Hình minh họa: Sự sụp đổ của thành Gêrusalem dưới bàn tay của vua Nabucodonosor
KINH THÁNH: MỘT BỘ SÁCH ĐƯỢC VIẾT BỞI NHỮNG NGƯỜI DI CƯ
Lm. Dominik Markl, SJ
La Civiltà Cattolica (16.01.2018)
WHĐ (10.02.2023) - Hiện nay,
chúng ta đã và đang chứng kiến nhiều trường hợp những người nam, nữ và trẻ em bị
chết đuối trên biển trong hành trình di cư của họ. Nhiều nhà trường có học sinh
thuộc thành phần tị nạn khi họ là trẻ em, và thanh thiếu niên may mắn sống sót
sau những cuộc vượt biên. Tại nhiều nước châu Âu, có nhiều người được sinh ra
có nguồn gốc nhập cư. Những yếu tố này cũng đủ để chúng ta suy tư về sự trốn chạy
và di cư. Thực ra, lịch sử nhân loại cũng cho thấy, tất cả chúng ta, ở những mức
độ khác nhau, đều là di dân. Trong Kinh thánh, chúng ta có thể thấy tần suất
người ta nghĩ đến việc chạy trốn và di cư từ 2.000 năm trước như thế nào.
Nhân loại như là những người di cư
Nhân loại đã đến châu Âu từ lục địa
châu Phi 40.000 năm trước. Nhân loại có nguồn gốc từ đó và trải qua 100.000 năm
tiến hóa tại đây. Con người buộc phải trở thành di dân đi theo bầy súc vật và
đàn ngựa để trốn khỏi các loài thú khác. Họ có thể đuổi theo những con linh
dương và dùng đá hạ gục chúng. Chỉ khi các sa mạc ở Bắc Phi và Ả Rập bắt đầu xuất
hiện, họ mới vượt qua những đường nứt, ranh giới kiến tạo lục địa, đến Ấn Độ, rồi
đến Úc, và sau đó là châu Âu. Vào cuối Kỷ băng hà cuối cùng, những người cổ xưa
(Homo sapiens) thậm chí còn đi lang
thang xa hơn, băng qua Siberia để đến Châu Mỹ. Và do đó, với tư cách là những
người di cư, con người đã khám phá ra thế giới.
Trong các nền văn minh phát triển,
con người tự tổ chức thành các nhóm lớn và rời đi để tìm kiếm và chinh phục những
vùng đất mới, khiến những nhóm dân cư khác phải chạy trốn hoặc trở thành tù
nhân. Vào thời cổ đại, hàng ngàn người đã bị buộc phải lưu vong vì bạo lực. Và
trong thời bình, nạn đói đã khiến người dân phải di chuyển đến những vùng đất mới
trên trái đất. Những người tìm kiếm cơ hội tốt hơn trở thành những người tị nạn
kinh tế, do đó tránh được mùa đông lạnh giá ở châu Âu. Những người mà bây giờ
chúng ta gọi là người Mỹ Châu hầu hết là những di dân kinh tế và tị nạn từ châu
Âu. Những người sống ở phương Bắc đã vận chuyển hàng triệu người từ Châu Phi đến
Châu Mỹ, đẩy những cư dân nguyên thủy đến những góc xa xôi nhất của các lục địa.
Dù bị ép buộc hay vì ước muốn,
nhân loại đã định hình sự tồn tại của chính mình bằng những chuyến du hành và
thám hiểm này, đồng thời diễn tả khả năng di chuyển tuyệt vời của mình trong
các thần thoại cổ đại, du ngoạn Địa Trung Hải trong Odyssey, băng qua biển và
sa mạc trong cuộc xuất hành Kinh thánh. Và Kinh thánh cũng là một bộ sách nhỏ
được viết bởi và về những người di cư có thể mang theo trong hành lý xách tay của
bạn.[1]
Adam, nhân vật bị đuổi khỏi vườn địa đàng: nguồn gốc của loài người
Ađam hay “con người” và Evà hay “sự sống”
bị buộc phải rời bỏ nơi ở của họ là Địa đàng, sau khi sự cám dỗ trở nên không
trung thực chiến thắng, buộc họ phải tham gia một cách hèn hạ vào trò chơi “trốn tìm” (x. St 3,8). Và, sau sự xấu hổ
về sự dễ bị tổn thương khi trần truồng, đã khiến họ phải lẩn trốn (x. St 2, 25;
3, 10). Câu chuyện về nguồn gốc của chúng ta trong Sách Sáng Thế dường như thấu
hiểu được chiều sâu tâm linh của bản tính bồn chồn và bất an của con người. Nó
có liên hệ cách nào đó với sự ngờ vực, với nỗi sợ hãi chẳng thể thấu hiểu khiến
con người không dám đứng lên trước mặt Thiên Chúa trong tự do và sự thật.
