KINH NGHIỆM VỀ THIÊN CHÚA HAY CHỈ LÀ GẶP GỠ
CHÍNH MÌNH?[1]
Lm.
Mỹ Sơn, Gp. Long Xuyên
WGPLX (30.08.2023) - Chúng
ta tạm dừng “Những suy nghĩ tản mạn về đời sống và tác vụ linh mục”. Vào dịp
thuận tiện, chúng ta sẽ quay trở lại. Ở đây, xin giới thiệu bài của cha Anselm
Grun về sự phân định giữa kinh nghiệm gặp gỡ Thiên Chúa và sự gặp gỡ chính mình
được phản chiếu qua hình ảnh Thiên Chúa mà ta tưởng là đã gặp. Sự phân định này
rất cần cho đời sống thiêng liêng và hoạt động tông đồ của mọi người, đặc biệt
là các linh mục trong các hoạt động mục vụ.
Chúng ta chỉ có thể có kinh nghiệm về Thiên Chúa trong lòng thế giới
chúng ta đang sống. Thần học nói rằng, chúng ta chỉ gặp Người trong nội tại, chứ
không bao giờ trong tính siêu việt tuyệt đối của Người. Vì thế, khi chúng ta trải
qua một kinh nghiệm về Thiên Chúa, thì kinh nghiệm đó luôn bao gồm sự trộn lẫn
giữa những hình ảnh, những khát vọng, những ước mơ, những ham muốn, những biểu
thị của chúng ta về Thiên Chúa và thực tại siêu việt của Người. Chúng ta có thể
tự hỏi cái mà chúng ta gọi là kinh nghiệm về Thiên Chúa đơn giản không phải là
những gì của riêng chúng ta được phản chiếu lên Người sao. Tuy nhiên, vẫn có một
kinh nghiệm đích thực về Thiên Chúa, trong đó, chính Người nói với chúng ta,
trong đó, sự hiện diện của Người hiển nhiên đối với chúng ta, trong đó, tự đáy
sâu tâm hồn, chúng ta biết rằng, chúng ta gặp gỡ chính Thiên Chúa.
Ngôn sứ Êlia, một bài học về sự gặp gỡ Thiên Chúa đích thực
Kinh nghiệm của Êlia ở núi Horeb là một ví dụ tuyệt vời về sự hoà trộn
chặt chẽ giữa một kinh nghiệm gặp gỡ Thiên Chúa với cấu trúc tâm lý của con người.
Khi lửa từ trời xuống thiêu cháy của lễ hi sinh, Êlia đã cho bắt giữ và
giết chết 450 thầy sãi Baal. Đó có phải là ý Chúa không? Hay chỉ là tính hung
hăng của ông phản chiếu qua ý Chúa? Ai cũng nghĩ rằng sau chiến thắng oai hùng
đó, Êlia đạt tới đỉnh cao của thành công và vinh quang. Nhưng điều hoàn toàn
trái ngược lại xảy đến. Ông lâm vào hoàn cảnh thất vọng, tinh thần xuống dốc. Ông
đã lẫn lộn giữa ý Chúa và ý riêng. Chẳng mấy chốc, ông hiểu rằng mình
đã sai lầm, đã lạc hướng. Ông cảm thấy mình bị Thiên Chúa bỏ rơi, mặc kệ sống
chết của ông. Ông không thể có một suy nghĩ, một cái nhìn tích cực về Chúa nữa:
“Bây giờ, thì quá đủ rồi, Chúa ơi! Xin cho con chết cho rồi vì con không hơn gì
cha ông của con”. (1V 19,4). Chúa lại dạy bảo ông, cho ông biết thế nào là gặp
gỡ Thiên Chúa cách đích thực. Ngài cho thiên thần đến giúp ông mạnh sức để đi đến
núi của Chúa là Horeb. Đó là nơi ông sẽ gặp gỡ Ngài.
