Lắng nghe tiếng Chúa Thánh Thần và lắng nghe nhau

11/02/2023


LẮNG NGHE TIẾNG CHÚA THÁNH THẦN VÀ LẮNG NGHE NHAU

Tu sĩ Nguyễn Văn Thưởng
Tu Đoàn Anh Em Bác Ái Chúa Kitô Tôi Tớ,
Gp. Phan Thiết

WHĐ (11.02.2023) - Phải chăng Chúa Thánh Thần đã vắng bóng trên mặt đất nên giờ đây Ngài im hơi lặng tiếng, không còn hoạt động trong Giáo hội, không còn hướng dẫn con người, không còn ưa thích ngự trong lòng người tín hữu là đền thờ của Ngài, không còn muốn canh tân Giáo hội Chúa Kitô và bộ mặt trái đất này nữa? v.v… Có lẽ một số người hoài nghi sẽ đặt những câu hỏi tương tự như thế khi mà ngày nay trên thế giới sự ác vẫn lan tràn, chiến tranh giữa các nước vẫn đang xảy ra, lòng nghi kỵ giữa các dân tộc vẫn không thuyên giảm, sự dối trá vẫn còn ngự trị khắp nơi. Ngay chính trong Giáo hội, sự rạn nứt chia rẽ vẫn chực chờ đâu đó, sự mất lòng tin giữa một số các vị chủ chăn và giáo dân đang dần nảy sinh bởi nhiều nguyên nhân như về luân lý, cai quản, hay chính trị. Nhiều tín hữu cũng chỉ mải miết kiếm tìm của cải vật chất thay vì tìm kiếm Chúa; trong tay họ thay vì quyển Kinh Thánh và chuỗi tràng hạt Mân côi là iPhone, iPad. Họ chỉ lắng nghe tiếng gọi của vật chất, của bạc tiền thay vì lắng nghe tiếng Chúa, tiếng của nhau, v.v... Phải chăng họ lãng tai, điếc lác hay cố tình bưng tai bịt mắt mà không còn nghe thấy Chúa Thánh Thần nói với họ, không còn có thể lắng nghe tiếng nói của nhau? Quả thật, trong những phút nản chí ngã lòng, người viết cũng không tránh được những mối hoài nghi như vậy. May thay, giữa những khủng hoảng của thế giới cũng như của Giáo hội đó, Đức thánh cha Phan-xi-cô đã kịp thời lên tiếng, mời gọi toàn thể Giáo hội và thế giới hãy nhìn lại mình, hãy hoán cải để hướng đến một Giáo hội hiệp hành: Hiệp thông - Tham gia - Sứ vụ, mà bước đầu tiên của tiến trình Thượng Hội đồng Giám mục lần này chính là ngồi lại để lắng nghe: Lắng nghe Chúa Thánh Thần và lắng nghe nhau trước khi “cùng nhau cất bước hành trình” trên con đường Giêsu.

Là người phụ trách tiến trình hiệp hành của Tu đoàn và là thành viên tham gia các buổi hiệp hành trong Tu đoàn cũng như Giáo phận: Từ việc tham gia tập huấn chương trình đến việc thỉnh ý Dân Chúa với các câu hỏi trên Google Forms, thỉnh ý trực tiếp trong các Cộng đoàn, Tu đoàn - Dòng tu, Giáo hạt - Giáo phận, người viết ước muốn chia sẻ một vài cảm nhận và kinh nghiệm về việc lắng nghe tiếng Chúa Thánh Thần và lắng nghe nhau trong thời gian tham gia tiến trình thỉnh ý hiệp hành.