Điều này xuất hiện rõ ràng ngay
khi cảm giác tội lỗi xuất hiện dưới hình thái thực tế và kịch tính. Cain giết
em trai mình là Abel và sau một lúc phủ nhận một cách xấc xược, ngạo mạn – “Con không biết. Con là người giữ em con hay
sao?” (St 4, 9) – nhưng rồi, chẳng bao lâu, anh ta bị nỗi sợ hãi lấn át: “Hình phạt dành cho con quá nặng không thể
mang nổi. Ðây, hôm nay Ngài xua đuổi
con khỏi mặt đất. Con sẽ phải trốn tránh để khỏi giáp mặt Ngài, sẽ phải lang
thang phiêu bạt trên mặt đất, và bất cứ ai gặp con sẽ giết con” (St
4,13-14). Cũng như Thiên Chúa đã mặc cho Ađam và Eva những chiếc áo bằng da (x.
St 3, 21) thì Thiên Chúa cũng bảo vệ Cain bằng việc ghi dấu trên anh ta để anh
ta có thể bảo toàn mạng sống (St 4, 15).
Phần còn lại của Sách Sáng thế
tràn ngập tình tiết về những cuộc chạy trốn và di cư. Chỉ duy có gia đình ông
Noe sống sót sau trận lụt hồng thuỷ. Sau khi thoát ra khỏi chiếc tàu trên núi
Ararat, nhân loại bắt đầu lại dưới dấu chỉ của cầu vồng (8, 13- 9,16). Việc xây
dựng Tháp Babel – mà loài người tìm cách tạo nên tên tuổi của mình – thực sự dẫn
đến sự phân rẽ theo ngôn ngữ và đất đai (11, 1-9). Abraham, tổ phụ của Israel,
đến từ Ur ở phía nam của Iraq ngày nay, và di tản cùng với cha mình là Terah đến
Haran ở phía bắc của Syria (11, 31). Sau đó, với tiếng gọi của Thiên Chúa, ông
được dẫn vào một vùng đất mới (12, 1). Nhưng gia đình ông lại phải chạy trốn một
lần nữa. Nạn đói đã buộc ông và sau này là toàn bộ gia đình Jacob (Israel) chạy
sang Ai Cập (12, 10; 46, 6).
Những câu chuyện Kinh Thánh tuyệt
vời như câu chuyện về Giuse và các anh của ông, chuyện bà Naomi và bà Ruth, đều
xảy ra ở những vùng đất ngoại bang. Chính tại vùng đất xa lạ và bất an, mà các
mối tương quan đạt đến mức độ mạnh mẽ và sâu sắc. Chính tại vùng đất ngoại bang
đã diễn ra cuộc hòa giải giữa Giuse và các anh em của mình (x. St 45, 1); ở đó,
sự chung thủy tuyệt đối được thấy nơi hai người phụ nữ (Sách Ruth). Trên cơ sở
những xung đột được giải quyết, gia đình Israel lớn mạnh tại Ai Cập và trở
thành một dân tộc (x. Xh 1,1-7); còn Vua Đavít thì phát xuất từ lòng chung thủy
của bà Ruth (x. R 4, 22). Tại những vùng đất xa lạ, nơi lưu đày và phân tán,
chúng ta thấy sự khôn ngoan của Daniel, sức mạnh của Esther và niềm tin tôn
giáo của Tobia.
