Làm sao để cộng đồng Kitô giáo thành một đối tác khả tín trong hành trình đối thoại xã hội, chữa lành, hòa giải và liên kết?

08/12/2022


LÀM SAO ĐỂ CỘNG ĐỒNG KITÔ GIÁO THÀNH MỘT ĐỐI TÁC KHẢ TÍN TRONG HÀNH TRÌNH ĐỐI THOẠI XÃ HỘI, CHỮA LÀNH, HÒA GIẢI VÀ LIÊN KẾT?

Lm. Giuse Nguyễn Văn Am, SDB


Diễn đàn

1. Tìm lại chỗ đứng của đối thoại trong thần học. 1

2. Bối cảnh của vấn đề đối thoại liên tôn hôm nay. 2

3. Lời xin tha thứ của người lữ hành ‘cô độc' 3

4. Sự khả tín đến từ sự khiêm nhường chứ không chỉ đến từ “không có tội” 4

5. Sự khả tín được tìm thấy và tăng trưởng trong đối thoại liên tôn như cùng hành trình xây dựng. 5

Kết luận


Diễn đàn

Trước Vatican II ta khó mà nói đến một đối thoại liên tôn trong hành trình đối thoại xã hội. Tầm nhìn đức tin mang tính cục bộ hay loại trừ ngăn cản điều đó. Cùng với điều đó không thể nói đến các tôn giáo chung tay làm việc xã hội. Mỗi tôn giáo làm việc độc lập nhau, ta có thể nói hầu như thế.

Nhưng được Thần khí sáng tạo và thánh hóa thúc đẩy, Vatican II đưa Giáo hội tiến vào một thời đại của đối thoại vốn được coi là chính cách thức Thiên Chúa nhất quyết dùng để cứu độ nhân loại. Vì thế, đối thoại liên tôn không chỉ được đề cao như một lối tiếp nhận Vatican II song còn là phần thiết thân với sứ mệnh loan báo Tin mừng của toàn Giáo hội.

Trong ánh rạng ngời của chân lý này và trước bối cảnh một diễn đàn của đối thoại liên tôn, tôi xin góp đôi nghĩ suy để hy vọng các cộng đồng Kitô hữu ngày một khả tín hơn khi cùng tiến bước và hành động với các tín đồ khác khi ước mơ về một thế giới nhân bản hơn.

Tôi trước tiên sẽ xác định Vatican II nhìn nhận đối thoại có chỗ đứng ra sao trong nhiệm cục đức tin. Sau đó, tôi nói sơ qua bối cảnh của vấn đề đối thoại liên tôn trong bầu khí hiện hành như cơ sở để đặt chân. Rồi từ đó, tôi sẽ bàn đến phải hiểu Giáo hội đối thoại liên tôn dưới tính chất khả tín phải như thế nào. Sau cùng tôi muốn nêu lên một vài định hướng của Giáo hội trước vấn đề này dưới khóe nhìn của những Giáo hoàng mới đây.

1. Tìm lại chỗ đứng của đối thoại trong thần học

Lần về lại Vatican II, ta thấy rõ tới một mức độ khá lớn, đối thoại trở thành chìa khóa quyết định sự thành công của công đồng. Từ những kinh nghiệm cụ thể ta thu lượm được trong một xã hội đề cao hay triệt tiêu đối thoại, công đồng nhất quyết đi vào con đường đối thoại. Đức Gioan XXIII đòi hỏi quyết liệt định hướng này ngay trong giai đoạn sửa soạn. Khi soạn thảo các văn kiện như Dei Verbum, tuyên ngôn tự do tôn giáo (Nostra Aetate), phẩm giá con người (Dignitatis Humanae), Lumen Gentium và Gaudium et Spes, đối thoại giữa các chuyên viên, các mục tử khi nhìn vào thế giới đã mang lại những tầm nhìn tươi mới hơn nhiều. Ta sẽ không nắm bắt được tinh thần của những văn kiện này nếu bỏ quên ĐỐI THOẠI. Với Thông điệp Ecclesiam Suam, Đức Phaolô VI đòi buộc Giáo hội phải đối thoại với thế giới sau khi đã biết mình là ai trong kế hoạch Thiên Chúa.[1] Và ngài cho thấy Thiên Chúa không làm điều gì trong việc cứu độ con người, cá nhân và cộng đoàn, mà không đối thoại. Thiên Chúa thực hiện cuộc đối thoại ơn cứu độ với những con người Ngài đã dựng nên theo hinh ảnh Con Ngài, cũng như được định để đi vào Vương quốc của ngài. Như thế, ta vắn gọn nói không sai rằng ĐỐI THOẠI vốn đã từng bị lãng quên trong Giáo hội nay đã được tìm thấy một cách vĩnh viễn, vì đặt rõ vào ý định của Thiên Chúa. Đối thoại thuộc vào phạm trù thần học, chứ không chỉ trên bình diện xã hội.