1. Trước hết, một cơn bão mạnh, xẻ núi non ập tới, nhưng Chúa không ở
trong cơn bão (1V 19,10)
Cơn bão tượng trưng cho lòng nhiệt thành. Thiên Chúa có thể hoàn toàn chiếm hữu một người
và làm bùng phát nơi người đó một trận bão của nhiệt tâm. Nhưng nếu người đó lẫn
lộn Chúa với những cảm xúc của mình thì chẳng bao lâu, sẽ nhận ra rằng Ngài đã
không còn ở với mình nữa, mà đã rời đi nơi khác. Khi đồng hoá Chúa với những cảm
xúc của mình, chúng ta đã sử dụng Chúa như một thứ thuốc phiện để tôn mình lên
trên hết mọi sự. Khi đó, chúng ta không thực sự gặp gỡ Chúa mà là gặp lại chính
những cảm xúc, những ảo tưởng của chúng ta. Hậu quả là chúng ta vẫn khép kín
vào chính mình.
Những biểu thị Êlia có về Thiên Chúa không phải là sai lạc, chúng vẫn là
thành phần của sự thật, nhưng chúng chỉ đơn phương, một chiều; và khi chúng ta
gắn chặt Thiên Chúa vào một hình ảnh nào đó mà thôi, hình ảnh đó luôn đáng sợ[2].
2. Sau cơn bão là một trận động đất, nhưng Chúa không ở trong trận động
đất (1V 19,11)
Trận động đất tượng trưng cho việc coi Chúa là một thầy ma thuật, có thể
làm được mọi sự. Chỉ cần
tin tưởng vững chắc vào Thiên Chúa, thế là có thể chiến thắng mọi định luật tự
nhiên. Ngài sẽ chữa lành mọi chứng bệnh nan y. Sức mạnh của Thần Khí Ngài sẽ
lay chuyển mọi tâm hồn, giúp họ thây đổi hoàn toàn như một trận động đất biến đổi
tất cả.
Sau khi tham dự một lễ nghi tôn giáo, một tuần tĩnh tâm đặc biệt cách hết
sức tích cực, sống động, bỗng ta thấy mình hoàn toàn thay đổi, thoát khỏi sự lệ
thuộc vào rượu chè hay cờ bạc… Ta coi đây là phép lạ Chúa làm. Nhưng có thực
đúng như vậy không? Vì đôi khi sự lệ thuộc này lại được thay thế bởi một sự lệ
thuộc khác. Ví dụ, một người được giải thoát khỏi tật nghiện rượu; từ đó trở
đi, anh hết sức tin tưởng vào Chúa. Anh siêng năng tham dự hết lễ nghi ngày đến
lễ nghi khác, và nuôi dưỡng ý định hoán cải mọi người xung quanh để họ biết “trận
động đất” mà Chúa đã thực hiện nơi anh.
Người này không biết rằng minh chỉ đang đi tìm quyền lực, sự
nhìn nhận và uy tín, được phản chiếu qua Thiên Chúa mà anh cho rằng
mình đã gặp gỡ, chứ không phải là một kinh nghiệm gặp gỡ Thiên Chúa đích thực;
vì Chúa không ở trong “trận động đất” của sự hoán cải dữ dội nơi anh; và dù anh
không ngừng nói về Chúa, thì Chúa cũng không ở trong dòng chảy của những lời từ
miệng anh tuôn ra.
3. Sau trận động đất là lửa. Chúa cũng không ở trong lửa
Lửa là một biểu tượng rất phong phú. Lửa có thể tượng trưng cho
đam mê, cho tình dục và cho bản năng. Trong khi nước vọt lên từ mặt đất
thì lửa lại từ trời rơi xuống. Lửa có thể tượng trưng cho cơn giận của
Thiên Chúa khi thiêu huỷ hai thành tràn ngập tội lỗi là Sôđôma và
Gômôra.
Lửa cũng có thể tượng trưng cho tình yêu của Thiên Chúa. Tình yêu ấy thiêu huỷ hết những tội lỗi,
những yếu đuối, những dơ nhớp trong tâm hồn chúng ta, biến đổi chúng ta thành một
người hoàn hảo.
Có những người nghĩ rằng một khi đã gặp gỡ Chúa, tự khắc Ngài sẽ loại bỏ
mọi khía cạnh tối tăm nơi mình. Điều đó không đúng. Chúng ta phải biết rằng là
người phàm, chúng ta luôn có những thiếu sót và yếu đuối. Hình ảnh bụi gai ông
Môsê gặp cho chúng ta thấy rõ điều đó. Bụi gai bốc cháy mà lửa không làm cho nó
bị thiêu rụi. Nó vẫn khô khốc, với những cành trơ trụi, vô giá trị. Bụi gai đó
là hình ảnh của những gì vô ích, hư hỏng, khô khan nơi mỗi người chúng ta.