Trong khi họ đang chạy trốn hoặc
di chuyển, Giacóp (x. St 28; 32, 25-33), Êlia (x. 1 K 17, 1-7) và Giôna đã gặp
gỡ Thiên Chúa, Đấng rất gần gũi, choáng ngợp, và đầy kinh ngạc. Giữa những nguy
hiểm của cuộc hành trình, Tobia cảm nhận được sự bảo vệ của thiên thần Raphael,
trở thành một người chữa bệnh. Nhiều câu chuyện trong Kinh thánh phát triển những
gì Sáng thế ký trình bày về lịch sử nguồn gốc của loài người: di chuyển là mục
đích của nhân loại; nó mang tính ngôn sứ và sự phát triển trọn vẹn vì nó luôn mở
ra những viễn cảnh mới.
Xuất hành: việc hình thành huyền thoại và những đặc nét cơ bản
Trước bụi gai rực cháy, giữa sa mạc,
dưới chân núi Sinai, với đôi chân trần và tấm khăn che mặt, Môsê xin Thiên Chúa
cho biết tên của Ngài. Thiên Chúa trả lời: “Ta
là Đấng Ta là” hoặc “Ta là Ðấng Hiện
Hữu” (Xh 3, 14). Vào thời điểm đó, ý nghĩa của danh YHWH tại bụi gai bốc
cháy rất bí nhiệm, và các đặc tính của chính Thiên Chúa được trình bày một cách
hữu hình. YHWH đã hiện ra với Môsê vì Ngài nghe thấy tiếng rên siết của dân
Israel bên Ai Cập (x. Xh 2, 23-25; 3, 7, 9), và Ngài muốn giao tiếp trọn vẹn với
họ và giải thoát họ khỏi quyền lực của Pharaoh (x. Xh 3, 8, 15-22). Cuộc xuất
hành vượt qua Biển Đỏ (x. Xh 14) đã dẫn đến việc khai sinh một dân tộc. Chính với
tư cách là một dân tị nạn, Israel trở thành dân của Thiên Chúa.
Với núi Sinai, điều tưởng chừng
như là một huyền thoại lãng mạn hoặc một câu chuyện đầy kịch tính hóa ra lại là
một nguyên tắc quan trọng của đạo đức xã hội. Khi lập giao ước tại Sinai (x. Xh
19-24), Thiên Chúa đòi hỏi dân được giải thoát của Ngài một cam kết gắn liền với
việc giải phóng của họ: “Người ngoại kiều,
các ngươi không được áp bức; chính các ngươi đã biết thân phận của người ngoại
kiều, vì các ngươi đã là ngoại kiều ở đất Ai-cập” (Xh 23, 9). Thiên Chúa của
Sách Thánh là Thiên Chúa của sự giải thoát, Thiên Chúa của những người di cư.
Luật bảo vệ ngoại kiều được tìm
thấy trong khắp Ngũ kinh và gia tăng như một cao trào của bản giao hưởng. Trong
khi Sách Giao ước (x. Xh 21-23) tự giới hạn trong việc cấm áp bức ngoại kiều,
thì Luật Thánh thiện còn đi xa hơn nhiều: “Các
ngươi phải đối xử với người ngoại kiều cư ngụ với các ngươi như với một người bản
xứ, một người trong các ngươi; (các) ngươi phải yêu nó như chính mình, vì các
ngươi đã từng là ngoại kiều tại đất Ai-cập. Ta là ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của các
ngươi” (Lv 19, 34). Trong khi Luật Thánh thiện khuyến nghị rằng tình yêu
nhân loại cần được thể hiện với ngoại kiều, thì Môsê còn đưa điều này đi xa hơn
trong Đệ nhị luật. Quả thật, chính Thiên Chúa “là Ðấng xử công minh cho cô nhi quả phụ, và yêu thương ngoại kiều, cho
họ bánh ăn áo mặc. Anh em phải yêu thương ngoại kiều, vì anh em đã từng là ngoại
kiều ở đất Ai-cập” (Đnl 10, 18-19). Cụm từ cơ bản này lặp đi lặp lại như một
điệp khúc xuyên suốt các Luật của Ngũ Kinh. Trải nghiệm về cuộc Xuất hành của
dân Israel là nền tảng cho đặc nét của nó, như được giải thích trong Torah, đã
có ở phần mở đầu của Mười điều răn (x. Ex 20, 2; Đnl 5, 6) và trong việc giáo
huấn trẻ em (x. Đnl 6, 20-25). Trải nghiệm tự do mang theo một cam kết.