2. Bối cảnh của vấn đề đối thoại liên tôn hôm nay

Chiến tranh lạnh xem ra đã chấm dứt. Nhân loại như thở phào nhẹ nhõm, vì từ nay có thể an tâm sinh sống. Thế nhưng nỗi niềm đó bị vỡ mộng ngay lập tức. Chiến tranh mang lấy nhiều hình thức khác: Khối Ả Rập và Phương Tây; chiến tranh Nam Bắc bán cầu; xung đột tôn giáo Hồi giáo-Ấn giáo-Phật giáo-Kitô giáo, xung đột không dứt giữa Do thái-Palestine... Những khủng bố vẫn đầy ngập. Phân biệt đối xử vẫn tràn lan. Tất cả xem như làm chứng cho nhận định của Hans Kung: “Không có hòa bình giữa các quốc gia mà không có hòa bình giữa các tôn giáo. Không có hòa bình giữa các tôn giáo mà không có đối thoại giữa các tôn giáo.”[2] Điều này, các Giáo hội Á châu trải nghiệm rất rõ.[3]

Giáo hội tại Châu Á chọn đối thoại là điều thiết yếu để có thể nhìn nhận đa nguyên là một phúc lành Thiên Chúa ban cho Châu Á. Thiên Chúa ban cho Châu Á muôn vàn phúc lành. Thánh Thần hoạt động dưới muôn ngàn vẻ tại Châu Á.[4] Thần khí hoạt động tại Châu Á giữa những đa biệt để dẫn tất cả tới hiệp nhất, tạo nên một chiếc áo nhiều màu.[5] Dĩ nhiên điều đó không chối bỏ những thách đố vẫn đè trên Giáo hội tại Châu Á trong bối cảnh đa nguyên “bẩm sinh” trong văn hóa-xã hội Á châu.[6]

Trước thách đố đó, các Giáo hội tại Châu Á xác định đối thoại là con đường thiết yếu để cùng nhau xây dựng Châu Á như thực tại đang tiến tới Vương quốc Thiên Chúa, nơi đó mọi giá trị đều có chỗ đứng của nó. Mạnh mẽ hơn nữa, đối thoại được nhìn là nội khởi với việc loan báo Tin mừng và làm thần học tại Châu Á, và với việc làm cho Giáo hội tại Châu Á thành gắn bó với Châu Á. Các Giáo hội tại Châu Á đều đồng thanh nhìn nhận đối thoại như thế là thiết yếu, không thể nào khác đi được.[7]

Cuộc đối thoại đó phải là tam diện. Giáo hội tại Châu Á nhất thiết phải đối thoại với văn hóa, với tôn giáo và với người nghèo. Đây không còn phải là tùy hứng và nhiệm ý nữa. Nó là một mệnh lệnh. Chính trong sứ mệnh này, Giáo hội tại Châu Á khám phá một nét đặc trưng quan trọng. Ba thực tại trên không tách rời nhau, song quyện chặt với nhau. Đã có lúc người nghèo tại Châu Á được nhìn như những người thừa hưởng, những người chỉ lãnh nhận mà thôi. Thế nhưng lịch sử đã cho thấy tầm nhìn đó thật sai lạc. Những người nghèo là vai chính trong việc sống văn hóa với tâm thức tôn giáo và thực thi tôn giáo trong mọi sinh hoạt tôn giáo. Chúng hoàn toàn tương tác với nhau đến nỗi không thể nói đến điều này mà không nói đến điều khác. Trong mối tương tác chặt chẽ ấy, Châu Á tán trợ một cuộc đối thoại đời sống trước khi có bất kỳ cuộc đối thoại học thuật và bàn giấy nào.[8]

3. Lời xin tha thứ của người lữ hành ‘cô độc'

Đúng là “chúng ta không học từ kinh nghiệm, song là học từ suy tư về kinh nghiệm.” (John Dewey) Không suy tư trên kinh nghiệm thì chẳng rút được gì cả. Thật vậy, kinh nghiệm về những giá trị, những giá trị vĩnh cửu như tình liên đới, công bằng, kính trọng nhân vị, v.v, thì quan trọng hơn nhiều là có nhiều kinh nghiệm. Chính tầm nhìn này giúp Giáo hội tại Châu Á suy tư và lượng giá về lịch sử truyền giáo của mình.