Thiên Chúa có thể tỏ lộ trong lửa, nhưng không phải là lửa mà Êlia đã thấy vì
chính ông đã thất vọng, cạn kiệt sức lực trong lửa là tính hung hăng của ông.
Ông đã nghĩ mình có thể dùng lửa thiêu huỷ mọi kẻ thù. Nhưng không như ông muốn,
thay vào đó là hoàng hậu Giêzabel, người có thể huỷ diệt ông.
Vì lòng nhiệt thành với Thiên Chúa, mà một người nào đó, có tính hung
hăng, muốn chống lại phần bóng tối của mình, và chống lại người khác, thì chỉ
đánh thức nơi bản thân và nơi người khác một sự hung hăng còn dữ dội hơn nữa.
Êlia đã không gặp gỡ Thiên Chúa trong cuộc chiến của ông chống lại các thầy sãi
Baal. Đúng ra, trước hết, ông phải đi gặp một Thiên Chúa đích thực trong sa mạc.
Chỉ vào lúc ấy, ông mới được biến đổi và thanh tẩy để nhận biết chính mình một
cách chân thực. Giờ đây, sau cuộc hành trình trong sa mạc đến núi Horeb, ông mới
trải qua kinh nghiệm gặp gỡ Thiên Chúa thực sự; để rồi, một lần nữa, ông lại vượt
qua sa mạc, trở về Đamas hoàn thành sứ mạng của ông giữa mọi người.
4. Kinh nghiệm gặp gỡ Thiên Chúa trong thinh lặng
Sau lửa là một cơn gió hiu hiu. Vừa nghe tiếng gió, Êlia lấy áo choàng
che mặt, đi ra và đứng ở cửa hang (1V 19,12).
Trong tiếng động nhẹ của làn gió hiu hiu, trong tiếng thầm thì của một
giọng nói giữa bầu khí thinh lặng, Êlia gặp gỡ Thiên Chúa. Chính Chúa là làn
gió nhẹ này. Qua làn gió nhẹ, Ngài tới gặp Êlia, nhưng ông không nắm giữ được
Ngài, ông đã lấy áo choàng che mặt. Ông không dám gắn chặt Chúa bằng đôi mắt của
mình; trái lại, ông phải nhắm mắt để hoàn toàn ý thức về mình. Ông
biết rằng chính Chúa đụng chạm đến ông qua làn gió nhẹ. Và về một Thiên Chúa dịu
dàng như thế, ông không thể có một hình ảnh chắc chắn nào về Ngài, ông chỉ có
thể cởi mở hết lòng để đón nhận những gì ông cảm thấy.
Với áo choàng che phủ khuôn mặt và cả thân thể, trong thinh lặng
tuyệt đối, không một chút phân tâm, ông ý thức trọn vẹn về mình, về những
gì cảm nhận được, về những gì ông lắng nghe. Tuy gặp gỡ Chúa đó, nhưng
Ngài vẫn ở trong bóng tối, không thể nhìn thấy và cũng không thể diễn tả được.
Chúng ta không thể chắc chắn diễn tả trọn vẹn về Thiên Chúa mà Êlia gặp
gỡ. Ở đây, chúng ta chỉ có thể nêu ra cách Chúa tỏ lộ cho Êlia. Đây
là một tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá một gặp gỡ đích thực
với Thiên Chúa, một gặp gỡ diễn ra trong thinh lặng và chúng ta chỉ có thể rụt
rè nói về nó.
Ai quá vội vàng cho người khác biết về kinh nghiệm gặp gỡ Chúa của
mình, thường người đó đã dùng Chúa để phô trương. Êlia không thấy mình có nhu cầu
phải khoe khoang về cuộc gặp gỡ này. Ông đã học được một bài học từ trường học
của Chúa. Đối với ông, rõ ràng là Chúa không đến gặp ông ở nơi ông chờ đợi
Ngài, nhưng ở trong tiếng thì thầm không thể cảm nhận được, cũng như không thể
diễn tả được của cơn gió hiu hiu.
