua). Những sự ghi nhận sớm nhất
về việc mừng lễ Giáng sinh được nhận thấy ở giữa thế kỷ thứ tư và việc ngày 25
tháng Mười Hai được xem là ngày Chúa sinh ra đời được tìm thấy trong lịch phụng
vụ cổ nhất của người Roma vào năm 354[2].
Để nuôi dưỡng đức tin và đời sống
cầu nguyện, chúng ta cần được truyền cảm hứng từ những bản văn phụng vụ hiện
hành như: Sách lễ Roma[3]
và Phụng vụ các giờ.
Hãy nhớ rằng những lời kinh phụng vụ này luôn được dâng lên Thiên Chúa Cha, qua
Chúa Kitô và trong Chúa Thánh Thần.
Lễ Giáng sinh là gì?
Đó là việc “mừng kỷ niệm Con Chúa giáng trần”[4], sự “hân hoan” làm tỏ lộ “khởi điểm ơn cứu độ”[5], “khởi điểm kỳ diệu cho công trình cứu chuộc dân Chúa”[6]. Đó là một “mầu nhiệm đáng kính”[7], trong đó việc “tôn thờ Chúa cho phải đạo”[8] được diễn ra. Cử hành Giáng sinh diễn ra trong đêm tối được gợi hứng từ Tin Mừng[9], cho phép chúng ta nhớ lại rằng Thiên Chúa “đã sai Con Một Chúa là nguồn ánh sáng thật đến soi chiếu trần gian làm cho đêm cực thánh này bừng lên rực rỡ”[10]. “Ánh sáng mới của Ngôi lời nhập thể” phải “bao phủ”[11] chúng ta và phải “rực lên trong mọi sinh hoạt”[12] của chúng ta.
Vì “Đấng cứu độ trần gian nay đã tới” như “ánh sáng cứu độ”[13],
nên việc “Đức Ki-tô là ánh sáng thật đến
trần gian” đã “đẩy lui bóng tối đang che phủ”[14]. Đây không phải là
một vấn đề liên quan ánh sáng thể lý, nhưng là ánh sáng thiêng liêng: “Vì nhờ mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể, một luồng
sáng mới từ vinh quang Chúa chiếu rọi vào tâm trí chúng con”[15].
Chủ đề ánh sáng sẽ quay trở lại
trong ngày Chúa Nhật thứ hai sau lễ Giáng Sinh, với một lời nguyện bao trùm tất
cả mọi người: “Lạy Thiên Chúa […], Chúa
là ánh sáng soi đường cho những người tin, xin toả ánh vinh quang Chúa trên khắp
cả hoàn cầu”[16].
Ánh sáng này phải làm trỗi dậy “hầu đổi mới
tâm hồn”[17]
chúng ta. Ánh sáng của Chúa Kitô không chỉ khai sáng nhưng còn sưởi ấm, giống
như đặc tính hai mặt của lửa: “Lạy Chúa,
xin giãi ánh vinh quang rực rỡ soi trí người tín hữu, và thiêu đốt lòng họ bừng
cháy lửa mến yêu”[18].
Vì thế, lễ Giáng Sinh là “đêm của ánh sáng”[19] được cử hành trong
sự “vui mừng”[20] và “hoan hỷ”[21] với lời “đồng thanh ca tụng”[22] và lòng “sốt sắng mừng lễ”[23]. Chủ đề về niềm vui
cũng ngập tràn trong bài giảng đêm Giáng Sinh của Thánh giáo hoàng Leo Cả:
“Anh chị em thân mến, hôm nay, Đấng cứu độ
chúng ta đã giáng sinh, chúng ta hãy vui mừng. Chúng ta không được phép buồn
khi mừng ngày sự sống xuất hiện […]. Không ai bị gạt ra khỏi niềm hân hoan đó,
vì mọi người đều có chung một lý do để vui mừng. […] vì Chúa […] đã đến để giải
cứu mọi người”[24].