Lãng quên điều này, Giáo hội tại Châu Á trong quá khứ có những lệch lạc nào đó khi nhiệt tâm loan báo Tin mừng, chẳng hạn việc thờ kính ông bà tổ tiên. Vì quá quan tâm đến tính chất “cải đạo” hơn là loan báo Tin mừng, Giáo hội tại Châu Á đã nhìn tiêu cực về những diễn đạt văn hóa-tôn giáo của các dân tộc. Hơn nữa, đôi khi thế giới Âu châu nghĩ rằng mình mang ánh sáng văn minh đến cho các dân tộc còn man rợ, còn hoang sơ. Chính góc cạnh này đã tán trợ một cái nhìn tự tôn. Và thái độ này đã tạo nên một xa cách đáng buồn: Kitô giáo thành xa lạ với dân chúng; Kitô giáo bị coi là con đẻ của giới thực dân Tây phương. Các Kitô hữu bị đóng mác là “phản bội”.[9]

Hẳn rằng Kitô giáo đã đóng góp tích cực vào việc biến đổi bộ mặt Châu Á. Nhưng Giáo hội cũng bị cáo buộc gây ra muôn vàn tội lỗi. Nhiều người cho rằng Giáo hội làm các dân tộc chia rẽ, không liên kết. Giáo hội có khi bị cáo giác là ngoan cố và làm cản trở đối thoại liên tôn khi nhất quyết với xác tín Đức Giêsu Kitô là Chúa duy nhất, không ai có thể sánh vai với Ngài. Nhiều người cho rằng làm sao mà đối thoại được khi Giáo hội luôn coi mình là phương thế duy nhất mang đến ơn cứu độ cho nhân loại. Hơn nữa, tính khả tín của Giáo hội bị nghi ngờ vì Giáo hội tỏ lộ một bộ mặt tổ chức, cơ cấu và giàu có hơn là một người thần nghiệm, ly thoát và thiêng liêng. Những nhà truyền giáo trình bày mình như một nhà tổ chức hơn là người thần nghiệm.

Điều này được đúc kết trong một cáo giác như sau: khi cần được phục vụ tốt đẹp trong y tế, trong học đường, thì chạy đến Giáo hội; nhưng khi gặp những vấn đề tâm linh, thì hãy tìm đến những bậc “thần nghiệm” trong các tôn giáo khác. Điều này phản ánh một Giáo hội không làm nổi bật được một Giáo hội xuất phát từ Ba Ngôi, là Thân mình Đức Kitô, và là Đền thờ Thánh Thần: Giáo hội như thế mất đi ‘cái gen thiêng liêng” để nắm lấy cái vật chất. Giáo hội như đánh mất vai trò chữa lành và hòa giải. Giáo hội như một cơ quan NGO.

Nhận xét trên còn mặc lấy tính chất hiện sinh mãnh liệt hơn nữa khi khắp nơi Giáo hội đang đau buồn trước những cớ vấp phạm của con cái mình. Từ vấp phạm chia rẽ Đông-Tây 1054, đến những cuộc chiến đẫm máu Công giáo-Tin lành, đến những lạm dụng hôm nay, Giáo hội khiêm nhường thú tội và xin tha thứ, không chỉ từ Thiên Chúa mà còn từ anh chị em mình, từ các nạn nhân. Đức Phaolô VI, Đức Gioan Phaolô II, Đức Phanxicô đều thú tội và xin tha thứ.

Xin cho phép tôi nói theo kiểu ‘rất con người' ở đây một chút. Thật ra, nhiều tổ chức, cơ cấu, quốc gia, kể cả gia đình, cũng đã từng gây ra những đổ vỡ khủng khiếp đối với nhân loại, nhưng lại rất hiếm nói lên lời xin lỗi. Có những quốc gia đã theo chính sách bạo lực, diệt chủng. Nhiều bậc cha mẹ đã từng làm hại con cái, thế nhưng mấy ai nói lên lời xin lỗi. Đang khi đó, họ lại đòi buộc Giáo hội phải xin lỗi. Chắc chắn Giáo hội sẽ làm điều ấy (không chỉ vì họ đòi buộc, nhưng Giáo hội thấy mình cần phải làm như thế). Và Giáo hội đã làm rồi. Thế nhưng, điều này không phải xuất phát từ mặc cảm tội lỗi. Giáo hội xin lỗi vì lẽ rằng chỉ khi đó Thiên Chúa mới tẩy rửa Giáo hội thôi (x. Đức Phanxicô). Và qua điều bé nhỏ này, Giáo hội lại nói cho con người chân lý quan trọng này: một thế giới không có thể nói lên lời xin lỗi thì quả là khủng khiếp. Nó chỉ có thể tạo nên chiến tranh và xung đột mà thôi.