Nhìn từ góc độ của người tín hữu, phải nói rằng việc lắng nghe tiếng Chúa Thánh Thần và lắng nghe nhau luôn có mối tương quan mật thiết với nhau. Khi chúng ta biết lắng nghe tiếng Chúa Thánh Thần tức là chúng ta cũng biết lắng nghe tiếng nói của anh chị em mình. Và một khi chúng ta lắng nghe anh chị em, cũng chính là lúc chúng ta đang lắng nghe tiếng của Chúa Thánh Thần nói qua họ. Kinh nghiệm này trước hết chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy nơi các tác giả Kinh thánh. Chúa Thánh Thần chính là “Đấng đã dùng các Tiên tri mà phán dạy.” Các “Tiên tri” là tất cả những vị được Chúa Thánh Thần linh hứng trong việc loan báo sống động và trong việc soạn thảo các Sách Thánh, Cựu Ước cũng như Tân Ước[1]. Chúa Thánh Thần đã dùng con người như công cụ của Người qua linh hứng để mạc khải về Thiên Chúa, về thánh ý của Người và thông ban ân sủng cho con người. Như thế, mỗi khi chúng ta lắng nghe Lời Chúa, lắng nghe Giáo huấn của Giáo hội là lúc chúng ta đang lắng nghe tiếng Chúa Thánh Thần. Hơn nữa, Chúa Thánh Thần chính là “Thần Khí sự thật” của Chúa Cha, Người đến trần gian để làm công việc của Đấng là Sự Thật, và Người sẽ dẫn chúng ta đến sự thật toàn vẹn (x. Ga 16,13). Do vậy, mỗi khi anh chị em chúng ta nói lên sự thật cũng là lúc anh chị em chúng ta đang nói tiếng nói của Chúa Thánh Thần.

Trong tiến trình thỉnh ý hiệp hành phạm vi cấp Tu đoàn - Dòng tu vừa qua, những chia sẻ của tất cả anh chị em tham gia cho thấy rằng anh chị em đã lắng nghe tiếng Chúa Thánh Thần trong sâu thẳm của tâm hồn, trong những giây phút cầu nguyện, trong Lời Chúa, trong những lời giảng dạy của Giáo hội, và trong đặc sủng của Hội dòng. Anh chị em cũng lắng nghe tiếng nói của nhau qua những buổi cầu nguyện chung, chia sẻ Lời Chúa, trao đổi kinh nghiệm về đời sống tu trì, đồng hành, trò chuyện với những người mà anh chị em đến phục vụ, nhất là trong những buổi hiệp hành chia sẻ tâm linh của cộng đoàn, Tu đoàn, Giáo phận, làm phát sinh những hoa trái tốt đẹp cho chính các Hội dòng và cho giáo hội địa phương như những anh chị em tham gia tiến trình thỉnh ý hiệp hành đã cảm nghiệm: “Quả thật, Chúa Thánh Thần vẫn luôn hoạt động trong Giáo hội!”


I. Lắng nghe tiếng Chúa Thánh Thần

II. Lắng nghe tiếng nói của nhau. 4

III. Và điều Chúa Thánh Thần muốn. 5

        1. Hiệp hành trong các cộng đoàn Dòng Tu. 5

        2. Hiệp hành với Giáo phận. 6

        3. Hiệp hành với những người được phục vụ


I. Lắng nghe tiếng Chúa Thánh Thần

Trong buổi Khai mạc Thượng Hội đồng Giám mục hôm thứ Bảy 9/10/2021, Đức giáo hoàng Phan-xi-cô mời gọi mọi thành phần Dân Chúa hãy cùng nhau cất bước hành trình, cùng nhau đi chung trên con đường Giêsu, cảm nghiệm một Giáo hội biết đón nhận và sống món quà hiệp nhất, nhất là mở lòng ra với tiếng nói của Thần Khí bởi Người mới chính là nguyên ủy của mọi hoạt động trong tiến trình Thượng Hội đồng. Đức thánh cha khẳng định rằng, “Nếu không có Chúa Thánh Thần, chắc chắn sẽ không có được một Thượng Hội đồng”[2]. Đáp lại lời mời gọi của Đức thánh cha và Thượng Hội đồng Giám mục hoàn vũ, Đức giám mục Giáo phận cùng với con cái ngài trước mỗi buổi “Lắng nghe - Chia sẻ - Đồng hành Tâm linh” đã cùng nhau cất tiếng nài xin với Chúa Thánh Thần: “Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy ngự trị trong tâm hồn chúng con; xin dạy chúng con lối đường phải đi và cách bước đi trên lối đường đó. Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến, xin biến đổi tâm hồn chúng con, và xin canh tân bộ mặt trái đất!”