Cuộc sáng tạo mới
Tiêu điểm của phụng vụ chuyển đến
cuộc sáng tạo thứ nhất, với một cảm thức kinh ngạc trước sự siêu việt của công
trình cứu chuộc: “Lạy Chúa, Chúa đã sáng
tạo con người cách kỳ diệu, lại còn phục hồi phẩm giá con người cách kỳ diệu
hơn nữa”[25].
Cuộc sáng tạo đầu tiên cũng gợi lại tội lỗi nguyên thuỷ, điều dẫn đến sự chết
và cảnh nô lệ cho tội lỗi của chúng ta. Giờ đây, Chúa Giêsu được sinh ra “vừa sinh xuống giữa lòng nhân loại”, để
Thiên Chúa thương giải thoát chúng ta “khỏi
gông cùm nô lệ tội lỗi”[26].
Tầm quan trọng mang tính cứu độ của lễ Giáng Sinh được đặc biệt nhấn mạnh trong
kinh Tiền tụng thứ II của lễ này: Ngôi lời đã làm người, “làm cho mọi loài sa ngã được trỗi dậy trong Người”, để “phục hồi tình trạng nguyên tuyền cho vạn vật”[27].
Vì thế, việc “chấp nhận và làm cho mọi
người được ơn hoà giải và bình an” đã được mang tới[28],
và “kế hoạch của Thiên Chúa Cha” là để
“phục hồi tình trạng nguyên tuyền” và
mang trở lại cho Ngài “con người lầm lạc
trở về quê trời” đã được thực hiện[29].
Chủ đề này được nhắc đến trong một lời nguyện: “Lạy Chúa, Chúa đã muốn cho Ðức Kitô con Một Chúa […] đổi mới chúng
con, xin cho chúng con dứt bỏ mọi vết tích của con người cũ, nhờ đó chúng con
tham dự vào cuộc tạo dựng mới bởi Đức Kitô, Con Chúa”[30]. Vì thế, với lễ
Giáng Sinh, cuộc sáng tạo mới bắt đầu.
Chủ đề này cũng được đưa ra bởi
Thánh Leo Cả:
“Chúng ta hãy tạ ơn Thiên Chúa Cha nhờ Chúa
Con và trong Chúa Thánh Thần. Do lòng thương xót vô tận, Thiên Chúa đã yêu mến,
đã thương xót chúng ta, dầu chúng ta đã chết vì sa ngã, Người cũng đã cho chúng
ta được cùng sống với Đức Kitô, để trong Đức Kitô, chúng ta có thể trở nên một
thụ tạo mới, một công trình mới”[31].
Thế nhưng Đấng được sinh ra ấy là Đấng nào?
Nền phụng vụ chưa bao giờ bị cản
trở bởi các tranh luận Kitô học, nhưng luôn rõ ràng về Đấng được mừng kính
trong lễ Giáng Sinh: Đấng được sinh ra tại Belem không phải là người mà sau này
được thần thánh hoá, nhưng là “Ngôi Lời
nhập thể”[32],
là “Vị Cứu Tinh”[33]. Người là Ngôi Lời,
Đấng “vốn được sinh ra trước mọi thời
gian, nay bắt đầu hiện hữu trong thời gian”[34]. Người là “Ðấng vô hình”, “đã xuất hiện hữu hình giữa
chúng ta”[35].
Đây là “mầu nhiệm đức tin”[36],
Con Thiên Chúa, “một Hài Nhi” cũng “là một vì Thiên Chúa”[37]. Chỉ có lời cầu
nguyện mới đem chúng ta đến với “đức tin
sâu sắc và lòng hăng hái nhiệt thành, để hiểu biết và mến yêu mầu nhiệm cao cả ấy”[38].
Thế nên, trong việc giáng sinh của Chúa Kitô, Thiên Chúa đã thiết lập “khởi sự và hoàn thành việc thờ phượng Chúa”[39].