Nỗi đau lưu đày và giấc mộng quê hương
Từ cuộc hành trình của Abraham
cho đến cái chết của Môsê, Ngũ Kinh hướng sự chú ý của chúng ta đến Đất Hứa mà
dân Israel cuối cùng đã đạt tới, dưới sự lãnh đạo của Giô-suê (x. St 12, 1; 13,
14-15; Đnl 34, 1- 4). Tuy nhiên, phần còn lại của lịch sử dân Chúa (Đệ nhị luật)
cho thấy việc mất đi chính vùng đất đó. Khoảng năm 720 TCN dân Israel của Vương
quốc phía Bắc bị người Assyri trục xuất đến Lưỡng Hà (x. 2 K 17), và số phận
tương tự cũng xảy đến với Giêrusalem và Giuđa vào khoảng năm 587 TCN dưới thời
Babylon (x. 2 K 25). Những người không bị bắt đi Babylon thì trốn sang Ai Cập
(x. 2 K 25, 26): đó là do sự chống lại di cư, bị Thiên Chúa ngăn cấm (x. Đnl
17, 16; Gr 42, 13-19) nhưng đã được Môsê báo trước (x. Đnl 26, 68). Đây là cách
mà câu chuyện kết thúc. Nguyên nhân của thảm họa, theo Đệ Nhị Luật, là do cơn thịnh
nộ của Thiên Chúa, suy cho cùng là vì lỗi của các Vua và dân chúng (x. 2 K 24,
20). Môsê đã thấy trước, trong những lời nguyền rủa tồi tệ nhất của mình, đó là
nỗi kinh hoàng của việc bị bao vây và trở thành khách lạ (x. Đnl 28, 48-68).
Tuy nhiên, trong những gì Môsê
nói, niềm hy vọng về tương lai được nói rõ: “Khi tất cả những điều ấy xảy đến cho anh (em), tức là lời chúc phúc và
lời nguyền rủa tôi đã đưa ra cho anh (em) chọn, anh (em) sẽ để tâm suy niệm những
điều ấy, giữa các dân tộc, nơi mà Ðức Chúa đã đuổi anh (em) đến; anh (em)
sẽ trở về cùng Ðức Chúa, Thiên Chúa của anh (em), anh (em) và con cái anh (em)
sẽ nghe tiếng Người, hết lòng hết dạ, theo mọi điều tôi truyền cho anh (em) hôm
nay. Ðức Chúa, Thiên Chúa của anh (em), sẽ đổi vận mạng anh (em), sẽ chạnh
lòng thương và sẽ lại tập trung anh (em) về từ mọi dân, từ nơi mà Ðức Chúa,
Thiên Chúa của anh (em), đã phân tán anh (em). Dù anh (em) có bị đuổi xa đến
tận chân trời, thì Ðức Chúa, Thiên Chúa của anh (em), cũng sẽ tập trung anh
(em) từ đó về, và từ đó Người sẽ đón anh (em)” (Đnl 30, 1-4). Sự lựa chọn
giữa sự sống và sự chết tùy thuộc vào việc tuân giữ Torah (x. Đnl 30, 15-20),
tuy nhiên, điều đó rất dễ quan sát vì nó gần gũi với các tín hữu, “ngay trong miệng, và trong lòng” (Đnl
30, 14). Kinh Torah do Môsê viết ra (x. Đnl 31, 9), trở thành lời sống động được
ghi nhớ trong lòng những người lưu vong và những người đã trở về Đất Hứa (x.
Đnl 32, 46).
Ai ca và sách của sự an ủi
Dù vậy, nỗi đau về sự tàn phá
Giêrusalem vẫn không bị lãng quên. “Bờ
sông Babylon, ta ra ngồi nức nở mà tưởng nhớ Sion” (Tv 137, 1). Sách Ai Ca
mô tả chi tiết nỗi đau bằng những bài thơ được sắp xếp theo thứ tự bảng chữ
cái. Đỉnh điểm của chúng là lời kêu cầu trong tuyệt vọng: “Xin đưa chúng con về với Ngài, lạy Ðức Chúa, để chúng con trở về. Xin đổi
mới cuộc đời chúng con cho được như thời xa xưa ấy. Hay Ngài đã thực sự ruồng rẫy
chúng con, đã giận chúng con hết mức rồi?” (Ac 5, 21-22).
