KINH NGHIỆM SỐNG ĐỨC TIN,
ĐỔI MỚI ĐỜI SỐNG
TỪ TIẾN TRÌNH THỈNH Ý HIỆP HÀNH

Lm. Giuse Nguyễn Ngọc Ngoạn,
Giáo phận Hưng Hóa

WHĐ (17.02.2023) - Theo lời mời gọi của Đức thánh cha Phanxicô, từ ngày 17.10.2021 cho đến nay, các giáo phận đã cùng nhau cử hành Thượng Hội đồng Giám mục thế giới lần thứ XVI ở cấp độ giáo phận.

Tại Giáo phận Hưng Hóa, tiến trình hiệp hành dựa trên các tài liệu hướng dẫn của Thượng Hội đồng và khai triển theo các bước như được hướng dẫn và ngày 17.7.2022, giáo phận đã có bản đúc kết để gửi về Hội đồng Giám mục Việt Nam.

Qua các bản báo cáo của các giáo hạt gửi về, đại đa số người giáo dân hăng say dấn thân, tham gia, lắng nghe nhau, cùng nhau tìm ra ánh sáng của Chúa Thánh Thần trên mọi nẻo đường đời, để đem lại một sức sống mới cho Giáo hội. Có người ví Thượng Hội đồng Giám mục lần này như là một mùa xuân mới trong Thiên niên kỷ thứ III của Giáo hội từ sau Công đồng Vaticanô II. Nhiều người cũng làm chứng rằng khi trải nghiệm hình thức lắng nghe lẫn nhau, họ hiểu ra rằng sự thay đổi cách sống trong Giáo hội, trước hết là sự thay đổi cá nhân mà mỗi người và mọi người đã lãnh nhận Bí tích Thánh tẩy đều được mời gọi. Hướng đến một Giáo hội hiệp hành: Hiệp thông, Tham gia và Sứ vụ, mọi thành phần trong Giáo hội được mời gọi trở nên “dấu chỉ và khí cụ” của sự hiệp thông với Thiên Chúa và hiệp nhất với nhân loại, bằng cách “cùng bước đi với nhau” trên con đường sứ mạng và lắng nghe Chúa Thánh Thần mời gọi hoán cải để đổi mới.

Trong tinh thần đó, người viết xin được ghi lại một vài kinh nghiệm sống đức tin, được đổi mới đời sống của anh chị em giáo dân đang sinh hoạt trong các Giới và Hội đoàn đã chia sẻ trong các buổi gặp mặt sau các buổi thỉnh ý hiệp hành (Vì những lý do khác nhau, những người chia sẻ không muốn nên tên trong bài viết).


1. “Ý thức sống linh đạo giáo dân trong môi trường nghề nghiệp”

2. “Qua lao động, tôi giới thiệu Chúa cho người khác” 2

3. “Trả lời không với hối lộ” 3

4. “Thay đổi cách truyền thông về dân số và kế hoạch gia đình” 3

5. “Sống tinh thần hiệp hành với đồng nghiệp tại trường học” 4

Kết luận


1. “Ý thức sống linh đạo giáo dân trong môi trường nghề nghiệp”

Trong tất cả các buổi thỉnh ý hiệp hành người viết được tham dự, mọi người đều khiêm tốn nhìn nhận đó là có tình trạng “tách biệt” giữa đời sống cầu nguyện, tham dự các cử hành Phụng vụ, cử hành hay lãnh nhận các Bí tích với đời sống thường ngày, chuyện làm ăn, sản xuất hay kinh doanh buôn bán… Không chỉ tách biệt mà nhiều khi lại có sự đối nghịch giữa chúng. Nói nôm na là sinh hoạt đạo một đàng nhưng lại bon chen chuyện đời một nẻo. Với người giáo dân thì “lễ lạc, kinh kệ” vẫn giữ nhưng về với đời sống thường nhật, người ta sao thì tôi vậy, thế thôi!