Trong những chia sẻ của mình, nhiều anh chị em chân nhận rằng, trước mọi sứ vụ anh chị em chuẩn bị thi hành, anh chị em luôn khẩn nguyện cùng Chúa Chúa Thánh Thần. Nhờ những phút giây cầu nguyện, anh chị em nghe thấy tiếng của Người mách bảo và hướng dẫn cần phải làm gì, đồng thời cảm nghiệm được rằng mọi hoạt động phục vụ của anh chị em đều có Chúa Thánh Thần đồng hành soi sáng, đưa đến những thành quả tốt đẹp: “Nếu trong cuộc sống thường ngày của em không có sự hiện diện của Chúa thánh Thần thì thật sự em chẳng làm được việc gì tốt lành. Trong cầu nguyện, chia sẻ Lời Chúa hay trong học tập, công việc không có sự hướng dẫn của ơn Chúa Thánh Thần thì em không có đủ tinh thần, đủ sức lực để làm mọi việc trên.”[3]

Anh chị em tham gia tiến trình hiệp hành cũng đã lắng nghe được tiếng Chúa Thánh Thần qua Lời Chúa khi tham gia Phụng vụ Các giờ kinh, Thánh lễ, chầu Thánh Thể, và các giờ học hỏi Kinh Thánh. Chúa Thánh Thần soi chiếu cho anh chị em hiểu được Thánh ý Chúa muốn anh chị em phải làm gì để trở nên người môn đệ đích thực của Chúa Kitô, phải sống thế nào để đẹp lòng Thiên Chúa, và phải làm cách gì để có thể loan báo Tin mừng cách hữu hiệu nhất đến với mọi người, nhất là đến với lương dân.

Một trong những kinh nghiệm rõ nét nhất của anh chị em tu sĩ trong việc lắng nghe tiếng Chúa Thánh Thần đó là qua đặc sủng của từng Hội dòng. Quả thế, đặc sủng dòng tu chính là ân huệ Chúa Thánh Thần ban cách đặc biệt cho các đấng sáng lập và cộng đoàn mà ngài thiết lập để theo linh đạo của mình mà phục vụ vì lợi ích tha nhân, vì nhu cầu của thế giới, và nhất là để xây dựng Giáo hội hoàn thiện hơn. Chẳng hạn trong những chia sẻ của mình, các anh em Tu đoàn Bác Ái Chúa Kitô Tôi Tớ nhận ra tiếng Chúa Thánh Thần nói qua chính đặc sủng bác ái với linh đạo “Loan báo Tin Mừng cho người nghèo khó” của Tu đoàn. Chúa Thánh Thần muốn anh em Tu đoàn cần phải luôn học hỏi, gìn giữ và phát huy đặc sủng và linh đạo tuyệt vời này bởi đó là món quà vô giá mà Chúa Thánh Thần đã ban cách riêng cho đấng sáng lập và toàn thể Tu đoàn. Với sự soi chiếu của Chúa Thánh Thần qua đặc sủng và linh đạo của mình, anh em Tu đoàn đã có nhiều sáng kiến và bước đi mới, phục vụ cách vô vị lợi theo tinh thần bác ái Chúa Kitô, phù hợp với hoàn cảnh xã hội hiện tại như Quán Cơm 0 Đồng, giúp đỡ lương thực, thuốc men, chỗ trú ngụ cho những người nghèo di tản khỏi vùng dịch Covid vừa qua; xây nhà hưu dưỡng và phòng khám chữa bệnh cho những người già, người nghèo, người vô gia cư bị xã hội bỏ rơi không người thân, không nơi nương tựa; mua xe cứu thương chuyên chở những bệnh nhân nghèo không có điều kiện thuê xe cứu thương đến các bệnh viện kịp thời, v.v... Kinh nghiệm về ân sủng của Chúa Thánh Thần tuôn đổ dồi dào xuống Tu đoàn đã được cha Bề trên Tu đoàn chia sẻ: “Qua các hoạt động, chúng con xác tín là Chúa Thánh Thần chính là linh hồn của mọi hoạt động và hoa trái của nó. Sự nhạy cảm và sáng kiến phục vụ phải xuất phát từ chính Chúa Thánh Thần. Chẳng hạn qua hoạt động Quán Cơm 0 Đồng, mọi người giờ đây đã biết đến và trở nên quen thuộc với tên gọi của Tu đoàn chúng con. Đặc biệt, trong suốt thời gian phục vụ, hằng ngày phải tiếp xúc với anh chị em F0, từ khu cách ly đến anh chị em di tản về quê, nhiều người bị nhiễm bệnh và báo lại cho Tu đoàn biết, nhưng thật lạ lùng, gần ba tháng phục vụ, không một anh em nào của Tu đoàn bị lây nhiễm hoặc có biểu hiện suy sụp về sức khỏe… Qua các hoạt động bác ái này, linh đạo Tu đoàn càng thêm sáng tỏ… Chắc chắn Chúa Thánh Thần vẫn không ngừng hoạt động trong Giáo hội và nơi các cộng đoàn.”[4]