Những vị ngôn sứ lớn đã bị ảnh hưởng
sâu sắc bởi sự lưu đày và trốn chạy. Ezekiel là một trong số những người bị lưu
đày tại Euphrates (x. Ez 1, 1-3). Giêrêmia đã biến mất giữa những người trốn
sang Ai Cập (x. Gr 43-44). Sách Ngôn sứ Isaia giống như được chia làm hai: một
loại vực thẳm mở ra giữa lời loan báo về cuộc lưu đày sắp xảy ra (x. Is 39) và
lời tiên báo về ngày giải thoát (x. Is 40). Có một nỗi đau không thể diễn tả được
đã mở ra những lời an ủi thắm thiết gợi nhớ đến những chủ đề nổi bật của cuộc
lưu đày. “Hãy an ủi, an ủi dân Ta: Hãy ngọt
ngào khuyên bảo Giê-ru-sa-lem, và hô lên cho Thành: thời phục dịch của Thành đã
mãn, tội của Thành đã đền xong, … Có tiếng kêu rằng: ‘Trong sa mạc, hãy mở một
con đường cho Ðức Chúa, giữa đồng hoang, hãy vạch một con lộ thẳng băng cho
Thiên Chúa chúng ta’” (Is 40, 1- 3). Kinh nghiệm của sự tù đày biến thành lời
kêu gọi tự do. “Ta là Ðức Chúa, Ta đã gọi
ngươi, vì muốn làm sáng tỏ đức công chính của Ta. Ta đã nắm tay ngươi, đã gìn
giữ ngươi và đặt làm giao ước với dân, làm ánh sáng chiếu soi muôn nước, để mở
mắt cho những ai mù loà, đưa ra khỏi tù những người bị giam giữ, dẫn ra khỏi ngục
những kẻ ngồi trong chốn tối tăm” (Is 42, 6-7).
Giêrêmia là người không ngừng
công bố và khai triển thảm họa lưu đày. Nhưng phần trọng tâm trong lời cáo buộc
phổ biến của ông chống lại dân Israel chứa đựng một đoạn an ủi (x. Gr 30-31),
đôi khi được miêu tả bằng hình ảnh nam giới, có khi bằng hình ảnh nữ giới: “Vậy hỡi tôi tớ Ta là Gia-cóp, đừng sợ, - sấm
ngôn của Ðức Chúa! Israel ơi, đừng khiếp kinh, vì, này Ta sẽ cứu và đưa ngươi
ra khỏi những miền xa xăm, đưa dòng dõi ngươi khỏi đất lưu đày. Gia-cóp sẽ trở
về và được yên ổn, không còn bị ai đe doạ nữa… Ta đã yêu ngươi bằng mối tình
muôn thuở, nên Ta vẫn dành cho ngươi lòng xót thương. Ta sẽ lại xây ngươi lên,
và ngươi sẽ được xây lại, hỡi trinh nữ Israel. Ngươi sẽ lại nên xinh đẹp; với
những chiếc trống cơm, ngươi sẽ xuất hiện giữa đám nhảy múa tưng bừng” (Gr
30, 10; 31, 3-4). Lời khẳng định của Giêrêmia về việc hồi hương lên đến đỉnh điểm
trong lời hứa về một “giao ước mới”
(Gr 31, 31) vốn được dùng để gọi Tân Ước.
“Con cáo có hang … Hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ”
Theo Thánh Matthêu, việc dân
Israel phải trốn sang Ai Cập và cuộc xuất hành được dội lại trong trình thuật
thời thơ ấu của Đức Giêsu thành Nazareth (x. Mt 2, 13-21). Chính Đức Giêsu, khi
bắt đầu sứ vụ, cũng là người không có nơi ở cố định. Chính tại sông Giođan –
nơi lục địa rạn nứt, điểm trung chuyển của con người và là nơi dân Israel tiến
vào Đất Hứa – Đức Giêsu đã lãnh nhận phép rửa (x. Mt 3, 13)[2].