Đức tin này cũng được thể hiện với
sự minh bạch trong giáo lý:
“Lạy Chúa, xin trợ lực dân Chúa, hầu giữ vững
niềm tin không hề lay chuyển. Chúng con tuyên xưng rằng: Đức Giêsu cũng là Đấng
đồng hành vinh quang với Chúa, đã thực sự mặc lấy xác phàm trong lòng Trinh Mẫu
Maria. Xin cứu chúng con khỏi những điều ác hại đời này, và đưa vào hưởng niềm
vui bất tận đời sau”[40].
Ở đây có một điểm quy chiếu đến
các tín điều loan truyền Đức Kitô là Thiên Chúa thật và là người thật. Thế
nhưng, đức tin không chỉ chủ yếu gắn với những tuyên tín, nhưng còn phải gắn với
con người: thế nên nền phụng vụ luôn cầu nguyện rằng: chúng ta có thể lớn lên
trong việc “nhìn nhận Con Một Chúa là Ðấng
Cứu Tinh” và ở trong sự “chân thành
phục vụ Người”[41].
Một cuộc trao đổi kỳ diệu
Theo các Giáo phụ, phụng vụ hiểu
về Sự nhập thể như một cuộc trao đổi: Thiên Chúa bằng lòng tỏ hiện chính mình “cách hữu hình” trong xác phàm phải chết
của chúng ta, để “khi nhận biết Thiên
Chúa xuất hiện hữu hình, và nhờ Ngài lôi cuốn”, mà chúng ta “yêu mến Ðấng vô hình”[42]. Nền tảng của những
lời này thuộc về thánh Phaolô: “Vì thế,
chúng ta mới không chú tâm đến những sự vật hữu hình, nhưng đến những thực tại
vô hình. Quả vậy, những sự vật hữu hình thì chỉ tạm thời, còn những thực tại vô
hình mới tồn tại vĩnh viễn” (2Cr 4:18). Như thánh Augustinô viết rằng: “chính Sự Sống đã xuất hiện trong xác phàm.
Sự Sống được đặt trong tình trạng như thế, là để cho điều mà chỉ tâm hồn mới
xem thấy thì mắt cũng có thể xem thấu, hầu các tâm hồn được chữa lành”[43].
Dù vậy, Đức Kitô đã để lại cho
chúng ta một sự hữu hình trong Bí tích Thánh Thể, và chính xác là, trong việc cử
hành Thánh lễ, “cuộc trao đổi kỳ diệu”
mà phụng vụ nói tới, được diễn ra: bánh và rượu, vốn được chúng ta dâng lên như
“hoa màu ruộng đất” một khi được
thánh hiến thì thông truyền cho chúng ta “nguồn
sinh lực của Chúa”[44],
và được “nên giống Ðức Giêsu”[45].
Thế nên, phụng vụ mời gọi rằng chúng ta “được
chia sẻ chức vị làm con Chúa với Ðức Kitô là Ðấng đã chia sẻ kiếp người” với
chúng ta[46]. Trong Người, chúng ta là “con Chúa”[47], và là “thân mình của Đức Kitô”[48]. Để rồi trong bí
tích Thánh Thể, cuộc gặp gỡ nhiệm mầu giữa sự hèn mọn của chúng ta và sự vô
biên của Thiên Chúa được diễn ra. Sự hèn mọn của chúng ta được thể hiện bởi những
của lễ, vốn đã là một ân ban [từ Thiên Chúa]; sự vô biên của Thiên Chúa được tỏ
lộ bởi việc Ngài chẳng trao ban cho chúng ta điều gì ngoài chính Mình Ngài: “xin cho chúng con được đón nhận chính Chúa
khi chúng con dâng tiến của lễ do Chúa tặng ban”[49]. Sự hèn mọn của
chúng ta cũng được thể hiện nơi tính mê tật xấu của chúng ta, điều mà chúng ta
luôn khẩn nài để được chừa cải[50].