Truyền thống linh đạo rất coi trọng kinh nghiệm của Êlia. Truyền thống
đó coi thinh lặng là nơi tuyệt hảo để gặp gỡ Chúa. Thinh lặng không chỉ
làm cho những hỗn loạn trong tâm hồn tan biến, và thinh lặng không chỉ giúp ta
thoát khỏi những lo lắng, những thăng trầm của đời ta, mà còn giúp ta ngừng suy
tư về Thiên Chúa. Chỉ như vậy, ta mới có thể gặp gỡ Chúa. Nếu không, ta vẫn bị
gắn chặt vào những tư tưởng, những hình ảnh định sẵn về Ngài.
Eckhart, một bậc thầy về linh đạo, đã nhận ra điều này nơi các đan sĩ đầu
tiên của Giáo hội. Theo ông, thinh lặng là hành vi cao quí nhất của con
người. Ở trọng tâm của thinh lặng; nơi mà không bao giờ có một tư tưởng
nào tới được; nơi mà chúng ta ngừng suy nghĩ và ngừng soạn thảo những chương
trình, những dự định; nơi mà chúng ta không còn nghĩ đến người khác để xét đoán
họ; nơi mà chúng ta ngừng, không còn cho mình là quan trọng; chính ở nơi đó,
Chúa sẽ sinh ra và ở với chúng ta.
Và rồi, chính trong gặp gỡ Thiên Chúa đích thực này, tôi có kinh nghiệm
về cái TÔI đích thực của mình, vì Chúa giải thoăt tôi khỏi những hình ảnh về
mình mà chính tôi đã vẽ ra. Ngài cho tôi biết hình ảnh không méo mó mà Ngài có
về tôi, một hình ảnh chân thực, giải thoát tôi khỏi sự cần thiết phải chứng
mình, phải biện hộ, phải giải thích cho mình. Như Êlia, tôi có thể che dấu mặt
tôi trong Chúa. Tôi không còn nhu cầu phải biểu lộ mình cho người khác, cũng
không cần giải thích tính đích thực của kinh nghiệm gặp gỡ Thiên Chúa của mình.
Tôi tự che dấu để Thiên Chúa có thể biểu lộ nơi tôi. Tôi tự ẩn giấu mình trước
người khác và trước những tư tưởng riêng của mình, để Thiên Chúa giúp tôi tham
dự vào đời sống ẩn dấu của Ngài.
Tự vấn
Từ những suy tư trên của Anselm Grunt về kinh nghiệm gặp gỡ Thiên Chúa
đích thực, anh em linh mục chúng ta hãy cố gắng suy nghĩ và xét mình về những
điểm sau đây:
1. Hàng ngày, tôi có ưu tiên dành những giờ thinh lặng để cầu nguyện
riêng không?
2. Linh mục là thầy dạy về đời sống thiêng liêng, vậy có bao giờ
tôi gặp gỡ Thiên Chúa cách đích thực chưa? Nếu gặp rồi thì ở đâu, lúc nào, cách
nào? Nếu chưa, thì tại sao?
3. Từ những gặp gỡ Chúa, tôi có biết về mình một cách thẳng thắn,
trung thực với những thiếu sót, những tội lỗi, những ảo tưởng … không?
4. Những hoạt động mục vụ của tôi có thực sự làm theo ý Chúa để phục vụ,
yêu thương hết mình như Chúa Giêsu, vị Mục tử nhân lành chưa? Hay tôi thường sử
dụng Chúa như một cách để thoả mãn ý riêng là tỏ lộ quyền hành, là thuận lợi
cho tôi vì lười biếng, vì muốn thoải mái, thảnh thơi, tự do cho
mình?
Những câu hỏi khác…
Nguồn: giaophanlongxuyen.org (30.08.2023)
[2] Ví dụ,
chúng ta chỉ gắn chặt Chúa vào hình ảnh một Thiên Chúa công minh, trừng phạt
đích đáng tội nhân theo lẽ công bình, thì chúng ta đã làm méo mó hình ảnh về
Thiên Chúa, Thiên Chúa trở nên một người đáng ghê sợ, mà quên Chúa còn là Đấng
giầu lòng thương xót, chậm bất bình và hết mực khoan dung. (giải thích của người
dịch).