II. Lắng nghe tiếng nói của nhau

Đức thánh cha Phan-xi-cô hy vọng rằng Thượng Hội đồng hoàn vũ lần này là cơ hội cho Giáo hội trở thành một Giáo hội biết lắng nghe, ngài mời gọi mọi thành phần Dân Chúa hãy gác lại những gì vẫn thường hay làm để lắng nghe tiếng Chúa Thánh Thần và lắng nghe nhau, bởi chưng “lắng nghe là bước đầu tiên, đòi hỏi khối óc và con tim rộng mở, không thành kiến.”[5] Kinh nghiệm lắng nghe này chúng ta cần phải học nơi chính Chúa Giê-su, là Thầy và là Đấng thiết lập Giáo hội. Thật vậy, trong lúc thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng cứu độ, Chúa Giêsu quả là mẫu gương của việc lắng nghe và đối thoại. Nhiều lần Ngài dừng lại hỏi những người đến với Ngài: “Anh/chị muốn tôi làm gì cho anh/chị?” (x. Lc 18,41) rồi Ngài lắng nghe họ. Không muốn tiết lộ thiên tính của mình, Ngài quay sang hỏi các môn đệ: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” (Mc 8,29), và Ngài lắng nghe các ông trả lời. Muốn nghe sự xác quyết của Phêrô, Chúa Giêsu hỏi ông đến ba lần: “Anh có yêu mến Thầy không ?” (Ga 21,15-17), v.v… Tưởng chừng như có lúc Ngài vô tình với người dân ngoại, nhưng thực ra, Ngài rất cẩn thận lắng nghe nỗi thống khổ của người phụ nữ Ca-na-an (x. Mt 15:1-28), và cuộc đối thoại của Ngài kết thúc bằng lời khen ngợi đức tin của bà. Ngài đã trở thành mẫu mực của việc lắng nghe đối thoại trong câu chuyện của người phụ nữ Sa-ma-ri-a (x. Ga 4,1-42).

Noi gương Thầy chí thánh Giê-su và đáp lại lời mời gọi của Đức thánh cha Phan-xi-cô, Đức Giám mục Giáo phận cũng như các Hội dòng trong Giáo phận đã tổ chức rất nhiều buổi lắng nghe và chia sẻ tâm linh, từ các cộng đoàn tu sĩ nhỏ nhất đến cấp Liên Tu sĩ Giáo phận (chưa kể đến các buổi chia sẻ của các giáo họ, giáo xứ, giáo hạt và Giáo phận) để ngài và các bề trên có thể lắng nghe tiếng nói của mọi thành phần anh chị em Tu sĩ cho dầu bước đầu lắng nghe nhau không phải là điều dễ dàng như một anh em tham gia tiến trình đã nhận định: “Không chịu lắng nghe nhau là một thực trạng, là điểm hạn chế, vẫn luôn tồn tại trong mỗi Dòng Tu khi các Bề trên, những người Phụ trách ít quan tâm đến “sứ vụ” lắng nghe anh chị em của mình, không như chủ chăn biết lắng nghe tiếng chiên của mình mà Đức Giê-su đã ân cần căn dặn trong Tin Mừng Gio-an khi mô tả thái độ ân cần, gần gũi chiên của Mục Tử nhân lành (Ga 10, 3-5)”[6]. Vì thế, thỉnh ý hiệp hành chính là lúc để mọi thành viên các Hội dòng có cơ hội nói lên tiếng nói của mình, lắng nghe nhau, đồng thời mở lòng chia sẻ những vui buồn, những âu lo, vạch ra những hướng đi mới sao cho phù hợp với thế giới hôm nay nhằm xây dựng một cộng đoàn tu trì hiệp hành, một giáo phận hiệp hành như lòng Chúa mong ước.