Qua việc lắng nghe nhau, lắng nghe tiếng Chúa và phân định, mọi người ý thức được rằng, sự kiện Đức Kitô Nhập Thể không phải là biến cố xảy ra một lần là xong, nhưng vẫn còn tiếp tục kéo dài một cách mầu nhiệm trong đời sống hằng ngày của người tín hữu. Đó là một cách hiểu về ơn gọi Kitô hữu, là một thái độ sống cần có đối với ơn gọi Kitô hữu; vì trong ơn gọi đó, con người được mời gọi nhập cuộc vào trong môi trường xã hội của mình, y như Đức Kitô đã làm. Bởi vậy, linh đạo Nhập Thể là nét chính của linh đạo giáo dân, là linh đạo hiện diện để gây ảnh hưởng. Người giáo dân phải biết đánh giá tích cực về thế giới, dấn thân vào thế giới để thánh hóa và cứu độ nó. Một trong những đặc điểm riêng của linh đạo giáo dân là nó có liên hệ với cuộc sống hằng ngày, nghĩa là có liên hệ cụ thể với đời sống gia đình và nghề nghiệp, thời gian rảnh rỗi, hội họp, những cuộc điện thoại, mỗi lần truy cập internet, v.v... Đời sống vốn được hình thành do nhiều thực tại và với cả một mạng lưới liên nhân quả dày đặc.

Chính những tương quan cụ thể đó mà người giáo dân đáp lại tiếng gọi của Chúa, với thái độ cầu nguyện và tôn kính, nhờ đó họ nhận ra được Đấng Tạo Hóa và Thiên Chúa sự sống đang hiện diện đằng sau mỗi thực tại trần thế. Chỉ bằng cách này, người giáo dân mới có thể tránh được tình trạng phân đôi giữa đức tin và cuộc sống.

2. “Qua lao động, tôi giới thiệu Chúa cho người khác”

(Chia sẻ của một anh công nhân ngành điện lực là thành viên của Giới Doanh trí)

Tôi luôn ý thức chu toàn công việc của mình ở công ty thật nghiêm túc. Tôi không muốn xem công ăn việc làm chỉ như một cách nuôi sống tôi và gia đình. Dù làm cho một công ty điện lực nhà nước, tôi coi đó như một công việc để qua lao động, tôi giới thiệu Chúa cho người khác (Công ty của tôi có một mình tôi là người Công giáo).

Đâu là động lực thúc đẩy tôi làm vậy? Động lực ấy đã ăn sâu vào tận cá tính và nhân cách của tôi. Tôi có thể quả quyết: theo tôi, lao động là một cách thực thi đức công bình. Tôi lao động hết khả năng của mình, như đức công bình đòi hỏi. Một vài bạn đồng nghiệp nói rằng họ không tài nào hiểu được vì sao tôi lại dấn thân và thiết tha với công ty như thế. Một vài người lại cho rằng chắc chắn là vì một tham vọng nào đó mà tôi sống như thế. Tôi cảm thấy mình phải không ngừng nỗ lực để đáp lại tiếng gọi Kitô hữu nơi mình. Nền giáo dục tôn giáo trong gia đình mà tôi đã nhận được đã góp phần rất nhiều để thúc đẩy tôi sống như thế.

Hơn nữa, những tâm tình và thái độ ấy càng thêm mạnh hơn khi tôi tham dự các buổi thỉnh ý hiệp hành tại giáo xứ. Qua các buổi hiệp hành, tôi hiểu biết sâu sắc hơn sứ mạng của tôi là một giáo dân được Chúa sai đến và được Giáo hội ủy thác. Niềm xác tín sâu sắc này trở nên phong phú, sâu đậm và tự do hơn vì ngoài việc giúp tôi lao động tốt hơn, nó còn mở cho tôi một con đường loan báo Tin Mừng. Nếu lao động với tinh thần trách nhiệm cùng với đức công bình, sự hiền hòa và lòng yêu thương người khác, tôi có thể làm cho Nước Chúa và các giá trị của Tin Mừng được lan tỏa. Và như vậy, qua lao động tôi sẽ luôn có cơ hội để đẩy mạnh đức công bình và lòng yêu mến người lân cận. Tuy nhiên, cũng cần phải nói thẳng thắn rằng, tôi cũng phải trả giá cho lựa chọn sống theo Tin Mừng của mình. Những điều đó bắt tôi luôn phải cầu nguyện, suy nghĩ và lượng giá lại mỗi ngày. Điều này không dễ cho lắm.

