Kỷ vật liên quan đến ngày thiết lập Hàng Giáo Phẩm Việt Nam (24/11/1960)

Nguyễn Văn Nghệ
Giáo xứ Cây Vông – Nha Trang

WGPH (17.11.2020) – Ngày 29/12/2017 một số anh em Cựu Chủng sinh Tiểu Chủng viện Sao Biển Nha Trang do Linh mục Nguyễn Quang Vinh (bạn cùng lớp Tiểu Chủng viện Sao Biển với Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh) dẫn đầu khởi hành ra Huế mừng lễ kỷ niệm 25 năm (30/12/1992 – 30/12/2017) thụ phong Linh mục của Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh. Sau một đêm nghỉ tại Tòa Tổng Giám mục Huế, sáng ngày 30/12/2017 trong lúc chờ đến giờ tham dự Thánh lễ, một số anh em Cựu Chủng sinh Tiểu Chủng viện Sao Biển cùng linh mục Nguyễn Quang Vinh tham quan phòng Truyền thống của Tổng Giáo phận. Riêng tôi thì dạo ngoài sân Tòa Tổng Giám mục. Trong lúc đang dạo quanh, có một anh ra gọi tôi vào phòng Truyền thống đọc giùm chữ Hán trên một tấm hoành phi.

Bức hoành “Đạt Thiên Phước”

Khi vào phòng, nhìn lên bên trên mi cửa, có bức hoành với ba đại tự chữ Hán, tôi liền đọc: “ĐẠT THIÊN PHƯỚC” (Được phước của Trời) và tôi đọc dòng lạc khoản bên phải bức hoành: “Việt Nam Cộng Hòa Canh Tý đông”, sau đó đọc tiếp dòng lạc khoản bên trái bức hoành: “Ủy ban Nguyễn Phước tộc phụng thượng” (Ủy ban Nguyễn Phước tộc dâng lên). Bức hoành này đã hiện diện ở Tòa Tổng Giám mục Huế gần 60 năm, nhưng hiện nay do người biết chữ Hán ít đi nên hầu như không ai đọc được các chữ Hán ghi trên bức hoành ấy thì làm sao hiểu được những thông tin ghi trên bức hoành ấy.

Sau một chốc suy nghĩ tôi mới nói: Lạc khoản “Việt Nam Cộng Hòa Canh Tý đông” cho ta biết bức hoành này xuất hiện vào mùa đông năm Canh Tý (1960). Mùa đông năm Canh Tý (1960) bắt đầu vào ngày 7/11/1960 (19/9/Canh Tý). Mùa đông năm Canh Tý (1960) có một sự kiện quan trọng liên quan đến Giáo hội Việt Nam, đó là vào ngày 24/11/1960 Đức Giáo hoàng Gioan XXIII ban sắc chỉ Venerabilium Nostrorum thiết lập hàng Giáo phẩm Việt Nam. Với sắc chỉ này Giám mục Phêrô Mactinô Ngô Đình Thục đang là “Đại diện Tông Tòa tại Vĩnh Long với hiệu tòa Saesinensi, từ nay là Tổng Giám mục Địa phận Huế”.

Sau khi nghe tin Giám mục Phêrô Mactinô Ngô Đình Thục được thăng lên chức Tổng Giám mục Địa phận Huế, nên Ủy ban Nguyễn Phước tộc đã làm bức hoành “Đạt Thiên Phước” đem vào Vĩnh Long chúc mừng tân Tổng Giám mục. Ủy Ban Nguyễn Phước tộc đã xem việc thăng chức từ Giám mục lên Tổng Giám mục là “được ơn phước của Trời”.

Đầu tháng 4 năm 1961 tân Tổng Giám mục Phêrô Mactinô Ngô Đình Thục mới từ Vĩnh Long ra Huế và bức hoành “Đạt Thiên Phước” cũng được mang theo. Ngày 12/4/1961 lễ nhậm chức Tổng Giám mục Địa phận Huế được tổ chức tại nhà thờ Chính tòa Phủ Cam.

Sắc chỉ Venerabilium Nostrorum

Với sắc chỉ Venerabilium Nostrorum ngày 24/11/1960 của Đức Giáo hoàng Gioan XXIII về việc thiết lập phẩm trật Giáo hội tại Việt Nam sẽ thành lập ba Giáo Tỉnh:

Giáo Tỉnh Hà Nội gồm Tổng Giám mục Hà Nội, tới nay chỉ là Đại diện Tông Tòa, với nhà thờ Chính tòa danh hiệu Thánh Giuse, và thêm những Giám tòa thuộc hạt từ nay cũng hết là Đại diện Tông Tòa để trở nên Địa phận Chính tòa, tức là: Lạng Sơn, Hải Phòng và Bắc Ninh, Hưng Hóa, Thái Bình, Bùi Chu, Phát Diệm, Thanh Hóa, Vinh.