Nhưng có lẽ còn có điều gì hơn thế nữa. Đằng sau lời xin lỗi khiêm nhường đó bộc lộ một Giáo hội rất yêu con người mà ngay cả sự xúc phạm nhỏ bé nhất đối với họ Giáo hội cũng đã thấy thật là đáng xấu hổ rồi. Bởi lẽ, căn tính phục vụ con người trong khiêm tốn, vốn là cốt lõi của việc là Giáo hội, đã bị mất đi.

4. Sự khả tín đến từ sự khiêm nhường chứ không chỉ đến từ “không có tội”

Chắc chắn cớ vấp phạm luôn làm cho sự khả tín của Giáo hội bị suy giảm khủng khiếp. Chúng ta không bao giờ muốn giảm nhẹ, vì chính Chúa đã nói. Những vấp phạm đó chạm đến tận căn cái lẽ sống, cái căn tính của Giáo hội: VÌ CON NGƯỜI.[10] Giáo hội biến mình thành kẻ gây những vết thương toác hoác trong tâm hồn,[11] trở thành ‘kẻ gây chiến'. Dẫu thế mặc lòng, như Đức Phanxicô cho thấy, được nhìn trong đức tin và sự hoán cải, những vấp phạm đó không dừng lại trên chính mình; chúng lại quy chiếu tới chính Đức Kitô, sự tha thứ xót thương của Thiên Chúa. Chính vì thế, “tôi xin anh chị em đừng mất hy vọng. Chính trong sự hiệp thông của Giáo hội mà chúng ta gặp ngôi vị Đức Giêsu Kitô; chính Ngài là nạn nhân của bất công và tội lỗi. Và như anh chị em, Ngài vẫn mang những vết thương của sự đau khổ bất công của mình.”[12]

Đoạn văn đó trả Giáo hội về đúng vị trí của mình. Khả năng cứu độ và thuyên chữa không nằm trong tay Giáo hội. Ân sủng chữa lành chỉ đến từ Thiên Chúa, chỉ đến từ NẠN NHÂN của mọi nạn nhân. Chính Đấng ấy là trái tim của Giáo hội, một trái tim không hề biết đến trả thù và cay độc nên chỉ trái tim đó thuyên chữa chúng ta mà thôi. Sự thuyên chữa này đã trải qua muôn vàn thế hệ rồi, nay đến với chúng ta.

Nếu như vậy, tính khả tín của Giáo hội không đến từ một Giáo hội không hề bợn nhơ, hoàn toàn thanh sạch theo nghĩa luân lý của lạc giáo Cathari hay Pelagiô! Có lẽ chính những tội lỗi bị vạch trần sau nhiều năm tưởng chừng như kín ẩn lại làm sáng tỏ chân lý này: Giáo hội thấy chính mình phải luôn hoán cải và trở nên khí cụ của lòng xót thương ngày một hơn.

Chính thực tại đau buồn này khiến Giáo hội nhận ra rằng trái tim của Giáo hội, một trái tim thánh thiện và xót thương, chính là Chúa Giêsu Kitô mà thôi. Chính Ngài tuyệt đối trong sạch, song là thứ trong sạch của lòng xót thương. Chỉ trái tim xót thương ấy mới mang đến sự chữa lành và giao hòa, không chỉ cho các nạn nhân mà cho cả những người phạm tội biết ăn năn, sám hối. Trái tim đó không bao giờ bị ô uế, cho dẫu toàn thân mình có bị ra hư hỏng.[13]

5. Sự khả tín được tìm thấy và tăng trưởng trong đối thoại liên tôn như cùng hành trình xây dựng

Như đã nói, thoạt tiên Công đồng Vatican II không đặt đối thoại liên tôn là mục tiêu của mình. Đức Gioan XXIII cũng như Đức Phaolô VI không nêu lên điều này. Trái lại, Công đồng đặt sự hiệp nhất của Giáo hội làm mối quan tâm chính yếu của mình, theo đúng mong ước của Đức Giêsu: “Xin cho chúng nên một như chúng ta là một”.