3. “Trả lời không với hối lộ”

(Chia sẻ của một chị chủ cửa hàng bán quần áo cao cấp)

Ai cũng ủng hộ chuyện doanh nghiệp và người làm ăn buôn bán không đưa hối lộ cho nhân viên chính quyền. Chẳng ai muốn bỏ tiền ra để làm chuyện đó cả, nhưng vì sao họ vẫn phải làm? Một câu hỏi khác: Nếu không hối lộ, không đút lót cho nhân viên chính quyền thì công việc buôn bán có chạy, có xuôi hay không?

Để vượt qua được điều này thật là một thách đố.

Tôi đã cố ý chọn nghề kinh doanh để vừa làm cho nghề ấy trở nên lương thiện hơn vừa để đề cao giáo huấn xã hội của Giáo hội Công giáo. Đó là lý do khiến tôi quyết định trở thành một người kinh doanh chuyên nghiệp. Lần đầu tiên, khi đến khai thuế thu nhập, một nhân viên thuế thẳng thừng yêu cầu tôi hối lộ. Nhân viên này còn cảnh cáo nếu tôi không đưa tiền, mức thuế của tôi sẽ tăng vào kỳ tới. Tôi đã không theo lời gợi ý của nhân viên này. Thay vì đưa tiền hối lộ, tôi có một cử chỉ thân thiện, đó là mời nhân viên này ăn trưa với tôi. Nhưng cử chỉ này không giúp tôi được đối xử công bằng trong vấn đề thuế thu nhập sau đó.

Có những lúc tôi mệt mỏi, muốn làm như người ta để được nhẹ nhàng hơn, và được đối xử tốt hơn trong vấn đề thuế khóa nhưng các buổi thỉnh ý hiệp hành giúp tôi ý thức: Là một người Kitô hữu đã lãnh nhận Bí tích Thánh tẩy, tôi luôn xác tín rằng: “Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình. Theo hình ảnh của Thiên Chúa, Ngài đã sáng tạo nên con người” (St 1,27). Tôi quyết tâm chọn cuộc sống Đức tin để làm chứng cho Tin Mừng. Vì chọn lựa này tôi luôn phải cố gắng để thắng vượt cám dỗ hối lộ cho dù cửa hàng của tôi luôn gặp khó khăn với nhân viên thuế và quản lý thị trường. Nhưng bù lại tôi thấy vui vì mình đã làm chứng cho Chúa qua việc sống các giá trị Tin Mừng. Và tôi cũng có một quyết tâm, cố gắng tối thiểu dành 1% thu nhập của mình cho việc phục vụ Thiên Chúa. Tôi hy vọng một chút ít ỏi này có thể góp cùng bao người khác để thành nguồn kinh phí lớn tạo phương tiện cho công cuộc Loan báo Tin Mừng của Giáo hội.

4. “Thay đổi cách truyền thông về dân số và kế hoạch gia đình”

(Chia sẻ của một chị người dân tộc H’Mông làm cộng tác viên chương trình dân số và kế hoạch gia đình tại một xã vùng cao miền Tây Bắc)

Tôi may mắn được học hết lớp 12 và sau khi lập gia đình, tôi được mời làm cộng tác viên dân số và kế hoạch gia đình tại địa phương. Công tác của tôi là vận động và giúp chị em trong độ tuổi sinh sản áp dụng các biện pháp ngừa thai nhân tạo để không sinh nhiều con và nếu có ai có thai ngoài ý muốn thì giúp cho họ đến trạm xá để phá thai. Trước đây tôi vẫn biết điều đó là không được đối với người Công giáo, nhưng tôi không thể từ chối khi được vận động tham gia.

Tại các buổi thỉnh ý hiệp hành trong giáo xứ, tôi được nghe các chị em trong bản chia sẻ về những lo âu, về mặc cảm tội lỗi và các áp lực tâm lý khi áp dụng các phương pháp ngừa thai nhân tạo, đặc biệt là phá thai. Tại đây, tôi và các chị em cũng được người hướng dẫn chia sẻ về giáo lý của Giáo hội Công giáo về điều hòa sinh sản, về phá thai, về việc chăm sóc sức khỏe cho trẻ em, về các mối tương quan trong gia đình.