III. Và điều Chúa Thánh Thần muốn

Qua tiếng nói của các thành viên tham gia tiến trình thỉnh ý hiệp hành, cách riêng của anh em Tu đoàn, người viết cảm nghiệm rằng Chúa Thánh Thần vẫn đang đồng hành, hướng dẫn và hoạt động mạnh mẽ nơi các dòng tu và giáo phận. Người muốn trong tiến trình này, mọi thành viên tu sĩ cần phải khiêm nhường nhìn nhận những thiếu sót, biết hoán cải và thay đổi để sống hiệp nhất với nhau trong cộng đoàn, hiệp nhất với giáo phận, và hiệp nhất với những người mà anh chị em tu sĩ đến phục vụ.

1. Hiệp hành trong các cộng đoàn Dòng Tu

Để có sự hiệp hành thực sự trong các cộng đoàn dòng tu, ngoài những tiêu chuẩn phổ quát của hiệp nhất như hiệp nhất trong một đức tin, hiệp nhất trong phụng tự, hiệp nhất trong cai quản, v.v… Chúa Thánh Thần muốn mỗi một tu sĩ cần thực thi đức ái, đức vâng phục, đức khiêm tốn, v.v... Người muốn anh chị em phải biết cầu nguyện, quan tâm, nâng đỡ, cảm thông cho nhau, biết lắng nghe và đối thoại, biết chân thành nhận lỗi và hoán cải, biết chân thành đóng góp ý kiến xây dựng cộng đoàn, biết cộng tác với bề trên và với nhau trong đó, đức ái được xếp hàng đầu (xuất phát từ Thánh Thần, Tình Yêu của Cha và của Con), là nhân đức quan trọng nhất trong hiệp hành bởi chưng “Yêu nhau trăm sự chẳng nề, dù trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng”. Thánh Tô-ma A-qui-nô khi bàn về ly giáo (ST 2-2, 39-1) đã nhận định rằng, đức ái là nguyên nhân của niềm hiệp nhất Kitô; sự ly tán, chia rẽ trong Giáo hội là tội nghịch với đức ái. Bề dưới nếu không có đức ái thì chưa thể thật sự vâng phục bề trên; bề trên không có đức ái thì sẽ dễ dẫn đến độc đoán, óc giáo sĩ trị. Không có đức ái thì người phạm lỗi không thể nhận lỗi và hoán cải; cộng đoàn không có đức ái sẽ dẫn đến tranh chấp, phe nhóm, gây chia rẽ trong cộng đoàn. Một cộng đoàn còn nhiều phe nhóm, còn mạnh ai nấy làm, còn lời chỉ trích, nói xấu, còn thái độ bất hợp tác, sống chết mặc bay, sống lãnh đạm, vô cảm với anh chị em của mình là lúc cộng đoàn đó đã mất đi đức ái, mà một khi không còn đức ái nữa thì chính là lúc khai tử sự hiệp hành trong cộng đoàn.

Bên cạnh lời mời gọi các thành viên trong các cộng đoàn dòng tu hãy sống đức ái và tinh thần hiệp nhất, Chúa Thánh Thần cũng muốn các Bề trên sống mẫu gương hiệp hành. Mặc dầu Bề trên không phải là tất cả nhưng vai trò của họ vô cùng quan trọng và có sức ảnh hưởng rất lớn đối với cộng đoàn, đặc biệt đối với tinh thần hiệp hành trong cộng đoàn dòng tu. Vì thế, người Bề trên nên có một số đức tính cần thiết để có thể giúp cộng đoàn/tu đoàn sống tốt tinh thần hiệp nhất, trong đó phải kể đến đức khiêm tốn, công bằng, biết lắng nghe và phân định những ý kiến đóng góp của bề dưới, có khả năng gắn kết anh em, biết bàn thảo ý kiến với Ban cố vấn, bậc lão thành, người khôn ngoan, sống thân thiện, yêu thương, quan tâm đến anh chị em, biết chia sẻ công việc, tránh óc giáo sĩ trị, độc đoán, gia trưởng, v.v. Đặc biệt, Chúa Thánh Thần muốn người Bề trên phải trở nên mục tử nhân lành của Đức Kitô khi Bề trên đó “biết và gọi tên từng con chiên một,” biết “lắng nghe tiếng của từng con chiên,” biết con nào khỏe mạnh để khuyến khích, bồi bổ; con nào yếu đau để chăm sóc, chữa trị, đỡ nâng; biết quy tụ, tìm kiếm những con chiên đã mất, và cuối cùng, biết thí mạng sống vì đàn chiên. Có như thế, chiên mới có thể biết và nhận ra được tiếng của chủ chăn, mới có thể yêu mến, vâng phục, và theo bước chủ chăn là những Bề trên của họ!