Giáo Tỉnh Huế gồm Tổng Giám mục Huế, trước đây chỉ là Đại diện Tông Tòa, với nhà thờ Chính tòa danh hiệu Trái Tim Cực Sạch Đức Mẹ, và thêm các Giám tòa thuộc hạt đã trở thành Địa phận Chính tòa: Qui Nhơn, Nha Trang, Kon Tum.

Giáo Tỉnh Sài Gòn gồm Tổng Giám mục Sài Gòn, trước đây chỉ là Đại diện Tông Tòa, với nhà thờ Chính tòa danh hiệu Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên tội, và thêm các Địa phận thuộc hạt trước kia chỉ là Đại diện Tông Tòa, tức là: Vĩnh Long, Cần Thơ và các Địa phận mới thiết lập: Đà Lạt, Mỹ Tho, Long Xuyên.

Điều đáng lưu ý là trong các Giám mục của Giáo Tỉnh Hà Nội, trước ngày 24/11/1960 chỉ có Giám mục Giuse Maria Trịnh Như Khuê và Giám mục J.B. Trần Hữu Đức là Đại diện Tông Tòa, các vị còn lại đều là Giám quản[1].

Danh xưng “Địa phận”

Trước đây gọi là “Địa phận” chứ không gọi “Giáo phận”. Trước năm 1975, Lịch Công giáo ở Nha Trang ghi là: Lịch Địa phận Nha Trang. Trong cuốn Kỷ yếu 300 năm(1672-1972) Đức Cha Lambert de la Motte (1624-1679) đến Nha Trang, tất cả đều dùng danh xưng “Địa phận”. Sắc chỉ Venerabilium Nostrorum được công bố tại Việt Nam ngày 8/12/1960 và đăng trong Acta Apostolicae Sedis năm 1961, số 7 ra ngày 1/7/1961 trang 346-350 và theo bản dịch thời điểm ấy gọi vị Tổng Giám mục ở tại Hà Nội, Huế, Sài Gòn gọi là Tổng Giám mục Địa phận Hà Nội, Tổng Giám mục Địa phận Huế, Tổng Giám mục Địa phận Sài Gòn chứ không gọi Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Hà Nội, Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Huế, Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Sài Gòn

Địa giới ba Giáo Tỉnh chưa hợp lý

Việc thành lập ba Giáo Tỉnh Hà Nội, Huế, Sài Gòn tượng trưng cho ba miền Bắc – Trung – Nam, nhưng do hoàn cảnh lịch sử nước Việt Nam lúc ấy cho nên các Địa phận từ phía bắc vĩ tuyến 17 đều thuộc Giáo Tỉnh Hà Nội.

Vào tháng 5 năm Giáp Ngọ (1834) vua Minh Mạng đã chia nước ta thành ba kỳ: Bắc Kỳ từ tỉnh Ninh Bình đến Lạng Sơn; Nam Kỳ từ tỉnh Biên Hòa đến tỉnh Hà Tiên, Trung Kỳ từ tỉnh Thanh Hóa vào đến tỉnh Bình Thuận trong đó tỉnh Quảng Nam và tỉnh Quảng Ngãi gọi là Nam Trực, tỉnh Quảng Trị và tỉnh Quảng Bình gọi là Bắc Trực, từ tỉnh Bình Định vào đến tỉnh Bình Thuận gọi là Tả Kỳ, từ tỉnh Hà Tĩnh ra đến tỉnh Thanh Hoa[2] gọi là Hữu Kỳ[3]. Hiện nay ba vùng Bắc bộ, Trung bộ, Nam bộ cũng dựa trên cơ sở ấy.

Nhận thấy việc chia ba Giáo Tỉnh theo như sắc lệnh Venerabilium Nostrorum chưa hợp lý cho nên trong Biên bản Đại hội XIV Hội đồng Giám mục Việt Nam họp tại Trung tâm Mục vụ Giáo phận Hải Phòng ngày 4/10/2019 có ghi ở mục thứ 7: “Trao đổi về việc sáp nhập giáo phận Vinh và giáo phận Hà Tĩnh vào giáo tỉnh Huế”[4]

Nhìn lại chặng đường 60 năm (24/11/1960-24/11/2010) ta thấy Giáo hội Việt Nam ngày một phát triển. Năm 1960 cả nước có 20 Giáo phận nay đã tăng lên 27 Giáo phận và trong tương lai sẽ có thêm Giáo phận mới.


Nguyễn Văn Nghệ
Giáo xứ Cây Vông – Nha Trang

Nguồn:



[2] Thời Minh Mạng gọi là tỉnh Thanh Hoa. Do kỵ húy tên mẹ vua Thiệu Trị là Hồ Thị Hoa nên vào tháng 7 năm Quý Mão (1843) đổi thành Thanh Hóa(Xem Đại Nam thực lục tập 6, Nxb Giáo dục, tr.515)

[3] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tập 4, Nxb Giáo dục, tr 202