Đề tài này cũng là chủ đề của
Kinh Tiền tụng III trong mùa Giáng sinh, điều tán dương Đức Kitô, nơi Người “một cuộc trao đổi thần thiêng”, vốn phục
hồi sự sống của chúng ta, “chiếu toả ánh
sáng huy hoàng”: Ngôi Lời mặc lấy “sự
giòn mỏng” của chúng ta để nâng sự giòn mỏng ấy lên đến “vinh quang vô cùng tận.” Ngôi Lời đón
nhận “bản tính phải chết” để dẫn
chúng ta cùng thông phần vào “sự sống trường
sinh” của Người, và để kết hiệp chúng ta với Người trong “sự hiệp thông kỳ diệu”. Khoảng cách vô
tận giữa Thiên Chúa và thụ tạo được xoá nhoà: “Thiên Chúa trở nên con người để con người có thể trở nên Thiên Chúa”[51].
Chủ đề của việc phục hồi phẩm giá này được nhấn mạnh bởi thánh giáo hoàng Lêo Cả:
“Hỡi các Kitô hữu, hãy ý thức về phẩm giá của
bạn. Giờ đây, bạn đã được thông phần bản tính của Thiên Chúa, đừng để mình bị
thoái hoá qua việc trở lại với đời sống bất xứng đã qua”[52].
Vượt ra khỏi thế gian và thời gian
Tiêu điểm của phụng vụ luôn vượt
ra khỏi thế gian và thời gian, hướng đến thiên đàng và sự vĩnh cửu: “Xin Chúa cho chúng con ngày nay ở dưới thế
được mầu nhiệm Giáng Sinh soi dẫn, mai sau cũng được cùng Con Một Chúa hưởng
vinh phúc trên trời”[53];
và để cho Bí tích Thánh Thể “ban chúng
con được hưởng phúc trường sinh”[54].
Quả thực, bản tính của chúng ta đã được phối hợp[55]
với Đức Kitô và chúng ta được kêu gọi để “chia
sẻ trong vinh quang của Người” bằng “cả
cuộc đời hiện tại”[56].
Ngang qua Bí tích Thánh Thể, chúng ta nài xin để có thể “hưởng những hồng ân cao cả”[57] và thêm thiết tha “tin tưởng tìm kiếm những phúc lộc vĩnh cửu”[58].
Vì Đức Kitô “chỉ đường chân lý” cho
chúng ta và hứa ban cho chúng ta “sự sống
muôn đời trong Nước Chúa”[59].
Phụng vụ nhắc nhớ rằng chúng ta cần kiên vững trong đức tin để có thể đương đầu
với “các thử thách của đời này” và để
đạt được “niềm vui bất tận”[60].
Và phụng vụ mời gọi: “Xin cho chúng con
được tin cậy vững vàng, để nhờ Con Một Chúa hướng dẫn, chúng con đạt tới phúc
vinh hiển Chúa hứa ban”[61].
Mẹ Thiên Chúa
Dù phụng vụ của mùa Giáng sinh
hoàn toàn hướng về Ngôi Lời nhập thể, nhưng cũng không quên đề cập đến Mẹ của
Người – Đức Trinh Nữ Maria. Sự thật là Đức Maria được trình bày nhiều nhất
trong tuần cuối cùng của mùa Vọng, nhưng phụng vụ của mùa Giáng sinh cũng tôn
vinh Đức Mẹ trong suốt ngày 01 tháng Một của Tuần Bát nhật với tước hiệu là “Mẹ Thiên Chúa”[62]. Đó là tước hiệu được
tuyên tín bởi Công đồng Ephêxô vào năm 431, nhưng không phải không có những tranh
luận. Có nhiều người cho rằng sẽ thích hợp khi gọi Đức Maria là “Mẹ Đức Kitô” hơn là “Mẹ Thiên Chúa”. Thực tế, đối với những
người theo đức tin độc thần, tước hiệu này có thể bị coi là báng bổ: nói rằng
Thiên Chúa có một người mẹ là một điều vô nghĩa. Đó là lý do tại sao Công đồng
Êphêsô phải giải thích:
“Các giáo phụ đã không ngại gọi Đức Trinh Nữ
là Mẹ Thiên Chúa ‘Theotokos’. Điều này không có nghĩa là bản tính của Ngôi
Lời hay Thiên Tính của Ngài đã được bắt đầu từ Trinh Nữ Thánh, mà là, vì Thánh
Thể được sống động bởi hồn thiêng, mà Ngôi Lời đã ngôi hiệp (Kath’huppostasin)
với chính mình, được sinh ra bởi Người, nên Ngôi Lời đã được sinh ra theo xác
thể”[63].