2. Hiệp hành với Giáo phận

Đối với Giám mục Giáo phận, Chúa Thánh Thần muốn các tu sĩ phải biết đóng góp ý kiến cho các ngài cách khôn ngoan, với thái độ chân thành, khiêm cung trong tâm tình yêu mến, nhất là cầu nguyện cách đặc biệt cho các ngài hơn là đi than phiền, chỉ trích khi các ngài sai phạm, lỗi lầm trong phán quyết hoặc hành xử liên quan đến giáo phận, dòng tu. Nếu chỉ biết than phiền mà không cầu nguyện và góp ý cách khiêm cung và chân thành thì quả thật, người tu sĩ chưa thực sự hiệp nhất với Giám mục Giáo phận, cho dù có vẻ bề ngoài các ngài được đón tiếp long trọng mỗi khi các ngài viếng thăm mục vụ các Hội dòng với cờ xí, biểu ngữ hoành tráng, với những bữa ăn toàn món ngon vật lạ. Đó là chưa kể đến việc các dòng tu đôi khi chưa thực sự quan tâm đúng mực, hoặc chưa mau mắn thực thi những huấn dụ, thư mục vụ, hay đường hướng mục vụ của Giám mục giáo phận đề ra.

Đối với các giáo xứ, Chúa Thánh Thần muốn giữa tu sĩ - linh mục dòng và các cha quản xứ cần có sự hiểu biết và thấu cảm cho nhau khi cùng tham gia sứ vụ loan báo Tin Mừng. Cha Giuse Nguyễn Quốc Việt dòng Chúa Cứu Thế, trong dịp Thường huấn Linh mục Giáo phận Qui Nhơn 2015 đã chỉ ra, “Về phía Tu hội thì mặc kệ, không cộng tác, chỉ làm bổn phận của Tu hội mình, có lúc nại đến đặc sủng để cảm thấy bình an trong tình trạng bất hợp tác do bất hoà. Còn cha xứ lại giữ thái độ ban phát: việc mục vụ, tông đồ, phụng vụ và ngay cả bác ái cũng là của cha, được làm là nhờ “cho”, nên khi cho làm là đã được ơn huệ và lòng tốt của cha rồi, nếu không ngoan ngoãn sẽ bị cắt.[7] Hoặc như nhận định của cha Giuse Nguyễn Trọng Viễn dòng Đa Minh là “còn nhiều ngần ngại, úy kỵ, não trạng cục bộ[8] giữa Dòng - Triều. Vì thế, tu sĩ - linh mục dòng và các cha quản xứ cần khắc phục những ánh nhìn không thiện cảm về nhau, não trạng cục bộ, cố gắng hiểu nhau và thông cảm cho nhau để tiến tới một Giáo phận hiệp hành: hiệp thông - tham gia - sứ vụ, loan báo Tin mừng tình thương cho muôn dân.

3. Hiệp hành với những người được phục vụ

Ngoại trừ một vài Hội dòng chuyên biệt, hầu hết các Dòng tu thường có mối tương quan trực tiếp với các đối tượng mà Dòng tu đó phục vụ như người nghèo, lương dân, hoặc tín đồ của các tôn giáo khác. Dù là phục vụ đối tượng nào, nhưng để có thể là môn đệ đích thực của Đức Kitô: “đến để phục vụ chứ không phải để được phục vụ,” Chúa Thánh Thần mời gọi người tu sĩ khi tham gia sứ vụ loan báo Tin mừng trong vai trò phục vụ cần tránh hai thái độ: 1) Thái độ của kẻ cả, của người ban ơn; 2) Thái độ của kẻ nô lệ. Bởi chưng, thái độ của kẻ ban ơn là thái độ của kẻ chỉ mong tìm kiếm hư vinh chứ không phải để vinh danh Chúa và loan báo Tin mừng. Còn thái độ của kẻ nô lệ là thái độ của kẻ khiếp nhược, bị ép buộc phục vụ, họ vì bảo toàn tính mạng, vì miếng cơm manh áo mà phục vụ chứ không phải vì yêu; ý chí và lý trí của họ chỉ mong thoát khỏi cảnh làm tôi đòi. Vậy khi phục vụ, người tu sĩ cần có thái độ và tâm thế nào? Đó là thái độ và tâm thế của một người tự do đích thực với phẩm giá là con cái Thiên Chúa. Đó là thái độ và tâm thế của một Giêsu là Chúa, là Thầy cúi xuống rửa chân cho môn đệ mình chỉ vì yêu. Đó là tâm thế của một linh mục cao quý, của một ma-sơ, của một thầy dòng có thể là tiến sĩ, giáo sư, là chuyên gia, bác sĩ nhưng vì yêu nên đã đến, cúi xuống và “rửa chân” phục vụ tha nhân. Một Giêsu cao cả vì yêu như thế mới có thể làm cho Phêrô phải thốt lên: “Thầy mà lại rửa chân cho con sao?” Một Giê-su như thế mới có thể làm cho Phêrô biết ăn năn hối lỗi, dám chết cho Thầy chí thánh chí tình của mình. Linh mục tu sĩ cũng vậy, không phải kẻ cả cũng không phải nô lệ, tuy thân phận con cái Thiên Chúa cao quý, nhưng vì yêu đã trở nên như một tôi tớ, cúi xuống rửa chân, cúi xuống phục vụ tha nhân. Thái độ và tâm thế đó rất cần cho cho người tu sĩ khi loan báo Tin mừng cho người nghèo, đặc biệt cho lương dân qua các hoạt động bác ái “phục vụ trong yêu thương” của Hội dòng.