Tuy nhiên, từng bước Thần khí đã soi sáng Giáo hội. Công đồng xác quyết: Theo ánh sáng mặc khải tột đỉnh và duy nhất là Đức Giêsu Kitô, (1) Thiên Chúa muốn cứu độ mọi người trong cộng đoàn. (2) Thánh Thần hoạt động trong các thực tại nhân văn được coi là những hạt mầm Logos để chuẩn bị cho Tin mừng. (3) nhân vị là một giá trị tuyệt đối chứ không phải là một phương tiện. (4) Tự do tôn giáo là cơ bản và thiết yếu nhất. (5) Mối liên hệ chặt chẽ giữa phụng sự Thiên Chúa và phụng sự con người. Phạm đến con người cũng là phạm đến Thiên Chúa.[14] (5) Chiều kích thăng tiến nhân bản thiết thân với loan báo Tin mừng. (6) Chung tay xây dựng thế giới xứng hợp với nhân phẩm là một mệnh lệnh của đức tin chân chính.

Với những điều ấy, chân lý Tin mừng chỉ có thể được mời đón nhận chứ không phải do áp đặt.[15] Và hiển nhiên, đối thoại tôn giáo trở thành thiết yếu. Như vậy, hơn bất kỳ nơi đâu khác, Giáo hội tại Châu Á thấy rõ đối thoại liên tôn là ưu tiên số một của mình; đó là kết quả của đọc dấu chỉ thời đại trong lục địa Á châu rất rộng lớn và cực kỳ đa nguyên: tôn giáo, văn hóa, chủng tộc, ngôn ngữ..., Giáo hội Á châu buộc phải đối thoại liên tôn khi làm thần học tại Châu Á.[16]

Ngay từ đầu, Liên Hội đồng Giám mục Á Châu (FABC) đã chân nhận các Kitô hữu tại Châu Á chỉ là một thiểu số. Họ phải cùng sống và làm việc với những anh chị em khác tôn giáo. Thực tại này xảy ra bình thường và thường nhật như cơm bữa. Ngay chính trong gia đình hay trong khu phố nhỏ, những tín đồ khác nhau đang sinh sống, làm việc, tương giao với nhau. Đức tin được sống do các tín hữu Á châu đó mách bảo cho FABC rằng tương lai của Giáo hội tại Châu Á hệ tại ở việc hội nhập Tin mừng vào văn hóa, ở cuộc đối thoại liên tôn này. Sự tiếp nhận Công đồng Vatican II tại Châu Á nổi bật lên ở điều này mà FABC đã làm chứng từ những ngày đầu cho đến bây giờ.[17] Nói cách khác, “Đối thoại liên tôn cũng như đối thoại luân lý với những tín đồ khác là một trách nhiệm quan trọng của các Kitô hữu.”[18]

Tiếp tục tiếp thu Vatican II và hậu Vatican II, FABC càng ngày càng nhìn nhận không sai lầm sự tự do bẩm sinh của bản tính con người.[19] Do đó, kính trọng nhân vị, kính trọng tự do mà hình thức cơ bản và sâu xa nhất là tự do tôn giáo không tách rời nhau được.[20] “Khi tuyên xưng tôn giáo, người tín hữu diễn đạt những khát khao sâu xa nhất của mình và khai triển điều gì thuộc về chính mình một cách sâu xa nhất: tính nội tâm, cung thánh của chính hữu thể mình mà không ai có thể xâm phạm.”[21] Muôn vàn hình thức phân biệt đối xử, bạo lực, đàn áp xuất phát từ sự chối bỏ tự do này.