Nói cách khác, bởi vì Ngôi lời là
“Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật”
nên Đức Maria có thể được gọi là “Mẹ
Thiên Chúa”.
Với sức mạnh của những lời trên,
phụng vụ tôn vinh Đức Maria như là đấng mà nhờ người “chúng ta đón nhận Đấng tạo tác sự sống”; nhờ vào “sự trinh khiết” sinh con của Mẹ Maria
mà chúng ta được trao ban “kho tàng ơn cứu
độ muôn đời”[64].
Với “chức vị làm mẹ Thiên Chúa” của Đức
Maria, Thiên Chúa trao ban “mọi sự tốt đẹp ở trần gian”[65]
và trong Mẹ chúng ta nếm cảm được “ơn cứu
độ” của chúng ta”[66].
Ngoài chức vị là Mẹ của Con Thiên
Chúa, phụng vụ còn hân hoan công nhận Đức Maria là “Mẹ Giáo Hội”[67].
Tước hiệu này được loan truyền bởi thánh Giáo hoàng Phaolô VI trong suốt Công đồng
Vatican II. Nhiều thần học gia can gián việc công nhận một tước hiệu mới dành
cho Đức Maria vì những lý do đại kết. Thế nhưng, vào ngày 21 tháng Mười Một năm
1964, khi hiến chế Lumen Gentium –
Ánh sáng cho muôn dân được chấp nhận, với chương VIII của Hiến chế được hiến
dâng cho Đức Trinh Nữ Maria, thánh Giáo hoàng Phaolô VI đã phát biểu trong lúc
đỉnh điểm của một cuộc nói chuyện đầy thận trọng:
“Vì vinh quang của Đức Trinh Nữ và vì sự an ủi
của chúng ta, chúng ta tuyên bố Đức Maria là ‘Mẹ Giáo hội,’ và là mẹ của mọi
thành phần dân Chúa, bao gồm tất cả các tín hữu và hàng tư tế”[68].
Ngoài ra, đối với phụng vụ, Đức
Maria là Mẹ “đồng trinh”, đồng trinh
trong tâm hồn và thân xác. “Bởi quyền
năng Chúa Thánh Thần rợp bóng trên Mẹ”, Mẹ “đã thụ thai Con Một Chúa, và đã chiếu giãi vào thế gian ánh sáng vĩnh
cửu là Ðức Giêsu Kitô”[69]. Bản văn này đề xuất rằng
việc hạ sinh của Chúa Giêsu từ Đức Trinh Nữ Maria được gọi là “cuộc giáng trần kỳ diệu”[70],
được diễn ra như một sự bắt nguồn của ánh sáng[71].