Người trở thành một nhà giảng thuyết lưu động, không có hang như cáo, không có
tổ như chim (x. Mt 8, 20; Lc 9, 58). Các môn đệ cùng bôn ba khắp nơi với Người.
Khi còn tại thế, Đức Giêsu sai các ông đến các làng mạc và thành phố Palestine
(x. Mt 10; Lc 10). Sau khi sống lại, Đức Giêsu mở rộng sứ mạng của Người đến
toàn thế giới: “Vậy anh em hãy đi và làm
cho muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28, 19).
Những người thực hiện cuộc hành
trình này đều biết những nguy hiểm của lối sống lang thang: tư tưởng bài ngoại,
cướp bóc, đắm tàu (x. 2Cr 11, 25-27). Giáo hội sơ khai bắt đầu với những cuộc
hành trình truyền giáo, như sách Công vụ Tông đồ thuật lại. Không có gì ngạc
nhiên khi các tài liệu Kitô giáo sớm nhất là những bức thư, được viết theo những
điểm dừng của Phaolô, được thúc đẩy bởi sự quan tâm đến những người ở lại phía
sau. Sự ngoan cố lật đổ chính trị của những Kitô hữu, những người không chịu quỳ
gối trước tượng của các hoàng đế La Mã, buộc họ phải lưu vong một lần nữa. Đối
với những người không chạy trốn, có hy vọng về một cuộc hành trình cuối cùng:
đó là tiến về Giêrusalem trên trời (x. Kh 21-22).
Tất cả chúng ta đều là di dân, với cuốn Kinh thánh trong hành lý xách
tay
Tất cả chúng ta đều đến từ Châu
Phi. Bản chất của nhân loại đều là những người di cư: kể từ Sáng thế ký, chúng
ta luôn luôn chạy trốn. Adam bị đuổi khỏi vườn Địa đàng và vẫn luôn bồn chồn, bị
dày vò bởi việc phải đổ mồ hôi, và lo lắng. Trong lịch sử, cộng đồng người Do
Thái lưu vong và sứ mạng Kitô giáo gặp phải sự bành trướng của Hồi giáo với các
đoàn lữ hành, Con đường tơ lụa, thuộc địa, khám phá những thế giới mới. Lịch sử
tôn giáo gắn liền với lịch sử di chuyển của con người.
Thật là một sự tương phản rất lớn
giữa câu chuyện tràn đầy hy vọng về sự giải thoát qua Biển Đỏ và, trong thời đại
chúng ta, cuộc chạy trốn qua Địa Trung Hải, vốn đã trở thành câu chuyện thật khủng
khiếp. Đây là Địa Trung Hải mà kể từ thời Phoenicia đã kết nối Châu Phi, Châu Á
và Châu Âu trong một khu vực văn hóa duy nhất và cho phép Roma trở thành một đế
chế thế giới trên ba Châu lục. Bây giờ nó đã trở thành con hào phía trước Pháo
đài châu Âu. Huyền thoại sáng lập Do Thái giáo- Kitô giáo (Judeo-Christian) nhắc
nhở chúng ta về các đặc tính nền tảng của nó. Toàn bộ thế giới được giao phó để
bảo vệ tất cả nhân loại. Không có cách nào khác hơn là cùng nhau vun đắp kho
tàng bao la này.
Là những người di cư trên con đường
hướng về quê vĩnh cửu, chúng ta là khách trên Trái đất này. Trong hành lý của
mình, chúng ta mang theo Kinh thánh, nơi sự khôn ngoan được tích lũy qua hàng
nghìn năm, cùng với những cuốn sách tuyệt vời khác. Chỉ trên môi miệng và trong
tâm hồn chúng ta, Sách ấy mới có thể trở thành lời sự sống. Cách thế mà chúng
ta di chuyển, chúng ta là khách, và chúng ta tiếp cận với những người di cư
khác cho thấy thái độ của chúng ta trước nguồn gốc và đích đến mầu nhiệm của
mình.
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: godgossip.org
(06. 02. 2023)