Với hướng chiều làm thần học nhấn mạnh đến Thần khí nói cho Giáo hội cũng như đang hoạt động trong các văn hóa-tôn giáo Á châu, FABC mời gọi các Kitô hữu tạo ra những mẫu số chung hơn là những chia tách. Được khởi hứng từ Vatican II, các Giáo hội tại Châu Á, qua các tín hữu, nhất là giáo dân, đã dấn thân mạnh mẽ vào các lãnh vực trần thế và cùng chung tay làm việc cho công ích.[22] Thật vậy, các tôn giáo đều có cùng một điểm chung: quan tâm đến hạnh phúc vật chất và tinh thần của nhân loại. Các tôn giáo đều muốn làm cho xã hội nên nhân bản hơn, hài hòa hơn, bình an hơn. Như thế, cảm thức đức tin chân chính nơi các tín hữu thúc đẩy sự nhiệt tình cho Vương quốc Thiên Chúa đang đến. “Những người gắn kết với các truyền thống tôn giáo cần cùng nhau sống để tham gia vào đời sống xã hội dân sự, và được thúc đẩy bởi đạo lý riêng, họ có thể làm việc hữu hiệu cho công ích của tất cả các công dân.”[23] Hay “mọi Kitô hữu dấn vào cuộc đối thoại tích cực và kiến tạo với tất cả các tín đồ tôn giáo và làm mọi nỗ lực để xây dựng hòa bình trong xã hội và trong thế giới bằng việc rèn luyện những mối dây kính trọng và yêu thương lẫn nhau.”[24] FABC làm chứng rằng Công đồng Vatican II thật đúng: dù vẫn còn đó những khó khăn, thì các tôn giáo có thể chung tay phục vụ những con người trước khi nói đến những bàn luận đạo lý.

Như vậy, lãnh vực hòa bình nổi lên như lãnh vực thu hút được sự hiệp lực, sự cùng nhau làm việc và bước đi của các tôn giáo. Không một tôn giáo nào có thể dùng Thượng đế và chính mình để biện minh cho bạo lực, chiến tranh. Đức Bênêđictô XVI trong bài diễn văn tại Regensburg đã bạo dạn nói điều đó. “Bạo lực thật không tương thích với bản tính của Thiên Chúa và bản tính của linh hồn.” Hay “Thiên Chúa không vui lòng với máu chảy đầu rơi - và không hành động hợp lý (σὺν λόγω) thì nghịch với bản tính Thiên Chúa”. Lại nữa, “Đức tin được sinh ra từ linh hồn, chứ không phải thân xác. Bất cứ ai muốn dẫn ai đó đến đức tin cần có khả năng nói tốt lành và lý luận thích đáng, không bạo lực và đe dọa...” “Không hành động “với logos” thì trái nghịch với bản tính Thiên Chúa.” Như vậy, “Chúng ta mời gọi những đối tác của chúng ta trong cuộc đối thoại của các nền văn hóa tới logos lớn lao này, tới chiều rộng lớn của lý trí.”[25] Những lời trong sáng và mạnh mẽ đó được Đức Bênêđictô XVI trích dẫn từ những bậc thầy xa xưa trong các tôn giáo khác hẳn soi sáng rất nhiều để các tôn giáo cùng nhau góp sức chung lòng thực thi sứ mệnh xây dựng một thế giới hài hòa giữa nhân loại, bất kể văn hóa, ngôn ngữ... khác biệt nào. Rõ ràng, đối thoại liên tôn không thể giới hạn ở bàn giấy mà thôi. Nếu vậy, “Trong xây dựng hòa bình, các Kitô hữu không chỉ nài xin người khác cộng tác, nhưng còn được những người khác kêu gọi để làm như thế.”[26]

Chắc chắn, chúng ta không thể quên ngày các tôn giáo cùng họp lại với nhau để cầu nguyện tại Assisi, theo sáng kiến của Đức Gioan Phaolô II. Thật ấn tượng và cảm động và từ đó sinh ra hiệu quả khi tất cả các tín đồ của mọi tôn giáo đều quy tụ cầu xin hòa bình cho thế giới. Đối thoại liên tôn dẫn tới một chiều sâu ấn tượng: cùng nhau nguyện cầu - một thứ đối thoại cầu nguyện, ta có thể gọi như thế không?

Chắc chắn sáng kiến trên rất tuyệt diệu. Nhưng xét dưới một góc cạnh nào đó, các Giáo hội tại Châu Á đã manh nha đường lối tuyệt vời đó. Trong các Giáo hội tại Châu Á, lúc đầu những cộng đoàn Giáo hội cơ bản phát triển mạnh mẽ. Nhưng sau đó, FABC còn khuyến khích mở rộng điều ấy bằng cách tạo nên những cộng đoàn nhân loại cơ bản ở những khu phố hay những nhóm gia đình đa tôn giáo với nhau. Rồi tiếp tục, tới một mức nào đó, các Giáo hội tại Châu Á đã khởi xướng việc những tín đồ khác nhau cùng nhau cầu nguyện trong tổ chức được gọi là ashrams.[27](2) Như vậy, bộ mặt thế giới chỉ đổi mới “nếu lý trí và đức tin hội tụ với nhau một cách mới mẻ”(3) mà tột đỉnh lại là cùng nhau hướng mắt về Đấng Yêu Thương. Chính Ngài mới nối kết những con người muốn yêu thương nhau lại. Cùng nhau cầu nguyện, ta có thể nói, là tột đỉnh của việc cùng nhau xây dựng thế giới qua các tôn giáo.