Kết luận
Các bản văn của phụng vụ mùa
Giáng sinh đưa dẫn chúng ta vào trong một bầu khí của ánh sáng và niềm vui dư
tràn. Người ta thường thắc mắc toàn bộ mầu nhiệm tự huỷ trong Kitô học được
trình bày ở đâu? Chẳng phải thánh Phaolô đã nói sự Nhập thể là sự “hủy mình ra không”, sự tự huỷ (kenōsis) của Ngôi Lời, Đấng “vốn dĩ là Thiên Chúa, nhưng đã mặc lấy thân
nô lệ,” thậm chí “bằng lòng chịu chết
và chết trên cây thập tự” hay sao? (x. Pl 2:6-8)
Trong quan điểm của chúng ta và
trong việc duy trì bầu khí của ánh sáng và niềm vui đó, phụng vụ vẫn trung
thành với các dữ kiện được đưa ra bởi Kinh Thánh. Thánh sử Luca dù không bỏ qua
các khía cạnh tự huỷ của mầu nhiệm Giáng sinh, như việc không có nơi cư ngụ cho
Đức Maria cùng thánh Giuse và vì đó mà việc giáng sinh phải diễn ra trong một
hang bò lừa, thì thánh nhân vẫn duy trì sự kỳ diệu bởi việc loan báo tin mừng của
các thiên thần: “Vinh danh Thiên Chúa
trên trời, và bình an dưới thế cho loài người Chúa thương” (Lc 2:14). Đây
là điểm rất quan trọng của toàn bộ trình thuật. Thậm chí trong phần mở đầu của
Tin mừng Gioan cũng không hoàn toàn nói đến mầu nhiệm tự huỷ. Thế nhưng, nhiều
người ước ao nhấn mạnh thực tế rằng Ngôi lời đã trở nên xác phàm (sarx) - một thuật ngữ “chỉ rõ nhân tính trong chính thân phận yếu
đuối và phải chết của con người”[72]
– nhưng thực tại tự huỷ của xác phàm đó vẫn chưa tỏ lộ. Điều được nhấn mạnh là “Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đã đến
thế gian và chiếu soi mọi người” (Ga 1:9), và Ngôi Lời “đến cư ngụ giữa chúng ta, và chúng ta được chiêm ngắm vinh quang của
Người”; và từ “nguồn ân sủng và chân
lý sung mãn của Người… chúng ta lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác” (Ga
1:14-16).
Vì thế, thay vì dừng lại ở ngôi vị
của Ngôi lời trong sự tự hạ, phụng vụ lễ Giáng sinh chiêm ngắm Người trong việc
mặc lấy xác phàm “vì loài người chúng ta
và để cứu độ chúng ta” (kinh Tin kính Nicea). Chắc chắn, với sự giáng lâm của
Chúa Giêsu, công trình cứu độ bắt đầu, và sẽ chỉ được hoàn tất với sự Phục sinh
và với ân ban của Chúa Thánh Thần, thế nhưng, tin mừng về Đấng Cứu Độ đã đến và
Đấng ấy là Con Thiên Chúa quá tuyệt vời đến nỗi chúng ta không thể không đáp lại[73]. Sẽ đến thời điểm Giáo hội
dừng lại và nhìn vào một Ngôi Lời tự hạ, và nhớ lại những gì Người đã dạy: “Con Người phải chịu nhiều đau khổ, bị các kỳ
mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chế, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy”
(Lc 9:22). Sau đó, các môn đệ dù “không
hiểu lời đó, và các ông sợ không dám hỏi lại Người” (Mc 9:32); thế nhưng một
thời gian sau, họ đã thấu hiểu đến độ trao ban sự sống của mình cho tình yêu
Thiên Chúa. Không phải là không có lý do mà vào ngày 26 tháng Mười Hai – ngay
sau lễ Giáng sinh, phụng vụ lập tức cử hành lễ thánh Stêphanô, vị tử đạo tiên
khởi.
Quang Sáng
Chuyển ngữ từ: laciviltacattolica.com
(06.01.2022)
[1] Những quy luật tổng quát về năm phụng vụ
và lịch chung Rôma, số 32, tại https://www.simonhoadalat.com/HOCHOI/Phungvu/61LichPVvaLichChungRoma.htm
[4] Lễ vọng Giáng sinh, Lời nguyện hiệp lễ. Không còn vết tích nào của lễ vọng đêm giáng
sinh trong phụng vụ cổ xưa của Roma. Thay vào đó, người Roma thường dâng ba
thánh lễ (đêm, ban sáng và trong ngày), lễ đầu tiên được dành riêng cho giáo
hoàng (x. M. Righetti, L’ anno
liturgico, op. cit., 72-77).