Nhìn lại chặng đường đầu tiên trong tiến trình hiệp hành lắng nghe tiếng Chúa Thánh Thần và lắng nghe nhau của Giáo hội nói chung và Giáo phận nói riêng, người viết cũng như nhiều anh chị em tu sĩ khác cảm nghiệm được rằng, tiếng Chúa Thánh Thần vẫn luôn vang vọng trong lòng Giáo hội và trong lòng mỗi người tín hữu. Ngài đang hướng dẫn và thúc đẩy mọi thành phần Dân Chúa đến với nhau, lắng nghe Ngài và lắng nghe nhau, cùng nhau đối thoại trong tâm tình khiêm nhu, chân thành và cởi mở, nhìn nhận và đón nhận những thiếu sót của nhau, giúp nhau hoán cải và canh tân nhằm xây dựng một cộng đoàn Kitô hiệp nhất - yêu thương như lòng Chúa mong muốn. Tuy vậy, một Giáo hội hiệp nhất trọn vẹn vẫn đang còn ở phía trước, đòi buộc chúng ta vẫn phải luôn khẩn thiết kêu xin Chúa Thánh Thần: “Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến, hoán cải tâm hồn mỗi người chúng con, hướng dẫn Hội thánh Chúa, và canh tân bộ mặt trái đất!

Cộng đoàn Phaolô - Hàm Tân 25/07/2022

Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 131 (Tháng 9 & 10 năm 2022)



[1] x. SGLCHTCG, 702.

[2] Pope Francis, Address of His Holiness Pope Francis for the Opening of the Synod, 9 October 2021, at https://www.vatican.va/content/francesco/en/speeches/2021/october/documents/20211009-apertura-camminosinodale.html

[3] Chia sẻ: “Lắng Nghe Tiếng Chúa Thánh Thần” của một anh em tham gia tiến trình Thỉnh Ý Dân Chúa trên Google forms.

[4] Chia sẻ: “Lắng Nghe Tiếng Chúa Thánh Thần” của cha Bề trên Tu Đoàn AEBACKTTT, tiến trình Thỉnh Ý Dân Chúa.

[5] Synod 2021 - 2023, Hướng Tới Một Giáo Hội Hiệp Hành: Hiệp Thông - Tham Gia - Sứ Vụ, số 30.

[6] Ts. Lê Đình Hà, Đồng Hành - Lắng Nghe - Và Đối Thoại (Bài chia sẻ trong buổi Hiệp Hành Liên Tu Sĩ Giáo Phận Phan Thiết).

[7] Lm. Giuse Nguyễn Quốc Việt, Tương Quan Giữa Các Dòng Tu Với Nhau - Với Giáo Phận, http://betrenthuongcap.org/tuong-quan-giua-cac-dong-tu-voi-nhau-voi-giao-phan-voi-giao-xu.html.

[8] Lm. Giuse Nguyễn Trọng Viễn, Tương Quan Dòng - Triều, https://nguyentrongvien.blogspot.com/2014/06/tuong-quan-dong-trieu.html

LỊCH PHỤNG VỤ