Với FABC, đối thoại liên tôn tại Châu Á gắn liền với sứ mệnh mà Chúa Giêsu đã để lại cho các tín hữu. Nếu đối thoại là yếu tính của Giáo hội, là cách thức mà từ đó nảy sinh Giáo hội, thì Giáo hội tại Châu Á đang thực thi sứ mệnh đối thoại cứu độ vậy.[28] Với FABC, đối thoại là một cách thức mới để là Giáo hội. Nơi đây Giáo hội tại Châu Á đang đi theo tiêu chuẩn được Gioan XXIII đề ra cho Giáo hội trong thời tân tiến: “trong những điều cốt yếu: hiệp nhất; trong những điều còn ngờ vực: tự do tìm kiếm; nhưng trên tất cả: đức ái”.

Như thê, đối thoại liên tôn không bàn đến chuyện các tôn giáo “đặt cạnh nhau”. Nó cũng chẳng phải là bỏ đi những xác tín của mình. Chỉ những con người trưởng thành mới có thể đối thoại. Cũng thế trong đối thoại liên tôn, chỉ những người trưởng thành trong niềm tin của chính mình mới có thể chia sẻ những xác tín làm nên chính họ trong chiều sâu nhất. Vì vậy, các tôn giáo phải thật sự là chính mình. Chẳng hạn, Phật giáo phải nhất quán với những xác tín chân thật của mình. Cũng thế, với Hồi giáo và Ấn độ giáo. Nếu hiểu đối thoại tôn giáo chỉ là đứng cạnh nhau thì “Điều ấy chỉ biểu lộ cái não trạng của chủ nghĩa dửng dưng (indifferentism) được đặc trưng bởi một chủ nghĩa tương đối trong tôn giáo.”[29] Đó là nói và đồng ý bề ngoài và hời hợt, “còn trong tâm hồn họ tiếp tục ghét nhau hay cố gắng chế ngự các tôn giáo cách chính trị.”[30] Như thế, sự trung thành tuyệt đối với Đức Giêsu Kitô của người Kitô hữu có một giá trị lớn lao trong đối thoại liên tôn vậy.[31] Chính điều này được Vatican II minh xác. FABC cũng đi vào con đường này. “Đối thoại liên tôn giả định sự ngay thẳng và chân thật về phía người thực thi các truyền thống tôn giáo riêng của mình”. Thỏa hiệp các niềm tin bằng mọi giá sẽ phản bội lại cuộc đối thoại liên tôn vậy.

Những hướng dẫn hậu Vatican II nêu bật đối thoại liên tôn bắt nguồn từ “ước muốn chân thành và không hề mãn nguyện để biết chân lý.”[32] Đi vào đối thoại không phải để làm lung lay những xác tín của người khác, song là thách đố họ để mở lòng trước Chân Lý ta tìm kiếm cách sống động hơn nữa. Đối thoại như thế làm giàu cho cả hai bên.[33] Chúng ta đang nói đến cuộc đối thoại tận sâu thẳm, chứ không bề ngoài. Cuộc đối thoại như thế có thể làm cho các tín đồ tôn giáo “can dự vào đối thoại tin tưởng rằng không chỉ điều họ có chung, song cả điều họ khác biệt, có thể cung cấp một lý lẽ để đến cùng nhau.”[34]

Kết luận

Giáo hội sẽ phải nỗ lực để trở nên khả tín trong cuộc đối thoại đại kết và liên tôn. Điều ấy, các tôn giáo cũng đều phải thực hiện. Dẫu thế, Giáo hội cũng phải tuyên nhận điều này: trong ánh sáng đức tin như TẶNG PHẨM quý báu đến từ Thiên Chúa, Giáo hội nhận biết sự khả tín của mình chỉ đến từ Thiên Chúa, đến từ sự khiêm nhường trước thánh ý Thiên Chúa, và ngay cả thú nhận tội lỗi của mình. Bởi lẽ, Giáo hội tiến vào đối thoại liên tôn là do chính Thiên Chúa sai phái và thúc đẩy cũng như chính Ngài làm mọi sự nên trọn theo cách của Ngài.