Dần dần, tôi cảm nhận có một sự thay đổi gì đó trong tâm hồn của mình. Tôi chấp nhận phương pháp điều hòa sinh sản thuận theo tự nhiên vì tôi ý thức giá trị và địa vị của tôi là một phụ nữ, trong gia đình cũng như ngoài xã hội. Tôi biết “thân xác tôi là đền thờ Thiên Chúa” nên tôi không được hủy hoại hay làm cho thân xác mình bị tổn thương. Tôi ý thức tôi đang sống và nhận ra mình thật hạnh phúc, một người phụ nữ hạnh phúc trong gia đình, trong xã hội và trong công việc. Tôi cảm nhận, tình yêu vợ chồng chúng tôi càng ngày càng sâu đậm hơn.

Tôi tiếp tục làm công tác dân số và kế hoạch gia đình tại địa phương, nhưng sẽ làm theo sự hướng dẫn của Giáo hội.

Tôi biết hầu hết phụ nữ H’Mông rất sợ việc phá thai. Họ không thích phá thai dù bất đắc dĩ phải làm việc này vì điều kiện kinh tế xã hội. Họ biết và tin rằng mình sẽ bị Chúa hay Ông Trời trừng phạt, và đối với Chúa hay Ông Trời đó là một tội nặng.

Và hơn nữa, tất cả mọi người đều chung một niềm tin: Con người là hình ảnh Thiên Chúa. Suy nghĩ như vậy, tôi không thể giúp hoặc vận động người khác phá thai. Về phương diện này, tôi có thể đưa ra một ví dụ. Tại nơi sinh sống, có một bà hay giúp các phụ nữ phá thai bằng một thứ lá cây lấy ở rừng. Tôi giải thích cho bà biết giết một trẻ sơ sinh chưa sinh ra là một tội nặng. Bà hiểu và thôi không giúp các phụ nữ muốn phá thai nữa.

Các chị em trong bản dù là Công giáo, Tin Lành hay không tôn giáo dần dần chấp nhận phương pháp điều hòa sinh sản thuận theo tự nhiên, họ sung sướng biết phương pháp ấy không có hại gì tới sức khỏe của họ. Họ cho rằng mình không được làm gì sai trái đối với thân xác mình vì họ sẽ chịu trách nhiệm trước Chúa hay Ông Trời.

Tôi xin Chúa giúp tôi, để tôi kiên trì sống theo sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần. Tôi cũng xin Chúa giúp các chị em mà tôi gặp gỡ can đảm sống theo giáo huấn của Chúa và Giáo hội trong việc chăm sóc sức khỏe sinh sản.

5. “Sống tinh thần hiệp hành với đồng nghiệp tại trường học”

(Chia sẻ của một nữ giáo viên, là thành viên của Cộng đoàn Khôi Bình)

Hiệp hành: Hiệp thông, tham gia và sứ vụ; một cách nào đó, trong quá khứ tôi đã từng sống hiệp hành rồi nhưng nó còn hời hợt, còn bó hẹp trong môi trường giáo xứ mà thôi. Qua việc học hỏi về tinh thần của Thượng Hội đồng Giám mục lần này và tham dự các buổi thỉnh ý hiệp hành tại giáo xứ và Gia đình Khôi Bình, tôi được Chúa Thánh Thần thúc đẩy phải thay đổi mình để tập sống hiệp hành với anh chị em đồng nghiệp nơi tôi đang giảng dạy, một môi trường làm việc khá phức tạp, từ lứa tuổi cho tới quan điểm sống khác nhau, và đặc biệt là ở đây có tới 2/3 đồng nghiệp là người ngoài Công giáo.

Để sống hiệp hành nơi cơ quan, tôi bắt đầu tập thay đổi lối sống của mình, tập để khiêm tốn hơn, để lắng nghe hơn, để thấu cảm cho hoàn cảnh của từng người và muốn đồng hành cùng mọi người cho dù họ là lương hay giáo; đặc biệt với những đồng nghiệp trước đây tôi không ưa họ, hoặc họ không ưa tôi, tôi cố gắng cải thiện mối tương quan với họ sao cho tích cực hơn. Và dường như đã có sự biến đổi lạ kỳ. Tôi thấy họ không còn giữ những thái độ không tích cực đối với tôi, bầu khí giữa chúng tôi chan hòa yêu thương hơn.