[9] x. Lc 2:8: “Trong vùng ấy, có những người chăn chiên sống ngoài đồng và thức đêm
canh giữ đàn vật.” Việc cử hành thánh lễ đêm Giáng sinh tại quảng trường
thánh Phêrô được bắt đầu bởi Đức Thánh Cha Sixtô III (432-440)
[12] Thánh lễ Giáng sinh, ban sáng, Lời nguyện nhập lễ. x. Mt 5:16: “Cũng vậy, ánh sáng của anh em phải chiếu
giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn
vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời.”
[14] Thánh lễ ngày 29 tháng 12, Lời nguyện nhập lễ. Tượng trưng cho mặt
trời, vốn được lấy từ Tin Mừng, có thể được ngụ ý ở đây: x. Ml 3:20 “mặt trời
công chính sẽ mọc lên, mang theo các tia sáng chữa lành bệnh.” Thế nhưng, các bản
văn phụng vụ không bao giờ dùng thuật ngữ “mặt trời,” cũng như không đề cập đến
ngày 25 tháng 12 là ngày trọng đại, nối kết với ngày lễ mặt trời.
[20] Lễ giáng sinh, Lễ đêm, Lời nguyện hiệp lễ. x. Lc 2:10: “Anh em đừng sợ. Này tôi báo cho anh em một
tin mừng trọng đại”
[24] Giáo hoàng Leo Cả, bài giảng cho lễ Giáng sinh, Phụng vụ giờ kinh Sách, Bài đọc II,
ngày 25 tháng 12
[31] Giáo hoàng Leo Cả, bài giảng thứ nhất cho lễ Giáng sinh, Phụng vụ giờ kinh Sách ngày
25 tháng 12
[43] Thánh Augustinô thành Hippo, Thiên khảo luận về thư thứ nhất của tháng
Gioan 1:1.3, Phụng vụ giờ kinh Sách, 27 tháng 12
[49] Thánh lễ ngày 29 tháng 12, Lời nguyện tiến lễ. x. Gl 2:20: “Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi”
[51] Augustinô, Diễn từ số 13,
Bài đọc kinh Sách, ngày 7 tháng 1. Chủ đề này được lặp lại bởi các Giáo phụ. Một
vài người nhìn nhận sự Nhập thể theo thuật ngữ hôn phối: “Khi chú rể bước ra khỏi loan phòng, Chúa Giêsu xuống thế để hiệp nhất
chính mình với Giáo hội thông qua sự Nhập thể.” Faustus thành Riez, Những diễn từ, bài đọc kinh Sách ngày 12
tháng 1
[63] Công đồng Êphêxô, phiên họp ngày 22 tháng
6 năm 431 (Denzinger số 251). Để hiểu rõ tước hiệu Theotokos, người ta phải giải
thích rõ ý niệm “sự kết hợp bản vị - hypostatic union” điều chúng tôi giả định
là độc giả đã biết.
[68] x. Enchiridion
Vaticanum, 1, 1319. Khía cạnh này đơn giản được phát triển từ Giáo lý Hội
thánh Công giáo, vốn dành toàn bộ một đoạn để trình bày “Đức Maria. Mẹ Chúa
Kitô, Mẹ Hội Thánh” (Số 963-975)
[71] Nhiều Giáo phụ rút ra một sự đối chiếu giữa
sự trinh thai diệu kỳ của Mẹ Maria và việc Chúa Giêsu phục sinh hiện ra tại nhà
Tiệc ly, mặc dù tất cả các cửa đã đóng (x. 20:19).
[73] Điều này không nên bị quên rằng việc mừng
lễ Giáng sinh, giống như tất cả các lễ khác, được cử hành với bí tích Thánh Thể,
trong sự tưởng nhớ cuộc Tử nạn và Phục sinh của Chúa Giêsu