Cũng vì được Thiên Chúa sáng lập và làm cho trở thành khí cụ hay bí tích của Vương quốc Thiên Chúa, nên Giáo hội còn nhận ra chính mình cần phải khởi hứng, thúc đẩy và sinh động sự hiệp lực của tất cả các tôn giáo để cùng nhau tiến tới một thế giới tốt đẹp, bình an, công bằng hơn. Đó là một giá trị chân chính mà tôn giáo trong tận bản tính của mình muốn thực hiện, diễn đạt và thành tựu.

Trong ánh sáng đó, Đức Phanxicô còn dám đặt ra một điểm hẹn và cũng là một điểm tới: cùng nhau tìm về chân thiện mỹ. Nói khác đi, tất cả cùng nhau làm nổi bật thao thức này: “Những mục tiêu của Nostra Aetate không phải là đi vào những luận chiến và tạo nên đấu khẩu hay thảo luận vô ích giữa những tín đồ gắn bó với những tôn giáo khác nhau; qua đối thoại, Giáo hội muốn đi vào chính chiều sâu của đời sống dân chúng. Vì thế, điều được đòi hỏi là thái độ khôn ngoan và bác ái.”[35] Và thái độ khôn ngoan và bác ái nhất lại chính là cùng nhau nguyện cầu, bởi vì chính Đấng Tối Cao và Yêu Thương mới nối kết con người và xây dựng con người, ngay cả trong chính lúc họ thất bại. Ước chi các tín đồ của mọi tôn giáo luôn nỗ lực để chung sống, cộng tác trong bình an và hài hòa, như dấu chứng rằng mọi người đều là con cái Đấng Yêu Thương và An Bình tuyệt đối.

Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 130 (Tháng 7 & 8 năm 2022)



[1] x. Đức Phaolô VI, Ecclesiam Suam.

[2] H. Küng, “Preface”, Tracing the Way: Spiritual Dimensions of the World Religions, J. Bowden, trans (New York: Continuum, 2002), xv.

[3] x. For All Peoples of Asia, vol. 1, 12-19; For All Peoples…, vol. 3, 237-327; 320-419

[4] x. For All…, vol. 3, 321-322, 333-338; Savai, ibid.; Peter Phan, The Joy of Religious Pluralism: A Personal Journey. (Maryknoll, New York: Orbis, 2017).

[5] x. For All…, vol.1, 3-10.

[6] x. J. Tan, A New Way of Being Church; FABC Bandung. A New Way of Being Church.

[7] x. For All…, vol.3, 329-419.

[8] x. For All… vol.1, 125-163; 177-198.

[9] x. For All…, vol.1, 125-163; vol.2, 21-38.

[10] x. Bênêđictô XVI, Thư mục vụ gửi Giáo hội tại Ireland.

[11] x. Bênêđictô XVI, ibid.

[12] x. Bênêđictô XVI, ibid.

[13] x. LG 7; Đức Phanxicô, Gaudete et exultate 96, 105, 107.

[14] x. GS 25-27

[15] x. ARCHBISHOP FELIX MACHADO, VASAI, Living the Christian Faith in an Interreligious and Multi-cultural Context, 15-18 Jan 2019, Bangkok.

[16] x. For All…, vol.3, 329-419.

[17] x. J. Kroeger, The Faith-Culture Dialogue in Asia: Ten FABC Insights on Inculturation, 1-16; James H. Kroeger (ed.), Theology from the Heart of Asia: FABC Doctoral Dissertations, vol. 1 (1985-1998), vol. 2 (1998-2008) (Quezon City, Philippines: Claretian Publications, 2008; For All… vol.1, 263-269.

[18] Machado Vasai, ibid.

[19] x. Machado Vasai, ibid.

[20] x. Machado Vasai, ibid.

[21]  Machado Vasai, ibid.

[22] x. For All…, vol.1, 273289.

[23] Machado Vasai, ibid.

[24] Machado Vasai, ibid.

[25] Bênêđictô XVI, Faith, Reason and the University Memories and Reflections (Regensburg Lecture)

[26] Machado Vasai, ibid.

[27] x. For All Peoples…, vol.1, 67-108, cách riêng, 99.

[28] x. Machado Vasai, ibid

[29] Machado Vasai, ibid

[30] Machado Vasai, ibid

[31] x. Machado Vasai, ibid

[32] Machado Vasai, ibid

[33] Machado Vasai, ibid

[34] Machado Vasai, ibid

[35] Machado Vasai, ibid

LỊCH PHỤNG VỤ