Trước đây, tôi vẫn nghĩ rằng việc loan báo Tin Mừng là của các giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ. Trong các buổi thỉnh ý hiệp hành, mọi thành phần dân Chúa trong đó có tôi đều được nhắc nhớ bổn phận phải loan báo Tin Mừng. Nhà trường nơi tôi đang làm việc chính là cánh đồng lúa mà Chúa gửi tôi đến làm thợ gặt trong cánh đồng của Chúa. Chỉ nghĩ thế thôi, tôi đã lo sợ. Tuy nhiên, với ơn Chúa, với lời cầu nguyện và sự khuyến khích của anh chị em trong Gia đình Khôi Bình, tôi thật sự muốn thử sức mình với cánh đồng truyền giáo này bằng cách:

Thay vì những cuộc gặp gỡ theo kiểu túm năm, tụm ba để nói hành nói xấu người khác, đánh giá người này, xét đoán người kia thì nay tôi gặp gỡ đồng nghiệp trong tình hiệp thông chia sẻ những điều tốt đẹp, tôi cố gắng giảm bớt đi sự ganh đua, ghen ghét, nếu thấy người này, người kia có những thái độ khó chịu thì tôi nhịn đi một chút để cầu nguyện cho mình và cho họ.

Thay vì hiếu thắng trong tranh cãi cho đến cùng khi có những khác biệt về quan điểm với đồng nghiệp, tôi học cách khiêm tốn để lắng nghe…

Thay vì lối sống a dua, bè phái, sống theo kiểu “lục bình theo nước”, nay tôi biết tập phân định để nhận ra Thánh ý Chúa trong hoàn cảnh cụ thể.

Nhờ được nghe những kinh nghiệm sống đức tin trong các buổi thỉnh ý hiệp hành, được ơn Chúa biến đổi, được Chúa Thánh Thần thúc đẩy mà tôi sống chan hòa với đồng nghiệp và đổi lại, mọi người cũng sống rất thân tình với tôi hơn.

Hiệp hành là một cơn gió mát tưởng rằng chỉ thoảng qua thôi, nhưng nhờ ơn Chúa nó đã ở lại và giúp tôi trau dồi đời sống đức tin, biến đổi con người tôi, giúp tôi sống đời sống của người Kitô hữu ngay trong môi trường làm việc.

Kết luận

Những kinh nghiệm đức tin sống hiệp hành trên đây cho chúng ta hiểu được ý nghĩa và giá trị to lớn của tiến trình hiệp hành trong Giáo hội đang thực hiện. Chắc chắn sẽ có nhiều và còn nhiều những kinh nghiệm đức tin như thế mà người viết chưa thể cập nhật hoặc chưa có cơ hội được lắng nghe. Nhưng qua một vài kinh nghiệm trên đây, chúng ta hiểu và biết thêm rằng, Hiệp Hành là một lối sống phong phú trong Giáo hội, Hiệp Hành mang đến một luồng gió mới không chỉ cho đời sống Giáo hội nhưng cách cụ thể cho mỗi thành viên trong Giáo hội. Hiệp Hành không còn ở trên mặt giấy nhưng là một hình thức cụ thể đi sâu vào đời sống của người giáo dân và có sức biến đổi tâm hồn họ.

Giai đoạn cấp giáo phận của Thượng Hội đồng đã kết thúc, nhưng sự biến đổi trong đời sống đức tin qua các buổi thỉnh ý hiệp hành vẫn còn tiếp diễn. Vì vậy, mỗi người chúng ta được mời gọi tiếp tục hành trình quan trọng này để trở nên “dấu chỉ và khí cụ” của sự hiệp thông với Thiên Chúa và hiệp nhất với toàn thể nhân loại, bằng cách “cùng bước đi với nhau” trên con đường sứ mạng. Chúng ta tin tưởng rằng: Thiên Chúa sẽ ban muôn vàn ân sủng của Ngài để chúng ta đáp lại lời kêu gọi này hầu trở thành một Giáo hội hiệp hành: Hiệp thông, tham gia và sứ vụ.

Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 131 (Tháng 9 & 10 năm 2022)